Một Vài Kí Vãng về Hội Nghị Đà Lạt (5/5)
MỘT VÀI KÍ VÃNG VỀ HỘI NGHỊ ĐÀ LẠT (5/5)
Hoàng Xuân Hãn
Ngày hôm sau, thứ bảy mồng 4 tháng 5, nghỉ họp, để soạn sửa sự hội họp quan trọng về tất cả những vấn đề Chính trị, Kinh tế, Tài chánh và Quân sự, làm sao cho xong cuối tuần sau. Cuối cùng, Giáp phải ở lại.
Buổi sáng, ngồi thong thả, tôi ôn lại những chuyện cũ của mình. Nhớ lại ba năm trước đây, trong vụ hè năm 1943, tôi đã lên đây dạy khoa Toán học cho một số sinh viên, phần đông người Pháp, dự bị thi vào lớp võ bị Saint Cyr. Hồi ấy là hồi phồn vinh bực nhất cho đô thị Đà Lạt. Không những đô đốc Decoux thích trương thế oai vệ để gây ấn tượng cho người Nhật và dân ta, mà các viên chức cao cấp Pháp lúc bấy giờ không thể hưu hoặc nghỉ ở Pháp, đều lên Đà Lạt. Tuy vật liệu hiếm, mà nhà cửa đang xây cất nhiều, và xây bằng những kiểu đẹp. Lúc bấy giờ có người Pháp hài hước đã gọi Đà Lạt là một "nghĩa địa Voi" - Cimetière des éléphants - vì có truyền tưởng rằng khi những con voi về già, ốm thì tới những nơi độc nhất vắng vẻ để chết tại đó. Ở Âu châu, quân Mỹ đổ bộ lên đất, và thống soái Badoglio đã đầu hàng. Các nước bị Đức, Ý chiếm đã có cơ được giải phóng. Ở đấy, dư luận thầm kín lao nhao. Người Pháp bắt đầu hí hửng, còn người Việt thì vẫn bị công an chính trị thực dân đè áp; và về đời sống, phải cung cấp cho hai bộ đội và hai nhóm ngoại nhân: Pháp và Nhật. Lúc bây giờ, tôi có ghi tâm sự trong một bài Đường luật:
Nhìn xem thế cuộc rối tơi bời
Đà Lạt, ta nào có nghỉ ngơi
Giảng dạy công toi gà ấp vịt
Tri hô chuyện hão vẹt đua người
Lên cao mới thấy trời trong trẻo
Hưởng mát càng thương chốn
nắng nôi
Hoa suối, Thông rừng thôi nín
trách!
Đợi ngày thong thả trở lên
chơi
Năm nay đã trở lên Đà Lạt nhưng với trường hợp khác hẳn, và bi đát hơn nhiều. Cho nên khi khuây việc, tôi lại nối mấy vần Cảm khái:
"Thông
rừng, Hoa suối, nhớ ta không?
Lỗi hẹn cùng nhau luống ngại ngùng
Non nước còn vương cơn bối
rối
Tâm tình đâu đến lúc
thung dung
Chào Hoa luống sợ Hoa cười gượng
Ngắm Núi dường e Núi lạnh
lùng
Tắc lưỡi giở đem đền nợ
nước
Khúc mừng mong có lúc ca chung"
Mà cảnh đô thị Đà Lạt thì đẹp thật, đối với những người quen cảnh đồng bằng thán thán, thì cảnh tượng bày ra trước mắt, khi ngồi trong phòng cao khách sạn trông ra, thật vừa xinh, vừa êm, vừa biến thái. Trông gần thì hồ bày trên đồi cỏ, nhà cửa ẩn nấp trong những lùm cây; trông xa thì những dãy núi cao thấp kéo vòng quanh, thỉnh thoảng màu lục lại xen những rừng thông xanh thẳm. Lối đi đất đỏ quanh hồ rồi ngoắt ngoéo trườn lên đồi cỏ lục chung quanh. Tôi lắm lúc ngồi lâu, thu hình ảnh nước non vào ảo mộng.
***
Bữa cơm tối xong, tôi sang phòng Vũ Văn Hiền ngồi xem buổi Hiền "khảo thí" bác sĩ Luyện. Các việc tài chính tỉ mỉ sắp phải đem ra bàn ở ủy ban trong tuần tới. Hai bên đã trao đổi đề nghị. Phái viên ta, theo lệ, tìm kiếm lí lẽ của đối phương rồi tìm cách đối phó của mình. Như tôi đã nói ở trên, anh em lại chia nhau làm địch, làm thân, mà "tập trận"; đứng giữa lại có trọng tài. Không khí làm việc rất vui, vì nhiều khi vừa đóng tuồng vừa làm việc. Mang danh sai sứ, mà sống với nhau như một nhóm sinh viên, âu yếm nô đùa.
Tối hôm ấy, Vũ Văn Hiền, bác sĩ Luyện và Trịnh Văn Bính đang soạn sửa về vấn đề tiền tệ. Pháp đã đề nghị đồng bạc Đông Dương chung, ta phản nghĩ sẽ có thêm nội tệ, theo Hiệp định sơ bộ. Hiền đóng vai Pháp để tìm bịa đặt câu hỏi của phe Pháp. Luyện đóng vai ta, tìm câu trả lời.
Trong bộ quần áo ngủ lụa mỏng, ngoài còn khoác thêm áo gi-lê, vì trời khá lạnh, Hiền mình béo ổn ển, hình dáng như một nhà tài chính kếch xù xoay ra nghề bán thịt lợn quay! Ảnh ngồi, hoặc nói cho đúng thì ảnh nằm giữa trong chiếc ghế bành, hai chân co xếp lên trên ghế. Tay cầm xấp giấy chép những điểm đề nghị của Pháp về Tiền tệ. Trước mặt Hiền, Luyện đứng, mặt trong như trăng rằm, có mấy làn mây đen bôi vệt: đó là hai đường mày và râu. Tóc lung tung, mắt trương trập, miệng ấp úng, đầu nghiêng đi nghẻo lại. Bác sĩ đang bị Hiền hỏi vặn. Vẻ người ông trịnh trọng với cuồng mắt thâm, ăn mặc quần áo chỉnh tề. Nhưng ông đã hóa ra một cậu học trò, học bài tuy thuộc, nhưng đang trả lời lúng túng trước một lão quan trường tò mò thóc mách.
Hiền bắt chước giọng nói của Gonon, một Phái viên chuyên môn kinh tế và tài chánh Pháp mà hỏi dồn rằng: "Về việc các anh đề nghị có hai đồng bạc khác nhau cùng xài, thì theo luật GRESHAM, rồi sẽ ra sao?" Gresham là một nhà tài chính Anh, đã nổi tiếng vào thế kỷ thứ 16; y đã xướng ra định luật tài chính bất hủ nói rằng: "tiền tệ xấu đuổi tiền tệ tốt". Nghĩa là nếu trong một xứ và trong một lúc dùng hai tiền tệ, ví dụ đồng bạc thật và đồng bạc giấy, thì người ta cất giấu tiền tệ tốt và chỉ xài tiền tệ xấu mà thôi; vậy trên thị trường hình như tiền tệ xấu đã trục xuất tiền tệ tốt.
Luyện trả lời: "Chưa biết đồng nào xấu, đồng nào tốt".
Hiền: "Nhưng cả hai đồng cùng lưu hành hay sao?"
Luyện: "Rất dễ trả lời..."
Hiền: "Trả lời đi!"
Luyện: "Không! Chúng tôi đã có cách chỉ để một đồng lưu hành trong xứ mà thôi".
Ý Luyện muốn nói để một đồng, đồng bạc Việt Nam lưu hành trong nước mà thôi; còn đồng bạc Đông Dương thì dùng vào ngoại thương. Hiền càng hỏi vặn, thì Luyện càng nói rằng rất dễ trả lời, mà ông càng lúng túng, cổ càng nghẻo đi nghẻo lại.
Bính, trọng tài ngồi bên cạnh; ăn bận rất chỉnh tề, áo màu đen, quần đen rọc dọc, trông như các vị đại lý tài; mày rậm, mắt to, làm bộ rất nghiêm. Nhưng cuối cùng, Bính không khỏi nhe răng trắng, bưng miệng mà cười. Tôi đứng nghe cũng không thể nào nín cười được. Rồi cả chúng tôi đều cười rinh. Luyện phải phân trần rằng đã bị lúng túng vì Hiền hỏi gấp quá! Bác sĩ Luyện là một người khá tự ái, nhưng rất thành thật đối với người rất nồng hậu. Vì làm thuốc giỏi, gia tư khá. Ông đã từng khuyến khích những nhà tài tử, như họa sĩ, văn sĩ. Nghe nói nhóm Phong hóa, Tự lực Văn đoàn lúc ban đầu được ông giúp rập; và về sau, khi những nhóm chính trị xã hội được công khai, ông cũng đã cụ thể ủng hộ. Sau ngày khởi chiến tranh Việt - Pháp ở Hà Nội, ngày 19 tháng chạp 1946, viên quản ngục Hỏa Lò ở Hà Nội báo cho chúng tôi bị giam giữ ở đó, hay rằng hai cha con bác sĩ đã bị bắn chết, vì có làn đạn từ trong nhà ông, ở cạnh sở Mật thám và Hỏa Lò, bắn ra ngoài...
***
Trong anh em phái bộ, bây giờ Nguyễn Tường Tam đứng địa vị rất khó. Danh là Bộ trưởng Ngoại giao cầm đầu phái bộ điều đình. Nếu phải nhượng bộ những điều mà từ trước trong đảng mình đã gọi là việc bán nước của Việt Minh thì đồ đảng không theo; nếu phải dùng cản lực để che chở độc lập, thì đảng mình bị lẻ loi; mà nếu muốn bám vào sức quần chúng thì phải tranh thủ với Mặt trận Việt Minh, như thế cũng không làm được. Vì thế tuy ra Hội trường, ảnh làm trọn phận sự, nhưng ảnh ít dự vào những sự soạn bàn. Có hôm tôi sang thăm ảnh bị ốm. Tôi nói đến chuyện chính trị, thì ảnh nói: "Những việc chính trị, thôi để các anh làm. Còn tôi thì về văn hóa mà thôi".
Hôm nay, ảnh ốm đã khỏi. Mặt gầy, trán cao, mắt lố. Chút râu trên mép chìa ra trước làm cho cằm càng kéo lại sau. Tôi lại thăm ảnh. Sau khi trò chuyện về chính trị, Tam nói:
"Tôi có câu chuyện triết lí. Lúc ban chiều, tôi một mình uống trà. Một con thiêu thân đớp tới, hút giọt nước đường; trông bộ khoái lắm, quắp râu nầy rồi quắp râu kia. Thình lình có một con nhện nhảy tới vồ thiêu thân".
Tam lại tự hỏi: "Vì có điều gì mà nhện lại ăn thiêu thân, chứ không cùng thiêu thân uống nước đường!?"
Tôi ngồi lặng nghe, nhưng không dám hỏi ảnh đã nghĩ đến sự đảng tranh hay đến sự Việt Pháp tương tranh.
Tam lại kể rằng:
"Khi tôi đau, nằm trong giường, dưới chăn, có lúc co một chân; đầu gối đội chăn lên, trông như núi Fuji ở Nhật. Co chân kia nữa, lại thành hai núi. Rồi dựng bàn chân lên, thành ba núi. Hút thuốc phà hơi, trông thật như mây tỏa trên ngọn núi".
Ảnh đang nằm trong giường, bèn tái diễn thực hiện câu chuyện kia: núi Phú Sĩ, cửa Thiên Môn, núi Ba Vì, mây cuốn la đà. Con mắt mệt mỏi của anh đã theo cơn mộng. Tôi phải nghĩ ảnh nhiều trí tưởng tượng mà thật là nhà thơ.
Ảnh thường cũng hay nói khôi hài, một cách ngộ nghĩnh. Một hôm tôi đến thăm bệnh tình. Thấy có mấy anh em Phái đoàn ngồi nói chuyện bông đùa, rồi trở sang nói chuyện binh bị: Tam điềm đạm thong thả lí luận, rằng:
"Muốn mạnh, phải có súng. Muốn có súng, phải có tiền. Bây giờ thì ta không có tiền, thì phải làm bạc giả. Như vậy thì lôi thôi. Chi bằng...làm súng giả!
Vậy ra sắc lệnh: Mỗi nhà phải sắm vài cây súng giả".
Cả tọa cười ồ, mà ảnh chỉ cười hơi hơi trên cặp môi thâm.
Câu chuyện ngỗ nghĩnh ấy thật đúng với trào phúng báo Phong hóa ngày xưa. Trong trường hợp bấy giờ, ảnh đưa ra làm vui nhưng cũng mỉa mai lắm. Nghe những câu chuyện của ảnh, tôi đã hiểu, một phần nào sự xung khắc giữa những người Mác-xít với ảnh.
***
Trưa thứ bảy mồng 4 tháng 5 ấy, nhân Max André về Pháp để ứng cử quốc hội, Phái đoàn ta đãi tiệc Phái đoàn Pháp để đáp bữa mời khi mới tới Đà Lạt. Đặt bàn dài trong phòng khách sạn Hoa viên (Hotel de Parc). Bữa cơm dọn món Việt Nam. Món chả giò rất được hoan nghênh. Các Phái viên Việt, Pháp ngồi xen nhau: tôi ngồi giữa tướng Salan và kĩ sư cầu cống Bourgoin. Đôi bên nói chuyện ồn ào và rất vui vẻ. Nhóm các anh Tam, Giáp ngồi giữa với Max André, Messmer bông đùa cười rất hồn nhiên. Thấy quang cảnh không ai dám đoán những người trong cuộc đã vật lộn hăng trong hội trường và biết đâu, nếu Hội nghị thất bại, sẽ thành những kẻ cừu địch.
Ngày hôm sau, chủ nhật mồng 5 tháng 5, là ngày dân Pháp bỏ phiếu trưng cầu dân ý về hiến pháp của nước Pháp mới. Ở Pháp, dư luận đang sôi nổi giằng co. Chính vì không đồng ý với Quốc hội, hiến pháp mà tướng De Gaule đã từ chức thủ tướng từ ngày 20 tháng giêng. Trong tiệc, các Phái viên Pháp nói chuyện về việc trưng cầu dân ý rất nhiều. Không hiểu ai bắt đầu, mà nhiều đại biểu Pháp đã nói lớn mình sẽ bỏ phiếu ra sao. Max André nói sẽ bỏ phiếu MRP, Messmer nói sẽ bỏ phiếu Xã hội vì tin tưởng, Salan cũng nói bỏ phiếu Xã hội và tin tưởng vì kỉ luật. Không ai nói bỏ phiếu Cộng sản. Nhiều người bỏ phiếu Xã hội. Sự ấy không lạ gì. Bấy giờ đảng Xã hội mạnh nhất ở Pháp. Thủ tướng Gouin ở Paris thuộc đảng ấy.
Khi gần xong tiệc, Tam đứng dậy nói mấy câu chúc Max André về, đi đường bình yên, và về Pháp sẽ được trúng cử. Ai cũng hân hoan; nếu không thành thực thì cũng vì xã giao. Max André mở miệng trả lời. Sau một câu ngắn ngủi cảm ơn, ông bắt sang chuyện điều đình rồi nói:
"Những người đã xúi giục giết Trần Văn Thạch là kẻ sát nhân. Phái đoàn Việt Nam chớ có ảo vọng về sự điều đình ở đây nữa. Nước Pháp đã nhường nhiều. Nước pháp bây giờ không phải là nước Pháp thời Munich đâu..."
Ai nghe cũng sửng sốt. Trong bữa tiệc mà mình là khách, là chủ tịch của một Phái bộ đại biểu một nước có tiếng thanh nhã như nước Pháp, sao lại có cử chỉ ngôn ngữ lạ lùng như thế? Phái viên Việt Nam tức tối nghẹn ngào, nhưng cũng làm ngơ nói sang chuyện khác. Chúng tôi cũng biết rằng Max André là người thân tín của các đại tư bản thực dân, đảng viên đảng MRP, đại diện của bộ trưởng Ngoại giao Bidault rất bảo thủ về chính trị và rất có óc thực dân. Tuy bên Pháp, đảng cộng sản tham dự chính quyền, nhưng họ cũng chẳng rộng rãi gì hơn Phái bảo thủ. Mà chính những người đồng chí trong Chính phủ Việt Nam cũng đã biết phải tự liệu lấy, chứ không mong gì họ giúp. Nhưng bấy giờ trong nội bộ chính phủ Pháp, thủ tướng Gouin đang xung đột với các bộ trưởng Cộng sản. Dưới áp lực của viện trợ Mỹ, ông đang ép họ phải từ chức. Phái viên Pháp biết rõ những những điều ấy, cho nên Max André mới có thái độ như trên.
Sáng hôm sau chủ nhật mồng 6 tháng 5, có cuộc họp riêng. Max André trao cho Giáp một bức thư để chuyển cho cụ Chủ tịch Việt Nam. Bức thư là một tuyên ngôn với giọng trịch thượng tột bực. Thư rằng:
"Nước Pháp Mới không tìm cách đô hộ Đông Dương, nhưng nhất quyết có mặt tại đó. Không cho rằng công cuộc của mình ở đó đã xong. Không chịu từ bỏ nhiệm vụ văn hóa của mình. Tự thẩm rằng chỉ có mình là có thể đảm bảo sự kích thích, sự điều hòa về kỹ thuật, kinh tế, ngoại giao và phòng thủ. Cuối cùng, bảo vệ quyền lợi tinh thần và vật chất của những dân nước mình.
"Làm các việc này mà vẫn kính trọng hoàn toàn bản lệnh quốc gia và với sự hiệp tác cần mẫn và hiếu hữu của dân Đông Dương".
Đà Lạt ngày mồng 5 tháng tư (có lẽ tháng 5) 1946
Kí tên: MAX ANDRÉ
Nguyên Pháp văn:
La France Nouvelle ne cherche pas à dominer l’Indochine.
Mais elle entend y demeurer présente. Elle ne considère pas son oeuvre comme terminée. Elle refuse d’abdiquer sa mission culturelle. Elle estime qu’elle seule est en mesure d’assurer l’impulsion et la coordination de la technique et l’économie, de la diplomatie et de la défense.
Enfin elle sauvegardera les intérêts moraux et matériels de ses nationaux.
Tout ceci, dans le plein respect de la personnalité nationale et avec la participation active et amicale des peuples indochinois.
Dalat le 5 Avril (sic) 1946
MAX ANDRÉ
Tuần cuối hội nghị Đà Lạt bắt đầu từ ngày mồng 6 tháng 5. Trong tuần phải bàn qua hầu hết các điểm lớn đã nêu ra từ đầu. Ủy ban chính trị, thứ hai bàn về Ngoại giao, thứ tư bàn về Liên hiệp Pháp, thứ sáu về liên bang Đông Dương và ngày cuối, thứ bảy, 11 tháng 5, thì bàn về dân Thiểu số và vấn đề trưng cầu dân ý. Còn hai ngày, thứ ba mồng 7 và thứ năm mồng 9, thì dành cho ủy ban quân sự và ủy ban tài chính và kinh tế.
Việc đình chiến đã bị gạt ra, các phiên họp nầy đều tiếp tục êm đềm hơn, chỉ trừ hôm cuối. Nhưng lập trường hai bên vẫn giữ khác hẳn. Chung qui vẫn chỉ là những buổi đấu khẩu giằng giai cho đến lúc hai Chủ tịch ban kí nhận "đồng ý về những điểm không đồng ý" mà thôi.
Về Kinh tế và Tài chính, Hiền, Luyện, Bính bàn cãi rất hăng. Nhưng tôi không dự buổi họp nầy, cho nên tôi không ghi vào sổ tay.
Về buổi họp ủy ban quân sự, vẫn như mọi lần, phần lớn là một buổi hội đàm giữa Giáp và Salan. Thỉnh thoảng Tạ Quang Bửu xen vào ít câu. Về nội dung, không tiến được bước nào lớn, ngoài sự nước Pháp sẽ huấn luyện, trang bị quân đội Việt Nam. Nhưng ý của Phái đoàn Pháp là sẽ làm qua Liên bang Đông Dương. Về các cứ điểm trên vĩ tuyến thứ 16 thì có thể thỏa thuận. Còn dưới vĩ tuyến ấy thì Salan không chịu nói đến.
Những điểm về chính trị là quan hệ hơn hết. Họp ba hôm mà cũng phải bỏ qua nhiều vấn đề. Phái đoàn Pháp đã cố ý để vấn đề Trưng cầu dân ý về Thống nhất vào cuối cùng, hoặc họ mong không có thời giờ bàn lâu tới; hoặc họ biết thế nào Hội nghị cũng bị tan vỡ nếu đem điểm ấy ra sớm hơn.
Vấn đề Ngoại giao được đem bàn ngày mồng 6 tháng 5. Là một buổi đấu khẩu giữa Clarac và Nguyễn Mạnh Tường, thỉnh thoảng có Pignon và Hiền xen vào một ít. Clarac bình phẩm dài về đề nghị ta. Tóm tắt đã nói rằng: "Các anh đòi độc lập hoàn toàn. Nhưng đừng quên rằng Hiệp định mồng 6 tháng 3 không có tính cách quốc tế, bởi vì nước Pháp đã được quyền trở lại đây, mà nước Pháp chỉ nhận lời nhường lại cho Việt Nam một ít quyền mà thôi; đó là quyền tự trị. Vả Liên bang Đông Dương là một Liên bang chính trị, chứ không phải liên ban kinh tế. Ấy vì hai phần tử kí ước - parties contractantes - là hai quốc gia, tức là hai cá nhân chính trị, cho nên Liên bang ấy là chính trị. NếuViệt Nam được có chính trị ngoại giao riêng, thì nó làm hỗn loạn ngoại giao của Liên hiệp Pháp... Tuy chính phủ Việt Nam đã vận động để các nước ngoài nhận, nhưng chưa ai nhận cả".
Clarac đã ngụ ý đến bức điện mà chính phủ ta đã gửi cho Tổng thống Mỹ báo tin Hiệp ước mồng 6 tháng 3 và yêu cầu Mỹ nhận Việt Nam là một nước tự do. Tôi còn nhớ rằng trước lúc có Hiệp định ấy, đài phát thanh Mỹ đã truyền lời tuyên bố của thứ quốc vụ khanh Hoa Kỳ (hình như tên là Vincent), bằng tiếng Pháp, rằng: Les Etats-Unis ne mettent pas en question les droits de la France en Indochine (Hoa Kỳ không chối cãi gì đến quyền của Pháp ở Đông Dương). Vì vậy Chính phủ ta gửi bức điện này để bảo rằng Việt Nam cũng là một nước.
Sau nửa giờ nghỉ, Mạnh Tường trả lời Clarac. Tóm tắt rằng: "Hiệp định mồng 6 tháng 3 có tính cách quốc tế, vì là một qui ước giữa hai nước tự do. Sự các nước chưa nhận Việt Nam không làm cho Việt Nam không có tính cách quốc tế. Còn nói rằng vì hai quốc gia, cá nhân chính trị, kí nhận Liên bang thì Liên bang phải là chính trị, như vậy thật là vô lí. Nếu đúng như thế, thì hai quốc gia kí với nhau một hiệp ước kinh tế, hiệp ước ấy sẽ biến ra chính trị hay sao? Còn việc liên hiệp, không phải vì vào Liên hiệp mà Việt Nam mất quyền ngoại giao. Còn có những nước khác cũng ở trong Liên hiệp khác, mà vẫn có ngoại giao.
"Sự cốt yếu là làm cho ngoại giao hai bên đi đôi cùng nhau. Khi Việt Nam đã có ngoại giao rồi, thì có thể dung hòa với ngoại giao Pháp... Bây giờ chúng ta như hai trai gái sắp cưới nhau mà vẫn cãi nhau. Cuối cùng, chàng trai lại bắt cô gái mang cái "đai bảo trinh" hay sao!?"
Các Phái viên Pháp cười ngất nga ngất nghẻo. Clarac đáp lại một vài câu lúng túng.
***
Ngày mồng 8 tháng 5 họp bàn về vấn đề Liên hiệp Pháp, mà ngày hôm trước cuộc trưng cầu dân ý ở Pháp đã không nhận Hiến pháp mà Quốc hội Lập hiến đã soạn, ưng thuận và trình bày. Dự án Hiến pháp vừa bị bãi bỏ, tất nhiên gồm Hiến chương Liên hiệp Pháp. Vậy thật ra không ai biết Liên hiệp Pháp là gì. Chính quyền Pháp đã phái D’Arcy thay thế Max André. Trong buổi họp nầy, D’Arcy đã can thiệp nhiều và trình bày Liên hiệp Pháp theo Hiến chương vừa bị chối từ: "Liên hiệp Pháp sẽ gồm các nước thuộc địa và bảo hộ cũ, có Hội đồng tối cao Liên hiệp là hội đồng thứ hai của nước Pháp. Nước Pháp có cao ủy đại diện ở các nước".
Mạnh Tường chỉ nhận tính cách liên lạc quốc tế giữa Pháp và Việt Nam, tuy Việt Nam vào liên hiệp, vì có hiệp định giữa hai nước tự do. Messmer trả lời rằng sự liên lạc ấy chỉ có tính cách hiến pháp tức là nội qui. Tường nói Việt Nam chỉ nhận Liên hiệp văn hóa, Kinh tế và binh bị mà thôi.
D’Arcy nêu ra những nguyên tắc của Liên Hiệp: trọng nhân quyền, phụ nữ quyền, cá nhân quyền. Bousquet nhấn mạnh về vấn đề cố vấn và kĩ thuật gia dùng trong các nước Liên hiệp. Cần đến những người này thì phải nhận người Pháp trước. Messmer thêm: nhất là những cố vấn quân sự. Giáp nhận nguyên tắc, nhưng nói: "Việt Nam có quyền từ chối và chọn lọc, và nếu không có người đảm đương thì có thể dùng người ngoài". Phái viên ta kết luận rằng Việt Nam không chịu vào một Liên hiệp tiên tạo, và có quyền dự bàn hiến chương Liên hiệp ấy.
***
Vấn đề Liên bang Đông Dương là vấn đề then chốt của Phái đoàn Pháp. Qua Liên bang, chính quyền thực dân Pháp sẽ quản trị Đông Dương như xưa, với một vị Toàn quyền đổi tên ra Cao ủy, và các công chức chuyên môn cao cấp họp thành một thứ nội các Liên bang chỉ gồm những quốc vụ khanh không trách nhiệm chính trị, và chỉ trách nhiệm trước Cao ủy. Sẽ có một hội đồng Liên bang, nhưng Cao ủy không có trách nhiệm trước Hội đồng. Torel cho biết rằng Cao ủy không làm chủ tịch Hội đồng. Chủ tịch sẽ được bầu bởi Hội viên. Những Hội viên sẽ chọn thế nào thì không rõ, nhưng dẫu sau thì cũng có trách nhiệm biểu quyết về ngân sách, pháp luật của Cao ủy lập ra, nghĩa là chỉ có trách nhiệm cố vấn mà thôi.
Phái đoàn ta đã tỏ ý từ đầu rằng không nhận một Liên bang chính trị, và chỉ nhận một Liên bang kinh tế mà thôi. Bourgoin trả lời rằng trong hoàn cầu, không có thứ Liên bang như vậy. Muốn làm cho ta bớt sợ, ông lại bảo rằng Liên bang không có chính phủ; chỉ có những vụ trưởng mà thôi, chứ không có bộ trưởng.
Chúng tôi nghĩ rằng liên bang như vậy lại còn chật hơn cả một Liên bang chính trị trong đó chỉ có dân trong nước Liên bang dự quyền. Liên bang này chỉ là một Liên bang hành chính trong đó người cầm quyền hành chính lại không phụ thuộc vào Liên bang. Cãi cọ cũng vô ích. Vả thời giờ còn rất ít, mà chúng tôi muốn bàn cãi về vấn đề Thống nhất một cách rộng rãi. Tôi bèn nói rằng chúng tôi chỉ đặt một số câu hỏi để thương xác một vài điểm, rồi báo cáo lên Chính phủ. Còn sự bàn luận thì để Hội đồng Paris.
Trong mục Liên bang, Phái đoàn Pháp còn nêu một điểm rất sâu hiểm là vấn đề bảo vệ những dân Thiểu số, nghĩa là về thực tế, là sự quản trị vùng Thượng Tây Nguyên ở Trung bộ và cả các vùng cao bọc Trung du Bắc bộ. Nhưng không còn thời giờ, họ đề nghị để lại hôm sau.
***
Hôm sau, thứ bảy, 11 tháng 5, là ngày cuối cùng của Hội nghị Đà Lạt. Cũng là ngày mà Phái đoàn Pháp chịu nhận đem vấn đề Thống nhất Ba kì ra Hội nghị. Ta đã thấy Chính phủ Pháp không chịu để Việt Nam độc lập. Còn về vấn đề thống nhất thì sao? Chúng tôi vẫn biết rằng Chính phủ Pháp vẫn giữ bí thuật thực dân "chia để mà trị", mà họ đã dùng, nhất là ở trên đất Việt Nam. Nhưng chúng tôi cũng cố gắng đánh thức những người mê muội và những kẻ vong bản phiêu lưu phụng sự chính sách thực dân ấy.
Từ tám giờ sáng chúng tôi đã hẹn nhau sớm tới phòng làm việc tại Khách sạn Hoa viên để bàn riêng, cắt công việc trước lúc vào hội. Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên và tôi bàn đề nghị để các Phái viên gốc Nam bộ, Hồ Hữu Tường và Dương Bạch Mai can thiệp nhiều và bảo tôi, là phụ trách tiểu ban Chính trị, nói cuối cùng. Nguyên, khi thảo vấn đề Trưng cầu dân ý, tôi đã bàn với anh em rằng: "Mình phải nghĩ đến sự thực hiện. Mà thực hiện thì Nam bộ bị người Pháp chiếm cứ với một binh lực khá mạnh, cho nên họ dễ lung lạc mà dùng nhóm Nam Kì tự trị. Trong bọn người này, tất nhiên có tụi Việt gian vì lợi riêng mà làm tay sai, nhưng cũng có những phần tử hoặc sợ Cách mạng vì tài sản, vì tính mệnh, hoặc đã bị những hành động quá khích của Cách mạng khi khởi đầu làm tổn thương đến người thân, ruột thịt người ta. Chính cụ Chủ tịch cũng đã nói: con dân một nước có người tốt người không, như bàn tay có ngón ngắn ngón dài. Vậy ta nên đề nghị một phương sách trưng cầu mà tất cả có thể nhận được. Vậy ta đề nghị rằng cuộc Trưng cầu dân ý sẽ tổ chức ở Nam bộ bởi một cơ quan hành chánh lâm thời gồm ba mươi người Việt Nam. Chính phủ Việt Nam chỉ cử mười người, Chính quyền Pháp cử mười người. Còn mười người nữa thì theo thỏa thuận của hai bên".
Phái đoàn ta đã bằng lòng đề nghị ấy, mà ta đã trao cho Phái đoàn Pháp.
Chín giờ rưỡi, bắt đầu họp. Buổi họp nầy là buổi cuối, trước Đại hội bế mạc tối nay. Các đại biểu Pháp sắp được về Sài Gòn hay Paris, đều vui vẻ. Vả chăng đối với họ, sự dự Hội nghị Đà Lạt chỉ là một sai dịch đặc biệt trong đời công chức của một nước lớn mà thôi. Còn tất cả Phái viên ta thì nét mặt tư lự, khổ tâm vì thấy sự điều đình đã thất bại hoàn toàn, và chính hôm nay, sự thất bại về vấn đề Thống nhất sẽ làm đau đớn nhất. Messmer, chủ tọa buổi họp, ngồi ghế giữa cuối phòng khá rộng. Tôi ngồi đối diện đầu phòng, Giáp ngồi sát phía phải tôi, và đối với phía cửa vào. Còn các Phái viên Pháp ngồi đối diện với dãy Phái viên ta. Các cố vấn và những bàng quan hôm cuối tới khá đông.
Messmer nói: "Hôm nay đem bàn hai vấn đề: Dân thiểu số và Trưng cầu dân ý".
Một viên công sứ cũ đứng dậy giảng giải lâu vấn đề dân nào là thiểu số, có phong tục riêng, không thuộc Việt Nam. Nước Pháp phải bảo hộ che chở. Trong khi bàn chuyện với người Pháp hôm qua, tôi đã rõ thâm ý của Cao ủy là tách phần đất Tây Nguyên thành một nước riêng trực thuộc nước Pháp, để dành cho sự thực dân của Pháp. Với nước Tây kì ấy, nước Pháp có một chân trong liên bang. Trước chiến tranh, chánh quyền Đông Dương cũng đã hạn chế sự di dân Việt lên vùng ấy.
Tôi đoán ý Phái đoàn Pháp đem việc này ra, một mặt thì tuyên truyền mạnh để biện chứng cần có chính quyền Pháp ở Đông Dương, một mặt thì để làm hết thời giờ buổi hội, khiến không bàn gì được về vấn đề Trưng cầu dân ý. Vì vậy tôi không xin tạm dừng họp để bàn với anh em, và trả lời lập tức rằng: "Chúng tôi đã rõ ý của Phái đoàn Pháp. Chúng tôi sẽ đem trình Chính phủ. Hội nghị Paris sẽ bàn lại".
Không ngờ rằng các anh em không hiểu ý. Đang hăng máu vì những lời rất khó nghe của chuyên viên Pháp, Giáp nói: "Việc ấy là việc nội trị của chúng tôi. Chính phủ đã có chương trình và đã thi hành chương trình chính trị ấy."
Nhân thế, các Phái viên Pháp lần lượt đứng dậy tấn công. Bourgoin nói rằng: "Việc nầy là bổn phận của nước Pháp. Nước Pháp có trách nhiệm trước mặt hoàn cầu."
Rồi Torel, Bousquet cũng nói hùa vào. Cho đến Ner là một người dự thính cũng can thiệp trực tiếp. Giáo sư Ner, thạc sĩ triết học, đã có lên xứ Thượng trong một thời gian để nghiên cứu về xã hội học. Ner bảo: "Việt Nam cũng phải nhận có cuộc Trưng cầu dân ý riêng về các dân Thiểu số."
Giáp càng tức, càng hăng, muốn trả lời thêm. Tôi phải biên mảnh giấy nhỏ đẩy sang, Giáp mới thôi. Tôi nói: "Xin để trả lời tại Paris. Nay ta hãy bàn sang điểm Trưng cầu dân ý".
Messmer nói xin dừng một lúc để đợi đánh máy cho xong lời đáp của Phái đoàn về điểm cuối nầy. Mười giờ rưỡi, ủy ban họp trở lại. Torel đọc lời đáp ấy, khinh miệt cái hoài vọng thiên nhiên của dân tộc ta, một cách không thể tưởng tượng. Đại ý rằng:
"Nước Việt Nam không phải gồm ba xứ. Thành phần nó là tùy theo kết quả của cuộc Trưng cầu dân ý.
Cuộc Trưng cầu dân ý sẽ chỉ tổ chức ở Trung Kì và Nam Kì.
Chính phủ Việt Nam không được dự vào chính trị của hai xứ ấy trước khi kết quả cuộc Trưng cầu dân ý ấy thuận.
Phái bộ Việt Nam không có quyền bàn gì đến nội trị các xứ ấy.
Nước Pháp sẽ tổ chức cuộc Trưng cầu dân ý và sẽ rất công bằng."
Tôi xin hoãn buổi họp nửa giờ. Anh em họp riêng trong phòng nhỏ. Uất khí lên đầy cổ, trước câu "Vous n'avez rien à dire sur cette question - Các anh không có điều gì được nói trong vấn đề này" của một Phái viên Pháp làm mấy anh tức cực điểm. Nếu cãi nhau liền, thì có lẽ to tiếng. Chúng tôi bàn nên bình tĩnh trả lời, miễn là tỏ được quyết tâm của toàn dân mong mỏi thống nhất, tỏ cho nước Pháp rằng họ đang đi lầm đường, và báo cho những đồng bào phần đang phải sống dưới chính quyền Thực dân, tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Phái đoàn ta dự định, sau khi vào, các đại biểu Nam bộ nói trước, các Phái viên khác sẽ tùy tiện trả lời những lí lẽ mà Pháp sẽ đưa ra, và dành cho tôi kết luận.
Khi vào hội lại, trong phòng im lặng lạ thường. Dương Bạch Mai đứng dậy. Khác hẳn mọi khi, anh thong thả cất tiếng nói, nhẹ nhàng, trầm tĩnh, nhưng rất buồn rầu. Tôi tiếc đã không chép lại trong sổ tay những câu tuyên bố của các người trong phiên họp cuối cùng nầy, vì buổi chiều và tối hôm ấy còn họp hai lần, và phải soạn sửa để ngày sau rời Đà Lạt.
Nhưng tôi còn ghi qua rằng Mai đã nói rằng Việt Nam gồm ba kì, kể lại lịch sử khai thác Nam Trung bộ và Nam bộ, lịch sử thống nhất dân tộc Việt, và vạch thiểm ý của chính sách Thực dân đã chiếm và chia rẽ đất nước ra làm ba để ngự trị. Rằng sau ngày giải phóng, dân Nam bộ đã tỏ lòng cương quyết thà chết hơn mất độc lập và thống nhất.
Pignon đem chuyện Hội đồng tư vấn Nam kỳ không chịu nhận điểm thống nhất ba kì và đánh điện cho Sainteny về chuyện ấy; lại nói đến đề nghị của bác sĩ Thinh. Rồi ông kết luận rằng: "Vấn đề Thống nhất Ba kì rõ ràng không phải là một vấn đề hành chánh, mà thật là một vấn đề chính trị."
Giáp trả lời. Ý là Việt Nam vốn chia đất ra ba kì để tiện việc cai trị. Vậy nay hợp lại chỉ là một vấn đề cai trị, nghĩa là hành chánh.
Messer nói rằng một nước phải gồm những người cùng sống chung. Nếu có kẻ không muốn, thì chỉ có cách hỏi ý kiến họ. Rồi Hiền, rồi Bousquet, đem các lời lẽ pháp lí chọi nhau để tỏ ai có quyền tổ chức cuộc trưng cầu dân ý.
Về vấn đề Nam bộ, Giáp đã có câu "Nếu Nam bộ mất thì dân Việt Nam chiến đấu cho đến khi đòi lại được". Mạnh Tường đã có câu "Nam bộ là thịt của thịt chúng tôi, máu của máu chúng tôi" mà sau này nhiều người đã dùng làm biểu ngữ. Huyên có câu có lẽ thâm trầm hơn, là "Không phải Nam bộ là của Việt Nam, mà Việt Nam là của Nam bộ." Sau cuộc cãi nhau hồi lâu, không khí rất là nghiêm trọng. Các Phái viên Việt đều tức giận, xót xa. Tôi xin nói để kết luận. Tôi nói khá dài, thật ra thì tôi đã cố gắng đọc một bài tuyên ngôn soạn sẵn, mà tôi tiếc đã mất nguyên văn. Tôi cảm động cho nên khó đọc nên lời. Tôi nhắc lại sự nhẫn nhục của Phái đoàn Việt Nam để đi tìm một giải pháp cho mọi phe về vấn đề then chốt của vận mệnh nước mình, và vạch rõ sự nhẫn tâm của thực dân đã dùng hết mọi cách để ngăn cản anh em một nhà sum họp.
Nhìn xuống phòng, thấy các hội viên đôi bên đều cúi mặt, như bị bầu không khí nặng nề đè nén trên đầu. Phút chốc Hồ Hữu Tường đứng dậy, hai mắt đỏ ngầu, đi vòng quanh các ghế, qua trước bàn tôi. Ai cũng nhìn theo trước lúc anh ra cửa. Giáp ngồi bên cạnh tôi cạy cựa, coi chừng không thể nín giận được nữa. Bèn đứng phắt dậy, ôm cái cặp nặng, đi chóng ra cửa, trước mặt tất cả các hội viên sửng sốt. Khi ra khỏi cửa rồi, anh đóng cửa cái sầm!
Trong khi các Phái viên ta lần lượt bỏ khỏi hội phòng, tôi phải dừng đọc. Tôi thấy thoáng qua cái tương lai không những đen tối, mà còn rất bi thảm cho sự giao thiệp Việt Pháp. Cái tiếng đóng cửa cái sầm của Giáp có đánh thức lòng mê muội của những người có cao kiến đến Chính trị Liên hiệp Pháp không? Còn đối với tôi thì đó là tiếng sấm đầu tiên trong cơn giông tố nó sẽ lôi cuốn dân Việt vào một cuộc chiến tranh bắt buộc để giành Độc lập và thống nhất cho Tổ quốc. Những hình hàng vạn nhà tan, hàng triệu dân chết hiện thoáng qua mắt mờ vì cảm động.
Nhưng tôi phải cố gắng đọc rõ mấy câu kết luận:
"Nếu Nam bộ bị bạo lực phải chia lìa với Tổ quốc, thì dân Việt sẽ đời đời tranh đấu để nối lại. Ý nước Pháp có vẻ muốn dùng việc Nam bộ để làm một cái "định ung" - abcès de fixation, nghĩa là một cái nhọt mà y khoa đã cố ý gây ra tại một chỗ nào trên mình bệnh nhân, để dồn nọc bệnh vào đó, kẻo nó xâm chỗ khác - Nhưng hãy coi chừng! Với sự tranh đấu không dừng của dân tộc Việt Nam, cái định ung sẽ hóa ra nhọt thối thịt, nó ăn lan tràn, làm mục nát khối Liên hiệp Pháp.
"Mặc dầu những kẻ, vì ghét một người hay một chủ nghĩa, mà phản bội xứ sở mình, Nam bộ không chóng thì chầy, sẽ trở về trong lòng tổ quốc. "
Tôi nói xong, mọi người đứng dậy ra phòng, không ai nhìn ai, không ai nói chuyện với ai. Tôi không biết ý nghĩ của các thính giả Pháp ra sao. Hình như họ đã cố bưng bít cái buổi họp cảm kích thương tâm này, nhưng họ cũng thấy rằng vấn đề Nam bộ sẽ là khối nặng buộc chân, mà nước Pháp phải kéo lê lâu dài.
***
Phái viên ta ai nấy về phòng mình nghỉ ngơi một chốc cho nguôi cơn cảm kích. Xuống ăn cơm trưa rồi ra phố xem có gì Hà Nội hiếm có thể sắm mang về. Cuối cùng mỗi người mua một đôi dép cao su! Hai mươi tờ giấy bạc Đông Dương một trăm đồng còn nguyên sẽ được đem về nộp Chính phủ.
Bốn giờ chiều, anh em Phái đoàn họp riêng để kiểm điểm công tác đã làm.
Nguyễn Tường Tam nói:
"Tuy hội nghị Đà Lạt không đem đến một sự thỏa thuận nào giữa Việt Nam và Pháp, nhưng đã có một kết quả tốt đã là đoàn kết tất cả anh em chúng mình, như đã hứa cùng Chính phủ trước khi lên Đà Lạt. Sáng nay, Đà Lạt đã thấy một cảnh tượng đáng ghi: từ anh Cộng sản đến kẻ Quốc gia, cùng rơi lụy trước sợ mất một mảnh đất nước nhà.
"Lịch sử đi đến chỗ đoàn kết có ba thời kì: Bắt đầu đánh nhau; đó là thời kì đau đớn; sau đến thời kì đoàn kết gượng để thành lập một Chính phủ đoàn kết; cuối cùng là thời kì đoàn kết tự do, không ai bắt buộc.
"Chúng ta phải đoàn kết. Các người phụ trách có thể làm cho đoàn kết mà không làm thì có tội. Chúng ta phải hẹn cùng nhau đoàn kết trong một giai đoạn ít ra cũng mười năm..."
Võ Nguyên Giáp nối lời:
"Đảng cộng sản và Mặt trận Việt Minh cũng chủ trương toàn dân đoàn kết. Trong một hội nghị Việt Minh, đã có đề nghị giúp Quốc dân đảng lập lại và mở rộng để có thể lôi cuốn tất cả toàn dân."
Giáp và Tam hứa hẹn cùng nhau rằng sau khi về sẽ giải thích cho đảng phái mình sự ấy. Giáp đã tin rằng mình sẽ đem hết tâm lực làm việc ấy và sẽ lượm được kết quả.
Giáp kết luận rằng: "Ngoài các đảng phái, anh em khác cũng phải đoàn kết. Ngoại giao phải làm từ gốc rễ."
Tam lại kiểm điểm thái độ chung của Phái đoàn. Rằng: "Chúng ta đã theo đúng chỉ thị của Chính phủ, là phải găng nhưng không đứt, là gạt bỏ những vấn đề không hợp ý nguyện mình, chứ không làm liên can đến Chính phủ".
Riêng tôi xét thì cá nhân Tam và Giáp bấy giờ rất thành tâm muốn bắt tay nhau thật thà mà làm việc. Qua ba tuần tiếp xúc với Phái đoàn Pháp, ai cũng thấy rõ rằng vận mệnh của nước ta nay chỉ còn mong ở sự kháng cự của dân ta và nhất là của Chính quyền ta. Những người Mác xít ta có lúc tưởng rằng với thắng thế của hai đảng Xã hội và Cộng sản Pháp sau khi Đức thua, nước Pháp sẽ thả Việt Nam nếu ta cũng đồng chí hướng. Bây giờ họ cũng thấy rằng những cuộc điều đình hoặc ở Hà Nội, hoặc ở Đà Lạt đều đã tiến triển với Chính phủ gồm các đảng ấy ở Pháp. Những đảng ấy tuy đông, nhưng không cản nổi, hoặc không muốn cản những nhóm thực dân dùng võ lực để chia xẻ nước ta ra nhiều mảnh, cắt xẻo những phần cốt yếu về phòng thủ và kinh tế để dần dần tiêu tán hoàn toàn cái quốc gia Việt Nam, dùng nhóm một người vong bản để nô lệ hóa nhân dân. Vì đều thấu rõ sự ấy, cho nên trước cái họa diệt vong, Tam và Giáp đã thấy ý tưởng Đảng là nhẹ mà ý tưởng Quốc gia là nặng. Tôi những tâm nguyện các anh giữ được chí hướng ấy lâu dài.
Với những ý nghĩ ấy, tôi cùng tất cả Phái đoàn vào dự phiên họp Đại hội đồng bế mạc lúc bảy giờ rưỡi tối.
Bourgoin chủ tọa, nói tóm tắt mấy lời, một phần nào tả sự thực. Rằng:
"Hội nghị đã làm cho hai bên biết rõ lập trường của đối phương. Những vấn đề đều được nêu ra rõ ràng, chính xác. Những đề nghị của Pháp đã tôn trọng sự tự do dân chủ của Việt Nam. Cả hai bên đã không mà cả điểm nào cả..."
Tam trả lời cũng vắn tắt: "Trước hết cảm ơn Phái đoàn Pháp đã tiếp đãi trong thời gian hội nghị. Phái đoàn Việt Nam cũng đồng ý rằng hai bên tỏ rõ lập trường nhau và không mà cả. Những đề nghị Việt Nam là vừa muốn liên hiệp với Pháp vừa bảo vệ sự tự do của mình. Sự định đoạt sẽ giành cho Hội nghị Paris."
Thế là xong Hội nghị Đà Lạt. Hơn ba tuần tranh đấu. Phái viên Pháp có lẽ coi như là một cuộc vừa nghỉ vừa làm việc. Còn Phái viên ta thì coi đó là cuộc bảo vệ sự sinh tồn cho dân tộc và cho cá nhân mình. Tối ấy, ngủ đêm cuối cùng ở Đà Lạt, mà không chắc gì còn có thể trở lại ngắm cái cảnh xinh đẹp của trung tâm miền Thượng nầy.
***
Rạng ngày sau, chủ nhật 12 tháng 5, ô tô Pháp đem Phái bộ đi đến sân bay. Có lễ tiễn tống gì không, tôi không ghi gì lại. Có lẽ chuyến về rất sơ sài giản dị.
Chín giờ bốn mươi, tàu bay cất cánh, bay thẳng về Bắc. Tàu đi chuyến nầy cửa mờ kín, nên khó trông ra ngoài. Anh em có lấy một số tờ báo ở phòng Báo chí mang về. Ngồi trong tàu, chia nhau đọc cho khuây.
Từ mười hai giờ, hình như trông thấy biển mù xanh. Máy bay bay cao, trông xuống thấy nhiều đám mây trắng nhỏ trôi dưới.
Cù Huy Cận, người nhỏ tuổi nhất, tính rất vui; pha trò làm anh em đỡ buồn. Cận ra câu đối:
Việc nước mười hai ông Phái bộ.
Có anh hỏi: "Câu đối như thế thì khó ở đâu ?"
Cận bảo là câu đối tức cảnh và có ghép những tiếng mười hai và tiếng nước. Tôi phải giải thích thêm cho các anh không hiểu rằng: "Tục ngữ có câu: Phận con gái, mười hai bến nước. Mười hai bến trỏ ý cách xa nhau; đây trỏ ý con gái đi lấy chồng phải lìa nhà mình, làng mình".
Có anh đối đùa rằng: "Đợi nhà ba bảy ả K.T". K.T là xóm Khâm Thiên, ngày trước là xóm cô đầu ở Hà Nội. Cận bẻ rằng còn thiếu phần ghép chữ. Tôi cũng đùa theo, xin chữa ra:
"Đêm mai ba bảy ả K.T".
và giải thích với vế Kiều: "Quả mai ba bảy đang vừa", trỏ con gái đến tuổi kén chồng.
Đại loại, các thơ đùa cũng đã làm trò vui cho quên cái buồn, cái mệt đã tích trong mình trong hơn ba tuần lễ. Cận làm thơ Vô đề dùng tên hoặc đặc điểm gì của một vài phái viên:
Đà Lạt hoa kia biết nói cười
Tường Nam, Tường Bắc biết theo
ai
Trưởng đoàn, đoan trưởng
đều cao cả
Thang một làm sao bắc cả hai
Đoan trưởng là Trịnh Văn Bính giám đốc vụ quan thuế. Trưởng đoàn là Nguyễn Tường Tam. Hai người này đều cao. Thơ chẳng có nghĩa gì, nhưng bạn đồng hành đều họa chơi. Tôi cũng có họa:
Đà Lạt hoa em mới ngậm cười
Theo làng Khoa, Giáp chứ theo ai
Hòe, Mai vẫy ngọn cao khôn với
Tam cấp thang đành bước được
hai
Thấy các thơ họa cũng vô duyên như thơ xướng, tôi mới đem bài thơ, mà tôi đã làm một hôm nghỉ họp trên Đà Lạt, ra cho các anh em xem, rồi mời họa, hoặc làm thơ ghi cảm tưởng hay tình tứ. Thế là các anh em ngồi im lặng khá lâu. Hòe, Cận, Hiền có thơ họa đưa tôi xem. Tôi tiếc đã không chép lại. Tôi chỉ ghi lời bình phẩm: Hòe thơ già dặn, Cận lời bóng bẩy, Hiền chịu khó nhưng chưa quen làm thơ.
Rồi các hành nhân dần dần ngủ gà ngủ gật. Tiếng chong chóng tàu như sấm bão, làm cho không nghe người ngồi bên cạnh nói. Cửa sổ gương mờ, chỉ có một lỗ nhỏ ở giữa. Phải ghé mắt gần sát mới thấy mây, đất, núi, sông. Gió lọt qua khe hở thổi lạnh cả lưng. Trong lúc tai không bưng mà điếc, mắt không bịt mà mù, tôi chỉ còn cách nhìn quanh trong tàu mà ngắm các anh em; anh ngủ ngon lành, anh đọc nhật trình, anh ra vẻ mơ màng, anh ra dáng mệt mỏi. Lại có bốn anh quay quần đánh bài ở phía sau tàu.
Trong khoảng không gian chật hẹp ấy, mà tôi thoắt thấy như đang cô quạnh ở chốn thanh u. Mơ màng nhớ cảnh núi hồ Đà Lạt, ngẫm lại những lúc cảm kích vì phải nghe những lời đối phương lấn ép, phải nỗ lực lấy lẽ phải luận bàn. Tôi ngẫm nghĩ một bài hát nói để ghi lại cảnh vật và tâm tình.
Bài hát Hội nghị Đà Lạt ấy như sau:
Núi Đà Lạt xa quanh mình uốn
éo.
Lững lưng đồi, ai khéo vẽ rừng
thông
Mặt hồ xanh, mây bạc bóng gương
lồng
Trên cỏ lục, lối hồng đang uốn
khúc
Ngắm cảnh tay người, thêm tấm
tức
Gẫm mình việc nước vẫn đeo
đai!
Giữ non sông, thao lược đã
không tài
Nêu sứ mệnh, một vài câu biện
luận
Thấy lẽ mạnh ép hèn, sôi nổi
giận
Tuốt gươm thù, toan quyết trận
phong ba
Nhớ ra... đã có nghị hòa!
Làm xong, tôi viết vào giấy, rồi trao cho Cận ngồi cạnh xem. Cận ngâm nga lẩm nhẩm; rồi nhà thi sĩ tặng tôi một câu bình phẩm: le poète n'est pas celui qu'on pense - thi sĩ không phải kẻ mà người ta tưởng. Lời tán thầm là quá, nhưng đó là lời của một bạn văn thông cảm với người "một hội một thuyền ". Hai nụ cười hóm hỉnh của Tạ Quang Bửu khi đọc về "Gẫm mình việc nước vẫn đeo đai" và về cuối, tỏ rằng ảnh đã hiểu thấu tâm lí tôi, và khiến tôi thêm cảm động.
Máy bay đã tiến gần về đất Bắc. Có lúc bay thấp xuống, để thấy bờ biển, sông núi; đoán chừng vào chặng Nghệ An. Rồi dần dần vào thiên phận Nam Định, Hà Nam. Phía tây thấy dãy núi lèn Nam Công, Hương Tích. Tàu càng xuống thấp. Nầy núi Đọi, nầy sông Châu Cầu. Rồi núi Tam Đảo đã hiện đầu chân trời.
Máy bay hạ cánh xuống Gia Lâm. Bây giờ mới một giờ rưỡi, ngày chủ nhật 12 tháng 5. Phái đoàn về đến Hà Nội, anh em chia tay nhau sau khi hẹn ngày hôm sau lại họp để phục mệnh với Chính phủ.
***
Mười giờ sáng hôm sau, ngày 13, các Phái viên tề tựu đến dinh Chủ tịch. Có đủ mặt các bộ trưởng. Nguyễn Tường Tam nói: "Phái bộ xin ra mắt Chính phủ" .
Cụ Chủ tịch: "Hoan nghênh Phái bộ Hội nghị trù bị. Tuy kết quả chưa đủ, nhưng Phái bộ đã làm cho nước Pháp và ngoại quốc biết rõ rằng người nước ta biết tranh đấu, biết công tác và biết đoàn kết..."
Tam báo cáo về tính cách của công tác Phái đoàn. Đại cương có những ý sau nầy:
- Tranh đấu găng, thì lúc nào cũng găng; nhưng không để phá liệt;
- hết sức làm việc;
- chuẩn bị kĩ càng các buổi họp;
- hành động cá nhân không làm mất thanh danh cá nhân và Tổ quốc;
- ngoài sự đàm phán, các anh em hiểu rõ nhau hơn, và chắc đã đoàn kết nhau hơn.
Võ Nguyên Giáp nối lời, nói cũng đồng ý với Tam và báo cáo rằng Hội nghị đã làm ta rõ lập trường của Pháp. Lập trường ấy không khác gì cái mà mình đã thấy trước: lập lại chính quyền thuộc địa qua Liên bang Đông Dương, dùng tay sai mà thực trị Nam phần Việt Nam, dùng quân đội hạn chế quyền tự chủ của ta ở Bắc phần.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng nói: "Mừng đoàn kết trong Phái đoàn và tất cả toàn dân phải đoàn kết để đánh đổ âm mưu chiếm đoạt của thực dân".
Cụ Chủ tịch nói: "Phải tiếp tục tranh đấu tại Hội nghị Paris".
Năm giờ chiều hôm ấy, Phái đoàn cũ lại họp buổi cuối cùng để kiểm điểm những khuyết điểm của sự làm việc, và để rút kinh nghiệm cho Phái bộ sẽ đi Paris.
Phần lớn Phái viên đã nhận rằng về tinh thần thì Phái đoàn đã làm tròn nhiệm vụ một cuộc đàm phán trù bị, bày tỏ ý chí mình và dò xét mưu ý đối phương. Nhưng về phần tổ chức vật chất thì có khuyết điểm.
Giáp kể những khuyết điểm về giao hữu giữa nhân viên Phái đoàn, về tổ chức văn phòng, tổ chức những tiểu ban và liên lạc giữa phái viên và cố vấn.
Hiền nhấn về sự anh em thường để ý nhiều về những tiểu tiết, còn về những việc lớn thì không bàn đến. Hiền cho thí dụ việc bàn luận về Liên bang.
Mạnh Tường trách rằng về khoản thù tiếp với các tư nhân nước ngoài, với các nhà báo, ta không dự định. Đáng lẽ phải có ngân quỹ nhất định.
Tam thêm rằng: "Nếu cần thì phải ngoại giao..."
Cuối cùng Giáp nói về phương pháp làm việc trong các cấp đàm phán: trong buổi họp Uỷ ban, trong buổi họp Đại hội, trong khi trao đổi văn kiện và trong khi tiếp xúc cá nhân.
Thế là nhiệm vụ của các phái viên đã chấm dứt tại buổi tối hôm ấy.
***
Dư ba của Hội nghị là bữa cơm Chính phủ đãi anh em Phái đoàn. Tất cả các bộ trưởng, Phái viên, cố vấn, hành nhân ngồi chung quanh cái bàn dài trang hoàng bằng những cụm hoa đỏ xen vàng. Hai cụ Huỳnh, Hồ ngồi giữa. Chuyện trò ồn ào náo nhiệt, hầu như ai cũng đã quên những buổi tranh đấu tổn thương cân não. Có một lúc Cụ Chủ tịch hỏi các Phái viên: "Cảnh Đà Lạt có đẹp không ?"
Cù Huy Cận tả, khoe cái đẹp thiên nhiên của Đà Lạt.
Cụ lại hỏi: "Thế thì các chú có làm thơ không"?
Cận trả lời: "Anh Hãn có làm"
Cụ bảo: "Đọc cho nghe nào" Rồi cụ ngảnh tìm tôi. Tôi ngồi khá xa. Vốn không thích đem văn thơ kể tâm sự ra làm trò chơi ở tiệc công; Nhưng trong buổi họp này; dù có các Cụ, các bộ trưởng, có không khí rất gia đình. Tôi không thể chối từ, nhưng còn lưỡng lự nên đọc bài Đường luật hay là bài Hát nói. Lại nghĩ rằng vế kết của bài hát nói; Nhớ ra đã có nghị hòa, có thể nghe ra đáng trách Chính phủ đã kí Hiệp định sơ bộ, tôi đành đọc bài kia, tuy rằng nó tả cái đẹp của Đà Lạt không đủ bằng bài Hát nói.
Nghe xong, Cụ hỏi đùa rằng: "Thế thì Hoa có biết nói không?" Rồi Cụ lại hỏi có ai làm thơ Đà Lạt nữa không.
Không ai trả lời. Thấy sự im tiếng khá lâu, tôi lại lên tiếng, nói vọi rằng: "Nhân chuyện tranh luận ở Hội nghị Đà Lạt, tôi đã nhớ đến bài thơ Tết của Cụ".
Cụ ngoái cổ lại, coi vẻ ngạc nhiên, và cùng cả cử tọa chờ.
Tôi nói tiếp: "Bữa Tết, tôi đã đọc bài thơ Khai bút của Cụ cho các Cụ ở trong quê Hà Tĩnh nghe. Các Cụ đều khen thơ Cụ rất hay, khen lời thật mà hay. Nhưng có Cụ lo..."
Ai cũng ngảnh lại phía tôi với đôi mắt tò mò, mà chắc không ai đoán được tôi muốn nói điều gì.
Tôi nối câu: "... vì trong thơ có lời sái". Sái trỏ một lời nói hoặc câu văn, tuy tác giả vô tình, nhưng thính giả có thể xoay hiểu ra nghĩa không tốt. Người ta thường tin đó là điềm gở.
Cụ hỏi: "Lời sái ở chỗ nào?"
Tôi đáp: "Thưa Cụ, ở câu thực:
Độc lập đầy vơi ba chén
rượu
Tự do vàng đỏ một chòm hoa
"Vì có bốn chữ Độc lập đầy vơi"
Cụ hiểu ý liền. Nhanh ý Cụ hỏi lập tức: "Thế thì các Cụ chữa lại ra sao?"
Chuyện các Cụ Hà Tĩnh bàn tán thơ khai bút trên có thật. Tôi đáp: "Có Cụ đã xin đổi vế trên ra: Độc lập say sưa ba chén rượu"
Cụ không nói gì. Cử tọa lao xao nói chuyện khác.
Hậu quả cuối cùng, đối với tôi, của Hội nghị Đà Lạt là đã phải theo Cụ Chủ tịch đón Đô đốc D’Argenlieu, ngày 19 tháng 5, trước thềm dinh Chủ tịch.
Sau bữa cơm kể chuyện trên, tôi được rút lui về chăm việc văn hóa. Thình lình có điện thoại văn phòng chủ tịch gọi lên phủ gấp, vì có Đô đốc tới thăm. Chủ tịch nghĩ nên có một người thay Phái đoàn Đà Lạt ra đón với Cụ.
Tôi theo Cụ trong phòng khách đi ra cửa. Xe Đô đốc dừng dưới thang cấp trước dinh. Đô đốc lên khỏi bực thang. Chủ tịch tiến nhanh nhẹn ra, ôm lấy Đô đốc mà hôn má; rồi bắt tay những vị tùy tùng. Cụ giới thiệu tôi, rồi chủ khách vào phòng uống trà, nói chuyện tươi cười.
Đô đốc chúc thọ Chủ tịch, và ngày ấy là ngày sinh nhật Cụ.
Tôi ngồi một góc, nhìn hai chủ khách mà ngán cho cái trò điển lễ ngoại giao. Một bên đắc thế, muốn bóp cổ người mà vẫn làm như thân thiện. Một bên biết vậy, mà phải có thái độ hồn nhiên.
Cụ Chủ tịch hồi ấy trông khí sắc đã vững. Kinh nghiệm đưa đón một quốc trưởng đã khiến Cụ có dáng điệu chững chàng tuy giản dị. Cái trách nhiệm bảo vệ nền tự chủ bấp bênh đang đè nặng trên vai. Mà Cụ không tỏ vẻ lo âu, bực tức chút nào.
Cuối tháng, Cụ và Phái đoàn mới sẽ đi Paris. Tương lai thế nào? Nhân dân Pháp và các chính khách bạn Cụ có sẽ làm nhẹ gánh cho Cụ được phần nào chăng? Đó là những ý nghĩ của tôi trong khi phải "bồi thị". Nhưng tôi đã tự hỏi: Võ Nguyên Giáp đi đâu, không có mặt ở đây? Chắc rằng từ sau khi trên Đà Lạt ảnh bỏ ra hội phòng và đóng cửa cái sầm, ảnh rất bận vì phải gây dựng thực lực để đối phó với tương lai.
***
Tương lai ? Tương lai gần sát là:
- Ngày mồng 1 tháng 6, một ngày sau khi Chủ tịch và Phái bộ điều đình lên máy bay đi Paris, Đô đốc D’Argenlieu "cho phép" Hội đồng Tư vấn Nam Kì thành lập một Chính phủ lâm thời Nam Kì có quyền tự trị, nhập vào Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp.
- Ngày mồng 6 tháng7, Hội nghị Việt - Pháp đáng lẽ mở ở Paris, nhưng chính phủ Pháp "đày" ra Fontainebleau.
- Mồng 2 tháng 8, Đô đốc D’Argenlieu nhóm đại biểu các chính phủ Mên, Lào, Nam Kì, và đại biểu Nam Trung bộ, miền Thượng và mở Hội nghị Đà Lạt lần thứ hai để lập Liên bang Đông Dương. Đại tá Pháp, gốc Việt, Nguyễn Văn Xuân cầm đầu Phái bộ Nam Kì, cùng với một đại diện Pháp.
- Ngày hôm sau, mồng 3 tháng 8, xung đột đầu tiên giữa hai quân Pháp Việt xảy ra ở Bắc tại Bắc Ninh.
- Hội nghị Fontainebleau tự giải tán ngày 12 tháng 9.
- Tối 14 tháng 9, riêng Chủ tịch kí với bộ trưởng Hải ngoại Pháp Moutet một tạm ước, tạm nhận những điều yêu sách của Pháp, để chờ mở lại điều đình. Trừ việc chính phủ Nam kì tự trị thì bỏ lơ không nói đến.
- Ở Bắc, quân đội Pháp chiếm biên thùy Đông Bắc để mở những nhóm tự trị thiểu số. Chiếm lại phủ Toàn quyền, sở Tài chính. Lập lại quan thuế ở Hải Phòng.
Nói tóm lại, chương trình lập lại Chính quyền Thực dân ở Đông Dương được dần dần thực hiện, bằng mọi cách: điều đình, áp bức, nội công, chiếm đoạt bằng binh lực.
Những điều Phái đoàn Đà Lạt đã dự đoán đều đúng.
"Sự đã rõ ràng, chỉ còn cách đánh nhau giữa chúng ta" Đó là lời đáp của tướng Salan cho Hoàng Minh Giám tại Paris.
"Chim còn hay dựng hầu cất mỏ
Thú còn hay giơ vó nhăn nanh
Sao ta chịu nhuốc cho đành?
So loài cầm thú thẹn mình lắm
thay!"
Đó là lời kêu gọi hồn của những người ái quốc liệt sĩ.
Tám giờ rưỡi tối 19 tháng 12, bắt đầu cuộc chiến tranh giải phóng.
Cái mộng nước Việt Nam giải phóng với sự thỏa thuận của nước Pháp mới đã tan. Lời cảnh cáo của tôi nói ra hai lần trước Phái viên Pháp rồi cũng nghiệm. Sự chiến đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam đã đánh thức một số dân thuộc quốc khác, làm khối Liên hiệp Pháp dần dần mòn đi. Nó cũng đánh thức những chánh khách có tầm mắt trông xa trên đường chính trị Pháp. Nhờ vậy ngày nay nước Pháp không những về tinh thần đã chiếm lại được nhiều thanh danh đối với các nước, mà cả về vật chất, kinh tế Pháp khỏi ách quân sự, đã phát triển mạnh trên xứ sở; và quyền lợi Pháp trên các nước ngoài, kể cả các nước cố thuộc, đã mở mang rất chóng.
Còn đối với nước ta thì hậu quả của sự ngoan cố của phái Thực dân đến nay còn cay độc. Chiến tranh còn dày xéo đất và dân ta. Nhưng chiến tranh cũng có ngày hết. Nước Việt Nam độc lập, hòa bình sẽ thân thiện với các nước chuộng hòa bình.
Nay nước ta còn như
Thịt một miếng trăm dao xâu xé
dao
Mĩ, dao Úc, dao Triều Tiên, dao Thái
Lan, nhưng dao Pháp trước cắm sâu
như vậy, mà cũng hầu trở thành
bàn tay thân thiện, thì những dao kia
cũng rút đi.
Bấy giờ, những điều hòa bình, độc lập và cả thống nhất mà Phái đoàn Đà Lạt đã hết sức tranh đấu trong các buổi họp, sẽ bởi dân ta tự định đoạt. Nếu tất cả mọi người còn nhớ hai tiếng ĐOÀN KẾT như tiếng vọng của dĩ vãng nước nhà mỗi lúc lâm nguy, thì có lẽ, với lòng ái quốc của mọi người thành thật, những điều ấy sẽ đạt.
***
Tỉnh giấc mộng ngâm câu ký
vãng
Tải mấy thu ngày tháng như thoa
Từ hội nghị Đà Lạt đến nay đã một phần tư thế kỷ. Đứa con ra đời lúc tiếng súng Điện Biên dừng nổ, nay đã thành nhân. Chuyện Đà Lạt kia chỉ là chuyện Đời xưa. Những người dự cuộc ở phái ta đã một phần không ít quá cố. Tôi đã thành thật gắng chép ra những điều tôi đã chứng kiến và đã ghi, hoặc nhớ lại. Chỗ sót chắc nhiều, điều sai gắng tránh. Mục đích không ngoài ôn chuyện cũ, góp phần cho những nhà viết sử mai sau.
Nếu độc giả ngày nay có thể rút được một vài kinh nghiệm để trỏ hướng hành động của mình cho nước cho dân, thì lại càng làm thỏa lòng tôi thầm nguyện.
Lòng thầm nguyện ấy chắc cũng là chung cho hầu hết đồng bào, mà nhân tiện câu chuyện Đoàn kết trên đây, tôi xin tặng mấy câu tôi đã viết theo lối phong dao, sau khi Hội nghị Genève cắt đôi đất nước:
PHONG DAO
Ngày xưa Nguyễn Trịnh phân tranh
Chia đôi đất nước, sông Gianh là bờ
Bắc Nam chia nước bây giờ
Thì lấy Bến Hải làm gờ phân tranh
Xưa kia lỗi chỉ tại mình
Bây giờ xui dại là anh chực ngoài
Chớ nghe miệng chúng dông dài
Chúng chờ ta vật lộn cho nhoài... rồi chúng xơi!
Lạng Sơn cho đến Cà Mau
Tổ tiên gây dựng biết bao công trình
Người Thượng cho đến người Kinh
Cũng chung đất nước, cũng tình anh em
Ai ơi! Gẫm lại mà xem
Lẽ nào thân mẹ, con đem chia phần?
Từ Mác xít đến Giáo dân!
Bớt phần lý tưởng, thêm phần yêu đương
Bớt nghi kỵ, bỏ lọc lường
Cùng nhau siết cánh lên đường vinh quang"
Thiết tưởng những lời ấy, thời nầy cũng chưa lỗi.
Viết tại Paris tháng 10, 1971
HOÀNG XUÂN HÃN
Các thao tác trên Tài liệu