Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồi Ký T. V. Giàu / HỒI KÝ TRẦN VĂN GIÀU (XIV)

HỒI KÝ TRẦN VĂN GIÀU (XIV)

- Trần Văn Giàu — published 12/02/2011 00:00, cập nhật lần cuối 27/02/2011 23:28
Cuộc biểu tình khổng lồ ngày 25 tháng 8-1945 tại Sài Gòn


HỒI KÝ
TRẦN VĂN GIÀU

(XIV)



Phần thứ năm

TỔNG KHỞI NGHĨA THÀNH CÔNG :

KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP BẮT ĐẦU




8. Ngày 25 tháng 8


Lý thường là không nhất thiết có cuộc biểu tình thị uy ngày 25 to lớn như vậy, bởi vì đêm 24 ta đã dùng lực lượng xung phong của công nhân và thanh niên, đông từ 20.000 đến 40.000 người, để chiếm đóng cơ quan và đường phố rồi, nghĩa là giành quyền xong rồi thì, sáng hôm sau, một cuộc mít tinh chừng 100.000 đến 200.000 người ở chợ Bến Thành Sài Gòn cũng được lắm ; có anh em bảo như vậy. Bảo rằng quảng trường trước cửa Chợ Mới đã rộng lớn, lại có ba đại lộ chong vào (Bonard, La Somme, Galliéni) 1, đủ chứa đến vài trăm ngàn dân tập hợp lại nghe hiệu triệu. Nhưng Xứ uỷ và Uỷ ban khởi nghĩa không nghĩ đơn giản, “ tiết kiệm ” như vậy, mà nghĩ rằng :


Đây là dịp có một không hai để biểu dương lực lượng của phe cách mạng, của Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh, để cho ai nấy, người trong nước, cũng như người ngoại quốc, mà nhất là cho người ngoại quốc, cho Pháp, cho Nhật, thấy tận mắt rằng cuộc khởi nghĩa giành chính quyền này không phải chỉ là ý chí và hành động của một nhúm người, của một chánh đảng thuộc Việt Minh, mà là ý chí và hành động của tuyệt đại đa số, của toàn thể nhân dân Việt Nam thuộc tất cả các tầng lớp xã hội, quyết giành độc lập, tự do. Thấy tận mắt một cuộc biểu tình như vậy, ai là bạn đã tin thì càng tin, còn bọn phản động và tay sai bản xứ của đế quốc chắc cũng phải sợ hãi, mất nhiều tinh thần. Ít ra là lúc này, bọn thực dân thì hẳn nhiều đứa phải kinh hoàng biết rằng giờ tận số của chế độ thuộc địa đã điểm; quân Nhật thấy vậy càng nể lực lượng cách mạng, càng nể chính quyền cách mạng là chính quyền thực sự của dân tộc.


Đây cũng là dịp có một không hai để hàng chục, hàng trăm vạn nhân dân, bằng sự có mặt vũ trang của mình trên đường phố Sài Gòn, bằng việc chuẩn y danh sách của Uỷ ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ, ý thức được sức mạnh vĩ đại của quần chúng, ý thức được hết sức rõ ràng là mình đã tích cực làm khởi nghĩa cách mạng, là mình đã dựng lên chính quyền cách mạng, đem lại độc lập tự do cho dân tộc và cho chính mình ; và như vậy là ta xây dựng, phát huy cái ý thức quần chúng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chính quyền cách mạng đó. Sự thật đúng như vậy ; ta chiếm đóng các cơ quan đường phố trong đêm 24, mà đến sáng 25 ta mới tuyên bố chính quyền cách mạng trước sự tán thành nhiệt liệt của trăm vạn đồng bào tập hợp, vũ khí trong tay. Hay tưởng tượng một người nông dân trước kia lên Sài Gòn, đầu đội cái nón lá, tay xách cái giỏ, sợ quanh sợ quẩn, sợ mã tà, sợ Tây, sợ lưu manh, hôm nay lên Sài Gòn, tay cầm mác thông, dao phay, tầm vông, súng lửa, vạn ức người như một, thét vang ý chí của mình, nếu không phải rằng đó là ta làm chủ đất nước ta, làm chủ đường phố ta, làm chủ làng mạc ta, thì là gì nữa ? Ý thức này sẽ đưa nhân dân hết sức đông đảo, hết sức hăng hái, hết sức bền bỉ vào cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập tự do khi thực dân Pháp quay trở lại.


Lo đủ thứ cho khởi nghĩa và biểu tình vũ trang, tôi quên một việc rất thiết yếu mà mãi đến sáng ngày 25 mới hay : thiếu một bộ quần áo “ vía ” để “ ra mắt ” đồng bào. Tôi không có bộ âu phục nào hết, chỉ có một cái quần tây với một sơ mi dài tay, ngoài ra thì có hai bộ bà ba, bộ đen, bộ trắng. Mấy tháng trước, anh Hai Sô (bên Cư sĩ tịnh độ và đảng Quốc gia của Sô, Hoanh) có cho tôi một bộ đồ tây xám, tuy cũ mà vẫn còn khá, tôi chưa mặc, đem bỏ giặt ủi, ở gần ga xe điện Louvain 2, gần nhà in của anh Nguyễn Phú Hữu, gần nhà hàng Ánh Long. Cái hôm tôi đi lấy bộ đồ tây ở tiệm giặt ủi thì, khi tôi vào tiệm, còi hụ lên : máy bay B.26 Mỹ đến. Tôi kịp chạy ra khỏi tiệm, chui vào một cái hầm trú ẩn lõm bõm nước ở đàng trước nhà thờ Tin Lành, thì ầm, ầm, máy bay đã trút bom chắc là để phá ga Sài Gòn. Còi báo an, tôi ra khỏi hầm, thì cái tiệm giặt ủi đã thành bình địa, có lẽ với cả cái sòng tứ sắc trong nhà khi nãy ! Hú hồn ! Mất quần áo mà không mất mạng ! Từ đó, tôi không nghĩ đến xin ai hay là may đo một bộ đồ tây mà sáng nay, 25 tháng 8, tôi cần quá. Đành phải ủi lại cái quần, cái sơ-mi, kiếm mượn một chiếc cravát (đỏ), một đôi giày da. Huỳnh Văn Tiểng lo tất cả cái việc nhỏ nhặt mà không thể không có đó.


Mới bảy giờ sáng thì các đoàn người đã bắt đầu vào chiếm lĩnh vị trí đã định trước của mình. Hơn tám giờ, đứng trên lễ đài (cao chỉ hai thước, hai thước rưỡi) thấy cả một biển người, một rừng cờ và băng. Cái vườn cây sao rộng lớn trước phủ Toàn quyền đầy nghẹt. Cả đại lộ Norodom từ phủ Toàn quyền đến tận vườn thú cũng đầy nghẹt, người đi trên lề cũng khó, nói gì dắt xe đạp. Đường Blansubé đến bót giếng nước cũng giống y như vậy ; người là người, băng cờ là băng cờ ! Mỗi đoàn thể có mặt đều xưng tên bằng một tấm băng đi đầu : Công đoàn Ba Son, Công đoàn Labbé… Thanh niên Tiền phong đoàn Lê Lai, đoàn Phan Bội Châu… Nông dân trung quận Chợ Lớn, hội cựu binh sĩ, v.v… và v.v… Gần trăm phần trăm cờ là cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm, cờ vàng sao đỏ. Anh Dương Văn Phúc kéo áo tôi, nói nhỏ : có đồng chí báo cáo là có mặt bọn đệ tứ Trốt-kít 3 với băng đề là : “ Nhóm Tranh đấu ”, cờ của họ là cờ “ ngôi sao xẹt ”.


— Đông không ?


— Một hạt muối trong bể.


— Đối phó cách nào ?


    — Chúng không phá rối thì cứ để yên ; chúng khiêu khích thì tự vệ sẽ trị chúng.


    Có Cao Đài, có Tịnh độ cư sĩ, nhiều Hoa kiều tham gia. Đặc biệt là có mấy trăm đồng bào Thượng từ Biên Hoà, Thủ Dầu Một xuống, gùi và ná trên vai, trên lưng, chà gạc trong tay. Đông nhất là công nhân, thanh niên, nông dân. Phúc lại khều tôi, báo :


— Kia kìa, có Lê Kim Tỵ dẫn quân của ổng tham gia biểu tình. Nhớ Lê Kim Tỵ không ?


— Có chớ, Lê Kim Tỵ, “Thiên Bồng nguyên soái”, đứng đầu phái Tiên Thiên, ở kíp đan giỏ ky của cụ Trần Hữu Độ khi còn ở Tà Lài đó chớ gì ?


— Đúng.


— Đông không ?


— Vài ba trăm người mặc quân phục, có súng.


— Trước mắt, Thiên Bồng nguyên soái chưa ló cựa đâu !


Anh em báo cáo liên tục về các thành phần chính trị tham gia… Trước lễ đài là mấy đại đội binh sĩ chính quy và dàn quân nhạc.


Quên nói rằng, xung quanh lễ đài có các đoàn đại biểu các tỉnh về Sài Gòn, dự biểu tình cướp chính quyền, rút kinh nghiệm và nhận chỉ thị mới.


Xin chép lại tường thuật của báo Sài Gòn (số báo ngày 27.8.1945). Báo đăng tít bằng chữ lớn :


Một kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam ! Trên một triệu người khắp Nam Bộ và từ Cao Miên về cùng các đại biểu Hoa kiều tham dự cuộc biểu tình Việt Minh, ủng hộ chính phủ cộng hoà dân chủ ”.


he

Sài Gòn ngày 25.8.1945 (ảnh Henri Estirac)


Rồi báo ghi lại những nét đặc sắc của buổi sáng ấy nguyên văn như sau (đây là bài báo của một phóng viên báo Sài Gòn, không phải bài của anh em ta viết cho báo ấy) :


Một ngày chưa từng có trong lịch sử nước nhà ! Quốc dân ta cử hành một cuộc biểu tình vĩ đại để tỏ cho hoàn cầu biết dân tộc Việt Nam là một dân tộc có đủ tư cách hoàn toàn độc lập dưới chế độ cộng hoà dân chủ.


Bởi vậy, từ chiều ngày 24, để được tham gia cuộc biểu tình, những đại biểu của các lớp quần chúng tận các tỉnh xa đều kéo về Sài Gòn. Ngay đến đồng bào chúng ta ở Cao Miên cũng sắp đặt một đoàn mười chiếc xe hơi để đem đại biểu của họ về chứng kiến ngày tươi sáng nhứt của xứ sở. Và cảm tình hơn nữa là những thanh niên là nông dân ở các vùng lân cận như Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Búng, Lái Thiêu, Nhà Bè, Hóc Môn, Thủ Đức, Bến Lức, Gò Đen, Bình Chánh, Bình Điền, Cần Đước, Cần Giuộc v.v… vì không đủ xe chuyên chở hàng mấy trăm ngàn người từ 12 giờ khuya kéo bộ về Sài Gòn.


Như thế cuộc biểu tình sáng 25 tháng 8, với trên một triệu người tham dự đã biểu lộ rõ ràng tinh thần đoàn kết chặt chẽ của dân tộc Việt Nam. Con số đó là một bằng chứng thiết thực, chứng tỏ rằng Việt Nam Độc lập Đồng minh đã được quốc dân hoàn toàn tín nhiệm.


Trên một triệu người đó là những đoàn thể, đại biểu của nông dân, thợ thuyền, công chức, giáo chức, những anh chị em giúp việc trong các tư sở, anh em viết báo, thanh niên và phụ nữ tiền phong, nam nữ học sinh, Cao đài giáo, Thiên chúa giáo, Nương tử Hồng thập tự, nghiệp đoàn tiểu công nghệ, nha tư pháp, liên đoàn thuỷ thủ, liên đoàn hàng hải v.v… hiệp với các binh sĩ đoàn, thành một khối lực lượng vô cùng hùng hậu.


Đúng chín giờ rưỡi, lễ chào cờ cử hành tại khán đài sau nhà thờ Chúa Bà. Trong phút đó quốc dân yên lặng, đưa tay nắm lên chào ngọn cờ đỏ giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Đó là cờ của quốc dân Việt Nam. Phút thiêng liêng đã qua, ông Chủ tịch Uỷ ban hành chánh lâm thời tuyên bố những lời quan trọng…”.


Báo Điện tín cũng là một tờ báo lớn thời kỳ này như tờ Sài Gòn, ghi lại những đặc điểm nổi bật của cuộc biểu tình vũ trang chính trị 25 tháng 8 như sau :


Cùng vừng thái dương chói rạng ở phương Đông, mấy ngàn lá cờ đỏ phấp phới trong một biển người hơn số triệu, nhuộm cả trời Nam một màu sắc mới.


Sau ngày lịch sử 9 tháng 3, hôm nay cũng lại ngày lịch sử.


Không phải một sự tình cờ hoặc nhờ vào may đưa đến, chính ngày 25 tháng 8, là kết quả của sự tranh đấu quyết liệt của mấy ngàn chiến sĩ cách mạng hy sinh để giải phóng quốc gia và đời sống của dân chúng.


Biết không thể tháo lui ở một trào lưu mới, biết nhìn nhận một chính thể trong lúc quốc gia nghiêm trọng và biết tìm một con đường ở ngã ba đường, thế nên hơn một triệu người của các giới, của các đảng phái, chẳng những trong châu thành mà luôn các vùng phụ cận đều tham dự cuộc biểu tình của Mặt trận Việt Minh dưới lá cờ ngôi sao vàng — Một lá cờ vẽ bằng máu.


Trong cái biển người tràn ngập Sài Gòn hôm sáng thứ bảy ngày 25 tháng 8, ngoài một đoàn người Mọi, lại có một đoàn Hoa kiều tham dự.


Có nhiều người lấy làm mừng mà thấy các cuộc biểu tình vừa rồi có cả khí giới tối tân. Nhưng một điều đáng mừng hơn là ta được thấy và cho người ngoài thấy một tấm lòng của dân chúng Việt Nam.


Cuộc đảo quyền ngày 25 tháng 8 xảy ra trong vòng trật tự, không hao một giọt máu. Không tốn một tạc đạn nào. Chỉ trong một tiếng đồng hồ là chánh quyền ở Nam Bộ đã về Việt Minh, từ phủ Khâm sai đến các ty, các công sở đều bị đạo quân cảm tử Thanh niên Tiền phong kéo đến chiếm đóng một lượt hồi sáu giờ sáng. Nghĩa là từ lúc đó, tất cả ty sở lớn nhỏ trong thành phố đều đặt dưới quyền canh giữ của thanh niên rất nghiêm mật.


Tuy cuộc biểu tình khởi điểm đúng mười giờ, mà, trời vừa mới sáng, bóng cờ đỏ đã phấp phới khắp các nẻo đường về đại lộ Norodom.


Trời lần lần sáng.


Cả ngàn, cả mấy chục ngàn, cả mấy trăm ngàn, rồi hơn triệu người ; già trẻ, thanh niên nam nữ, Trung Hoa, Mọi, công chức, thợ thuyền, nông dân, các đảng phái, các tôn giáo đều tham dự.”


Báo Điện tín (27-8) ghi một số chi tiết rất cảm động : “ Một nhà tu hành đã già yếu cũng có mặt trong hàng ngũ. Và một bà già đã ngoại thất tuần cũng hăng hái phất cờ đi đầu một nhóm phụ nữ. Các đoàn thể biểu tình mạnh mẽ đưa nắm tay lên, hô những khẩu hiệu :


    — Việt Nam độc lập !


    — Chánh phủ cộng hoà dân chủ vạn tuế !


    — Ủng hộ Việt Minh ! Việt Minh muôn năm ! Chính quyền về Việt Minh !


    — Đả đảo thực dân Pháp !


    — Xử tử bọn Việt gian !


    — Tự do dân chủ vạn tuế !


    — Quét sạch tham quan ô lại !


    — Cải cách hương thôn !


    — Việt Nam dân chủ cộng hoà muôn năm !


Công chúng hai bên đường bị kích thích mãnh liệt cũng đưa tay lên hô theo. Làn sóng người cuồn cuộn chảy mãi đến hai giờ chiều vẫn chưa thấy đoạn chót…”.


Tường thuật của Điện tín viết tiếp :


Sau khi làm lễ chào cờ tại khán đài ở đại lộ Norodom sau nhà thờ Đức Bà, đoàn biểu tình tiến hành từ mười giờ sáng đến 12 giờ rưỡi trưa mới dứt đuôi.


Đến lối một giờ, binh lính, cảnh sát, thanh niên tựu họp có thứ tự trước Dinh đốc lý, có khí giới trong tay, để hoan nghênh Uỷ ban hành chánh lâm thời Nam Bộ. Sau bản “Thanh niên hành khúc” và bản “Quốc tế”, chín uỷ viên của Uỷ ban hành chánh lâm thời ở trên lầu dinh đốc lý bước ra từng người một để ra mắt quốc dân.


Xong, uỷ viên trưởng Trần Văn Giàu đứng trước máy truyền thanh tuyên bố như sau :


Đồng bào ! Quốc dân !


Hôm nay là ngày vẻ vang nhất trong lịch sử của Nam Bộ Việt Nam. Giữa thanh thiên bạch nhựt, chúng tôi, Uỷ ban lâm thời hành chánh, nhân danh toàn thể quốc dân Nam Bộ tuyên bố trước mặt hoàn cầu, và trước mặt toàn thể quốc dân Việt Nam rằng :


Chế độ cộng hoà dân chủ thành lập tại Nam Bộ Việt Nam.


Chúng tôi tuyên bố không thừa nhận chính phủ Nam triều và cương quyết chống chế độ thực dân bất cứ từ đâu đến. Không một ngoại bang nào có thể viện một lý do gì mà bác bỏ được điều quyết định long trọng của đồng bào ta hoài bão lâu nay :


Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập !


Thay mặt cho Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh miền Nam, chúng tôi lãnh trách nhiệm nắm giữ chính quyền Nam Bộ đến ngày triệu tập xong quốc hội sẽ giao lại cho đại biểu toàn quốc.


Trong giai đoạn này, trách nhiệm của chánh phủ rất nặng nề.


Bên ngoài phải giải quyết những vấn đề ngoại giao rất phiền phức.


Bên trong phải cởi bỏ những gánh nặng do chính phủ cũ và chiến tranh để trên vai chúng ta.


Những trở ngại không ít. Nhưng một chính phủ do toàn thể quốc dân ủng hộ, một chính phủ của dân chúng bao giờ cũng thắng.


Năng lực của dân chúng là vô tận.


Đối với kiều dân ngoại quốc ở xứ ta, quốc dân phải giữ thái độ đúng đắn, chúng ta đấu tranh trong vòng kỷ luật, gìn giữ đừng để xảy ra những hành động cá nhân làm thiệt hại sanh mạng hoặc tài sản của người ngoại quốc. Chúng ta phải tỏ ra cho người thế giới biết dân tộc Việt Nam là dân tộc có tổ chức, xứng đáng chinh phục quyền tự chủ.


Nước ta hôm nay bắt đầu thực hiện nền độc lập. Sự làm việc chăm chỉ và tận lực là trách nhiệm của mỗi công dân. Bất luận đứng vào cấp bậc nào trong nền kinh tế, đồng bào phải cố gắng làm việc để cải tạo cấp tốc những cơ quan bị phá hoại và để tăng gia sự sinh sản.


Không tăng gia sinh sản, chúng ta không thể mong bước vào một đời sống khả quan. Vậy đồng bào phải thề quyết cùng nhau nỗ lực làm việc, đó là phụng sự Tổ quốc một cách thiết thực.


Hôm nay, quốc dân biểu đồng tình đưa chính phủ cách mạng lên cầm quyền, thì bổn phận của quốc dân là phải bảo vệ chính phủ chống tất cả sự ly gián của quân thù và tay sai của chúng đương chờ chực khiêu khích. Quốc dân có trách nhiệm cũng như chính phủ là phải coi chừng những bọn quấy rối gây hỗn loạn, thừa cơ phá hoại công việc cách mạng của quốc dân.


Chúng ta phải tỉnh táo mà làm việc.


Chúng ta chỉ mới giựt lại chính quyền. Từ bước này đến khi thực hiện được một xã hội tốt đẹp trong đó có nhân dân đồng lao cộng lạc, tất còn phải kiên gan bền chí, tranh đấu với nhiều hoàn cảnh khó khăn.


Hỡi đồng bào !


Bây giờ chủ quyền về tay ta rồi nhưng còn phải chờ sức nỗ lực làm việc và phấn đấu của ta thì mới vững bền và rực rỡ.


Việt Nam độc lập muôn năm !


Việt Nam dân chủ cộng hoà muôn năm ! ”.


(Bài này tôi lấy ở báo Điện Tín, chớ nguyên văn của nó thì tôi không tìm lại được trong các hồ sơ còn sót của ta. Bài của Nguyễn Văn Nguyễn sau đây cũng như vậy).


Kế tiếp Nguyễn Văn Nguyễn, đại biểu của Xứ uỷ Nam Kỳ, của Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố :


Đồng bào !


Đồng chí !


Anh em chị em !


Hơn mười lăm năm đấu tranh cho đời sống dân chúng và cho độc lập quốc gia, hôm nay Đảng Cộng sản Đông Dương mới công khai ra mặt. Mặt trận Việt Minh mà Đảng Cộng sản xướng xuất và đã cùng chiến đấu, cùng hôm nay lật đổ chính quyền quân chủ để khai trương một kỷ nguyên tân dân chủ ở xứ này.


Tình thế quốc tế và quốc gia buộc Đảng Cộng sản phải tham chánh để giải quyết các vấn đề khó khăn, nguy hiểm bên trong và bên ngoài để thực hành và củng cố nền dân chủ lâm thời. Cuộc tham chánh ấy cũng là tiếp tục cuộc tranh đấu từ mười mấy năm nay và cũng là một đoạn đường trong cuộc tranh đấu trong tương lai.


Không say sưa khi đắc thắng, không nản chí lúc thất bại, trong tình cảnh nghiêm trọng hiện thời, Đảng Cộng sản kêu gọi hết thảy anh em thợ thuyền, nông dân, thanh niên, binh lính và các giới đồng bào nỗ lực làm việc kiến thiết nền dân chủ quốc gia, đem toàn lực ủng hộ Uỷ ban hành chánh lâm thời, đương thực hiện một nước Việt Nam độc lập, dân chủ và làm cho người Việt Nam tự do sung sướng.


Việt Nam độc lập muôn năm !


Trong cuộc tuần hành từ Norodom, xuống Catinat đến mé sông, quanh lên Charner, số đông uỷ viên của Uỷ ban hành chánh, một số đồng chí Xứ uỷ viên, Thành uỷ viên đi sau ba lá cờ rất lớn. Chính giữa và đi trước, một bước là lá cờ Đảng, bên tả, sau một bước là lá cờ đỏ sao vàng, bên hữu, sau hai bước là cờ vàng sao đỏ. Cờ Đảng quá lớn, chú Giỏi, thợ Eiffel phải mang ở cổ tay một tấm da khâu vào cán cờ. Nguyễn Văn Tây đi cạnh tôi bảo : “ Tụi phản động, phe thực dân nó bất ngờ và khiếp vía, cho nên nếu nó ném cho tụi mình mấy quả lựu đạn thì cũng rày rà lắm đó ! ”. Tôi đáp : “ Đi theo đoàn biểu tình ở trên lề đường và ở trong hàng ngũ có tự vệ ; đó, anh em đi đó ; tụi phá hoại chạy đâu cho khỏi ”. Thỉnh thoảng Tây nhắc tôi : mặt ngó thẳng, đừng ngó lên, người ta nói mình “ nghinh ”. Đằng sau, từng chập, từng chập, nhân dân vừa đi vừa hô khẩu hiệu ; còn thanh niên, công nhân thì vừa đi vừa hát “ Thanh niên hành khúc ”, “ Lên đàng ”. Nhưng đồng bào phần nhiều là già cả và trẻ em đứng hai bên lề đường vỗ tay, tung nón hoan hô.


Khi bọn tôi ra trước bao lơn thị sảnh với bên cạnh, các nhà báo vừa được mời lên lầu, thì quang cảnh quần chúng nhân dân biểu tình cũng y như ở Norodom : đầy ắp đường Charner cho đến mé sông Bến Nghé ; đầy ắp Bonard cho đến Chợ Mới, đầy ắp Bến Thành và đại lộ La Somme. Từ bao lơn dinh đốc lý thành phố, danh sách uỷ ban Nam Bộ được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch công bố trong tiếng hoan hô như sấm dậy của hàng vạn đồng bào.


Tôi đọc tuyên bố của Uỷ ban hành chánh lâm thời. Cuộc biểu tình chấm dứt trong tiếng nhạc liên hồi, thanh niên hùng tráng và tiếng hát “ Lên đàng ” giục giã (dàn nhạc của quân đội gồm mấy chục kèn và trống).


Đến chiều tà, đường phố Sài Gòn - Chợ Lớn mới trở lại bình thường, trong lúc đó ở toà bố Gia Định và toà bố Chợ Lớn có tập hợp nhân dân tuyên bố xoá bỏ chính quyền cũ và để hoan hô Uỷ ban hành chánh tỉnh. Đại biểu các địa phương sau khi nhận thêm chỉ thị của Xứ uỷ tức tốc trở về thực hiện việc giành chính quyền ở tỉnh mình. Có tỉnh làm được sớm như Bạc Liêu, có tỉnh làm trễ như Hà Tiên (phải chờ Châu Đốc đưa quân sang giúp), cả Nam Kỳ hoàn thành khởi nghĩa trong vòng vài ba ngày. Trước cuối tháng 8, không còn có quận nào, xã nào trên toàn Nam Kỳ mà không có chính quyền cách mạng của nhân dân.


Ngày 25 ở Sài Gòn đẹp như vậy, đẹp ở đại đoàn kết toàn dân, đẹp ở sự đại thắng gọn ghẽ của khởi nghĩa cách mạng, ngày 25 đó ở Sài Gòn, tiếc thay, bị vẩn đục ở một nơi, bởi một việc bất ngờ : cuộc xô xát đổ máu ở Tân Bình giữa đoàn biểu tình Hóc Môn với Bảo an đóng ở bót Tân Bình. Bót Tân Bình lực lượng khởi nghĩa đã chiếm từ hôm qua, đã treo cờ đỏ sao vàng. Nhưng Biện Vi và nhóm anh ta ở trong đoàn “Giải Phóng” kích động anh em biểu tình ở Hóc Môn xuống tràn vào bót (toan gỡ cờ đỏ này đặng treo cờ đỏ kia, cũng là cờ đỏ sao vàng cả) muốn lấy bót, gọi là tự tay mình “cướp chính quyền” ! Anh em trong bót không biết tại sao lại có kẻ đánh bót nên buộc phải nổ súng tự vệ giữ cờ. Đến khi Uỷ ban và Xứ uỷ được báo cáo cho người đến dàn xếp thì việc đã lỡ rồi ! Khổ thay ! Khổ nhất là thành kiến đáng lẽ bị lấp bằng bởi cuộc khởi nghĩa đại thắng, lại bị đào thêm sâu hơn giữa “Tiền Phong” và “Giải Phóng”. Ngày 25 và 26, nhân dân khởi nghĩa ở Sài Gòn về làm khởi nghĩa giành chính quyền ở Hóc Môn, đồng chí Mười Thinh thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong ở quận được bầu làm Chủ tịch chính quyền cách mạng của quận.


Sài Gòn khởi nghĩa năm ngày sau Hà Nội. Về sau, anh T.C. 4 (trong sách Cách mạng tháng Tám) bảo : “ Hà Nội khởi nghĩa ngày 19 tháng 8, còn Sài Gòn thì “ mãi ” đến 25 mới khởi nghĩa ”, rõ ràng có ý phê bình, chê trách. Đúng là Sài Gòn đến ngày 24 mới khởi nghĩa sau Hà Nội 5 ngày. Có mấy ai biết rằng tháng 10 năm 1917, Moscou khởi nghĩa sau Petrograd hơn một tuần, Lenin có phê phán, chê trách gì đâu ? Ấy là Moscou nhận được chỉ thị của Lenin, của Trung ương Đảng về việc khởi nghĩa cướp chính quyền, chớ Sài Gòn và Nam Bộ có được chỉ thị quá ư cần thiết đó đâu ? Nó đã phải tự động tự quyết cả, tựa như quân đội trong chiến tranh chỉ cần nghe tiếng súng là chia lửa với nhau không đợi lệnh mới đánh tiếp sức, như vậy là đáng khen lắm chớ ? Ví phỏng Xứ uỷ không làm theo quyết định của chính mình mà theo “Giải Phóng” (đặc phái viên Trung ương là Hoàng Quốc Việt 5, ngày 2 tháng 9 chiều tối mới tới Sài Gòn ủng hộ) — ngồi chờ chỉ thị, thì làm gì có cách mạng thành công ở Sài Gòn, Nam Bộ ? Vậy thì sao lại chê trách ? Mà chê trách thì chắc cũng được thôi, nhưng phải đúng mức. Chỉ lủi thủi ở vài địa phương ở đồng quê, lực lượng quá ít ỏi, hoạt động quá yếu ớt, chờ lệnh Trung ương không biết chừng nào mới đến, thì làm gì có khởi nghĩa Sài Gòn, ở Nam Bộ ? Mà nếu cách mạng không thành ở Sài Gòn, ở Nam Bộ, chỉ thành công ở Bắc (và ở Trung) thì tình hình chính trị Việt Nam sẽ ra sao đây khi quân Anh và quân Pháp trở lại ? Thấy điều ấy mới thấy cái tự động quyết định của Xứ uỷ Nam Bộ là hết sức kịp thời. Kịp thời chớ đâu phải là vắng mặt, huống chi đánh giá về khởi nghĩa tháng Tám ở Sài Gòn và ở Nam Kỳ không thể không xét tới hai điều kiện sau đây :


    — Thứ nhất là Nam Kỳ phải trải qua cuộc khởi nghĩa tháng 11 năm 1940, thất bại rất nặng làm mất gần hết cơ sở và tan vỡ hết hệ thống Đảng, gây dựng lại hết sức khó khăn, làm cho quần chúng hoang mang; khôi phục hệ thống, khôi phục sự tín nhiệm rõ ràng là không dễ. Vậy mà các đồng chí trong Nam Kỳ đã chạy đua kịp với thời gian, với thời cuộc. Thành tích của họ càng lớn. Đáng tuyên dương chớ sao lại chê trách ?


    — Thứ hai là ở Nam Kỳ, đối lập với Đảng Cộng sản không phải là những tổ chức lèo tèo, mà là những chính đảng và giáo phái lớn mạnh, đông đúc, có lực lượng quần chúng và lực lượng vũ trang. Trong điều kiện đó dễ gì mà tạo cho ta một “ đạo quân chính trị ” (cả quân sự) áp đảo để giành chính quyền về tay nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng ? Sách lược của Xứ uỷ Nam Kỳ có những điều không giống với sách lược của Trung ương, mà ngay sách lược của khởi nghĩa ở Hà Nội và nhiều tỉnh ở Bắc, Trung cũng không giống, Hà Nội cũng phải tự động quyết định cho dù từ Tân Trào về Hà Nội không xa. Hà Nội chưa nhận được chỉ thị Tổng khởi nghĩa của Tân Trào mà Hà Nội căn cứ vào chỉ thị của Trung ương “ Nhật-Pháp đánh nhau ta phải làm gì ? ” mấy tháng trước đó để quyết định khởi nghĩa. Thì Sài Gòn không có chỉ thị khởi nghĩa của Tân Trào, không có chỉ thị “ Nhật-Pháp đánh nhau ta phải làm gì ? ”, thì Sài Gòn thực hiện Nghị quyết Trung ương cuối 1939, và làm khởi nghĩa. Người mácxít-lêninnít phải tùy điều kiện cụ thể mà chủ trương thích hợp, miễn sao cho cách mạng thành công, có sai lệch thì uốn nắn, sửa chữa ; nhưng sáng kiến, sáng tạo là điều phải được chấp nhận, nhất là trong hoàn cảnh mất liên lạc với cơ quan lãnh đạo tối cao mà ở Nam không một ai phủ nhận quyền lực. Vậy, nên nói : “ Còn Sài Gòn và Nam Bộ, mặc dầu đã phải trải qua cuộc khởi nghĩa 1940, thất bại nặng, mặc dầu về tương quan lực lượng của đảng phải có những khó khăn lớn, mặc dầu xa Trung ương, cũng đã khởi nghĩa gần cùng một lúc với Bắc, Trung, Huế, Hà Nội, trong một cuộc tổng khởi nghĩa vĩ đại, trên một bề dài đất nước hai nghìn cây số mà chỉ cần một tuần nhật đã toàn thắng ”.











1 Danh sách đối chiếu tên đường phố Sài Gòn nói tới trong phần này :


Blansubé : Duy Tân, nay là Phạm Ngọc Thạch
Bonard : Lê Lợi
Catinat : Tự Do, nay là Đồng Khởi
Charner : Nguyễn Huệ
Galliéni : Trần Hưng Đạo
La Somme : Hàm Nghi
Norodom : Thống Nhất, nay là Lê Duẩn




2 Ga xe điện Louvain : gần rạp hát Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân) đường Trần Hưng Đạo.




3 Sau khi hai nhóm cộng sản đệ tam và đệ tứ chấm dứt hợp tác với nhau trong tờ La Lutte, nhóm đệ tam ra hai tờ Le Peuple (tiếng Pháp) và Dân Chúng (tiếng Việt), nhóm đệ tứ ra tờ báo tiếng Việt lấy tên là Tranh Đấu. Biểu tượng của nhóm đệ tứ (ngôi sao xẹt) là hình địa cầu, có ngôi sao và tia chớp hình số 4. Theo bác sĩ Trần Ngươn Phiêu (xem bài Mt s chi tiết v Phan Văn Hùm) trong cuộc biểu tình ngày 25.8.1945, có hai nhóm đệ tứ (khác xu hướng) tham gia : “ nhóm Tranh Đấu ” (với khẩu hiệu Võ trang nhân dân, Lập chính quyền Công – Nông”) và nhóm Liên Minh (“Ruộng đất về tay người cày, Quốc hữu hóa sản nghiệp giao lại cho thợ thuyền kiểm soát, Thành lập Ủy ban Nhân dân... ”). Các khẩu hiệu này cho thấy trình độ ấu trĩ, não trạng tả khuynh và thiểu năng về ý thức dân tộc của những người trốt-kít thời đó. Điều trớ trêu là về nhiều mặt, họ không khác đường lối của Stalin và của những người đệ tam được đào tạo trong thập niên 1930, từng được "phổ biến" là Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường cải lương, quốc gia chủ nghĩa, mơ hồ với tư sản... Người ta hiểu tại sao khi chính phủ Hồ Chí Minh ký Hiệp ước sơ bộ 6-3-1846, các nhóm đệ tứ lên án Hồ Chí Minh "bán đứng cách mạng" (còn các đảng "quốc gia" thì hô hoán là "bán nước"). Và năm 1953, dưới sức ép ghê gớm của Stalin và các cố vấn Trung Quốc, cuộc "cải cách ruộng đất"  đã được đại đa số đảng viên ĐCS tiến hành một cách hăng say, mù quáng.



4 T. C. : Tức là Trường Chinh (Đặng Xuân Khu), tổng bí thư Đảng cộng sản lúc đó. Chúng tôi còn nhớ, cuối thập niên 70, hỏi Trần Văn Giàu bao giờ ông mới xuất bản hồi ký, ông cười và nói : còn ông T.C., thì hồi ký Trần Văn Giàu chưa thể xuất bản được. Tất nhiên đó là T.C. trước cuộc Đổi Mới 1986. Tiếc rằng hai năm sau, ông Trường Chinh qua đời. Một cuộc tranh luận công khai giữa Trường Chinh và Trần Văn Giàu về năm 1945 không bao giờ diễn ra. Đối với nhà sử học, nhưng với một nhà văn ?




5 Hoàng Quốc Việt : xem Hồi ký Trần Văn Giàu (IX)




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss