Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Sống đức tin dưới chế độ cộng sản

Sống đức tin dưới chế độ cộng sản

- Phạm Hân Quynh — published 12/04/2019 14:45, cập nhật lần cuối 13/04/2019 23:39



Tư liệu



Sống đức tin
dưới chế độ cộng sản


Phạm Hân Quynh


phq
Linh mục Phạm Hân Quynh (2006), ảnh N.N.G.

Lá thư dưới đây viết năm 1974. Người nhận là linh mục Nguyễn Khắc Xuyên (1923-2005), nhà nghiên cứu mà độc giả thường được biết dưới bút danh Hồng Nhuệ, lúc đó sống ở Pháp. Người viêt là linh mục Lô-ren-xô Phạm Hân Quynh (1926-2012) mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu trong bài Linh mục Phạm Hân Quynh, 55 năm "ngược dòng".

Sau khi thụ phong linh mục tại Pháp (cùng khoá đại chủng viện với Hồng y Jean-Marie Lustiger), năm 1954, ông đã chọn về sống ở miền Bắc. Là một nhà thần học tiến bộ, ông đi trước Công đồng Vatican II (1962), nên gặp sự chống đối của giới chức sắc bảo thủ (nếu không nói là phản động) của giáo hội Công giáo ở miền Bắc. Là một bậc chân tu, không thể mua chuộc, càng không thể vu khống bằng kiểu "nội y" phụ nữ tìm thấy trong phòng (như hai cái "bao cao su đã sử dụng" thời đồng chí X), linh mục Quynh trở thành "đối tượng nguy hiểm cần cô lập và vô hiệu hoá" trong tầm nhìn hạn hẹp của Đảng cộng sản Việt Nam. Kết quả là ông đã bị "cả hai đảng ta" (như ông thường nói đùa) lưu đày ở những xứ đạo "vùng sâu vùng xa".

Lá thư mà chúng tôi công bố hôm nay là một chứng từ của hai mươi năm "sống đức tin" của linh mục Phạm Hân Quynh dưới chế độ VNDCCH ở miền Bắc nước ta. Người đọc không thể không ngạc nhiên và xúc cảm khi gặp những ý tưởng mạnh mẽ, táo bạo của một con người bị cô lập hai mươi năm trời trong một xã hội "Mác Lê", trong lòng một giáo hội cổ lỗ. Lá thư là quà tặng của ông Nguyễn Mạnh Hà (1913-1992), người sáng lập phong trào Thanh Lao Công, bộ trưởng kinh tế trong nội các đầu tiên của chính phủ Hồ Chí Minh, bạn thân của hai linh mục Quynh và Xuyên. Tình cờ tìm lại được tài liệu quý báu này trong lúc dọn nhà, tôi mạn phép ba vị tiền bối nay đã từ trần, công bố trên mặt báo Diễn Đàn.

Để giữ trọn tính trung thực của bản gốc, chúng tôi tôn trọng chính tả của tác giả.

Nguyễn Ngọc Giao

12-4-2019


thuphq

Phần đầu lá thư của Linh mục Phạm Hân Quynh
gửi Linh mục Nguyễn Khắc Xuyên.
Dòng chữ viết tay là thủ bút của ông Nguyễn Mạnh Hà.



Xuân Hoà, 25-2-74



X. thân mến,


Được thư X. hôm 22-2-74. Cám ơn về bức thư dài, tâm-tình nhiều, chứng tỏ qua bao ý kiến đã suy nghĩ lâu. Nói chung, mình tán-thành ý X. Mình sẽ cố-gắng nói rõ hơn, đối-chiếu với THỰC-TẠI ở ĐÂY.

1. Tôi cần được tin tức về nỗ-lực TƯ-TƯỞNG và những nỗ-lực tìm ra CÁCH THẾ người công-giáo châu Âu thể hiện đức tin mình cách thực-tiễn – PRAXIS – trong hoàn cảnh của họ, sẽ giúp mình suy nghĩ và sáng tạo CHO MÌNH tuỳ hoàn-cảnh mình. Congrès ở Lyon trước và ở Bègles, tôi muốn hiểu rõ hơn. Tôi hơi biết về Girardi (1). Tôi muốn biết thêm về Geffré (2) (thí dụ ẢNH-HƯỞNG THỰC-SỰ, phản ứng của các giới cụ-thể về Geffré). À, Liégé (3) bây giờ ra sao ? Cũng báo để X. biết, tôi đã mất nhiều năm để vừa đọc Marx, Engels, Lénine, Staline, Mao Trạch Đông (tôi tự hào chịu khổ đọc, đọc, nghĩ gần 20 năm nay, đọc đi đọc lại, thêm Lê Duẩn, theo rất kỹ lại vừa đối-chiếu với thực-tế, cuộc tranh luận giữa các đảng Cộng-sản và nhất là hiện-thực trong nước, tôi cố theo từng hồi cuộc cách mạng của ta, liên tục).

Về vô-thần, nói chung, ý kiến X cho biết tôi tán thành. Trong các đảng CS đã có đào sâu thêm, vượt qua Strauss, kể cả Feuerbach, các nhà triết-học ÁNH SÁNG... Chính sách tự do tín ngưỡng thực tế hơn (anh mà theo dõi cuộc diễn tiến ấy khoảng 100 năm nay sẽ thấy : Mexique, Espagne, URSS, Trung-quốc, Việt-nam... 1930 rồi ngày nay). Tuy nhiên vấn-đề phức-tạp. Có một GLISSEMENT từ Marx thời trẻ đến Marx trưởng thành, từ Marx đến Engels, từ Engels đến Staline. Có một glissement từ VÔ-THẦN cụ-thể (vô cái thần nào ? khi Marx nói thần thì Marx nghĩ điều gì – nội dung cụ thể bởi ở người mác-xít cho rằng mọi sự đều là cụ thể và có lịch-sử-tính –) đến VÔ-THÀN TRỪU-TƯỢNG nói chung. "Nói chung" là phi mac-xít. Lại còn chuyện người KHÔNG MÁC-XÍT đọc Marx với óc phi mác-xít của mình sẽ càng có sự trừu tượng hoá hơn và sai lạc đi. Tôi sẽ cố-gắng tìm nội dung CỤ-THỂ TRONG ÓC MARX về chữ thần ấy. Đây là vấn đề người ta chưa làm.

Engels thì có nhẽ cái ông thần ở quê hương bố mình, cái ông thần Tin lành thế ký XIX, phục cụ cho tư-bản bóc lột công nhân, phục vụ các tiểu vương đàn áp dân đen... Thì mình cũng vô cái thần ấy, cái thứ thần lóc lột con người... cho nên vô thần xét về mặt ấy là tiến bộ, là một thứ HYGIÈNE cần thiết. Ở Việt-nam, vô thần là vô các thứ thổ-thần, hà-bá, vua bếp, thần cây đa, các loại thần thoát tục, kể cả thứ thần phục-vụ thực dân phè-phỡn. Từ Vô đến PHẢN không xa và thực tế đã có PHẢN (không những người mác-xít, anh còn nhớ Văn thân, lại cả một loạt tân học theo Voltaire, Rousseau, Montesquieu, kiểu Radicaux Pháp xưa).

Tôi sẽ tạm đến vài kết-luận như sau, X nghĩ xem.

a) Vô thần ở VN có lý của nó, dựa vào lịch-sử mấy trăm năm qua. Vô thần là nhận thức, và nhận thức thấy cái thần đã BẤT-LỰC lại còn RU NGỦ có hại cho việc GIẢI PHÓNG ĐÂT NƯỚC, GIẢI PHÓNG NGƯỜI BỊ ÁP BỨC, và con người CỤ-THỂ thành người. Vô thần do đó là một xác-nhận TÍCH-CỰC, tự tin vào mình, để mình lớn lên mà LÀM. Thực tế, THỰC TẾ đối với một số người, BỎ THẦN, họ đã lớn lên. Tôi MỪNG cho họ, CHO HỌ. Từ đó, họ có lòng hăng say làm TÔNG-ĐỒ cho người khác : PHẢN THẦN ở đấy mà ra. (Mừng cho họ, đắng cay cho mình vì đã phô ra một thứ thần như thế). Tôi KHÔNG THẮC MẮC với chuyện họ vô thần, vô thần đó là một HYGIÈNE cho họ – Nhưng số ấy ít. Hiện nay có một số vô-thần vì nguyên-tắc, để kiếm lợi, CHO HỢP THỜI, một étiquette, che giấu rất nhiều mê-tín khác, vì đám này mà phản thần thì rất nhiều, rất lôi thôi. Cái đuôi vô thần cũng tệ như cái đuôi giáo dân VN ta vậy.

b) Chính sách CHUNG sau một thời gian PHẢN THẦN TÍCH CỰC, là Xô-viết NGHỆ-TĨNH và phần nào là kỳ đầu tiếp thu (Có lý do của nó, tôi sẽ nói sau), ngày nay đi vào tự do tín ngưỡng và bảo vệ tự do tín ngưỡng. Anh biết tư-tưởng Dimitrov KHÔNG NÊN ĐẶT VẤN ĐỀ CUỐI CÙNG, chỉ đặt vấn đề trước mắt trong một tương lai gần nào đó. Tôi TÁN THÀNH chính sách hiện nay trên nguyên-tắc. Rất có thể làm việc tốt.

c) Tuy nhiên, như nói trên, có một trào lưu phản-thần tương đối mạnh. Lý do của nó là : THẦN của TÂY, thần ủng hộ thực dân, thần của Diệm, Thiệu, thần của phong kiến, thần ru ngủ, thần vong quốc, thần của tư bản đàn áp người nghèo, của phong kiến bóc lột dân đen, những hạng thần bắt xét đến cách mạng, đến giải-phóng đất nước, thần xa rời nhân dân đang anh dũng chống Mỹ tàn sát nhân dân, thần hững hờ với đau khổ của dân, thần ở ngoài cuộc đấu tranh của dân-tộc, thần không xét đến nỗ lực vô cùng của nhân dân thoát nghèo hèn lạc hậu tiến lên hiện đại, khoa học, XHCN. Có một trào lưu phản thần (những kỷ niệm đau đớn về cuộc chống Pháp trước đây còn, bốt, càn, đòn, nhiều người ngày nay trở giời còn đau trong thân xác vì đòn tù xưa, các nghĩa trang liệt-sĩ trắng xoá cánh đồng quê !) TUY CHÍNH SÁCH TỰ DO TÍN NGƯỠNG cố gắng làm dịu đi nhưng không thể hết. Sau tiếp thu đã không có TRẢ THÙ NHAU, đó là nhờ chính sách rất cao rất giỏi (hoà hợp, tha thứ, tội là của đế-quốc và tay sai...) Nhưng cái ấm ức vẫn còn vì liên tục nuôi dưỡng bởi 1) sự lợi dụng của đế quốc tay sai ở miền Nam và Giáo-hội ở miền Nam lại đâm đầu vào sự lợi dụng đó, ngu xuẩn vì phản Phúc âm .– 2) sự xa rời hiện nay của hàng giáo-phẩm miền Bắc với nỗ lực của toàn dân.

d) Hàng giáo-phẩm ta thì bị đầu độc bởi một thần học cổ xưa và bị tuyên truyền của địch trước để lại (thư chung 1951) (*) và học thuyết nói chung (tam vô) đồng thời bởi hành động cụ thể phản thần của những nguyên-tắc trừu tượng và ma-quỷ. ĐẰNG KHÁC, đã không phân biệt được chính sách Tự do tín ngưỡng, bảo vệ TDTN, với những sự việc ấy ở NGOÀI CHÍNH SÁCH, chính sách cũng chống lại mà không xuể. Giáo phẩm thì cho đấy cũng là chính sách, ít nhất là chính sách NGẦM.

đ) Vì nhận thấy thái độ ấy của hàng Giáo-phẩm, chính sách đã đáp lại bằng Uỷ ban Liên lạc Công giáo (UBLLCG). Anh có nói đến nhóm CHÍNH NGHĨA. Có nhẽ ở xa anh không nắm được tình hình. Thực tế không có nhóm Chính Nghĩa. Có UBLLCG ở trong Mặt trận Tổ quốc, một cơ sở của chính quyền. Anh nên nhớ điểm này và phải hiểu trong chế độ XHCN nó là gì. Anh đừng quên đây là XHCN, chuyên-chính vô-sản. Nhưng có lẽ anh không hiểu được. UBLLCG đã được thành lập trong khuôn khổ mặt trận để lãnh đạo người công giáo đi vào chính sách, đi vào XHCN. Giáo-phẩm rất sợ nó, vì nó là cơ sở CQ được chuyên chế vô sản giúp đỡ, bảo vệ và củng cố. Phải phân biệt hai giai đoạn và 2 mặt. Mặt mục đích, tôi tán thành. Tôi đã từng chủ trương làm như thế và xuýt thành công. Mặt thực tiễn, nó đã chống lại hàng giáo-phẩm, không như bên ấy, nhưng ở đây dựa vào chuyên chính vô sản. Giáo phẩm đã sợ một Giáo hội li khai và đã không tán thành. Hai giai đoạn đó xảy ra. Giai đoạn I, UBLLCG đã tự bảo vệ, phát động chống đối giáo-phẩm, làm nhiều việc xâm phạm vào nội bộ tổ chức GH, nên đã mất uy tín và mất quần chúng, mặc dầu được Nhà nước giúp đỡ rất nhiều, nó đã không thành công. (Thực ra, kỳ ấy là chiến dịch phá hoại, tình hình nghi ngờ chính trị và giáo-phẩm có nặng hơn). Hiện nay sang giai đoạn II, tôi thấy hay hơn và mừng thầm. Đó là UBLLCG (thông qua báo Chính Nghĩa) đi vào đường ôn hoà, đi vào tích cực xây dựng hơn, đặt ra vấn đề CANH TÂN GH. Tình hình hiện nay êm hơn và nhiều hi vọng. UBLLCG dù sao mang tiếng rồi và quần chúng không hưởng ứng lắm nữa. Họ muốn tiến hơn, cần nhiều thời gian nữa, do tinh thần ôn hoà mới đến róc khỏi cảm giác cũ. Nhưng họ khó thành công vì 2 lý do này : một là, như X nói, họ không có nhân tài, không hiểu thần học và kinh thánh, kiểu giáo-lý ĂN ĐONG, CÓC NHẨY, đọc được vài bài rồi dịch... thế thôi. Hai là tuy nhiên họ không vượt lên trên cái HẬM HỰC nhỏ nhoi, thành thử vẫn có cảm giác họ không xây dựng GH mà chỉ là phá. Hình như óc phản thần của họ còn lòi đuôi ra quá lộ-liễu, người ta có cảm giác đây là những người không công-giáo viết để cho phù-hợp chính sách, phục-vụ chính trị mà thôi. Đằng khác THỰC TẾ đời sống Đức tin họ sa-sút rồi, giáo dân không coi họ là người công giáo cho tương lai. Vì thế tôi rất ít HI VỌNG họ thành công. RẤT ÍT HI VỌNG. Tuy nhiên phải nói rằng họ là đám ĐỘC NHẤT tương đối nhiều và thành TÔ-CHỨC có một hướng canh tân GH. Rất tiếc là họ kém GIÁO-LÝ, kém SỐNG ĐẠO, kém khéo léo nên khó thành công. (Thực tế, nhiệt tình họ cũng kém. Được giúp như thế mà họ chỉ ngồi lỳ, tổ chức cách HÀNH CHÍNH SỰ-VỤ, không thấy máu hăng say hành động. Thật đáng buồn.)

e) Tình hình lẩn quẩn : giáo phẩm thì vin vào những cái ấy, không tin vào chính sách Tự do tín ngưỡng hẳn, chính quyền thì thấy thế cho rằng giáo phẩm không tin vào chế độ, càng nghi hơn, cái nghi này nuôi cái nghi kia, là NGUYÊN NHÂN LẪN LỘN, có THÁNH gỡ ! Đúng hiện nay là tình trạng NGHI do NGUYÊN NHÂN VÒNG TRÒN CẮN ĐUÔI NHAU, không đâu là đầu, không đâu là trước, xoắn tít vào, có thánh gỡ ! Dưới đây tôi sẽ nói, không phải vấn đề gỡ mà phải CHẶT MỚ BÒNG BONG ra, TIẾN LÊN MỘT BƯỚC KHÁC ! Tôi nghĩ cần phải nghiên cứu thực tế những vấn đề của Giáo hội Việt-nam. Tôi đang để tâm phân loại và viết một loạt về những vấn đề của GHVN. Tôi cho TRƯỚC HẾT (đối với ta, giáo-dân, giáo-phẩm) mà một vấn đề THẦN HỌC. Bao lâu bị cầm tù bởi thần học "đời là bể khổ, tình là dây oan" thì còn bất xét Đất nước, dân-tộc, lịch-sử, đời sống con người. Chỉ cần rỗi LINH-HỒN. Thế thì còn làm cái gì được. Một théologie des réalités terrestres – Thils, Melevez, Frank-Duquesne, Montuclard, Congar kể cả Charles Péguy là cần thiết : tôi chưa nói đến một théologie de la révolution – có thế mới quý đất nước VN, văn hoá VN, máu và mồ hôi VN, có thế mới đau xót với toàn dân và hăng cái hăng xây dựng và chiến đấu hiện tại. Có thế mới có một GHVN và HIỆN TẠI, như tôi chủ trương, 25 năm nay, như X còn nhớ. Rồi phải hiểu qui-luật sống của cuộc sống xã-hội, đại công nghiệp, tổ chức xã hội, cũng như những vấn đề đấu tranh chính trị : giá trị của cuộc sống trần gian, xác-thịt và QUI-LUẬT KHOA-HỌC của nó. Còn vấn đề các tôn-giáo khác, kể cả vô-thần, các lý-tưởng trong một quan-niệm về CÔNG GIÁO thực thụ, để có thái-độ cụ-thể trong cuộc sống cụ thể, xen vai sát cánh với nhau xây dựng và đấu tranh. Có một số vấn đề then chốt về thần học cần phải làm ngay. Không những phải trình bày cái hiện tại thần học, mà còn cần trình bày tại sao các ngài lại có cái thần học trong óc các ngài bây giờ, nó ở đâu ra, hình thành tại sao, và tại sao ngày nay khác đi, bởi cái nguyên nhân của óc các ngài (genèse), để thanh toán nó đi, giải thể nó đi và có thế các ngài mới thấy, mới chịu, mới thay, mới nhận cái mới. Tôi cho rằng không thể, như X nói, các ngài gạt tất bằng một câu : tư tưởng mới là LÁO, và dù có Vatican II, chỉ đến câu : đấy là cho Âu-châu là hết. Một nỗ lực thần học, về PHÍA TA, là TỐI CẦN THIẾT. (Anh bảo các lm THI và TỈNH biết thế) – Tôi cho rằng về phía Nhà Nước, một nỗ lực như thế, như anh nói, và tôi vẫn chủ trương như thế, ở miền Nam, công giáo đang chui đầu vào bẫy lợi dụng, ở miền Bắc thì thế ! Ta đòi hỏi Nhà Nước và Đảng CS phải tốt, phải công giáo hơn công giáo chăng ? Thế mới khó. Anh nói đúng. Chúng ta không khéo thì bị kẹt. Tôi hiện bị kẹt nhưng nhất quyết tìm cách khỏi bị kẹt. Làm không khéo thì giáo-phẩm nghi, giáo-dân cũng nghi và sẽ như UBLLCG, không thành công. Không làm được tới mức nào thì chính quyền còn nghin không thể giúp đỡ để tạo địa lợi để làm. Nghĩa là ngàn cái NGUY bị kẹt, và cái nguy là không làm được gì rồi QUI THIÊN HAI BÀN TAY TRẮNG, hay tệ hơn, lịch-sử tiến KHÔNG CÓ TA, đất nước đấu tranh xây dựng mà mình ở ngoài dìa, vô dụng.

Tôi đã ghi được một số suy nghĩ như sau :

a) Xét tình trạng hiện-thực ở đây, phải ở trong Giáo-hội mà làm là tốt nhất. Tôi không tán thành dù tạm thời ly khai hay có thái-độ chống đối. Tôi không nói về nguyên-tắc giáo-lý, tôi nói THỰC-TẾ sẽ không thành công.

b) Tôi không bảo rằng ly khai tạm thời hay chống đối là không có lợi gì. Có lợi phần nào. UBLLCG cũng đã có lợi, xét về mặt GH (về mặt Nhà Nước tôi sẽ nói sau) NHƯNG XÉT ĐẾN CÙNG LỢI KHÔNG BẰNG HẠI và cuối cùng không thành công. Chỉ có thể là một biện-chứng tạm thời, để có một số lợi cần-thiết một lúc nào đó. Vì thế nó có lý do tồn-tại của nó. Tôi công-nhận và vì thế đã đề nghị để nó nên thay đổi sau khi đã được một số việc. Nhưng đề nghị của tôi mới được chấp nhận nửa chừng.

c) Hiện nay tôi cho thực tế có ba "SÁCH" : làm thế nào để ổn định được UBLLCG giữa giáo-phẩm và Nhà nước, đó là thượng sách. UBLLCG cần đi vào chính quy hơn (lập trường thần học sâu hơn và khéo hơn). Các giám mục cần phân biệt hơn (như trên). Tôi mong có một số gm chính-thức nào ở bên ấy sang để giúp việc này đấy. Nhưng tôi hơi nghi vì khó có gm mục sang, gm ta có hiểu nổi không, UBLLCG có người có khả năng hơn không. Nhà Nước có đủ tin để cho gm sang không, sợ có gì phiền khác. Không được thế, cứ để UBLLCG thế, yêu cầu nó bớt chống-đối đi thôi (hiện nay là tạm được rồi) UBLLCG là cần cho Nhà Nước không những để đối ngoại (mình Thiệu có Công giáo ủng hộ thôi à ! cần nói lên, tiếp đón, đối với ngoài, UBLLCG cần), mà đối nội cũng cần (UBLLCG là thành phần Mặt Trận, cơ cấu chính quyền, ở trong chuyên chính vô sản với 2 ý nghĩa của nó : dẹp các mưu mô làm loạn, tích cực đưa công giáo vào chế-độ, tổ chức hành chính, sản xuất và chiến đấu). Bao lâu CQ chưa tin được GHVN miền Bắc TRUNG THÀNH với CQ thì còn cần UBLLCG, vấn đề CQ cách mạng là GỐC mọi vấn đề, X học Marx biết chứ gì. Vậy UBLLCG là cần, cứ để nó đấy. Nó không thành công về vấn đề tích cực xây dựng GH VN hiện tại, bị giáo-phẩm không tán thành, giáo dân nghi, thì TA LÀM MỘT PHONG-TRÀO CẠNH NÓ, SONG SONG, BIỆT LẬP nhưng hoà hợp. Pluralisme. Mình buồn cười thấy X nói : "Ta có thể chấp nhận pluralisme". Hiện nay ta muốn quá đi chứ, nhưng CQ không ưng thì có. Điều này chứng tỏ X chưa hiểu mấy về cụ thể ở đây... Lập trường của tôi – trừ cái ly khai tạm thời với GH – nói chung còn xa hơn X nhiều, gần Đảng và CPhủ hơn, thế mà vẫn chưa được chấp nhận đấy... Giả sử mình mà ở Pháp hay ở miền Nam thì sẽ được miền Bắc hoan nghênh ngay, nhưng mức độ cách mạng ở đây cao hơn nên mình mà cũng chưa đạt yêu cầu. Mình rất muốn một pluralisme, mình có một kế-hoạch khá hay làm một phòng trào khác xây dựng GHVN và Nhà Nước với sự giúp đỡ của CQ mình rất hi vọng làm được việc tích cực hiệu quả. Đây là TRUNG SÁCH. Còn Hạ Sách thì cứ cá nhân hoạt động đều, đào tạo một số nhân tố mới, ảnh hưởng đến các GM để dần dần các ngài hiểu, ảnh hưởng giáo dân tí một, từng nơi một... Thực ra X nhớ hiện nay mình đang bị buộc CƯ TRÚ, không được đi lại dễ dàng, muốn tham gia dạy mấy chủng-sinh (dạy để thành linh mục mới trong XHCN), thế mà có được đâu. Còn lôi thôi lắm. CỤ-THỂ PHỨC TẠP LẮM – Mình cố gắng, cố gắng trình bày, sống và chứng minh để đạt một "sách" nào. Thú thật với X, mệt lắm vì lắm lúc muốn bỏ chèo cho xuôi thuyền hay ít nhất bỏ neo wait and see. Thật cô độc và buồn đến ngấy, nát gan nát ruột mà không làm gì được.

NÓI CHUNG, cái khó là biết phải làm gì bây giờ – Bây giờ, bước đầu. Trong cái mớ bòng bong này, làm thế nào. Các GM ta, về hiểu biết, khả năng lãnh đạo, sáng tạo v.v... ta biết quá đi rồi. Âu cũng là kết quả của một thứ thần học cổ xưa. X có biết mình định làm trước đây một thèse về AUGUSTINISME POLITIQUE (Arguillière, Leclerc). Các GM ta là tinh thần Augustinisme politique như mọi người vi thiềng xui (évêque-...) christinianisme constantinien, médiéval, thêm vào lõi thực dân mua, phong kiến chuộc, Patronne des missions, Edit Gia Long... lạ gì khi MEP mất quyền thì cho người khác thay và OP (4) ở đây cũng thế. Lạ gì trong một hoàn cảnh ấy, phong trào yêu nước, rồi cách mạng, rồi CS, X bảo bầu không khí không dễ gỡ đâu. Chứ nói gì hiện nay Diệm rồi Thiệu với tất cả lợi dụng, nhân sĩ công giáo, lao công công giáo, Parrel Trần Quốc Bửu... Hàm, Lượng, Dung, vv... và vv... Làm gì đầu tiên bây giờ, để phá vòng lẩn quẩn. Làm gì, và làm thế nào sau khi có UBLLCG và tất cả cái lôi thôi từ 18 năm nay, kể cả sai lầm trong cải cách ruộng đất và rồi có TẢ KHUYNH lúc đến ở đây. (Về duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, lập trường của mình dẻo hơn X, không biết X nhận định nghiên cứu thế nào, mình thì chấp nhận đến Gần... HẾT. Đọc Marx kỹ sẽ thấy thôi, và nhất là có những giải thích và thực tiễn giải thích về sau của cả phong trào CS quốc tế). Mình xem lập trường của X cứng nhắc quá ! Giá X về đây được MỘT THỜI-GIAN sẽ hiểu rõ hơn. Thực tế, thực tế.)

Có cái hầu như chắc chắn, là lúc này, LÚC NÀY, nếu công giáo miền Bắc nhất tâm với XHCN, nhất tâm chống Mỹ cứu nước và xây dựng XHCN, nếu công khai và thành tâm thì chính sách sẽ để cho xây dựng một GH VN (tĩnh từ) trong lòng XHCN. Cơ hội đẹp quá mà không làm được. Có cái chắc chắn là AI bây giờ (như tôi) công khai tán thành và làm việc trong khuôn khổ trên, thì được giúp đỡ tốt. Nhưng (khổ thay) vì bầu không khí đã bị đầu độc rồi, nên giả sử như tôi công khai làm bất chợt sẽ bị giáo phẩm và giáo dân (kể cả giáo dân tự do, và sau lại do giáo phẩm thúc thêm) bóp bẹp (?) và hoá ra không tác dụng, không thành công. VÒNG lẩn quẩn lại xuất hiện đấy. Cho nên tôi rất bối rối Đang Tìm Cách Phá Vòng Lẩn Quẩn Ấy? Sẽ phải làm ti tí, thay đổi tí một, người ta sẽ chấp nhận được. Tí một thì không thấy, hay không phản ứng mạnh. Rồi cái "tí" ấy nó giáp thông cái "tí" sau. Boule de neige. Chứng minh bằng cách đi. Sẽ lâu, sẽ lâu quá mất ! Trời ơi, Thời Gian Không Ủng-hộ Chúng Ta.

Tôi đã mong có cách nhanh hơn, thí dụ từ trên, từ ngoài, thật không dính dáng (?) với quần chúng của XHCN cũng như của GH, nhưng GẤP quá rồi. Phải đốt lửa, bó củi nào cứ đốt vậy. X thấy cách tôi làm chưa. Để làm những việc này, về vấn đề Vatican tôi bất xét. Ai không biết cái mộng của Vatican muốn phục hồi lại một Petite Europe, một kiểu mới St Empire Romain Germanique, Adenauer, Schumann et Cie, Pacte Atlantique... Cái ấy là việc của Âu-châu, tuy không phải mình không liên quan, nhưng mình có việc khác cần hơn. X biết cái ước mơ biến Vatican ra khỏi chế độ một Nước, thành một thứ Etat supra national, để tránh cái mà X tránh. Đợi xem. Tuy nhiên, những việc gần đây làm tôi cũng khá hài lòng về Vatican. Giảm bớt cách "nhà vua" xưa, giản dị hoá... rồi quan hệ tới lui với các églises, các tôn giáo kể cả Hồi giáo, rồi quan hệ tốt hơn với giáo hội XHCN, vấn đề Casaroli Olzewski (Balan) ra sao ? cho Midzinsky về hưu... Gặp ông Xuân Thuỷ vv... Thế là khá rồi. Vả lại tôi bất xét cái politique Vatican ấy, tôi cứ làm việc tôi, không có thể ngáng trở, nếu mình cứ theo đường mình. Có cái là các GM ta "quên" mất quyền GM của mình đó thôi. Chả là chưa làm GM bao giờ mà ! Kế tục các tông đồ nhưng còn mình như trẻ con trước Vatican thì còn ra gì ! À ! Mình chưa biết Le Maire (5) làm khâm sứ đấy. Le Maire nào ? Hay là Le Maire MEP ? Thế thì bỏ mẹ ! Cho biết thêm. Cho biết thêm về lý-lịch Le Maire với. X nên nhớ ở đây mù tịt, cần cho biết rõ, bảo ông H. hộ như vậy, bên ấy cho biết gì thì biết rồi đoán thêm, thế thôi. Về Tỉnh, Thi (6), mình nghe biết qua loa. Một là hãy về đây làm việc, sẽ hiểu rõ hơn. Hai là không thể thì nên về một thời gian kha khá, đi nhiều nơi, nhìn nhiều, hỏi nhiều để biết vấn đề cụ thể ở đây. Có thế mới làm việc tốt được. Ngoài ra chỉ có thể có tác dụng tốt phần noà ở NGOÀI NƯỚC, đối ngoại, về chính trị, còn thì không ảnh hưởng gì hết bên trong, không khéo lại gây khó khăn thêm. Vì các GM lại cho là tếu, không thực tế, lại vin vào đấy bảo rằng những lập trường như của mình đây na ná là loăng quăng, các ngài nghi, chùn lại và khó làm. Tình hình phức tạp hơn các ngài bên ấy tưởng. Phải khéo. Tôi ít hi vọng được gặp khi Tỉnh hay Thi về vì còn đang bị buộc cư trú, sẽ không dễ gặp. Tuy nhiên còn tuỳ các ngài xếp sắp xem. Về sách vở gửi cho mình, khó nhận được đấy, nếu không có sự hỏi xem thể lệ trước. X thử cùng với Tỉnh Thi gặp hay liên hệ với cơ quan ta bên ấy, hỏi và ướm gửi xem có được phép không. Tôi nghĩ, anh em bên ấy cần làm một cái gì để CQ bên này thấy tác dụng thực tế, có lợi cho cách mạng, góp phần chống Mỹ cứu nước hay xây dựng XHCN. Có thế về sau mới dễ ăn nói. Phải thực tế, bên này đồng bào thắt lưng buộ bụng, nỗ lực phi thường, hãy góp phần thực tế mới được. Giáo dân Pháp ngoài về chính-trị có thể giúp chúng tôi gì nào ? Không lẽ để Thuỵ Điển, Na-uy hay Ý làm thôi. Communion des Saints đâu ! Hay chỉ ủng hộ Thiệu thôi ! Hay ủng hộ bằng cầu-nguyện cho miền Bắc thôi, giáo hội thầm lặng chăng ? Sau cuộc gặp Paul VI với ông Xuân Thuỷ còn gì nữa chứ, thế thôi à ?

Lần sau sẽ viết nữa, bận việc rồi. Rất mong được thư X. Thân ái. Phải làm một cái gì, đời chúng ta mua bằng một giá đắt quá, không thể để phí được. Mong rằng có thể giúp nhau, cùng làm gì có ích.

Tình ấy là đẹp nhất. IN Xto (7).

Xuân Hoà 25/02/74

PHẠM HÂN QUYNH






CHÚ THÍCH của Diễn Đàn.

(1) Giulio Girardi (1926-2012), nhà thần học Ý, giáo sư triết học Trường đại học Sassari, một trong những nhà lý luận của "thần học cách mạng".

(2) Claude Geffré (1926-2017), nhà thần học Pháp, dòng Đa Minh, chủ trương "thần học của sự đa nguyên tôn giáo". Từng làm viện trưởng Trường Đại học Đa Minh Saulchoir, giáo sư Institut Catholique de Paris.

(3) Pierre-André Liégé (1921-1979), nhà thần học Pháp, dòng Đa Minh, giáo sư Institut Catholique de Paris, được coi là "cha đẻ" của "thần học thực tiễn" của thế giới Công giáo Pháp ngữ .

(*) 1951, "chiến tranh lạnh" nóng hổi, Hội đồng giám mục Việt Nam, dưới sức ép của khâm mạng Toà thánh Dooley, công bố "Thư chung", lên án chủ nghĩa cộng sản và "treo chén" những linh mục tham gia kháng chiến. Về quan hệ giữa Giáo hội và ĐCS VN, xem thêm bài của Vũ Sinh Hiên, Thái độ của các giám mục Miền Bắc đối với cộng sản từ 1945 đến 1975.

(4) MEP (Missions Etrangères de Paris) : Dòng Thừa sai Paris ; OP (Ordre des Prédicateurs) : tên chính thức của dòng Đa Minh.

(5) Đúng ra là khâm mạng Henri Lemaitre. Nhóm linh mục và giáo dân tiến bộ ở miền Nam cho rằng chính Lemaitre đã xúi giục Giáo hoàng Paul VI và Vatican phong Gm Nguyễn Văn Thuận làm Phó tổng giám mục Sài Gòn với quyền kế vị, hai tuần trước ngày 30.4.1975. Họ đã biểu tình và đòi trục xuất Lemaitre.

(6) Linh mục Trần Tam Tỉnh (Giáo sư Trường đại học Laval, Québec) và Linh mục Nguyễn Đình Thi (Huynh đệ Việt Nam, Paris). 

(7) IN Xto : In Christo (Trong lòng chúa Ki-tô). 


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss