Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồi Ký T. V. Giàu / HỒI KÝ TRẦN VĂN GIÀU (XVI)

HỒI KÝ TRẦN VĂN GIÀU (XVI)

- Trần Văn Giàu — published 21/02/2011 00:00, cập nhật lần cuối 27/02/2011 23:43
Từ ngày 2-9-1945 ở Sài Gòn tới quyết định ngu xuẩn của Hoàng Quốc Việt : giải tán Thanh niên Tiền phong.


HỒI KÝ
TRẦN VĂN GIÀU

(XVI)


Phần thứ năm


TỔNG KHỞI NGHĨA THÀNH CÔNG :

KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP BẮT ĐẦU


12. Ngày 2 tháng 9 :
Máu đồng bào bắt đầu chảy ở Sài Gòn


Ngay từ hôm 20 tháng 8, từ Paris, qua làn sóng vô tuyến điện De Gaulle nói với Pháp kiều ở Đông Dương rằng y đã gửi tuần dương hạm Richelieu sang Viễn Đông, tàu đó đang ở đảo Ceylan đợi lệnh nhổ neo đi Sài Gòn. De Gaulle nói : “ Tôi khuyên các người hãy bình tĩnh đợi cơ hội thuận tiện ”.

Rõ ràng Paris khuyến khích bọn thực dân Pháp ở Đông Dương chuẩn bị hưởng ứng hành động quân sự của Pháp trên xứ thuộc địa cũ này. Chắc De Gaulle cũng có ý đe doạ ta đó. Chúng chuẩn bị xâm lăng thực sự cả ở Nam, rồi Bắc, Trung.

Ngày 27 tháng 8, chiến hạm Greysac đổ quân lên đảo Cát Bà.

Ngày 31 tháng 8, Pháp nhảy dù xuống Phan Thiết, ta bắt và giết 7 tên nhảy dù.

Từ ngày 25 tháng 8 đến cuối tháng, chúng tôi ở Sài Gòn tuy chưa được trực tiếp với một phái viên chính phủ ta từ Hà Nội vô, chưa có mật mã với chính phủ Trung ương nhưng chúng tôi đã được hướng dẫn bởi đài phát thanh Hà Nội. Vì vậy, theo chỉ thị chung, chúng tôi ráo riết chuẩn bị ngày lễ độc lập 2 tháng 9.

Tôi được biết khá sớm, sớm hơn 24, 25 (ngày khởi nghĩa Sài Gòn) rằng Thanh niên Tiền phong ở Tây Ninh bắt được ba thằng tây nhảy dù rồi giao cho nhà chức trách địa phương, nhà chức trách địa phương giao cho Nhật, Nhật đưa cả ba đứa về Sài Gòn ngày 22 tháng 8 và cho ở tử tế trong một cái nhà nhỏ bên cạnh phủ Toàn quyền. (Sau này, mới hay rằng thằng cầm đầu toán lính nhảy dù đó là đại tá Cédile 1, rời Calcutta (Ấn Độ) một lượt với Messmer 2. (Messmer nhảy dù xuống Bắc Bộ). Bọn Cédile đã tận mắt chứng kiến cuộc biểu tình khởi nghĩa sáng 25 tháng 8 ở Sài Gòn. Mấy hôm rày tôi liên tiếp được báo cáo rằng thanh niên ta đã bắt được bọn Pháp nhảy dù ở Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hoà. Chắc có một số nào trốn thoát về Sài Gòn. Tiền quân của quân Anh, Ấn (trong đó chắc có Pháp) đã đáp xuống Tân Sơn Nhứt, nghe đâu có cả mấy sĩ quan tình báo Mỹ tới nữa. Quân Anh nói với quân Nhật thả một số tù binh Pháp. Thực thà mà nói, tôi không đoán được trước là ngày 2 tháng 9 tụi Pháp sẽ có âm mưu khiêu khích cách nào đây ; điều chắc chắn nhất là Anh sẽ ủng hộ Pháp trở lại Đông Dương, vì, nếu Pháp mất Đông Dương, thì Anh sao khỏi mất Ấn Độ, Miến Điện, Ceylan. Tụi thực dân ủng hộ nhau là tất nhiên, Anh phải giúp Pháp chiếm nước ta một lần nữa. Ngoại giao, thương thuyết với những tên “ Đồng minh ” thực dân Anh này chắc hẳn không đi tới đâu, có chăng, theo dự kiến của Thạch, ta sẽ ra sức lợi dụng mâu thuẫn giữa Anh, Pháp một bên và Mỹ, Tàu một bên. Sau 25 tháng 8, Cédile (nói là đại diện cho De Gaulle) có đến tìm Thạch, tôi và mở một thứ nói chuyện “ vào đề ”. Báo Sài Gòn thuật : Chiều ngày 30 tháng 8, Chủ tịch Lâm uỷ hành chánh Nam Bộ là ông Trần Văn Giàu có triệu tập một cuộc họp báo chí tại dinh hành chánh. Sau khi nói về tổ chức Dân quân cách mạng, ông Giàu cho biết : có đại biểu của De Gaulle nhảy dù xuống Sài Gòn, yêu cầu nói chuyện với Uỷ ban hành chánh. Về việc này, ông Giàu tuyên bố : Chúng tôi sẵn sàng tiếp chuyện nếu đại biểu của De Gaulle chịu sự thương thuyết trên cơ sở Pháp thừa nhận Việt Nam hoàn toàn độc lập. Nhưng, nếu đại biểu của De Gaulle đặt sự bàn bạc trên cơ sở khác (Pháp trở lại Đông Dương), thì chúng tôi xin nhường cho súng đạn trả lời . Rồi không hiểu nghĩ sao, ông Chủ tịch kiêm uỷ trưởng quân sự Trần Văn Giàu tuyên bố một câu để chấm dứt cuộc họp :Nếu một phần đất nào của Việt Nam bị mất thì chúng ta phải dùng máu của chúng ta mà đặt lại vấn đề Việt Nam trên tấm thảm xanh quốc tế ”. (Trần Tấn Quốc, Sài Gòn Septembre 45).

tvg

Trần Văn Giàu ứng khẩu trên lễ đài 2-9-1945 (khẩu hiệu ở dưới : Độc lập hay là chết !)

Cũng vì bọn Anh-Pháp-Mỹ đã bắt đầu có mặt ở Sài Gòn cho nên cuộc biểu tình ngày 2 tháng 9 chẳng những là nhằm để cho đồng bào ta tuyên thệ ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh, tuyên thệ trung thành với độc lập dân tộc, chống mọi cuộc xâm lăng, mà còn nhằm để cho các nước đồng minh Anh, Mỹ, Tàu, Nga thấy rằng tất cả dân tộc Việt Nam cùng một lòng, ai đụng tới độc lập của chúng tôi thì sẽ vấp phải sức chống trả của 25 triệu đồng bào Việt Nam. Cho nên, một mặt cả thành phố treo cờ Đồng Minh chiến thắng, cờ đỏ sao vàng chính giữa, bốn cờ Anh, Mỹ, Tàu, Liên Xô hai bên, mặt khác khẩu hiệu nổi bật nhất viết bằng năm chữ là : “ Độc lập hay là chết ! ”.

(Cũng có lúc người ta nói “ Độc lập hay là chết3 là do cách mạng Cuba khởi xướng. Đúng là sau này Cuba đã nêu cao khẩu hiệu “ Độc lập hay là chết ” . Nhưng khẩu hiệu ấy thì nhân dân Việt Nam ở Sài Gòn Nam Bộ đã nêu ra từ ngày 2 tháng 9 năm 1945. Một khẩu hiệu rất tiêu biểu).

doclap

Tuần hành ở Hà Nội dưới khẩu hiệu
Độc lập hay là chết !

Nơi tập trung đồng bào kỳ này cũng lấy đại lộ Norodom 4 là chính (nay đổi tên là đại lộ Cộng Hoà), với đường Blansubé và tất cả các đại lộ Thủ Khoa Huân (Charner), Phan Bội Châu (Bonard). Số người biểu tình sẽ bằng hay đông hơn sáng 25 tháng 8 – nhưng lần này, biểu tình không có vũ trang của quần chúng, chỉ có vũ trang của quân đội, dân quân, tự vệ, công an cảnh sát. Ngày trước (tức mùng 1 tháng 9) tôi có mời họp báo bất thường để cho các báo rõ mục đích của ngày 2 tháng 9 và vài đặc điểm của ngày 2 tháng 9 ở Sài Gòn. Tôi lưu ý các báo đến chỗ cuộc biểu tình ngày 2 tháng 9 thì quần chúng không có vũ trang như ngày 25 tháng 8 vừa qua, nhưng băng cờ nhiều hơn và các khẩu hiệu đều thống nhất, phải giữ trật tự không làm gì rối trật tự, đề phòng khiêu khích của địch và tay sai; có khiêu khích thì ta sẽ đối phó theo sự chỉ huy chung đừng để rối loạn, lại lưu ý tới điều này nữa là lực lượng dân quân cách mạng được biểu diễn không phải là quân chính quy đâu mà mong có quân phục tử tế, vũ khí tân thời và đầy đủ ; dân quân là dân quân, “ y phục đủ thứ, võ khí thô sơ là phần nhiều ”, nhưng phải hiểu rằng sức mạnh của ta không phải ở vũ khí và y phục “ lực lượng vô sản của chúng ta chính là sự đoàn kết toàn dân và lòng hy sinh của các chiến sĩ cho Tổ quốc ”. Nhà báo Trần Tấn Quốc còn ghi được những lời ấy và nhà báo này không quên nhắc lại mấy trang lịch sử cách mạng thế giới vẻ vang hết sức mà chiến sĩ có công nhất là những anh “ quần đùi, áo rách ”, Âu, Á, Phi châu đều có nhiều tỷ dụ như vậy.

Mục đích chính của cuộc biểu tình ngày 2 tháng 9 là nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hà Nội đọc Tuyên ngôn độc lập. Rồi toàn thể dân biểu tình ở Sài Gòn (cũng như ở các thị xã khác toàn Nam Bộ), sẽ cùng một lúc làm lễ tuyên thệ. Cho nên, nhờ có thời gian khá rộng, chúng tôi đã đặt vô tuyến truyền thanh khắp nơi, nhất là ở đại lộ Cộng Hoà và các đại lộ, yên trí chờ 2 giờ chiều thì bắt đầu.

Tập hợp đông vượt quá mức dự định. Cả thành phố rực rỡ cờ băng. Giờ khai mạc đến. Chào cờ. Quân nhạc cử Quốc tế ca và Thanh niên hành khúc. Nhà báo Trần Tấn Quốc trong sách Sài Gòn Septembre 1945 (sách in tại Sài Gòn năm 1947), còn ghi lại :

Tại khoảng đại lộ Cộng Hoà, tại đường Blansubé, chung quanh Nhà thờ lớn, các đoàn thể dân chúng đứng có trật tự theo bốn sư đoàn dân quân cách mạng.

Ta hãy thú thật và nói thẳng ra những gì rạo rực trong lòng ta lúc bấy giờ, trong giờ phút này. Ta có cảm động chăng và có cảm tình gì trong khi ta thấy y phục của dân quân toàn là quần đùi, áo ngắn, người mang giày, người chân không, võ khí thì từ liên thanh nhẹ đến súng hai lòng, từ trường kiếm đến dao găm, trong hàng ngũ ấy có những bạn phóng túng của ta ngày hôm qua, có những cậu thanh niên ở lối xóm, có những nhà buôn vừa giã từ thị trường, có những “con ông cháu cha” của thời trước ”.

 

Dân quân cách mạng Sài Gòn khi ấy đại khái là như vậy đó. Nhưng Trần Tấn Quốc không ghi lại hình ảnh hơn vài ngàn quân chính quy mà gần phân nửa mới tuyển từ Tổng Công đoàn và Thanh niên Tiền phong đi đầu có hàng ngũ chỉnh tề, súng ống khá đủ, quân phục kể cũng tử tế. Mới năm ba ngày tổ chức làm sao mà tốt được ? Và đâu có đưa ra biểu diễn hết đâu ?

Đúng giờ, cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, chờ mãi mà không nghe gì. Chờ hơi lâu sốt ruột, đâu đó quần chúng hét lên : “ Nó phá rồi ! Nó phá rồi ! ”. (Sau này mới biết rằng hôm ấy đài Hà Nội không phát sóng được). Anh em Xứ uỷ và Uỷ ban hành chánh có mặt trên lễ đài bảo tôi phải nói thay thì mới trấn an quần chúng được. Tôi vạch mấy đầu dòng và ứng khẩu nói (truyền thanh của thành phố hôm ấy rất tốt). Bài nói được các nhà báo tốc ký và đăng trên các báo Sài Gòn, Điện Tín, sáng hôm sau :

Hỡi quốc dân !

Hỡi đồng bào tận tâm cứu nước !

Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập.

Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước dân chủ cộng hoà.

Việt Nam đương tiến bước trên đường sống, sống danh dự với toàn cầu.

Hôm nay, tuân theo mạng lệnh của chánh phủ trung ương do đồng chí Hồ Chí Minh lãnh đạo, chúng ta làm lễ độc lập, mừng thắng lợi của cách mạng trên cả nước Việt Nam.

Hôm nay, một lần nữa, chúng ta biểu thị cho Đồng minh và cho thế giới, cho bè bạn và cho kẻ thù thấy ý chí của tất cả đồng bào kiên quyết bảo vệ tới cùng quyền độc lập và nền dân chủ của chúng ta.

Mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi.

Biểu thị ý chí độc lập, nhưng đồng bào chớ lầm tưởng rằng bấy nhiêu lực lượng phô trương ở đây là đủ.

Còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

Cần phải cần lao, trọng kỷ luật, kỷ luật nghiêm mật hơn nữa.

Bởi vì Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan ; không khéo lo, nước ta, dân ta, có thể bị tròng lại ách nô lệ.

Bên trong

Một số kẻ phản quốc đương tập hợp lại để làm hậu thuẫn cho quân địch. Chúng nó sẽ bị toà án nhân dân trừng trị thẳng tay. Phải trừng trị thẳng tay bọn mãi quốc cầu vinh, những bọn gây rối cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, gây rối để tạo cho quân địch một cơ hội xâm lăng đất Việt Nam lần nữa.

Bên ngoài

Kẻ địch toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào ta. Họ nhảy dù ở Tây Ninh, Biên Hoà. Họ từ Lào đem quân sang. Họ đã bị bắt, bị đánh lùi. Nhưng họ chưa chịu đứng yên đâu. Chúng tôi đã nắm được bằng cớ chắc chắn là họ toan dùng võ lực, thình lình lật đổ chính phủ dân chủ cộng hoà để đặt lại một quan toàn quyền như thuở trước.

Đồng bào !

Ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không ?

– Không ! Không !

Có ai chịu bó tay để cho chế độ thực dân ra mặt hay giấu mặt trở lại không ?

– Không ! Không !

Thì chúng ta hãy thề cương quyết đứng bên cạnh chánh phủ chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng.

Hỡi các dân tộc trên thế giới đã chiến đấu cho nhân quyền và dân chủ, chống độc tài và phát xít ! Dân tộc Việt Nam có quyền sống độc lập, tự do. Độc lập, tự do của chúng tôi không trái với độc lập tự do của bất cứ dân tộc nào khác. Anh, Nga, Mỹ đã chịu đổ máu. Nhờ sự đổ máu đó, nước Pháp mới được giải phóng, thì có lý do gì, nhờ máu của các bạn mà nước Pháp lại tròng ách nô lệ lên nước Việt Nam đã tự giải phóng rồi bằng cuộc chiến đấu chống phát xít bên cạnh Đồng minh ?

Từ cựu hoàng đế Bảo Đại đến hàng cùng dân, đồng bào chúng tôi đều chán cái ách nô lệ, đều quyết hy sinh cho độc lập tự do của đất nước Việt Nam.

Chúng tôi không bạo ngược, không khiêu khích. Chúng tôi ôn hoà. Chúng tôi bảo vệ sanh mạng, tài sản của người ngoại quốc. Chúng tôi sẵn sàng kết dây thân ái với bất cứ một nước nào trên hoàn vũ miễn nước ấy thừa nhận quyền sống tự do độc lập của dân tộc Việt Nam.

Hỡi người Pháp !

Các người chớ tưởng tượng rằng dân chúng xứ này trìu mến chế độ thực dân.

Chúng tôi không chịu ách Nhật. Chúng tôi cực lực phản đối ách Pháp cho dầu ách ấy có sơn son phết vàng đi nữa.

Việt Nam dân chủ cộng hoà sẵn sàng ký kết với Cộng hoà Pháp những hiệp ước cộng tác về kinh tế, văn hoá, luôn binh bị nữa, nếu Pháp công khai thừa nhận quyền độc lập của nước chúng tôi.

Nhược bằng các người kể chúng tôi như tôi mọi, thì, liên hiệp với dân chúng Pháp, chúng tôi thề chết, không nhượng bộ trước bất cứ một sự hăm doạ hay khiêu khích nào.

Quốc dân ! Hãy sẵn sàng chiến đấu !

Đồng bào ! Hễ gặp dịp thì hiến thân cho nước !

Quét sạch những đồ phản quốc, quét sạch thực dân cầm quyền !

Anh em, chị em ! Trong lúc phái bộ Đồng minh đến xứ ta, anh em, chị em ta chớ để mất thanh danh của một dân tộc đã từng sống vẻ vang.

Đứng lên !

Độc lập, tự do bắt đầu từ nay !

Tiến lên ! Vì độc lập tự do !

Tiến tới mãi ! Không một thành luỹ nào ngăn cản nổi ý chí của muôn dân trên đường giải phóng ”.

 

Bài nói ứng khẩu của tôi dầu được hoan nghênh tới đâu nữa làm sao mà thay cho bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kế tôi thì Phạm Ngọc Thạch, thay mặt chính phủ long trọng tuyên thệ trước quốc dân :

  • Cương quyết lãnh đạo đồng bào giữ gìn đất nước !

  • Vượt qua tất cả khó khăn, nguy hiểm xây đắp nền độc lập hoàn toàn cho Việt Nam.

Sau Thạch là Nguyễn Lưu, một người lãnh đạo Tổng Công đoàn Nam Bộ, đọc lời thề của nhân dân :

Chúng tôi, toàn thể nhân dân Việt Nam xin kiên quyết một lòng ủng hộ chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu người pháp đến xâm lược Việt Nam một lần nữa thì chúng tôi quyết :

– Không đi lính cho Pháp.

– Không làm việc cho Pháp.

– Không bán lương thực cho Pháp.

– Không dẫn đường cho Pháp.

Xin thề ! ”.

 

Một triệu người hô to : Xin thề ! Xin thề ! Nắm tay đưa lên. Dàn quân nhạc nổi lên trong tiếng reo hò vang dội của hàng chục vạn người như một tiếng sấm động kéo dài từ đầu chí cuối đại lộ Cộng hoà một biển người.

Cuộc biểu tình tuần hành bắt đầu thì, thình lình từ gara Jean Comte trước lễ đài, từ nhiều nhà tư nhân và cha cố Pháp xung quanh nhà thờ, súng nổ vang, bọn thực dân Pháp núp sau các cửa hé mở bắn xuống dân chúng biểu tình dưới phố. Sách của Trần Tấn Quốc còn ghi :

Sau bài diễn văn của ông Trần Văn Giàu, cuộc diễn hành khởi sự. Từ đại lộ Cộng hoà, một tốp đổ xuống đường Ba Lê Công xã (tức Catinat), một tốp quẹo ra đường Yersin (tức Taberd 5) đi có trật tự dưới những biểu ngữ giăng ngang đường viết bằng các thứ chữ: Anh, Mỹ, Nga, Tàu và Việt :

– “ Độc lập hay là chết ! ”.

– “ L’Indépendance ou la mort ! ”.

–  “ Independence or death ! ”

–  “ Việt Nam dân chủ cộng hoà muôn năm ! ”.

–  “ Đả đảo thực dân Pháp ! ”.

Thình lình súng nổ, nổ trước nhà thờ Đức Bà, nổ trước hãng Jean Comte, và chập sau tiếng nổ đều trong vùng trung tâm thành phố.

Trời đương nắng bỗng sầm tối, mây đen vần vũ, mưa lấm tấm rơi ”.

 

Các đoàn biểu tình tiếp tục đi theo kế hoạch đã định sẵn còn tôi theo ở luôn tại lễ đài để chỉ huy cuộc đàn áp các ổ khiêu khích quân đội, tự vệ, công nhân và thanh niên đã xông lên từng nhà có súng nổ tịch thu súng đạn, bắt bọn bắn lén. Lệnh chung là “ bắt mà không giết ”. Tất nhiên là trong cơn xung đột lớn, có một số người chết, nhiều người bị thương. Nhiều cuộc xung đột ngoài đường và nhiều người Pháp bị bắt. Đến chiều gần tối thì bọn khiêu khích đều bị đàn áp hết, đầu đuôi mất hơn vài ba giờ chiến đấu, kẻ khiêu khích ở trong nhà cố thủ, nên ta phải chịu tốn ít nhiều công sức, kể cả sinh mạng, đặc biệt của công nhân xung phong và thanh niên tự vệ. Bên phiá ta 47 người chết và bị thương kể luôn đồng bào đi biểu tình ; phía Pháp có một số người chết, ít hơn ta, bị thương, non già 1.000 người Pháp bị bắt nhốt ở một số trường học và bót cảnh sát 6.

Trong lúc tôi lo việc trấn áp bọn khiêu khích thì Phạm Ngọc Thạch đi gặp các người có trách nhiệm phía Nhật, Anh, gặp cả thiếu tá Dewey (Mỹ) ở nhà hàng Continental để trình bày nguyên nhân và diễn biến cuộc xung đột mà kẻ chịu trách nhiệm gây ra là bọn thực dân Pháp, chúng muốn có xô xát, đổ máu, và nếu có đổ máu của người Anh thì càng tốt, để chúng có cớ hô lên rằng “Việt Minh không giữ nổi trật tự, buộc quân Anh phải sớm can thiệp bằng cách cướp vũ khí của những người yêu nước Việt Nam ở thành phố Sài Gòn”.

Nội chiều tối ngày 2 tháng 9, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Trấn, Huỳnh Văn Tiểng và một số đồng chí khác đi đến các nơi giam Pháp kiều, cho họ về nhà, về trại. Theo lời Tiểng kể lại với tôi đêm đó thì các ông Tây, bà đầm bị dân quân tự vệ bắt giam đều lo sợ quá chừng, họ khóc, họ lạy, họ cứ tưởng đâu là đã vào tay cái đám dân thuộc địa này thì sẽ bị trả thù, bị đánh đập, giết chết. Họ van xin thảm thiết và mừng quýnh quáng khi được tha về với lời chúc ngủ ngon giấc bằng tiếng Pháp. Còn Anh, Nhật thoả thuận (lỗ miệng) là từ nay không cho bọn Pháp ra đường mang vũ khí.

Bọn tôi không vội mừng. Dàn xếp này chỉ là tạm khi quân Anh, quân Pháp còn ít. Chắc hẳn sẽ còn khiêu khích nữa lớn hơn. Không thể có ổn định. Nhưng bọn tôi không hốt hoảng chút nào, mà bình tĩnh đối phó với một tình hình mỗi ngày thêm căng thẳng. Ngày 4 tháng 9, chúng tôi yêu cầu đồng bào Sài Gòn, nhất là người già và trẻ em, hãy về quê bớt đi càng sớm càng tốt. Trên trời Sài Gòn lúc này, mỗi ngày có máy bay của Anh rải truyền đơn, gây hoang mang trong một phần dân chúng.

Giữa lúc công việc bề bộn, khó khăn thêm, thì anh Hoàng Quốc Việt và anh Cao Hồng Lãnh, đại diện của Trung ương Đảng và của Tổng bộ Việt Minh vào tới Sài Gòn. Tôi mừng quá. Từ mấy năm nay, bọn tôi làm “ mò ”. Nay anh Ung Văn Khiêm (đi hội nghị Tân Trào) về tới với hai đồng chí Việt, Lãnh, thì còn có viện trợ chính trị nào quý hơn nữa ? Tôi nghĩ như vậy. Tôi ghé tai hỏi nhỏ Khiêm, vậy chớ ông Hồ Chí Minh là ai, có phải là Nguyễn Ái Quốc không ? Khiêm cười đáp : phải, đúng là Nguyễn Ái Quốc. Mừng hết lớn ! Trong lúc đó thì anh Việt bực một chuyện cũng đáng bực thật : khi xe anh Việt qua Xuân Lộc thì anh em ở đó có gởi lên xe hai thằng Tây nhảy dù mới bị ta bắt. Tới Sài Gòn, xe ghé Khám Lớn bỏ hai thằng Tây xuống. Việc làm như vậy, tiện thì có tiện thật mà lễ thì trái lễ. Anh Việt phiền cũng phải lắm chớ !


13. Thực dân Anh, Pháp ngày càng lấn lướt


(1) Anh thả lính Pháp lâu nay bị Nhật bắt giam ở Nam Kỳ

 

Từ Hà Nội, tin ngày 5 tháng 9, cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa ra tuyên bố hiệu triệu :

Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân đồng minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng kiên quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa.

Hỡi đồng bào !

Hiện một số quân Pháp đã lọt vào nước ta.

Đồng bào hãy sẵn sàng đợi lệnh của chính phủ chiến đấu ”.

 

Ở Sài Gòn thì quân Pháp mặc quân phục Anh, rất khó phân biệt Pháp hay Anh ; mà có phân biệt được đi nữa, bọn tôi cũng không có cách nào ngăn cản. Quốc sách của Anh đế quốc thực dân là ủng hộ Pháp thực dân đế quốc. Trong mắt chúng, Pháp có trở lại thống trị Việt Nam - Đông Dương thì Anh mới trở lại làm chủ Miến Điện và giữ Ấn Độ được.

Thực ra thì chính phủ Paris đang chuẩn bị quân, tàu cho đủ số, còn ở Sài Gòn thì sẵn có nhiều ngàn lính Pháp lâu nay bị quân Nhật bắt giam từ 9 tháng 3, bây giờ chỉ cần Anh bảo Nhật thả bọn này (và Anh đã bảo) thì Pháp liền có mười mấy ngàn quân Pháp bấy lâu nay như chó sói ở trong lồng, bây giờ lần lượt được sổ lồng thì chúng rất hùng hổ, đi nghênh ngang trên đường Công xã Paris (Catinat), khiêu khích, thoi đá vào người Việt Nam. Về ngoại giao, anh Thạch đến bọn Anh để phản đối việc thả lính Pháp ra làm lộng. Về phần riêng tôi, thì tôi nhờ Tiểng chọn non già 100 Thanh niên Tiền phong cao trên 1m65, nặng trên 60 ký lô, có võ ta, mặc thường phục, tay không, cũng đi dạo trong vùng trung tâm thành phố, đặc biệt là đường Công xã Paris, đường Thủ Khoa Huân, đường Phan Bội Châu (Boulevard Charner, Boulevard Bonard cũ) hễ khi nào gặp tụi Pháp đánh đá đồng bào mình thì nhảy vào bênh, cho tụi Tây một vài miếng hiểm. Rồi cảnh sát ta can thiệp giải hoà. (Nhân dân xem đấu võ cũng sướng mắt). Trung tâm Sài Gòn náo động luôn.

Tất nhiên chúng tôi phải đề phòng cái khả năng (mà không chỉ là khả năng) mấy ngàn quân Pháp được ra khỏi trại giam, ngày nào đó, chắc là gần đây thôi sẽ được vũ trang bằng các loại súng, và khi viện binh Pháp tới Sài Gòn thì chắc không phải chỉ có những cuộc đấu quyền trước Continental, Majestic nữa đâu.


(2) Anh đòi giải tán dân quân, đòi ta nộp vũ khí

  

Ngày 5 hay 6 tháng 9 (tôi không nhớ rõ), quân Anh ra lệnh cho quân Nhật yêu cầu ta phải :

- Giải tán dân quân.

- Nộp vũ khí của dân quân.

- Cấm biểu tình không xin phép trước với nhà đương cuộc Nhật.

- Cấm thường dân giữ và mang vũ khí (gồm cả dao, gậy).

- Cấm mọi thứ hoạt động phá rối trị an.

 

Như vậy, quân Anh (và quân Pháp) trước khi có đủ lực lượng để đàn áp ta, thì toan sử dụng quân Nhật để làm việc ấy. Quân Nhật đã đầu hàng rồi thì theo thể thức đầu hàng, phải chịu sự sai khiến của kẻ chiến thắng (là Anh).

Bọn tôi tất nhiên là phải tìm cách đối phó ; mà đối phó thì cũng không phải khó khăn gì lắm, vì thứ nhất quân Nhật bị động và thờ ơ với lệnh của Anh, thứ hai là bọn Anh, Pháp chỉ quanh quẩn trung tâm Sài Gòn, không dám đi đâu xa. Cho nên, tụi nó nói giải tán dân quân, đăng báo, rải truyền đơn từ máy bay, nhưng mà dân quân thì cứ tồn tại và tăng cường thêm ; trước đây dân quân không có doanh trại nào ở trung tâm Sài Gòn ; bây giờ thì dân quân vẫn ở các khu dân cư đông, nhất là ngoại ô, ai dám động tới ? Lệnh của Nhật quả có ít nhiều ảnh hưởng đến các giáo phái : một số đơn vị Cao Đài Trần Quang Vinh tan dần như nước đá để ngoài gió ; vả lại, không còn được Nhật nuôi nữa thì họ sống sao được ? Nhiều nhóm quay về Thánh thất Tây Ninh, còn một số (không nhỏ) đóng ở Bà Chiểu, Tân Bình. Số quân Hoà Hảo thì về Hậu Giang, không phải vì lệnh giải tán của Nhật mà thôi, mà vì Hoà Hảo đang mưu đồ giành chính quyền của ta ở chín tỉnh miền Tây và họ đã công khai yêu cầu đồng chí Nguyễn Văn Tây (Thanh Sơn) trao quyền cho họ (lẽ tất nhiên là Nguyễn Văn Tây phản đối mạnh mẽ), cố thực hiện mưu đồ đó, Hoà Hảo đưa hết người của họ về miền Tây. Tôi có nói với Tiểng một câu tiếng Pháp : “ À quelque chose malheur est bon ”, mình khỏi mang tiếng giải tán các đơn vị quân sự hay bán quân sự của giáo phái. Rồi cùng thì, ngoài đơn vị của “Thiên bồng đại nguyên soái” Lê Kim Tỵ và “quân sư” Dương Văn Giáo, chỉ còn quân của đám “Huỳnh Long”, họ xin phép lên đóng ở một số vườn cao su Thủ Dầu Một, còn quân của Vũ Tam Anh, Lương Văn Tương thì lên đóng quân ở vùng Biên Hoà, quân của Nguyễn Hoà Hiệp thì rải một vòng cung từ Lái Thiêu xuống Đức Hoà. Trong Sài Gòn những lực lượng vũ trang đều là do bọn tôi trực tiếp nắm : Cộng hoà vệ binh, Quốc gia tự vệ cuộc, Công đoàn xung phong, Thanh niên tự vệ, Cảnh sát ; phần lớn lực lượng vũ trang được bố trí từ xa trung tâm thành phố nơi kẻ địch khó tới lui quan sát, khó tính tới việc tập kích hoặc tước vũ khí.

Như vậy, Nhật, Anh không “giải tán” được dân quân. Làm sao giải tán bằng mồm được ? Còn như cái đòi hỏi “nộp vũ khí” thì đưa đến kết quả là Nguyễn Văn Trấn với đại ca Nguyễn Thiện Hành gửi cho Nhật mấy chục cây súng mút hư hỏng và mấy trăm viên đạn lép mà ta còn trong kho hay vừa lặn mò mấy tuần nay dưới sông Sài Gòn; một ít súng một lòng, hai lòng đã rỉ ; nhiều nhất là gậy tầm vông non. Bọn Nhật, bọn Anh thừa biết là người Việt Nam đời nào chịu nộp vũ khí ? Vậy mà tụi Trốt-kít cứ đồn ầm lên rằng : phe Trần Văn Giàu khuất phục, nộp vũ khí cho Anh, Nhật mà không chịu võ trang cho quần chúng ! Cãi với họ là mắc mưu địch. Từ nay ta giữ vũ khí kín đáo hơn ở trong trung tâm thành phố, còn ở Gia Định - Chợ Lớn thì ngoài vòng quan sát của địch, ta muốn làm gì có ai ngăn trở được ta ?


(3) Anh chiếm trụ sở của Uỷ ban hành chánh Nam Bộ

 

Chiến thuật của Anh, Pháp là lấn dần. Theo con mắt của chúng thì hãy chiếm trụ sở của Uỷ ban Hành chánh Nam Bộ (dinh Thống đốc cũ 7), xem như là không thừa nhận chính quyền cách mạng ở Nam Bộ, xem như là tượng trưng giành lại cho Pháp chủ quyền ở Nam Bộ, làm như vậy là tạm đủ cho chính quyền cách mạng mất thanh thế trước nhân dân, nhưng về phần chúng ta thì không vì lẽ mất một trụ sở mà chính quyền cách mạng lại không kêu gọi kháng chiến được.

Cho nên, ngày 10 tháng 9, trung tá Roe (người Ấn) trao cho Uỷ ban hành chánh Nam Bộ một lá thơ, đại ý nói Uỷ ban của Quân đội Đồng minh đòi trưng dụng trụ sở của Uỷ ban Hành chánh Nam Bộ và nói sự trưng dụng đó “không có ý nghĩa chính trị”, mà chỉ là việc tạo “phương tiện cho phái bộ chúng tôi làm việc”.

Ý nghĩa chính trị của hành động lấn lướt này quá rõ, nhưng cần gì phải tranh luận về cái ý nghĩa đó với thực dân Anh ? Ta cần có thời gian để làm gấp rút một số việc phải làm để ứng phó với tình hình căng thẳng dữ.

Uỷ ban dời qua dinh Đốc lý thành phố, nơi đó Uỷ ban Hành chánh Nam Bộ đã được thành lập cách nay mới hai tuần thôi. Uỷ ban thông báo cho đồng bào Sài Gòn và Nam Bộ rõ như là để xin sự ủng hộ của đồng bào đối với việc ngoại giao vô cùng tế nhị.

“… Uỷ ban chúng tôi đã nhã nhặn đề nghị cho phái bộ Anh những dinh thự khác. Nhưng rốt cuộc, không cưỡng được, chúng tôi phải dời đi, có bộ phận về dinh Đốc lý như bữa đầu, có bộ phận dời chỗ khác…

Đứng trước cảnh ngộ khó khăn, và sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, chúng tôi kêu gọi quốc dân nên tỉnh trí, chớ nóng nảy mà hành động vô phương pháp. Đồng bào hãy xiết chặt hàng ngũ trong Việt Minh, xung quanh chánh phủ, đừng làm gì trái với mệnh lệnh của chánh phủ mình, hãy tin chắc rằng bao giờ chúng tôi cũng không quên quyền lợi tối cao của Tổ quốc là độc lập, tự do.

Một lần nữa, đồng bào hãy lặp lại lời thề của mình hôm 2 tháng 9 : “Chúng tôi toàn thể dân Việt Nam xin cương quyết một lòng ủng hộ chánh phủ lâm thời của Nước Cộng hoà dân chủ Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu người Pháp đến xâm lược lần nữa thì chúng tôi quyết: không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không đưa đường cho Pháp ”.

Một lần nữa, chúng tôi, Uỷ ban nhân dân lập lại lời thề : “ Cương quyết lãnh đạo quốc dân, giữ gìn đất nước, thực hiện chương trình Việt Minh, hy sinh vượt tất cả các nguy hiểm, cương quyết chống mọi mưu mô xâm lược, dù chết cũng cam lòng ”.

Nay quân đội Đồng minh đến, Uỷ ban Đồng minh đến.

Chúng ta hãy tỏ ra cho Đồng minh thấy rằng chúng ta là một dân tộc có kỷ luật, ham hoà bình, yêu tự do, chuộng cần lao, nhưng luôn luôn có thể chết để bênh vực độc lập và tự do cho Tổ quốc.

Chào mừng phái bộ Đồng minh !

Ta cứ tiến trên đường giải phóng ! ”.

 

Không phải tôi viết “ thông báo ” này, nếu tôi viết thì cái giọng sẽ khác một chút.

 

(4) Bọn thực dân Pháp treo cờ ở sân phủ toàn quyền và tập hợp hát Marseillaise dưới cột cờ

 

Theo lệnh của Anh, quân Nhật giao phủ Toàn quyền 8 cho Pháp. Bọn Cédile cho rằng chiếm phủ Toàn quyền là tượng trưng cho việc làm chủ lại Nam Kỳ, làm chủ lại Đông Dương.

Sau khi đã nhờ Anh chiếm lại dinh Thống đốc Nam Kỳ thì sáng 13 tháng 9, bọn Pháp long trọng tập hợp nhau trong phủ Toàn quyền cũ (trước do Nhật quản lý), ỏm tỏi hát Marseillaise và xấc xược kéo cờ tam sắc lên. Nhân dân đi đường dừng lại mỗi giây thêm đông, hò hét phản đối, đả đảo thực dân ; hàng trăm rồi hàng ngàn thanh niên kéo tới ; họ đã vo quần, cởi áo, nắm tay trên song rào sắt, chờ một tiếng hô là nhảy vô sân hạ cờ Pháp xuống. Trong lúc đó, có người báo cáo cho bọn tôi biết sự việc đang diễn ra ở đầu đại lộ Cộng hoà. Anh Thạch lập tức đi can thiệp với Anh, Nhật nói rằng bọn Pháp đang khiêu khích như vậy, nhân dân đang sôi nổi phản đối như vậy, chúng tôi đòi nhà đương cuộc Anh phải bắt Pháp phải hạ cờ ngay, bằng không, bằng chậm trễ, thì chính quyền nhân dân Việt Nam sẽ không chịu trách nhiệm về hậu quả của hành động khiêu khích.

Trong lúc Thạch đi thương thuyết thì chúng tôi phái mấy cán bộ ra tại chỗ để yêu cầu nhân dân, yêu cầu thanh niên bình tĩnh chờ kết quả của cuộc thương lượng của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, chờ lịnh của chúng tôi. Đồng thời, chúng tôi yêu cầu cấp tốc công đoàn và thanh niên hô hào đoàn viên của mình tới tham gia biểu tình thị uy đông hơn nữa, làm áp lực để buộc Pháp phải hạ cờ tam sắc.

Tụi Anh sợ lại gây ra đổ máu như là ngày 2 tháng 9. Lúc này, Anh, Pháp chưa đủ chuẩn bị, vả lại hình như là bọn Pháp cứ làm liều mà không cho Anh hay trước. Cho nên Anh yêu cầu Pháp hạ cờ.

Lúc ấy tôi suy tính, nếu Pháp không chịu hạ cờ thì phải làm sao đây ? Chịu để cho cờ Tây bay giữa Sài Gòn hay sao ? Đồng ý hay làm ngơ cho thanh niên hàng ngàn người xông vào hạ cờ tây, thì sao khỏi đổ máu tại sân cờ rồi ai ngăn nổi cuộc đổ máu trên toàn bộ trung tâm Sài Gòn mà lúc này mình chưa có chủ trương, chưa có thể kiểm soát tình hình nếu xung đột lớn nổ ra ? Cờ Tây treo lên mà mình bảo thanh niên bó tay thì mình còn nói cho ai nghe nữa ? Khó lắm ! Khó tính lắm ! Tốt hơn hết là tiếp tục khua thêm hàng vạn đồng bào cấp tốc đến bao vây dinh Toàn quyền, hò hét phản đối để làm áp lực. Khi ấy, tôi cũng nghĩ rằng, nếu Pháp không nhượng bộ kéo cờ xuống thì, trong lúc Pháp chưa có đủ số quân để đánh ta, ta có thể chấp nhận một cuộc xung đột đổ máu hay không đổ máu mà Pháp chịu trách nhiệm hoàn toàn, không chối cãi vào đâu được, vả lại Pháp không được sự đồng ý của Anh. Ta hạ cờ Pháp xuống, chắc đổ máu ít nhiều nhưng lòng dân Sài Gòn sẽ ít nhiều thoả mãn và tinh thần chiến đấu của đồng bào sẽ lên cao. Nhưng, rốt cùng, khi ấy, Anh sợ trách nhiệm, yêu cầu Pháp hạ cờ. Khi ấy, đồng bào, số đông đã lên tới mấy vạn, từ từ giải tán, bình luận náo nhiệt về sự thắng lợi của mình. Báo Điện tín đăng bài tường thuật :

“… Thiên hạ bao quanh dinh Toàn quyền với tất cả hậm hực sôi nổi trong khi thấy lá cờ tam sắc thập thò nửa như muốn kéo lên, nửa như ngại ngùng không dám. Rốt cuộc, lá cờ đành phải lửng lơ lưng chừng rũ xuống không khác một lá cờ tang

Quần chúng tuy tức giận nhưng vẫn biết giữ kỹ luật, giữ trật tự để tránh cạm bẫy của bọn khiêu khích. Họ mím môi, nén giận chờ đợi cuộc thương thuyết ngoại giao của chánh phủ. Và, kết quả được đúng như mỗi người mong mỏi : cờ tam sắc bị triệt hạ hẳn chiều ngày 13.9.1945 ”.


(5) Đòi lấy lại quyền quản lý cảng tàu biển, sở Ba Son và kho thuốc đạn (Pyrotechnie)

 

Hồi khởi nghĩa, chúng ta đã chiếm phần lớn cảng Sài Gòn – phần cảng mà quân đội Nhật chiếm đóng, thì ta không đụng tới. Bây giờ, để chuẩn bị cho việc đổ bộ quân Pháp và cả cho việc bóc lột bằng thương mãi, Pháp xin Anh ra lệnh cho Nhật lấy lại quyền quản lý thương cảng, giao cho Pháp.

Cũng hồi khởi nghĩa, các xưởng Ba Son đều do công nhân ta chiếm và quản lý. Nay Pháp nhờ Anh chiếm lại cho để sửa chữa tàu chiến ọp ẹp của chúng sắp tới Sài Gòn.

Kho thuốc đạn ở đầu cầu Thị Nghè rất quan trọng về mặt quân sự. Trong đó còn nhiều thuốc súng, cùng nhiều đạn đại bác. Pháp muốn qua tay Anh bảo Nhật giao lại cho nó.

Chúng ta ở trong cái thế không thể nào đòi nắm quyền làm chủ, các nơi đó là những cơ sở quân sự mà Anh nói là có quyền buộc quân Nhật phải để nó tiếp quản. Cố giữ thì phải nổ súng với Anh, Ấn và quân Nhật, điều ấy chúng ta chưa muốn, chúng ta còn muốn kéo dài khả năng thương thuyết hoà bình. Nhưng không thể để kẻ địch trở lại một cách thắng lợi toàn vẹn. Bọn tôi chỉ thị cho Tổng Công đoàn cấp tốc gỡ và chở đi những máy móc, vật liệu gì có thể gỡ ra và chở đi được, đem ra các nơi an toàn xa thành phố để sau này xây dựng các binh công xưởng; đem đi đuợc những gì, bao nhiêu, thì tôi chưa được báo cáo. Anh Năm Ngô Văn Dãnh (Ba Son), Lý Văn Sâm (thương cảng) gặp tôi nhiều lần để tính việc lâu dài ; mà, thú thật, tuy tôi lo việc quân sự, nhưng tổ chức hậu cần phải thế nào, khi ấy tôi chưa có kế hoạch gì rõ ràng, cho nên cuộc phân tán máy móc và vật liệu khá lộn xộn. Dù sao thì mấy đồng chí bên Tổng Công đoàn đã bắt đầu nghĩ tới việc chuẩn bị một kế hoạch phá hoại rộng lớn, trong đó phá hoại nhà đèn Chợ Quán và kho đạn đầu cầu Thị Nghè ; anh em cùng với tôi đã tính rằng ngày nào Pháp chiếm Sài Gòn, chính quyền cách mạng rời khỏi thành phố thì tất cả các cơ sở kinh tế của Pháp sẽ phải ra tro hết. Đó không phải là một ý thoáng qua.


(6) Thực dân Pháp âm thầm mà gấp rút tổ chức lại bộ máy cai trị thuộc địa Nam Kỳ

 

Tôi được báo cáo của Trương Văn Giàu từ trại “Cộng hoà vệ binh” Chí Hoà, nói có hai thằng cò Tây trước kia chỉ huy ở đó có mò lên yêu cầu gặp những người quản cũ ; chúng bị cự tuyệt một cách không lấy gì làm “nhã nhặn” : “ Chúng tôi bây giờ thuộc quân đội của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, một nước độc lập, chúng tôi không có quyền tiếp các ông và cũng không muốn tiếp các ông ; các ông đừng tới đây nữa ! ”. Lúc này Trương Văn Giàu đã chuẩn bị để đưa số đông binh lính ra ngoài Phú Lâm, về Gò Công và Tân An, trước và sau sông Vàm Cỏ.

Như vậy là tụi Tây muốn tìm cách nắm lại lính khố xanh cũ.

Anh Nguyễn Văn Trấn, người trực tiếp phụ trách “Quốc gia tự vệ cuộc” cho biết là bọn Pháp đã đưa bác sĩ Nguyễn Văn Thinh và bác sĩ Nguyễn Văn Tung vào ở trong 11e RIC 9 (cơ binh thứ 11) và có bọn đốc phủ, hội đồng lén lút ra vào nơi đó.

Chắc là bọn Pháp đang lo sắp xếp bộ máy cai trị của chúng ở Nam Kỳ. Vừa rồi quân Anh (và quân Nhật) vào Khám Lớn giải thoát cho tên đốc phủ khát máu Nguyễn Văn Tâm. Tâm có thời được gọi là “ hùm xám Cai Lậy ” đàn áp nhân dân ác liệt lắm. Một số anh em trong đó có tôi, ngay sau khi cách mạng thành công định đưa hắn đi chầu Diêm Vương bằng cách lập ngay một phiên toà đặc biệt ở Cai Lậy gồm những thẩm phán là những nạn nhân của hắn trước kia. Nhưng một số anh em khác “ thấm nhuần pháp luật ” như anh Phạm Văn Bạch (thay tôi làm chủ tịch và được anh Việt ủng hộ) thì bảo rằng bây giờ ta đã nắm chính quyền rồi thì phải có toà án tử tế, vả lại ta đã chỉ định luật gia Trần Công Tường làm chưởng lý rồi thì để anh ấy liệu định. Chần chờ mấy hôm thì Tâm vuột khỏi tay của chúng ta (quân Anh vào Khám Lớn đưa Tâm ra) ; các đồng chí phê bình dữ quá, và phê bình dữ là phải ; Thinh, Tung, Tâm nhập bọn với nhau. Nguy cơ bù nhìn thấy rõ.

Các anh em bên “Quốc gia tự vệ cuộc” rất cảnh giác, cho nên từ sau 25 tháng 8, đã gấp rút lấy cả ngàn nhân viên mới từ đảng viên, đoàn viên từ công nhân, nông dân trong tổ chức của ta đồng thời “quét” bọn mật thám gian ác cũ ra, mà Pháp đang ra sức tập hợp lại.


(7) Tụi Pháp toan “bắt cóc” hay ám sát người phụ trách

  

Trước khi tụi Anh chiếm trụ sở Uỷ ban Hành chánh (dinh Thống đốc cũ) thì Huỳnh Văn Tiểng, tôi (và vài anh em uỷ viên nữa) ngủ tại trụ sở, trên lầu, trong một cái “lồng” lưới sắt, cái lồng ấy ở giữa một phòng rất lớn. Như vậy, giường không cần mùng, nhưng nằm mà chưa ngủ thì có cảm giác nằm trong một cái quan tài bằng lưới sắt. Trong ngoài trụ sở có canh gác tử tế. Tôi cũng có khi trốn điện thoại vì quá mệt, về ngủ ở nhà in Nguyễn Phú Hữu, gần Chợ Mới. Nhưng từ khi Anh chiếm trụ sở Uỷ ban thì anh Khảm người cầm đầu hội Cao Đài cứu quốc bấy giờ là chánh văn phòng uỷ ban, đưa tôi về ở một cái villa trệt ở đường Chasseloup Laubat 10, nhà này cũng có canh gác tử tế. Tôi hay làm việc khuya. Tôi có ý bảo anh em bảo vệ giúp đẩy bàn giấy của tôi vào một góc, tôi ngồi xoay lưng vào tường, vào góc, để chỉ đối phó có một mặt nếu bị tiến công thình lình, khỏi phải giữ lưng, giữ hông. Trên bàn, bao giờ cũng có cây súng lục “bắn ghen” cán bạc mà Thạch đã trao cho tôi (nói rằng đó là súng tiếp thu của Thống chế Nhật Terauchi) lên đạn sẵn. Đêm thứ hai (hay thứ ba) về ở nhà này, tôi viết lách đến mười giờ hơn bỗng thấy một cánh cửa sổ từ từ mở, như có gió, mà trời thì yên tịnh, lắc rắc mấy hạt mưa trên mái nhà, tôi lại thấy hai bàn tay trắng nhiều lông níu vào khuôn cửa sổ. Tôi chụp khẩu 6/35, nổ mấy phát và la lên : “ Có gian ! ”. Tự vệ chạy tới thì hai thằng Tây vừa tót qua vườn nhà bên cạnh. Cả đêm không ngủ, sáng hôm sau hỏi anh Khảm coi hai nhà bên là của ai thì hoá ra anh Khảm cũng không biết rõ, còn tôi thì cả tin vào tính cẩn thận của anh Khảm, thế mới chết !

Như vậy là tụi Pháp hoặc toan bắt sống tôi, hoặc toan ám sát tôi (chúng sẽ còn tiếp tục cái âm mưu này).

Tôi liền cùng với Tiểng (và anh em trong ban tham mưu) đi vào ở trong Chợ Lớn, một đường nhỏ, đường Ngô Quyền, gần trường Đại học Y Dược ngày nay. Khu vực này chỉ có người Việt và người Tàu. Đi, về xa hơn, nhưng ăn, ở thì an toàn hơn.


14. Nội bộ nhân dân càng lúc càng có cơ chia rẽ


Sự chia rẽ này, hãy nói ngay, một mặt do mâu thuẫn xã hội vốn có, mặt khác do thực dân, tìm cách kích lên.


(1) Biểu tình của nhóm Trốt-kít tổ chức trước Chợ Mới đòi “võ trang quần chúng”

 

Từ cuối 1939 (khi chiến tranh bắt đầu) cho đến giữa năm 1945, Sài Gòn chẳng thấy Trốt-kít ở đâu hết. Như mấy con ếch mùa khô, họ rút sâu dưới những hang cua. Mưa xuống, ruộng có chút ít nước, thì mới nghe tiếng huệch huệch ; bọn Trốt-kít mới xuất hiện hồi tháng 7, tháng 8, khi Pháp đã bị Nhật đảo chánh mấy tháng rồi, khi Nhật sắp đầu hàng và khi cách mạng Việt Nam sắp thành công. Ở Sài Gòn, người ta thấy từ khi Nhật đảo chánh, mấy ông Trốt-kít như Huỳnh Văn Phương, Hồ Vĩnh Ký vào làm chánh phó sở mật thám Nam Kỳ. Nói cho chí đáng, nắm sở mật thám, họ không bắt bọn tôi, cũng không cản trở gì hết tuy họ biết tụi tôi hoạt động ngày càng mạnh. Họ biết anh Thạch làm việc với Đảng Cộng sản mà không nghe nói họ có kẻ vạch gì. Tiểng báo lại rằng, Phương nhắn nói “mấy anh làm gì thì làm, đừng lo sợ đàng này”. Nghe thì nghe vậy, tôi biết rằng Ký, Phương đã tích trữ một số vũ khí đáng kể từ khi có tin Nhật sắp đầu hàng và khi có tin ta sắp giành chính quyền. Sau ngày 25 tháng 8, một số vũ khí đó chuyển từ nhà Ký đi nơi khác, anh em tự vệ theo dõi sát, thì bà Sương vợ ông Ký, vốn là bạn thân của Thạch, đến Thạch, kêu là anh Giàu cho người canh nhà vợ chồng Ký không biết để làm gì. Thạch cự nự với tôi ngay trước mặt bà Sương. Tôi bèn giơ telephone kêu bên Trấn, hỏi:

– Các anh có canh nhà ông Ký, bà Sương không ?

– Có !

– Vì lẽ gì ?

– Họ đang di chuyển súng đạn mà súng đạn thì chỉ có chính phủ mới có quyền tàng trữ.

– Di chuyển súng đạn à ? Nhiều không ?

– Xem chừng cũng nhiều, hàng mấy trăm khẩu lớn nhỏ với số đạn khá lớn.

– Nè, có canh gác thì canh gác kín đáo, chớ ngồi thù lù trước cửa người ta như thế bà Ký đang phản đối đấy !

Bà Sương khóc rú lên. Anh Thạch cự nự với tôi càng dữ. Khi bà Sương về thì Thạch sang phòng tôi, trách : “ Anh làm cho đàn bà khóc, hay lắm hả ? ”.

Tôi chỉ cười và nói : “ Tụi đệ tứ đang âm mưu gì đó, hãy dè chừng. Tôi không ưng để súng đạn trong tay họ đâu ; họ không dùng để đánh Pháp mà để đánh ta đó ”.

Trấn và Mai (Dương Bạch Mai) có đặt người trong các nhóm Trốt-kít, ấy là nghề nghiệp mới của các anh, trách làm sao được, vả lại Trấn và Mai hồi 1936-1939, đã biết Trốt-kít lắm rồi.

Hôm 25 tháng 8, và hôm 2 tháng 9 có mặt “nhóm Tranh đấu” với huy hiệu “trái đất - sao xẹt”. Họ tập hợp lực lượng mà vẫn chia làm hai ba nhóm, nhóm này không thừa nhận nhóm kia là đệ tứ. Nhưng họ lại thống nhất với nhau trong việc chống Đảng Cộng sản, chống Việt Minh.

Trốt-kít nhận định rằng :

- Cách mạng tháng Tám năm 1945 (trên toàn thể nước Việt Nam), là cách mạng tư sản giống như cách mạng tháng Hai năm 1917 ở nước Nga.

- Chính quyền được thành lập từ Cách mạng tháng Tám là chính quyền tiểu tư sản đại diện cho quyền lợi của tư sản, một thứ chính phủ Kerensky.

- Chính quyền kiểu Kerensky thì sẽ thoả hiệp với đế quốc tư bản; cho nên cần biến cuộc cách mạng tư sản thành cuộc cách mạng vô sản, như Lenin và Trotsky đã làm ở nước Nga từ tháng 2 đến tháng 10 năm 1917.

- Vậy phải đánh đổ chính quyền tư sản của bọn Trần Văn Giàu hiện nay để lập chính quyền công nhân do nhóm Đệ tứ lãnh đạo.

 

Họ lập luận như vậy. Thật đúng với lý thuyết “cách mạng thường trực”.

Họ ra sức “đào đất dưới chân” bọn tôi; họ tìm cách đâm vào hông tụi tôi.

Lúc này, sau vụ xung đột 2 tháng 9, nhất là sau vụ Tây treo cờ ở phủ Toàn quyền, Anh, Nhật đòi tước vũ khí của dân quân, v.v… thì ai cũng thấy quân Pháp sắp sửa trở lại, nhiều người tán thành thái độ hoà hoãn thương lượng (tranh thủ thời gian để chuẩn bị) của chính quyền (của anh Thạch và tôi), nhưng cũng có một số ít người cho rằng bọn tôi “mềm” quá, thoả hợp quá, họ trách tại sao lại thả bọn Pháp bị bắt chiều 2 tháng 9, sao không đem xử tội chúng vì đã bắn chết người Việt Nam, họ trách tại sao chịu “nộp vũ khí” v.v… Họ đòi thừa lúc Pháp còn chưa đông, đánh úp một trận, tiêu diệt hết thực dân. Có lần, không biết ai, chắc là bọn tay sai của Pháp chớ ai đâu lạ, dán áp phích hàng chục cái ở đường Paul Blanchy 11 từ Tân Định đến Tân Bình, cho biết : “ xe tăng của Nga qua giúp cách mạng Việt Nam đã đến Miến Điện rồi ! ”. Rõ ràng là tụi khiêu khích muốn cho đồng bào ta tin một cách hão huyền, rồi đánh Pháp, trị Anh ngoài đường, gây phản ứng mạnh của Đồng minh, phản ứng có lợi cho Pháp. Bọn tôi biết được, cho người đi gỡ các áp phích lố lăng ấy thì, ở một vài nơi, quần chúng tưởng đâu anh em đi gỡ áp phích đó là Việt gian ; suýt có đánh lộn.

Bọn đệ tứ Trốt-kít lợi dụng tâm lý của dân “ muốn đánh ” để tuyên truyền cổ động rằng tụi tôi sợ Tây, không dám đánh Tây, đang “ thoả hợp ” với thực dân. Khẩu hiệu của chúng lúc này là : đòi chính quyền phải kiên quyết chống Pháp ; và muốn chống Pháp có hiệu lực thì đòi chính quyền phải “ võ trang quần chúng ”. Tụi đệ tứ biết chán rằng không có vũ khí (súng đạn) ở đâu để mà phát cho quần chúng ; chính phủ cách mạng còn phải đi kiếm từng cây súng, từng viên đạn mà cũng không có bao nhiêu để võ trang cho quân lính cách mạng. Quần chúng chỉ có thể tự võ trang bằng vũ khí thô sơ. Nhưng vấn đề chính của Trốt-kyt là làm cách nào để hạ uy thế của chính quyền, cụ thể nhất là của ông Giàu. Cho nên, tụi nó biểu tình om sòm trước cửa Chợ Mới. Vài trăm người thôi (mà tin được đưa lên báo). Bên anh Hành, anh Tươi (cảnh sát) hỏi tôi phải đối phó cách nào, họ xin phép trị bọn Trốt-kyt ngóc đầu ; tôi không đồng ý, chỉ yêu cầu anh em mặc thường phục ra giải thích cho nhân dân : Chính phủ còn chưa có mấy súng đạn thì làm sao võ trang cho quần chúng bằng súng đạn được ? Hãy coi chừng bọn khiêu khích làm rối thêm cho chính quyền cách mạng mới thành lập, ngồi chưa nóng ghế… Tụi đệ tứ Trốt-kít bày ra vụ biểu tình này, bên anh Trấn điểm danh được họ ; họ khôn, nhưng làm sao khôn hơn tụi tôi được ? Họ không trương cờ và huy hiệu “ sao xẹt ” của họ, nhưng “ thấy của biết người ”, giấu thế nào được ? Tụi tôi đoán trước rằng tụi đệ tứ Trốt-kít sớm hay muộn sẽ tìm cách tập hợp lực lượng, làm “ quân sư ” thầy dùi cho các tổ chức chống Việt Minh, chống Đảng Cộng sản. Quả thật như vậy.

 

(2) “ Minh thệ ” một âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng

 

Tất cả những ai đã làm chính trị ở xứ này đều biết trước rằng các ông lãnh tụ “ Mặt trận quốc gia thống nhất ”, phần lớn (phần lớn chớ không phải tất cả) có kỳ thị với Đảng Cộng sản. Bởi vậy, cho dù Việt Minh chủ trương tập hợp toàn thể dân tộc (bao gồm cả tư sản dân tộc và thân hào yêu nước), các ông lãnh tụ quốc gia kia chỉ xin gia nhập Việt Minh vì áp lực của quần chúng phần nào, vì sự an toàn của chính họ chớ không phải chủ yếu vì quyết tâm xây dựng đoàn thể rộng lớn để đánh đổ thực dân, giành độc lập tự do, bảo vệ chính quyền cách mạng. Không quá mười ngày, sau khi khởi nghĩa thành công, thì họ đã âm mưu tập hợp lại chống chính quyền cách mạng. Nếu sau một vài tháng, năm ba tháng Việt Minh tỏ ra bất lực hay đầu hàng thực dân khi ấy bọn kia lập một cuộc “ minh thệ ” chống Việt Minh thì “ còn có lý ” – như lời Tiểng nói – đầu này, chính quyền cách mạng chưa có thì giờ để xếp đặt xong cái văn phòng, trong lúc đó thì Anh, Pháp đã bắt đầu tiến công chúng ta đều khắp, thì chúng đã đồng hè lo đánh đổ chính quyền cách mạng rồi ! Rõ ràng là họ có ác ý, nếu không phải trực tiếp thì cũng là gián tiếp làm lợi cho địch, làm lợi cho Pháp.

Có quan hệ gì giữa bọn họ với Pháp, Anh trong cái “ minh thệ ” mà mục đích chính là đánh đổ chính quyền cách mạng ?

Ai, những ai âm mưu đó ?

Họ tưởng đâu chúng tôi không biết gì về hành tung của họ. Thật ra thì Trấn, Tiểng và tôi nắm được gần hết âm mưu của họ. Bọn Trốt-kít đọc sách mà không hiểu sử, cứ nghĩ rằng cách mạng tháng Tám ở Việt Nam là cách mạng tháng Hai năm 1917 của nước Nga, một cuộc cách mạng tư sản đưa giai cấp tư sản và Đảng tiểu tư sản Men-sơ-vích, s.r lên cầm quyền ; chúng mưu toan tiếp tục làm cách mạng tư sản bằng cách đánh đổ chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hoà, đưa Trốt-kít đệ tứ lên cầm quyền. Nhưng đệ tứ ở Sài Gòn thì yếu quá, vì vậy, đệ tứ Trốt-kít liên kết với Đảng quốc gia độc lập thân Nhật, với Hoà Hảo (Hoà Hảo đang tính nổi dậy cướp chính quyền ở 9 tỉnh miền Tây Nam Bộ) và với một cánh của Cao Đài. Cuộc họp “ minh thệ ” của chúng họp ở một nhà ở xóm Cây Quéo, chưa tới ga Xóm Thơm, ở cơ quan quân sự của Cao Đài Dương Văn Giáo. Ký bản “ minh thệ ” mà chúng tôi (tôi, Tiểng, Trấn) nắm được văn bản ngay trong đêm ký kết, có 13 người, trong đó phần lớn là Trốt-kít : Huỳnh Văn Phương, Hồ Vĩnh Ký, Phan Văn Chánh, Phan Văn Hùm, bà Sương (vợ của Ký), Trần Văn Thạch, Huỳnh Phú Sổ, Lương Trọng Tường, Dương Văn Giáo, Phan Hiếu Kinh, và ba người nữa tôi không nhớ tên, hình như có Vũ Tam Anh nữa. “ Minh thệ ” đoàn kết thành một mặt trận, quyết tâm đánh đổ chính quyền hiện giờ. Đêm ấy, khi tôi mới bắt đầu đi ngủ tại dinh Hành chánh Nam Bộ, trời cũng khuya rồi, thì Huỳnh Văn Tiểng đánh thức tôi, đưa bản “ minh thệ ” cho tôi xem. Tiểng lấy làm tiếc tại sao có những anh Hùm, anh Chánh trong đám âm mưu lật đổ này ; Tiểng chưa hiểu rõ bản chất Trốt-kít. Còn tôi thì biết tụi ấy quá rồi. Chúng tôi có cách đối phó. Cách đối phó hay nhất chưa chắc là bắt họ. Bắt họ khi họ chưa chuyển qua hành động thì có thể dân Sài Gòn không lấy gì làm bằng lòng, nhưng người không hiểu rõ sẽ nói là Cộng sản đệ tam nặng đầu óc bè phái, độc tài. Trong lúc Trấn giám sát sự hoạt động của nhóm này ở Sài Gòn thì Tiểng thi hành lệnh của tôi vào Chợ Quán, nhà của Ký, Sương thu gọn mấy trăm khẩu súng và đạn tích trữ bất hợp pháp từ lâu. Bà Sương tới khóc lóc với anh Thạch. Nhưng làm thế nào được ? Ai đi trả lại súng đạn cho đám sắp làm loạn ? Không đem bắn ngay đã là may rồi ! Anh Hoàng Quốc Việt được tôi báo cáo về vụ “ minh thệ ” này, anh bán tín bán nghi, có lẽ anh ngờ tôi “ bày vẽ ”, “ bịa đặt ” ; anh cứ mời mấy tay Trốt-ký “ sao xẹt ” vào ban ngoại giao, mời Hùm, Sổ vào Uỷ ban nhân dân Nam Bộ. Tôi phản đối không được. Lần này Thạch ủng hộ Việt trong cái việc làm trái nguyên tắc này. Ngay đêm hội nghị mở rộng đưa bọn này vào Uỷ ban thì Hoà Hảo vũ trang nổi lên cố giành chính quyền ở các tỉnh miền Tây.


(3) Nổi loạn của Hoà Hảo

 

Từ 1942, khi tôi xuống U Minh Thượng (Rạch Giá) thì tôi đã nhờ Châu Văn Giác đi nhiều chuyến qua Long Xuyên nhằm điều tra tình hình hoạt động của Hoà Hảo. Đạo Hoà Hảo, cũng gọi “ đạo khùng ” là một hiện tượng xã hội kỳ kỳ mang tính chất địa phương ở miền Hậu Giang, bổn đạo rất đông, mê tín rất nặng, có một khuynh hướng chính trị cần được nghiên cứu. Có lẽ, trong số các đảng viên, anh Nhung, bí thư tỉnh uỷ Long Xuyên, người chiến sĩ già hoạt động nhiều năm ở Long Xuyên, là người biết rõ Hoà Hảo hơn ai hết, nắm chắc thực chất của Hoà Hảo. Theo anh Nhung, Hoà Hảo thực ra chủ yếu không phải là một cộng đồng tu hành, mà thực tế là một tổ chức đảng phái theo hình thức tôn giáo nhằm mục đích chính trị. Theo đồng chí Nhung nói, có thể tóm tắt mục đích chính trị của Hoà Hảo là : “ Minh vương trị vì ” tức là đem lại cho nước Việt Nam độc lập một chính quyền quân chủ có tính chất thần quyền, mà ông vua khai sáng đó không ai khác hơn là Huỳnh Phú Sổ – “ hiện thân của Phật Thầy ”. Phật Thầy không phải huyền thoại mà là một nhân vật yêu nước của cuối thế kỷ XIX ở Nam Kỳ đã vận động chống Pháp theo một đường lối mà Pháp gọi là “ chủ nghĩa dân tộc tôn giáo ” (nationalisme religieux), chủ nghĩa dân tộc nhuộm màu Phật giáo này cũng đã từng xuất hiện ở Bắc Kỳ với Vương Quốc Chính, ở Nam Trung Kỳ với Võ Trứ, chớ không riêng gì ở lục tỉnh, duy ở Nam Kỳ thì nó kéo dài nhất, có số dân theo đông nhất, đặc biệt là ở vùng Thất Sơn. Chương trình kế hoạch của Huỳnh Phú Sổ gồm ba bước kế tiếp : thứ nhất lấy chín tỉnh miền Tây Nam Kỳ, thứ hai lấy Nam Kỳ, thứ ba lấy cả Việt Nam, gần như các bước “ phục quốc ” của Gia Long ngày nọ.

Nhóm Giải Phóng nói rằng “Hoà Hảo là Việt Minh”, thuộc Việt Minh “cũ”. Trong khi đó, không ai không biết rằng, hồi 1943, 1944, 1945, Huỳnh Phú Sổ được sở sen đầm Nhật bảo vệ. Hoà Hảo có gì là Việt Minh đâu ? Chẳng qua họ tìm một chiếc thang để leo lên. Trên Sài Gòn, các anh Thâu, Phương, Ký đi gặp Hoà Hảo ở đường Miche cũng tưởng Hoà Hảo là khuynh hướng đệ tứ.

Nhật lật Pháp. Tổng bộ Việt Minh triệu tập Quốc dân đại hội (ở Tân Trào). Trong khi bọn tôi cử Ung Văn Khiêm và Hà Huy Giáp đi dự đại hội quốc dân thì bên “Giải Phóng” gởi một đoàn đại biểu ba người trong đó có một người tên là Nguyễn (hay Lê) Phú Xuân, đại diện cho Hoà Hảo. (Hoà Hảo chịu hết tốn phí cho đoàn này đi Bắc). Yêu cầu mà Phú Xuân mang ra Bắc là : Huỳnh Phú Sổ làm Phó Chủ tịch nước. Xuân lâu nay là người chấp bút làm ra kinh kệ, thi thơ, sấm truyền cho Hoà Hảo, nghĩa là mưu sĩ số một. Yêu sách Hoà Hảo tất nhiên là không dễ đạt (và Phú Xuân bị chính quyền ta bắt trong cuộc nổi loạn của Hoà Hảo sau ngày 2 tháng 9 ở Cần Thơ). Trước cuộc nổi loạn này, Hoà Hảo ở Long Xuyên đòi Tỉnh uỷ Long Xuyên phải nhường chính quyền tỉnh cho Hoà Hảo ; lẽ cố nhiên là đồng chí Nhung và Tỉnh uỷ bác bỏ yêu sách đó, chỉ nhận người của họ vào làm phó ; ở Cần Thơ cũng vậy. Rồi họ tính to chuyện hơn nổi dậy cả Hậu Giang, bắt đầu ở “ Tây đô ” Cần Thơ. Hôm Hoà Hảo kéo quân vào đánh úp Cần Thơ, thì Bùi Văn Dự (một lãnh tụ của “Giải Phóng” như Trần Văn Vi), đích thân cầm giấy của Hoà Hảo đưa cho Thanh Sơn (Nguyễn Văn Tây), là uỷ viên Uỷ ban Hành chánh Nam Bộ, thanh tra chính trị miền Tây, đòi ta giao 9 tỉnh miền Tây Nam bộ cho Hoà Hảo. Lẽ tất nhiên là Thanh Sơn không thể chấp nhận, vả lại anh không có quyền chấp nhận một đòi hỏi lố bịch như vậy.

Đòi hỏi không được, Hoà Hảo dùng đến vũ lực.

Hôm hội nghị Việt Minh mở rộng ở trụ sở Uỷ ban Hành chánh Nam Bộ nhằm cải tổ Uỷ ban, anh Hoàng Quốc Việt có mời mấy đại biểu Hoà Hảo, và bản thân Huỳnh Phú Sổ đến dự. Trong lúc đang thảo luận ở Sài Gòn thì tín đồ Hoà Hảo kéo nhau hàng vạn vào Cần Thơ toan giành chính quyền bằng vũ lực ; họ có đủ thứ vũ khí : kiếm, siêu, đao, có những người mang giáp, đội mão lông trĩ y như hát tuồng ! Họ đòi chính quyền cách mạng phải giao hết quyền bính lại cho Hoà Hảo ; “ lần này không thể không giao được ”. Cần Thơ báo tin lên Sài Gòn xin chỉ thị và điện qua cho các tỉnh xung quanh xin tiếp ứng. Lực lượng vũ trang của ta ngăn quân Hoà Hảo phiến loạn lại ở cửa ngõ thị xã, đánh tan phiến loạn một cách dễ dàng. Bùi Văn Dự bị Thanh Sơn bắt, sau đó Dự được anh Hoàng Quốc Việt xin tha.

Trong hội nghị ở Sài Gòn đêm ấy, Ung Văn Khiêm và Huỳnh Phú Sổ cãi nhau dữ dội. Tôi nắm tê-lê-phôn liên lạc với Cần Thơ và các tỉnh, và tôi thông báo từng chặp cho Khiêm. Khiêm đòi Thầy Hoà Hảo phải ra lệnh cho tín đồ giải tán đi, đừng xông vào thị xã Cần Thơ nữa. Thầy Hoà Hảo chưa bằng lòng với chức phó chủ tịch Uỷ ban Nam Bộ, tỏ ra thật ương ngạnh, thầy tin chắc rằng, trong lúc hội nghị ở Sài Gòn tiếp tục thì ở Hậu Giang, chủ yếu là Cần Thơ, hàng vạn tín đồ Hoà Hảo đã giành được chính quyền rồi ! Cho nên, Thầy Hoà Hảo lạnh lùng trả lời Ung Văn Khiêm : “ Các người cứ giao chính quyền ở 9 tỉnh Hậu Giang thì mọi việc sẽ yên ổn bằng không thì không biết tình hình sẽ đi đến đâu ”. Anh Hoàng Quốc Việt thì ra sức giảng hoà. Tôi không rời dây nói ở phòng bên cạnh chỗ họp, nghe kỹ báo cáo tình hình từ Hậu Giang. Tình hình mỗi lúc thêm nguy cấp, không dùng vũ lực cách mạng thì không đánh lui được phản cách mạng; anh em Cần Thơ và các lực lượng vũ trang từ Bạc Liêu đến, từ Vĩnh Long sang, đều nhận thấy như vậy. Tín đồ Hoà Hảo xông tới với gươm đao, súng lửa. Anh em ta đã nổ súng chỉ thiên, nhưng Thầy Hoà Hảo đã bảo với tín đồ : súng Việt Minh bắn sẽ không nổ, nổ sẽ không trúng, trúng sẽ không chết, chết sẽ sống lại do phép lạ của Thầy. Bây giờ súng của Việt Minh bắn nổ và đạn bay vèo vèo trên đầu những người đi cướp chính quyền ; một số nhảy xuống sông, số khác chịu tước khí giới, nơi nơi họ đều chạy tán loạn. Thanh Sơn (Tây) bắt nhiều người cầm đầu phiến loạn, trong đó có Nguyễn Phú Xuân và Bùi Văn Dự. Trên Sài Gòn, Huỳnh Phú Sổ bị bắt vì tội chủ trương bạo loạn chống chính quyền cách mạng nhưng được anh Hoàng Quốc Việt ra lệnh thả ngay ! Thầy Hoà Hảo thấy mưu đồ lấy chín tỉnh Hậu Giang thất bại nên tẩu thoát, không quên truyền ra rằng Thầy đã “ tàng hình ” ! Chưởng lý Trần Công Tường khám nhà Huỳnh Phú Sổ ở đường Miche, thấy ở trong rương nhiều tang vật không chứng tỏ rằng chủ nhân là kẻ thực sự tu hành mà là một gã đàn ông đa tình. Hàng chục người xem tang vật, trong đó có Huỳnh Văn Tiểng ôm bụng cười ; vậy mà anh Việt nghĩ rằng tụi tôi “ phao vu ” ! Điều đáng chú ý là, trong vụ này, Trần Quang Vinh (lãnh tụ Cao Đài Tây Ninh) lại kịch liệt lên án Huỳnh Phú Sổ và Hoà Hảo, Trần Quang Vinh công khai đăng báo thành phố lời lên án đó.

 

(4) Hoàng Quốc Việt chỉ thị giải tán Thanh niên Tiền phong

 

Anh Hoàng Quốc Việt đứng về phía của “Giải Phóng”. Anh Việt ở Bắc vào, đại diện cho Trung ương (và cho Tổng Bộ Việt Minh), cùng đi với đại diện của phái “Giải Phóng” đã dự Hội nghị Tân Trào (nhưng vì đi lạc nên không dự) ; cùng đi với Ung Văn Khiêm, mà Ung Văn Khiêm được xem là của phái “Tiền Phong” tức là phái Trần Văn Giàu. “Phái của Giàu”, phái “Tiền Phong” đã lãnh đạo khởi nghĩa tháng Tám thành công trên toàn bộ các tỉnh Nam Kỳ, không trừ một tỉnh nào, không trừ một quận nào. Nhưng mà Trung ương đã được phe Giải Phóng báo cáo là phe Tiền Phong không theo đường lối của Đảng, tổ chức Thanh niên Tiền phong chớ không tổ chức Thanh niên cứu quốc, tổ chức Tổng Công hội chớ không tổ chức Công nhân cứu quốc, Thanh niên Tiền phong là tổ chức của Nhật, Thanh niên Phạm Ngọc Thạch cũng như là Thanh niên Phan Anh thôi, v.v. và v.v. (chưa kể những chuyện dựng đứng mà ta đã biết). Cho nên, trong lúc anh Việt nghe theo lời của Giải Phóng, đặt lòng tin vào Hoà Hảo mà phe Giải Phóng bênh là Việt Minh “cũ” thì anh lại quyết định giải tán Thanh niên Tiền phong (để rồi cá nhân người Thanh niên Tiền phong nào có tiêu chuẩn sẽ được đưa vào Thanh niên cứu quốc).

Quyết định của Việt gây ra một làn sóng căm phẫn, buồn bã chán nản nữa trong tổ chức Thanh niên Tiền phong toàn Nam Bộ ; toàn Nam Bộ khi ấy có hơn một triệu đoàn viên Thanh niên Tiền phong. Cái anh buồn bã, căm phẫn nhất có lẽ là Phạm Ngọc Thạch. Còn tôi, thì lẽ cố nhiên là tôi không tán thành giải tán Thanh niên Tiền phong, tôi cho rằng cứ tổ chức và phát triển Thanh niên cứu quốc đi, còn Thanh niên Tiền phong thì cứ giữ lại đó làm như một Mặt trận thanh niên, ta có thể lấy Thanh niên cứu quốc làm đoàn và lãnh đạo Thanh niên Tiền phong, đến khi nào Thanh niên Tiền phong hết nhiệm vụ, hết tác dụng thì nó chết, chớ việc gì mà phải giải tán một đoàn thể quần chúng rất lớn do Đảng lập ra, một đoàn thể có vai trò quan trọng trước, trong và sau khởi nghĩa tháng Tám ? Giải tán Thanh niên Tiền phong có hại, không có lợi. Anh Việt không nghe. Quyết định giải tán phải được thi hành ngay không chậm trễ.

Phải triệu tập một cuộc hội nghị đại biểu lớn của Thanh niên Tiền phong Sài Gòn và các tỉnh. Hơn 500 người dự họp ở phòng họp lớn dinh Đốc lý cũ, tầng dưới, ngoài cửa vô thì phía bên trái. Ai nấy mặt mày ủ rủ vì đã biết lý do mục đích cuộc hội nghị rồi.

Một đồng chí giải thích lý do vì sao Thanh niên Tiền phong phải giải tán. Giải tán rồi thì đoàn viên Thanh niên Tiền phong sẽ lần lượt vào Thanh niên cứu quốc như thế nào. Các đại biểu dĩ nhiên là không ai phản đối Thanh niên cứu quốc nhưng cũng không ai tán thành giải tán Thanh niên Tiền phong, hội nghị kẹt quá ! Thủ lãnh tối cao của Thanh niên Tiền phong là Phạm Ngọc Thạch tất nhiên là phải lãnh nhiệm vụ của anh Việt giao cho là chính thức tuyên bố chấm dứt tổ chức Thanh niên Tiền phong. Thạch lên diễn đàn. Ai nấy chờ coi anh nói cách nào hay ho, cho thoả đáng, để sự giải tán được êm ái, xuôi chèo mát mái. Nào dè, Thạch nét mặt giận dữ tuyên bố : “ Thanh niên Tiền phong là một tổ chức yêu nước, có công lớn trong cuộc cách mạng tháng Tám giành chính quyền ở tất cả 20 tỉnh, và trong cuộc đấu tranh mấy tuần nay để củng cố, bảo vệ chính quyền. Thanh niên Tiền phong đã tồn tại vinh quang, Thanh niên Tiền phong đang tồn tại anh hùng, Thanh niên Tiền phong cứ tồn tại, không ai giải tán nó được ! ”. Tức thì tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô như sấm dậy.

Việt không có mặt ở buổi họp. Tất nhiên, Việt làm sao đoán nổi lời tuyên bố trái cựa của Thạch ? Việt đâu có biết con người của Thạch ?

Có mặt ở buổi họp tôi nghĩ : nguy rồi ! Nếu như thế này thì mâu thuẫn nội bộ của ta lớn quá, không phải chỉ là mâu thuẫn giữa Hoàng Quốc Việt đại biểu Tổng bộ Việt Minh với Phạm Ngọc Thạch, thủ lãnh một triệu Thanh niên Tiền phong Nam Bộ. Hậu quả sẽ ra sao trong cái tình hình đang găng và càng ngày càng găng này ? Việt làm sao có thể tha thứ, chịu nhượng Thạch ? Thật thà tôi không hiểu, hoàn toàn không hiểu vì lẽ gì Việt lại hấp tấp đến thế ?

Thạch nói như vậy. Đại biểu hoan hô Thạch như vậy. Nhưng giải tán Thanh niên Tiền phong là điều đã được quyết định rồi. Người ta ra về bần thần đến cực độ. Anh em có người tự hỏi : chừng nào tới phiên Tổng Công đoàn ? Tổng Công đoàn cũng do Xứ uỷ tổ chức, đã có lúc tồn tại và hoạt động dưới danh nghĩa “Thanh niên Tiền phong ban xí nghiệp” mới lấy lại tên Tổng Công đoàn mấy ngày trước khởi nghĩa mà cũng không mang tên là “Công nhân cứu quốc” thì sẽ bị giải tán không ? Trong 80 ngàn đoàn viên Thanh niên Tiền phong ở Sài Gòn và khoảng 1 triệu Thanh niên Tiền phong Nam Bộ ai có tiêu chuẩn vào Thanh niên cứu quốc (ít hơn rất rất nhiều). Giữa lúc khó khăn lớn như thế này mà gây thêm lo âu, xáo trộn, anh Việt rõ ràng là kém chính trị, hẹp hòi quá 12, nhiều anh em nghĩ vậy, nói như vậy, họ không sai lắm đâu ! Sau buổi họp tôi nói nhỏ với Thạch: Anh Việt và cậu “trái cựa” nhau, như vậy thì cậu và cả tôi chắc khó yên ổn ở đất Sài Gòn này.

 

(5) Việt đổi đồng chí Mười Thinh, chủ tịch Hóc Môn xuống làm chủ tịch Thủ Thừa

 

Việc giải tán Thanh niên Tiền phong là việc lớn, còn việc sau đây kể ra là chuyện “nhỏ” trong số nhiều việc nhỏ, từa tựa như cách “làm ăn” của Việt khi cầm quyền tối cao ở Nam Bộ. Hóc Môn có tiếng rất xứng đáng là “ổ cộng sản” từ hàng chục năm nay. Mới năm năm trước đó, trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, ở cả vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định chỉ có quận lỵ Hóc Môn là bị quân khởi nghĩa tiến công chiếm lấy phần lớn trong mấy giờ liền trước khi rút lui. Ai nấy tưởng đâu phái Giải phóng của các anh Vi, Dự khi khởi nghĩa đã giành được chính quyền ít nhất là ở Hóc Môn, trong số cả trăm quận của Nam Kỳ. Sự thật là ngay cả ở Hóc Môn – “căn cứ” của Vi, Dự – cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền ngày 25 tháng 8 lại do Thanh niên Tiền phong làm gọn và đưa thủ lãnh của mình là Mười Thinh lên làm chủ tịch quận. Mười Thinh là một đảng viên cộng sản lâu năm thuộc hệ thống Xứ uỷ Nam Kỳ (gọi là “Xứ uỷ Tiền Phong”). Phía Giải Phóng không bằng lòng, đi vận động nhờ anh Việt đổi Mười Thinh đi làm chủ tịch quận Thủ Thừa (Tân An), để lại chỗ cho một chủ tịch quận thuộc cánh Vi, Dự.

Kỳ cục thật ! Chẳng lẽ anh Việt lại chẳng thấy rằng phía Vi, Dự hoàn toàn không có lấy được một tỉnh, một quận nào trên đất Nam Bộ hay sao ? Ít lâu nữa, cái quyết định của anh Việt chuyển Giàu và Thạch ra Bắc, cũng là loại Mười Thinh đi Thủ Thừa đó mà thôi !






1 Jean Cédile(1908-1984) : sĩ quan chỉ huy những đơn vị "khố xanh" ở các thuộc địa châu Phi, tham gia tổ chức ủng hộ tướng De Gaulle ngay từ đầu. Nhảy dù xuống Tây Ninh với quân hàm thiếu tá. Sau Đông Dương, giải ngũ, tham gia bộ máy thực dân, rồi thực dân kiểu mới ở Châu Phi.

2 Pierre Messmer(1916-2007) : thuở trẻ học Trường đào tạo quan chức thuộc địa, xu hướng cực hữu. Tham gia kháng chiến, ủng hộ De Gaulle ngay từ ngày đầu. Được cử vào những chức vụ ở thuộc địa trước khi nhảy dù xuống Tuyên Quang (tháng 8.1945), bị du kích bắt, vượt ngục về Hà Nội. Tham gia phái đoàn Pháp ở Hội nghị Đà Lạt. Những năm 50, làm quan chức thuộc địa ở châu Phi, những năm 1960 làm bộ trưởng quốc phòng (ở cương vị, này, đã cách chức nhà toán học Laurent Schwartz khỏi chức vụ giáo sư Trường Bách Khoa vì ông ủng hộ kháng chiến Algérie). Thủ tướng Pháp từ 1972 đến 1974.

3 Khẩu hiệu “Độc lập hay là chết” (tiếng Anh Independence or Death) cũng là một khẩu hiệu phổ biến ở Hà Nội lúc đó, bên cạnh khẩu hiệu Vietnam To The Vietnamese (Nước Việt Nam của người Việt Nam), mà trẻ em lúc đó ít biết tiếng Anh đọc là … Việt Nam to thế, Việt Nam mẹ sề. Có thể xem thêm bài viết của Dương Trung Quốc “Đại tưóng Võ Nguyên Giáp với nghi thức ngoại giao đầu tiên” 

4 Các tên đường nói trong đoạn này :

Norodom : sau này gọi là đại lộ Thống Nhất, nay là Lê Duẩn

Blansubé : Duy Tân, nay là Phạm Ngọc Thạch

Charner : nay là Nguyễn Huệ (tháng 8.1945, được đặt tên là Thủ Khoa Huân, đừng nhầm với đường Thủ Khoa Huân hiện nay tức là Aviateur Garros cũ)

Bonard : nay là đại lộ Lê Lợi (tháng 8.1945 mang tên Phan Bội Châu).

5 Taberd : sau đổi thành Trần Quý Cáp, nay là Võ Văn Tần.

6 Đọc thêm chứng từ của Colette Phạm Ngọc Thạch : “Ba Tôi” có đoạn nói về cuộc biểu tình ngày 2-9-1945 tại Sài Gòn (trong đó, bà Marie-Louise Phạm Ngọc Thạch bị đả thương nặng).

7 Dinh Thống đốc cũ : nay là Viện bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (đường Lý Tự Trọng, góc đường Nam Kỳ khởi nghĩa). Từng làm dinh Khâm sai, dinh Thủ hiến, dinh Gia Long, dinh Quốc khách, Dinh tổng thống (1962-63).

8 Phủ toàn quyền : tức là Dinh Norodom, thời “Việt Nam cộng hòa” là Dinh “Độc Lập” (phủ tổng thống), nay là hội trường Thống Nhất.

9 11e RIC (11ème Régiment d'Infanterie Coloniale) : Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa số 11. Thành 11e RIC : trại lính sau gọi là "caserne Martin des Pollières, nằm ở giữa các đường Lê Duẩn, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Thị Minh Khai.

10 Chasselou-Laubat : sau thành đường Hồng Thập Tự, nay Nguyễn Thị Minh Khai.

11 Paul Blanchy : nay là đường Hai Bà Trưng.

12 Tóm lại một chữ là : ngu. Người biên tập liên tưởng tới một câu nói của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bộ trưởng bộ y tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đầu những năm 1960, trong lúc ĐCS rất mao-ít về mặt đối nội, một tối ở Hà Nội ông Thạch rủ Georges Boudarel (giáo sư Pháp, năm 1950, ra bưng tham gia kháng chiến, làm việc dưới sự lãnh đạo của ông Thạch, và đã bị tòa án quân sự Pháp kết án tử hình) đi ăn phở. Nói đến Cụ Hồ, ông Thạch than thở : "J'arrive pas à comprerndre comment le Vieux arrive à supporter tous ces cons" (Tao không hiểu Ông Già làm thế nào mà chịu đựng nổi cái lũ ngu ấy).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss