Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 / CHƯƠNG 13 - Tiếng súng Điện Biên Phủ mang lại cái gì ?

CHƯƠNG 13 - Tiếng súng Điện Biên Phủ mang lại cái gì ?

- Tiền Giang - Bản dịch Dương Danh Dy — published 05/01/2009 17:13, cập nhật lần cuối 06/02/2009 09:14

 

CHƯƠNG 13

Tiếng súng Điện Biên Phủ mang lại cái gì ?

 

Ngày 1 tháng 5, bầu trời Điện Biên Phủ hửng nắng, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam Võ Nguyên Giáp ra lệnh tổng tấn công. Xế chiều, đại bác của bộ đội Việt Nam bắn vào trận địa quân Pháp, đến khi mặt trời lặn, cuộc chiến đầu đã nổ ra trên toàn mặt trận, bộ đội Việt Nam liên tiếp xung phong, các trận đánh giáp lá cà đã nổ ra trên những quả đồi phía đông Điện Biên Phủ. Tại Bắc Kinh, Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc Túc Dụ điện cho Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, yêu cầu chú ý đề phòng quân Pháp nhảy dù và đề nghị Vi Quốc Thanh dự đoán khi nào thì có thể tiêu diệt được toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ? Sáng 1 tháng 5, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ B. Smith đến Genève thay thế Ngoại trưởng Dulles sắp về nước, liệu ông ta đem cái gì đến Genève? Trước tình hình nguy cấp ở Điện Biên Phủ, chính phủ Laniel ngày càng khó khăn.

 
Hồi ba giờ chiều ngày 30 tháng Tư, Ngoại trưởng Liên Xô Molotov chủ trì Hội nghị Genève về vấn đề Triều Tiên. Đại diện Philippines rút lại lời đề nghị phát biểu, đại diện Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan chỉ nói khoảng 30 phút. Họ đều ủng hộ lập trường của Mỹ, đòi giải quyết vấn đề Triều Tiên trong khuôn khổ LHQ. Các bên thuộc “Liên minh quân LHQ” đều theo đuôi Mỹ, không muốn có con đường riêng.

Molotov tuyên bố, nếu không còn đại diện nước nào phát biểu nữa, cuộc họp hôm nay kết thúc. Vì là sắp đến ngày nghỉ, hội nghị Genève nghỉ hai ngày, sẽ họp lại vào ngày 3 tháng 5. Hội nghị vừa tan, Dulles, Eden và Bidault liền gặp nhau. Bidault nói với các Ngoại trưởng Anh, Mỹ rằng ông ta hiện chẳng có con bài gì trong tay cả. Bidault cho rằng thảo luận vấn đề phân chia ranh giới Nam Bắc Việt Nam là không lợi cho Pháp, đặc biệt càng làm cho Pháp cảm thấy khó đối phó với ba nước Đông Dương. Ngừng bắn cũng rất khó, vì mặt trận hai bên đan xen, thậm chí đang bao vây lẫn nhau, tình hình hết sức tế nhị.

Sau khi Bidault ra về, Eden nói với Dulles rằng ông rất đồng tình với hoàn cảnh của Pháp lúc này. Dulles bèn hỏi: Vậy chúng ta không thể giúp người Pháp được gì nữa ư? Liệu chúng ta có tiếp tục thành lập SEATO như đã bàn ở Washington không?

Eden đáp: Lúc này chưa thích hợp. Nếu chúng ta công khai nói đến vấn đề này thì mọi người sẽ chất vấn rằng có phải chúng ta định vũ trang can thiệp vào Đông Dương? Nếu chúng ta thừa nhận thì cũng chẳng giúp ích gì cho Pháp. Theo tôi, kết quả tốt đẹp nhất chúng ta có thể có được, đó là một khi cuộc đàm phán đổ vỡ, dù chúng ta không đạt được nhận thức chung, chúng ta cũng phải gây ra không khí nghi ngờ ở Genève, như vậy có lẽ sẽ giúp ích cho người Pháp.1

Buổi tối, Eden đang có tâm trạng vui vẻ, ông ta bảo đưa báo đến để đọc lướt một lượt và nghĩ vai trò của nước Anh vẫn khá thuận lợi. Eden cho rằng cuộc gặp trưa nay với Chu Ân Lai sẽ có lợi cho nước Anh. Sau này, trong hồi ký của mình, Eden viết lần đầu tiên gặp Chu Ân Lai, cảm thấy “Chu Ân Lai là người chống Mỹ quyết liệt và lạnh lùng, có thái độ cứng rắn, không hề thỏa hiệp. Chúng tôi ngồi nghiêm túc, trao đổi ý kiến với nhau bằng những từ ngữ nghiêm chỉnh. Ông ta hoàn toàn bác bỏ đề nghị của tôi về việc ngừng bắn ở Điện Biên Phủ để chuyển thương binh ra khỏi mặt trận.” Sau nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với Chu Ân Lai sau đó, Eden đã dần dần thay đổi suy nghĩ của mình về Chu Ân Lai.

Ngày 1 tháng 5 là Ngày Quốc tế Lao động, một ngày đầy sức cổ vũ đối với phe Phương Đông. Hôm đó, tại chiến trường Việt Nam, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh cho các tướng sĩ mặt trận Điện Biên tiến hành tổng tấn công trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ.

Trời Điện Biên hửng nắng, cờ đỏ phấp phới tung bay trên trận địa của bộ đội Việt Nam, các sư đoàn quân chủ lực Việt Nam với đầy đủ quân số đang tiến ra mặt trận. Các khẩu đại bác đã được tháo bỏ ngụy trang, dùng sức người kéo pháo ra tuyến trước.

Hoàng hôn sắp buông xuống, bộ đội Việt Nam bắt đầu nã pháo vào trận địa quân Pháp. Đến khoảng 8 giờ tối, cuộc chiến đã nổ ra trên toàn tuyến, bộ đội Việt Nam liên tiếp tổ chức các đợt xung phong, Sư đoàn 316 tiến hành cuộc chiến đẫm máu giáp lá cà với quân đội Pháp.

Trên năm quả đồi phía đông Điện Biên Phủ, lực lượng phòng thủ của Pháp chỉ có bốn tiểu đoàn hỗn hợp thiếu, bộ đội Việt Nam nhanh chóng mở được đột phá khẩu tại đây, quân Pháp mệt mỏi sắp đến ngày tàn, trở nên hỗn loạn.

Sáng ngày 1 tháng 5, thứ trưởng Ngoại giao Mỹ B. Smith đến Genève giữ chức Người phụ trách Đoàn đại biểu Mỹ thay Ngoại trưởng Dulles sắp về nước. Buổi trưa, Smith cùng Dulles tới chỗ ở của Bidault, Eden đã chờ sẵn tại đó.

Không khí cuộc gặp lúc đầu không được vui vẻ lắm. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ [Walter S.] Robertson sẵng giọng hỏi Eden: Hiện nay 300 ngàn quân đội Nam [?] Việt Nam cùng quân đội Campuchia và Lào đều phải tác chiến gấp với Việt Minh, tại sao Anh quốc lại không ủng hộ họ? Eden không hề thay đổi sắc mặt, trả lời: Vì sao họ phải vội đánh nhau? Ngồi lại đàm phán không tốt hay sao ?

Eden quay sang nói với Dulles: Mỹ viện trợ cho Việt Nam nhiều gấp chín lần số vật tư do Trung Quốc viện trợ Việt Nam, phải nói rằng số hàng viện trợ như thế là đủ rồi, tôi nghi ngờ rằng những người Việt Nam này không còn muốn chiến đấu cho Bảo Đại nữa.

Dulles nói với Eden rằng, để huấn luyện số người Việt Nam này có thể đánh nhau được một cách hiệu quả, chí ít cũng phải mất hai năm.

Sau cuộc hội đàm trưa hôm đó, ngoại trưởng ba nước Mỹ, Anh, Pháp nhất trí phải thiết lập thể chế đồng chủ tịch tại hội nghị Genève về Đông Dương sắp tới, do Eden và Molotov luân phiên đảm nhiệm. Ý tứ mấu chốt ở đây là không muốn để Chu Ân Lai làm chủ tịch.

Dulles khăng khăng đòi Anh ủng hộ phương án của Mỹ về vấn đề Triều Tiên: Chỉ

tổ chức bầu cử ở miền Bắc Triều Tiên, và đây là bầu những nghị sĩ tham gia vào nghị viện của Hàn Quốc. Eden đã từ chối.

Eden định rời đi, nhưng Smith đã đứng lên trước, vừa cười vừa nói với Ngoại trưởng Anh rằng cá nhân tôi (Smith) lo ngại về những bất đồng trước đây giữa Anh và Mỹ. Nay đến Genève, mong rằng hai bên có thể hợp tác tốt với nhau.

Eden đáp: Cuộc hội đàm rất khó khăn, cho nên chúng ta cần nhanh chóng xác định lập trường chung.

Smith nói mình cũng có cảm giác như vậy và sẽ không để ý đến những cái gọi là “chuyện ngốc nghếch” đang đồn đại ở Mỹ. Thái độ của Smnith đã động viên Eden. Eden hiểu rõ và có cảm tình tốt với Smith. Khi Eden giữ chức Ngoại trưởng Anh trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, Smith là Tham mưu trưởng của Eisenhower, Tổng chỉ huy quân đội đồng minh, hai bên thường trao đổi, hợp tác với nhau rất tốt. Lần này, tại Genève liệu họ có thể tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng nhau không ? Trong xe trên đường từ nơi ở của Bidault về nhà, Eden nói với Evelyn Shuckburgh rằng hy vọng Dulles sớm rời khỏi Genève.

F. B. Smith (5/10/1895 – 9/8/1961) sinh ra trong một gia đình bình thường ở bang Indianna, có ham thích về quân sự từ hồi nhỏ, khi học trung học đã muốn vào quân đội. Năm 1910, Smith tham gia đội cảnh vệ quốc gia của bang. Smith có thành tích cứu hộ xuất sắc trong trận lũ lụt của bang năm 1913 nên được mọi người chú ý. Năm 1916, Smith tham gia cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Mexico. Sau chiến tranh không lâu, Smith đã thi vào học tại một trường đại học bình thường, nhưng do bố bị ốm nặng nên phải nghỉ học, cuối cùng phải đi làm công nhân thợ tiện tại một nhà máy.

Sau khi Mỹ lao vào cuộc chiến tranh thế giới thứ thứ nhất, Smith lại xin tái ngũ. Ngày 1/7/1917, Smith kết hôn cùng Mary Eleanor, sau đó Smith tập trung vào trưòng huấn luyện quân sự. Ngày 20/4/1918, sư đoàn bộ binh của Smith được điều đến Pháp đánh nhau với quân Đức. Cuộc chiến vừa mới bắt đầu, Smith đã bị thương, sau khi được chữa trị bình phục, lại tiếp tục trở về đơn vị chiến đấu.

Quân Mỹ mới tham gia đánh nhau được một thời gian ngắn thì chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Smith tiếp tục ở lại quân ngũ, ông được thăng cấp khá muộn, năm 1929 được phong quân hàm Thượng uý, hơn 10 năm sau mới được phong Thiếu tá. Nhưng Smith càng ngày càng được mọi người xem trọng nhờ vào khả năng tổ chức quân sự và sự hiểu biết về chiến tranh hiện đại của ông. Smith có sở trường đặc biệt về nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh, được các nhà quân sự tôn vinh là “ ngôi sao Tham mưu”. Smith đã từng theo học tại Học viện Lục quân [Army War College] ở Washington, năm 1937 tốt nghiệp, sau đó được vào dạy ở trường bộ binh.

Tại trường bộ binh này, ông lần lượt quen biết một số giáo viên nhà trường như Bơ-rai Đơ-li và [George C.] Marshall, họ đều nghĩ rằng sau này Smith phải được đeo sao cấp tướng. Năm 1939, Marshall vừa được cử làm phụ trách Bộ Tổng Tham mưu, liền kéo Smith về, giao cho việc nghiên cứu mở rộng biên chế lục quân. Qui mô cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai ngày càng mở rộng, quân hàm của Smith cũng tăng lên rất nhanh, hầu như hàng năm đều tăng thêm một sao, thậm chí hai sao, từ một trung tá tháng Tư năm 1941, đến tháng 8 năm 1941 đã thành thượng tá, tháng 2 năm 1942 được phong chuẩn tướng, tháng 12 cùng năm trở thành thiếu tướng và đến tháng 1 năm 1943, Smith đã thành một tướng ba sao.

Tại Bộ Tổng tham mưu, Smith đã từng làm thư ký cho Tổng Tham mưu trưởng Marshall, từng là Trợ lý quân sự của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, có nhiệm vụ phối hợp tác chiến giữa ba quân chủng Lục, Hải, Không quân. Đầu năm 1942, Smith là đại diện quân sự riêng của Tổng thống Roosevelt, bàn bạc, phối hợp với quân Anh trong việc tác chiến chống quân Đức. Smith có nhiều ý kiến có giá trị trong việc phối hợp lực lượng quân sự Anh-Mỹ nên đã được Marshall khen ngợi.

Tháng 9/1942, Smith đến London, giữ chức Tham mưu trưởng cho Eishenhower, Tổng chỉ huy quân Mỹ tham chiến ở châu Âu. Smith đã tham gia việc chỉ huy cuộc đổ bộ của quân đồng minh, trong đó nòng cốt là quân đội Mỹ, vào Bắc Phi, sau đó tham gia việc vạch kế hoạch cuộc tiến công của quân Mỹ trong chiên dịch Italia. Năm 1944, ông giúp Eiseinhower tổ chức chiến dịch đổ bộ Normandi, mở ra mặt trận thứ hai tại châu Âu. Trong nhiều trận chiến đấu qui mô lớn, Smith thường được thay mặt Eiseinhower đến dự thậm chí chủ trì các cuộc họp quân sự và ngoại giao, kế hoạch tỉ mỉ, suy nghĩ chu đáo, lắm mưu nhiều kế, chủ trì tôt công việc của Bộ Tư lệnh, được các tướng sĩ quân đội Mỹ tôn vinh là một trong những vị Tham mưu trưởng ưu tú nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tại Bộ Tư lệnh quân đội đồng minh, Smith thậm chí còn được mọi người gọi là ”Tổng quản gia” của Eisenhower, người nào muốn vào trong Đại bản doanh, hoặc có được phép gặp Eisenhower hay không, trước tiên là do Smith quyết định.

Trước đêm quân đồng minh đổ bộ lên Normandi, tình hình thời tiết rất xấu, Eisenhower rất do dự trong việc có nên ra lệnh cho quân đổ bộ chiến đấu hay không, do đó có trưng cầu ý kiến của Smith. Trong giờ phút quyết định đó, Smith cổ vũ Thống soái và nói: ”Thưa Tướng quân, đây là một canh bạc, nhưng là một canh bạc tốt nhất”. Lời nói ấy dã làm cho Eisenhower hạ quyết tâm. Cuộc đổ bộ vào Normandi bắt đầu và quân đội đồng minh đã giành được chiến thắng trong trận chiến này.

Trong quá trình giúp việc Eisenhower thống lĩnh quân đội đồng minh ở châu Âu, Smith đã thể hiện rõ khả năng của mình về mặt ngoại giao. Sau khi về nước ít lâu, năm 1945, Smith được Tổng thống Truman cử làm Đại sứ Mỹ tại Liên Xô cho đến năm 1949. Trong thời gian làm đại sứ tại Moskva, Smith cho rằng Liên Xô sẽ kiên trì lâu dài chính sách đối ngoại bành trướng, Mỹ cần phải ra sức ngăn chặn. Nếu cho rằng thời gian này Smith có ý kiến gì đó khác mọi người thì đó chính là nhận xét của Smith cho rằng khối Xô Viết không phải là một khối thống nhất bền chặt mà là có những khe hở có thể lợi dụng được. Smith cho rằng, trong mâu thuẫn giữa Nam Tư và Liên Xô, Mỹ nên ủng hộ Nam Tư, phân hóa khối Xô Viết.

Tháng 3 năm 1949, Smith rời Moskva về nước, kết thúc sứ mệnh đại sứ tại Liên Xô và lại trở về quân đội làm việc với chức vụ Tư lệnh Tập đoàn quân số I của Mỹ. Năm Smith được tăng thêm một sao, trở thành Đại tướng 4 sao. Lúc này, Truman đang rất lo lắng trước việc Cục Tình báo Trung ương (CIA) không dự báo được chính xác cuộc chiến tranh Triều Tiên bất ngờ nổ ra ngày 25 tháng 6 năm 1950, do đó Tổng thống quyết định chấn chỉnh CIA, nên đã bổ nhiệm Smith làm Giám đốc CIA. Sau khi nhậm chức, Smith tích cực thực hiện cải cách, nhanh chóng thiết lập hài hòa các mối quan hệ.

Tháng 11 năm 1953, thượng cấp cũ của Smith là Eisenhower được bầu làm Tổng thống Mỹ, ông đã cử Smith làm Thứ trưởng Ngoại giao, giúp Dulles chủ trì công tác ngoaị giao. Từ đó, Smith lại được coi là “Tham mưu trưởng chính sách Ngoại giao Mỹ”.

Nay Smith đến Genève. Đối với nước Trung Hoa mới, ông ta có thái độ ôn hòa hơn Dulles. Tuy nhiên, Dulles vẫn là người lãnh đạo chính của ngành ngoại giao Mỹ, lời nói và việc làm của Smith không thể đi chệch khỏi quĩ đạo của Dulles được.

Chiều ngày 1 tháng 5, tại khách sạn của đoàn Mỹ, Dulles chủ trì một cuộc họp có đại diện của 16 nước tham dự để trao đổi ý kiến đánh giá về triển vọng của hội nghị Genève.

Ngoại trưởng Australia R.G. Casey nói: Trước hết Australia cho rằng nếu không được đại đa số nhân dân địa phương chủ động ủng hộ, chỉ đơn thuần dựa vào vũ lực để giữ Đông Dương là không thể được, vì vậy việc trưng cầu ý kiến các nước châu Á là điều rất cần thiết. Ông đồng tình với quan điểm của Eden về vấn đề này, vì Eden đã thông báo lại ý kiến của năm nguyên thủ các nước Nam Á tại Hội nghị Colombo.

R. G. Casey nói rõ, điểm thứ hai là chúng ta phải tránh đừng để bị cuốn vào cuộc chiến tranh với Trung Hoa đỏ, nếu không sẽ là một tai họa khủng khiếp. Casey bổ sung thêm rằng tình hình có thể chưa xấu đến mức chúng ta dự báo ban đầu, cho dù là mất Điện Biên Phủ, Việt Minh cũng đã mệt mỏi và kiệt quệ, tình hình vùng châu thổ sông Hồng chưa chắc đã xấu đi ngay. Casey kết luận: Chúng ta cần tạo ra một cơ hội cho hội nghị Genève, lựa chọn hành động quân sự trong thời gian tiến hành họp hội nghị là không sáng suốt.

Trong nhật ký của mình về ngày làm việc này, Casey cũng có nhận xét về Dulles. Ông viết: “Dulles đúng là một nhân vật khác thường, ông phát biểu bao giờ cũng chậm rãi, có thứ tự, thậm chí không biết là ông ta đã nói xong hay đang tạm dừng để nghĩ xem nên nói tiếp như thế nào, cũng có lúc ông ta nói có vẻ hồ đồ khiến người nghe không hiểu ông ta nói cái gì”.2

Buổi tối, Eden điện báo cáo với Churchill tình hình hội đàm với Dulles và Smith, bức điện viết:

Tuy Mỹ và Trung Quốc trước đây có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng nay có thái độ thù địch sâu sắc, chúng tôi đã bàn về việc này. Về vấn đề Đông Dương, chúng tôi đã quyết định hoãn dùng vũ lực ở Đông Dương, một vấn đề từng được nói đến nhiều. Chỉ có Smith là người thật sự hiểu rõ quan điểm của chúng ta. Lúc đầu, Dulles nói tình hình lúc này đã trở nên hỗn loạn. Trước đây, tại các loại hội nghị, hai nước chúng ta thường nhất trí với nhau về mặt chính sách, nay thì lại rối cả lên. Tôi đáp: Về vấn đề Triều Tiên, có thể nói chúng ta đã hoàn toàn nhất trí, nhưng trong vấn đề Đông Dương, quả thật chúng tôi không biết nên trả lời như thế nào đối với yêu cầu lúc đầu của quí vị. Nếu nói phải tiến hành can thiệp vũ trang vào lúc này, thì chúng tôi chỉ có thể trả lời rằng chúng tôi đã nói rất rõ là hành động đó sẽ không đem lại kết quả, chúng tôi không thể tán thành được, nếu không sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng.

Dulles còn nói: Tôi có ấn tượng là trong vấn đề Đông Dương, hai bên chúng ta không có ý định quay trở lại lập trường giống nhau như xưa kia nữa. Ông ta hỏi thẳng, không trực tiếp vũ trang can thiệp có phải có nghĩa là chúng ta chỉ có thể ủng hộ về mặt đạo lý đối với ba nước Đông Dương? Tôi đáp, như vậy là lập trường của chúng ta đã nhích lại gần nhau thêm một bước, chúng ta còn có thể có sự ủng hộ thực chất nào khác nữa? Dulles nói: Chưa quyết định. Lúc này, Smith nói chen vào: Về việc này, tôi vừa không tán thành quan điểm của Tham mưu trưởng quân đội Mỹ, vừa không đồng ý với ý kiến của tham mưu trưởng quân đội Anh, vì người trước quá lạc quan, còn người sau lại quá bi quan. Hiện nay Điện Biên Phủ đã trở thành một cái mốc, không thể nào cứu vãn được nữa. Smith nói tuy không thể ngăn được việc cộng sản lan tới biên giới Mã Lai nhưng vẫn có thể tìm được một phòng tuyến giữ vững được Thái Lan, Miến Điện và Malaysia. Cái khó là trước đây ta không hề xem xét nó gắn với tình thế của Pháp trong khu vực này và đánh giá khả năng quân sự của các quốc gia này.

Tôi trả lời rằng chúng ta cần phải nghiêm túc cân nhắc xem rằng rốt cuộc chúng ta muốn đi tới đâu. Nếu người Mỹ lao vào cuộc chiến tranh Đông Dương, sẽ không tránh được việc người Trung Quốc cũng sẽ lao vào, kết quả sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, như vậy sẽ là sự mở màn cho Đại chiến Thế giới thứ ba.3

Hai ngày sau, Eden lần lượt gặp ngoại trưởng các nước trong khối Liên hiệp Anh là Canada, Australia và New Zealand. Điều an ủi Eden là các nước này đều có lập trường cơ bản giống nước Anh.

Tháng 5, không khí mùa xuân tràn ngập Bắc Kinh, cây cối xanh tươi đâm chồi, lẩy lộc. Tại Đại bản doanh của Bộ Tổng Tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, Quyền Tổng Tham mưu trưởng Túc Dụ cùng các cán bộ tham mưu đang chăm chú theo dõi diễn biến của chiến trường Điện biên Phủ. Túc Dụ là một trong những vị thống soái thiện chiến nhất của Quân giải phóng, từ một người lính bình thường trưởng thành dần dần đến chức Thống soái Dã chiến quân, Tổng tham mưu trưởng quân đội, trong thời kỳ chiến tranh được Bộ Thống soái tối cao hết sức coi trọng. Ông có tài tổ chức các chiến dịch lớn, quan trọng, từ “bẩy trận đánh, bẩy lần giành thắng lợi” ở Tô Trung [trung Giang Tô], đến chiến dịch đồi Mạnh Lương (Sơn Đông) có tính chất xoay chuyển tình thế, từ chiến dịch Dự Đông [đông Hà Nam] và chiến dịch Hoài Hải, đến chiến dịch vượt Trường Giang đều do ông chỉ huy hoặc tham gia chỉ huy. Sau ngày thành lập nước CHND Trung Hoa, Chủ tịch Mao Trạch Đông yêu cầu Túc Dụ tổ chức chiến dịch tác chiến vượt biển Đài Loan, nhưng do chiến tranh Triều Tiên bùng nổ nên đành gác lại. Tháng 10 năm 1951, Túc Dụ được bổ nhiệm làm Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội. Cuối năm 1952, Quyền Tổng tham mưu trưởng Nhiếp Vinh Trăn vì làm việc quá sức nên ốm đau phải vào bệnh viện điều trị, Túc Dụ được cử thay thế Nhiếp Vinh Trăn, phụ trách toàn diện mọi mặt công tác của Bộ Tổng tham mưu. Túc Dụ hiểu rõ tình hình chiến trường Điện Biên Phủ từ lúc chuẩn bị chiến dịch đến khi mở màn cuộc chiến, từ lúc bao vây chặt đến cuộc tiến công ba giai đoạn liên tục. Vi Quốc Thanh là cán bộ cấp dưới cũ của Túc Dụ, hai bên quen biết và hiểu rõ nhau, thường xuyên trao đổi điện thông báo kỹ tình hình cho nhau.

Ngày 1 tháng 5, giữa lúc cuộc chiến đấu đang diễn ra ác liệt ở Điện Biên Phủ, Túc Dụ gửi điện cho Vi Quốc Thanh:

Kẻ thù nguy hiểm nhất hiện nay của các đồng chí là lực lượng lính dù đã được huấn luyện và đang tập trung tại khu vực Hà Nội. Có nhiều khả năng địch sẽ cho lực lượng này nhảy dù xuống các tuyến giao thông quan trọng ở hậu phương để cắt đứt việc tiếp tế cho mặt trận, buộc các đồng chí phải bỏ cuộc bao vây Điện Biên Phủ, thậm chí làm cho bộ đội hoang mang rối loạn. Các đồng chí cần nhanh chóng chuẩn bị cần thiết để đối phó với những tình huống bất ngờ.

Đề nghị các đồng chí xem xét kỹ khả năng tấn công tiêu diệt Điện Biên Phủ, còn cần bao lâu nữa mới có thể hoàn toàn hoặc cơ bản tiêu diệt được bọn địch, mong điện trả lời sớm. Việc này không nên nói ra với người khác để tránh ảnh hưởng đến cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ.

Nhận được bức điện nói trên của Túc Dụ, Vi Quốc Thanh lập tức chỉ thị cho các cố vấn quân sự Trung Quốc tại các sư đoàn đang chiến đấu trên mặt trận Điện Biên Phủ phải nắm chắc tình hình mọi mặt, nắm vững nhịp độ tác chiến, chuẩn bị mở cuộc tổng tiến công cuối cùng. Vi Quốc Thanh yêu cầu Đổng Nhân, cố vấn Trung Quốc tại sư đoàn 312 phải nắm chắc đại đội pháo hỏa tiễn, tập kích quân Pháp vào lúc then chốt, đồng thời đôn đốc các cố vấn Trung Quốc phụ trách về hậu cần phải có biện pháp bảo đảm việc cung cấp hậu cần cho bộ đội Việt Nam.4

Bộ đội Việt Nam càng ngày càng khép chặt vòng vây, tướng De Castrie, Tư lệnh quân Pháp đang bị bao vây chặt tại trung tâm Điện Biên Phủ liên tiếp gọi điện xin cứu viện.

Trưa ngày 3 tháng 5, Eden mời một số nhà báo quen biết đến ăn cơm. Trong bữa ăn, Eden nói với các nhà báo: hội nghị Genève lần này là một cuộc đàm phán khó khăn nhất trong cuộc đời ngoại giao của mình. Thật là một sự ngẫu nhiên trùng hợp, vì đêm hôm trước, Molotov cũng nói một câu tương tự.

Buổi chiều, hội nghị tiếp tục thảo luận vấn đề Triều Tiên, Eden là chủ tịch luân phiên của hội nghị này. Eden tuyên bố: “Từ ngày 28 tháng Tư đến 2 tháng 5, thủ tướng các nước Đông Nam Á đã họp tại Colombo. Được sự uỷ thác của thủ tướng các nước tham dự hội nghị Colombo, Thủ tướng Nehru đã ra lời kêu gọi gửi các nước tham dự Hội nghị Genève”.

Bức điện của Hội nghị Colombo gửi Hội nghị Genève viết:

Thủ tướng các nước dự hội nghị Colombo đã điểm lại tình hình, cho rằng Đông Dương đã phải chịu đựng một cuộc chiến tranh bi thảm lâu dài, chiến tranh đang đe dọa tự do và độc lập của nhân dân Đông Dương, đe dọa hòa bình và an ninh của châu Á và thế giới. Thủ tướng chính phủ các nước dự hội nghị Colombo hoan nghênh những nỗ lực tích cực của Hội nghị Genève nhằm tìm kiếm con đường giải quyết vấn đề Đông Dương thông qua đàm phán, đồng tthời hy vọng rằng kết quả mà hội nghị Genève đạt được sau khi cân nhắc, xem xét kỹ càng, sẽ góp phần giải quyết cuộc xung đột, khôi phục hòa bình ở Đông Dương.

Thủ tướng các nước dự hội nghị Colombo cho rằng, để giải quyết vấn đề Đông Dương, cần phải nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngừng bắn, các bên hữu quan, chủ yếu là Pháp, ba nước Đông Dương và Việt Minh phải đàm phán trực tiếp với nhau. Cuộc đàm phán này có thành công hay không có liên quan chặt chẽ với việc các nước hữu quan, nhất là Trung Quốc, Liên hiệp Vương quốc Anh, Mỹ và Liên Xô, có nhất trí ý kiến và áp dụng các biện pháp cần thiết để xóa bỏ sự thù địch hay không.

Thủ tướng các nước dự hội nghị Colombo mong rằng, hai bên tiến hành đàm phán cần thông báo cho hội nghị Genève biết nhằm để hội nghị đề ra quyết định cuối cùng. Các Thủ tướng còn hy vọng Pháp đưa ra tuyên bố tại hội nghị Genève rằng Pháp sẽ hoàn toàn công nhận nền độc lập của các nước Đông Dương. Chỉ có như vậy mới làm cho bộ máy làm việc hữu hiệu của LHQ phát huy tác dụng trong việc thúc đẩy tinh thần hội nghị Genève, triển khai thực hiện các nghị quyết có liên quan. Thủ tướng các nước dự hội nghị Colombo nhất trí cho rằng hội nghị Genève cần báo cáo với LHQ quá trình hội nghị xem xét vấn đề Đông Dương.5

Eden đọc xong bức điện, đại diện Nam Triều Tiên Pyun Yung Tai phát biểu ngang nhiên từ chối đề nghị sáu điểm của Nam Il. Ông ta nói rằng đề nghị của Nam Il về thành lập “Uỷ ban toàn quốc” do hai miền Nam Bắc mỗi bên có một nửa đại diện để chủ trì công tác bầu cử ở Triều Tiên chỉ là một âm mưu. Trước hết, phương thức này đã thủ tiêu vận mệnh của các nước Đông Âu, hai là chủ trương này hoàn toàn loại bỏ vai trò của LHQ. Thứ ba là đề nghị của Nam Il tạo cơ hội cho nhà nước cộng sản tiếp tục can thiệp vào công việc của Triều Tiên, chính phủ Nam Triều Tiên không chấp nhận.

Sau bài phát biểu của Pyun Yung Tai, cuộc họp trong ngày kết thúc. Các đại diện của 16 nước thuộc “Quân đội LHQ” tiếp tục ở lại Cung Vạn Quốc để bàn thảo, phối hợp lập trường chung. Sự bất đồng của Hội nghị Genève về vấn đề Triều Tiên đã bộc lộ hoàn toàn.

Tuy vậy, hoạt động ngoại giao trong ngày cũng đã mang lại kết quả. Vụ trưởng Vụ báo chí Bộ Ngoại giao Liên Xô, thành viên Đoàn đại biểu LX, Ilychev tuyên bố tại cuộc họp báo chiều nay rằng, theo thỏa thuận tại hội nghị, dự kiến số nước tham dự hội nghị Genève về Đông Dương, ngoài đại diện của năm nước lớn, còn có sự tham gia của đại diện nước Việt Nam DCCH và đại diện của ba nước Liên bang Đông Dương. Chính phủ Pháp mời đại diện của ba nước Liên bang tham dự, chính phủ Liên Xô và chính phủ Trung Quốc mời đại diện của Việt Nam DCCH tham dự hội nghị. Tổng cộng có đại diện của chín nước tham gia hội nghị: Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô, VNDCCH, ba nước trong Liên bang Đông Dương: Việt Nam, Campuchia, Lào.

Buổi tối, một dấu hiệu hòa dịu đã xuất hiện tại Hội nghị Genève. Khi cùng ăn tối theo lời mời của Eden, Smith bày tỏ: cá nhân tôi có ý nghĩ tán thành lập trường của nước Anh về vấn đề Đông Dương, vì tôi cũng nghĩ rằng, dùng lính dù của hải quân và dùng không quân để tấn công quân đội Việt Minh ở Điện Biên Phủ sẽ khiến Trung Quốc và lực lượng bộ binh Mỹ bị cuốn vào cuộc chiến tranh Đông Dương, như vậy Mỹ sẽ phải trả cái giá quá lớn. Lời phát biểu trên của Smith đã làm cho các trợ lý của Eden hết sức vui mừng.6

Ba giờ chiều ngày 4 tháng 5, Hội nghị Genève họp phiên thứ 7, tiếp tục bàn vấn đề Triều Tiên, do Hoàng thân Thái Lan làm chủ tịch luân phiên chủ trì hội nghị.

Ngoại trưởng Canada [Lester B.] Pearson phát biểu đầu tiên. Ông phát biểu hôm nay để tránh bị hiểu lầm là Canada không ủng hộ đầy đủ chính sách của các nước “Quân đội LHQ”. Đại diện Canada không ủng hộ bất kỳ đề nghị nào bác bỏ nghị quyết của LHQ về vấn đề Triều Tiên. Pearson cho rằng không cần phải thảo luận đề nghị do Chu Ân Lai nêu ra về việc phóng thích 48 nghìn tù binh Triều Tiên và Trung Quốc bị “Quân đội LHQ” bắt giữ, vì vấn đề này đã được giải quyết. Vấn đề ở chỗ đại diện Triều Tiên, Nam Il không trình bày rõ đề nghị này. Pearson nói: đại diện Triều tiên đề nghị thành lập “Uỷ ban toàn quốc Triều Tiên” phải bao gồm “các tổ chức đoàn thể xã hội lớn nhất” của hai miền Nam Bắc Triều Tiên, không hiểu như vậy là có ngụ ý gì ?

Tiếp đó, đại diện Hà Lan [J. M. A. H.] Luns phát biểu, phản đối đề nghị của Nam Il về tổ chức bầu cử trong cả nước Triều Tiên. Đại diện Hà Lan nói, LHQ đã xác định khuôn khổ chính trị giải quyết vấn đề Triều Tiên rồi, không cần phải bàn lại nữa. Hà Lan mong muốn sớm rút quân và được thấy Triều Tiên trở thành một nước thống nhất, độc lập và dân chủ. Ông hy vọng hai miền Triều Tiên nhanh chóng tìm ra phương án hòa bình hai bên cùng chấp nhận được.

Đại diện Ethiopia [Ato Zaude Gabre] Heywot phát biểu cuối cùng, sau đó Chủ tịch hội nghị tuyên bố không còn ai yêu cầu phát biểu và cũng không có đại biểu nào đăng ký đề nghị phát biểu vào phiên họp ngày mai và ngày kia, vì vậy ông đề nghị sẽ tổ chức cuộc thảo luận không chính thức trong hai ngày tới, nhằm làm cho các quan điểm khác nhau nhích lại gần nhau. Phiên họp tới sẽ tiến hành vào ngày 7 tháng 5.

Sau khi tan họp, Bidault đem theo người trợ lý chính là Chauvel cùng ăn tối với Eden. Eden nói với hai nhà ngoại giao Pháp rằng hiện tại chính phủ Bảo Đại Việt Nam cùng Vương quốc Lào và Campuchia thuộc Liên bang Đông Dương đều không có đại diện tại Genève, như thế là rất bất lợi. Molotov và Chu Ân Lai đã khéo léo lợi dụng cơ hội này để đả kích họ không có quyền đại diện cho các nước này, rằng các chính phủ này chỉ là bù nhìn.

Bidault cho biết là Pháp đã chuẩn bị gặp Molotov về việc này. Trong bữa ăn, Bidault và Chauvel bồn chồn không yên, đều lo lắng vì cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ sắp diễn ra tại Paris. Họ sợ rằng nếu Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ thì vai trò của Pháp tại hội nghị Genève sẽ bị ảnh hưởng và ngày càng suy giảm.

Sáng ngày 4 tháng 5, phái đoàn của ông Phạm Văn Đồng gồm 15 người đã đến Genève. Trước đó, ngày 29 tháng Tư, nước Việt Nam DCCH ra tuyên bố cho biết, trong thời gian Ngoại trưởng Hoàng Minh Giám đi chữa bệnh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Quyền Bộ trưởng Ngoại giao. Trên thực tế, từ ngày 20 tháng Tư đến nay, Phạm Văn Đồng đã ở Moskva để chuẩn bị cho hội nghị. Trong phái đoàn Việt Nam còn có hai nhân vật có sứ mệnh thần bí, gồm một người Campuchia tên là Keo Moni, giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao của “Chính phủ Kháng chiến Campuchia’ và một người Lào, mang tên Nouhak [Phoumsavanh], chức danh là Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Kháng chiến Lào. Đến Genève, cả Keo Moni và Nouhak cùng ở với phái đoàn Việt Nam. Việc ăn uống của phái đoàn Việt Nam do phía Trung Quốc bảo đảm cung cấp, đây là do phía Việt Nam chủ động đề nghị. Liên Xô cung cấp hai xe ô tô cho phái đoàn Việt Nam, lái xe do Liên Xô và Trung Quốc mỗi nước cung cấp một người. Lái xe người Liên Xô có tên là Kenchev. Phạm Văn Đồng vừa đặt chân tới Genève, vấn đề Đông Dương tại hội nghị Genève nhộn nhịp hẳn lên.7

Ông Phạm Văn Đồng đến Genève với nét mặt rạng rỡ. Tin chiến thắng từ mặt trận Điện Biên Phủ liên tiếp báo về làm cho ông tràn đầy hy vọng. Điều lo lắng duy nhất của ông là đến phút chót quân Pháp có thể chặn được cuộc tổng tấn công của quân đội Việt Nam, vì lẽ mùa mưa sắp bắt đầu tại Điện Biên Phủ rồi. Trong Tổng quân uỷ Quân đội Việt Nam đã bàn bạc quyết định nếu đánh đến giữa tháng 5, mùa mưa tới, trời mưa sẽ cắt mất đường vận chuyển tới Điện Biên, lúc đó nếu chưa giải quyết xong Điện Biên Phủ thì hàng vạn đại quân đành phải rút.

Trước tình hình nguy cấp tại Điện Biên Phủ, chính phủ Laniel ngày càng khốn khó. Tại phiên họp Quốc hội ngày 4 tháng 5, các đại biểu liên tiếp chỉ trích chính phủ chưa chịu dồn sức cố gắng cho việc tìm kiếm hòa bình. Ngày 6 tháng 5, Quốc hội yêu cầu tổ chức tranh luận về vấn đề Đông Dương. Laniel bác bỏ đề nghị này, do đó Quốc hội quyết định tổ chức bỏ phiếu về vấn đề tín nhiệm đối với chính phủ. Trước khi Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, Laniel đến phát biểu tại Quốc hội: “Không hề có ai yêu cầu chúng tôi tiếp xúc trực tiếp với Hồ Chí Minh cả, chẳng lẽ chúng ta lại chọn thời điểm trước ngày tiến hành đàm phán với họ để lật đổ chính phủ của mình hay sao?” Kết quả bỏ phiếu là 311/262, chính phủ Laniel vượt qua được với đa số mong manh 49 phiếu.

Thế nhưng, tiếng pháo đại bác vang lên ở Điện Biên Phủ đã làm cho chính phủ Laniel không thể chịu đựng thêm bất cứ sự đả kích nào nữa.

1 Sir Anthony Eden, sđd, tr.111.

2 R. G. Casey, Australian Foreign Minister, The Diary of 1951-1960 London, Collins, 1972, tr.147.

3 Sir Anthony Eden, sđd, tr. 112-113.

4 Phỏng vấn Đổng Nhân tại Bắc Kinh ngày 27/ 9/1993.

5 Ghi chép của TG khi nghiên cứu hồ sơ tại Phòng lưu trữ hồ sơ Quốc gia Mỹ, Washington, tháng 5/ 1992.

6 E. Shuckburgh, sđd, tr. 189-190.

7 Phỏng vấn Văn Trang tại Bắc Kinh ngày 14/12/1995.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss