Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Một số suy nghĩ về con đường tiếp tục đổi mới của đất nước ta

Một số suy nghĩ về con đường tiếp tục đổi mới của đất nước ta

- Phan Đình Diệu — published 15/08/2004 00:00, cập nhật lần cuối 19/11/2006 06:07
L.T.S. Chúng tôi xin đăng dưới đây, sau khi xác kiểm, toàn văn bài viết mới đây của nhà toán học Phan Đình Diệu. Đây là bản "Đề cương phát biểu ý kiến theo yêu cầu của chương trình khoa học KX.10" do Ban tổ chức Trung ương (của Đảng cộng sản Việt Nam) chủ trì. Được biết tác giả đã phát biểu những ý kiến này trong một cuộc họp của chương trình này. Các vấn đề tác giả nêu lên đều là những vấn đề quan trọng, một số ý kiến cần được tranh luận.


Phan Đình Diệu

Theo yêu cầu của chủ nhiệm chương trình KX.10 về “ Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế ” trong thư đề ngày 18/8/2004, tôi sẽ xin trình bày một số ý kiến, suy nghĩ trên cơ sở tìm hiểu và nghiên cứu những phát triển gần đây về những tiến bộ trong khoa học, tư tưởng, trong nhận thức về kinh tế, xã hội… để nhìn nhận về sự nghiệp đổi mới của chúng ta hiện nay và những đòi hỏi tiếp tục đổi mới trong giai đoạn sắp tới.

Sau đây là đề cương tóm tắt của những ý kiến và đề xuất dự định được trình bày :

I. Sự cần thiết có một khung mẫu mới cho tư duy về vấn đề tiếp tục đổi mới

Từ đầu công cuộc đổi mới vào giữa thập niên 1980, ta đã nhận thức đúng đắn rằng yếu tố đầu tiên có ý nghĩa quyết định đối với đổi mới nói chung phải là đổi mới tư duy, và trên thực tế, một khung mẫu mới (1) về tư duy đã được hình thành, bao gồm việc phát triển một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, và xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, dưới sự lãnh đạo của toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với khung mẫu mới về tư duy đó, trong gần hai thập niên qua, đất nước ta đã vượt qua được tình trạng khủng hoảng toàn diện trong thời kỳ 1980-1990, từng bước phát triển kinh tế theo hướng thị trường với tốc độ tăng trưởng tương đối cao, giữ được môi trường chính trị xã hội ổn định cho sự phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện.

Hiện nay, trước các yêu cầu của cuộc sống, đòi hỏi phải tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa sự nghiệp đổi mới để đưa đất nước tiếp tục tiến lên, tôi nghĩ ta phải tập trung nghiên cứu hai loại vấn đề sau đây :

1. khung mẫu tư duy “ mới ” (mà nay đã trở thành cũ) được mô tả như trên đây đã có gì không còn thích hợp, thậm chí cản trở sự phát triển tiếp tục hiện nay, mà ta phải sửa đổi, từ bỏ hoặc thay thế ;

2. những phát triển gần đây về khoa học (tự nhiên và xã hội), về tư duy và nhận thức, cùng những chuyển biến to lớn trong đời sống kinh tế và xã hội của thế giới đã cung cấp cho chúng ta những hiểu biết mới gì có thể giúp chúng ta hình thành môt khung mẫu mới cho tư duy về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế ? Một khung mẫu mới cho tư duy phù hợp với tư duy khoa học hiện đại, với sự phát triển của thế giới hiện đại, cũng sẽ là thích hợp với yêu cầu tiếp tục phát triển của đất nước ta, nếu sớm được hình thành sẽ có tác động tiếp tục dẫn đường cho đất nước ta đi nhanh hơn theo hướng mục tiêu “ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ”, hội nhập vào cộng đồng quốc tế.

II. Những điều bất cập trong khung mẫu tư duy hiện nay

Trong những năm gần đây, yêu cầu khách quan của sự phát triển kinh tế xã hội đã biểu hiện ngày càng nhiều những xung đột với khung mẫu tư duy mà ta xác định từ đầu cho công cuộc đổi mới. Ta đã và đang giải quyết những xung đột đó một phần bằng sự nhượng bộ, đặc biệt về các chính sách kinh tế và hội nhập quốc tế, và một phần khác bằng những biện pháp cứng rắn, độc quyền trong những vấn đề chính trị, tư tưởng. Cả sự “ nhượng bộ ” nửa vời và sự cứng rắn độc quyền đều không thể tiếp tục tạo môi trường thuận lợi và ổn định cần thiết cho phát triển. Để đất nước được tiếp tục đổi mới và phát triển theo xu hướng hội nhập vào dòng biến chuyển hiện nay của thời đại, ta cần phân tích và nhìn rõ những điều bất cập trong khung mẫu tư duy hiện nay, mà cụ thể là :

1. Sự cố tình mập mờ trong cách hiểu khái niệm “ xã hội chủ nghĩa ” đã tạo nên nhiều lẫn lộn và không nhất quán trong các chủ trương và hành động thực tế. Nếu mục tiêu “ xã hội chủ nghĩa ” được hiểu là “ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ” thì hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển khách quan của đất nước ta, và cũng phù hợp với quan niệm chung trên thế giới về “ xã hội chủ nghĩa ” cho thế kỷ 21 với mục tiêu “ dân chủ, bình đẳng và đoàn kết ”. Nhưng nếu vẫn hiểu theo kiểu cũ, “ xã hội chủ nghĩa ” là một thể chế xã hội của chuyên chính vô sản, bảo đảm cho thắng lợi của giai cấp vô sản trong đấu tranh giai cấp, có một nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung dựa trên sự công hữu hoá (và tập thể hoá) tư liệu sản xuất, do một Đảng Cộng sản lãnh đạo với một ý thức hệ thống trị là chủ nghĩa Mác-Lênin,… thì toàn bộ sự phát triển của thế giới trong thế kỷ 20, và đặc biệt là sự sụp đổ của “ phe xã hội chủ nghĩa ” vào cuối thế kỷ đã chứng minh là cách hiểu đó về “ xã hội chủ nghĩa ” đã thực sự lỗi thời, không còn sức sống và thích hợp với yêu cầu phát triển hiện nay của cuộc sống nhân loại.

2. Về phát triển kinh tế, sự níu kéo giữa hai xu hướng – xu hướng hoàn thiện dần cơ chế thị trường theo thông lệ quốc tế để hội nhập và xu hướng bảo vệ cái gọi là “ định hướng xã hội chủ nghĩa ” – đang tiếp tục gây những cản trở và khó khăn cho việc phát triển và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, làm cho nền kinh tế của ta tuy đã có nhiều nét khởi sắc, nhưng vốn còn non yếu, sẽ càng dễ bị sụt giảm về chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, như kết quả của một cuộc điều tra quốc tế vừa qua đã chứng tỏ. Việc nền kinh tế nước ta chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường cũng tiếp tục gây trở ngại cho sự phát triển và hội nhập.

3. Về đời sống chính trị - xã hội, các quyền tự do dân chủ cơ bản của người dân vẫn chỉ được “ tôn trọng ” trên văn bản giấy tờ, chứ chưa được tôn trọng sự trên thực tế, quyền tự do ứng cử và bầu cử được thực hiện một cách hình thức, những điều này trong xã hội người dân không phải là không biết, chỉ có điều là do sợ mà chưa dám nói ra đó thôi. Cũng không phải ngẫu nhiên mà nước ta được xếp hạng gần chót bảng trên thế giới về tự do báo chí (61/68), và cũng ở loại kém về minh bạch (102/146), (tức tham nhũng nặng), theo kết quả điều tra của tổ chức Nhà báo không biên giới và tổ chức Minh bạch quốc tế, tôi nghĩ ta cũng cần chú ý đến những đánh giá đó để mà suy ngẫm nghiêm túc về chất lượng nền dân chủ của chúng ta. Ai cũng biết sự yếu kém về dân chủ đó là hệ quả tất yếu của chế độ một đảng độc quyền lãnh đạo (toàn diện và tuyệt đối) với sự thống trị chính thức của một ý thức hệ tư tưởng (chủ nghĩa Mác-Lênin). Nếu ta tiếp tục duy trì một thể chế chính trị như vậy thì vẫn sẽ không có tự do tư tưởng, tự do bày tỏ ý kiến và phê phán, do đó không thể phát huy tiềm năng trí tuệ của đất nước trong một giai đoạn mà ta thường nói trí tuệ là nguồn lực chủ yếu nhất của phát triển.

III. Những đề xuất chính cho một khung mẫu tư duy mới

Từ những nhận định nói trên, ta thấy rõ ràng cần điều chỉnh khung mẫu tư duy của chúng ta, hay đúng hơn, hình thành một khung mẫu tư duy mới cho việc tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới để đưa đất nước ta tiến nhanh hơn trên con đường “ dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ”, hội nhập với thế giới. Một khung mẫu tư duy như vậy được căn cứ vào một số nhận thức chủ yếu sau đây :

1. Không thể phát triển nền kinh tế thị trường một cách lành mạnh năng động, sáng tạo của nó, nếu bị đặt dưới sự chỉ đạo của một “ định hướng xã hội chủ nghĩa ”. Điều này, về lý luận đã được nhiều nhà kinh tế học lỗi lạc (như J. Kornai) phân tích một cách sâu sắc, và về thực tiễn đã được chứng minh bởi sự thất bại của Nga và nhiều nước xã hội chủ nghĩa trước đây như Hung, Ba Lan, Tiệp Khắc, những nước đã từng muốn phát triển một nền “ kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ” mà cuối cùng đều phải từ bỏ.

2. Một nền kinh tế thị trường không nhất thiết phải gắn liền với một chế độ tư bản chủ nghĩa. Các chế độ tư bản đã được thiết lập trên nền tảng của kinh tế thị trường. Nhưng nền kinh tế thị trường phát triển đến giai đoạn hiện đại, khi mà các yếu tố đổi mới công nghệ liên tục và hoạt động quản lý kinh doanh trở thành các yếu tố quyết định, thì như nhà kinh tế học J. Schumpeter đã chú ý từ giữa thế kỷ 20, kẻ đóng vai trò chủ yếu trong nền kinh tế thị trường hiện đại là tầng lớp doanh nhân, và các nhà doanh nghiệp không phải là một giai cấp theo nghĩa xã hội học. Vai trò đó của tầng lớp doanh nhân tiếp tục được khẳng định và củng cố trong giai đoạn hiện nay, khi mà đổi mới công nghệ và quản lý kinh doanh càng có ý nghĩa cưc kỳ quan trọng, khi mà nền kinh tế thị trường trên thế giới đang chuyển đến giai đoạn của nền kinh tế thông tin và tri thức toàn cầu hoá. J. Schumpeter phác hoạ doanh nhân là những người… có tầm nhìn, có năng lực nhìn nhận sự vật sao cho thực tiễn sẽ phải thừa nhận và xác đáng, có năng lực tác động lên người khác, là người sáng tạo không ngừng, có ước mơ và ý chí của kẻ quyết tâm chiến thắng. Tất nhiên, đó có thể chưa phải là phẩm chất của mọi doanh nhân cá thể, nhưng là những phẩm chất của người doanh nhân nói chung trong thời đại chúng ta. Điều này có thể khẳng định, nếu ta đối chiếu với hầu hết các doanh nhân thành đạt trên thế giới gần đây, kể cả nước ta. Tầng lớp doanh nhân không phải là một giai cấp, lại càng không phải là bộ phận của giai cấp tư sản, do đó cũng không gắn bó với một nền “ dân chủ ” tư sản nào đó, mà mong muốn có một nền dân chủ thực sự làm bà đỡ cho mọi tài năng đổi mới và sáng tạo.

3. Mô hình chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin mà ta thường gọi là “ chủ nghĩa xã hội khoa học ”, thực sự mang đậm dấu ấn “ tư duy khoa học ” trong thời đại thống trị của chủ nghĩa duy lý và cơ giới luận, phân tách thế giới thành hai mặt mâu thuẫn đối lập và xem sự phát triển phải là kết quả của cuộc đấu tranh “ ai thắng ai ” giữa hai mặt đối lập đó. Mô hình đó đã bị thực tiễn bác bỏ, tuy nhiên mục tiêu về chủ nghĩa xã hội “ tự do, công bằng, đoàn kết ” vẫn là một mơ ước của nhân loại. Một mô hình khác của chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa xã hội dân chủ, từng bị phê phán là tay sai của chủ nghĩa tư bản, kẻ phản bội bằng cách mạng vô sản, đã chứng tỏ là có sức sống hơn, và trong chừng mực nào đó đã thành công ở các nước Bắc Âu và có ảnh hưởng to lớn đến thế giới ngày nay. Ta thấy rõ ràng là các nước Phần Lan, Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch vẫn luôn đứng đầu về chất lượng sống, xã hội trong sạch, có tự do dân chủ nhất trong thế giới hiện đại. Bước sang thế kỷ 21, các lực lượng tiến bộ trên thế giới, tập hợp xung quanh Quốc tế xã hội, vẫn đang tiếp tục tìm con đường cho một chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21 với mục tiêu “ tự do, công bằng, đoàn kết ”, chắc chắn sẽ có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhân loại, rất đáng được chúng ta quan tâm.

4. Từ nửa sau của thế kỷ 20 đến nay, chúng ta đang được chứng kiến một cuộc cách mạng mới trong khoa học, đưa đến cho loài người một cách nhìn mới, một cách hiểu mới về nhiều vấn đề của tự nhiên, của sự sống, cũng như của sự phát triển kinh tế xã hội. Đối tượng nhận thức của chúng ta là những hệ thống vô cùng phức tạp, trước đây ta chỉ có thể tìm hiểu qua những mô hình đơn giản với một số ít quan hệ đã được quy giản cho thích hợp với tư duy cơ giới, nên chỉ mới hiểu được chúng một cách sơ lược. Ngày nay, với tư duy hệ thống và với nhiều phương pháp, công cụ của khoa học hiện đại, ta đã có thể nghiên cứu các đối tượng đó với những mô hình gần với thực tế hơn ; một trong những mô hình như vậy là các hệ thống thích nghi phức tạp, đó là những hệ thống gồm nhiều tác tử tương tác với nhau qua các quan hệ thường là phi tuyến, hình thành nên nhiều vòng phản hồi bên trong hệ thống cũng như với môi trường, có cả phản hồi âm và phản hồi dương, có tác động duy trì hoặc phá vỡ trật tự hiện có. Sự phát triển của hệ thống, tức là việc tăng trình độ tổ chức và trật tự của hệ thống, hình thành bởi một tiến trình tiến hoá tạo nên những thuộc tính hợp trội (emergent) được thực hiện bằng các cơ chế thích nghi qua các tương tác của hệ thống. Tiến hoá qua cơ chế thích nghi không chỉ biểu hiện bằng cạnh tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên, mà còn bằng hiệp tác và cùng phát triển. Chính cái đa dạng của tiến hoá này tạo nên sự phong phú và giàu có của cuộc sống. Các hệ thống kinh tế và xã hội là những hệ thích nghi phức tạp, trong các hệ thống đó, các yếu tố được coi là đối lập không chỉ có kiểu đấu tranh “ ai thắng ai ”, mà thông qua những tương tác có tính hợp trội còn có thể tìm được khả năng hiệp tác để đạt tới trạng thái “ thắng -thắng ”, tức là cả hai đều thắng. Hiện nay, ta đang cố gắng phát triển kinh tế thị trường, tôn vinh doanh nhân, “ xây dựng giai cấp công nhân ”, chắc không nhằm đi đến một cuộc đấu tranh giai cấp “ ai thắng ai ” trong tương lai, mà hy vọng trong tiến trình phát triển sẽ luôn tìm được khả năng hiệp tác “ thắng-thắng ”, vì lợi ích của mình và của đất nước.

Khoa học hệ thống đang còn phát triển. Và ta hy vọng là những thành tựu tương lai đầy hứa hẹn của nó sẽ giúp ta hiểu thấu đáo hơn các vấn đề phát triển kinh tế xã hội mà chúng ta quan tâm.

IV. Suy nghĩ về con đường tiếp tục đổi mới của nước ta

Từ những nhận thức và suy nghĩ như được trình bày trên đây, tôi xin mạnh dạn đề xuất của vài biện pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp đổi mới đã đi được một chặng đường dài của đất nước ta.

1. Phát triển đầy đủ kinh tế thị trường và hoàn thiện cơ chế thị trường theo thông lệ quốc tế cho nền kinh tế nước ta. Có lẽ ở đây điều mấu chốt chỉ còn ở một số vấn đề như thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân và thực hiện quyền bình đẳng kinh doanh của mọi doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, xoá bỏ các đặc quyền (phi lý) của các doanh nghiệp Nhà nước, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao và tri thức, hoàn chỉnh sớm hệ thống luật pháp về kinh tế theo chuẩn mực của kinh tế thị trường. Có các giải pháp minh bạch hoá và chống tham nhũng cùng các tiêu cực khác.

2. Xây dựng Nhà nước pháp quyền và xã hội dân chủ. Trong nhiều năm qua ta đã xây dựng được một hệ thống luật pháp khá đầy đủ về tổ chức Nhà nước, về các luật dân sự và hình sự. Vấn đề quan trọng nhất ở đây là thật sự tôn trọng các quyền tự do dân chủ mà Hiến pháp và pháp luật đã quy định, đặc biệt là các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí, tự do lập hội, tự do ứng cử và bầu cử, là những quyền dân sự rất nhậy cảm, thước đo dễ nhận thấy của một xã hội dân chủ. Nếu các quyền này được thật sự tôn trọng, và một xã hội dân sự được phát triển, thì tôi tin rằng xu hướng đồng thuận xã hội sẽ được xác lập và tăng cường, đời sống văn hoá tinh thần của đất nước ta sẽ được đơm hoa kết quả, góp phần không nhỏ vào cuộc sống văn minh của đất nước. Như vậy, về bản chất, Nhà nước ta sẽ trở thành một Nhà nước xã hội chủ nghĩa dân chủ.

3. Còn một vấn đề khó nói nhất là về vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong gần hai thập niên qua, ở cương vị lãnh đạo, Đảng ta đã giữ được cho đất nước ổn định để thực hiện giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới. Đến nay, sự nghiệp đổi mới đòi hỏi những nội dung mới và chất lượng mới, để tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo của mình thì bản thân Đảng phải có những đổi mới cơ bản, rõ ràng lý luận về chủ nghĩa cộng sản và về chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác-Lênin không còn thích hợp với đòi hỏi mới của cuộc sống nữa. Nhiều Đảng cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ và ở nhiều nước khác trong thời gian qua đã chuyển thành các Đảng xã hội dân chủ, và sau một thời gian “ khủng hoảng ” đã trở lại là một lực lượng chính trị quan trọng trong sự phát triển mới. Tôi hy vọng là Đảng sẽ tự biến đổi thành một Đảng xã hội dân chủ để lãnh đạo nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa dân chủ, như vậy thì cả vấn đề giữ quyền lãnh đạo cho Đảng và tạo ra một nền dân chủ của xã hội đều được giải quyết một cách trọn vẹn, và do đó, nước ta sẽ sớm thực hiện được mục tiêu “ dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ”, hội nhập vào quốc tế. Nếu không được như vậy, tức là Đảng vẫn kiên giữ nguyên như hiện nay, thì vì quyền lợi của dân tộc, Đảng phải tôn trọng quyền dân chủ, kể cả quyền lập đảng, của xã hội, và ta sẽ có một chế độ đa đảng hoạt động trong phạm vi luật pháp.

Trước sau gì thì một nền dân chủ cũng phải là đa nguyên thôi, vì đa nguyên luôn luôn là điều kiện cần của dân chủ, đó là điều mà cả về lý luận lẫn thực tiễn ta không có cách gì có thể bác bỏ được.

Phan Đình Diệu



(1) Ở đây, xin tạm dùng thuật ngữ « khung mẫu » để dịch tiếng Anh « paradigm », và do đó, « khung mẫu tư duy » là tương ứng với « paradigm of thinking ».

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss