Một lộ trình cho dân chủ hóa
MỘT LỘ TRÌNH CHO DÂN CHỦ HOÁ
yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay
Phan Đình Diệu
Kínhthưa các vị đại biểu,
Tôi đã được đọc bản Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trung ương Đảng khoá IX trình Đại hội lần thứ X sắp tới của Đảng Cộng sản Việt nam, và hôm nay hân hạnh được tham gia góp ý kiến vào bản Dự thảo đó. Tôi chỉ xin góp một ý kiến về vấn đề dân chủ hoá mà tôi hiểu là một vấn đề trọng tâm có ý nghĩa cấp thiết đối với sự tiếp tục phát triển đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Đến năm nay, sự nghiệp “đổi mới“ của đất nước ta đã đi được một chặng đường 20 năm. Nếu ta hiểu mục tiêu của “đổi mới“ là chuyển hướng đất nước theo con đường chung của thời đại, con đường thị trường và dân chủ, thì có thể nói trong 20 năm qua, ta đã thực hiện được về cơ bản vế thứ nhất của mục tiêu đó, dù còn nhiều điều phải được tiếp tục hoàn thiện nhưng nền kinh tế nước ta đã được cải cách để bước theo con đường thị trường, khó mà lùi được nữa. Và khi vế thứ nhất về căn bản đã được thực hiện, thì yêu cầu thực hiện vế thứ hai lập tức trở thành cấp thiết, không có cách gì có thể trì hoãn được. Để hoàn thiện nền kinh tế thị trường phù hợp với các đòi hỏi hội nhập “toàn cầu hoá“ đang đặt ra một cách gay gắt, xã hội ta cần được dân chủ hoá; để khắc phục các yếu kém do các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí gây nên, cũng không thể có cách nào có hiệu quả hơn là phải thực hiện dân chủ hoá, v.v...; tất nhiên ta không ảo tưởng xem rằng hễ có dân chủ thì lập tức mọi yếu kém sẽ được khắc phục, mọi điều kiện cho phát triển sẽ được thiết lập ngay, nhưng dân chủ là điều kiện cần phải có để khắc phục được triệt để các yếu kém, tạo môi trường cho việc phát huy mọi năng lực góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của nước ta hiện nay.
Cũng có thể có người phản bác rằng nước ta đã là một nước dân chủ, đòi hỏi dân chủ hoá là một đòi hỏi không cần thiết và phi thực tế. Ta biết rằng ngày nay, thị trường và dân chủ đã là “xa lộ“ chung của hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, ta đã được thừa nhận là có kinh tế thị trường thật hay chưa không phải tự ta quyết định là được (điều này thì ta đã có kinh nghiệm), và cũng vậy, để được công nhận là có dân chủ ta cũng phải tuân theo một số tiêu chí phổ biến chứ không thể tự mình khẳng định là được. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cũng đã đến lúc ta cần phải thật sự nghiêm túc đánh giá lại trình độ dân chủ của đất nước ta, và hoạch định một lộ trình cho đất nước hướng tới một nền dân chủ theo các tiêu chuẩn chung của thời đại. Hai năm trước đây, được mời tham gia ý kiến vào việc chuẩn bị Đại hội, tôi đã vui mừng thấy trong bản gợi ý góp ý kiến, vấn đề này đã được coi là một vấn đề chủ chốt, nhưng căn cứ vào bản Dự thảo Báo cáo được đưa ra để góp ý kiến lần này, tôi không còn thấy bóng dáng vấn đề này nữa, thậm chí từ dân chủ không còn xuất hiện lần nào trong mục tiêu và phương hướng tổng quát của 5 năm 2006-2010 của bản Dự thảo đó.
Kể từ ngày thực hiện chính sách Đổi mới, ta đã có những điều chỉnh quan trọng về chế độ kinh tế, nhưng gần như chưa có điều chỉnh nào có ý nghĩa về chế độ chính trị. Chế độ chính trị của nước ta, theo qui định của Hiến pháp năm 1992, vẫn là một chế độ chuyên chính vô sản cực đoan, do một Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối đối với Nhà nước và xã hội (điều 4 của Hiến pháp 1992), các quyền tự do dân chủ cơ bản của công dân như các quyền tự do ứng cử và bầu cử, tự do kinh doanh, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội,... đều bị hạn chế theo cùng một công thức là chỉ được phép “theo qui định của pháp luật“ (các điều 54,57,69 của Hiến pháp 1992). Tôi lấy làm lạ là không hiểu tại sao trong Hiến pháp, văn bản pháp qui cao nhất, lại có lắm điều qui định cho phép pháp luật, tức các văn bản pháp qui cấp thấp hơn, quyền tùy tiện cắt xén sửa đổi để làm mất tính hiệu quả của các qui định của chính mình?! Một bản Hiến pháp vừa khẳng định một cách độc đoán quyền chuyên chính duy nhất của một Đảng chính trị, vừa mập mờ đưa ra một số quyền tự do cho công dân với khả năng bị cắt xén một cách tùy tiện như vậy không thể được xem là một Hiến pháp nghiêm túc của một chế độ xã hội dân chủ được! Nếu so với bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 thì ta thấy Hiến pháp 1946 được viết rõ ràng, dứt khoát và nghiêm túc hơn nhiều.
Ngày nay, sau nhiều biến động có ý nghĩa lịch sử trong mấy thập niên vừa qua, ta phải thừa nhận rằng mô hình “chủ nghĩa xã hội’’ với một nhà nước chuyên chính vô sản là không còn thích hợp với yêu cầu phát triển dân chủ của thời đại nữa. Ở nước ta, sau một thời gian thực hiện đổi mới về kinh tế, các yêu cầu đổi mới chính trị hiện nay đã trở thành cấp thiết. Để đáp ứng các yêu cầu đó, và cũng để khắc phục các khiếm khuyết trong các qui định cũ, thiết tưởng cũng đã đến lúc ta phải quan tâm đến việc cải cách và hoàn thiện một thể chế chính trị tiến bộ và dân chủ cho xã hội nước ta. Và ta mong muốn là quá trình cải cách và hoàn thiện đó sẽ được thực hiện trong không khí đồng thuận dân tộc, tinh thần hợp tác và sự tham gia tích cực của mọi thành phần xã hội. Một quá trình như vậy chỉ có thể xẩy ra với điều kiện là Đảng Cộng sản Việt nam, hiện đang là lực lượng chính trị lãnh đạo duy nhất của đất nước, đặt lợi ích dân tộc lên trên mọi lợi ích khác, đứng ra đề xuất và chủ động thực hiện những bước đầu tiên. Chính vì vậy mà tôi hằng hy vọng là tại Đại hội X lần này của Đảng, trong chương trình nghị sự sẽ có thời gian bàn về vấn đề: MỘT LỘ TRÌNH CHO DÂN CHỦ HÓA- Yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Một lộ trình như vậy phải được bắt đầu từ nhận thức sự cần thiết của dân chủ hóa trong bản thân Đảng, và có thể bao gồm các bước sau đây:
1. Một đợt sinh hoạt chính trị trong Đảng, giữa Đảng và các thành phần xã hội khác, về vấn đề dân chủ hóa trong nước ta ở giai đoạn phát triển hiện nay. Nội dung là thảo luận để đi đến lẽ đồng thuận chung là: Xây dựng một xã hội dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp, có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, con người được giải phóng khỏi áp bức bất công, có cuộc sống ấm no tự do hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt nam bình đẳng, đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền dân chủ của dân, do dân, vì dân; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.(đoạn này trích gần như nguyên văn định nghĩa về xã hội xã hôi chủ nghĩa trong Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng).
2. Thực hiện thực sự các quyền tự do dân chủ trong xã hội, như các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do ứng cử và bầu cử,...(theo Hiến pháp mà không có hạn chế nào "theo qui định của pháp luật").
3. Cải cách tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt nam, từ một tổ chức tập hợp và vận động quần chúng của Đảng như hiện nay, thật sự trở thành Liên minh chính trị của các tổ chức chính trị, các đảng phái, các tổ chức và cá nhân tiêu biểu với chính kiến có thể khác nhau,... . Khác với MTTQ hiện nay, MTTQ mới sẽ là một tổ chức hiệp thương chính trị của mọi lực lượng chính trị trong xã hội ta, chỉ với điều kiện là tán thành lẽ đồng thuận chung nói trong điều 1. Mặt trận sẽ là nơi thảo luận và dàn xếp mọi mâu thuẫn chính trị có thể nẩy sinh giữa các tổ chức khác nhau thông qua hiệp thương trên tinh thần bình đẳng và đoàn kết. Trong thời gian thực hiện Lộ trình dân chủ hoá, Mặt trận có thể là diễn đàn của các cuộc thảo luận, hiệp thương chính trị để dàn xếp các bất đồng, tìm kiếm các đồng thuận mới, chuẩn bị cho cuộc bầu cử nói trong điều 5.
4. Trong phạm vi quyền hạn của Quốc hội hiện nay, với tư duy đổi mới của các đại biểu, tiến hành một số cải cách cần thiết trong Hiến pháp và các luật liên quan đến quyền dân chủ của nhân dân, đặc biệt là về quyền ứng cử và bầu cử, và qui định các cơ cấu quyền lực mới lãnh đạo đất nước.
5. Thực hiện cuộc bầu cử thật sự tự do và dân chủ để bầu ra Quốc hội mới và các cơ cấu quyền lực mới. Quốc hội mới sẽ soạn thảo Hiến pháp mới cho một chế độ dân chủ mới.
Lộ trình gồm các bước như trình bày trên đây chỉ mới là trên những nét sơ lược, cần được nghiên cứu đề xuất một cách chi tiết và đầy đủ hơn, tôi chỉ mong muốn có một Lộ trình tiến đến dân chủ hóa có thể được nhiều người đồng tình, đáp ứng lợi ích của đất nước và không gây thiệt thòi cho ai cả. Thực hiện một lộ trình dân chủ hóa như vậy chắc chắn sẽ đưa nước ta đến một chế độ dân chủ đa nguyên, nhưng có trở thành đa đảng ngay hay không thì còn phụ thuộc vào việc sớm có các đảng chính trị khác cũng tôn trọng dân chủ và lẽ đồng thuận chung để cùng góp phần xây dựng đất nước hay không. Chế độ mới sẽ là một chế độ dân chủ (cũng có thể gọi là chủ nghĩa xã hội dân chủ) chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, nhưng tuyệt đối không chấp nhận đối kháng và bạo lực trong đời sống chính trị của đất nước.
Còn một vấn đề cốt tử là những kiến nghị này có được Đảng cầm quyền hiện nay xem xét đến và đồng tình hay không ? Tôi không biết, nhưng tôi hy vọng. Đã có không ít tấm gương của các Đảng Cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ, qua những biến động của những thập niên vừa qua, đã tự cải cách theo con đường chủ nghĩa xã hội dân chủ, và đã giữ được uy tín trong nhân dân, thậm chí được tín nhiệm cao trong các cuộc bầu cử để giữ vai trò lãnh đạo trong nhiều nhiệm kỳ đó sao? Đối với một đảng chính trị, quyền lực lãnh đạo do mình độc chiếm một cách chuyên chế quí hơn hay do chiếm được bằng sự tín nhiệm thật sự của nhân dân qua các cuộc bầu cử công bằng là quí hơn? Tôi hoàn toàn tin tưởng, và cũng rất vui mừng hy vọng là Đảng Cộng sản Việt nam, đảng đã lãnh đạo thành công sự nghiệp giải phóng dân tộc, và đang lãnh đạo sự nghiệp đổi mới hiện nay, nếu tự cải cách để mở đường cho dân tộc đi vào con đường dân chủ hóa, thì chắc chắn sẽ được sự tín nhiệm cao của dân tộc trong mọi cuộc bầu cử dân chủ, công khai và bình đẳng.
Cầu chúc cho một tổ quốc Việt nam dân chủ và phát triển!
Phan Đình Diệu
Các thao tác trên Tài liệu