Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Quốc Gia An Nam

Quốc Gia An Nam

- Phạm Quỳnh & Lại Như Bằng (dịch) — published 11/05/2018 21:55, cập nhật lần cuối 12/05/2018 19:18

Quốc Gia An Nam


Nguyên tác : Phạm Quỳnh


Dịch : Lại Như Bằng



Nguyên tác tiếng Pháp "La Nation annamite", trích từ tập : Nouveaux essais franco-annamites, Editions Bui Huy Tin-Hue, 1938, quy tụ một số bài báo, bài tham luận bằng tiếng Pháp của Phạm Quỳnh.



Diễn Đàn : 


Chúng tôi vừa nhận được từ thân hữu Lại Như Bằng bản dịch hai tài liệu (có liên quan với nhau) của ông Phạm Quỳnh, nhân vật lịch sử Việt Nam thời cận đại. Xin hân hạnh giới thiệu với bạn đọc để góp phần tìm hiểu ông. Trong bài đầu "Quốc gia An Nam", đăng ở đây, tác giả khẳng định "An Nam" (tên gọi của Việt Nam thời bấy giờ) như một Quốc Gia, với đầy đủ ý nghĩa của nó; đồng thời cũng đặt đất nước này trong khung cảnh của chế độ bảo hộ của người Pháp.

Bài thứ hai, dài hơn nhiều, như tên gọi của nó "Đi tìm một chủ nghĩa quốc gia" là tác phẩm xác định đường lối chính trị của ông. 

Trong bài này tác giả đã tóm lược lịch sử dân tộc, trình bày những đặc điểm của văn hoá dân tộc, và của chế độ bảo hộ Pháp. Từ đó ông đề nghị một con đường cộng tác và thoả hiệp từ phía Việt Nam, cũng như đề đạt những yêu cầu đối với người Pháp; để có thể dần dần tiến đến độc lập trong khi vẫn bảo vệ chế độ quân chủ, bảo vệ và duy trì văn hoá Việt Nam cũng như tinh thần quốc gia Việt Nam, theo định nghĩa của ông.

Tài liệu này quá dài, không thích hợp cho việc đọc một lần trên mạng, do đó chúng tôi xin đính kèm dưới dạng PDF để tiện nghi hơn cho bạn đọc hạ tải về máy mình làm tài liệu và đọc dễ dàng hơn.

Xin cảm ơn dịch giả Lại Như Bằng.




Theo định nghĩa nổi tiếng của Ernest Renan, Quốc gia, trước hết là một hồn thiêng, một nguyên lý tinh thần. Các quốc gia, dĩ nhiên, còn được cấu thành bởi nhiều yếu tố khác : chủng tộc, ngôn ngữ, đạo giáo, cộng đồng quyền lợi, địa thế, ngay cả nhu cầu quân sự nữa. Nhưng những yếu tố này, có thể xem như chỉ là vật chất, dù giúp củng cố tổ chức quốc gia, tự riêng chúng, không đủ để tạo ra quốc gia, không thể cho nó cái tính cách sống và hữu cơ khiến nó là một sinh vật chứ không chỉ là vật vô tri, một sinh vật thực thụ chứ không chỉ là một cấu trúc chính trị. Nguyên lý tinh thần này là nền tảng của mọi quốc gia, không có nó, không một quốc gia nào có thể tồn tại và phát triển, ngày nay ta gọi nó là ý thức quốc gia.

Tôi vừa tình cờ được đọc, trong một số cũ của Tập san chính trị và nghị viện (Revue politique et parlementaire), một bài rất đáng chú ý của René Millet, tác giả phân tích một cách rất chính xác và sâu sắc khái niệm "ý thức quốc gia". Trước những "nhiệt tình quốc tế quá khích", nhiều khi ta phải tự hỏi sự hiện hữu của các quốc gia, những cộng đồng nhân loại được xây đắp thành những khuôn khổ riêng biệt, độc lập và thường đối chọi lẫn nhau, tự nó, không biết có chính đáng và xứng đáng với lòng mong đợi của chúng ta không. Những bài học rút ra từ lịch sử và kinh nghiệm, cũng như từ khoa học và của sự quan sát, cho ta thấy sự hiện hữu này là chính đáng, cần thiết, hợp lý, và, ta có thể nói là có tính "khoa học" nữa. Theo René Millet, 

"Sự duy trì những khuôn khổ này, tự nó, cũng chính đáng như sự tiến triển chung của nền văn minh, và hai sự việc này không thể tách rời. Ngay chính khoa học cũng phải chấp nhận sự kiện này, cũng như nó đã chấp nhận những tổ hợp của hóa học cùng lúc những dữ liệu trừu tượng của hình học hay đại số học. Các quốc gia là những sinh vật thực thụ, nó có đầu, chân tay và các bộ phận. Những sinh vật này có thể biến đổi khi cấu trúc tổ hợp những con người thay đổi. Có những quốc gia đã bị tiêu diệt, có những quốc gia còn tồn tại, một số đang rên xiết dưới gông cùm của bạo quyền. Lại có quốc gia, như Ba Lan chẳng hạn, đang sống vật vờ bỗng bừng tỉnh khi đất đai bị chia cắt. Điểm tụ ánh sáng chung quanh đó sinh vật tập thể được tạo thành, lớn lên hay tàn lụi đi, cũng giống như một điểm tụ của lò lửa từ đó ngọn lửa bùng lên hay yếu đi, đó là ý thức quốc gia, là ý chí cùng chung sống, cùng tự vệ và cùng soi sáng lẫn nhau. Sự vững chãi và sức sống của các Quốc gia được đo lường bằng sức nóng cùa cái điểm tụ trung tâm này nhiều hơn là tiềm năng vật chất của chúng".

Những nhận định trên đưa tôi đến chuyện quốc gia An Nam. An Nam đã từng là và vẫn còn tiếp tục là một quốc gia trong mọi nghĩa của từ ngữ này hay không ? Ý thức quốc gia, như ta đã định nghĩa ở trên, đã từng có tính cách nồng nhiệt, và ngày nay vẫn còn tiếp tục có, nơi các người An Nam hay không ? Tại đất nước này liệu có một chủ nghĩa quốc gia bản xứ ? Nó có nhất thiết phải xung khắc với sự đô hộ của người Pháp hay không ? ‒ Những câu hỏi này không chỉ có ý nghĩa về mặt lý thuyết, mà hiển nhiên ta có thể thấy là chúng còn có ý nghĩa chính trị. Không thể xét hết mọi khía cạnh của vấn đề trong giới hạn một bài viết ngắn, tôi chỉ "đặt" vấn đề, trình bày sơ lược những dữ kiện và chỉ dẫn hướng đi tìm giải đáp.

An Nam từ trước tới nay luôn luôn là một quốc gia, một quốc gia đồng nhất hơn mọi quốc gia Á Châu. Quá trình lịch sử của ít nhất 20 thế kỷ chứng nhận điều này. Cái lịch sử này đã được ông René Rousset, một sử gia nghiêm túc về Châu Á, tóm tắt, cô đọng một cách tuyệt hay qua vài hàng sau đây:

Tác giả của Lịch sử Châu Á (Histoire de l'Asie) và Châu Á thức tỉnh (Réveil de l'Asie) viết:

"Người An Nam kết tụ thành một trong những dân tộc gắn bó nhau chặt chẽ nhất tại Châu Á. Với nền văn minh đến từ Trung Quốc, như người Nhật, họ đã tiếp nhận văn hóa Thiên triều nhưng vẫn giữ được y nguyên bản sắc tinh thần và chủng tộc của mình. Từ thế kỷ thứ I trước Ki Tô cho tới thế kỷ thứ X của kỷ nguyên chúng ta, đất nước họ (thời đó gồm Bắc Kỳ, Thanh Hóa và Nghệ An) gần như lúc nào cũng trực thuộc Trung Quốc. Trong suốt thời kỳ chung sống này, Trung Quốc đã truyền cho người An Nam văn minh vật chất và tinh thần của họ, chữ viết, cái nhìn Khổng giáo về xã hội, hình thái đặc biệt về đạo Phật của họ, và ngay cả cái nhìn về thẩm mỹ nữa. Ảnh hưởng đồng hóa này còn để lại dấu ấn không thể xóa nhòa. Tuy vậy, nó cũng không thể nào tiêu diệt nổi ý thức quốc gia của dân tộc An Nam. Ngay sau khi Trung Quốc bị suy yếu vào thế kỷ thứ mười, người An Nam đã dành lại độc lập và lợi dụng tình thế bắt đầu ngay cuộc nam tiến. Trong cuộc hành trình về vùng đất phía Nam, người An Nam đã đụng độ với một nước hùng mạnh, dân chúng vốn nòi giống Mã Lai - Polynésie, với một nền văn minh Ấn Độ Bà La Môn, tức là vương quốc Chăm Pa, đi từ Quảng Bình đến Cap Saint Jacques. Sau ba thế kỷ chiến tranh, họ đã chiếm được miền Bắc và miền Trung nước Chăm Pa, tới tận Khánh Hòa và Bình Thuận. Vào thế kỳ thứ mười bẩy, họ thôn tính luôn hai tỉnh này. Tiếp tục tiến về phía Nam, người An Nam chiếm luôn và khai khẩn đồng bằng sông Cửu Long của người Cam Pu Chia. Giữa thế kỷ thứ mười tám, công cuộc khai khẩn này đã tiến triển khá xa, đến mức độ mà giải đất này, Thủy Chân Lạp (Cambodge maritime) ngày trước, trở thành vùng đất hoàn toàn đậm tính An Nam, không khác gì đất gốc Bắc Kỳ 

(Châu Á thức tỉnh và sự trỗi dậy của các dân tộc, các trang 230-231).

Đó là những gì mà lịch sử An Nam cho biết. Một nòi giống nông dân, khởi xuất từ miền trung du Bắc Kỳ ngày nay, từ từ ý thức được sự đồng nhất, sức mạnh của chính mình, và một khi trút bỏ được ách thống trị của ngoại bang, quay ra đi xâm chiếm tất cả các vùng đất miền Nam cần thiết cho sự phát triển của họ, và như vậy, do lấn áp các dân tộc khác ít nhất cũng mạnh và can cường ngang họ tức là dân tộc Chăm Pa và dân tộc Khmer, họ hoàn tất trên bờ biển Thái Bình Dương phía Nam, một vận mệnh quốc gia xem ra rất đáng nể đôi khi lại còn vẻ vang nữa. Trong giòng lịch sử này, có hai sự kiện nổi bật, tất yếu: cuộc kháng chiến chống ách thống trị của Thiên triều, qua bao thế hệ, nhiều lần thất bại, nhưng cuối cùng chiến thắng; cuộc chinh phục tất cả các vùng đất miền Nam tới vịnh Xiêm La, cũng kéo dài nhiều thế kỷ, hao tốn bao nhiêu gian lao, xương máu; hai sự kiện vẻ vang, chứng tỏ sức sống tuyệt vời, nghị lực độc đáo của nòi giống này.

Trong hai mươi thế kỷ vừa qua, có thể nói là tổ tiên ta đã "sống liều mạng", nói theo câu chữ của Nietzsche, và cùng lúc, sức chịu đựng và nghị lực của nòi giống phát triển, ý thức quốc gia được khơi dậy. Ý thức này khởi đầu chập chững với chị em hai bà Trưng, các Jeanne d'Arc An Nam, từ năm 39 đến năm 43, đã một thời đuổi quân Tàu ra khỏi bờ cõi. Nó mỗi ngày mỗi trở nên vững chắc qua những cuộc nổi dậy khác có thể nói là nổ ra đều đặn trong suốt mười thế kỷ thống trị của người Tàu. Nó đạt đỉnh cao dưới các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần và Lê, từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 18, và chỉ bắt đầu giảm đi dưới thời các vua triều Nguyễn với một nền chính trị nhu nhược, mở đường cho âm mưu tham vọng ngoại bang. Ý thức quốc gia này đặc biệt sinh động và bền bỉ dưới triều Trần và triều Lê. Tướng Trần Hưng Đạo, người mà dân An Nam hiện nay vẫn còn thờ phụng tại đền Kiếp Bạc (Temple de Sept-pagodes) nổi tiếng, vào thế kỷ thứ 13, khi dẫn quân đánh nhau với đám quân hung bạo của Khoubilai (Hốt Tất Liệt), vua Lê Lợi, vào năm 1418, khi chiến thắng và đuổi quân Tàu ra khỏi bờ cõi, ta có thể nói là các vị này đã được sự đồng lòng nhất trí ủng hộ của toàn dân An Nam. Để thấy rõ điều này, chỉ cần đọc lại các bản tuyên ngôn nổi tiếng gửi đến toàn dân sau các chiến thắng đáng ghi nhớ của vị vua và vị tướng tài ba này, những trang sử vẻ vang của dân tộc ta.

Dưới các triều đại quốc gia cực thịnh này, tinh thần quốc gia thường đồng nghĩa với lòng trung quân, thời đó vua được xem như cột trụ của quốc gia và có thể nói là công dân đầu đàn. Chúng ta đã thấy là tinh thần này đã bị suy yếu dưới triều Nguyễn, triều đại hiện nay, nhờ vậy người Pháp đã có thể can thiệp vào xứ An Nam. Nó đã nẩy nở trở lại vào lúc đầu cuộc chiến tranh chinh phục, và nhất là vào khoảng hai mươi năm gần đây dưới ảnh hưởng của các sự kiện thế giới quan trọng, như chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905 và đại chiến Âu Châu 1914-1918.

Như vậy, tại xứ này có một chủ nghĩa quốc gia An Nam bắt nguồn từ lịch sử dân tộc. Nhưng chủ nghĩa quốc gia An Nam không phải là thứ chủ thuyết có tính hung hăng và xu hướng bài ngoại mà người ta thường muốn đồng hóa qua tên gọi . Nó là một chủ thuyết có suy tính, ôn hòa, vì là thành quả của lịch sử và của kinh nghiệm. Nó xuất phát từ những tình cảm cao đẹp và hoàn toàn chính đáng. Đó là thực tại của một dân tộc đã có một đời sống cao đẹp trong nhiều thế kỷ và muốn tiếp tục sống như vậy trong những điều kiện tốt nhất, không mảy may từ bỏ nhân cách của mình. Quả thật là dân tộc này đang phải chấp nhận một sự kiện mới, sự thống trị của người Pháp. Và ta có thể tự hỏi chủ nghĩa quốc gia An Nam có xung khắc với sự kiện này và có thể nào từ đó đưa đến đối kháng. Chúng ta không tin như vậy chính vì sự kiện này là hệ quả tất định của lịch sử, chúng ta đã thực lòng chấp nhận nó và chỉ mong rút ra được kết quả tốt đẹp nhất cho dân tộc thân yêu này. Chúng ta biết rằng dân tộc này đang phải đối đầu với hai nguy cơ; một nguy cơ đã có từ lâu đời, thuộc diện dân số và kinh tế: nguy cơ Tàu, và một nguy cơ thuộc diện quân sự, ít cấp bách hơn, nhưng không kém phần đe dọa : nguy cơ Nhật. Nếu cách đây hai mươi năm, những nhà cải cách thời trước nghĩ có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của Tàu và Nhật, "những người anh em nòi giống da vàng", để đuổi người Pháp đi, thì ngày nay chúng ta không còn ảo vọng đó nữa. Chúng ta biết rằng trước hiểm họa dân số Tàu và còn nghiêm trọng hơn nữa, hiểm họa quân phiệt Nhật, giải pháp tốt nhất, duy nhất bảo đảm cho chúng ta có thể tồn tại như một quốc gia vẫn là chịu sự bảo hộ của nước Pháp, trong thực tế đã tỏ ra rõ ràng là chế độ ít hà khắc nhất cho một dân tộc đã không biết cách hay không thể thoát khỏi sự giám hộ của ngoại bang. Do đó, chúng ta hoàn toàn chấp nhận giải pháp này không điều kiện. Chúng ta chấp nhận thực tại lịch sử này, với tất cả mọi hệ quả của nó, không hậu ý, với chủ tâm duy nhất là làm sao rút ra được nhiều lợi ích nhất cho ta.

Như vậy, giữa sự kiện bảo hộ của nước Pháp và những đòi hỏi của chủ nghĩa quốc gia An Nam, hiện nay không có một lý do nào có thể đưa tới xung đột.

Nhưng về sau thì sao ?

Không ai có thể tiên đoán được tương lai, vốn còn tùy thuộc vào sự khôn ngoan của dân tộc An Nam cũng như của chính phủ Pháp. Để kết luận bài này, tôi thấy tốt hơn hết là viện dẫn quan điểm của một tác giả Pháp đã nghiên cứu nhiều về các vấn đề Đông Phương và Viễn Đông và mới đây đại diện nước Pháp tại Ủy ban quốc tế về những ủy nhiệm thuộc địa tại Rome.

Ông Robert de Caix nói : "Giáo dục dân thuộc địa sẽ chỉ là vô nghĩa nếu thiếu một quyết tâm, có thể là từng bước từng giai đoạn nhưng không do dự, theo đà tiến triển khả năng của họ, trao cho họ phần tự quản mà họ đã chứng tỏ đủ sức làm. Vậy, chính sách này bao gồm một sự rút lui từng bước của người đi chinh phục trước học trò của mình. Tôi biết là viễn tượng này có làm phật lòng một số người. Với những người này, tôi chỉ xin hỏi có gì hay ho cho đất nước ta trong viễn tượng ngược lại. Viễn Đông trên đà xây dựng phải chăng là nơi mà chúng ta có thể trông mong bám giữ mãi mãi, giữa những quốc gia đang tự tổ chức hay sẽ tự tổ chức, nếu chúng ta chỉ gặp nơi thuộc dân bảo hộ mưu đồ ác ý hay ngay chỉ thái độ thờ ơ lãnh đạm? "

Phạm Quỳnh

(1926)


Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us