Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 / CHƯƠNG 12 - Ngoại giao lớn liên hợp, phân hóa

CHƯƠNG 12 - Ngoại giao lớn liên hợp, phân hóa

- Tiền Giang - Bản dịch Dương Danh Dy — published 05/01/2009 17:15, cập nhật lần cuối 30/05/2015 09:16

 

CHƯƠNG 12

Ngoại giao lớn liên hợp, phân hóa

 

Vấn đề Triều Tiên vừa mới bắt đầu đã rơi vào tình thế bế tắc, sự đối lập giữa Đông và Tây đã rõ ràng. Từ Colombo đã truyền đến tiếng nói của các quốc gia Nam Á. Chu Ân Lai tại Genève đã lần đầu gặp gỡ, nói chuyện với Eden, câu chuyện bắt đầu từ những món ăn Nga, cùng nhau đặt những viên gạch lót đường đầu tiên trên con đường làm dịu mối quan hệ Trung- Anh.

 
Cuộc họp ngày 28 tháng Tư kết thúc, vào lúc 5 giờ 15 phút chiều, đoàn đại biểu Trung Quốc đã tổ chức họp báo tại “Nhà của nhà báo”, Cung Bành đã giới thiệu nội dung phát ngôn của Chu Ân Lai trong hội nghị hôm nay.

8 giờ tối, cũng tại đây, Hoàng Hoa lại tổ chức tiếp một cuộc họp báo, bình luận về phát ngôn của Dulles trong hội nghị chiều nay, và cho rằng trong đó không hề có thành ý. Ông đã trả lời các câu hỏi của nhà báo.

Tối cùng ngày, Chu Ân Lai điện báo cáo Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ những tiến triển của hội nghị Genève. Nội dung bức điện như sau:

  1. “Dựa vào tình hình tại hội trường ba ngày qua có thể thấy rằng việc thảo luận vấn đề Triều Tiên đã hình thành cục diện miễn cưỡng, vì Mỹ không có ý định giải quyết vấn đề, nước Pháp lại không tiện lên tiếng đối với vấn đề Triều Tiên, nước Anh cũng tỏ ý không muốn lên tiếng”.

  2. “Bidault muốn thương lượng gấp vấn đề Đông Dương… Bidault cũng đã tiếp xúc với Molotov tỏ ý muốn gặp tôi thông qua Liên Xô”. Chu Ân Lai nói rằng, ông được biết Bidault cũng nghĩ cách qua lại với các thành viên đoàn đại biểu Trung Quốc ở bên ngoài hội trường, xem ra vấn đề Đông Dương có thể đàm phán được.

Cảm nhận của Chu Ân Lai tương đối chính xác. Anh và Pháp tham gia hội nghị Genève lần này đều có những dự định riêng, nhưng đối với vấn đề Triều Tiên đều có ý tạo thành cục diện để cho Mỹ “đi tiên phong”, cả Eden và Bidault đều không có ý định phát biểu gì nhiều, trong tuần đầu tiên càng không muốn phát ngôn về vấn đề này.

Qua những lời phát biểu tại hội nghị trong hai ngày qua, lập trường cũng như bất đồng của các phe Đông - Tây về vấn đề Triều Tiên đã được thể hiện rõ. Trọng tâm trong lập trường của Triều Tiên, Trung Quốc, Liên Xô là: từ chối sự tham gia của LHQ, các bên tham gia chiến tranh triều Tiên thỏa thuận để đạt được hiệp định Genève, theo đó rút toàn bộ quân khỏi bán đảo Triều Tiên, phóng thích toàn bộ tù binh, tiến hành bầu cử toàn quốc. Còn quan điểm của phe đối lập là: tiến hành giải quyết các vấn đề Triều Tiên trong khuôn khổ LHQ, Trung Quốc rút quân, Liên Xô rút viện trợ, Bắc Triều Tiên tiến hành bầu cử dưới sự giám sát của LHQ.

Về vấn đề Đông Dương, các bên tham dự hội nghị lại không phát biểu ý kiến gì nhiều, thậm chí vấn đề ai tham gia hội nghị vẫn chưa được xác định. Các thành viên của hai phe Đông-Tây vẫn muốn tiếp xúc và thảo luận về vấn đề này, có ý muốn tìm một con đường để trước tiên là dừng cuộc chiến tranh lại. Ngay từ khi hội nghị Genève vừa bắt đầu khai mạc đã thấy: đối với vấn đề Đông Dương cả hai bên đều vẫn còn cơ hội tiến thoái dễ dàng, thậm chí vẫn có ẩn số lớn. Đó chính là, hai bên đều muốn chờ kết quả của chiến dịch Điện Biên Phủ như thế nào?

Lúc đó, từ đảo quốc Xây Lan [Ceylon, nay là Sri Lanka] trên Ấn Độ Dương truyền đến một tiếng nói mãnh liệt - các nước Nam Á quan tâm đến tiến trình của hội nghị Genève. Ngày 28 tháng Tư, tại thủ đô Colombo của Xây Lan đã diễn ra hội nghị năm nước: Ấn Độ, Miến Điện, Pakistan, Xây Lan và Indonesia. Thủ tướng của năm nước ngay trong ngày họp đầu tiên đã thảo luận vấn đề Đông Dương. Thủ tướng Ấn Độ là Nehru đã phát biểu rằng: “Hội nghị Genève cũng đang thảo luận vấn đề này, hoặc là sắp thảo luận đến. Nếu hội nghị Genève đạt được bất kỳ kết quả gì, ví dụ như thực hiện đình chiến, thì đó sẽ là thu hoạch cực lớn đối với toàn thế giới cũng như các nước chúng ta, cục diện căng thẳng sẽ dần dần dịu lại.”

Tại Hội nghị Colombo, lời nói của Thủ tướng Ấn Độ “nặng tựa cửu đỉnh”. Nehru một lần nữa lại đưa ra với các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị năm kiến nghị về vấn đề Đông Dương:

  1. “Bầu không khí hòa bình”. Đông Dương sớm muộn gì cũng phải ngừng chiến. Vậy thì ngừng muộn không bằng ngừng sớm.

  2. “Đình chiến”. Nên đưa vấn đề “đình chiến” vào chương trình nghị sự của hội nghị Genève.

  3. “ba nước Đông Dương độc lập”. Nước Pháp chuyển giao lại chủ quyền cho ba nước Đông Dương.

  4. “Tiến hành đàm phán”. Nước Pháp và các quốc gia Đông Dương nên lập tức ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp.

  5. “Phản đối can thiệp vũ trang quốc tế”. Nehru kêu gọi các nước lớn, đặc biệt là Anh, Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc không được can thiệp vào công việc Đông Dương. Nehru nói: Mỹ và Trung Quốc đều đã can thiệp quá sâu vào các công việc ở Đông Dương, làm cho các vấn đề Đông Dương mang xu thế quốc tế hóa. Nếu vấn đề này chỉ giải quyết giữa hai nước giao tranh thì dễ dàng tìm được biện pháp giải quyết. Nehru hy vọng LHQ sẽ phát huy được vai trò của mình trong vấn đề tổ chức ra các ủy ban giám sát liên quan.

Thủ tướng Miến Điện U Nu phát biểu bày tỏ lo ngại khả năng xuất hiện tình trạng “chân không” sau khi Pháp rút quân. Ông hy vọng tại hội nghị Genève, bất kể đạt được hiệp định nào, cũng đều không được làm tổn hại đến lợi ích của các quốc gia châu Á.

Thủ tướng Indonesia lúc đó là [Ali] Sastroamidjojo đồng ý với đề nghị của Nehru, và bổ sung hai điểm:

  1. Diễn biến tình hình Đông Dương có liên quan tới các nước lớn tham gia hội nghị Genève. Tình hình chiến đấu ngày càng khốc liệt ở đó đã phản ánh được cục diện các nước lớn tranh giành lẫn nhau. Trung Quốc ủng hộ Hồ Chí Minh, và hy vọng được gia nhập LHQ. Hội nghị Genève nên xem xét, yêu cầu Trung Quốc ủng hộ việc đình chiến tại Đông Dương, đồng thời tìm cách khôi phục vị trí của Trung Quốc tại LHQ.

  2. Điều Indonesia quan tâm là, nếu nói đến nước Pháp “chuyển giao chủ quyền”, thì là chuyển giao cho quốc gia Liên bang Đông Dương hay chuyển giao cho Chính phủ Hồ Chí Minh?

Những đại biểu tham dự hội nghị kiến nghị lấy danh nghĩa hội nghị Colombo để gửi điện đến hội nghị Genève, yêu cầu: “Pháp nên tuyên bố tại hội nghị Genève rằng họ bảo đảm chắc chắn về việc trao trả độc lập hoàn toàn cho Đông Dương”. Yêu cầu hội nghị Genève phải đạt được tiến triển quan trọng trong việc thực hiện hòa bình ở châu Á. Theo tình hình này, thì cả Genève và Colombo đều cùng hưởng ứng nhau, làm cho phe phương Đông có phần giữ thế chủ động hơn.

Tin tức truyền đến Genève, Chu Ân Lai cảm thấy vui mừng khôn xiết, vì ông đã nhận được báo cáo rằng, các đại biểu trong đàm phán Trung - Ấn tại Bắc Kinh đã đạt được kết quả tích cực.

Ngày 29 tháng Tư, hai nước Trung Quốc - Ấn Độ tại Bắc Kinh đã ký kết “Hiệp định thông thương và giao thông giữa Ấn Độ với vùng Tây Tạng Trung Quốc”. Chu Ân Lai đang ở Genève đã gửi điện chúc mừng Nehru. Nội dung “năm nguyên tắc chung sống hòa bình” được nêu trong bức điện đã gây được sự chú ý của thế giới phương Tây:

Nhân dịp hai nước Trung Quốc - Ấn Độ ký kết hiệp định thông thương và giao thông giữa vùng Tây Tạng Trung Quốc và Ấn Độ, tôi xin gửi tới ngài và thông qua ngài gửi tới Chính phủ Ấn Độ cùng toàn thể nhân dân Ấn Độ lời chúc mừng nhiệt liệt nhất!

Hai nước Trung - Ấn dựa trên nguyên tắc cùng tôn trọng chủ quyền lãnh thổ; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp công việc nội bộ của nhau; đối xử bình đẳng; chung sống hòa bình, mà kí kết hiệp định này, tạo điều kiện khôi phục mối quan hệ hai nước trong các vấn đề liên quan đến vùng Tây Tạng Trung Quốc. Việc ký kết hiệp định này không chỉ làm sâu sắc thêm tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước mà còn chứng minh rõ ràng rằng chỉ cần các nước tuân thủ những nguyên tắc trên, lựa chọn phương thức hiệp thương thì bất kỳ vấn đề gì còn tồn tại trên trường quốc tế đều được giải quyết một cách hợp lý.

Chính phủ nhân dân trung ương nước CHND Trung Hoa.

Thủ tướng Chính vụ viện kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.

Chu Ân Lai

29/4/1954

Trong quan hệ quốc tế nổi lên “năm nguyên tắc chung sống hòa bình” là do Chu Ân Lai đề ra, dần dần trở thành nội dung chính trong tư tưởng ngoại giao của Chu Ân Lai. Tại hội nghị Genève, một lần nữa ông lại nhắc lại những nguyên tắc này, và hy vọng những nguyên tắc này sẽ trở thành nguyên tắc được tuân thủ rộng rãi trong quan hệ quốc tế.

Ngoài việc giành được sự ủng hộ của các quốc gia châu Á mà đứng đầu là Thủ tướng Nehru của Ấn Độ, thì tại hội nghị Genève, việc tranh thủ sự hiểu biết của Anh, thậm chí giành được sự ủng hộ ở một mức nhất định, và lợi dụng mâu thuẫn giữa Anh - Mỹ để đạt được kết quả ngoại giao, chính là một trọng điểm trong hoạt động ngoại giao của Chu Ân Lai. Ông đã từng viết trong “ý kiến bước đầu” khi tham gia hội nghị Genève:

Ngoài vấn đề Triều Tiên và Việt Nam, chúng ta còn phải chuẩn bị cả những tài liệu và ý kiến về những vấn đề khác liên quan đến Trung Quốc, các vấn đề an ninh và hòa bình tại Viễn Đông và châu Á. Đặc biệt là phát triển quan hệ kinh tế và thông thương giao thông mậu dịch giữa các nước, làm dịu quan hệ căng thẳng quốc tế, từng bước phá vỡ sự cấm vận phong tỏa của Mỹ một cách hiệu quả. Ngoài hội nghị, các tiếp xúc, liên hệ qua lại giữa Trung Quốc với Anh, Pháp và Canada cũng phải được xúc tiến, chúng ta đều phải chuẩn bị kỹ càng cho các vấn đề trên.

Ngoài suy nghĩ này ra, Chu Ân Lai còn yêu cầu Thứ trưởng Bộ Thương mại Lôi Nhiệm Dân và Vụ trưởng Vụ Âu - Phi thuộc Bộ Ngoại giao là Hoạn Hương đều phải đến Genève để cùng triển khai công việc.

Mọi người đều nhận thấy rằng Anh - Mỹ tương đối nhất trí về vấn đề Triều Tiên. Nhưng nghiên cứu kỹ thì sự khác biệt vẫn không phải là ít. Trong “quân đội LHQ”, ngoài quân Mỹ ra, tuy nói quân Anh chiếm tỉ lệ lớn nhất nhưng rốt cục chỉ là một lữ đoàn binh sĩ yểm trợ tác chiến, tự đặt mình vào địa vị phối hợp phụ thuộc. Nước Anh có ý rút toàn bộ quân của mình ra khỏi Triều Tiên, để tiện thoát thân. Về vấn đề Đông Dương, giữa Anh và Mỹ có sự chia rẽ. Nước Anh sau khi trải qua cuộc chiến tranh thế giới thứ thứ hai đã bị suy yếu, nên họ đang từng bước rút khỏi các vùng thuộc địa châu Á truyền thống. Quan hệ giữa Anh và Đông Dương trong lịch sử không sâu sắc, quan hệ lợi ích cũng rất ít, từ lâu đã có hy vọng nước Pháp cũng cùng rút quân, chỉ là không tiện nói rõ ý mình mà thôi. Nước Anh rất sợ toàn bộ Đông Dương sẽ rơi vào sự khống chế của Hồ Chí Minh; sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Anh tại Malaysia, Singapore và Hongkong.

Giữa Anh và Trung Quốc còn có một loạt các vấn đề cần giải quyết.

Nước Anh là nước lớn ở phương Tây thừa nhận nước Trung Quốc mới sớm nhất trên thế giới. Ngày 6/1/1950, Ngoại trưởng Anh Bevin đã gửi điện tới Ngoại trưởng Chu Ân Lai tuyên bố thừa nhận nước CHND Trung Hoa, mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, cùng nhau trao đổi đại sứ. Khi chưa có đại sứ, sẽ phái quan chức ngoại giao đã ở Trung Quốc là Jorgeson làm đại diện lâm thời. Đồng thời, chính phủ Anh tuyên bố hủy bỏ công nhận ngoại giao với Chính phủ Quốc dân đảng.

Ngày 9 tháng 1, Chu Ân Lai trả lời điện của Bevin, bày tỏ Trung Quốc đồng ý cùng Anh thiết lập quan hệ ngoại giao, tiếp nhận Jorgeson làm đại biểu đàm phán.

Ngày 2 tháng 3, tại Bắc Kinh hai nước Trung - Anh bắt đầu đàm phám thiết lập quan hệ ngoại giao. Trung Quốc đề xuất, nước Anh sẽ bỏ phiếu cho vấn đề quyền đại biểu của Trung Quốc tại LHQ, và Chính phủ Anh phải làm rõ thái độ của mình về tư sản Trung Quốc tại Anh cũng như tại thuộc địa.

Chiến tranh Triều Tiên đột ngột nổ ra đã làm gián đoạn cuộc đàm phán Trung - Anh. Nhưng tại Bắc Kinh, trong Đại sứ quán của Anh đặt ở Trung Quốc luôn luôn có nhân viên đoàn ngoại giao Anh ở đó. Sau khi Triều Tiên đình chiến vào tháng 7 năm 1953, tháng 8 nước Anh đã cử nhà ngoại giao lão thành Trevelyan làm người phụ trách đoàn ngoại giao Anh thường trú tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Sau đó, Trevelyan đã đến Bắc Kinh nhưng không có cơ hội diện kiến Chu Ân Lai. Rõ ràng Chu Ân Lai hy vọng có thể trực tiếp hội đàm với lãnh đạo cấp cao hơn của nước Anh. Hội nghị Genève đã tạo ra một cơ hội như vậy, và Molotov là nhà trung gian thích hợp.

Trưa ngày 29 tháng Tư, Chu Ân Lai mở tiệc mời Molotov, Gromyko, Kuznetsov, Tổng thư ký đoàn đại biểu Liên Xô, Ilychev, Fedorenko, Eugene. Molotov trao đổi với Chu Ân Lai và đi đến quyết định ngày mai ông sẽ mở tiệc mời Eden và Chu Ân Lai đến, nhân cơ hội này xúc tiến cuộc nói chuyện trực tiếp giữa hai Ngoại trưởng Trung Quốc và Anh. Tin tức này lập tức được Liên Xô thông báo cho Eden.

Phản ứng của Eden tương đối tích cực. Thư ký riêng của ông là Shuckburgh đã viết trong nhật ký buổi tối hôm ấy rằng: “Ngày mai, tôi sẽ đi cùng Eden. [Harold] Caccia và Dennis cũng đến dự tiệc của Molotov, mục đích là hội kiến Chu Ân Lai, đây chính là việc mà tôi hy vọng nhất”. Shurkburgh là trợ thủ được Eden hết sức tín nhiệm. Eden luôn luôn giao cho ông thực hiện các công việc quan trọng như chuẩn bị các dự thảo công tác. Vị thư ký này lại có thói quen viết nhật ký mỗi ngày. Eden rất ủng hộ việc này. Shurkburgh đã viết trong nhật ký rằng, trong thời gian diễn ra Hội nghị Genève, Eden sẽ trực tiếp gặp mặt Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc. Đây là dự liệu sẵn của ông.

Ngày hôm đó, Eden đã chuyển đến nơi ở mới của mình. Sau khi ở một đêm tại khách sạn, Eden nghĩ rằng nên chuyển đến một biệt thự khác. Người bạn cũ của ông tại Thụy Sĩ đã cho Eden mượn lại ngôi biệt thự tuyệt đẹp của mình. Gần trưa, khi Eden vừa mới dọn đến ngôi biệt thự, thì Dulles đến.

Trước đây, Dulles đã đề xuất với Eden và Bidault rằng, khi hội nghị Genève tiến hành đến ngày thứ 15 thì Ngoại trưởng Anh, Pháp sẽ lui khỏi hội nghị, cùng ông đi Đông Nam Á để tổ chức SEATO. Để ổn định thế trận của các nước phương Tây, Dulles đã gặp riêng Eden để nói chuyện.

Dulles nói với Eden, ông cảm thấy vô cùng lo lắng đối với tình thế trước mắt. Vốn tưởng rằng đã nói rõ với nhau, là phải tổ chức “phòng thủ chung” tại Đông Nam Á, nhưng nước Anh lại không tham gia. Việc khiến ông càng thêm tức giận là tại hội nghị, chính sách về Triều Tiên của Mỹ vấp phải sự công kích của Molotov, Chu Ân Lai, Nam Il. Các đại biểu của các quốc gia châu Âu lại không có lấy một người đứng ra nói hộ vài câu. Họ còn không bằng Lý Thừa Vãn và Tưởng Giới Thạch, tuy đã bị đánh bại song vẫn kiên quyết phản đối chủ nghĩa cộng sản. Điều này khiến Mỹ cảm thấy vô cùng cô độc.

Dulles nhấn mạnh với Eden rằng, trước mắt nước Mỹ cũng không muốn đánh nhau với Trung Quốc, hoặc tham gia vào chiến tranh Đông Dương với quy mô lớn. Mục đích chủ yếu của nước Mỹ là tiến hành “phòng thủ chung”. Điều ông lo lắng nhất là nếu tại Genev bị rơi vào thế bị động, thì khi về Washington sẽ ăn nói thế nào với các nghị sĩ Quốc hội Mỹ?

Eden cố gắng giữ bình tĩnh, hỏi Dulles: vậy ra việc nói đến khả năng sử dụng hành động quân sự vẫn chưa chấm dứt? Ông đưa cho Dulles một bản ghi nhớ mới của Chính phủ Anh, đồng thời nói: nước Anh muốn cố gắng hết sức để ngăn chặn các quốc gia tham gia hội nghị Colombo có thái độ phản đối các quốc gia phương Tây. Về vấn đề Đông Dương cũng vậy. Trước mắt có thể thấy, nỗ lực của Anh đã thành công. Ông còn nói, nước Anh cảm thấy, những phát biểu của các quốc gia châu Âu về vấn đề Triều Tiên là không nhiều bởi vì bọn họ thiếu cảm hứng đối với những vụ việc ở đó.

Dulles nói, trong các phát biểu của Molotov và Chu Ân Lai toàn nói rằng, châu Á là của người châu Á. Vì vậy mà phải vứt bỏ hết những ảnh hưởng của phương Tây, đặc biệt là ảnh hưởng từ Mỹ. Họ chỉ trích vai trò của LHQ đối với Triều Tiên. Đối với vấn đề này, các quốc gia phương Tây nên phát ngôn để thể hiện thái độ của mình.

Khi Dulles và Eden thảo luận về các chi tiết của vấn đề Triều Tiên, Dulles đã nói, về vấn đề này không thể đạt được hiệp định. Cái giá để Mỹ rút toàn bộ quân đội khỏi Triều Tiên là thống nhất toàn bán đảo Triều Tiên, mà điều này thì Bắc Triều Tiên không đồng ý.

Eden nói với Dulles rằng ông sẽ xem xét việc nói vài câu về vấn đề Triều Tiên khi phát biểu.

Cuộc nói chuyện kết thúc tại đó, Dulles xin cáo từ. Cùng ngày, ông ta điện cho Eisenhower, oán trách lập trường của nước Anh “ngày càng yếu ớt”, “về phía Pháp, chúng ta không có một người đồng minh tin cậy”. Ông báo cáo với Eisenhower rằng: “Thái độ của nước Anh là một trong những điểm yếu ngày càng rõ ràng của chúng ta. Nước Anh dường như cảm nhận rằng chúng ta nghiêng về sự lựa chọn tiến hành chiến tranh với Trung Quốc. Lo ngại thứ hai của họ là sợ chúng ta sử dụng bom hạt nhân. Điều này quả thật đã làm họ sợ.”

Cùng ngày, người phát ngôn của đoàn đại biểu Mỹ đã chính thức tuyên bố, ngày 3 tháng 5 Dulles sẽ rời khỏi Genève trở về nước. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ là Johnson sẽ đến Genève vào ngày 1 tháng 5, để thay cho Dulles.

Chiều ngày 29 tháng Tư, tại cuộc họp thảo luận vấn đề Triều Tiên, Ngoại trưởng Liên Xô Molotov đã lên phát biểu đầu tiên, và bày tỏ hối tiếc rằng các nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Miến Điện và Pakistan không thể tham gia hội nghị Genève lần này. Ông nhấn mạnh rằng, sự ra đời của nước Trung Quốc mới đã thể hiện đột xuất những thay đổi cơ bản của châu Á. Cộng đồng quốc tế nên chú ý tới sự ra đời và củng cố của nước Trung Quốc mới, hy vọng nước Mỹ hủy bỏ các chính sách can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Ông cho rằng những kiến nghị của đại biểu Triều Tiên “có thể dùng làm cơ sở để đưa ra những quyết định phù hợp đối với vấn đề Triều Tiên”.

Trưa ngày 30 tháng Tư, Chu Ân Lai, Trương Văn Thiên, Sư Triết đã đến nơi ở của đoàn đại biểu Liên Xô sớm hơn Eden một bước dự tiệc do Molotov chiêu đãi, Eden và đoàn tùy tùng đến sau.

Eden vừa nhìn thấy Molotov và Chu Ân Lai liền đề nghị, ngày mai không họp hội nghị lớn, chúng ta có thể mở một hội nghị mang tính hạn chế với các quốc gia có liên quan đến Triều Tiên, các ngài thấy thế nào?

Molotov và Chu Ân Lai lập tức đồng ý ngay, nhưng Eden lại “dội một gáo nước lạnh” khi nói rằng: Đề nghị này tôi vẫn chưa trưng cầu ý kiến của các đoàn đại biểu khác.

Molotov mời Chu Ân Lai và Eden vào bàn tiệc. Trước và sau bữa tiệc, Molotov có ý mời Chu Ân Lai nói chuyện nhiều với Eden. Cả hai vị chủ và khách đều biết nhưng không nói ra.

Khi Chu Ân Lai và Eden bắt đầu nói chuyện, không khí tỏ ra thoải mái, nhẹ nhàng, hai bên cùng thăm dò nhau. Eden giả vờ vô tình đưa chủ đề câu chuyện từ các món ăn, nói với Molotov: Tôi ở Moskva, Ukraina, Dresden và cả ở Đại sứ quán của các bạn ở nước Anh, đã từng rất nhiều lần ăn các món ăn Nga, cảm thấy rất ngon.

Chu Ân Lai tiếp luôn: Trong những năm 20, tôi cũng đã từng đến Moskva, cũng đã được thưởng thức các món ăn ngon của Liên Xô.

Molotov lại chuyển về chuyện cũ, nói: đúng như những gì ngài Chu Ân Lai nói hôm trước. Rất nhiều vấn đề ở châu Á hiện nay không thể làm người ta vừa ý được.

Eden nói: Theo tôi, hình như tình hình vẫn không xấu mà.

Molotov: Không phải như vậy. Đầu tiên, địa vị của nước CHND Trung Hoa trong các vấn đề quốc tế luôn bị tổn hại.

Eden “A” một tiếng: Người Trung Quốc có rất nhiều oán trách. Nhưng tình hình hiện tại dường như không phải là LHQ không thừa nhận nước CHND Trung Hoa.

Chu Ân Lai nói luôn: Không phải vậy! Không phải nước CHND Trung Hoa không đồng ý thừa nhận LHQ, mà là các nước lớn ở LHQ không thừa nhận nước CHND Trung Hoa”.

Molotov nói: Sự thực đúng là như vậy.

Eden không muốn nói nhiều về chuyện này, nói: nước Anh có điểm không vừa ý đối với Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng không nên nhắc đến vấn đề đó vào lúc này, nếu không sẽ làm hỏng bữa tiệc của chúng ta.

Molotov vẫn không buông tha: nếu nước Anh làm nổi lên được vai trò cần có của mình trong các vấn đề quốc tế, thì tình trạng bất hợp lý giống như việc làm tổn hại đến địa vị quốc tế của nước CHND Trung Hoa, sớm đã được sửa chữa.

Eden nói: Ông quá tâng bốc tôi rồi.

Molotov: Tôi không tâng bốc, tôi chỉ nói sự thực.

Eden chuyển sang chuyện khác: Không biết ngài Chu Ân Lai có đồng ý chỉ định một người để ngài Trevelyan của chúng tôi có thể liên hệ với người đó được không? Tôi đặc biệt cố ý điều ngài Trevelyan từ Bắc Kinh đến Genève. Có thể ngài chưa từng gặp ông ấy tại Bắc Kinh, nhưng Trevelyan có thể nói chuyện với nhân viên của đoàn đại biểu Trung Quốc được không?

“Đương nhiên là được”, Chu Ân Lai trả lời. “Chúng tôi cũng đã cử Vụ trưởng Vụ Âu - Phi (Bộ Ngoại giao) Hoạn Hương đến Genève”. Chu Ân Lai nói, Hoạn Hương trước đây đã từng tiếp xúc với ngài Trevelyan.

Hoạn Hương, lúc trẻ là một phóng viên thời sự, nửa sau cuộc đời là một nhà ngoại giao năng động và là một học giả về các vấn đề quốc tế. Ông sinh năm 1909 tại Tuân Nghĩa - Quý Châu. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông thi vào trường trung học Vũ Xương. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông lại tiếp tục thi vào Khoa công trình - trường Đại học Giao thông Thượng Hải. Tốt nghiệp đại học, ông đi du học Nhật Bản, vào học Khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Waseda. Lúc này, Hoạn Hương bắt đầu rất có hứng thú đối với thời sự chính trị.

Năm 1937, chiến tranh chống Nhật nổ ra. Hoạn Hương bắt đầu kiếm sống bằng nghề làm báo, đảm nhiệm chức Phó Thư ký Tòa soạn tờ “Nhật báo Tiền tuyến”. Sau khi chiến tranh chống Nhật kết thúc, ông đến Thượng Hải làm chủ bút tờ “Văn hối”. Ông đã làm quen với Chu Ân Lai từ rất lâu. Năm 1948, ông gia nhập ĐCS Trung Quốc tại Hongkong. Đầu năm 1949, ông đến Thiên Tân làm Tổng biên tập tờ “Tiến bộ Nhật báo” (tên mới của “Đại Công báo”), sau đó đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Thư ký Hội nghị chính trị hiệp thương toàn quốc. Tháng 12 năm 1950, ông được điều đến Bộ Ngoại giao, đảm nhiệm chức Vụ trưởng Vụ Âu - Phi.

Chu Ân Lai dự kiến rằng Hoạni Hương đến Genève tất có đất dụng võ, vì vậy đã nhận lời Eden ngay tại chỗ, không đắn đo gì nhiều.

Eden nói: vậy thì tốt quá rồi, xem ra trước khi ngài Chu Ân Lai đến đây đã có cùng cách nghĩ giống tôi.

Vị Ngoại trưởng Anh này nói làm là làm, lập tức gọi người thông báo cho Trevelyan đến ngay nơi ở của đoàn đại biểu Liên Xô để gặp Chu Ân Lai. Dùng lời của Thư ký riêng của Eden là Shurkburgh để nói: “Vodka trên môi chúng tôi còn chưa khô thì Trevelyan đã đến rồi”.

Lúc đó, thức ăn đã được dọn đi, bữa tiệc trưa kết thúc, những người có mặt ngồi chuyện trò trong hai phòng. Molotov mời Chu Ân Lai và Eden vào phòng trong ngồi. Trương Văn Thiên ngồi ở phòng ngoài nói chuyện cùng với những người Liên Xô và người Anh khác.

Eden chỉ vào giỏ hoa quả trên bàn nói: Liên Xô hoa quả gì cũng có, chỉ không có dứa.

Molotov: nhưng Trung Quốc có, Trung Quốc là một quốc gia có cực kỳ nhiều.

Eden nói: Đúng vậy, chỉ tiếc là tôi chưa từng đến Trung Quốc.

Molotov nhanh trí nói: ngài Eden nên đến Trung Quốc một lần.

Chu Ân Lai nói: Đúng vậy, ngài Eden nên đến Trung Quốc một lần.

Eden nói: “Hy vọng rằng như thế”.

Ông nói với Chu Ân Lai: “Tôi kể cho ngài nghe một câu chuyện. Trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất, có một sĩ quan quân đội tên là Haman ở cùng với tôi. Ông ấy đã hy sinh trong chiến tranh. Tuần trước, em trai của ông ấy - từ trước đến nay tôi chưa từng biết ông ấy có một người em trai - đã gửi cho tôi một bức thư, yêu cầu tôi phải tin tưởng mỗi lời ngài Chu Ân Lai nói. Ông ta nói ông ta rất thân thuộc với ngài Chu Ân Lai. Bây giờ tôi có thể nói đến chuyện nghiêm túc được không?

Eden nói với Molotov và Chu Ân Lai: “Hai vị, hoặc một vị bất kỳ trong hai vị có thể khuyên Hồ Chí Minh để các thương binh Pháp bị vây khốn tại Điện Biên Phủ rút ra được không?”

Molotov nói: Chuyện này đương nhiên có thể giải quyết khi chúng ta thảo luận.

Chu Ân Lai đồng ý thảo luận vấn đề này, nói: những sự việc như vậy, thì thông qua thảo luận trực tiếp giữa hai bên tham chiến sẽ rất dễ giải quyết. Ví dụ: kết quả của cuộc thảo luận trực tiếp giữa hai bên tham chiến trong chiến tranh Triều Tiên, là đã trao đổi thương binh. Vì vậy, hai bên tham chiến của chiến tranh Đông Dương đến đây trực tiếp thảo luận là có thể giải quyết được vấn đề.

Eden: Tôi cũng không hy vọng bây giờ sẽ có câu trả lời ngay. Xin các vị suy nghĩ một chút, nhưng tôi phải nói rõ, chuyện này không liên quan đến hội nghị của chúng ta. Để chuyện này lẫn lộn với hội nghị của chúng ta là không tốt.

Chu Ân Lai: Lẽ ra có rất nhiều việc nên do hai bên tham chiến trực tiếp thương lượng, sẽ dễ dàng giải quyết. Nhưng hiện nay lại có rất nhiều người ngăn cản hai bên tham chiến đàm phán trực tiếp. Điều này quả thực rất buồn cười, và cũng là điều mà chúng tôi không thể giải thích được.

Eden cố ý kinh ngạc mà nói rằng: Ai ngăn cản? Tôi đâu có ngăn cản?

Chu Ân Lai nói: Người tôi nói không phải là ông.

Molotov nói: Những năm gần đây, nhân dân Mỹ dường như ở trong trạng thái căng thẳng thần kinh. Nhân dân Liên Xô không như vậy, dường như nhân dân Anh cũng không như vậy.

Eden giải thích: Trước mắt, nước Mỹ giữ một địa vị quan trọng trên thế giới. Họ đã lấy đi vị trí này của Anh trước kia. Hơn nữa, còn hùng mạnh hơn so với Anh trước kia. Vì thế, họ muốn có được địa vị lãnh đạo trên thế giới. Nước Anh cũng không đố kỵ gì về điểm này, ý đồ lương thiện của nước Mỹ tôi không nghi ngờ gì.

Molotov: Đặc điểm nổi bật của người Mỹ khi làm việc thường quá đột ngột. Nước Anh nên gây ảnh hưởng một chút với nước Mỹ về điểm này, các bạn có một điều kiện có lợi, đó chính là cùng chung ngôn ngữ.

Eden cười nói: Một nhà viết kịch đã từng nói, nước Anh và nước Mỹ ngoài ngôn ngữ giống nhau ra thì tất cả đều khác biệt.

Chu Ân Lai tiếp lời: Nước Mỹ sau khi mất Trung Quốc vẫn không cam tâm, vì thế đã uy hiếp nhân dân châu Á, đặc biệt là nhân dân Trung Quốc, nhưng nhân dân Trung Quốc không sợ. Ngược lại, nhân dân Mỹ lại bị làm cho căng thẳng thần kinh.

Eden: người Mỹ cũng có cách nhìn của họ. Họ vốn ủng hộ nhiệt liệt Tưởng Giới Thạch. Nước Anh từ trước đến giờ vốn không nhiệt tình lắm với Tưởng Giới Thạch. Người Mỹ lại cho rằng đã làm rất nhiều việc có thiện ý. Điều tôi muốn chỉ ra ở đây là những việc ngoài việc ủng hộ cho Tưởng Giới Thạch như truyền giáo, cứu tế v.v.. Họ cho rằng người Trung Quốc hiện nay đang lấy oán trả ơn.

Chu Ân Lai trả lời: Trọng tâm của vấn đề chính là vì nước Mỹ giúp Tưởng Giới Thạch áp bức và giết hại người Trung Quốc. Người Trung Quốc làm sao có thể hài lòng với người Mỹ được?

Eden nói: Trên thực tế, những tổn thất của Anh tại Trung Quốc còn lớn hơn nhiều so với tổn thất của Mỹ, nhưng cảm giác về tâm lý của người Mỹ lại đang phát huy tác dụng.

Chu Ân Lai chỉ ra cho Eden: Nếu tính nợ nần trong lịch sử thì nước Anh không có tổn thất gì.1

Đối thoại giữa Chu Ân Lai và Eden công thủ lẫn nhau. Eden nghiêng về thủ nhiều hơn. Chu Ân Lai hỏi Eden: Là bạn đồng minh của các ngài, tại sao Dulles lại rời khỏi Genève vào Chủ nhật?

Câu hỏi này, Eden không trả lời được, chuyển thủ thành công, nói với Chu Ân Lai: “Hôm qua, thái độ của ông đối với chúng tôi có thể nói là tương đối thô bạo. Ông gọi chúng tôi là thế lực chủ nghĩa thực dân tàn ác, nhưng ông nên nhìn lại xem chúng tôi đã làm gì tại Ấn Độ và Miến Điện. Chúng tôi đã thừa nhận quốc gia của các ông, nhưng tôi thường không dám chắc các ông có thừa nhận chúng tôi hay không.”

Câu chuyện đã được chuyển đến vấn đề Đông Dương. Chu Ân Lai nói: Đầu tiên, khi nói về vấn đề này, đã xác định là mời đại biểu của năm nước lớn. Kỳ lạ là lại không mời đại biểu của các bên tham chiến tham gia. Có thể thấy có người ngăn cản hai bên tham chiến tham gia đàm phán. Như vậy thì làm sao đàm phán thành công được? Vì thế, đại biểu Việt Nam nhất định phải tham gia hội nghị.

Molotov nói chen vào: “Xem ra, Hội nghị Genève có rất nhiều tác dụng. Nó cũng tạo điều kiện giao tiếp cho các cá nhân”.

Eden nghe hiểu lời nói của Molotov, nói: Tôi rất vui mừng được hội kiến với ngài Chu Ân Lai, còn tôi với ngài Molotov đã rất quen thuộc rồi. Khi nào ông vui, khi nào ông có bất đồng với tôi, tôi vừa nhìn là nhận ra ngay”.

Molotov nhanh trí đáp: Nói như vậy, tôi không phải là một nhà ngoại giao giỏi. Tôi nên học cách che giấu tình cảm của mình”.

Mọi người có mặt đều cười vang. Shurkburgh cười ngả nghiêng đến nỗi ngã về phía sau, rầm một tiếng làm gẫy cả ghế. Eden cười nói: Đây mới là nhà ngoại giao kém bản lĩnh, lại có thể làm gãy cả ghế của chủ nhà.

Khi tiếng cười đã dứt, Chu Ân Lai bày tỏ với Eden sự phản đối của mình đối với ý đồ của Mỹ muốn tham gia vào Đông Dương. Ông nói, nước Mỹ giúp Tưởng Giới Thạch giết hại nhân dân Trung Quốc, nay lại đố kỵ, ghen ghét khôn tả với những thành tựu đạt được của nước Trung Quốc mới.

Eden lại có một thái độ khác: Ngược lại là đằng khác. Đó là vì họ đã từng rất thích Trung Quốc, nên quan hệ của hai bên một khi đi theo một hướng khác sẽ làm mất đi tình cảm. Họ có một sức mạnh có thể khen ngợi, cũng vì đó mà có tinh thần trách nhiệm. Ông hỏi Peter John thì biết, Canada họ dựa vào nước Mỹ nhưng vẫn độc lập.

“Canada độc lập như vậy với nước Mỹ sao?” Molotov đứng bên cạnh nói, ông cho rằng Eden đã đánh giá thấp sự ảnh hưởng của nước Mỹ đối với Canada.

Trong câu chuyện, có lẫn ẩn ý châm chọc, lời qua tiếng lại. Bữa tiệc cũng đến lúc phải chia tay. Molotov có ý mời Chu Ân Lai về trước. Sau khi tiễn khách, ông quay lại nói với Eden: “Đây là một bữa tiệc có ích, ông cảm thấy thế nào?” Eden gật đầu tỏ vẻ đồng ý.

Trên đường rời khỏi biệt thự của Molotov, Eden và Shurkburgh đều cho rằng, trình độ tiếng Anh của Chu Ân Lai chắc chắn còn cao hơn cả sự khiêm tốn của ông, vì có rất nhiều lúc, khi phiên dịch còn chưa dịch thì tinh thần của Chu Ân Lai đã cho thấy là ông đã nghe hiểu rồi.

1 Những năm tháng nóng lạnh: chìm nổi trong quan hệ Trung – Xô, sđd, tr. 192-195.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss