Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Một Vài Kí Vãng về Hội Nghị Đà Lạt (4/5)

Một Vài Kí Vãng về Hội Nghị Đà Lạt (4/5)

- Hoàng Xuân Hãn — published 09/03/2008 01:00, cập nhật lần cuối 09/03/2008 23:08
Tôi thì tự thấy trong người khá mệt, về phòng, kiểm điểm, thấy phiên Đại hội lần này rất khó cho ta, nhưng các phái viên ta đã làm tròn bổn phận và trả lời cũng đúng mức. Tuy những dấu cảm tình của một vài người Pháp đã làm bớt bực bội, nhưng chúng tôi hiểu rằng nếu không có binh lực và tinh thần đồng nhất chống cự chính sách tàm thực của Thực dân, thì lời nói chỉ là trò suông. Vì vậy, Võ Nguyên Giáp thấy mình cần có mặt ở Hà Nội hơn ở đây. Anh đã ra vẻ tư lự đăm đăm và đang liệu cách cáo về như Gourou đã đi và Max André cũng sắp rút lui.


MỘT VÀI KÍ VÃNG HỘI NGHỊ ĐÀ LẠT (4/5)



Hoàng Xuân Hãn



Ngày thứ tư 24 tháng 4 là ngày họp Toàn thể đại hội thứ hai. Vốn là để kiểm điểm những sự đã thỏa thuận giữa hai bên. Nhưng cụ thể thì không có điểm quan trọng nào đã thỏa thuận, mà lại còn thêm những sự xung đột bất thường, như chuyện bắt Thạch. Phái đoàn ta đã chuẩn bị phiên họp kĩ càng, nên vào phòng họp rất bình tĩnh.

Max André chủ tọa, đọc chương trình nghị sự, chỉ có đề nghị Đình chiến đặt ra ngày thứ bảy trước mà họ không chịu bàn. Max André đang trao lời cho Pignon, thì Nguyễn Tường Tam đứng dậy, trịnh trọng nói về chuyện Thạch bị bắt, kể lại rõ ràng sự kiện đã xảy ra. Các đại biểu Pháp đều cúi đầu lấy làm phiền. Tam nói tiếp: "Sự ấy là trái với tục lệ quốc tế. Là người phụ trách an toàn cho đại biểu Việt Nam, tôi phản kháng!"

Max André trả lời: "Nghe nói không phải Thạch đã bị bắt. Vì Thạch đã lên Đà Lạt một cách ngấm ngầm, cho nên đã bị đưa về".

Giáp nói: "Chúng tôi sẽ nêu vấn đề ấy sau này. Nay xin bàn qua vấn đề khác" rồi đem ra bài diễn văn đã đọc hôm trước trong buổi họp ủy ban Chính trị ngày thứ hai. Max André bảo Giáp hãy đọc lại cho toàn ban nghe. Như trước tôi đã ghi, bài này đả kích thái độ Chính quyền thực dân Pháp một cách kịch liệt, ví Kháng chiến ta với Kháng chiến Pháp trong thời Đức chiếm. Các Phái viên Pháp ngồi nghe, tỏ vẻ khó chịu; nhất là bởi hôm nay có báo chí dự.

Pignon đã đem đề nghị mà Phái đoàn Pháp đã sửa soạn cẩn thận. Đại ý là: "Hai Phái đoàn đề nghị lên hai Chính phủ lập một tiểu ban riêng, không dính gì với hội nghị Đà Lạt, nhưng cũng làm việc ở Đà Lạt, để giải quyết vấn đề Đình chiến và để gây một không khí hòa hảo ở cả năm xứ Đông Dương" Pignon lại thêm rằng đó là nhượng bộ cuối cùng.

Tôi xin dừng họp một giờ. Chúng tôi họp bàn. Tất nhiên ai cũng thấy rằng Chính quyền Thực dân càng ngày càng tỏ rõ thâm ý lập lại chính sách thuộc địa Đông Dương xưa. Nói năm xứ Đông Dương là nói rõ ý phân tán đất Việt Nam xưa ra làm ba, có lẽ từ vĩ tuyến thứ 16 trở lên là nước Việt Nam, Nam bộ là nước Nam Kì, còn khúc giữa (hoặc chỉ vùng cao nguyên) thuộc thẳng Pháp hoặc chính phủ Đông Dương. Xem vậy thì không những Chính quyền Thực dân không chịu đình chiến, mà còn muốn khiêu khích để phá các cuộc điều đình. Sau nửa giờ bàn, ta trở lại tìm các đại biểu Pháp, nhưng vì đã hẹn nghỉ một giờ, cho nên phần lớn đã tan đi.

Đúng giờ hẹn, ủy ban lại họp. Nguyễn Tường Tam xin đình chỉ buổi họp, và không hẹn ngày họp lại. Nhiều phái viên Pháp đã tưởng thế nào ta cũng nhận sự "nhượng bộ" của họ, bây giờ thấy ta xin hoãn mà lại không nói hoãn đến hôm nào. Họ rất bực tức. Gonon hỏi gằn: "Hôm nào họp lại? Phải cho biết liền." Tam trả lời rằng hai chủ tịch sẽ định. Bourgoin hỏi ngày nào ủy ban Chính trị họp lại. Tôi trả lời tôi cũng không hay. Phái viên Việt nét mặt lầm lì nghiêm trọng. Phái viên Pháp ngơ ngác đứng dậy ra về. Cảm tưởng chung của anh em là chúng tôi không thể có hành động khác. Nếu Hội nghị có chấm dứt đột ngột thì thà nó chấm dứt ở điểm đình chiến? Đồng bào Nam bộ sẽ thấy rằng Chính phủ Việt Nam và Tổ quốc không quên họ. Tuy Tam không nói Phái đoàn đợi hỏi chỉ thị của Chính phủ, nhưng bên Pháp và bên ta ai cũng đoán như vậy.

Tâm trạng Phái đoàn ta, thì như thủy thủ một con thuyền chịu gió bão, cảm động nhưng không hoang mang, siết chặt cùng nhau vì đoán sẽ phải qua cơn mưa sa sóng dập. Buổi chiều tối hôm ấy, sau khi anh em bàn việc chung xong. Nguyễn Tường Tam nói:

"Tôi có tâm sự muốn nói ra".

Anh em đều im bặt, hơi ngạc nhiên, đợi. Tam tiếp:

"Khi trước, anh em phái Quốc gia và anh em phái Cộng sản không hiểu nhau. Sau một tuần làm việc với nhau, thấy ai cũng đồng lòng yêu nước. Có kẻ trước mang tiếng thân Pháp, nay cũng đều tranh thủ cho quốc gia".

Tôi không rõ Tam nghĩ đến ai khi nói đến "kẻ trước mang tiếng thân Pháp".

Võ Nguyên Giáp trả lời: "Anh em càng làm việc với nhau, càng hiểu nhau, càng phải đoàn kết."

Tôi nghĩ thầm rằng ví như Hội nghị phải dừng, thì nó cũng vô ích, vì nó đã làm cho các lãnh tụ Đảng phái hiểu nhau. Chính đảng là phương tiện để làm việc dân, việc nước. Đảng nhân có hiểu cho như thế không? Nếu các anh Tam, Giáp thuyết phục được đồng chí mình, thì là phúc cho dân và nước ta.

***

Chiều hôm ấy (24-4), chúng tôi vẫn đi dự ủy ban Văn hóa để tỏ rõ rằng mình không thỏa thuận về chính trị, nhưng vẫn muốn hợp tác về văn hóa. Gourou hôm nay có đem theo Ner đến dự. Cả hai đều là Giáo sư cũ trường Trung học Pháp ở Hà Nội. Tôi đã là học trò của hai người. Trước ngày quân đội Nhật đảo chánh, Ner đã có lúc thăm dò ý kiến một số trí thức ta ở Hà Nội. Đề nghị Pháp muốn ta cam đoan dạy tiếng Pháp trong toàn quá trình Trung học, và một vài môn sẽ dạy bằng Pháp ngữ; nếu có nhiều ngoại ngữ bắt buộc, thì Pháp ngữ đứng đầu. Về nguyên tắc, chúng tôi không thể cam đoan, vì đó là vấn đề nội trị. Nhưng về thực tế, thì chúng tôi đồng ý. Tối hôm ấy, Gourou mời NguyễnVăn Huyên và tôi ăn cơm. Gourou cho biết rằng Pháp sẽ đòi lại viện Viễn đông Bác cổ, nhưng để cho những nhà khảo cứu Việt Nam dùng; về việc khai quật thì sẽ thỏa hiệp với ta. Nước Pháp muốn mở những viện khảo cứu về mọi ngành ở mọi nơi.

Gourou muốn về Pháp chóng cho nên ủy ban Văn hóa họp luôn, kể cả ngày lễ Phục sinh, 25 tháng tư. Trong những buổi họp ấy, phái viên Pháp đem những đề nghị vụn vặt, như chuyện mở trường, sự cấp học bổng, sự viện trợ cán bộ, giáo sư. Ta thì vẫn nói rằng những chuyện ấy dễ thỏa hiệp, nhưng phải có sự thỏa hiệp giữa hai nước tự do.

Phái viên Pháp hết sức dùng ngoại giao cá nhân trong mấy ngày nầy. Nhất là Giáp rất được săn đón bởi tướng Salan về vấn đề binh bị và Messmer, Bousquet về vấn đề chính trị.

Sáng ngày 26 tháng 4, ủy ban văn hóa họp phiên cuối cùng. Lại tranh luận nhì nhằng những điểm không quan hệ đối với chính trị đại quan. Chiều đến, Võ Nguyên Giáp báo cáo qua về cuộc nói chuyện riêng với Messmer và Bousquet. Giáp tóm tắt rằng: "Họ nói có thể nhượng bộ về Chính trị, nhưng sẽ giằng co lấy Kinh tế, Văn hóa và Quân sự. Họ cũng muốn ta làm sao cho Hội nghị tiến hành ít nhiều; kẻo như thế nầy họ sẽ về Paris mà không được việc gì hết".

Ngày hôm sau thứ bảy 27 tháng tư, không hội họp chính thức gì nữa. Hội nghị hình như đã chấm dứt. Phái đoàn ta họp riêng để trao đổi tin tức. Bùi Công Trừng bàn nên họp hội nghị Toàn thể gấp đi. Nhưng Võ Nguyên Giáp nói để Giáp nói chuyện thêm với Messmer và Bousquet để xem có thỏa thuận được điểm nào chăng, rồi sẽ đem ra Đại hội đồng(séance pleinière). 

Bùi Công Trừng nguyên là một thanh niên cách mệnh bị công an Đông Dương bắt giam khi đang còn rất trẻ. Người gầy yếu, ăn nói nhẹ nhàng, nhưng nghe nói Chủ tịch Chính phủ rất tin yêu. Ảnh là phái viên độc nhất tranh luận bằng tiếng Việt; có Nguyễn Mạnh Tường ngồi cạnh dịch xắp. Trong các buổi họp chính trị, Trừng ngồi cạnh Dương Bạch Mai.

Hai người dáng điệu hình dung trái ngược nhau. Mai cao lớn tráng kiện, tinh thần hùng vĩ, tính nóng như sôi, hình như đã có biệt xưng là "Hổ miền Nam". Trong khi chia việc tranh luận trước buổi họp, thường cử Mai làm xung phong khi ta muốn tấn công. Nhưng khi không muốn có sự xô xát găng thì, trái lại, dùng Trừng để ăn nói ôn tồn bằng tiếng Việt để giải nồng. Trừng lại có nhiệm vụ "kéo áo" Mai, khi Mai can thiệp vào lúc không định trước hoặc nói hăng quá trớn. Tôi còn nhớ có hôm Mai nổi cơn thịnh nộ đáp lại lời vô lí của một đại biểu Pháp, vung tay, vỗ bàn; Trừng ngồi cạnh kéo áo anh ta. Mai tức quá quay lại mắng cả Trừng; đến quá buồn cười! Khiến dũng khí của Mai thành vô dụng!

Sau khi gặp lại hai thuyết khách Pháp đã nói trên, Giáp trở về báo cáo rằng:

"Hai người ấy cho biết các điều yêu sách của Pháp. Đại lược như sau:

"Về chính trị.- Ta sẽ tự do trong nước. Sẽ trưng cầu dân ý ở Nam bộ. Ta sẽ phải để Pháp chăm sóc đến dân tộc thiểu số: Thái, Mọi vân vân..

"Về kinh tế.- Các công nghệ Pháp có từ trước phải để nguyên. Quan thuế và Hối đoái chung thuộc Liên bang. Cơ quan liên bang cũng có những trách nhiệm về trang bị và bưu chánh.

"Về ngoại giao và quân sự.- Ta sẽ có nhưng trong hàng ngũ Liên hiệp Pháp.

"Về văn hóa - Dễ thỏa thuận".

Thấy vậy, ta hết hy vọng đi đến một thỏa thuận can trọng gì. Nhưng cũng theo đúng chỉ thị của Chủ tịch trước lúc đi: hễ gặp việc không thuận thì đừng nói để hỏi Chính phủ, cứ bỏ qua mà bàn sang chuyện khác. Vậy cũng phải soạn sửa nhóm họp trở lại với Phái đoàn Pháp trong tuần sau.

Trưa thứ bảy tuần này, Max André mời Phái đoàn ăn cơm. Có một viên cai trị người Hòa Lan từ Nam Dương sang dự. Ấy là Broode, người cao to, mắt hiền, chút râu mép, nói tiếng Pháp rất thạo. Khi ăn xong, ông ta lại ngồi cạnh Giáp và tôi, và nói chuyện khá lâu, xem ý muốn lường trình độ Việt Nam. Tôi có hỏi tình hình Nam Dương mà chúng tôi biết sắp thoát khỏi ách thực dân. Broode cho hay rằng: "Ở Java, Soekarno trước đã theo Nhật, còn Chariar thì là người chính kiến tự do. Nội các Chariar không quá khích, nhưng thanh niên Java đã được Nhật dạy trong ba năm và đã được Nhật cho nhiều khí giới. Bây giờ tình thế rất khó khăn cho chúng tôi. Hòa Lan thì yếu, mà Anh, vì việc Ấn Độ không giúp chúng tôi nữa".

***

Thấm thoắt đã đến chủ nhật lần thứ hai ở Đà Lạt. Hôm nay là ngày 28 tháng tư. Nguyễn Tường Tam bị ốm từ hôm qua, có lẽ bị cảm lạnh. Tôi không biết Tam, trước khi có Phái đoàn Đà Lạt, nhưng cũng biết ảnh là Nhất Linh trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn và nhất là chủ bút những tạp chí Ngày nay, Phong hóa đã vang tiếng một thời. Bấy giờ, ảnh người cao nhưng gầy, mặt dài má lép, chút râu trên mép, đôi mắt to nhưng ra vẻ mệt nhọc hay chán chường. Cử chỉ lễ độ, ăn nói chững chàng, trong buổi xã giao hội họp với kẻ chức trách, hoặc Phái viên Pháp, ảnh có thái độ cử chỉ đoan nghiêm và đúng mức, không làm thẹn chức vụ bộ trưởng Ngoại giao và chủ tịch Phái đoàn Việt Nam.

Tới phòng ảnh thăm, rồi một nhóm anh em đi ô tô đi dạo một vòng để giải trí. Tới hồ Than Thở (Lacs des Soupris), cây cối vẫn um tùm, thông vẫn xanh, hoa vẫn thắm, hình như dửng dưng với những biến cố đau thương đã xảy ra đây.

Đi qua xóm Robinson, phong cảnh y nhiên, nhưng bóng người vắng tanh. Ngồi trong xe, hơi chột dạ. Biết đâu những địa lôi của quân ta chôn đâu đây không tàn sát Phái viên ta!

Về đến Chợ, chúng tôi trả ô tô để đi dạo phố. Người ta trở về khá đông. Phố xá đã mở lại. Chắc phần lớn là những người hoặc giúp Pháp hoặc không sợ tình nghi mới dám trở về và mới được trở về trong lúc này. Tôi vào một tiệm hớt tóc. Trong khi chủ nhân cắt tóc, tôi lân la hỏi chuyện. Người ấy lập tức biết tôi là nhân viên Phái đoàn Việt Nam. Y kể chuyện rằng:

"Tôi người Hà Nội, ở trong này đã lâu. Sau ngày cách mạng, các người ở ủy ban hành chánh ở đây bất lực, nhất là tụi Hà Tĩnh!"

Xong, vào một hiệu bán tạp hóa. Chủ hàng phàn nàn đã bị mất hết hàng hóa, đã bị ta và Tây cướp hết. Y lại cho hay rằng những dân cư Đà Lạt, khi bị quân Pháp đánh lên, nhiều người chạy xuống vùng Ba Lát (Phan Rang) bị chết rất nhiều.

Buổi chiều, Võ Nguyên Giáp, Vũ Văn Hiền cùng tôi bàn việc dự thảo các đề án về việc Nam bộ. Sau khi bàn luận viết lách lâu, chúng tôi ngồi nghỉ ngơi. Tôi mới hỏi Giáp về tình hình Nam bộ. Giáp cho hay rằng: "Theo Thạch, thì tình hình nay khả quan. Nhân dân hăng hái cứu nước. Chỉ một số trưởng giả bị Pháp lợi dụng mà thôi. Về binh bị, thì ban đầu, những lãnh tụ các binh đoàn ô hợp chỉ biết tôn chủ nghĩa anh hùng, chiến đấu hi sinh trong những trận chính qui. Vì vậy đã bị tổn thất chủ lực nhiều, rồi sinh ra chán nản thoái chí. Nay binh đội biết theo kỷ luật du kích, cho nên quân Pháp không thể lập lại chính quyền".

Giáp tỉ tê nói chuyện rất thân mật; ngỏ ý tiếc đã không biết chúng tôi sớm hơn. Tuy anh không nói ra, nhưng cũng đoán rằng những thành kiến đối với "trí thức" không đúng. Tôi nhân đó nhắc lại câu chuyện tâm sự của Nguyễn Tường Tam hôm trước và tỏ ý ngạc nhiên trước sự anh em cách mệnh Mác xít hiềm khích với đảng Quốc dân. Tôi đã nói: "Cả hai đảng hi sinh xương máu như nhau hồi 1930, 1931".

Giáp trả lời: "Nếu các anh Quốc dân đảng như Nguyễn Thái Học còn thì sao chúng tôi lại không bái phục. Nay thì khác, có người chỉ dựa tên Đảng, mà làm tay sai cho tụi Đế quốc để diệt Mác xít mà thôi. Với những phần tử Quốc dân đảng ái quốc, chúng tôi vui lòng hợp tác…" Rồi Giáp thêm: "Quốc gia như các anh thì chúng tôi rât quí trọng. Chúng ta hợp tác dễ dàng".

Lại sang tuần khác. Đã đến 29 tháng tư, mà không có chỉ thị gì mới. Sau khi về đến Hà Nội, mới biết rõ chuyện xung đột kịch liệt giữa lính Pháp và lính Trung Quốc ở bờ hồ Hoàn Kiếm tại Hà Nội chiều ngày 28. Bấy giờ bộ đội thuộc tướng Lư Hán còn đóng ở Hà Nội. Vì sự đụng chạm giữa xe nhà binh của Hoa và Pháp, các xe khác của đôi bên kéo tới; rồi hai bên bắn nhau dữ dội, giết và hoại thương nhiều quân nhân cả hai bên. Trong vụ ấy, quân đội và cảnh binh ta không can thiệp. Nhưng chắc Chính phủ đã chờ xem hậu quả của cuộc xung đột ấy ra sao, cho nên đã không vội cho chỉ thị họp Đại thể hội đồng trở lại. Tuy vậy vẫn tiến hành soạn sửa họp các ủy ban.

Sáng thứ hai ấy, ta trao cho Phái bộ Pháp đề nghị về việc Đại diện Ngoại giao, và phản đề án về việc Đình chiến để đem ra bàn ở Đại hội.

Ba giờ chiều, họp ủy ban Tài chính và Kinh tế. Phái viên ta chịu nhượng bộ một vài điểm. Bên ta chịu để hàng hóa và người qua lại tự do trong các nước và qua biên giới các nước Liên bang. Ta cũng nhận sự cần có một cơ quan chung về quan thuế, và một cách độc nhất đánh quan thuế. Bên Pháp muốn kết luận rằng ta đã chịu Liên hiệp quan thuế; nhưng ta cải chính. Tuy vậy, Pháp mừng lắm về sự nhượng bộ của ta, rồi vịn vào đó để buộc ta đi vào lưới chế độ Liên bang rộng. Thấy Phái viên Pháp mừng, Vũ Văn Hiền hơi chột dạ, sợ đã hớ. Nhưng khi về kiểm điểm, thấy về chính trị ta không nhận điều gì có tính cách Liên bang.

Cũng chiều nầy ta nhận được một khẩu điệp(note verbale) của tiểu ban quân bị Pháp, chỉ gồm những đề nghị thuộc địa bàn trên vĩ tuyến thứ 16, để tỏ ý rằng phần dưới nước Việt đã vào chủ quyền Pháp rồi.

Chiều tối hôm sau, là ngày thứ ba 30 tháng tư, Phái đoàn Pháp trao lại thông điệp trả lời đề nghị về Ngoại giao của ta, từ chối tất cả đề nghị của ta. Họ vẫn giữ nguyên tắc: Việt Nam chỉ có thủ tục ngoại giao trong khối Liên hiệp Pháp, mà lại phải qua thủ trưởng liên bang nữa. Cảm tưởng chung là tuy phải họp trở lại, nhưng chắc không thể thoả thuận được một điều gì.

Tâm trạng ai nấy rất buồn. Nhưng cũng phải nén lòng dự các cuộc gặp gỡ ngoại giao.

Đại tướng Juin từ Trung Quốc về Pháp, ghé thăm Đà Lạt. Ông đã được Chính phủ Pháp phái đi Trùng Khánh để tỏ tình thân thiện của hai nước, và thâm ý là cả hai sẽ đè lên lưng nước ta; như hơn sáu mươi năm trước. Chiều 30 tháng tư, Đại tướng đến Đà Lạt, bèn mời nhân viên hai Phái đoàn đến để gặp trong một tiệc rượu. Khi chúng tôi tới, đã thấy rất đông người, trò chuyện ồn ào. Đại tướng người không cao, to bề ngang, nét mặt thô. Đã bị trọng thương ở tay phải, cho nên phải bắt tay bằng tay trái. Khi bắt tay chúng tôi, ông lại nghiêng mình rất kính cẩn. Không biết có phải vì ông đã quen lễ ấy khi phải thù tiếp các nhân vật Trung Quốc trong hai tuần vừa qua; hay vì bác sĩ Luyện đã nghiêng mình khi bắt tay ông.

Tướng Salan giới thiệu Giáp với Juin. Giáp cùng Juin nói chuyện khá lâu. Giáp phàn nàn về sự vẫn đánh nhau ở Nam bộ. Juin hứa rằng sẽ nói chuyện ấy với tướng Leclerc và sẽ có sự ngừng chiến; nhưng đó chỉ là lời lễ độ đưa đẩy mà thôi.

Trong buổi hội ấy, tôi gặp Paul Mus, là một nhà khảo cứu về văn hoá Đông phương nhiều và cũng là nhà chuyên môn về xã hội học và làm cố vấn tâm lí cho Leclerc. Mus kể chuyện đã được Chính phủ Pháp cho thả dù xuống Đông Dương trước ngày đảo chánh Nhật, và đã cố ý tìm tới gặp tôi, có lẽ vì chuyện liên lạc giữa tôi và tướng Mordant mà tôi đã kể trên kia. Nhưng bấy giờ sự ông ta nhảy dù xuống Đông Dương phải giữ rất kín đối với quân Nhật, cho nên không có dịp gặp người Việt Nam. Sau ngày mồng 9 tháng ba, ông ta lại trốn thoát ra ngoài. Nay lên đây để thay thế Gourou cầm đầu tiểu ban Văn hóa Pháp.

***

Thứ tư, mồng một tháng năm, ngày lễ Lao động của phần lớn thế giới. Tại Đà Lạt cũng nghỉ họp. Nhưng riêng anh em đây cũng họp dự thảo các lời đáp đề nghị Pháp về việc Ngoại giao và về khối Liên hiệp Pháp.

Mười một giờ sáng, toàn bộ của Phái đoàn ta họp ở phòng thường trực để làm lễ mồng một tháng năm, chỉ trừ Nguyễn Tường Tam còn ốm.

Trần Đăng Khoa chủ tọa ngồi đầu bàn. Hai bên tả hữu, ngồi dóng mặt nhau, có Giáp và tôi. Các phái viên khác theo thứ tự khi vào phòng, nối nhau ngồi thành hai dãy dài. Sau một phút mặc niệm đến những anh hùng tử sĩ đã hi sinh cho nước, Giáp mở lời nhắc lại lai lịch lễ Mồng một tháng năm ở nước ngoài và ở Việt Nam. Rằng: "Lễ ấy bắt đầu có ở nước Hoa Kỳ vào thế kỷ thứ mười chín. Ở nước ta, lễ ấy bắt đầu được cử năm 1929 tại Vinh; nhưng bị chính phủ Thực dân đàn áp. Đến năm 1937, mới chính thức được tổ chức ở Hà Nội. Đầu hết, đó là lễ của giai cấp cần lao; sau thành quốc lễ của nhiều nước".

Rồi Giáp tỏ bày ý kiến. Đại khái, anh nói cần phải thống nhất về mọi phương diện mới có thể củng cố độc lập. Cuối cùng kết luận rằng: "Hội nghị Đà Lạt sẽ có kết quả hay. Lên đây chúng ta ở chung đụng cùng nhau, hiểu nhau hơn; cho nên sự đoàn kết lại càng chặt chẽ. Chắc khi về Hà Nội, sự hiểu nhau ấy sẽ có ảnh hưởng lớn".

Trần Đăng Khoa yêu cầu cử tọa phát biểu ý kiến. Tất cả ngồi im lặng khá lâu. Giáp bèn bảo tôi: "Anh Hãn nói trước".

Tôi phải đáp lời. Bèn đứng dậy, bắt đầu nói: "Chắc ai cũng nhận xét như anh Giáp, và cũng hi vọng như anh... Hôm nay, ta nên nhớ đến một người vắng mặt..." Nói đến đó tôi thấy cử tọa ra vẻ hơi ngạc nhiên, có lẽ đã nghĩ đến anh Tam vắng mặt, không biết chỉ vì còn ốm hay không muốn kỉ niệm ngày mồng một tháng năm. Tôi nói tiếp: "Nên nhớ đến một người vắng mặt, anh Phạm Ngọc Thạch". Trông mọi người đều đổi sắc mặt, nghiêm nghị ngồi nghe. Tôi lại tiếp: "Anh Thạch đã tự mình lên được đến đây để nhập vào Phái đoàn chính thức của ta. Thế mà lại còn bị trục xuất. Chúng ta ai mà không tức giận. Ngồi đây còn có một đại biểu Nam bộ khác, anh Dương Bạch Mai. Chúng ta yêu cầu anh nói một vài lời. Ít ra nữa, chúng ta sẽ được nghe giọng nói của đồng bào Nam bộ".

Thế rồi Mai đứng dậy, vung tay xoay mình diễn thuyết một tràng dài về địa vị và công trạng giai cấp vô sản. Anh cương quyết kết luận rằng: "Không ai được phỉ báng và đẩy ra ngoài những người vô sản".

Không khí khá nặng nề, vì không ai nghĩ đến vấn đề chính trị đảng phái, tuy rằng nhằm ngày mồng một tháng năm. Nhưng ai cũng đã hiểu biết rõ anh. Dương Bạch Mai, một tay cách mạng bồng bột, trung thành, nồng nàn, mà khi nói hăng thì lời dữ hơn bụng. Vì vậy anh em ai cũng yêu ảnh. Cho đến các người Pháp đã quen không khí Kháng chiến trên đất Pháp, thường không giấu ý mến anh ta.

Đến phiên bác sĩ Luyện đứng dậy bày tỏ những lẽ mà mình đã gia nhập Mặt trận Việt Minh. Bác sĩ nói: "Ấy vì tôi đã nhận xét, thấy chỉ quần chúng mới chịu hy sinh. Nhưng cũng không nên để vô sản dẫn đạo một mình. Đó cũng là bổn phận của trí thức..." Vì lẽ đó bác sĩ kết luận: "Chỉ có dân chủ là phải hơn hết".

Không hiểu vì sao bác sĩ đã bày tỏ những ý tưởng ấy. Có ý trả lời Dương Bạch Mai chăng? Vốn thật, trong Phái đoàn không ai nghĩ đến tranh luận về chánh trị. Những lời phát biểu trên không làm hài lòng cử tọa lắm; nhất là bác sĩ Luyện lại nói ấp úng, dây dưa hồi lâu. Tôi phải nói lảng ra chuyện khác. Tôi đề nghị tóm tắt các công việc đã làm từ lúc lên Đà Lạt để mọi người nghe. Nhiều người vì bận, đã không theo dõi các buổi họp hằng ngày. Cuối cùng Giáp kể tình hình trong Nam bộ.

Chiều ngày ấy và cả ngày sau, mồng 2 tháng năm, không hội họp gì. Chúng tôi cũng không ra ngoài, quây quần cùng nhau hoặc riêng rẽ nghĩ đến phiên họp Đại hội ngày mồng ba. Phe Pháp đã trả lời không chấp nhận phản đề nghị của ta. Phái đoàn ta bàn phải nhận đề nghị của họ, nhưng sẽ thêm thắt một vài điều.

***

Thứ sáu mồng 3 tháng 5. Sau chín ngày dừng họp Ủy ban Chính trị và Toàn thể đại hội, nay bắt đầu họp Đại hội đồng để thanh toán vấn đề Đình chiến để có thể bàn đến các việc khác quan trọng trong chương trình nghị sự. Phái đoàn ta cũng hiểu rõ rằng kéo dài hội nghị cũng không đi đến đâu nữa, vì ý định lập Chính phủ Liên bang của Pháp rất cương quyết và chỉ nhận thí cho Việt Nam một vài danh hiệu trống không. Trái lại Phái đoàn Pháp có lẽ tiên đoán ta sẽ tấn công dữ nên cũng đã soạn sửa phản công mãnh liệt. Lại thêm có những sự bất ngờ sẽ xảy ra, nó sẽ làm phiên họp hôm nay náo nhiệt.

Bốn giờ chiều. Trời vừa mưa. Các phái viên tề tựu đông đủ. Các nhà báo ngồi đợi, tò mò; họ ức đoán sẽ có việc gì quan trọng.

Đến phiên Nguyễn Tường Tam chủ tọa. Tam giảng lí do phiên họp Đại hội lần nầy; nhắc lại sự hai Phái bộ không đồng ý với đề nghị đình chiến của đối phương, và cuối cùng Phái đoàn Pháp đã kiến nghị xin hai Chính phủ lập một ủy ban ngoài hội nghị để nghiên cứu vấn đề đình chiến. Tam kết rằng: "Hôm nay họp là để Phái đoàn Việt Nam trả lời kiến nghị ấy".

Nhìn mặt các người Pháp trong phòng họp bấy giờ, thấy đều lầm lì. Không khí nặng nề. Họ sợ hay mong ta chấm dứt hội nghị chăng ? Họ sợ ta phản công chăng ?

Max André đứng dậy, trịnh trọng nói rằng: "Ba giờ trước lúc này, ông hội đồng tư vấn Trần Văn Thạch vừa bị ám sát tại Sài Gòn. Chúng tôi kính chào linh hồn người quá cố, người đã nối lại con đường bằng hữu giữa Pháp và Việt; và chúng tôi mạt sát những kẻ sát nhân và những kẻ xúi giục chúng".

Không khí phòng hội càng nặng nề. Tin này có lẽ tất cả phái viên ta bấy giờ mới hay. Ai cũng có vẻ ngạc nhiên, nhưng cũng đều cúi gầm mặt. Riêng tôi, đã biết Trần Văn Thạch nầy khi cùng ở nhà Học xá Đông Dương tại Paris. Khi còn học Dược khoa, ảnh đã nổi tiếng trong đám sinh viên là một gã ăn chơi sang trọng, nhưng học hành cũng được tốt nghiệp. Tôi không ngờ nay ảnh đã nhập vào nhóm bác sĩ Thinh, để đến nỗi thiệt mạng.

Dương Bạch Mai đứng dậy trả lời, với giọng rành mạch, hùng tráng, sỉ mắng "những người bán nước ở Nam bộ để kéo dài chiến tranh". Mai nói tiếp rằng: "Ở Nam Bộ, nứơc Pháp đang bị lừa dối bởi những kẻ có tham vọng đồ sộ. Nhưng hôm nay là bởi Phái đoàn Việt Nam muốn công việc Hội nghị tiến hành, và muốn tỏ lòng hợp tác với nước Pháp. Vậy Phái bộ Việt Nam nhận lời đề nghị của Phái đoàn Pháp đưa ngày 22 tháng tư; chỉ yêu cầu thêm vào 3 điểm để làm thêm rõ ràng: một là mỗi bên cử ba người vào ủy ban nghiên cứu Đình chiến; hai là sau khi Hội nghị Đà Lạt giải tán, ủy ban ấy sẽ tiếp tục làm việc ở Hà Nội hoặc ở Huế; ba là tại phiên họp đầu, ủy ban sẽ bàn về Đình chiến ở Nam bộ".

Hôị nghị dừng tạm hai mươi phút để hai bên bàn riêng. Có phái viên bên ta muốn, lúc vào hội trở lại, trả lời về việc Trần Văn Thạch, và nên nói: "Việt gian bị giết là đáng". Tôi đáp: "Xin bàn về sự có trả lời hay không. Trả lời thì đã có anh Mai làm rồi. Đã chuyện Thạch trước, lại chuyện Thạch sau; ta nên lờ đi kẻo đối phương dễ tuyên truyền khiến ta khó nói".

Khi trở vào hội, bên ta im lặng. Pignon nói Phái đoàn Pháp ưng thuận những điểm thêm của ta, nhưng "nếu có việc khác cũng quan trọng như vậy thì cũng sẽ phải bàn liền". Phe ta ưng thuận. Ai cũng tưởng việc xung đột nầy, như thế là tạm yên. Nhưng Pignon vẫn trách Chính phủ ta để dân gây nhiều sự quấy rối, giết chóc, phá hoại. Giáp trả lời rằng: "Việc Đình chiến đã thôi bàn ở đây, thì nó sẽ được bàn giữa hai Chính phủ và ở ủy ban nghiên cứu".

Messmer giơ tay xin nói. Rằng: "Từ trước tôi không muốn can thiệp vào việc bàn đình chiến ở Nam bộ. Nhưng vì Giáp đã chọn vấn đề ấy để tranh thủ, thì tôi phải bàn và trả lời."

Nên để ý đến cách xưng hô của Messmer. Ông ta đã nói "Giáp" chứ không nói "ông Giáp". Ấy vì từ lúc chúng tôi lên Đà Lạt, Messmer, với Bousquet đã làm thân với Giáp, bàn luận riêng với nhau nhiều, và có cử chỉ đối với Giáp như bạn thân. Vả chăng, có lẽ Messmer trong thâm tâm không đồng ý kiến với Đề đốc D’Argenlieu về vấn đề Nam bộ, chứng là ông có lúc đã trả lời ta rằng: ông không bàn đến vì phải tuân lệnh. Là một kháng nhân Pháp thành thực có lẽ ông có cảm tình với Giáp thực. Nhưng nếu có cảm tình, thì hôm nay cảm tình cũng hết rồi.

Messmer nói tiếp: "Đây là giấy má quan trọng mà chúng tôi đã lượm được tại Nam bộ. Tôi có cả hồ sơ lớn, có cả nguyên văn. Đây là dịch một vài bài. Về việc đốt kho thuốc súng(kho thuốc súng Sài Gòn bị đốt ngày 8-4), có giấy của chỉ huy khu 7, Nguyễn Bình, đã ghi rằng "một cảm tử ta đã đốt được kho thuốc súng Sài Gòn". Làm như thế, các anh không nghĩ đến các người sẽ bị nạn ở vùng lân cận. Có lẽ các anh bảo rằng đó là việc xảy ra trước lúc họp Hội nghị ở Đà Lạt. Nhưng đây là một mệnh lệnh khác của chỉ huy Nguyễn Bình nữa. Lệnh rằng: "Để ủng hộ Hội nghị Đà Lạt, có lệnh tổng tấn công".

Giáp trả lời rằng: "Một là, nếu quân đội Pháp không đình chiến, thì quân Việt vẫn phải tự vệ để bảo tồn danh dự và phải bắn trả lại. Nếu quân Việt Nam còn bắn, thì Pháp vẫn đánh lại. Như thế thì chỉ kéo dài sự khủng bố dân, chứ binh sĩ hai bên không thiệt hại gì. Hai là về việc đốt kho thuốc đạn và lệnh tổng tấn công để ủng hộ Hội nghị Đà Lạt, thì chúng tôi không được biết đến. Nhưng sở dĩ có những việc ấy, là vì quân Pháp bắt đầu tàn sát nhân dân. Đây là một vài chứng cứ: trong những ngày 14, 15... tháng tư, máy bay Pháp ném bom giết năm mươi người và làm bị thương một số lớn người, đốt cháy nhiều nhà. Kể ra hết thì vô cùng! Vậy chúng tôi yêu cầu ngừng hẳn đánh nhau".

Max André dàn xếp qua loa. Rồi Nguyễn Tường Tam nói nên bàn sang mục thứ hai trong chương trình nghị sự hôm nay: trao đổi ý kiến về các đề nghị đã trao đổi giữa hai Phái bộ.

Như trên đã kể, trong khi chờ đợi họp buổi đại hội này, hai bên vẫn tiến hành trao đổi những đề nghị Kinh tế và Quân sự. Về mục các tài sản, kĩ nghệ của Pháp hiện có ở đất Việt Nam, Pháp đã đề nghị phải để y nguyên tất cả. Ta đã phản nghị rằng về một vài ngành cốt thiết cho sự sinh hoạt của toàn dân thì chủ nhân cũ phải nhường lại cho nhà nước ta.

Sau lời ôn hòa của Tam, Bousquet lại đại tấn công. Rằng: "Đề nghị ngày mồng 2 tháng 5 của Phái đoàn Việt Nam về các công nghệ của Pháp làm cho Phái đoàn Pháp rất ngạc nhiên. Đó là một thủ đoạn lược đoạt (spolier). Từ bữa sang đây đến nay, chúng tôi gặp gỡ một vài Phái viên Việt Nam một cách thân mật. Chúng tôi đã không ngờ rồi có đề nghị này. Các anh sẽ mất cảm tình của một vài bạn các anh. Cũng thuộc lí tưởng ấy, các anh đã chiếm đoạt Viện Pasteur".

Sự can dự một cách hung tợn của hai ông "bạn anh Giáp" làm tôi khá ngạc nhiên. Họ đã thành thực có cảm tình với anh Giáp mà nay thành thất vọng nên đổi thân ra ghét chăng? Hay trước họ giả dối lấy tình để nhử rồi nay lật rõ bản tướng chăng? Tôi lại nghĩ: đối với dân Việt Nam, thì những người này là người mới, của nước "Pháp mới". Chắc họ không có những thành kiến xấu của những kẻ thực dân bám hại dân ta từ trước. Vì vậy trong khi hoãn Hội nghị mười lăm phút, chúng tôi đã đoán rằng Phái đoàn Pháp đã dùng một chiến lược tranh luận không đúng mức hôm nay mà thôi. Chắc họ tưởng rằng sau khi Hội nghị sắp bế tắc, thế nào ta cũng tấn công dữ, cho nên họ đã cắt công việc cho những Phái viên chính trị can trọng, từ Pháp gửi sang, ra phản công kịch liệt. Họ đem những sự kiện rất bất lợi cho thanh thế để buộc tội ta đã dùng ám sát, phá hoại, lược đoạt để phá Hội nghị và cuộc điều đình. Họ đưa ra những người mà họ coi là thân tả, để tỏ rằng các tả đảng ở Pháp cũng mất cảm tình đối với ta, và để bảo trước rằng đừng mong khi sang Pháp sẽ có các đảng ấy giúp nữa. Họ đã không đoán trước thái độ rất ôn hòa của Phái bộ mình, thái độ mà chúng tôi đã bàn định trước. Vì vậy, họ đã "bắn đại bác quá xa!", theo lời bình luận của anh em. Họ đã làm cho những người nhà báo ngồi nghe cũng ngạc nhiên. Nghe nói có nhà báo Pháp đã viết rằng tụi trẻ kia đã giá ngự, lung lạc, trong khi tranh luận, già giặn như các cụ râu xồm đảng Cấp tiến!

Trong khi nghỉ, chúng tôi lại cất đặt công việc ai trả lời câu nào. Sau khi tái nhập Hội đồng, Trịnh Văn Bính mở đầu cho những câu buộc tội của Bousquet. Bính nói: "Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên lúc nghe ông Bousquet nói đến chữ spolier. Chúng tôi đã đọc đi đọc lại bài đề nghị của chúng tôi, thì tuyệt nhiên không thấy chỗ nào có thể làm Phái đoàn Pháp có thể hiểu như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng hoặc vì hai chữ cession obligatoire chăng ? - nhường một cách bắt buộc - Nếu đúng vì thế, thì xin hiểu câu ấy có nghĩa là cession onéreuse obligatoire - nhượng với bồi thường nhưng bắt buộc - Nhưng thôi! Xin để ủy ban Kinh tế sẽ bàn giải".

Bousquet vẫn ra mặt giận dữ, nói lúng túng mấy câu: "... giao kết như thịt với nĩa! - entente entre le bifteak et la fourchette... Đưa tao đồng hồ của mày rồi tao bảo giờ cho! - donne ta montre et je te dirai l'heure..." Nhưng rồi cũng chịu để sang phiên Ủy ban Kinh tế và Tài chính sẽ bàn.

Tôi xin nói. Đầu tiên, tôi giải thích về chuyện viện Pasteur. Tôi nhắc lại đề nghị của Phái đoàn ta ở Ủy ban Văn hóa dự định lập lại các Viện Pasteur ở lãnh thổ Việt Nam, rồi tôi nói:

"Việc ông Bousquet đã đề cập là việc Viện Pasteur Hà Nội. Việc ấy như sau. Ngôi nhà viện ấy, nguyên là của chính quyền cũ ở Bắc bộ cho viện thuê. Hiện nay về quyền sở hữu ấy chưa giải quyết. Vả Viện ấy đã bỏ giao kèo làm thuốc. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã phải tạm chiếm lấy Viện để tiếp tục làm thuốc cho nhân dân. Nhờ vậy, trong mùa dịch thiên thời năm 1945, đã có đủ thuốc cho cả dân Việt và Pháp ở Bắc Bộ.

"Vả sau mấy lời ông Bousquet đã nói, tôi phải xin bày tỏ ý nghĩ chung của Phái bộ Việt Nam.

"Chúng tôi lên Đà Lạt cốt ý để rèn dây liên lạc lâu dài nối Việt Nam và Pháp. Nhưng chúng tôi phải trọng sự tự chủ của Việt Nam và bảo toàn sự liên hệ kinh tế với Liên bang Đông Dương. Chúng tôi đã mừng được gặp Phái bộ Pháp gồm những vị thuộc phong trào Kháng chiến đã giải phóng nước Pháp. Chúng tôi cũng đã từng mong gặp nhau sớm hơn, trong khi còn hòa bình giữa chúng ta. Lên đến đây, chúng tôi những tưởng được làm việc trong bầu không khí êm đềm và lặng lẽ. Những sự xảy ra tại Nam bộ làm chúng tôi thất vọng, và nhất là sau khi thấy Phái bộ Pháp không thể bỏ qua những kĩ xảo thủ tục để tránh giải quyết vấn đề Đình chiến, mà ai cũng coi là công bình và nhân đạo.

"Vì các lẽ ấy, hội nghị Đà Lạt khai mạc đã nửa tháng nay mà còn nằm trong bầu không khí khó chịu, tuy nhờ sự nhã nhặn của các Phái viên Pháp đã làm nó bớt đi nhiều. Nhờ sự giao thiệp giữa các cá nhân, cho nên công việc điều đình vẫn tiến hành. Nhưng những đề nghị Pháp đã không khỏi làm cho chúng tôi lo. Những điều yêu sách về mọi phương diện, Chính trị, Kinh tế, Quân sự, cho cả đến Văn hóa, sẽ tạo ra một cơ quan nó sẽ bóp chết sự tự chủ mà chúng tôi mới cứu vãn lại.

"Phái bộ Việt Nam đã tỏ thái độ thân thiện và hòa giải. Chúng tôi đã nhận để văn hóa Pháp tự do truyền bá ở đất chúng tôi. Chúng tôi đã nhận nguyên tắc hợp nhất quan thuế; và tuy rằng chúng tôi lấy làm đau đớn thấy kéo dài sự khổ sở cho tất cả đồng bào chúng tôi ở Nam bộ, chúng tôi cũng chỉ đành nhận "một Hội đồng để khảo cứu và đề nghị những phương pháp đình chiến" mà thôi.

"Chúng tôi mong rằng Phái đoàn Pháp hiểu chúng tôi.

"Ừ! chúng tôi cũng muốn đem quyền lợi của một dân tộc có hơn hai mươi triệu người và hơn một nghìn năm độc lập, liên kết với quyền lợi của nước Pháp mới. Nhưng chúng tôi không có quyền tiêu hủy bản lệnh quốc gia của chúng tôi. Đây là một dân tộc mới hồi sinh và chỉ muốn sống. Chúng tôi quyết không thể để tái lập những điều kiện làm cho nó có thể bị bóp nghẹt.

"Phái đoàn Pháp có lẽ trách chúng tôi đa nghi. Không phải thế đâu. Mặc dù những sự xảy ra ở Nam bộ, chúng tôi cũng đã cố gắng gây một bầu không khí tin nhau; mà nếu không có nó, thì không hiệp định nào có thể bền chặt, và tôi lo sợ, "Liên hiệp Pháp quốc" cũng không thể lâu dài".

Tôi đã nói khá lâu, nói thong thả, giọng trầm trọng. Càng nói, tôi lại càng cảm động, giọng lại càng trầm trọng, có lúc như muốn tắt. Nhìn xuống cử tọa, các phái viên Pháp và các nhà báo và các tùy viên, phần lớn cúi đầu. Nguyên những lời suy nghĩ trên, tôi đã soạn trước vì tôi cảm thấy ý chí Chính quyền Pháp ở đây như hồi thuộc địa trước, đã định phá hủy cái quốc gia Việt Nam để không khi nào tái lập lại nữa, cho nên cãi cọ những chi tiết không thể đem đến đâu. Vậy tôi đã đề nghị với anh em để tôi tỏ bày ý nghĩ chung cho Phái đoàn mà cũng là chung cho cả đồng bào. Họa là sẽ có tiếng dội xa hơn cãi cọ chi tiết.

Không khí sừng sõ của Phái đoàn Pháp ban đầu buổi họp đã tan. Max André trả lời hòa nhã về ba điểm. Một là về việc Viện Pasteur thì ông khuyên nên giải quyết cho xong. Ông kể rằng: "Trong hồi Paris bị chiếm đóng, người Đức vẫn kính trọng viện Pasteur, và mỗi lúc họ vào đó, họ cũng cầm mũ ở tay. Vậy nếu đem việc nầy ra quốc tế dư luận, thì chỉ thiệt cho Việt Nam". Hai là "Kĩ xảo thủ tục", ông nói: "Nếu chỉ vì thủ tục mà thôi, thì Phái bộ Pháp có thể vượt qua khó khăn được. Nhưng về đường thực tiễn thì Phái bộ Pháp không thể giải quyết được". Điểm thứ ba là câu "Cơ quan bóp nghẹt bản lệnh quốc gia của Việt Nam", thì ông nói rằng cơ quan ấy sẽ không bóp nghẹt, nhưng nó cũng không phải chỉ có tính cách kinh tế mà thôi.

Nguyễn Mạnh Tường trả lời Max André về việc Viện Pasteur, trên lập trường pháp luật quốc tế; rồi kết rằng: "Nếu đem chuyện ra dư luận quốc tế, thì chúng tôi cũng không sợ thiệt đến thanh danh", Pignon chêm vào rằng: "Người Pháp đã không làm việc được ở viện, lúc ấy thì lỗi tại ai ?" Tường trả lời: "Đừng quên rằng lúc ấy quân Nhật mới đảo chánh chính quyền thuộc địa".

Max André thấy bên Pháp thất lí trong việc này, bèn nói: "Chúng ta nên nghĩ đến tương lai. Thôi! Bỏ qua quá khứ" Rồi đề nghị với Tam bế mạc Đại hội. Mọi người đứng dậy ra về. Trong không khí cởi mở ồn ào, có viên giáo sư Davée, tùy viên báo chí Pháp lại gần tôi và ân cần nói: "Tôi hiểu ông lắm. Tôi chắc nhiều đồng bào chúng tôi cũng hiểu". Pignon và Torel cũng cùng lại bắt tay tôi. Pignon bảo: "Ông nói rất hay!" Torel nói: "Ông đã nói giản dị nhưng rất cảm động". Hai ông nầy là hai viên cố vấn chính trị của Cao ủy và là những nhân viên cao cấp trong ngành cai trị thuộc địa. Lời khen của họ nghe ra không phải lời sáo, vì không gì bắt buộc họ phải nói. Sự ấy đã làm tôi mát lòng vì tưởng đã đạt được mục đích ít nhiều; nhất là khi đi ra qua cửa phòng Hội nghị, tướng Salan ngực ưỡn, mắt xanh lạnh ngắt mà cũng khều tay tôi, nắm nhẹ và bảo khẽ: "Chúng tôi hiểu ông".

Tôi thì tự thấy trong người khá mệt, về phòng, kiểm điểm, thấy phiên Đại hội lần này rất khó cho ta, nhưng các phái viên ta đã làm tròn bổn phận và trả lời cũng đúng mức. Tuy những dấu cảm tình của một vài người Pháp đã làm bớt bực bội, nhưng chúng tôi hiểu rằng nếu không có binh lực và tinh thần đồng nhất chống cự chính sách tàm thực của Thực dân, thì lời nói chỉ là trò suông. Vì vậy, Võ Nguyên Giáp thấy mình cần có mặt ở Hà Nội hơn ở đây. Anh đã ra vẻ tư lự đăm đăm và đang liệu cách cáo về như Gourou đã đi và Max André cũng sắp rút lui.

(xem tiếp phần 5)

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Hoàng Xuân Hãn
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss