Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồi Ký T. V. Giàu / HỒI KÝ TRẦN VĂN GIÀU (XIII)

HỒI KÝ TRẦN VĂN GIÀU (XIII)

- Trần Văn Giàu — published 07/02/2011 00:00, cập nhật lần cuối 27/02/2011 23:21
Tối 21.8.45, Xứ ủy Nam Kì họp lần nữa, vẫn chưa quyết định được ngày 22 khởi nghĩa. Đành làm thí điểm tại Tân An. Phải đến đêm 24.8, chính quyền mới về tay cách mạng...




HỒI KÝ
TRẦN VĂN GIÀU

(XIII)



Phần thứ năm

TỔNG KHỞI NGHĨA THÀNH CÔNG :

KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP BẮT ĐẦU



4. Ta tập hợp lực lượng yêu nước.
Sự phân hoá của các lực lượng chính trị thân Nhật
ở Sài Gòn sau khi Nhật đầu hàng.
Sự thành lập nhanh chóng và sự tan vỡ cấp kỳ
của “Mặt trận quốc gia thống nhất”


Nhật đầu hàng thì lãnh tụ các đảng, các phái thân Nhật hoang mang tợn ; tuy việc đầu hàng đó, họ đã cầm chắc từ sau khi Đức hạ khí giới, mà sự hoang mang cứ làm cho họ luống cuống vô cùng : họ không biết phải làm gì ; họ không làm gì được. Một phần họ lo cho đất nước sẽ bị Pháp trở lại thống trị, mà phần lớn họ lo cho tương lai của họ là những người đã hợp tác với Nhật, đã giúp Nhật trong chiến tranh, nếu Pháp trở lại thì một số nào đó sao khỏi bị ông chủ cũ trừng trị bằng cách này hay bằng cách khác. Chớ còn quần chúng của các đảng phái đó thì có lo chi, hễ thấy đảng nào, mặt trận nào chân chính yêu nước và có sức mạnh thì ngả theo, mà trong thời thế này, thì Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh là những tổ chức được nhân dân đặt nhiều hy vọng vào nhất. Trong cái thế ấy, một thế rối và khó, các đảng phái và phái thân Nhật ở Sài Gòn vận động lập “ Mặt trận quốc gia thống nhất ” vào ngày 14/8/1945.


Mặt trận quốc gia thống nhất bao gồm :


- Đảng Quốc gia độc lập (đảng của ông quyền khâm sai Hồ Văn Ngà)


- Liên đoàn công chức (của nhà cầm quyền tổ chức từ khi có chính phủ Trần Trọng Kim).


- Cao Đài Trần Quang Vinh.


- Hoà Hảo.


- Đảng Quốc gia.


Mặt trận quốc gia phát hành một bản Tuyên ngôn ; bản Tuyên ngôn đó nói :


Giờ cực kỳ nghiêm trọng sắp đến. Nước Việt Nam sắp phải qua giai đoạn lịch sử mới. Nước nhà còn mất cũng trong lúc này. Số mạng của dân tộc Việt Nam đã đến giờ định đoạt. Sự định đoạt một phần lớn ở nơi sự tuyên dương ý chí của dân tộc và sự cương quyết tranh đấu của người Việt Nam…


Chúng ta kiên quyết chống đế quốc chủ nghĩa xâm lăng, nhất định không cho ai đụng đến quyền của người Việt Nam ở đất nước Việt Nam ”.


Khẩu hiệu của Mặt trận quốc gia thống nhất là :


- Chống đế quốc Pháp.


- Chống nạn ngoại xâm.


- Bảo vệ trị an.


- Bài trừ phản động...


Khỏi phải nói rằng “ Mặt trận quốc gia thống nhất ” ủng hộ ông quyền Khâm sai Hồ Văn Ngà và đón rước long trọng Khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm từ Huế vào nhận chức. Phân tích bản Tuyên ngôn của họ, tôi lưu ý anh em tới khẩu hiệu “ bảo vệ trị an ”. Bảo vệ trị an là chống lại những ai chống chính quyền hiện tại. Mấy hôm rày Nhật vừa “ trao trả Nam Kỳ ” cho triều đình Huế, như vậy là “ đế quốc Việt Nam ” độc lập, thống nhất rồi, họ muốn bảo vệ cái chính quyền này. Mà chúng ta (Cộng sản, Việt Minh) thì chủ trương đánh đổ nó. Thế nghĩa là khẩu hiệu “ bảo vệ trị an ” chắc hàm ý là nhằm vào cách mạng đang dấy lên. Ta phải dè chừng, cảnh giác. Nguyễn Văn Sâm về tới Sài Gòn thì việc thứ nhất của y là lo củng cố cảnh sát, công an, quân đội. Nhưng tôi cũng lưu ý anh em rằng đó là ý thức chính trị của các lãnh tụ Mặt trận quốc gia muốn bảo vệ chính quyền sẵn có, chớ còn quần chúng thì quan tâm gì đến cái bọn tai to mặt lớn lâu nay theo Pháp, theo Nhật ? Quần chúng thì chỉ muốn chống đế quốc Pháp, chống ngoại xâm, tất cả sẽ đi với ta, với Đảng Cộng sản, với Việt Minh là những tổ chức lâu nay có lịch sử cách mạng đáng tin cậy.


Có điều đáng chú ý là cuộc biểu tình chính trị do Mặt trận quốc gia thống nhất tổ chức ở Sài Gòn sau ngày 14 đã huy động được trên dưới 100.000 người là chí ít, đi từ đại lộ Norodom, qua Chợ Mới, xuống giải tán ở cầu Ông Lãnh. Có báo ước 200.000 hay hơn nữa. Các đồng chí trong Thành uỷ hỏi tôi : “ Thế nghĩa là gì ? ”.


Nghĩa là :


- Các tổ chức tự gọi là quốc gia ở Sài Gòn không phải không kêu gọi được quần chúng khi họ nêu khẩu hiệu độc lập dân tộc. Chúng ta chớ chủ quan.


- Khẩu hiệu “ chống đế quốc Pháp trở lại ”, “ chống ngoại xâm ” có sức động viên lớn.


- Ta chưa ra quân thì quần chúng còn nghe kẻ khác. Ta ra quân thì quần chúng sẽ đi về ta, và một số các tổ chức trong Mặt trận quốc gia sẽ đi về với Việt Minh, bởi vì ta có thế hơn, và có uy tín lớn nhất ở đất Sài Gòn này.


Quả thật, tiếp theo sự tập hợp lập tức có sự phân hoá trong Mặt trận quốc gia.


Cao Đài thống nhất 12 phái ” Hậu Giang ngả về ta từ ít lâu nay. Tịnh độ cư sĩ và đảng Quốc gia (khác với đảng Quốc gia độc lập) cũng vậy. Trong đảng Quốc gia độc lập, một cánh tả hình thành, kỹ sư Ngô Tấn Nhơn vừa mới được Khâm sai cử làm giám đốc công an, cảnh sát, nguyên là người của phong trào học sinh thời 1930-1931, đi lạc đường, bây giờ đã trở lại rồi. Liên đoàn công chức có nhiều đoàn viên Thanh niên Tiền phong, nên quyết định đổi tên là Liên đoàn công chức cứu quốc. (Tên “ công chức cứu quốc ” này do Thành uỷ đề nghị.) “ Nhóm trí thức ” Trốt-kít thì vẫn triệt để chống Việt Minh, chống cộng sản đệ tam.




5. Việt Minh “ ra công khai ”



Từ sáng ngày 18, người ta thấy trước nhà Phạm Ngọc Thạch 1 treo cờ đỏ búa liềm, thấy ở nhà hàng “ Ánh Long ” treo cờ đỏ, sao vàng. Tiếng dội mạnh trong thành phố. Treo cờ đỏ ở nhà hàng Ánh Long, cơ quan liên lạc của Thành uỷ, việc treo cờ này do Thành uỷ chủ trương. Nhà hàng Ánh Long khách đông lắm. Còn ở nhà Phạm Ngọc Thạch thì ông chủ nhà tự ý mà làm, không xin phép Đảng, ông bác sĩ này làm “ một chuyện đã rồi ” trước ngày tuyên thệ lần thứ hai của Thanh niên Tiền phong, tập hợp ở vườn ông Thượng, sáng ngày 19 tháng 8 năm 1945. Tôi phê bình ông, ông cười trừ. Chẳng lẽ treo lên rồi bây giờ hạ xuống. Thạch tự làm lộ ra là cộng sản. Thực ra cũng không ai lấy gì lạ lắm từ ngày anh đọc diễn văn tuyên thệ đề cao Minh Khai, Hà Huy Tập.


tntp

- Ngày 19, như đã báo trước cách mấy hôm, Thanh niên Tiền phong làm lễ tuyên thệ lần thứ hai. Cuộc lễ này tập hợp hơn 50.000 Thanh niên Tiền phong (không kể chừng ấy đồng bào đi dự ngoài hàng ngũ), tổ chức thành đội ngũ hẳn hoi, xem như đơn vị nửa quân sự. Không có chánh đảng nào ở Sài Gòn, có một tổ chức nửa quân sự đông đảo, hùng dũng và kỷ luật như vậy. Diễn văn của Phạm Ngọc Thạch hôm đó, công khai đặt Thanh niên Tiền phong vào chỗ làm thành viên đắc lực của Việt Nam độc lập đồng minh, quyết đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc, và hô hào một triệu Thanh niên Tiền phong Nam Bộ sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.


Tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, liên tiếp tổ chức hai cuộc mít tinh. Cuộc thứ nhất cho diễn giả cộng sản Nguyễn Văn Tạo rất quen thuộc với công chúng Sài Gòn nói về Nguyễn An Ninh, cuộc mít tinh đặt dưới quyền chủ toạ danh dự của đồng chí thợ máy Tôn Đức Thắng, lúc đó còn ở tù ở Côn Lôn. Tại cuộc mít tinh này vang lên khẩu hiệu : “ Việt Nam muôn năm ”. Cuộc thứ hai do Liên đoàn công chức cứu quốc, hôm đó đồng chí Bí thư Xứ uỷ công khai giới thiệu Việt Nam độc lập đồng minh, tức Việt Minh. Cuối cuộc họp vang lên khẩu hiệu : “ Chánh quyền về Việt Minh ! ”.


Báo Điện tín trong bài “ Việt Minh là gì ? ” kể lại :


Lần đầu tiên ở Nam Bộ, được nghe tiếng “Vạn tuế Việt Minh” là sau lễ truy điệu nhà chiến sĩ cách mạng Nguyễn An Ninh tại rạp Nguyễn Văn Hảo đêm 20 tháng 8. Tiếng hoan hô ấy chính thính giả tung lên chứ không phải diễn giả. Tuy không công khai nhưng đêm ấy, hai diễn giả Nguyễn Văn Tạo và Huỳnh Tấn Phát đã vạch rõ chương trình hành động của Việt Minh.


Rồi đêm 21 tháng 8, trong cuộc diễn thuyết do công chức cứu quốc đoàn cũng tổ chức tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, chiến sĩ cộng sản Trần Văn Giàu mới công khai giải thích rõ Việt Minh là gì, thế nào gọi là Việt Minh. Thì ra, Việt Minh không phải là một đảng. Nó là một mặt trận, nó là tên viết tắt của 6 chữ Việt Nam độc lập đồng minh. Diễn giả nói :


Lại có người hỏi : “ Việt Minh có phải là Đảng Cộng sản trá hình chăng ? ”. Không ! Đảng Cộng sản không trá hình, người cộng sản luôn tránh đấu dưới cờ đỏ, búa liềm. Như vậy, Việt Minh không phải Đảng Cộng sản mà Đảng Cộng sản là trụ cột của Việt Minh.


Tại sao ? Bởi vì Đảng Cộng sản nhận định rằng không phải một mình Đảng đem lại sự độc lập cho Việt Nam. Cần phải có nhiều đồng bào, nhiều chánh đảng yêu nước tham dự. Vả lại, Đảng Cộng sản không bảo rằng mình có độc quyền về yêu nước. Nước là của dân, dân yêu nước ; trong nước có nhiều tổ chức yêu nước. Xét như vậy, Đảng Cộng sản mới kêu gọi tất cả các đảng phái yêu nước, tất cả dân chúng liên hiệp lại làm một mặt trận để chống bọn đế quốc xâm lăng, để mưu đồ cuộc độc lập hoàn toàn cho nước nhà. Mặt trận ấy là Việt Nam độc lập đồng minh tức Việt Minh ”.


Không biết có nơi nào ngoài Sài Gòn, đưa ra khẩu hiệu “ chính quyền về Việt Minh ” không ? Khi ở Sài Gòn tụi tôi đưa ra khẩu hiệu này vì tụi tôi nhớ đến khẩu hiệu của Lenin khi giành chính quyền ở Petrograd trong khởi nghĩa tháng Mười “ Tout le pouvoir aux Soviets ”. Ảnh hưởng rất lớn.


- “Thanh niên Tiền phong ban xí nghiệp” tuyên bố lấy lại tên Tổng Công đoàn và tuyên bố đem hơn 300 hội cơ sở và 120 ngàn đoàn viên của mình chánh thức làm thành viên của Việt Minh. Vì sao có chủ trương này ? Mấy tháng trước công hội lấy danh nghĩa Thanh niên Tiền phong đang hoạt động công khai gần như là hợp pháp, để chính mình hoạt động công khai mạnh mẽ, phát triển nhanh. Còn bây giờ thì lấy lại tên Công hội để làm thành viên độc lập trụ cột của Việt Minh, công khai đi đầu phong trào, biểu hiện vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân trong phong trào yêu nước.


- “ Tân Dân chủ đoàn ” là tổ chức chính trị của trí thức, sinh viên với những người có tên tuổi như Huỳnh Văn Tiểng, Huỳnh Tấn Phát v.v… cũng tuyên bố là thành viên chính thức của Việt Minh.


- Việt Minh mở cuộc đàm phán với Mặt trận quốc gia thống nhất, và ngày 20, Mặt trận quốc gia thống nhất ra thông cáo trước nhân dân rằng : Mặt trận quốc gia thống nhất đồng ý hợp tác với Việt Nam độc lập đồng minh, dưới ba khẩu hiệu :


Thứ nhất : Việt Nam hoàn toàn độc lập.


Thứ nhì : Chánh thể cộng hoà.


Thứ ba : Chính quyền về Việt Minh.


Hơn nữa, Mặt trận quốc gia thống nhất xin sáp nhập Việt Nam độc lập đồng minh ; việc đó còn xét lại, để từng đoàn thể gia nhập thì phải hơn.


Ở Sài Gòn dư luận hết sức sôi nổi, mong đợi Việt Minh nắm chính quyền, cho rằng chính quyền về Việt Minh thì thuận hơn hết với thời thế và với nhân dân.


Từ Hà Nội, tin tức không chính thức, nhưng là tin tức sở Bưu điện đã được truyền ra là Việt Minh đã nắm chính quyền ở Hà Nội từ hôm qua ngày 19.


Sáng sớm 21 bọn tôi lại kéo nhau đến Chợ Đệm họp cuộc hội nghị lần thứ hai.


Buồn cười là mấy hôm rày, trong lúc Uỷ ban khởi nghĩa và Thường vụ Xứ uỷ hoàn thành mọi chuẩn bị để “ bấm nút ” cho cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Sài Gòn và Nam Bộ, thì Phạm Ngọc Thạch đem lại cho tôi một bức điện từ Huế gửi vô mời Phạm Ngọc Thạch, Trần Văn Giàu và Huỳnh Văn Phương “ lai kinh ” để cùng bàn chuyện lập “ nội các mới ”, “ nội các cứu quốc ”. Thạch và tôi cười xoà rồi cất bức điện vào tập hồ sơ “ đã xem ”. Tôi không rõ ông nào gửi bức điện này, Hồ Tá Khanh ? Anh ấy là bộ trưởng nội các Trần Trọng Kim đã từ chức, Tạ Thu Thâu ? Ông giáo nhà báo này ít lâu nay lèo lái gì ở Huế, không rõ. Chứ còn ở ngoài ấy mà biết tôi là ai, ở Sài Gòn ?




6. Hội nghị Chợ Đệm lần thứ hai và lần thứ ba



Ngày 21, lại họp hội nghị Xứ uỷ mở rộng với các thành phần đúng như kỳ trước. Vào hội nghị, tôi chắc là kỳ này mọi việc đều sẽ được thông qua nhanh chóng trong vài tiếng đồng hồ. Tôi đề nghị là đêm 22 khởi nghĩa ở Sài Gòn, sáng 23 biểu tình chính trị vũ trang của non già một triệu người ở Sài Gòn hoan nghênh một danh sách của Uỷ ban hành chánh lâm thời ; sau 23 thì, trong một vài ngày, khởi nghĩa nổ ra ở các tỉnh theo hình mẫu của khởi nghĩa Sài Gòn. Mọi vấn đề sẽ được giải quyết trong buổi sáng 21 này, trưa 21 có thể chia tay, ai về địa phương nấy, thi hành nghị quyết, có đủ thì giờ để truyền lệnh đến cơ sở, đơn vị, trong ngày 21, đêm 21 để ngày 22 và đêm 23 thì huy động các lực lượng khởi nghĩa trong và quanh Sài Gòn, làm cuộc khởi nghĩa thành công. Tôi hoàn toàn không dè là các anh Trừng, Nguyễn vẫn cứ cản trở cuộc khởi nghĩa ; lần này Tạo ra mặt “ tham chiến ” bên phía Trừng, Nguyễn. Ba anh đều cho rằng : Ta đánh ngụy, lật ngụy thì không khó gì lắm, chắc thắng được nhưng thế nào quân Nhật cũng can thiệp, cũng chống lại khởi nghĩa, bản chất của quân phiệt là chống cách mạng nhân dân, và, hơn nữa đế quốc Anh chiến thắng bắt buộc Nhật phải chống cách mạng nhân dân. Ta không thể nào đánh thắng được, ta không thể nào khởi nghĩa thành công được. Ở Bắc thì tình hình ra sao ta không rõ, chớ trong Nam quân Nhật đông lắm. Nó can thiệp thì ta không chọi lại nổi với nó. Ta chỉ có thể thất bại mà thôi. Không thể tin vào hứa hẹn trung lập của tướng lãnh Nhật (ý muốn nói hứa hẹn của Terauchi với Phạm Ngọc Thạch).


Nhiều anh em ngơ ngác. Quái thật ! Ba ông này cứ làm kỳ đà cản mũi hoài !


Thạch nổi nóng lên : Nói như mấy anh thì chẳng bao giờ có cách mạng hết ; không Pháp thì Nhật, hết Nhật rồi Anh, kiếp nô lệ biết đời nào xong ? Pháp thì có lúc nó mạnh, có lúc nó yếu. Nhật thì lúc Nhật hưng, Nhật thắng, có lúc nó suy, nó thua. Hồi 1940, nếu ta khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Sài Gòn thì chắc chắn là Nhật đã cứu Pháp, đánh chính quyền cách mạng. Nhưng bây giờ Nhật thua trận, đầu hàng rồi ; một mặt nó mất tinh thần dữ lắm, kêu khóc, tuyệt vọng, làm harakiri, bán súng đạn lấy tiền uống rượu giải sầu, hoặc bị động chờ ngày về Nhật với vợ con, sĩ quan cao cấp thì chờ ngày bị đem ra treo cổ ; mặt khác, quân Nhật từ lính tới quan đều nuôi một mối hận thù ngất trời đối với Mỹ, Anh, với Pháp nữa, họ rất ghét phương Tây da trắng. Ta đừng xem nhẹ cái tâm hồn dân tộc chủ nghĩa ấy. Nếu chúng ta làm cách mạng bây giờ thì người Nhật ít nhất là người Nhật ở đây, sẽ không thấy ở cách mạng của ta là một kẻ thù của họ, mà trái lại, họ có thể thấy cách mạng của ta một lực lượng đương đầu với bọn địch tây phương vừa mới đánh bại họ, ném bom nguyên tử xuống đất nước họ. Anh Thạch vừa nói vừa cười : “ Đừng sợ Nhật chém ngang lưng (ý muốn chê anh Tạo một cách nhẹ nhàng). Quân Nhật sẽ không can thiệp đâu. Có thể trung lập hoá được họ ”.


Hai bên tranh cãi nhau về khả năng Nhật can thiệp, bên nói có, bên bảo không. Nhưng có thực tế gì để mà cãi cho ra ăn, ra thua.


Như vậy là tình hình gay go quá. Cãi mãi đến bao giờ ? Cãi mãi rồi ta không còn thời cơ để mà khởi nghĩa thắng lợi nữa !


Tôi bèn đề ra một cái thoả ước là hội nghị giao cho Tỉnh bộ Tân An làm thí điểm. Tân An là cửa ngõ của thành phố. Con đường bộ duy nhất nối liền miền Đông và miền Tây Nam Bộ đi qua Tân An, qua hai cầu Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Quân Nhật ở hai miền tất phải nhờ cái lộ 4 và hai cầu Vàm Cỏ. Nay ta khởi nghĩa chiếm lĩnh Tân An, kiểm soát lộ 4 và hai cầu Vàm Cỏ mà vẫn để cho quân Nhật tự do đi lại. Nếu Nhật can thiệp thì nó phải giành lại đường 4 và hai cầu ; nếu nó không giành đường 4 và hai cầu, ta làm chủ và cho nó đi, ấy là nó không can thiệp. Nó không can thiệp ở nơi thiết yếu về giao liên của nó thì can thiệp vào các nơi khác làm gì nếu ta không trực tiếp đánh vào cơ sở đội ngũ Nhật ? Kinh nghiệm thực tế ở Tân An sẽ cho phép ta “ bấm nút ” cho cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn và ở các tỉnh.


Mọi người đều đồng ý. Các tỉnh uỷ viên tỉnh Tân An có mặt ở hội nghị lãnh mạng lệnh ; Xuân và Trọng xin có đêm 21 và ngày 22 để truyền lệnh và tập hợp lực lượng để đêm 22 thì khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã, rồi ở cả tỉnh theo cái mẫu chung của Uỷ ban khởi nghĩa với sự sáng kiến cần thiết tùy điều kiện cụ thể của địa phương. Sáng ngày 23 sẽ trở lên báo cáo. Hội nghị phải ngồi chờ tại chỗ. Tôi “ o bế ” tỉnh bộ Tân An từ mấy năm nay một phần vì là tỉnh quê hương mà trước hết vì cái vị trí chiến lược của nó ở cửa ngõ phía tây nam Sài Gòn. Tôi tin chắc ở thành công cho nên đã cam đoan với Nguyễn là “ ngựa trở về đem tin chiến thắng thì ly rượu tiễn chưa kịp nguội ” (lấy theo tích quan Vân Trường chém Nhan Lương), Nguyễn đáp : “ Cũng mong như vậy ! ”.


Tụi tôi ở lại Chợ Đệm, thảo luận và quyết định số người ở trong Uỷ ban hành chánh lâm thời Nam Bộ. Về số người tham gia Uỷ ban hành chánh lâm thời Nam Bộ tụi tôi thấy số người cộng sản có tiếng tăm hơi nhiều, số nhân sĩ trí thức đáng lẽ nhiều hơn, nhưng dù không có chủ trương “ cô độc ”, dù muốn đưa thêm nhân sĩ trí thức cũng không phải dễ được họ đồng ý khi ấy đâu, khi mà chúng ta chưa giành được chính quyền. Anh Thạch và tôi có thương lượng với vài ba bác sĩ, kỹ sư, luật sư có tiếng tăm, họ đồng ý ủng hộ mà không đồng ý tham gia. Cho nên cuối cùng thì trong Uỷ ban lâm thời chỉ có những người sau đây là chính thức không cộng sản :


- Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ.


- Ngô Tấn Nhơn, kỹ sư.


- Nguyễn Phi Hoanh, hoạ sĩ.


- Huỳnh Văn Tiểng, sinh viên.


- Hoàng Đôn Văn, thư ký Tổng Công hội.


Sau ta sẽ tính mở rộng, chắc không muộn. Ở đâu, lúc nào chính quyền cách mạng lại không thể thêm bớt thành phần. Để cho Uỷ ban bớt màu đỏ (cộng sản), tôi đề nghị anh Thạch làm chủ tịch, tôi làm phó. Nhưng anh Thạch giãy nảy chối từ mãi, và viện cớ “ cuối cùng ” của anh là đã treo cờ búa liềm ở nhà rồi ! Tuy vậy, anh em vẫn nói mãi, buộc Thạch phải nhận, còn Thạch thì cứ nói mãi là không nhận. Chúng tôi cũng thảo ra những chỉ thị cụ thể cho Gia Định - Chợ Lớn và các tỉnh tham gia cuộc biểu tình sắp tới ở Sài Gòn. Chớ còn kế hoạch khởi nghĩa ở thành phố đã ấn định xong xuôi tỉ mỉ rồi, không có gì phải thêm bớt, chỉ cần biết ngày nào và bắt đầu giờ nào. Tụi tôi tính rằng nếu sáng 23 Tỉnh uỷ Tân An báo cáo đã hoàn thành nhiệm vụ suôn sẻ thì tối 24, đầu hôm, ta “ bấm nút ”, đến 0 giờ đêm thì xong xuôi. Sáng 25, cuộc biểu tình chính trị vũ trang phải là cuộc biểu tình lớn nhất trước nay trong lịch sử Nam Bộ, phải là một cuộc thị uy của tám, chín chục đến một trăm vạn người để cho bạn lẫn thù, người Việt Nam lẫn ngoại quốc trông thấy rõ là cả một dân tộc nổi dậy làm cách mạng chớ không phải chỉ có một nhóm nhỏ giành chính quyền. Việc đề ra những khẩu hiệu trong cuộc biểu tình chiếm khá nhiều thời giờ của bọn tôi ; khẩu hiệu phải tập trung, ngắn gọn, để dễ viết lên băng, dễ hô rập lên, cho mọi người dễ nhớ ; cái “ nghề ” này tụi tôi đã thông thạo từ lâu, từ 1936 đến 1939, anh em đã tổ chức biết bao nhiêu cuộc biểu tình thị uy mà kể ! Rầy rà nhất là mình sẽ lập chính quyền mà không biết phải đặt tên như thế nào để cho giống với ngoài Bắc ; thôi thì gọi nó là Uỷ ban hành chánh lâm thời. Về cây cờ của chính quyền, của Nhà nước thì đã ra khẩu hiệu “ chính quyền về Việt Minh ”, tức là cờ phải là cờ đỏ sao vàng ; song chúng tôi có ngờ đâu ngôi sao ngoài Bắc là ngôi sao “ béo ” ; tụi tôi thì cứ theo “ cổ điển ”, thông tri cho đoàn thể may cờ đỏ với sao vàng “ gầy ”. Tới vụ đánh nhạc : chưa có Quốc ca thì lấy Quốc tế ca, tôi bảo anh Trương Văn Giàu (đứng đầu Bảo an binh) cho dàn nhạc binh tập ngay bài Quốc tế ca ; lại cứ dùng Thanh niên hành khúcLên đàng mà động viên nhân dân.


Chiều ngày 21 tôi có về Sài Gòn chớp nhoáng ở đến sáng 22, họp một số anh em như Tiểng, Tư, Lưu để thông báo sự tiến triển của tình hình hội nghị, để yêu cầu anh em rà lại sự bố trí lực lượng, và để khuyến khích anh em tổ chức nhiều hơn nữa, rầm rộ hơn nữa các cuộc mít tinh xí nghiệp, khu phố, cổ động cho khẩu hiệu “ chính quyền về Việt Minh ” đồng thời tăng cường sự canh gác giữ trật tự trong thành phố bằng những đội tự vệ có ít nhiều vũ khí thô sơ của thanh niên và công nhân. Tối 22, tôi trở lại Chợ Đệm, thảo luận thêm nữa với anh em về thành phần Uỷ ban hành chánh lâm thời.


Sáng sớm 23, như trông đợi, đoàn đại biểu tỉnh Tân An trở lên Chợ Đệm, lần này bằng ô tô chớ không phải bằng xe đạp, xe treo cờ đỏ sao vàng to tướng : từ chiều tối 22, ta đã giành chính quyền ở thị xã, làm chủ đường 4 và hai cầu, quân Nhật không can thiệp, ta đang triển khai cách mạng ra tất cả các quận, xã.


Hội nghị Chợ Đệm lần thứ ba rất ngắn. Còn gì mà còn bàn cãi ? Nhưng tôi thương các anh Trừng, Tạo, Nguyễn, ba anh hơi bẽn lẽn một chút ; tôi là đàn em không vì thế mà xem thường các anh lớn chút nào. Tối 24, sáng 25 sẽ khởi nghĩa ở Sài Gòn theo kế hoạch đã định, trước khi lên yên về trụ sở Uỷ ban khởi nghĩa ở số 6 Colombert, tôi không quên sang nhà lồng ăn một tô cháo lòng Chợ Đệm.




7. Đêm 24 tháng 8 ở thành phố



tvg

Trần Văn Giàu trước bức tường tưởng niệm các chiến sĩ Công xã Paris (Nghĩa trang Père Lachaise, 1989, ảnh NNG).


Từ lâu Bảy Trân (Phú Lạc) đã giữ được và để dành cho tôi một quyển sách tiếng Pháp của Lenin nhan đề Sur la route de l’insurrection (Trên đường khởi nghĩa) do Đảng Cộng sản Pháp xuất bản đâu hồi cuối những năm 20 kìa. Sách bìa đỏ, bây giờ bìa đỏ ngả vàng rồi và rách nát, được bồi lại bằng giấy nhựt trình. Sách này gồm mấy bài của Lenin viết về kinh nghiệm khởi nghĩa 1905 và mấy bức thư, mấy chỉ thị cho các đồng chí Trung ương Đảng Bôn-sơ-vích về vấn đề chuẩn bị, tiến hành khởi nghĩa tháng Mười năm 1917. Tối 23 tháng 8 năm 1945, tôi giở lại sách Trên đường khởi nghĩa để đọc và suy xét cái việc mình đang làm, sắp làm. Tôi “ thuộc bài ” lắm rồi. Tôi giảng về vấn đề này trước nay đến mấy chục lần. Vậy mà cứ thấy cần đọc lại kinh điển. Trước nay mình giảng về “ khởi nghĩa là một nghệ thuật ”, chớ đã áp dụng lần nào đâu ! Bây giờ phải chính mình bắt tay vào việc khởi nghĩa ấy. Đọc lại Lenin thì lòng tự tin, tin Đảng, tin dân sẽ mãnh liệt hơn. Chú Tiểng, thấy tôi đọc Lenin lúc này, vừa cười vừa bảo rằng tôi là làm như người ngoan đạo Thiên Chúa, cứ giở Kinh Thánh ra mãi để xem việc làm của mình đúng hay sai ! Tôi cười xoà để đáp lại. Tôi chú ý đọc lại hai chỗ. Chỗ thứ nhất nói về việc nổ ra khởi nghĩa lúc nào cho đúng, chỗ thứ hai nói về việc chỉ đạo khởi nghĩa thế nào mới thắng ; các câu dặn dò của cả Marx và Lenin phải được ghi khắc trong tâm trí : “ Không bao giờ được đùa bỡn với khởi nghĩa cả ; một khi đã bắt đầu khởi nghĩa thì phải tiến hành khởi nghĩa cho đến cùng ”, tức là cho đến thắng lợi hoàn toàn. Lúc này khởi nghĩa là đúng lắm rồi : thời cơ chín muồi, lực lượng mạnh, chí quyết thắng. Còn phải chỉ đạo khởi nghĩa cho khoa học, cho nghệ thuật nữa ; chỉ đạo dở thì có thể phát sinh nhiều vấn đề bất ngờ.


Mọi việc chuẩn bị ở nội thành và ở vành đai (Gia Định - Chợ Lớn) đều hoàn thành chu đáo rồi.


Nhân dân được Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản công khai kêu gọi biểu tình thị uy sáng ngày 25 bằng vô số truyền đơn, áp phích, nhiều bài báo. Các khẩu hiệu được phổ biến rộng rãi nhất. Cuộc biểu tình thị uy sáng ngày 25 tháng 8, dân Sài Gòn và ngoại ô không ai không biết, không có gì là bất ngờ cả. Thì, trước đó mấy hôm, ngoài hàng trăm cuộc mít tinh ở xí nghiệp và khu phố, đã có những cuộc biểu tình lớn của Thanh niên Tiền phong, Mặt trận quốc gia thống nhất. Nay tới phiên Việt Minh biểu tình ; chắc là lớn ; song chưa ai (trừ bọn tôi) rõ quy mô đến đâu. Có một điều mà chỉ có một số không đông người “trong cuộc” mới biết, là việc lớn nhất, quyết định nhất sẽ xảy ra trước, ngay từ đầu hôm 24 cho đến 0 giờ : việc giành chính quyền bằng những lực lượng xung phong có vũ trang của công nhân và thanh niên.


Chắc Nguyễn Văn Sâm, khâm sai và Hồ Văn Ngà nguyên là quyền khâm sai bây giờ là đổng lý văn phòng phủ khâm sai Nam Bộ, họ đã đánh hơi phần nào cái chuyện lớn sẽ xảy ra đầu 24 ở Sài Gòn. Tụi tôi có tính trước điều đó : riêng việc huy động già hai mươi ngàn công nhân và thanh niên xung phong giành chính quyền và giữ trật tự trong các khu phố, dễ gì mà giữ hoàn toàn bí mật ? Song điều quan trọng, điều quyết định, là ta khởi nghĩa trong những điều kiện khách quan và chủ quan như thế nào mà, cho dù địch thủ có biết đi nữa, họ cũng không làm sao chống đỡ nổi. Tất nhiên cũng phải giữ một số yếu tố “ bất ngờ ”. Vả lại, các ông Sâm, Ngà là chỗ quen biết với tôi, với Nguyễn, Tạo, Thạch. Tôi biết họ, họ không phải là đối thủ đáng gờm trong lúc này. Tuy vậy, còn cựa quậy, chớ không phải bó tay hẳn. Trương Văn Giàu báo cáo với tôi là quan khâm sai đánh hơi cuộc khởi nghĩa, đã điện cho quân bảo an để yêu cầu tăng cường bảo vệ các cơ quan đầu não, bảo vệ các nhà chức trách và đề phòng Việt Minh, thì Trương Văn Giàu đã trả lời một cách ôn tồn : “ Thưa ngài ! Tất cả quân bảo an chúng tôi đứng về phía Việt Minh ! ”. Sâm có yêu cầu gì với quân Nhật không thì tôi không biết, nhưng tôi biết rằng thống chế Terauchi đã hứa với bác sĩ Thạch là không can thiệp vào nội bộ Việt Nam ; vả lại Uỷ ban khởi nghĩa đã không ra lệnh đánh đồn trại của Nhật, mà còn chỉ thị phải làm tất cả những gì có thể làm được để tránh sự xung đột vũ trang với quân Nhật. Người ta nói Sâm có yêu cầu Mặt trận quốc gia thống nhất ủng hộ về chính trị (đảng của Ngà, Sâm, đảng quốc gia độc lập là thành viên sáng lập Mặt trận đó), nhưng mới hai ba bữa rày Mặt trận quốc gia thống nhất, dưới sức ép của quần chúng và của tình hình, cũng đã tuyên bố tán thành chế độ dân chủ cộng hoà (nghĩa là chống chủ nghĩa quân chủ lập hiến cũng được họ gọi là “ quân dân cộng chủ ” của Sâm, Ngà) và đã có tuyên bố tán thành khẩu hiệu “ Chính quyền về Việt Minh rồi ”. Nhà cầm quyền Sài Gòn hoàn toàn bị cô lập. Cựa quậy làm sao được nữa ? Đánh hơi được cũng như không thôi.


Thời cơ khởi nghĩa quả là chín muồi. Tới nay mới khởi nghĩa có hơi muộn ; muộn một chút thôi ; nhưng chưa phải là đã trễ.


Chuẩn bị đầy đủ rồi thì việc thực hiện không có gì khó lắm. Khó là việc chuẩn bị kia.


Sẩm tối ngày 24, tôi có mặt ở số 6 Colombert mà chúng tôi có mấy lần gọi là “ Smolny nhỏ ” 2 để nhớ Lenin 1917, chứng kiến sự tập hợp của một số những đội trưởng các đội xung phong công nhân và thanh niên đến lãnh nhiệm vụ cụ thể. Từ chập tối này đến 0 giờ phải hoàn thành nhiệm vụ chiếm đóng tất cả các cơ quan, trước nhất là những cơ quan yết hầu, chiếm bằng lực lượng bên trong, liên kết với lực lượng bên ngoài, có chỗ chiếm rồi giữ luôn, có chỗ chiếm rồi giao lại cho một đội khác đến giữ, hay cùng hợp sức giữ. Ở đâu cũng có Công đoàn ; ở đâu cũng có đội Thanh niên Tiền phong hay là hội công chức cứu quốc, thì việc chiếm các công tư sở từ bên trong thật sự không có gì trở ngại đáng kể. Vả lại từ ít lâu nay Thanh niên và Công đoàn canh gác giữ trật tự ở các khu phố, các công sở, cơ quan chính quyền, việc mà mọi người công nhận là cần thiết. Hễ chiếm ở đâu thì treo cờ đỏ sao vàng ở đó. Hầu như quân khởi nghĩa không phải nổ phát súng nào. Quân bảo an và lực lượng cảnh sát đã ngả về ta rồi thì còn nổ súng với ai nữa ? Tôi và Tiểng ngồi ở số 6 Colombert nghe báo cáo từng phút một. Tin tức từ nhà giây thép 3 : lấy như trở bàn tay, lệnh cho viên chức tiếp tục làm việc. Tin từ nhà đèn Chợ Quán : ta làm chủ một cách êm thấm hết sức, nhà đèn cứ phát điện, điện không tắt. Tin từ gần khắp các nơi đều như vậy, kể cả sở mật thám Catinat, sở cảnh sát thành phố và các bót quan trọng, đài phát thanh, dinh đốc lý, tất cả các cầu v.v… Ở các trại lính bảo an, cứu hoả, ta đã làm chủ từ bấy lâu nay rồi ; thế là những nơi có khả năng xảy ra rắc rối trở ngại thì không có gì rắc rối trở ngại xảy ra. Trong lúc các đội xung phong của công đoàn và thanh niên chiếm các cơ quan, công sở, treo cờ thì nhiều đội khác, nhiều đội bảo an tuần tra đường phố đi bộ hoặc đi ô tô, mang băng đỏ Việt Minh. Các ngả ra vào thành phố quan trọng như ngả Phú Lâm, ngả cầu Nhị Thiên Đường, ngả cầu Tân Thuận, ngả cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Kiệu, ngả Bà Hom, Hóc Môn, Thủ Đức v.v… đều được quân ta chiếm đóng để đảm bảo cho nhân dân khuya sớm sẽ kéo vào thành phố không trở ngại. Quân ta lại chiếm các “ công trường ” (quảng trưởng) chính như ngã tư Charner-Bonard, Eugene Cuniac, Jeanne d'Arc 4, Nhà thờ lớn, Ngã Bảy v.v… Nhưng không phải mỗi việc đều trôi chảy : quân ta không chiếm được mấy chỗ quan trọng sau đây :


- Sân bay Tân Sơn Nhất, Bến tàu quân sự, phủ Toàn quyền, ở đó có nhiều quân Nhật đang đóng và họ yêu cầu ta đừng động tới. Ta thấy tụi Nhật không thể không giữ mấy cơ quan này nên ta không động tới.


- Ngân hàng Đông Dương, ta biết rằng có quân Nhật đóng giữ nhưng ta cũng đưa một lực lượng quan trọng đến cố giành lấy. Ta thương lượng với bọn Nhật tại chỗ ; chúng không nhượng bộ, anh em cho người chạy về hỏi tôi coi phải làm sao bây giờ ? Tôi thấy rằng cách mạng tất nhiên là cần chiếm ngân hàng. Nhưng ngân hàng Đông Dương không còn vàng trong kho, Pháp và Nhật đã lấy hết rồi ; ta chẳng còn gì để lấy, mà nếu xung đột với quân Nhật ở đây thì sẽ có thể sinh ra xung đột nhiều chỗ khác ; rối thêm ; nay ta đã chiếm kho bạc (ở đường Charner, Chợ Cũ) là đã khá rồi ; tôi ra lệnh cho anh em rút lui. (Sau này có người phê bình sự rút lui này, cho là biểu hiện của tinh thần thiếu kiên quyết. Chưa chắc đã là thiếu kiên quyết !)


Kế hoạch là đến 0 giờ thì xong mọi cuộc chiếm đóng, treo cờ.


Nhưng mới mười giờ đêm (22 giờ) thì kế hoạch đã được thực hiện. Cho nên, cũng lúc đó, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát cùng mấy chục anh em dựng lên ở ngã tư đại lộ Charner - Đại lộ Bonard một chiếc kỳ đài cao bằng gỗ và vải đỏ mang tên chín uỷ viên của Uỷ ban hành chánh lâm thời Nam Bộ. Vừa lúc đó thì tôi đạp xe đạp tới với một toán công nhân, thanh niên đến xem Huỳnh Tấn Phát đã làm tới đâu ; lại trở về xem lễ đài bắt đầu được ráp ở sau Nhà thờ, trên đại lộ Norodom ; và đến thăm nhân viên bảo đảm móc toa truyền thanh ở Norodom 5 và ở hai đại lộ Charner - Bonard để hàng chục vạn đồng bào nghe được tuyên bố, hiệu triệu của Đảng, Mặt trận và chính quyền cách mạng. Những sự chuẩn bị kỹ thuật này làm trong một đêm, thật là một kỳ công. Thành uỷ, Xứ uỷ, Thường vụ, Uỷ ban khởi nghĩa đều phấn khởi : cuộc khởi nghĩa xem như đã được thực hiện hơn một nửa. Nói hơn nửa vì còn cuộc biểu tình võ trang khởi nghĩa ngày mai.


Đêm đó Xứ uỷ, Thành uỷ, Uỷ ban khởi nghĩa, v.v… không ai ngủ. Lo quá không ngủ được ; mừng quá không ngủ được. Và không ngủ được vì sau cái giai đoạn chiếm đóng các cơ quan, các cầu, các ngả ra vào thành phố, các quảng trường và bằng các đoàn đi bộ, đi xe đạp, đi ô tô, tuần tra đường phố giữ an ninh, lập trật tự gọn gàng thì bắt đầu giai đoạn biểu tình thị uy, không có gì khó khăn lắm nhưng hết sức phức tạp, một mặt ta huy động tới tám, chín mươi vạn - một triệu người hay hơn nữa ở Sài Gòn và từ các làng xã cách Sài Gòn hai, ba mươi cây số về thành phố, chuyện rất không đơn giản : nội một cái trật tự, lo cũng đủ tháo mồ hôi ; rồi đường đi, chỗ đứng, vệ sinh, chỗ tập họp thứ nhất, chỗ tập họp cuối cùng ; mặt khác vì phải hết sức đề phòng bọn phản động, thực dân phá phách, khiêu khích, đề phòng cả bọn lưu manh mà thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn này thì thiếu gì lưu manh. Mỗi người bọn tôi đều ra sức làm, nhưng điều chính là tin tưởng vào tinh thần yêu nước của dân, tin rằng hễ Đảng bảo làm sao thì dân nghe và làm theo đúng như vậy.


Khi việc chiếm đóng các cơ quan công sở được hoàn tất ở nội thành thì ở ngoại ô, ở vành đai, quần chúng đã tập hợp xong trên các tuyến lộ lớn rồi để đi ngay cho đến hừng sáng phải có mặt gần trung tâm Sài Gòn, đem theo băng, cờ, và các loại vũ khí sẵn có ở nhà quê từ dao, mác, tầm vông vạt nhọn, mũi chĩa, tới súng hai lồng, súng mút, có cái gì bén, nhọn, nổ thì mang nấy, đi với cái ý thức khởi nghĩa cướp chính quyền ; tất nhiên cũng đem theo bánh tét, bánh tổ 6 như cha anh ngày xưa, năm 1885, năm 1913, năm 1916, ông bà đã làm trong các cuộc khởi nghĩa thất bại ấy. Còn ở nội thành và ngoại ô phụ cận có đông công nhân viên chức thì từ nửa đêm anh chị em đã bắt đầu tập hợp theo đoàn, theo giới, cũng băng cờ, cũng vũ khí thô sơ hay súng ống. Tôi với vài đồng chí cuốc bộ (phải cuốc bộ vì ngay giờ đó đường sá đã đông nứt người đi lại chỗ tập họp) xuống cầu Ông Lãnh - đại lộ Kitchener 7, địa điểm tập trung thống nhất của Tổng Công đoàn. Ở đây quần chúng sắp hàng đầy đại lộ từ dưới mé sông lên tới ga xe lửa ; đông lắm mà cũng trật tự lắm ; gần sáng, sớm hơn ai hết, họ kéo lên Norodom, chiếm lĩnh trung tâm với thanh niên và binh sĩ. Khắp các ngã khu phố nơi nào cũng tu huýt thổi vang trời, cũng tập hợp, cũng di chuyển rộn rịp hết sức. Phố phường thức giấc cả từ nửa đêm, nói cho đúng là suốt đêm không ngủ. Nhà hát bắt đầu treo cờ đỏ trời.


Cái việc giành chính quyền một cách chớp nhoáng, đồng thời, từ bên trong, bằng lực lượng bản thân của các công tư sở là chính, là chiến thuật độc đáo của Sài Gòn, không thấy ở đâu làm như vậy và, làm như vậy, ta giành chính quyền rất gọn, tất nhiên là trước phải có lực lượng lớn khắp nơi mới làm được. Dùng chiến thuật độc đáo như vậy và đã thành công, nhưng anh em Xứ uỷ, Uỷ ban khởi nghĩa tính rằng nếu chỉ có hành động khởi nghĩa của từ 20.000 đến 40.000 người xung phong, cho dầu 20.000, 40.000 là đã khá đông rồi thì cũng còn phảng phất một tí mùi vị của chủ nghĩa Blanqui 8, cho nên tiếp theo đêm 24 phải có sáng ngày 25 tháng 8.




1 Nhà Phạm Ngọc Thạch : nhà riêng của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ở số 106 đường Léon Combes (nay là Sương Nguyệt Anh) – còn phòng khám bệnh ở đường Chasseloup-Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai).


2 Smolnyi nh : Cung điện Smôn-nưi, nơi Lenin lãnh đạo cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, đặt tại Petrograd nay là Saint-Petersburg. "Smolnyi nhỏ" ở số 6 đường Colombert, nay là Thái Văn Lung.


3 Nhà giây thép : Nhà bưu điện trung ương Sài Gòn, cạnh nhà thờ Đức Bà, trông sang Quảng trường Công xã Paris.


4 Charner-Bonard, Eugene Cuniac, Jeanne d' Arc : Charner nay là đại lộ Nguyễn Huệ, Bonard Lê Lợi, Eugene Cuniac là bùng binh Chợ Bến Thành, tức Quảng trường Quách Thị Trang, còn Jeanne d’Arc thì người biên tập chịu thua, mong được các bậc cao niên chỉ giáo.


5 Norodom : nay là đại lộ Lê Duẩn, đi từ hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập hay Phủ toàn quyền cũ) tới Thảo Cầm Viên (Sở Thú).


6 Bánh tét, bánh tổ : hai loại bánh phổ biến ở Nam Bộ, thường ăn vào dịp tết. Bánh tét thành phần giống bánh chưng, nhưng hình ống dài, gói và buộc thật chặt nên giữ được lâu. Bánh tổ làm bằng bột nếp trộn đường mía (thô), bột va-ni, hấp lên, thêm vừng (mè), gừng giã, sau đó phơi một, hai nắng. Bánh tổ cũng phổ biến ở Quảng Nam và vùng biển Hải Phòng (gọi là bánh cấu hay xì-liền-cấu).


7 Kitchener : nay là đường Nguyễn Thái Học


8 Blanqui : nhà cách mạng thế kỉ XIX, người Pháp, chủ trương làm cách mạng chỉ cần một số nhỏ, cướp chính quyền bằng bạo động, rồi đông đảo quần chúng sẽ tự động mà theo.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss