Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Một Vài Kí Vãng về Hội Nghị Đà Lạt (1/5)

Một Vài Kí Vãng về Hội Nghị Đà Lạt (1/5)

- Hoàng Xuân Hãn — published 09/03/2008 04:00, cập nhật lần cuối 09/03/2008 23:07
Trong những quyển sổ tay của tôi, tôi còn thấy ghi lại một số sự kiện, riêng, chung về hành trình đi dự hội nghị này. Tôi cũng sẽ kể một vài mẩu chuyện và một vài đại ý về việc này, để độc giả ngày nay và ngày sau còn cảm thông vời những người đương sự trong giai đoạn cực kì gian nan cho vận mệnh nước nhà trong buổi tái sinh của dân Việt.


MỘT VÀI KÍ VÃNG VỀ HỘI NGHỊ ĐÀ LẠT(1/5)



Hoàng Xuân Hãn



Đêm mồng 9 tháng 3 năm 1945, chế độ thuộc địa Pháp bị hủy. Ngày 15 tháng 8, đế quốc quân phiệt Nhật đầu hàng. Từ khi chính quyền thực dân tan, dân Việt thấy rằng tương lai mình sẽ do các cường quốc chiến thắng đã đành, nhưng nhất là do thái độ và năng lực của mình trước. Vì vậy, tuy trong nội bộ có chính biến, nhưng quốc dân đều một lòng siết chặt chung quanh những kẻ cầm quyền, để đợi những biến cố tày trời sắp giồn giập tới.

Tuy chính quyền Pháp-mới loan báo sắp phái tướng Leclerc sang tái phục và đô đốc D’Argenlieu sang quản trị Đông Dương, nhưng dân Việt vẫn mong rằng Mĩ và Trung sẽ cản chế độ thực dân tái lập. Phải đợi đến sau ngày 12 tháng 9, quân Anh vũ trang người Pháp ở Sài Gòn, rồi sau ngày 21, tàu Anh chở quân viễn chinh Pháp đổ bộ lên đất Nam Bộ, thì dân Việt mới thấy cái họa mất nước lần thứ hai. Ngoài ra, một số người vong bản hoặc bị phỉnh phờ theo hùa lập ra nước Nam Kì tự trị, nhân dân đã quyết chống nạn ngoại xâm, tuy trong nội bộ có sự đảng tranh, nó đã đem lại nhiều thảm kịch tai hại. Ngày 19 tháng 11, mặt trận Việt Minh, đảng Quốc Dân và nhóm Đồng Minh cam kết liên hiệp để đối phó với thời cơ.

Trong khi ấy, quân đội viễn chinh và chính phủ Pháp đã thi hành những giai đoạn từng thấy hơn sáu mươi năm về trước để chiếm đoạt toàn lãnh thổ Việt Nam: chiếm Nam phần, dỗ Miên, Lào, điều đình với Trung Quốc để tìm cớ đem quân ra Bắc. Ngày 28 tháng 2 năm 1946, thỏa hiệp Trung-Pháp được kí, nhận quân đội Pháp ra Bắc thế quân đội Trung, đặt Hải Phòng làm hải cảng tự do cho hàng hóa Trung Quốc. Bấy giờ những hiện tượng Jean Dupuis, Francis Garnier ngày xưa lù lù tái hiện. Không đủ vũ lực chống lại, kẻ cầm quyền chỉ có cách điều đình. Với sự đoàn kết tất cả nhân dân thì may gì sẽ giữ được những điều kiện tối thiểu của một nước.

Sau khi Nhật hoàng chịu đầu hàng, quốc trưởng Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim đánh điện tín cho các quốc trưởng bốn nước có thể liên quan với vận mệnh Việt Nam, bày tỏ thái độ toàn quốc sẽ cương quyết chống thực dân Pháp trở lại chinh phục nước mình. Tuy lời kêu gọi ấy không có một tiếng trổi nào, nhưng muốn tỏ sự toàn dân đoàn kết, chính phủ đã mời cựu hoàng ra Hà Nội làm cố vấn, rồi lại để đi sang Trung Quốc. Cũng vì lẽ ấy, ngày mồng 6 tháng giêng (1946), toàn dân bầu cử quốc hội, có dành 70 ghế cho các nhóm Quốc dân và Đồng minh. Ngày mồng 2 tháng 3, họp hội nghị toàn quốc, và ngày hôm sau thành lập chính phủ chính thức "Đoàn kết kháng chiến" có Hồ Chí Minh chủ tịch, Nguyễn Hải Thần phó chủ tịch, Huỳnh Thúc Kháng bộ trưởng Nội vụ, Nguyễn Tường Tam bộ trưởng bộ Ngoại giao, và Phan Anh bộ trưởng bộ Quốc phòng. Tuy thực lực vũ trang phần lớn trong tay quân trưởng Võ Nguyên Giáp, nhưng sự thành lập một chính phủ dung hòa mọi xu hướng chính trị đã tăng uy thế của vị chủ tịch đang điều đình rất gắt gao với phái viên Pháp là Sainteny. Chủ soái quân đội viễn chinh Pháp, tướng Leclerc muốn đổ bộ gấp rút lên đất Bắc, đã ép chính nhân Pháp phải nhận phần tối thiểu: tên nước Việt Nam và phẩm giá tự do.

Ngày mồng 6 tháng 3, Hồ Chí Minh và Sainteny kí một hiệp ước giữa Việt Nam và Pháp, mang xưng hiệu Hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3. Hai bên giao hẹn rằng:

"1- Chính phủ Pháp nhìn nhận nước Cộng hòa Việt Nam là một nước tự do có chính phủ riêng, có quốc hội riêng, có quân đội riêng và có tài chánh riêng, nhập phần Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp. Về điều thống nhất ba " kỳ", thì chính phủ Pháp cam đoan sẽ chấp nhận sự quyết định của những dân tộc sẽ được trưng cầu ý kiến.

2.- Chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng đón một cách thân thiện quân đội Pháp, khi, theo đúng những liên hiệp quốc tế, quân đội này thay thế quân đội Trung Hoa. Một khế ước phụ tiếp vào Hiệp định sơ bộ này sẽ định những cách thức theo đó những tác động thay thế sẽ cử hành.

3.- Những điều khoản đề xuất trên đây sẽ được thi hành lập tức. Liền sau khi trao đổi chữ kí, mỗi bên giao kết sẽ thi thố những sự cần thiết để ngừng chiến lập tức, để cầm bộ đội mình đóng tại chỗ hiện có, để gây nên bầu không khí thuận lợi, cần thiết cho sự mở lập tức những cuộc đàm phán thân thiện và chân thành. Những cuộc đàm phán ấy hướng nhất về:

a) Những liên lạc ngoại giao giữa Việt Nam và các nước ngoài,

b) Điều lệ tương lai của Liên bang Đông Dương,

c) Quyền lợi kinh tế và văn hóa Pháp tại Việt Nam.

Hà Nội, hoặc Sài Gòn, hoặc Paris có thể được chọn làm nơi trụ sở cho cuộc đàm phán."

Khế ước phụ

"Giữa hai bên kí kết đã chỉ định trong Hiệp ước sơ bộ, đã giao hẹn những điều sau:

1.- Binh lực thay thế sẽ gồm:

a. Một vạn người Việt Nam, với cán bộ Việt Nam, dưới quyền những binh quyền Việt Nam.

b. Mười lăm nghìn người Pháp, kể cả binh lực Pháp hiện ở trên lãnh thổ Việt Nam ở phía bắc vĩ tuyến 16. Những phần tử ấy phải chỉ gồm người Pháp gốc chính quốc, trừ ra những bộ đội canh giữ tù binh Nhật.

"Toàn bộ các binh lực ấy sẽ đặt dưới Tối cao chỉ huy Pháp có đại biểu Việt Nam hỗ trợ. Sự tiến, sự đóng và sự dùng những binh lực ấy sẽ định trong một cuộc đàm phán tham mưu giữa những đại diện chỉ huy Pháp và Việt Nam; cuộc đàm phán ấy sẽ nhóm lập tức sau khi có những đơn vị quân Pháp đổ bộ.
"Những uỷ ban hỗn hợp sẽ được đặt ra tại các cấp để bảo nhậm, với tinh thần hợp tác thân thiện, sự liên lạc giữa quân đội Pháp và quân đội Việt Nam.

2.- Những phần tử binh lực thay thế Pháp sẽ chia làm ba hạng:

a) Những đơn vị có trách nhiệm bảo đảm sự canh giữ tù binh Nhật Bản. Những đơn vị này sẽ được hồi hương liền sau khi nhiệm vụ không còn có lí do, vì tù binh Nhật đã được thải đi; trong mọi trường hợp phải rút sau không quá mười tháng.

b) Những đơn vị có trách nhiệm bảo đảm, với hợp tác của quân đội Việt Nam, giữ gìn trật tự và an toàn lãnh thổ Việt Nam. Những đơn vị này sẽ được thay thế, mỗi năm một phần năm, bởi binh đội Việt Nam. Vậy sự thay thế ấy sẽ hoàn thành trong thời hạn năm năm.

c) Những đơn vị có trách nhiệm phòng thủ các căn cứ hải quân và không quân. Thời hạn và nhiệm vụ giao cho các đơn vị ấy sẽ định trong các cuộc đàm phán sau.

3.- Trong những địa điểm có quân đội Pháp và Việt Nam đóng đồn, những khu đóng trại có giới hạn rõ ràng sẽ chỉ định dành cho các quân đội ấy.

4.- Chính phủ Pháp cam đoan không dùng tù binh Nhật Bản về việc binh.

Làm tại Hà Nội ngày mồng 6 tháng 3 năm 1946


Kí: SAINTENY

Kí: HỒ CHÍ MINH

VŨ HỒNG KHANH

Lấy tình cảm mà phán, hầu hết quốc dân đều thất vọng vì hai ước nguyện độc lậpthống nhất có một thời gian tưởng đã đạt, nay bị tiêu tan. Nhưng những nhà đương sự phải đối phó với thật tế; mà thật tế là trong khi điều đình, chính phủ Trung Quốc đã cho phép quân Pháp năm trước chạy sang Vân Nam khi quân Nhật tấn công, được vũ trang trở lại chiếm vùng Tây Bắc; và sáng ngày mồng 6 tháng 3, các tàu chở quân đội Pháp đã vào Cửa Cấm và vừa đối pháo với một tiểu đội Trung quân, trái với sự thỏa thuận của tướng Leclerc để quân Pháp đổ bộ lên Hải Phòng. Trước thái độ hững hờ của các cường quốc, biết binh lực mình còn non nớt không thể công nhiên đương đầu với cơ khí của Anh, Mĩ mà quân Pháp được trang bị, chính phủ Liên hiệp Kháng chiến chỉ có hai đường: một là chống lại bằng vũ lực nhưng rồi phải bỏ các đô thị để kháng chiến một cách anh dũng nhưng tối tăm như các tiền bối Trương Định, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám; hai là chịu lép đương thời để được Pháp công nhận là có nước Việt Nam rồi tựa vào dư luận dân Pháp và dân hoàn cầu và nhất là vào sự đồng tâm kiên quyết không chịu nô lệ của quốc dân, để tái lập dần dần sự hoàn toàn độc lập.

Thật ra bấy giờ còn có một con đường thứ ba là lợi dụng sự hiện có mặt của quân đội Trung Quốc mà chống quân Pháp đổ bộ. Đó là một kế mà một phần tử tướng và chính khách Trung Hoa xui ngầm một số người Việt Nam yêu nước. Nguyên là, hơn 60 năm về trước, Pháp đã lấy vũ lực ép triều nhà Thanh phải để Pháp làm chủ trên đất Việt Nam. Nay Trung Quốc có thể giành lại thế lực ở đây với Pháp. Chính vì vậy tướng Trương Phát Khuê trấn thủ Quảng Tây đã che chở những chí sĩ Việt lưu ngụ ở đó và đã giúp lập nên những nghĩa hội để khôi phục Việt Nam. Trong hồi đại chiến ở châu Âu còn nồng, tổng thống Mỹ, F. Roosevelt hình như đã tán thành ý ấy, nhưng bấy giờ, năm 1946, Mĩ phải gờm thế lực Nga bành trướng Đông Âu, sợ cách mạng cộng sản ở Pháp, sợ quân Trung cộng thắng quân Quốc dân ở Mãn Châu. Vì vậy, Mĩ nuông chiều Pháp, và ép các sư đoàn tinh nhuệ nhất Trung quân đang đóng ở Việt Nam phải trở lên miền bắc Bắc Kinh. Chung qui cho những sự họ xui ngầm, hay là quấy rối Pháp ở Việt Nam chỉ có kết quả là tăng cái giá mà ngoại giao khôn khéo của Pháp (tuy dân chúng nghèo nàn vì bị chiếm đóng, nhưng tư bản vẫn giàu) phải trả trong khi mà cả để quân đội Trung Hoa chịu rút về. Giá bằng vàng nén, theo tướng Salan, nhân viên Pháp quan trọng trong mọi việc điều đình (Mémoires 1 trang 355).

Chắc rằng những lãnh tụ Việt Nam "thân Hoa" đã cân nhắc lợi hại con đường này, cho nên vẫn ủng hộ chính phủ "Liên hiệp Kháng chiến". Nhưng phần lớn người đồng chí không tán thành. Đó là nguồn gốc sự nồi da xáo thịt sau này sẽ diễn ra dưới sự tán thành và thỏa mãn của quân Pháp. Vậy sau ngày 6 tháng 3, Vũ Hồng Khanh, phó chủ tịch ủy ban quân sự thường cùng chủ tịch Võ Nguyên Giáp đi điều đình với quân nhân Pháp, và bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Tường Tam tiếp xúc với đại diện các ngoại bang, nhất là yêu cầu tổng thống Mĩ nhìn nhận Việt Nam là nước tự do, rồi cầm đầu Phái đoàn đi dự Hội nghị Đà Lạt.

***

Vì sao có hội nghị nầy ? Muốn hiểu những sự sẽ xảy ra trong những tháng sau, ta phải biết có sự xung khắc giữa hai vai chính trùm người Pháp ở Đông Dương: tướng cầm quân, Leclerc, có trách nhiệm chiếm lại lãnh thổ thuộc địa cũ; và đô đốc chính trị, D’Argenlieu, được giao quyền tái lập cai trị thực dân. Hiệp định sơ bộ nhờ lập trường của Leclerc mới có: nhận những điều kiện rộng rãi về danh từ để quân đội mình có thể đổ bộ lên Bắc bộ vào đầu tháng 6 mà không phải chiến tranh với một chính phủ ẩn nấp vào rừng. Còn D’Argenlieu thì vừa là một đô đốc thủy sư, vừa là một thầy tu đạo cơ đốc, rất bảo thủ về chính trị lại muốn theo gương các đô đốc chinh phục Đông Dương ngày xưa. Vì vậy, những điều Leclerc đã nhận thì D’Argenlieu chống, nhất là việc trưng cầu dân ý về thống nhất ba kỳ. Hồ Chí Minh đã thấy sự mâu thuẫn ấy, cho nên đã găng để cố nài đòi họp hội nghị ở Paris. Nhưng D’Argenlieu thì muốn họp ở Đông Dương để đặt những sự điều đình vào nội bộ địa phương mà thôi. Lấy cớ ở Pháp, chưa có quốc hội chính thức, chính phủ Pháp chưa chịu mở hội nghị điều đình. Nhưng sợ trong khi chờ, Cao uỷ Pháp lấn dần tư thế của ta, chính phủ Việt Nam đã đề nghị, và Pháp đã chấp thuận, một phái đoàn quốc hội sang thăm nước Pháp, và một phái đoàn khác bắt đầu điều đình với Pháp những điểm đã nêu rõ trong Hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3. Pháp muốn hội nghị này nhóm ở nơi cô quạnh, ngoài áp lực của dân chúng: Đà Lạt. Hội nghị lại chỉ có tính cách soạn sửa cho cuộc điều đình chính thức tại Pháp. Vì vậy nó đã mang tên Hội nghị trù bị Đà Lạt.

***

Sau những ngày chính phủ Trần Trọng Kim từ chức, cách mạng tháng 8 nổi dậy và chính phủ dân chủ cộng hòa thành lập, tôi được bỏ quên, yên phận sửa soạn thi hành sự dạy và viết sách môn toán học bằng tiếng Việt, và nỗ lực cứu vớt những sách tàn giấy cũ mà bấy giờ nhân dân cho đã lỗi thời, đưa bán làm hồ, làm giấy lộn khắp đường Hà Nội. Thình lình, một hôm, một học trò cũ đại học mà đã thành một nhân viên quan trọng trong chính phủ, tới thăm ở thư trai tại xã Hoàng Mai. Sứ giả tươi cười nói: "... Riêng tôi muốn tới thăn thầy đã lâu. Nay chính phủ định lập một uỷ ban soạn sửa giao thiệp với nước ngoài, bắt đầu với Trung Quốc. Các anh đã nghĩ đến thầy..."

Tuy không lấy sự mời này làm lạ, nhưng tôi rất e ngại vì nội bộ bây giờ đang rất lục đục: Đảng Quốc dân và nhóm Đồng minh bất hoà với Mặt trận Việt Minh, và quân nhân Trung Quốc bênh vực các phe trên chống chính phủ lâm thời. Tôi đã trả lời rằng nếu tôi xét sự tham dự có ích thì tôi không từ nan, nhưng muốn ngoại giao có kết quả hay thì phải dàn xếp cho chóng êm đã. Ngày ấy là ngày 18 tháng 11 (1945). Tuy dưới áp lực Tiêu Văn, quân nhân chính trị của đạo quân Quảng Tây, các đảng Phái đã bắt đầu liên lạc nhưng sự đả kích nhau ngoài phố chưa yên. Tôi tự hỏi vì sao mà "Các anh đã nghĩ đến tôi" ? và sực nhớ đến một câu chuyện liên quan đến mình xảy ra hơn một tháng trước.

Nguyên là, từ khi quân đội Trung Quốc vào đóng ở Bắc phần Đông Dương, những phần tử lánh uy quyền Pháp trên đất Trung Quốc lục tục trở về. Trước sự cách mạng đã nắm chính quyền trong nước, mà phần tử này không được dự, nếu kẻ cầm quyền không khôn khéo, thì không sao tránh được sự bất hoà biến thành đảng tranh. Mà chính phủ và quân đội Trung Hoa bấy giờ tự nhiên nuông tiềm ý ủng hộ những người ý tưởng gần mình và thế lực cũng phải nhờ mình. Một việc đảo chánh gây ra bởi quân đội Trung Quốc rất có thể xảy ra. Đó là lẽ cốt yếu của sự kình thị và công kích giữa đảng phái. Mà nếu kình thị khuếch trương thành đại loạn thì nước Việt Nam không còn hy vọng gì sống lại nữa. Thế mà trong khoảng đầu tháng 10, nó đang khuếch trương. Tôi tìm tới vị cựu hoàng, bấy giờ đã thành cố vấn Vĩnh Thụy, tỏ sự hoang mang, rồi nói rằng: "Ngài có lúc mang tiếng chỉ giữ hư vị. Nay giữ chân cố vấn chính phủ, chính là lúc có thể bày tỏ vị ấy không hư".

Cố vấn hỏi: "Vậy nên nói gì ?" Tôi bàn nên khuyên chính phủ dàn xếp một cách ổn thỏa và chính đáng với những người yêu nước thuộc những đảng khác để cùng đối phó với thời cơ cực kì gian nan. Thế rồi ngày 13 tháng 10, cố vấn cho hay rằng: "Cụ Hồ sẽ tiếp Hãn vào ba giờ chiều".

Tuy không biết hẳn đó là ý muốn của chủ tịch, hay cố vấn đã bịa ra sự tôi xin gặp, đến giờ tôi cứ tới dinh Chủ tịch. Lúc đến nơi, gặp một đại tá Mĩ cũng tới; nghe nói là để gỡ một đại diện bí mật Pháp, Sainteny, bị giữ vì cắm cờ Pháp trên xe đi diễu ngoài phố. Chủ tịch tiếp tôi hơn một giờ. Hai lần xin cáo biệt, nhưng cụ giữ lại. Ban đầu bình phẩm về chính quyền. Tôi có nói: "Nay ta chưa độc lập, đang cần dư luận ngoại bang bênh vực. Nếu tỏ ra bất lực, hoặc có thái độ độc tài, thì khó lòng họ giúp mình". Cụ bảo rằng uỷ ban địa phương làm bậy, chứ chính phủ không có ý chuyên quyền. Cụ hỏi đi hỏi lại: "Thế ra họ nói chính phủ cộng sản, thực chăng ?" Tôi đáp: "Cụ đã nghe vậy, thì có thật". Cụ nói: "Còn nói chính phủ độc tài, thì có đâu. Trong nội các có nhiều người không phải ở trong mặt trận Việt Minh…".

Cụ lại phân trần việc bài xích hạng trí thức. Cụ nói chính phủ không làm điều ấy; nhưng có người làm thì chính phủ phải nhận lỗi. Rồi tôi nói sang chuyện đảng tranh làm dân chúng hoang mang. Chủ tịch rất chăm chú nghe, cặp mắt sáng trương to như rót vào mặt tôi. Cụ hỏi: "Trí thức theo cụ Nguyễn Hải Thần nhiều phải không ? Ông giao thiệp rộng chắc biết". Trong trả lời, tôi có nói: "Hình như khi ở nước ngoài các cụ đã trù tính việc chung. Nay đều về, lại thấy các cụ chia rẽ, cho nên họ hoang mang. Nếu cụ Nguyễn Hải Thần chỉ kéo bè đảng mà thôi, thì chắc họ không theo. Cụ Nguyễn có tìm gặp tôi, tôi đã thưa rằng người trí thức chân chính không tìm địa vị. Các cụ già cứ hoà hiệp với nhau, rồi thì hạng trẻ như chúng tôi theo. Các cụ có cần gọi ra quét đường, họ cũng nhận."

Nét mặt không di chuyển, Chủ tịch đặt câu hỏi thẳng: "Đối với ông, thì cụ Nguyễn là thế nào ?" Tôi đáp: "Tôi không được biết rõ. Nhưng cảnh huống bây giờ tuy là bậc cách mệnh lão thành nhưng trở về chậm nước, cụ phải ép vào thế non,... xem ra thế nào!" Cụ hỏi gặn: "Thế nào ?" Tôi nói: "Thế nào...tôi không tiện nói, chỉ có thể nói thế cụ Nguyễn không được thuận. Tuy nhiên làm cách mạng trong bốn mươi năm nay, cụ ấy có thanh thế. Vả hạng trí thức ai cũng sẵn sàng làm việc nước, mà bị chính phủ đem lòng ngờ vực, thì họ có đi theo cụ Nguyễn, cũng là người ái quốc, đó cũng không nên lấy làm lạ!"

Trong lúc nói chuyện, có người mang bát thuốc sắc cho Chủ tịch uống, lại có người mang giấy lại lấy chữ kí, một thanh niên ngồi đằng xa túc trực luôn luôn. Tôi đứng dậy xin về mấy lần. Chủ tịch vẫn giữ lại. Cuối cùng cụ lại hỏi thẳng một cách cụ thể rằng: "Tôi có hai chuyện muốn hỏi ông. Ông cứ trả lời thật...Câu đầu là đối với cụ Nguyễn Hải Thần nên làm thế nào ?" Tôi đáp: "Nếu cụ Nguyễn có thể làm dễ cho sự ngoại giao, thì nên dùng cụ. Tuy không nên cải tổ hấp tấp ra dáng sợ áp lực, nhưng nên cải tổ chính phủ để hợp tác. Sự hợp tác phải thành thật, đừng để có cảm tưởng lấy danh mà thôi". Không động nét mặt một mảy may, Chủ tịch hỏi tiếp: "Vấn đề thứ hai là ông cho biết một câu sát kết về Chính phủ". Tôi phải lựa lời để đáp cho khách quan. Đại ý trong những câu này: "Trước khi thẩm kết về Chính phủ, xin nói về mặt trận Việt Minh. Chủ trương mặt trận là chống Pháp và chống Nhật. Chống Pháp là chí nguyện tất nhiên chung cho cả nước. Chống Nhật cũng là tất nhiên cho cách mạng và thuận với Đồng Minh đang thuận với độc lập Việt Nam. Vậy cái khẩu hiệu ấy là hợp. Nhưng trong hành động, sau ngày Nhật diệt chính quyền thực dân Pháp và tuyên bố để Việt Nam tự chủ vận mệnh của mình. Tự nhiên rằng người cách mạng chống Nhật không thể ra công khai nhận lấy chủ quyền cho nước. Con thuyền bị buộc đã được cắt dây. Nước tự hào có lịch sử vẻ vang, gồm hăm lăm triệu người; há lại để thuyền trôi không lái. Cả Nhật, Pháp và Đồng Minh sẽ đánh giá lòng yêu chuộng độc lập của dân ta ra sao ? Vì vậy đã có chính phủ Trần Trọng Kim. Chỉ tiếc rằng mặt trận không làm dễ cho chính phủ công khai quản lí việc dân và dự bị sự giao tiếp và khi quân Nhật tất phải đầu hàng. Dẫu sao, sau khi quân Nhật đầu hàng, Mặt trận ra nắm chính quyền là hợp lẽ và có thể có lợi cho độc lập được nhìn nhận. Nghĩ như vậy, chính phủ Trần Trọng Kim đã có tác động cuối cùng là khuyên cựu hoàng mời các nhà cách mệnh ra chính thức thành lập chính phủ, nhưng thiếu chuẩn bị, sự ấy không thể thành. Kết quả là những sự tổn thất về vật chất và tinh thần trong khi cướp chính quyền và không thể lợi dụng sự hoang mang của quân nhân Nhật khi nhận được lệnh phải đầu hàng. Nói về chính phủ thì chủ trương đại thế chính trị hợp lẽ, nhưng hành động hình như tưởng đã thành công cho nên sợ chia trách nhiệm và chính quyền. Chắc riêng Chủ tịch hiểu rằng đường đi đến độc lập và thống nhất còn dài và khó, nhưng đại đa số còn lầm tưởng gần xong."

Chủ tịch còn cảm ơn và thêm: "Hôm nay, ông cho tôi biết được nhiều điều". Tôi đứng dậy, từ giã, xuống lầu, cảm động vì đã có dịp tỏ nhiều lời tâm huyết, vì thấy vận mệnh của dân nước đè trên vai một vị cách mệnh thâm niên gầy ốm, nhưng tinh thần tinh anh, mặc tĩnh, thâm trầm và cử chỉ ôn tồn, gãy gọn và kiên quyết. Không biết cảm tưởng của Chủ tịch đối với cá nhân tôi và những trực ngôn tôi ra sao. Có lẽ không ai biết. Dẫu sao hơn tháng sau, Cụ nhận hợp tác của các phái đối phương, và riêng với tôi, "các anh đã nghĩ đến". Thật ra thời thế cấp bách phải đi đến thế. Rồi bầu Quốc hội (mồng 1 tháng giêng năm 1946) lập Chính phủ chính thức (mồng 3 tháng 3), kí hiệp định sơ bộ với Pháp (mồng 6 tháng 3), đón Leclerc tới Hà Nội (18 tháng 3), gặp D’Argenlieu tại vịnh Hạ Long (24 tháng 3), gửi một phái bộ sang thăm Pháp và một phái đoàn lên Đà Lạt bắt đầu tranh biện về những chi tiết thực hiện Hiệp định sơ bộ, (16 tháng 4 lên đường). Phạm Văn Đồng cầm đầu phái bộ sang Paris, Nguyễn Tường Tam cầm đầu phái đoàn Đà Lạt. Tôi được sai dự phái đoàn này. Lần này tôi nhận lệnh vì có nhiều triệu chứng tỏ rằng Cao ủy D’Argenlieu đang phá hiệp định kia, bắt đầu phá điều trưng cầu dân ý về thống nhất ba kì.

***

Quả vậy, ngày 12 tháng 3 (1946), cơ quan tối cao mà chính sách thực dân đã tái lập ở Sài Gòn, là Hội đồng Tư vấn Nam kì, đã nhóm họp dưới quyền uỷ viên Pháp Cédille, Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh đặt một đề nghị sửa soạn lập xứ Nam Kì tự trị. Lời đề nghị dịch ra tiếng Việt theo báo Tân Việt (Sài Gòn, số 36, ngày 13 tháng 3-1946, nghĩa là đúng một tuần sau ngày kí Hiệp định sơ bộ) như sau:

- Nghĩ vì trong bản tuyên ngôn ngày 24-3-1945, chính phủ Pháp đã nhìn nhận một cách chánh thức nền tự trị của mỗi xứ trong Liên bang Đông Dương, nghĩa là có xứ Nam kì;

- Nghĩ vì bản sơ ước Pháp-Việt vừa kí kết ngày 6-3-1946 ở Hà Nội không nói rõ rằng bản sơ ước chỉ áp dụng cho hai xứ Bắc và Trung kì, và tiếng Việt Nam dùng trong bản sơ ước có thể cho người ta hiểu lầm là có xứ Nam kì trong đó, vì từ trước đến giờ, tiếng "Việt Nam" ấy vẫn dùng để chỉ cả ba kì: Bắc, Trung, Nam;

- Nghĩ vì bản sơ ước ấy có nói qua sự mở một cuộc trưng cầu dân ý ở Nam kỳ, mà Hội đồng tư vấn Nam kỳ chưa được hỏi ý kiến; nghĩ vì dân chúng Nam kỳ rất xôn xao bất bình vì những lời trong bản sơ ước ấy vẫn còn mờ ám, nó có thể làm người ta tưởng lầm rằng quyền của dân chúng Pháp Việt ở Nam kỳ không còn nữa;

- Nghĩ vì xứ Nam kỳ đã 6 tháng nay, bị tàn phá vì sự đô hộ của Việt Minh, nên nay không thể cực lực phản đối sự gia nhập vào khối Việt Nam, mà xứ Nam kỳ phải đưa về cho những kẻ sát nhơn rồi sự tuyên truyền, sự hăm dọa của chúng sẽ làm cho sai cả cuộc trưng cầu dân ý;

Cho nên chúng tôi mong rằng:

 1.- Vị đại diện của nước Pháp ở Đông Dương sẽ công bố chính thức rằng bản sơ ước 6-3-46 sẽ để cho xứ Nam kỳ hoàn toàn tự trị.

2.- Theo đúng với quyền dân tự định đoạt, xứ Nam kỳ phải được tự do định lấy những điều kiện về chính trị, không được cưỡng bách, bất cứ do lệnh ai.

3.- Sự trưng cầu dân ý sẽ không tránh khỏi mờ ám, lộn xộn nếu các điều kiện cần yếu về trật tự và yên ổn chưa được lập lại đàng hoàng trong xứ, để có thể xét tánh danh hạnh kiểm của những người bỏ thăm, mà trong cuộc loạn lạc vừa qua, giấy tờ và sổ bộ đã bị đốt phá đi mất nhiều.

Và cần phải có phương sách đảm bảo sự tự do kín đáo của lá thăm và sự thành thật trong khi dọ ý kiến dân.

Kí tên:Béziat, Clogne, Bazé, Nguyễn Văn Thinh, Trần Tấn Phát, Trần Thiện Vàng,
Nguyễn Tấn Cường, Lê Văn Định.

Báo Tân Việt còn ghi rằng: "Bản đề nghị đọc xong, ông Cédile, chủ tịch, xin hội đồng bỏ thăm. Kết cục, bản đề nghị của ông Thinh được đa số tán đồng với 9 thăm chống 1".

Tám tháng sau, thấy mình bị thực dân lừa gạt, đã đem bánh vẽ đưa mình làm việc phi nghĩa, Nguyễn Văn Thinh đành tự tử, nhưng trước khi họp hội nghị Đà Lạt, cái đề nghị trên đã báo cho mọi người biết thái độ của thực dân. Tôi đã tự hỏi đi Đà Lạt còn có ích gì nữa chăng, hay chỉ có thực lực mới ép thực dân tôn trọng Hiệp định vừa mới kí. Sự đoàn kết cũng là một phần thực lực; Phái đoàn có Nguyễn Tường Tam, Võ Nguyên Giáp, sự có mặt của những người không đảng phái càng tỏ sự đoàn kết thêm. Vả chăng thái độ phá hoại Hiệp định sơ bộ có lẽ chỉ là thái độ thực dân, còn dân Pháp, trí thức Pháp, quân nhân Pháp vừa trải qua sự giải phóng đất nước Pháp một cách đau thương thấm thía, lẽ nào lại không thông cảm với lòng ham muốn độc lập thống nhất của nhân dân Việt Nam. Riêng cá nhân tôi, đã từng có sự quan hệ với các bạn Pháp, hoặc chức trách Pháp, và có nhiều lần bày tỏ ý kiến nguyện vọng dân tộc mình. Gần đây, khi bạn đồng môn Nguyễn Ngọc Bích bị bắt ở bưng biền, tôi đã viết thư ngỏ, đăng báo LA REPUBLIQUE tại Hà Nội, giải thích cho các sĩ quan Pháp cũng học đồng môn, cái lẽ vì sao họ phải đương đầu với toàn dân Việt trong sạch, kể cả những kẻ hầu như đã Pháp hóa như bạn Bích. Vậy bấy giờ, tôi nhận đi Đà Lạt; vì có dịp công nhiên bày tỏ cho Pháp và cho mọi người rõ sự đòi độc lập thống nhất không phải như thực dân lầm tưởng chỉ là khẩu hiệu của "bọn cách mạng quấy rối" mà thôi.

Vả chăng hồi trước cuộc đảo chánh Nhật ở Đông Dương, tôi đã có dịp gần phe "Kháng địch Pháp" tại Đông Dương và có dịp tỏ nguyện vọng dân tộc mình cho họ biết.

Trong hồi làm giáo sư Toán học, tuy tôi không làm chính trị, nhưng không hề giấu ý kiến về chính trị và thời thế, khi có dịp bày tỏ ý mình. Cũng nhờ vậy, mà đã tránh được mọi cạm bẫy hư danh chính trị. Khi quân Nhật đến đóng tại Đông Dương, chính khách Pháp tại đây đã để ý đến tôi và một số bạn hữu. Đối với chính quyền, thì sự giao thiệp chỉ có tính cách hình thức mà thôi, như sự đô đốc Decoux, toàn quyền Đông Dương, thỉnh thoảng mời, riêng lẻ hay cùng "nhân sĩ" khác để loà mắt người Nhật và nhân dân ta. Sự giao tế ấy nhã nhặn nhưng vô bổ. Trái lại trong nhóm người pháp chống Pétain, có kẻ đã lân la dò ý kiến về tương lai khối Đông Dương; có lẽ là hậu quả tuyên ngôn của De Gaulle tại Brazzaville đổi chế độ thuộc địa ra chế độ Liên hiệp Pháp, vào tháng giêng 1944. Từ đó, cựu tiết chế quân đội thuộc địa ở Đông Dương nhiều lần mời tôi tới nhà hoặc lại nhà tôi, trò chuyện chính sách hiện thời và tương lai ở xứ ta. Cựu tiết chế, tướng Mordant, đã vì không đồng ý với toàn quyền Decoux, nên đã từ chức, để cầm đầu nhóm Kháng địch sửa soạn đón quân Đồng Minh tới giải phóng Đông Dương. Đô đốc Decoux cũng biết sự ấy, nhưng đối với quân Nhật thì phải có thái độ ỡm ờ.

Mordant đã đưa kín cho tôi đọc bản tuyên ngôn Brazzaville, và đề nghị với tôi, nếu bằng lòng, thì sẽ tổ chức đưa tôi và một nhân sĩ cao tuổi ra nước ngoài để bàn tính tương lai xứ Đông Dương. Sau khi bàn luận với một nhóm bạn bè, chúng tôi đã nhận định rằng: bấy giờ nước Anh là một nước sức và thế mạnh hơn Pháp nhiều, mà cũng đã hứa độc lập cho Ấn Độ, Miến Điện, thì Việt Nam không thể không đòi lời hứa độc lập. Sau khi tôi đã trao lại ý ấy cho tướng Mordant, tướng sửng sốt bảo rằng: "Không bao giờ có sự ấy được!".

Tôi ôn tồn trả lời: "Vì ông hỏi ý kiến nhân dân Việt Nam đối với tương lai họ, thì tôi đã nói sự thật; chứ tôi còn sợ rằng tương lai gần của chúng ta chưa biết ra sao..."

Tướng nói: "Chúng ta sẽ được giải phóng, nước Pháp vẫn chủ quyền. Quân Nhật có làm trò gì được nữa".

Tôi tiếp lời: "Bây giờ, Pháp còn chủ quyền ở đây thì một lời hứa ấy sẽ kéo lại hoàn toàn thiện cảm của nhân dân Việt Nam. Nếu người ngoài, gần hay xa, có ác ý đối với Pháp ở đây, họ phải dè dặt vì đã không có cớ thì sợ nhân dân Việt Nam sẽ ủng hộ Pháp. Chứ không, ví bằng sau này một nước thứ ba tặng cho chúng tôi độc lập, thì chúng tôi sẽ không đáng độc lập, nếu không can đảm nhận món quà ấy. Mà tôi sợ rằng độc lập trong trường hợp ấy không lợi cho nước ông, và chưa chắc đã lợi cho chúng tôi bằng cách độc lập với sự thoả thuận của các ông tự bây giờ".

Trong trả lời trên, tôi đã ngụ ý đến hai việc đang phát hiện: tin Cường Để lập đảng trong nước và sắp được đưa về, và sự toàn quyền Decoux mời riêng nhiều người Việt và bảo rằng đừng tin tuyên truyền Anh và Mĩ và phải coi chừng ảnh hưởng đế quốc chúng. Không hiểu tướng Mordant nghĩ tới Nhật hay Anh, Mĩ, liền đáp: "Nếu vậy, chúng tôi sẽ đem quân chinh phục lại Đông Dương".

Tôi còn nhớ rõ câu bực tức ông nói cuối cùng: "Muốn đặt một khối chóp thăng bằng mà lại đặt đầu nhọn ở dưới!".

Từ đó ông lại kính nể tôi. Một hôm ông hỏi tôi: "Tôi muốn bảo những người chức trách thay thế người cộng sự An Nam, vì chúng phần nhiều chỉ biết tùy tùng, ton hót và tham nhũng. Nhưng lấy đâu ra những người tốt và trong ?" Tôi trả lời: "Hư hèn thường gây ra bởi nô lệ. Còn những người tốt và trong có nhiều ở ngục thất. Chính phủ biết cả đó..." Tôi hơi mỉm cười, chắc ông nhớ lại một câu chuyện cũ tôi đã nói, ông nối lời: "Các người ấy ở Sơn La và Côn Lôn phải không ?"

Vào cuối năm 1944, phái Kháng địch đã ngầm làm chủ ở phủ toàn quyền, đô đốc Decoux chỉ giữ hư vị để lòa mắt người Nhật. Tướng Mordant cho tôi biết rằng phủ Toàn quyền sẽ lập một hội đồng cố vấn tối cao gọi là Hội đồng Đông Dương và tôi sẽ được mời tham dự. Ông lại cho hay rằng chắc không phải là hư vị. Đáp một lời tôi hỏi, ông nói rằng sự chọn tôi không phải tự ý ông và tôi tùy ý nhận hay không. Vài ngày sau, Khâm sứ Bắc kì mời tôi để chuyển ý Toàn quyền. Lần này, chính thức tôi nói mong chính phủ Pháp đổi hẳn chính sách đối với các nước Đông Dương thì những người mới như tôi mới hợp tác về chính trị được.

Hơn một năm sau, người Việt và người Pháp sắp gặp mặt nhau trở lại để bàn định tương lai của nước Việt Nam, nhưng lần này địa vị ngang nhau: sứ giả đối phương của hai nước. Tôi sẽ có ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả Hội nghị chăng ? 

Mong vậy, tôi nhận tham dự phái đoàn đi Đà Lạt.

(xem tiếp phần 2)

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss