Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồi Ký T. V. Giàu / HỒI KÝ TRẦN VĂN GIÀU (III)

HỒI KÝ TRẦN VĂN GIÀU (III)

- Trần Văn Giàu — published 25/12/2010 18:51, cập nhật lần cuối 25/12/2010 20:20
Thiệt chiến Tà Lai. Vàm trâu thi lội. Vượt ngục.


HỒI KÝ
TRẦN VĂN GIÀU
(III)



Phần thứ nhất



TỪ NGỒI TÙ KHÁM LỚN

ĐẾN VƯỢT NGỤC TÀ LÀI


5. Căng Tà Lài : “ Trại lao động đặc biệt ”.


Đường lên trại giam

Trên đường bờ quanh co từ nhà ra lộ đá, tôi tự hỏi không biết có người vợ trẻ nào gian truân như vợ tôi không ? Sau đám cưới hơn một tháng, ông chồng đi đâu biệt tích, không biết sống chết, mãi đến ba năm sau, khi ông ấy bị bắt, bị đưa ra toà, mới biết chắc chắn rằng mình chưa phải đã goá chồng. May mà khi ấy tôi chỉ bị bắt có một mình, bị bắt lúc đang đi trên đường cái, có nhiều tiền trong túi mà không có địa chỉ cư trú, cho nên toà chỉ xử án năm tù treo vì cái tội nghe lạ tai là “ vô gia cư chuyên môn ” (vagabondage qualifié) tuy nó biết chán rằng tôi là “ nhà cách mạng chuyên nghiệp ”, chớ không phải là “ ma cà bông ” 1. Lãnh án rồi, về nhà với vợ được hơn tháng tôi lại phải vào bí mật. Từ đó lúc tôi mãn án lần chót là bảy năm đằng đẵng. Kỳ này, ngỡ rằng có thể ở nhà vài tháng, cho đến đầu mùa thu, té ra cuộc vui sum họp chỉ được tám ngày thì ông chồng bị bắt đi trại giam thời chiến, mà chiến tranh thì biết khi nào dứt, chưa dứt thì mọi việc tàn bạo nhất đều có thể xảy ra ở trại giam trên rừng sâu nước độc. Thật khó mà tưởng tượng tâm trạng của một cô vợ ở trong tình cảm bi đát này. Càng khó tưởng tượng tâm trạng của mẹ tôi, vừa mới gặp lại thằng con yêu quý thì bị người ta cướp đi từ tay mình. Trời ơi là trời ! Tai hoạ sao mà dồn dập trút xuống một bà già quạnh hiu gần đất xa trời như thế này ?

Can đảm mấy cũng đứt ruột.

Đứt ruột mà vẫn phải can đảm ; càng đứt ruột càng phải can đảm.

Hai chiếc xe hơi từ tỉnh lộ Tân An - Gò Công bật đèn lên, thấy Châu Văn Giác ngồi với vài tên tính mã tà 2.

- Cậu Mười 3 đây rồi ! Cậu cháu mình cùng đi trại giam cho có bạn.

Châu Văn Giác là một đứa con xứng đáng của đất Tầm Vu, cậu đã vào T.K. (Thanh niên Cộng sản) từ 1930, đã đạt kỷ lục bãi thực 4 dài mười hai ngày ở Khám Lớn, kỷ lục này bị phá bởi cuộc bãi thực ba mươi ngày của các anh Tạ, Thâu, Ninh, Hiển, Quảng 5 (cuộc này sở dĩ kéo dài đến thế là nhờ thủ thuật của nhà cầm quyền Pháp bơm sữa vào hậu môn tù nhân). Quảng là cháu ruột của tôi, cũng là người xứ Tầm Vu, hôm nay nó không bị bắt với Giác và tôi, bởi vì sau cuộc chiến tranh kia, nó ho lao nặng, chắc Pháp thấy rằng không cần bắt giam nó, nó cũng chết tới nơi rồi.

Một đêm, ở xà lim trại lính khố xanh 6 thị xã Tân An, Giác và tôi được đánh thức vào khoảng một giờ sáng và được lệnh đi ngay.

Đi đâu chừng này ? Chừng này mà bị dẫn đi thì rất có thể là đi “ thủ tiêu ” êm. Tôi sinh nghi. Hỏi mã tà. Hỏi đội sếp. Nếu tụi này ú ớ thì chúng tôi sẽ chống lệnh, chúng tôi sẽ la ó để báo động cho nhân dân.

– Đi đâu giờ này ? Ai ra lệnh ? Đưa lệnh coi nào ?

– Lệnh đây. Đi Sài Gòn. Phải có mặt ở Bà Chiểu trước hửng sáng, để đi đâu nữa thì chúng tôi không biết.

Thế là không phải đi thủ tiêu êm. Tôi lên tới trại của Binh đoàn lưu động Gia Định lúc bốn giờ sáng. Vào sân thấy ngồi ủ rũ trên ghế đá mấy anh chàng quần áo tử tế, trong số đó có một cậu to béo, mặc quần soóc, xách cặp da bóng loáng. Họ đang ủ rũ, hỏi ra mới biết, bởi vì họ cũng ngờ rằng Tây nó sắp đem đi thủ tiêu trước khi trời sáng. Thời kỳ chiến tranh mà ! Còn đâu nữa chính phủ Mặt trận bình dân 7 mà hòng nói luật với pháp ? Trên sân, qua lại mấy toán lính khố xanh, mấy thằng cò Tây nai nịt súng đạn, chờ lệnh, mặt sát khí đằng đằng.

– Chào các anh, từ đâu đến mà dám đến sớm hơn tụi này ? (Tôi cà rỡn hỏi).

– Bạc Liêu, Cần Thơ lên.

– Còn hai anh, từ đâu đến mà coi bộ tươi cười như vậy ?

– Từ Tân An. Giác trả lời và giới thiệu luôn.

– Ông này là Giàu, tôi là Giác.

– Giàu nào ? Có phải Trần Văn Giàu không ?

– Mình là Tào Tỵ, hoạ đồ Tỵ Bạc Liêu, còn chú da bánh ít ngọt này là Nguyễn Công Trung, công tử Cần Thơ.

Bây giờ tan biến cái lý nghĩa bị đem đi thủ tiêu trước trời sáng. Ai nấy đều chắc rằng sắp phải bị đưa đi xa Sài Gòn nhưng chưa biết đi đâu. Đi ra biển ? Hay đi lên rừng ? Hay đi xa hơn nữa tận Ấn Độ Dương, tận châu Nam Mỹ ? Lát nữa sẽ rõ.

Chờ xem.

Đúng năm giờ, một đoàn xe quân dụng bốn chiếc bắt đầu nổ máy trong sân trại Binh đoàn lưu động. Chiếc đầu chở một thằng quan hai non choẹt, cao nhồng, vẻ kiêu ngạo, vài thằng Tây nữa là ách đội 8. Chiếc sau chở khoảng một tiểu đội khố xanh. Hai chiếc giữa chở bọn tôi, chừng vài mươi đứa. Xe ra cổng, không quẹo tay phải ra phía Sài Gòn, mà quẹo tay trái về phía Gia Định. Tôi hơi mừng trong bụng. Rồi đoàn xe trực chỉ Biên Hoà, không phải xuống bến tàu. Tôi nói nhỏ với Giác :

– Thôi, yên trí ; không phải ra biển mà đi lên rừng, ra biển khó về, còn lên rừng thì như đi píc-níc thôi !

Trưa, đoàn xe đậu lại ở cây số 125 đường Biên Hoà - Đà Lạt. Không có nhà dân, không có đồn bót, không một bóng người qua lại ; chỉ nghe tiếng vượn hú. Nhưng một trại bỏ trống với mấy bãi cứt bò đã khô quéo, chứng tỏ rằng đây là một cửa rừng, chỗ thợ rừng kéo súc ra chờ xe chở về dưới xuôi. Một đường đá nhỏ hẹp dắt đi đâu không biết, cỏ cây mọc tùm lum. Một thầy đội bảo :

– Đường vào căng 9 đó, chúng ta nghỉ ăn sáng cái đã.

Lính trải vài tờ nhật trình xuống cỏ, bày bánh mì, đồ hộp, bình toong nước, ai có phần nấy.

– Y như hướng đạo sinh đi cắm trại mùa hè !

– Cứ quất no một bụng rồi sẽ xem ra sao.

Anh em bàn luận vui vẻ giống như đi cắm trại thật. Trừ tôi ra, tôi quan sát đường đi nước bước từ hồi sáng đến giờ.

Từ đường 20 vô tới căng Tà Lài, chỉ mười bảy cây số, vậy mà chạy xe mất quá một giờ. Càng vào sâu, cây cỏ càng lấp mặt đường, đá tảng gập ghềnh. Không một ai lai vãng. Không một nhà, một chòi. Nhưng thú rừng thì vô kể, nhiều nhất là các loài khỉ ; khỉ trên cành cây cao vút, khỉ dưới đất chạy qua đường, nhăn mặt như trêu người, la hét như chào mừng bà con quá bộ đến thăm. Từng đàn công bay ào ào, kêu chan chát, thằng quan hai nổ một phát súng hạ được một con công đuôi dài rất đẹp. Thỏ lấp ló ở bụi gần, nai téc ở trảng 10 xa. Thỉnh thoảng heo rừng nghênh mỏ, khoe nanh rồi vụt nhảy. Tôi chợt nghĩ : thú nhỏ nhiều như vậy, chắc cọp ở đây không ít, cọp ở đây góp phần quan trọng cho việc canh giữ chúng tôi trong trại.

Cuối đường là trại giam Tà Lài.

talai

Khu Tà Lài chụp từ vệ tinh : vùng đất màu nậu nhạt ở phía trên ảnh, gần giữa, có dòng sông Đồng Nai chảy qua. Góc trái phía dưới : hồ Trị An. Góc phải, phía dưới : đương trắng chạy ngang là đường 20.

Tà Lài nguyên là trụ sở đặc biệt của thực dân Pháp tại vùng người Thượng ở đông và đông bắc Biên Hoà. Xem như một quận lỵ, từ lâu bỏ hoang. Nói là trụ sở, là quận lỵ, chớ thật ra không còn có đâu ! Cư dân ? – Vẻn vẹn chỉ có một nhà dân núp trong vườn chuối sum sê bên cạnh một bến phà. Công thự ? Chẳng có gì cả ngoài ba cái nhà trệt bằng gỗ lợp ngói có thể chứa một vài ông quan và một vài trung đội lính khố xanh nhưng đã bỏ hoang, không biết từ hồi nào. Ba cái nhà đó ở giữa một khu đất rộng chừng bảy, tám mẫu, cây to cao đã bị đốn sạch, nhưng cây nhỏ và cỏ tranh mọc lên rậm rì, có nơi lút đầu. Ngày chúng tôi lên tới đó thì Tây mới vừa làm xong một cái trại dài bằng tranh tre nứa chứa được khoảng năm, bảy mươi người, một cái nhà bếp, một trạm y tế cũng bằng tranh tre. Từ nay về sau mọi sự xây dựng ở trại giam này đều sẽ do bàn tay của anh em chúng tôi.

“ Cầu thủ dự bị ”

Ở Tà Lài được vài tuần, số anh em lên đến hơn trăm, mỗi tuần lại thêm đông, tổ chức sinh hoạt, tổ chức lao động bắt đầu thành nề nếp. Tôi bàn với vài đồng chí tin cẩn nhất trong Đảng uỷ căng như Văn, Phúc, Giác, Đức về nhiệm vụ chính trị của những đảng viên cộng sản ở cái trại giam lớn này.

Rõ ràng là bọn thực dân quyết định gấp rút bắt tập trung lại một chỗ cho kỳ hết những ai mà chúng cho là nguy hiểm đối với quyền thống trị của Pháp trong cuộc chiến tranh thế giới này, trước hết là những người cộng sản, nhưng không chỉ có cộng sản mà thôi. Hễ còn trại tập trung thì còn thực dân Pháp và chiến tranh. Trại tập trung là nhà tù không án, không thời hạn. Giam giữ là chính. Cái chính không phải là đày ải, bắt lao động. Tách rời cá với nước, chiến sĩ với nhân dân mới là mục đích lớn ; mục đích lớn chắc không phải là dùng nhân công này làm đường sá, xây đồn luỹ. Tất nhiên là vì nếu ở trại giam mà các nhà cách mạng chết lần, chết hồi đi thì thực dân Pháp càng bằng lòng. Về phần của ta thì ta phải xem việc tập trung ở trại giam này như là một cơ hội để huấn luyện chiến sĩ, đào tạo thêm cán bộ cho cuộc cách mạng nhất thiết phải nổ ra và thành công ngay trong cuộc chiến tranh thế giới này. Các đồng chí đang hoạt động bí mật hiện nay có khá đông, đủ năng lực, đủ tinh thần, nhưng tránh sao khỏi bị bắt, bị giết. Chúng tôi ở trại giam phải tự xem như “ cầu thủ dự bị ” để thay thế những người bị bắt, bị giết đó, để bổ sung cho lực lượng cách mạng chỗ nào và khi nào cần. Tà Lài phải đóng vai một “ trường học nội trú ” của Đảng. Việc chính của chúng tôi ở đây chưa chắc phải là đấu tranh để cải thiện điều kiện ăn, ở, y tế, lao động, cái đó tất nhiên là cần thiết mà không phải là chính yếu ; cái chính yếu là học, là huấn luyện.

Ban lãnh đạo căng, công khai, được toàn thể trại viên bầu cử, được xếp căng công nhân, lo việc tổ chức ăn, ở, lao động. Ban này đa số là đảng viên, mỗi trại hai người, trên hết là đại diện của toàn thể trại viên đối với xếp căng : đồng chí Giàu. Đảng uỷ viên chuyên lo việc huấn luyện chính trị tư tưởng, tổ chức lực lượng nòng cốt, liên lạc với bên ngoài, công tác binh vận đối với lính khố xanh, công tác dân vận đối với đồng bào Mạ 11 trong vùng. Mọi khả năng đều được tính trước, bàn luận kỹ, phải biết rằng thời này là thời chiến, không còn là thời bình nữa rồi.

Đồng chí Văn báo cáo nội bộ hẹp về nghị quyết Trung ương tháng 11 năm 1939 (họp ở ngoại ô Sài Gòn), về nhiệm vụ cách mạng Đông Dương trong tình hình chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Nghị quyết này, mãi cho đến tháng 5 năm 1940, tôi chưa được biết, tôi cũng không biết rằng, cuối 1939, sau hội nghị Trung ương thì Ban Thường vụ Trung ương đã bị bắt ở đường Nguyễn Tấn Nghiêm. Phúc nói riêng với tôi là Xứ uỷ Nam Kỳ đã tính đến việc khởi nghĩa, phải bắt đầu chuẩn bị để đón thời cơ, tin ấy phù hợp với việc cán bộ Mỹ Tho đến nhà tôi báo cho tôi biết là tôi có thể được chỉ định vào Uỷ ban khởi nghĩa khi tôi vừa ở Khám Lớn về nhà.

Trong trại giam Tà Lài, đảng viên cộng sản và hội viên các đoàn thể do Đảng lãnh đạo chiếm đại đa số. Song, những người không cộng sản cũng không ít, còn có tín đồ Cao Đài, nổi tiếng nhất là “ Thiên Bồng đại nguyên soái ” Lê Kim Tỵ ; lại có Tờ-rốt-kít như nhà báo ít tiếng tăm Lê Văn Thử từ đệ tam sang đệ tứ, tiến lên đệ tứ rưỡi, cũng có một tay nguyên thuộc công đoàn vô chính phủ ở Paris như Trịnh Hung Ngẩu - nay là công thương gia. Lác đác vào trại có một ít cụ thuộc các “ hội kín ” ngày xưa. Và, sao cho khỏi mấy tay trà trộn vào đây để do thám.

cancuoc

Ảnh căn cước Trần Văn Giàu tại trại giam Tà Lai

Văn và tôi tổ chức nhiều tổ học tập lý luận. Vấn đề chính, nhiệm vụ lớn là xây dựng, củng cố lòng tin vào một cuộc cách mạng nhất định sẽ nổ ra thành công ngay trong thời gian chiến tranh thế giới này. Văn là cựu sinh viên trường Đại học Đông Phương, khoá sau tôi, người Vĩnh Long, nhỏ con mà râu xồm, tóc quăn, có lẽ gốc người Phù Nam gì đó chăng ? Văn ít nói mà làm việc nội bộ giỏi. Tôi thì thường xuyên nói chuyện về thời sự, về các vấn đề chiến tranh và cách mạng thế giới, trả lời cho các câu hỏi chính trị bất luận là của ai, Cao Đài hay Trốt-kýt. Sinh hoạt tư tưởng xem như là thường xuyên, lính gác cũng được dự, có khi cả sếp Tây nữa. Nhớ ngày Đức mở cuộc tấn công chọc thủng chiến tuyến Maginot, tràn qua Bỉ và miền bắc Pháp, nhắm Paris trực chỉ, một thằng sếp Tây xuống trại 1, tìm hỏi tôi : “ Liệu Paris có thất thủ hay không ? ”. Đông đảo anh em xúm nghe tôi và ông sếp Tây tranh luận. Sếp Tây thì đoán rằng sau chiến luỹ Maginot thì Pháp chỉ có thể lấy sông Loire làm phòng tuyến tự nhiên, chặn đứng quân Đức ở đó ; nghĩa là Paris chắc mất thôi. Còn tôi thì cho rằng Paris có truyền thống cách mạng, sẽ không để cho quân phát xít chiếm đóng cho dù quân của chính phủ bỏ ngỏ kinh thành. Đánh cá nhau : ăn thua một chai champagne, có hàng trăm trại viên Tà Lài làm chứng. Ít hôm sau, chỉ ít hôm sau thôi, tin tới tấp, chẳng những Paris thất thủ mà nước Pháp cũng sớm đầu hàng nhục nhã ! Tôi không dè rằng Pháp yếu hèn đến thế. Ai, ngoài Hitler, tin rằng một đế quốc Pháp cường quốc có hạng, mà bị bẻ gãy xương sống chỉ trong vòng hai ba tuần, quân Pháp chạy chết như một đàn trừu non trước bầy sói dữ ? Không phải là tôi buồn bực gì về cái việc Pháp thua Đức. Pháp thua Đức có thể thấy trước ; nhưng tôi không thể đoán được là Pháp đo ván mau đến thế. Tôi tính rằng Pháp cầm cự được ít ra cũng cả năm, Đức sẽ yếu đi bớt, Liên Xô sẽ có thời giờ chuẩn bị thêm. Nay, ở mặt trận Tây Âu như vậy là Đức gần như rảnh tay, nó có thể sớm đem phần lớn lực lượng sang đông, đánh Liên Xô là kẻ thù chính của nó. Nước Đức làm chủ thực tế của toàn thể lục địa châu Âu, đem toàn lực lục địa châu Âu sang đánh Liên Xô thì mệt cho Liên Xô lắm, mà hễ mệt cho Liên Xô thì cũng rất khó cho cách mạng thế giới.

Quả thật như vậy. Sinh hoạt tư tưởng của căng Tà Lài từ nay tập trung vào vấn đề mặt trận Đức - Liên Xô. Hơn ai hết tôi khẳng định rằng, tiến công Liên Xô thì Hitler đến ngày tận số. Nhưng rồi cũng không hẳn như thế, ít nhất là ở những giai đoạn đầu. Phòng tuyến Stalin chẳng hơn gì phòng tuyến Maginot. Quân Đức thắng trận này đến trận khác ; Hồng quân mất thành này đến thành khác, có khi một ngày lui hàng mấy chục cây số ; quân Đức vào tới ngoại ô Leningrad ; Hitler tuyên bố sẽ nghỉ đông trong Moscou ! Các đồng chí cộng sản buồn hiu ; bọn đệ tứ, bọn thân Nhật lên chân ; tụi nó lấy báo ghép lại thành như một chiếc chiếu vẽ địa đồ chiến sự Đức - Liên Xô, tuỳ tin chiến sự mà cắm cờ chữ vạn và cờ búa liềm, chữ vạn tiến mãi, búa liềm lui hoài ; họ uống trà, bình luận, nói móc họng. Cho đến một hôm Tào Tỵ đi qua chỗ tụ họp ấy, nghe tụi kia chế nhạo nào là “ Hồng quân vô địch ”, nào là “ Liên Xô hùng cường ”, nào là… Tỵ nổi nóng cho mỗi đứa một đá, một thoi trời giáng, cả bọn tan như ruồi ; anh em cản Tỵ lại, không thì tay võ sĩ Tiều này còn đại náo thiên cung dài dài và được nhiều người ủng hộ. Song vấn đề tư tưởng thì phải giải quyết bằng tư tưởng, không giải quyết được bằng cùi tay gót chân. Văn và tôi bắt đầu tìm cách giải thích sự cố Đông Âu trong nội bộ các đồng chí ; rồi sau đó tranh luận công khai cho mọi người phát biểu ý kiến : Đức Liên Xô, ai sẽ thắng ? Trở lại trước :

– Chủ nghĩa phát xít là gì ? Do đâu ra ?

– Nguyên nhân của chiến tranh thế giới lần thứ hai ? Trong đó có những vấn đề mà tôi đã nói với tụi cò Catinat hồi tháng Tư !

– Chiến tranh và cách mạng.

Trước mắt, thiết thực là vấn đề Liên Xô có đứng vững được không trước sức tiến công vũ bão của Đức Hitler. Đảng uỷ, Văn và tôi cố giữ cho được lòng tin Liên Xô sẽ chiến thắng. Trên lý luận thì như vậy, nhưng thực tế chiến trường thì khác xa, rất khó giải thích, không dễ giữ được một lòng tin tuyệt đối như trước.

Chuẩn bị khởi nghĩa

Từ khi đặt chân lên Tà Lài, Văn, Phúc đã cho tôi biết chủ trương đường lối của Trung ương Đảng và của Xứ uỷ Nam Kỳ về vấn đề khởi nghĩa.

Trung ương hội nghị lần thứ VI họp ở Bà Điểm quyết định chiến lược mới của cách mạng giải phóng dân tộc, quyết định rằng ta có nhiệm vụ làm cách mạng thành công trong cơ hội “ trăm năm có một ”, nghĩa là trong chiến tranh thế giới lần thứ hai này. Nhưng, rủi quá, Trung ương Thường vụ bị bắt sau đó ít lâu tại đường Nguyễn Tấn Nghiêm, Sài Gòn. Xứ uỷ Nam Kỳ, căn cứ vào nghị quyết của hội nghị Trung ương lần thứ VI, đã bắt đầu chuẩn bị khởi nghĩa. Kế đó, Pháp đại bại, đầu hàng Đức, các cuộc xung đột biên giới giữa Đông Dương thuộc Pháp và Thái Lan thân Nhật càng thúc giục cuộc chuẩn bị khởi nghĩa. Chúng tôi ở Tà Lài được tin là Xứ uỷ không yêu cầu chúng tôi cùng hành động, chỉ yêu cầu chúng tôi bảo toàn lực lượng, chờ ngày được giải phóng. Nhưng về phần mình, chúng tôi không thể ngồi chờ mà phải sẵn sàng hưởng ứng khi cần. Chúng tôi cũng chuẩn bị khởi nghĩa và chuẩn bị bằng những cách sau đây :

laroquette

Tháng 7.1989 (kỉ niệm 200 Cách mạng Pháp), Trần Văn Giàu được mời sang Pháp. Ảnh chụp trước cổng nhà tù La Roquette, nơi cậu học sinh Giàu bị giam năm 1930 trước khi bị truc xuất về nước (ảnh N.N. Giao)

Một là, tuyên truyền vận động ráo riết cho mã tà đứng về phe cách mạng, đánh Pháp, giành độc lập. Pháp mắc kẹt ở châu Âu, bị Đức đánh bại, thì lính khố xanh, khố đỏ gì cũng dễ thấy được rằng Pháp hết thời rồi, chỉ còn chờ ngày cút khỏi Đông Dương mà thôi. Ở trại Tà Lài mỗi tuần thay phiên một tiểu đội hay là hơn nữa, ý định của Pháp là ngăn ngừa lính bị chúng tôi tuyên truyền, thực ra, có thể xem như Tây nó thường kỳ đem nộp thêm người để cho chúng tôi tuyên truyền cách mạng. Các toán lao động ngoài rừng, ngoài đường đều có vài lính đi theo, chúng tôi tuyên truyền vận động đến mức họ đồng ý tập cho chúng tôi mở ráp súng và thỉnh thoảng bắn đạn thật, lính về báo cáo với sếp Tây là đã bắn “ đuổi cọp ”. Đa số lính của “ Binh đoàn lưu động ” vì vậy mà hiểu cách mạng, cảm tình với Đảng. Nếu ngày nào ta quyết định khởi nghĩa lấy đồn Tà Lài, thì việc đó sẽ dễ như móc thuốc lá trong túi áo.

Hai là, tuyên truyền vận động cho đồng bào thiểu số địa phương thương và phục những người bị giam ở trại. Việc này khó lắm. Vì đồng bào rất ít biết tiếng Việt, còn anh em tụi tôi thì không biết tiếng Mạ chút nào. Bà con lại ở cách trại giam tới năm, ba cây số hay xa hơn nữa, chỉ có Phúc, sếp ê kíp đốn tre bứt mây, mới có dịp vào làng Mạ. Song đồng bào thường qua lại Tà Lài. Chúng tôi tìm cách thỉnh thoảng tổ chức những cuộc vui chơi ở trại thì đồng bào rủ nhau đến xem. Tụi tôi sẽ có cách “ tương kế tựu kế ” gây cảm tình.

Ba là, tổ chức một đội võ thuật, nói cho đúng một đội du kích hay tự vệ, không mang hẳn tên gì mà thực chất là đội vũ trang, xung kích. Đội gồm những tay “ hào kiệt ” được chọn kỹ : Tô Ký, Nguyễn Công Trung, Tào Tỵ v.v… Trong rừng sâu thiếu gì chỗ tập luyện.

Bốn là rèn vũ khí thô sơ. Anh thợ Ba Son 12, Nguyễn Văn Khung, phụ trách công việc này, dao mác, xà beng của trại thỉnh thoảng được báo cáo mất, hỏng, thật ra là đưa vào “ binh công xưởng ” của Khung để rèn dao găm, mã tấu.

Và năm là làm lương khô và tích trữ thuốc men, việc này do “ Tiển cụt ” sếp bếp của căng, phụ trách : mỗi ngày để dành cơm cháy và phơi một số cơm khô đựng trong bao bố tời treo ở bếp.

Đã có kế hoạch chiếm gọn đồn Tà Lài, ra lấy Xuân Lộc, thắng thì đánh rốc về Biên Hoà, thất thì vào rừng núi làm du kích chiến tranh ; Tà Lài nổi dậy là phải tuỳ theo lệnh của Xứ ủy, không được tự động.

Sau đây là vài chuyện thuộc mưu đồ khởi nghĩa ở Tà Lài, chuyện xảy ra vào cuối năm 1940. Chuyện “ thi lội ” là kế “ điệu hổ ly sơn ”, tạo khả năng điều phần lớn Tây và lính đồn ra khỏi trại mà thường xuyên chúng phải túc trực. Chuyện “ Xỏ vàm trâu cổ ” là chuyện cốt làm cho đồng bào người Mạ phục anh em bị giam cầm, tạo điều kiện quan hệ thân ái giữa người Kinh và người Thượng mà Pháp cố tình chia rẽ ; nhà cầm quyền thực dân cho rằng Tà Lài không có tường cao cửa sắt như Khám Lớn nhưng lại có rừng già nhiều cọp và có xóm làng người thiểu số mà chúng tin là trung thành với Pháp cho nên chúng tin chắc rằng tù nhân không thể nào vượt ngục mà không bị dân bản địa bắt nộp cho chúng.

Thi lội

Phong cảnh Tà Lài khá hữu tình. Đồn ngói của Tây, trại tranh của tù như giấu mình trong khu rừng mênh mông đầy muông thú, bên cạnh một con sông lớn nước bao giờ cũng trong và đầy, sông Đồng Nai. Bên kia sông về hướng Tây, một dãy núi xanh biếc. Bên dưới sông, một cái thác tuyện đẹp, được tù nhân đặt tên là thác “ Cồn Mai ”, đá dưới nước trồi lên, mai trên đá soi gương dưới nước. Khoảng trên của con sông, dài không biết bao nhiêu kilômét, nước đầy, chảy nhẹ, nhiều cá tôm, có cả sấu ; chiều chiều đội đốn tre của anh Phúc thả bè về, quần áo quấn trên cổ, hát giọng chèo đò. Một hôm chủ nhật, tốt trời, chúng tôi xin phép tổ chức “ thi lội ” ở khoảng sông này. Sếp Tây đồng ý.

Trong một số anh em bị đưa đi lên trại giam Tà Lài, có Nguyễn Văn Minh, biệt danh là “ Minh lội ”, người dong dỏng, khoẻ, vui tính, nổi tiếng vô địch bơi lội Đông Dương. (Năm rồi trong cuộc thi bơi lội toàn Đông Dương thì Minh đoạt giải nhất). Bị đưa lên Tà Lài về cái “ tội ” không ra tội là “ thuộc nhóm La Lutte 13 ”, chỉ có vậy thôi. Lên đây, Minh có một hồ bơi lý tưởng là khúc sông Đồng Nai dài, rộng, sâu, nước chảy không mạnh. Những buổi chiều biểu diễn của Minh được toàn căng tán thưởng, nhiều thầy chú 14 ra xem, đôi khi sếp Tây cũng ra xem. Minh lội nhanh như cá và đẹp như khiêu vũ ba lê.

Trong số thanh niên bị bắt lên trại giam Tà Lài, có Nguyễn Thanh Liêm, con đỡ đầu của nghệ sĩ Văn Cừ, Cần Thơ. Liêm trẻ hơn Minh, cũng dong dỏng, vui tính, đẹp trai, có tiếng bơi lội giỏi mà không đi tranh giải vô địch bao giờ. Trên khúc sông Tà Lài, Minh và Liêm đôi khi cũng tranh tài với nhau và mỗi lần như vậy cả hai đều được trại viên, lính tráng cỗ vũ, đánh cá với nhau.

Tôi, Văn và Phúc nảy ra cái ý là, nếu một ngày nào đó ta phải chiếm đồn Tà Lài để rồi ra đánh Xuân Lộc, thì khi ấy ta phải tạo ra một tình hình thuận tiện cho cú đánh bất ngờ, là kéo sếp Tây và phần lớn lính mã tà ra khỏi trại. Trong lúc đó một số ít người của ta ập vô trại lấy hết súng đạn mà không phải đánh chác gì. Trước mắt ta hãy thử tổ chức một cuộc đua tài bơi lội giữa vô địch Minh và những ai muốn thử sức mình, nói cho đúng, giữa Minh và Liêm. Có giải thưởng. Có cá độ. Sếp bắt Liêm, tôi bắt Minh.

Hội thi hôm ấy rất náo nhiệt.

Mấy trăm anh em ra mé sông, có cả mấy chục đồng bào Mạ qua đường dừng chân xem đấu. Tiếng reo hò vang dội, càng vang dội khi Minh, Liêm về gần mức ngang ngửa.

Tôi, sếp cùng hàng chục anh em và binh lính đứng trên chiếc phà cột ở bến. Vui quá là vui ! Hai thằng sếp Tây, ở trần trùng trục, tay chống đầu gối cũng hét lên với mọi người. Tôi và Tào Tỵ đứng bên hông hai sếp, cũng hét hò. Tôi thua – sếp thắng. Liêm vượt Minh tới một thước.

Người thắng thực sự là Văn, Phúc và tôi, vì hội đua đã kéo được hầu hết Tây tà ra khỏi đồn trại.

Khi cần sẽ có nhiều cách khác mà Tào Tỵ gọi là “ dụ khị ”, binh thơ xưa gọi là “ điệu hổ ly sơn ”.

Xỏ vàm trâu cổ

Trâu có vàm mới kéo cày, kéo cộ, kéo súc được. Trâu không vàm như xe cam-nhông máy tốt, xăng đủ mà không có tay lái ; vô dụng. Cho nên chủ trâu ai cũng sớm lo xỏ vàm trâu. Người ta xỏ vàm trâu khi trâu còn tơ. Không ai đợi tới trâu dậy cổ mới xỏ vàm bao giờ. Trâu đực bốn tuổi thì cổ nó đã lớn cả ôm ; lúc đó nó dữ lắm, sờ tới mũi nó thì liệu hồn ! Nó húc chết. Khép nó vào chuồng để xỏ vàm ? Nó phá gãy bất kỳ thứ cổng nào.

Vậy mà tôi đã mắt thấy một vụ xỏ vàm trâu cổ.

Người đã làm cái việc không ai dám làm đó là Tô Ký. Khi ấy Tô Ký mới mười chín tuổi.

“ Chủ mưu ” là tôi. Bộ muốn hại thằng trẻ sao mà xui nó xỏ vàm trâu cổ ? – Không ! Hay là sai tướng lên đánh Ma Thiên Lãnh ? – Có mưu đồ tựa như vậy ; có mục đích chính trị chính đáng. Ai tinh lắm mới hé thấy. Con mắt bình thường kể cả con mắt hay ngờ vực, cảnh giác của bọn sếp Tây cũng không hơn mắt bịt bạc. Thôi thì hãy nói ngay rằng việc xỏ vàm trâu cổ nằm trong kế hoạch của Đảng ủy trại tập trung Tà Lài nhằm vận động đồng bào Mạ, tạo điều kiện cho một cuộc khởi nghĩa hoặc một cuộc vượt ngục : phải có cách làm cho đồng bào (bản địa) kính phục và thương yêu mình bằng một số hành động nổi bật nào đó, chớ tuyên truyền miệng thì đồng bào có hiểu tiếng Việt đâu !

Tháng 10 năm 1940, bọn tôi, có mấy trăm người bị giam ở trại tập trung Tà Lài. Trại nằm sát mé sông Đồng Nai. Tại đây có một bến phà. Ở phía đông của bến phà có một ngôi nhà lụp xụp nuôi tới chừng ba chục con trâu. Ngoài ngôi nhà này không hề có căn nhà nào khác. Ở đây, bản làng đồng bào Mạ cách xa Tà Lài nhiều cây số, nhưng ngày ngày vẫn có người mang nỏ, mang gùi, xách chà gạc 15, xách thịt rừng đi qua đây, có khi một vài lít rượu. Đỡ buồn cho tụi tôi biết mấy !

Trong bầy trâu của chủ nhân ngôi nhà ở sát bến phà, có một con trâu duy nhất không vàm. Đó là anh trâu cổ, cổ lớn như thùng bia. Sừng dài mới chừng hai gang, nhọn hoắt. Cao lớn và gọn gàng. Da nó bóng láng đen thùi lũi. Nó nghinh lên thì mắt nó như hai cục lửa, mũi phì ra hai luồng khói. Thấy mà ghê. Thế mà chẳng lợi gì ráo cho chủ nhà ngoài hai việc : nhảy cái và giữ cọp. Bảy, tám chú nghé đều là con của anh trâu cổ này. Bầy trâu sáng đi ăn cỏ ở trảng thì anh trâu cổ gom tất cả vào một cụm rồi nó đi rảo xung quanh, nhìn vào mé rừng. Bầy trâu, chiều về nhà, nằm ở sân, nghé chính giữa, lớn xung quanh, đưa đầu ra ngoài, còn anh trâu cổ ta thì tự cho phép mình đi đi lại lại như một “ chú cai ”, hình như nó có ý thức cảnh giác : ở đây cọp rình luôn. Người ta kể rằng, mới mấy tháng trước thôi, anh trâu cổ húc xẹp lép một ông cọp già vào gốc cây bằng lăng !

– Anh trâu cổ này nếu có vàm thì tui cho người ta mướn kéo súc, được nhiều tiền lắm : đổi lấy muối cũng được mấy chục giạ ! Chủ nhà nói bập bẹ với tôi như vậy.

– Sao không liệu xỏ mũi cho nó ?

– Làm sao được ? Nó chém chết. Sức trai, mưu già, ở mấy bản làng xung quanh đây, không làm gì được ; không ai dám làm. Có lẽ rồi phải để người ta bắn nó, làm thịt bán thôi.

– Nếu có ai xỏ mũi con trâu cổ đó thì anh tính sao ?

– Thưởng cho một đùi heo rừng và một vò rượu cần.

Tôi hẹn với chủ nhà, để tôi hỏi anh em tôi có ai biết xỏ mũi trâu không rồi sẽ báo lại.

*

– Ê, Ba Ký ơi ! Chú mày nói là lớn lên từ cái nghề làm ruộng chăn trâu, vậy có biết xỏ mũi trâu không ? Tôi hỏi.

– Dễ như quấn thuốc rê.

– Đừng chủ quan : không phải trâu tơ mà trâu cổ. Dám không ? Được không ?

Tô Ký suy nghĩ một phút, chỉ một phút thôi, rồi trả lời :

– Lấy thế thì làm được liền.

– Thế là thế nào ?

– Như vầy, như vầy…

– Uất Trì Cung tắm ngựa được thì chú mày xỏ vàm trâu cổ được chứ gì. Có biết Uất Trì là ai không ?

– Truyện Thuyết Đường Chinh Đông, nhiều truyện Tàu khác nữa trong lịch sử bắc phương tôi thuộc làu làu. Tôi cũng sẽ làm việc “ tắm ngựa ” cho các anh xem.

– Cố gắng nghen ! Tôi sẽ bảo chủ trâu kêu đồng bào Mạ mấy bản xa gần đến xem. Hễ đồng bào họ khen, họ phục thì tụi mình dễ vào bản làng, vào làm gì chú Ba mày biết rồi, không phải chỉ có việc mua gà và mua rượu.

Ngày giờ xỏ vàm trâu cổ đã tới.

Trên bãi cỏ bờ sông sau trạm y tế, bầy trâu non già ba chục con họp đông đủ. Cũng đông đủ sếp Tây hai thằng, vài chục chú mã tà, mấy trăm anh em tù nhân đều tề tựu, như để xem xiếc.

Tôi hồi hộp, dẫu rằng tin chắc ăn.

Tô Ký đầu trần, lưng trần, bận xà lỏn, tay cầm một sợi dây mây vót nhọn. Coi như một võ sĩ sắp lên võ đài.

– Chắc ăn không mậy, Ba Ký ? Văn hỏi.

– Như ba bó một giạ – Tô Ký đáp và cười có duyên.

Bỗng Tô Ký dõng dạc ra lệnh :

– Lùa hết trâu xuống sông một lượt !

Trót, trót, trót, roi quất đít trâu !

Trâu ùa xuống sông, con này trước con kia, con này sát con kia.

Nước Đồng Nai chảy không lấy gì làm mạnh.

Tô Ký cầm dây mây, nhảy trên lưng trâu, một con, hai con, ba con, rồi nhảy lên lưng anh trâu cổ. Gã trâu cổ lúc này ở gần giữa bầy trâu ba mươi con chen nhau như nêm. Đoạn Tô Ký hai chân kẹp cổ trâu ngạnh, mình trườn dài ra trên đầu trâu, nằm giữa cặp sừng của nó, với tay ra trước nắm mũi trâu, lấy dây mây đã vót nhọn, đâm một cái sựt, kéo nhanh dây mây buộc chặt vào mang tai trâu. Tất cả làm xong chừng một vài phút. Anh trâu cổ bị người ngồi trên cổ, nằm sấp trên đầu, sờ mũi, đâm mũi ; nó lồng lộn nhưng không cách nào được vì chân không chấm đất, nó quơ sừng mà người ta nằm giữa hai cái sừng, nó chém sao được, nó muốn hất mà hất sao được vì người ở cổ nó chớ có ở trước mặt nó đâu ; nó lồng phải, lồng trái đều đụng trâu khác ; trước nó, sau nó đều có trâu. Rốt cuộc, hình như nó bực lắm, mà phải chịu thôi !

Cột dây vàm rồi, Tô Ký đứng phắt dậy trên lưng trâu ngạnh, nhảy qua lưng trâu khác, một con, hai con, ba con, bốn con, rồi nhảy lên bờ, hô : Xong !

Mấy trăm người hoan hô nhiệt liệt.

Sếp Tây Ménétrie nói :

– Vous êtes formidable ! (Anh cừ thật)

Đội, cai, lính hết lời khen :

– Gan hết cỡ, mưu rất cao !

Đồng bào Mạ tỏ ý khâm phục, chỉ tay về phía mặt trời lặn, bảo : “ Làng tôi ở bên kia ” như tỏ ý mời.

Bầy trâu xuôi dòng, tới Cồn Mai thì lên bờ, lại gặm cỏ. Riêng anh trâu cổ rày đã có vàm, lồng lộn dữ dội : chạy tới, chạy lui, cụng vào gốc cây, lăn trên bụi rậm, rống lên. Cuối cùng mệt lừ, nó nằm sấp xuống bãi cỏ.

Mấy tháng sau, chúng tôi, trong đó có Tô Ký, vượt ngục Tà Lài. Địch ra lệnh cho đồng bào xuống núi, xé rừng tìm bắt bọn tôi ; chúng treo giải thưởng cho đồng bào, hứa nào muối nào gạo, nào tiền nếu bắt sống hay đem đầu về được. Nhưng chúng tôi vẫn an toàn ẩn náu trong rừng núi Tà Lài để rồi an toàn về thành thị, về đồng bằng, tiếp tục hoạt động cách mạng.

Không để bị khiêu khích

Tháng 12, được tin chính xác rằng khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra ngày 23 tháng 11, đã hoàn toàn thất bại, nên chúng tôi bãi bỏ sự chuẩn bị khởi nghĩa ở Tà Lài. Dĩ nhiên là công tác binh vận, tuyên truyền trong đồng bào Mạ thì vẫn tiếp tục. Hàng trăm anh em ở các tỉnh mới bị bắt đưa lên trại giam cho chúng tôi biết do khởi nghĩa đã nổ ra cuối tháng 11 thất bại ; thực dân Pháp đàn áp rất dữ dội, tàn sát dã man hơn cả những năm 1930-1931. Chúng tôi không biết tình hình căng Tà Lài sẽ ra sao để mà đối phó. Địch sẽ khủng bố tới mức nào ở trại giam ? Dù sao đi nữa thì mình cũng phải bình tĩnh, đề phòng, dự tính các khả năng.

Một hôm, chủ tỉnh Biên Hoà La Rivière lên Tà Lài với một tiểu đội lính khố xanh hộ vệ. Hôm đó, cũng như mấy hôm trước, từ sau khi nổ ra khởi nghĩa tháng 11, trại viên không toán nào đi làm ngoài xa cả ; tuyệt đại đa số đều tập trung, già cả thì chẻ tre đan ky trong nhà, trai trẻ thì xeo đá gánh đất làm con đường lớn gần sát trại đi lên hướng đông bắc dọc theo sông Đồng Nai. Bỗng sếp căng dẫn chủ tỉnh 16 đến chỗ tù nhân đang xeo 17 đá đắp đường :

– Tất cả, tập hợp lại ! Cuốc xẻng bỏ hết xuống đất ! Sếp căng ra lệnh.

Anh em mới cũ, già trẻ non năm trăm người tập hợp lại dưới dốc. Sau lưng y là toán lính lên cò súng trường nghe rôm rốp.

– Có biến rồi ; chắc khủng bố ; anh em nói với nhau.

– Bình tĩnh, bình tĩnh ! Đứng thưa ra, thưa ra ! Tôi bảo anh em.

Chủ tỉnh nói : Hãy nghe ta đây ! Vừa qua, thừa lúc nước Pháp bại trận ở châu Âu và bị rối ở biên giới Thái Lan, Đảng Cộng sản các nước đã cầm vũ khí nổi lên toan đánh đổ chính quyền Pháp ở Nam Kỳ. Đảng của các người đã hoàn toàn thất bại. Chính phủ đã và đang thẳng tay đàn áp và đàn áp không thương tiếc. May lắm mươi, mười lăm năm nữa, đảng của các người mới có thể ngóc đầu dậy. Ta báo tin cho các người biết. Bây giờ các người hãy trả lời cho ta câu hỏi sau đây :

Hỡi các người ở căng Tà Lài này, tán thành hay phản đối cuộc bạo động vừa qua ở Nam Kỳ ?

Như thường lệ, là đại biểu được toàn thể anh em bầu cử, tôi dịch cho anh em nghe. Tôi thấy anh em lo ngại lắm. Rõ ràng quá, thằng chủ tỉnh cố khiêu khích. Mấy trăm cặp mắt ngó vào tôi như bảo phải trả lời sao cho vừa giữ thanh danh của đoàn thể, vừa tránh khủng bố đẫm máu cho anh em. Tôi yêu cầu các anh em ủng hộ tôi. Khó trả lời quá. Nói tán thành khởi nghĩa thì thằng chủ tỉnh có thể sẽ ra lệnh bắn. Lúc này, bắn chết năm, bảy chục, một hai trăm người, tụi Tây ở đâu cũng dám làm, bọn tề xã còn dám tự tiện giết người kia mà. Còn nói không tán thành hay phản đối khởi nghĩa mặc dầu khởi nghĩa đã nổ ra rồi, đã thất bại rồi, thì hoá ra mình hèn quá, Tây nó khinh mình, mình cũng xấu hổ với anh em. Tôi xoè tay làm dấu hiệu bảo anh em đứng thưa ra hơn nữa. Rồi tôi bước tới mấy bước, đứng lên một tảng đá lớn, khá cao, với ngụ ý là, nếu tôi bị bắn, tôi sẽ đổ từ trên xuống, chớ không phải ngã bẹp. Tất cả diễn ra hết sức nhanh. Tôi trả lời bằng tiếng Pháp, sau lưng tôi có Văn dịch lại cho tất cả anh em nghe.

“ Này ông chủ tỉnh ! Ông hỏi vậy chúng tôi ở Tà Lài tán thành hay không tán thành cuộc khởi nghĩa vừa mới xảy ra ở đồng bằng ? Tôi xin trả lời cho ông và tôi chắc ông đủ bình tĩnh để nghe. Ông ơi ! Nước Việt Nam (lúc ấy tôi nói là Đông Dương) của chúng tôi từ mấy chục năm nay ở dưới quyền thống trị của nước Pháp, cũng như mấy tháng nay nước Pháp yêu dấu của các ông bị quân Đức Hitler xâm chiếm, dày xéo, thống trị. Chúng ta, ông cũng như tôi, đều là đồng cảnh ngộ mất nước. Tôi được biết, và ông thừa biết hơn tôi, rằng hàng chục vạn người Pháp thường dân và binh lính đang nổi lên cầm vũ khí tiếp tục đánh Đức để giải phóng quê hương. Tôi tin chắc rằng trong thâm tâm của ông chủ tỉnh, ông rất đồng ý với những người Pháp kháng chiến rằng không thể van xin quân Đức rút lui mà nhất thiết phải đánh đuổi chúng bằng vũ lực, bằng súng đạn. Ở góc trời Đông Dương xa xăm này, vì tấm lòng yêu nước Pháp, vì ý thức bảo vệ danh dự người Pháp, ông tuy không nói ra, ông không thể nói ra, mà ông thực sự một lòng với những người Pháp kháng chiến trong lòng nước Pháp. Chẳng nói giấu chi ông, ở cái xó rừng núi Tà Lài này, tôi sao lại không thông cảm với đồng bào của tôi trong biến cố tháng 11 vừa qua ở Nam Kỳ ?

Đó, tôi đã trả lời cho câu hỏi của ông chủ tỉnh ”.

Thằng Rivière nãy giờ nín thinh, bây giờ tay không chống nạnh nữa ; nó nhìn xuống đất, rồi nhìn lên khi tôi nói tiếp :

“ Còn như ông bảo rằng may ra mười, mười lăm năm nữa Đảng chúng tôi mới sống lại được. Thì, ông ơi, làm sao biết được mười lăm năm hay năm năm nữa, cục diện thế giới và cục diện Đông Dương sẽ biến đổi hoàn toàn. Ông còn sống, tôi chắc cũng còn sống, mọi người ở đây cũng còn sống, chúng ta tất cả là chứng nhân của lịch sử, chúng ta nhất định sẽ vui mừng thấy được nước Đức của Hitler bị bẻ gãy xương sống, nước Pháp của các ông và nước Việt Nam của chúng tôi đều được tự do ”.

Thằng Tây xem chừng mất hết cái hùng hổ ban đầu. Nó không nói năng gì hết. Nó quay lưng đi ; sếp căng và toán lính khố xanh mang súng trên vai, theo sau, êm ru. Mấy trăm anh em chúng tôi cười thầm, bàn bàn luận luận.

Thắng một trận !

Thoát nạn ; khi nãy tưởng đâu đại biến tới nơi !

Ông Trần Hữu Độ 18, tục gọi là ông “ Hồi trống tự do ” hay là ông “ Biện chứng pháp ”, vỗ vai tôi, nói : “ Thiệt chiến 19 Tà Lài, nghe khoái thật ”. Ở sở đan ky 20, trong số người có tuổi, ông Trần Hữu Độ nổi tiếng là một kho truyện Tàu và một kho tiếu lâm.

Vượt ngục

Ở căng Tà Lài cuộc sống không đến nỗi cực khổ quá, có thể nói thảnh thơi là khác, được như vậy không phải do chế độ của trại giam mà do tổ chức tù nhân của chúng tôi ; công việc khoán phần lớn ở trong rừng, chỉ có mã tà đi theo cốt để giữ không cho chúng tôi trốn hơn là để thúc bách tù làm. Chỉ một lần sếp Tây đánh một đồng chí một gậy, đồng chí ấy quơ xà beng lên đỡ, tất cả anh em đều đứng lên, xẻng, cuốc dao, mác trong tay, mắt đổ dồn vào tên sếp Tây, nó khiếp quá, bỏ đi luôn. Từ đó trở đi không có vụ đánh đập nào nữa. Ăn, thì gạo thừa, cá khô đủ ; chúng tôi còn đánh cá trên sông, mua thịt rừng, rượu cần ở đồng bào thiểu số. Rau thì thiếu gì trong rừng. Thuốc men không biết đâu là đủ, nhưng sốt rét thì có ký ninh, uống nước thì có nước sông lọc bằng thuốc tím. Ở, thì nhà tranh vách nứa, tự làm, nhưng được phát mùng, phát chiếu. Tây nó cốt được yên bằng việc tách tụi tôi khỏi nhân dân, không cốt được kết quả lao động khổ sai. Chúng tôi, cốt học tập dạy nhau để làm “ cầu thủ dự bị ” lúc cần, không cốt đấu tranh vì lợi ích hàng ngày. Sếp, mã tà đều nể chúng tôi, vì chúng tôi bao giờ cũng giữ nhân cách người yêu nước, người cán bộ cách mạng, cộng sản.

Thế nhưng, chẳng những riêng mình tôi, rất nhiều anh em nuôi chí vượt ngục ngay từ đầu. Có người muốn vượt ngục vì không muốn bị giam giữ vô thời hạn. Có người cho rằng, ngày nào đó, Tây bị cách mạng nổi lên đánh đổ hoặc bị một đế quốc khác giành lấy thuộc địa thì chúng sẽ tàn sát mình trước khi tháo chạy, cho nên mình phải liệu trước, thoát khỏi trại là hơn. Riêng tôi và một số cán bộ nòng cốt xác định rằng thời kỳ chiến tranh đế quốc chính là thời kỳ cách mạng giải phóng. Cơ hội trăm năm có một. Cha anh đã thất bại hồi chiến tranh 1914-1918 ; bây giờ chúng ta nhất thiết phải thành công. Cho nên chúng tôi đã tính đến vượt ngục từ những ngày mới đến Tà Lài ; còn tính đến khởi nghĩa ở Tà Lài nữa.

Vào thời điểm cuối 1940, khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, rất nhiều đồng chí bị giết, bị bắt, kể đến hàng ngàn, nhiều hơn bất cứ lúc nào. Cả Trung ương, Thường vụ đều bị bắt, chưa kịp phục hồi tổ chức thì tới phiên Xứ ủy Nam Kỳ hai lần bị bắt, rồi lần lượt các tỉnh ủy viên bị bắt, cơ sở Đảng và quần chúng bị đánh tan tác. Các bạn mới lên căng sau này báo cáo tình hình bi đát ấy. Và hôm rồi tên tỉnh trưởng La Rivière quả quyết rằng : “ Hoạ may, mười, mười lăm năm nữa, đảng của các anh mới có thể ngóc đầu dậy ”.

Vậy thì đến lúc “ cầu thủ dự bị ” phải vào sân kẻo trễ. Đã đến lúc các đồng chí bị giam ở Tà Lài, ai có nhiệt huyết, ai có tinh thần, phải vượt ngục trở về với dân, hoặc để bổ sung cho phong trào bị tổn thất quá nặng nề, hoặc gây dựng lại hệ thống cơ sở bị tàn phá tan hoang. Các bạn mới lên căng Tà Lài kể lại một phần tình hình địch khủng bố : nhà tù đầy nhóc, địch phải dùng các sân banh rào kẽm gai để nhốt người dưới nắng, dưới mưa ; chúng xỏ dây xâu chuỗi người bị bắt để dẫn về trại giam, xỏ dây kẽm ngang bàn tay như ta lấy nhánh trâm bầu xỏ vào mang con cá, địch phải dùng tới xà lan ghe chài để giam chính trị phạm ; chiến sĩ bị giam đông đến mức chỉ có chỗ đứng, không có chỗ ngồi, nói chi chỗ nằm ; bọn thực dân cho tù uống nước bằng vòi rồng, cho ăn bằng cách rải cơm xuống xà lan, ghe chài nêm đầy người như người ta rải lúa cho gà trên sân ; đến một lúc nào đó thì đám thực dân ra lệnh cho ca nô dắt những xà lan ghe chài đầy người kia ra cửa biển rồi lạnh lùng đánh chìm ! Nghe đau thương hết sức ! Pháp cố làm sao cho trong lúc chiến tranh này, không còn một tổ chức cách mạng nào, nhất là không còn có Đảng Cộng sản, thì mới giữ được Đông Dương trong tay Pháp. Toàn quyền Catroux đã công khai tuyên bố như vậy ngay từ khi hắn chân ướt chân ráo mới đến trấn nhiệm xứ này.

Phải vượt ngục thôi ! Để góp phần xây dựng lại Đảng bộ mạnh. Không có một Đảng bộ mạnh thì không có giải phóng.

Phải vượt ngục sớm ; nếu chậm trễ thì có thể sẽ không còn cơ hội vượt ngục nữa. Mấy hôm nay, ê kíp đan ky của Trần Hữu Độ được lệnh sản xuất thật nhiều, đan bao nhiêu, xe cam-nhông chở đi hết bấy nhiêu. Chở đi đâu ? Để làm gì ? Tụi Pháp chuẩn bị một “ căng ” nào ở núi cao rừng sâu hơn Tà Lài ? Và biết đâu chúng nó không thực hiện kế hoạch đưa những người đặc biệt “ nguy hiểm ” đi xa hơn, đi các đảo thuộc địa Pháp trên Ấn Độ Dương ? Có thể lắm ; và khi ấy thì không còn vượt ngục được nữa. (Sau mới biết rằng dự đoán của chúng tôi là đúng : anh em Tà Lài bị dời qua trại giam Bá Rá, và một số đồng chí như Phan Vân, Minh, cả giáo chủ Cao Đài Phạm Công Tắc cũng bị đưa sang tận Madagascar).

Trong lúc chuẩn bị vượt ngục, Đảng ủy căng Tà Lài đặc biệt chú trọng đến việc tập hợp tư liệu, thông tin về cuộc khởi nghĩa thông qua các đồng chí mới bị đưa lên căng Tà Lài sau ngày 23 tháng 11 năm 1940, nghiên cứu, sơ kết kinh nghiệm, rút ra một số bài học cần thiết để trang bị cho anh em sắp về công tác.

Việc chuẩn bị vượt ngục được bắt đầu ngay sau Tết Tân Tỵ 1941 : chọn người, điều tra đường đi nước bước, phơi cơm khô, trữ thuốc men, tạo một thiểu giấy tờ hợp pháp, kiếm tiền, bắt liên lạc với các đồng chí bên ngoài còn sống sót. Ba anh được lệnh đi trước để sắp xếp thực hiện một kế hoạch vượt ngục có quy mô ; đó là Khước (người Mỏ Cày có bộ râu Quan Công), “ Minh Thẹo ” (người Long Hồ, tháo vát) và Khuy (được gọi là “ con chim ngủ ngày ”, lầm lì ít nói). Ba anh đi trót lọt. Nhưng ở Tà Lài chúng tôi chờ mãi, không nhận được tin gì của họ. Như vậy là phải thực hiện kế hoạch vượt ngục cho một số ít người có năng lực đã được thử thách về các mặt lý luận, tổ chức, đấu tranh. Phải từng toán nhỏ mới dễ đi trót lọt được. Tôi khá lúng túng trong việc chọn người. Số anh em có tinh thần, có năng lực thì nhiều ; lựa ai, không lựa ai ? Lấy nhiều thì khó đi trót lọt, lấy ít thì hàng chục đồng chí tốt sẽ thắc mắc, phiền trách. Cuối cùng Đảng ủy đồng ý tám người cùng đi. Ngoài tôi ra, còn có các anh :

- Văn, tức Kiệt, kỹ sư, nguyên là sinh viên trường Đại học Cộng sản Đông Phương.

- Phúc (Dương Quang Đông), dân cựu trào, đã vào tổ chức từ năm 1927.

- Nhâm, công nhân, đã là thành ủy viên thành phố Sài Gòn cùng thời với chị Minh Khai ; lái xe, lái tàu đều giỏi.

- Giác, một cán bộ cựu trào từ năm 1930, đã từng hoạt động ở Cao Miên.

- Đức, một cựu tỉnh ủy viên Bến Tre, giỏi nông vận.

- Trung, một cán bộ hoạt động công đoàn trong nhóm Dân chúng 21 thời Mặt trận dân chủ.

- Tô Ký, một thanh niên Hóc Môn, võ giỏi, mưu trí, thuộc làu các truyện Tàu như Tam Quốc, Đông Chu liệt quốc ; tôi nhằm rằng tay này có thể trở thành một cán bộ quân sự đắc lực ; trong vụ “ Xỏ vàm trâu cổ ” vừa qua, Tô Ký tỏ ra rất can đảm, mưu trí.

Tôi tính rằng với số tám người này cộng với ba anh đã đi trước, nếu không bị mất mát hay ít bị mất mát, thì có thể thực hiện được nhanh chóng kế hoạch gây dựng lại cơ sở và hệ thống tổ chức Đảng bộ Nam Kỳ, tạo điều kiện tổ chức vượt ngục quy mô lớn cho anh em trại giam. Vấn đề trước mắt là phải làm sao cho chúng tôi nhờ ít người mà vượt ngục trót lọt.

Muốn đi trót lọt, phải quyết định đúng hướng đi. Chắc chắn là một khi sếp căng và chủ tỉnh hay rằng tụi tôi đã thoát khỏi căng thì lập tức chúng ra lệnh truy nã, cho cả bộ máy cai trị trong tỉnh Biên Hoà, trong xứ Nam Kỳ, từ trên xuống đến xã, khắp các làng thiểu số, ra sức săn lùng. Nhóm tụi tôi, gạo cội của cộng sản, mà tuột khỏi tay chúng nó thì sẽ gây ra vô vàn khó khăn cho nhà cầm quyền. Vậy chắc chắn là Pháp sẽ phải tức tốc, trong ngày, giăng một lưới dầy đặc xung quanh Tà Lài trước hết chặn tất cả các ngõ ra. Chúng tôi đoán bọn Tây sẽ chặn hướng đông là hướng ra đường 20, cách Tà Lài mười bảy cây số ; đồng thời chúng sẽ chặn hướng tây là hướng về Thủ Dầu Một, và nhất là chặn hướng nam là hướng về Biên Hoà dọc sông Đồng Nai. Tôi cho rằng Pháp không quan tâm mấy đến hướng bắc đông bắc là hướng càng đi càng vào rừng sâu, lên núi cao, dân cư toàn là người thiểu số, hướng ngược dòng sông Đồng Nai đầy gành thác. Cho nên tôi đề nghị với anh em là ta nên đi theo hướng ngược sông, hướng vào rừng sâu, núi cao, tuy dễ bị sốt rét rừng, nhiều cọp beo, nhưng là hướng mà địch ít ngờ nhất, còn ta thì đã chuẩn bị lương thực, thuốc men khá đầy đủ rồi, có thể chịu đựng một tháng hoặc hơn thế.

Vào một đêm tối trời đầu tháng ba năm 1941, thời giờ vượt ngục đến. Tôi tiếp mấy người cai đội mới lên đổi gác, những cuộc tiếp ấy đã thành lệ, cùng họ uống trà, đàm đạo, trong một cái chòi tứ giác ở gần nhà y tế, còn bảy đồng chí khác đã bí mật tập kết tại một địa điểm bờ sông. Buổi tiếp xong, tôi gọi Tào Tỵ lại, báo cho Tỵ biết rằng đêm nay tụi tôi ra đi, Tỵ ở lại để giữ vững tinh thần của anh em, và để lập kế sao cho Tây tà không thể sao biết sớm là ông Giàu đã đi khỏi trại. Tỵ được lệnh phải ở lại. Ông Trương Phi ấy nổi nóng, phản ứng dữ, nhưng mau chóng tuân theo quyết định của Đảng ủy. Tỵ phải vào mùng của Giàu, đắp mền, nằm im cho đến gần sáng, đề phòng khi lính đi rỏn nửa đêm thấy vắng ông Giàu, Giàu nằm đầu sập tre trại một, lính tuần tra đêm đêm vẫn ghé coi ông Giàu còn đó hay không. Gần sáng Tỵ sẽ báo lại với anh em rằng hồi hôm Giàu, Văn, Phúc,… đã đi rồi. Đến lúc đó đoàn vượt ngục đã đi cách xa trại giam mấy chục cây số bằng đường sông ngược lên phía đông bắc, hướng an toàn nhất. Sáng ra, thay mặt cho các trại viên còn lại, Tỵ sẽ đem bức thư của tôi gởi cho sếp căng. Thư ấy, Tô Ký còn thuộc lòng dù đã mấy mươi năm sau. Trong đó tôi viết :

“ Ông sếp căng :

Hôm nay chúng tôi ra đi, xin để lại mấy dòng từ biệt.

Chúng tôi ra đi không phải trước hết vì muốn gặp cha mẹ, vợ con.

Gặp lại sao được trong tình cảnh tù vượt ngục ?

Chúng tôi ra đi, nói thật, không phải vì chế độ căng quá khắc nghiệt. Ở căng tuy khổ – mà ở nhà tù nào lại không khổ – nhưng ông sếp không ác. Vả lại ông và tôi đã nhiều lần tâm sự với nhau, thông cảm với nhau về cái nhục mất nước, nước ông và nước tôi.

Chúng tôi ra đi vì mục đích giải phóng dân tộc chúng tôi, giành lại độc lập tự do cho đất nước chúng tôi.

Chắc những người Pháp ở Pháp hiện giờ cũng đang chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của quân Đức Hitler, nhằm giành lại độc lập tự cho cho nước Pháp. Hẳn rằng ông sếp đồng tình với những người Pháp yêu nước đó. Việc làm của họ và việc làm của chúng tôi giống nhau.

Mong rằng, chúng tôi ra đi rồi, ông sếp và những người cộng sự của ông sẽ tiếp tục đối xử ôn hoà, phải lý với anh em chúng tôi còn ở lại.

Xin chào từ biệt ông.

Thay mặt các bạn của tôi

Trần Văn Giàu ”

Tào Tỵ kể lại : hửng sáng ngày hôm sau, khi anh lên văn phòng sếp căng báo cáo lại rằng : Trần Văn Giàu và bảy người đã trốn đi từ bao giờ không biết mà có để lại cho sếp một bức thơ, thơ đây. Ménétrier bình tĩnh báo cáo ngay cho La Rivière, chủ tỉnh Biên Hoà, đồng thời ra lệnh giới nghiêm ở trại giam : không một ai được ra ngoài hàng rào dây kẽm gai. Chín giờ, La Rivière lên tới Tà Lài, liền tập hợp tù nhân, la hét, đe doạ và tuyên bố : “ Trong vài ngày, lâu nhất là một tuần, các ngươi sẽ thấy người Mọi đem đầu của Trần Văn Giàu và đồng bọn treo ở trước cửa trại giam ”.




1 Ma ca bông : biến âm từ danh từ tiếng Pháp vagabond, người vô gia cư, lưu lãng, thường có nghĩa xấu (ma cà bông, ma cà cúi, lúi húi đi tìm).

2 Mã tà : hay ma tà, gốc từ tiếng Mã Lai mata mata, chỉ chung lính cảnh sát, công an. Giữa thế kỉ XIX, mã tà chỉ một loại lính trong quân đội thực dân, cũng như ma ní (người gốc Phi luật tân). Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861), Nguyễn Đình Chiểu viết : “Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ.” và “Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.

3 Tức Mười Ký, tên trong nhà của Trần Văn Giàu.

4 Bãi thực : tức tuyệt thực, nhịn ăn để phản đối hay đòi hỏi điều gì.

5 Có lẽ đây là cuộc tuyệt thực nổi tiếng tháng mười năm 1936 ở Khám Lớn của Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo (bản đánh máy viết nhầm là Tạ chăng ?), Tạ Thu Thâu.

6 Lính khố xanh : cùng với Lính khố đỏ, là những người Đông Dương ở trong các đơn vị “bản xứ” của quân đội Pháp. Quân phục của họ là quần áo chẽn, nón dẹp (sau đổi nón chóp), và giải thắt lưng (quần) màu đỏ (xanh) buộc ở bụng, đầu giải buông thõng ở bẹn giống như cái khố nên người dân Việt mới gọi là "khố đỏ/xanh". Khố đỏ là lính chính quy (tirailleurs), khố xanh (miliciens) là địa phương quân (cấp tỉnh).

7 Mặt trận bình dân (Front Populaire) : Liên minh phái tả nghị trường Pháp (1936-1937) gồm Đảng xã hội SFIO, Đảng cấp tiến (Radical), có sự ủng hộ của Đảng cộng sản (không tham gia nội các), mang lại nhiều quyền lợi vật chất và tinh thần cho các thành phần lao động Pháp. Về đối ngoại, chính quyền Léon Blum không dám ủng hộ chính quyền cộng hòa Tây Ban Nha chống lại cuộc phản loạn của Franco. Đối với các chính sách thuộc địa, chính quyền Léon Blum đề ra một vài cải cách nửa chừng, song đã bị các thế lực thực dân vô hiệu hóa. Tuy nhiên, thời kì này đã có tác dụng rất tích cực đối với phong trào đấu tranh dân chủ, hợp pháp và bán hợp pháp ở Việt Nam. Đảng Cộng sản đã vực dậy sau cuộc đàn áp 1931-32. Tự do báo chí được mở rộng hơn (hẳn bây giờ). Dòng văn học hiện thực nảy nở.

8 Ách : adjudant (thượng sĩ) ; đội : sergent (trung sĩ) ; cai : caporal (hạ sĩ).

9 Căng : camp (trại).

10 Trảng : vùng đất trống, không/thưa cây, ở giữa rừng (clairière/glade)

11 Mạ hay Châu Mạ : dân tộc Tây Nguyên, ngữ hệ Môn Khmer, hiện nay khoảng 33 000 người, sống ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai (Tà Lài thuộc huyện Tân Phú của Đồng Nai). Theo Bình Nguyên Lộc, tiếng Việt đã tiếp thu khá nhiều từ của tiếng Mạ : sét (han rỉ), cẩm lai (gỗ), cá long tong, chết giấc (ngất đi), ngầy ngà (hay rầy mắng), thét rồi (mãi rồi), bậu (dùng để gọi vợ), qua (dùng để tự xưng với người yêu hay em út), lung (nhiều lắm)

12 Ba Son : từ tên gọi tiếng Pháp Arsenal de réparation (Công xưởng sửa chữa tàu chiến), xưởng sửa chữa tàu của Hải quân Pháp mở ra từ 1863 ở ngã ba sông Sài Gòn và rạch Thị Nghè. Nơi đây Nguyễn Ánh đã từng lập xưởng đóng chiến thuyền. Nửa đầu thế kỉ XX, Ba Son là nơi tập trung một đội ngũ công nhân cơ khí (trong đó có người thợ Tôn Đức Thắng).

13La Lutte : tờ báo tiếng Pháp, xuất bản tại Sài Gòn. Chỉ tồn tại từ 1933 đến 1937, tờ báo này có tiếng vang và ảnh hưởng sâu rộng trong cuộc đấu tranh chính trị ở Nam Bộ thời kì Mặt trận Bình dân. Dưới sự chủ trì của Nguyễn An Ninh, La Lutte (Tranh đấu) tập hợp cả hai xu hướng cộng sản (đệ tam và đệ tứ) và những người tiến bộ khác. Có thể đọc thêm bài của sử gia Daniel Hémery Sài Gòn thập niên 1930 : LA LUTTE tờ báo chiến đấu

14 Thầy chú : giám thị (nhà tù).

15 Chà gạc : còn gọi là rựa, dao rừng cán cong, phổ biến trong các dân tộc vùng Tây Nguyên và miền núi Đông Nam Bộ.

16 Chủ tỉnh : administrateur, viên chức Pháp, cai quản một tỉnh ở Nam Kì dưới thời thực dân (Nam Kì là thuộc địa, nằm dưới chế độ trực trị). Ở Trung Kì và Bắc Kì, bộ máy chính quyền vẫn là bộ máy của triều đình Huế, nhưng tại mỗi tỉnh, các quan phủ, quan huyện chịu lệnh của viên công sứ (résident) người Pháp.

17 Xeo đá : dùng đòn bẩy để lay chuyển những hòn đá lớn.

18 Trần Hữu Độ : nhà văn, bút hiệu Quân Hiến (1887-1945), quê quán trà Vinh. Chịu ảnh hưởng của phong trào Duy Tân, dịch sách Tân Thư của Lương Khải Siêu, viết Tiếng chuông truy hồn (1925), Hồi trống tự do (1926) ; năm 1928 bị tù vì tội « xúi dân làm loạn » (tương đương với điều 88 của Luật hình sự ngày nay). Ra tù, tham gia phong trào Đông dương Đại hội, thành lập Tân Văn Hóa Tùng Thư, chịu ảnh hưởng mác-xít, viết - Biện chứng pháp (1936), Mười một công thức của Karl Marx làm cơ sở Duy vật sử quan (1936), Đế quốc chủ nghĩa (1937). Bị giam lần thứ nhì năm 1941.

19 Thiệt chiến : giao tranh bằng lưỡi (thiệt), tranh luận. Ý nói tới cuộc “thiệt chiến quần nho” giữa Khổng Minh và bọn nho sĩ Đông Ngô thời Tam Quốc.

20 Ky : đồ đan bằng tre dùng để xúc đất, hót rác.

21 Dân chúng : tờ báo (tiếng Việt) công khai của Đảng cộng sản, xuất bản tại Sài Gòn trong thời gian 1938-1939, cùng trụ sở với tờ báo tiếng Pháp Le Peuple, ở số 43 đường Hamelin (nay là Lê Thị Hồng Gấm).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us