Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 / CHƯƠNG 15 - Nhìn về Đông Dương: Gió Đông đang thổi mạnh

CHƯƠNG 15 - Nhìn về Đông Dương: Gió Đông đang thổi mạnh

- Tiền Giang - Bản dịch Dương Danh Dy — published 05/01/2009 17:13, cập nhật lần cuối 06/02/2009 09:14

 

CHƯƠNG 15

Nhìn về Đông Dương: Gió Đông đang thổi mạnh

 

Molotov nói một cách hài hước với Eden rằng lần này, thành công của Dulles có lẽ ở chỗ ông ta đã đến Genève nhưng lại không chú ý đến những hoạt động thành thạo của Chu Ân Lai. Sau 55 ngày đêm chiến đấu ác liệt, quân đội Việt Nam đã đánh chiếm được Điện Biên Phủ. Không khí tại Hội nghị Genève đã thay đổi sau khi nhận được tin chiến thắng này. Qua đài phát thanh, Phạm Văn Đồng được tin thắng trận Điện Biên Phủ, ông nói: “Hãy mau mang rượu sâm banh ra đây!”. Người Pháp cũng đang lớn tiếng hô: “Hãy trao chính quyền cho De Gaulle!”.

 
Ngày 5 tháng 5, Molotov và Gromyko đến trụ sở của Eden cùng ăn tối. Molotov cao hứng nói với Eden về bộ phim tài liệu Lễ tấn phong Nữ hoàng Anh và quan hệ giữa các nước khối Liên hiệp Vương quốc Anh. Khi đề tài nói chuyện đề cập tới vấn đề Đông Dương, Molotov hoàn toàn không có ý tranh luận, ông nói Liên Xô và Anh vẫn nên luân phiên nhau làm chủ tịch hội nghị, nếu để cho chín nước tham dự hội nghị luân phiên nhau làm chủ tịch thì e rằng hội nghị không thể tiếp tục được.

Eden biết rõ cả Pháp và Mỹ đều đồng ý điểm này nên tỏ vẻ vui mừng và nhân đà này đồng ý luôn với chủ trương của Liên Xô. Eden nói với Molotov rằng Hội nghị Genève kỳ này là cuộc đàm phán khó khăn nhất trong quá trình hoạt động ngoại giao của ông ta.

Molotov cũng đáp luôn: “Tôi rất thông cảm.” Ông nói, tại hội nghị này, Anh và Liên Xô, với tư cách hai đồng chủ tịch, trách nhiệm rất nặng nề, liên quan đến sự thành công hay thất bại của hội nghị.

Eden nói, tôi cảm thấy, đối với hội nghị Genève, vấn đề Triều Tiên không phải là vấn đề cấp bách nhất, vì lúc này Triều Tiên không đánh nhau nữa. Nếu chúng ta không tìm được phương án giải quyết vấn đề Triều Tiên, chúng ta có thể giữ nguyên trạng tình hình Triều Tiên hiện nay, tiếp tục chờ đợi. Nhưng Đông Dương thì khác, tình thế lúc này ở đó vẫn rất nguy hiểm. Trước tiên là phải thực hiện ngừng bắn tại đó, nếu có thể làm cho cuộc chiến dừng lại, chúng ta mới có thể hiểu được lập trường của đôi bên trong một hoàn cảnh không quá bức bách.

Eden còn nói với Molotov về lập trường của người Mỹ đối với Trung Quốc và đề nghị ông chuyển lời tới phía Trung Quốc rằng người Mỹ hy vọng họ phóng thích số người Mỹ đang bị giam giữ.

Molotov chăm chú lắng nghe và nói với Eden một cách uyển chuyển rằng, trước đây chính phủ Liên Xô đã từng có lúc cảm thấy là Tưởng Giới Thạch cũng khả dĩ; nhưng rốt cuộc Mao Trạch Đông đã tự xây dựng được chính quyền và cũng không ngờ là thắng lợi của Mao Trạch Đông lại nhanh chóng như vậy. Hiện nay, Tưởng Giới Thạch đã hoàn toàn thua rồi, không còn cơ hội ngóc đầu dậy được nữa đâu. Người Mỹ cần phải đối diện với hiện thực đó. Molotov hài hước nói với Eden rằng, lần này, thành công của Dulles có lễ ở chỗ ông ta đã đến Genève, nhưng lại không chú ý tới những hoạt động của Chu Ân Lai.

Eden nói, tại hội nghị Genève nếu chúng ta không kiểm soát một cách hiệu quả tình hình Đông Dương thì những người ủng hộ của hai phía có thể sẽ thật sự phải đứng trước một cuộc đối đầu vũ trang qui mô lớn. “Nếu quả thật như vậy, đây có lẽ sẽ là sự mở màn của cuộc chiến tranh thế giới thứ thứ ba.”

Cả Molotov lẫn Gromyko đều gật đầu cho ý kiến đó là đúng.1

Sau khi Molotov ra về, Evelyn Shuckburgh, cùng tham dự cuộc gặp đó, hỏi Eden: Có vẻ Molotov thật sự hy vọng có thể khôi phục hòa bình tại Triều Tiên và Đông Dương, vậy mục đích của ông ta là cái gì? Eden đáp: “Vì ông ta lo rằng cuộc chiến cứ tiếp tục có thể sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới.” Bởi vậy sách lược của Anh là phải thúc đẩy Molotov khẳng định ý nghĩ đó của mình. Eden còn nêu ra một thứ lý luận khác: Nước Nga hôm nay là một chính quyền “tự mãn” (A satisfied power), cần phải ổn định, khoan sức dân, họ không muốn đánh nhau liên miên.

Shuckburgh tán thành, cho rằng so với Trung Quốc, người Liên Xô rõ ràng sợ chiến tranh thế giới và bom nguyên tử hơn, trong đó có nguyên nhân một bộ phận lãnh thổ của Liên Xô dễ bị phương Tây tấn công, còn một nguyên nhân khác là do họ là một nhà nước kiểu “tự mãn”, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đã làm họ bị thiệt hại nặng nề, nay cần tập trung vào công cuộc xây dựng đất nước. Shuckburgh là một kẻ khôn ngoan, ông ta ghi lại trong nhật ký của mình về sự đánh giá của Eden ngày hôm qua như sau: “Trong nội tâm, tôi là một người hữu khuynh, người Mỹ vẻ bề ngoài là hữu khuynh, Molotov trong nội tâm là một người tả khuynh, còn Chu Ân Lai bề ngoài cũng là một người hữu khuynh,”

Đáng tiếc là Eden không nói đến Nehru. Ngày 5 tháng 5, Nehru gửi một bức điện cho Eden, tuyên bố rằng Ấn Độ sẵn sàng đóng góp sức mình vào việc thúc đẩy tiến trình hội nghị Genève. Ý đồ của Nehru đã rõ. Eden nhận xét: “Đây là một tin tốt lành!”.

Cùng ngày 5 tháng 5, vừa về tới Washington, Dulles đã tới báo cáo ngay với Eisenhower về tình hình Hội nghị Genève. Dulles tỏ ra bất bình với lập trường của Anh, cho rằng Eden có ý định thỏa thuận về một hiệp định hòa bình tại Genève.

Eisenhower nhận định rằng lý luận về “con bài Domino” phù hợp với tình hình châu Á hiện nay, nghĩa là châu Á là khu vực then chốt quan trọng để ngăn chặn sự “bành trướng” của Trung Cộng. Nếu một nước không giữ vững, bị sụp đổ, các nước khác sẽ lần lượt bị sụp đổ theo. Châu Á mà để mất, so sánh lực lượng trên toàn thế giới sẽ có thay đổi căn bản. Eisenhower muốn thi hành chính sách đối kháng với Trung Quốc ở châu Á.

Khó khăn ở chỗ nước Pháp thật sự không muốn tiếp tục cuộc chiến nữa, trong khi đó Mỹ lại không có binh lính ở Đông Dương. Nếu Pháp kiên quyết không đánh nữa, thì dù Mỹ có muốn đánh cũng không thể đánh ngay được, Mỹ chưa thể kịp thời điều chỉnh chính sách quyết liệt như vậy được. Cho dù Mỹ chuẩn bị trực tiếp dính líu vào Đông Dương, hội nghị Genève có lẽ cũng là một cơ hội để tranh thủ thời gian. Mỹ có thể tranh thủ dịp này để tăng cường huấn luyện quân đội Bảo Đại, dần dần hình thành “hệ thống phòng thủ” Đông Nam Á, lấy Sài Gòn, chứ không phải Hà Nội, làm trục trung tâm của hệ thống này. Ngoài ra, cả Eisenhower và Dulles đều cho rằng hội nghị Genève chắc chắn sẽ thất bại, cuối cùng sẽ dẫn đến sự đối đầu quyết liệt hơn giữa hai phe Đông-Tây. Hội nghị Genève thất bại sẽ tạo cớ cho Mỹ trực tiếp nhảy vào Đông Dương. Mỹ đến hội nghị Genève với thái độ hãy chờ xem.

Ngày 6 tháng 5, báo cáo của Dulles trở thành chương trình nghị sự đầu tiên của Hội nghị an ninh quốc gia Mỹ. Dulles nói, trước mắt chúng ta còn phải suy nghĩ cân nhắc xem Mỹ có nên đem quân chiến đấu tới Đông Dương không? Nhưng, đa số những người tham dự cuộc họp đều cho rằng vấn đề cấp bách lúc này là ngăn không cho Pháp đạt thỏa thuận về một hiệp định hòa bình với Việt Minh ở hội nghị Genève. Họ yêu cầu tổng thống Mỹ thông báo cho Pháp biết rằng, nếu Pháp có ý định hòa bình thì kết quả sẽ là để Việt Minh chiếm lĩnh được toàn bộ Đông Dương, sẽ ảnh hưởng nặng nề đến quan hệ giữa Pháp và Mỹ. Nếu như vậy Mỹ sẽ lập tức đình chỉ viện trợ quân sự.

Hội nghị còn quyết định: Mỹ nên bỏ qua Pháp, trực tiếp liên hệ với các nước Đông Dương, nếu đối phương nêu ra yêu cầu, Mỹ có thể đơn phương tham gia vào các công việc của Đông Dương..

Eisenhower tán thành quan điểm này, đó chính là mối hiểm họa để sau này Mỹ can thiệp trên qui mô lớn vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Eisenhower đề nghị ngày mai tiếp tục bàn thêm vấn đề này. Tuy nhiên, họ đã bị chậm một bước, quân Pháp ở Điện Biên Phủ không còn sức chống chọi đến ngày mai nữa.

Ba giờ chiều ngày 6 tháng 5, những cơn mưa kéo dài trên vùng biên giới Việt Nam và Lào đã tạnh, bầu trời Điện Biên Phủ lại quang mây và hửng nắng. Tổng Tư lệnh quân đội Việt Nam, Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh tổng tấn công đến cấp trung đoàn.

5 giờ 30 phút chiều, pháo binh Việt Nam bắt đầu chuẩn bị nổ súng. Cố vấn quân sự Trung Quốc, Đổng Nhân phụ trách chỉ huy đại đội hỏa tiễn sáu nòng, một đơn vị được phép tham gia “Bản giao hưởng” đại bác này. Các quả đạn hỏa tiễn tới tấp lao vào trung tâm lòng chảo Điện Biên. Đạn hỏa tiễn do Trung Quốc chế tạo lần đầu tiên được sử dụng ở chiến trường Đông Dương. Quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ trước đây chưa từng được nếm mùi vị của đạn hỏa tiễn, nay chỉ trong chớp mắt, từng chùm đạn pháo bay đến, tạo thành một biển lửa, khiến chúng tròn mắt khiếp sợ.

Đới Hoàng là người đươc trực tiếp chứng kiến giờ phút lịch sử đó. Ông kể lại với tác giả:

Hai ngày trước khi bắt đầu cuộc tổng tấn công, tôi đến trận địa một trung đoàn thuộc Sư đoàn 312 quân đội Việt Nam đóng ở phía đông bắc lòng chảo Điện Biên Phủ, phỏng vấn một số cán bộ chiến sĩ đơn vị về công tác chuẩn bị cho đợt xung phong cuối cùng trong trận quyết chiến này, đồng thời cũng muốn được tận mắt nhìn thấy những hình ảnh khó quên của cuộc tổng tấn công chắc chắn sẽ được ghi vào sử sách này.

Cán bộ chỉ huy trung đoàn dẫn tôi khom người chui vào một công sự ngầm có sức chịu đựng sự công phá của một quả đạn cối. Tôi nhìn thấy rõ thị trấn Mường Thanh vốn có tới 2.000 dân sinh sống, nay hầu như không một bóng người.

8 giờ 30 phút tối 6 tháng 5, cuộc tổng tấn công bắt đầu. Hàng trăm khẩu đại bác và súng cối của quân đội Việt Nam đồng loạt nổ súng. Cánh đồng Mường Thanh lồi lõm vì bị cày xới bởi nhiều đợt oanh kích trước đây, nay lập tức bị bao pbủ bởi ánh chớp loé sáng và khói mù của đạn pháo các loại. Sức chấn động của đợt pháo kích này mạnh tới mức quả đổi dưới chân tôi cũng bị rung chuyển.

Ánh sáng đạn pháo hỏa tiễn của quân đội ta đã làm rực sáng màn đêm Điện Biên Phủ.”2

Tại mặt trận phía đông Điện Biên Phủ, cứ điểm quân Pháp ở cao điểm đồi E2 là lá chắn cuối cùng của quân Pháp. Sau khi màn đêm buông xuống, một tấn thuốc nổ TNT đặt dưới cứ điểm E2, do bộ đội bí mật đào đường ngầm vào đặt trước đó, đã vang lên một tiếng nổ cực mạnh. Cứ điểm bị phá sập, quân Pháp đóng ở cao điểm này, ngoài số bị chết khi thuốc nổ, tất cả số còn lại đều mất sức chiến đấu. Các chiến sĩ quân đội Việt Nam, những người quyết tâm hy sinh chiến đấu vì nền độc lập của dân tộc, đã nhất tề hô vang “xung phong”, xông lên chiến đấu với giặc Pháp.

Tuyến phòng ngự của quân Pháp ở Điện Biên Phủ hoàn toàn tan vỡ. Hơn 5 giờ chiều ngày 7 tháng 5, bộ đội Việt Nam xông lên đánh chiếm hầm chỉ huy của tướng De Castrie, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ. Đại đội trưởng QĐND Việt Nam, Tạ Quốc Luật hô lớn bằng tiếng Pháp: “Ai là tướng Đờ Cát ?”

De Castrie nghe rõ câu nói của Tạ Quốc Luật liền đáp: “Tôi đây. Liệu tôi có cần phải ra lệnh cho quân đội của tôi ngừng chống đối không?”.

Tạ Quốc Luật lại nói to: “Không cần, hoàn toàn thừa. Binh sĩ của ngài đã đầu hàng mà không cần mệnh lệnh của ngài. Chúng tôi đã chiến thắng !”.

Giữa lúc Tạ Quốc Luật đang nói với De Castrie, Chu Bá Thế, một trung đội trưởng trẻ tuổi đã bước lên, hai tay phất cao lá cờ đỏ sao vàng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi với việc bộ dội Việt Nam đã tiêu diệt 16.000 quân Pháp. Binh đoàn cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương đã mất sức chiến đấu, cục diện trên chiến trường Việt Nam đã có những thay đổi cơ bản.

Sáng ngày 7 tháng 5, nhiều cách nói, nhận định khác nhau về tình hình chiến sự ở Điện Biên Phủ lan tràn khắp Genève. Smith và Eden cùng đến thăm Bidault. Ba vị trưởng đoàn ba nước sánh vai nhau đi dạo quanh vườn hoa. Bidault có vẻ tâm thần bất định, ông ta đang chờ chỉ thị của Paris. Hội nghị Genève về Đông Dương sẽ bắt đầu vào ngày mai rồi.

Khi Eden và Smith rời khỏi nhà Bidault, tin tức về việc quân đội Việt Nam chiếm được Điện Biên Phủ đã được chuyển đến Genève. Smith lại đến gặp Bidault lần nữa. Sau khi ra về, Smith nói với Eden rằng tâm trạng Bidault lúc này rất xấu, tình hình rất khó khăn. Xem ra ông ta không thể không đưa ra phương án ngừng bắn, mà phía Mỹ lại không muốn có phương án ngừng bắn này. Smith nói, chúng ta cần cố gắng hết sức động viên Bidault, tăng cường vai trò của ông ta tại Genève. Smith đề nghị Eden gọi điện nói chuyện với Bidault.

Eden lắc đầu nói với Smith: “Từ lâu tôi đã nói là không thể giữ được Điện Biên Phủ. Bidault phải hiểu được điều đó, nhưng ông ta lại trì hoãn đàm phán, cho đến mấy hôm trước vẫn như vậy”. Eden muốn ám chỉ rằng chính Bidault đã làm hỏng việc.

Smith nói với Eden: “Không nên như vậy, lúc này ngài có thể làm được vài điều gì đó.”

Cuối cùng Eden cũng đồng ý gọi điện cho Bidault. Smith có vẻ rất mệt mỏi, nói: “Làm những chuyện như thế này, tôi đã dần dần bị bạc đầu rồi đó.”

Smith ra về, Shuckburgh đề nghị với Eden: “Sao ta không đề nghị Thủ tướng Churchill gửi thư cho Laniel, đề nghị ông ta chỉ chị cho Bidault, Pháp phải nhanh chóng đi vào đàm phán ở Genève mới là thượng sách”.

Eden tán thành ngay, ông nói: “Đây là một ý kiến hay.” Eden lập tức soạn nội dung bức điện gửi cho Churchill, giao cho Shuckburgh thực hiện và yêu cầu chuyển ngay.

Buổi tối cùng ngày, đêm đã về khuya, Shuckburgh đang ngồi trong phòng đọc sách bên lò sưởi, bất ngờ nghe tiếng súng nổ ngoài vườn hoa. Shuckburgh lập tức lao đến cửa sổ nhìn ra xung quanh quan sát, chỉ thấy mấy lính cảnh vệ đang lục soát, tìm kiếm gì đó ở lùm cây trong vườn hoa. Hóa ra, họ nghe thấy một tiếng động lạ phát ra từ phía lùm cây, thần kinh bị căng thẳng nên họ đã nổ súng, làm cho mọi người hốt hoảng.3

Thời gian của Paris và Điện Biên Phủ chênh nhau 7 tiếng đồng hồ.

Hồi 5 giờ 30 phút chiều ngày 7 tháng 5, khi Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật xông vào hầm ngầm chỉ huy của tướng De Castrie, lúc đó ở Paris là 10 giờ 30 phút sáng. Buổi trưa cùng ngày, chính phủ Pháp nhận được tin về Điện Biên Phủ. 4 giờ 30 phút chiều, Văn phòng Thủ tướng Pháp thông báo cho Quốc hội biết là Thủ tướng sẽ đọc bài phát biểu quan trọng tại Quốc hội. Lúc này, tin tức về Điện Biên Phủ đã loang ra khắp Paris, các nghị sĩ tấp nập đến trụ sở Quốc hội, ngồi kín cả hội trường.

4 giờ 45 phút chiều, Thủ tướng Pháp Laniel đến trụ sở Quốc hội với bộ trang phục màu đen. Hình như ông ta không làm chủ được tình cảm của mình. Ông nói với các nghị sĩ một cách chậm rãi và giọng nói trầm hẳn xuống: “Chính phủ vừa nhận được tin, sau 20 giờ đồng hồ chiến đấu thảm khốc và quyết liệt, trận địa trung tâm Điện Biên Phủ đã bị mất.”

Laniel nói giọng khàn khàn, cả hội trường im phăng phắc.

Laniel nói tiếp: “Kẻ địch muốn đánh chiếm Điện Biên Phủ trước khi khai mạc hội nghị Genève về Đông Dương để hòng chiếm lợi thế, họ cho rằng làm như vậy có thể giáng một đòn quyết định vào ý chí chiến đấu của quân đội Pháp. Họ là như vậy, họ hy sinh tính mệnh của hàng nghìn binh lính làm cái giá để báo đáp lại nguyện vọng hòa bình của nước Pháp. Hỡi các vị anh hùng quân đội Pháp! Các vị đã anh dũng chiến đấu 55 ngày đêm, xứng đáng với sự ca ngợi của toàn thế giới…”.

Đầu óc Laniel lúc này rối như mớ bòng bong, ngoài mấy lời nói mỹ miều dành cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ ra, ông ta chẳng biết nói gì hơn, càng không biết sau đó sẽ ra sao nữa.

Tối hôm đó, Nhà hát lớn Paris hủy bỏ chương trình biểu diễn đã định trước của đoàn múa Balet Moskva. Các đài phát thanh và truyền hình Pháp hủy bỏ các tiết mục vui chơi giải trí trong ngày, thay vào đó họ phát các bản nhạc cổ điển.

10 giờ đêm, Laniel hẹn gặp Đại sứ Mỹ tại Pháp [Clarence Douglas] Dillon4. Vừa nhìn thấy Laniel, Dillon đã cảm thấy Laniel đang bồn chồn không yên. Laniel nói: “Theo tôi, kẻ thù trực tiếp nhất của Pháp hiện nay là Trung Quốc”. Quân viễn chinh Pháp ở nơi xa vạn dặm không thể địch nổi Trung Quốc, vì vậy Laniel yêu cầu Mỹ thể hiện rõ lập trường của mình đối với tình hình Đông Dương sau khi Điện Biên Phủ thất thủ. Ông ta còn yêu cầu Mỹ lập tức cử ngay một sĩ quan am hiểu vấn đề Đông Dương tới Paris để hội đàm. Laniel nói với Dillon rằng tuyến phòng thủ của quân Pháp ở vùng đồng bằng sông Hồng ở Việt Nam quá yếu, hiện nay phải thu hẹp phòng tuyến, thậm chí có thể phải điều quân đội ở Lào về để phòng thủ vùng đồng bằng sông Hồng.”5

Chiều ngày 7 tháng 5, những người vui mừng nhất ở Genève tất nhiên là đoàn đại biểu Việt Nam do Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Lúc đó, các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam đang ở trong phòng để chuẩn bị các văn kiện tài liệu cho hội nghị Genève ngày hôm sau. Qua đài phát thanh Pháp, họ đã được tin chiến thắng Điện Biên Phủ.

Phạm Văn Đồng vui vẻ nói to: “Mau, hãy mau đem rượu sâm banh ra đây !”

Các cán bộ giúp việc vội vàng đi lấy rượu, nhưng tìm khắp nhà ăn và nhà kho đều không có rượu sâm banh, cuối cùng chỉ thấy có chai rượu vang đỏ.

Phạm Văn đồng nói: “Cũng được, cũng được, vang đỏ cũng được.”

Rượu vang đỏ được rót đầy mấy chiếc ly rượu, tất cả các thành viên trong đoàn đại biểu Việt Nam, trong đó có Văn Trang, cùng nhau nâng cốc chúc mừng Điện Biên Phủ chiến thắng.

Uống xong rượu mừng chiến thắng, Phạm Văn Đồng nhắc: “Mau ra ngoài phố mua mấy tờ báo!”

Báo chí được mua về, Phạm Văn Đồng vội cầm lấy mở ra xem ngay.6

Đoàn đại biểu Trung Quốc đã có chuẩn bị trước. Ngay trong ngày, người phát ngôn đoàn đại biểu Trung Quốc, Hoàng Hoa ra tuyên bố nêu rõ: Đoàn đại biểu Trung Quốc luôn có thái độ đồng tình với việc giải quyết chuyên chở thương binh ra khỏi Điện Biên Phủ. Đoàn đại biểu Trung Quốc cho rằng vấn đề này nên để cho hai bên giao chiến tiếp xúc giải quyết với nhau tại hội nghị Gieneve. Kinh nghiệm đình chiến ở Triều Tiên chứng tỏ rằng, cách giải quyết vấn đề như vậy là hiện thực.

Hoàng Hoa cố ý làm cho mọi người phải chú ý khi ông nói rằng, ngày 5 tháng 5, thành viên đoàn đại biểu Pháp đã gặp gỡ thành viên đoàn đại biểu Trung Quốc về việc này. Nghe nói phía Pháp không tiện trực tiếp tiếp xúc với đoàn đại biểu Việt Nam, yêu cầu Đoàn đại biểu Trung Quốc đứng ra làm trung gian. Ngày hôm qua, đoàn đại biểu Trung Quốc đã bày tỏ ý kiến nói trên với phía Pháp.7

Sáng 8 tháng 5 là ngày Pháp kỷ niệm chín năm Ngày chiến thắng chiến tranh thế giới thứ hai, theo truyền thống sẽ có lễ đặt vòng hoa tại Đài Liệt sĩ vô danh với sự tham gia của cả Tổng thống và Thủ tướng Pháp. Nhưng do tin thất thủ Điện Biên Phủ, mọi người không còn vui vẻ như trước nữa. Khi Thủ tướng Laniel và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đến đài Liệt sĩ vô danh, quần chúng căm phẫn hô to: “Hãy đưa các người đến Điện Biên Phủ !”.

Nghi lễ chính thức vội vàng kết thúc. Một chiếc xe con màu đen bóng loáng phóng đến khu vực mộ Liệt sĩ vô danh. Xe dừng lại, một người cao lớn, mặc bộ quân phục cấp tướng màu nâu nhạt từ trong xe bước ra, cảnh sát lập thành hàng rào, quân nhạc cử bản hành khúc.

Ông ta bước đến trước mộ Liệt sĩ, cúi đầu mặc niệm, sau đó ngẩng đầu lên, giơ tay chào lá quốc kỳ Pháp. Khi ông ta quay người bước về ngồi vào xe, đám đông vang tiếng hô: “Hãy trao chính quyền cho De Gaulle!”.

Ông ta chính là De Gaulle. Ông không nói năng gì, chỉ vẫy tay chào mọi người, sau đó phóng xe ra về.

Sáng 8 tháng 5, tại Genève, Bidault gặp Molotov. Hai bên xác định không tranh cãi về vấn đề tư cách tham gia hội nghị của đoàn đại biểu ba nước Đông Dương và của Đoàn đại biểu Việt Nam DCCH nữa, để cả 4 vị đại diện này cùng tham dự hội nghị.

Bidault quá mệt mỏi. Được Laniel phê chuẩn, nhiệm vụ cấp bách nhất của đoàn Pháp tại hội nghị Genève là tranh thủ ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện, càng sớm càng tốt. Dưới tiền đề ngừng bắn ngay lập tức, Pháp dự định chấp nhận “phương thức Triều Tiên”, từ bỏ miền Bắc Việt Nam, bảo toàn miền Nam Việt Nam và Lào, Campuchia. Song, dù áp dụng “phương thức Triều Tiên”, liệu có giữ nổi vùng Thượng Lào hay không, Bidault cũng không biết. Mục tiêu thứ hai mà Pháp đề ra là đòi Trung Quốc phải đình chỉ viện trợ cho Việt Nam.

4 giờ 30 phút chiều cùng ngày, tại Cung Vạn Quốc đã diễn ra các bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của hội nghị Genève về Đông Dương. Phiên họp này do Eden làm Chủ tịch, mời Ngoại trưởng Pháp Bidault lên phát biểu trước.

Ngoại trưởng Pháp Bidault giữ thái độ im lặng suốt quá trình hội nghị Genève về Triều Tiên trước đó, hôm nay ông ta đã lên tiếng.

Đúng như mọi người dự đoán, Bidault mở đầu bài phát biểu của mình bằng cách nói về chiến dịch Điện Biên Phủ. Bidault nói: “Kính thưa Ngài Chủ tịch, nhân dịp hội nghị khai mạc, tôi muốn đề cập tới một sự mở đầu đầy kịch tính - Một cuộc chiến đấu tàn khốc nhất trong cuộc chiến tranh kéo dài đã bảy năm. Chiến dịch có tính chất quyết định khác thường này kéo dài 55 ngày đêm liên tục đã kết thúc hôm nay, đêm trước ngày khai mạc hội nghị Genève. Hội nghị này vốn nhằm mục đích mưu tìm hòa bình… Ngày hôm qua, Tổng Tư lệnh quân đội Pháp đã tuyên bố kết cục của chiến dịch Điện Biên Phủ với lời lẽ như sau: “Quân đội trấn giữ Điện Biên Phủ đã hoàn thành sứ mệnh được giao phó”. Tại đây, đoàn đại biểu Pháp không hề giấu diếm sự đau buồn sâu sắc của mình, đồng thời tự hào về những binh sĩ ưu tú nhất này của nước Pháp và tinh thần anh hùng của các chiến binh Việt Nam và khối Liên hiệp Pháp, họ đã tiến hành chống trả với nghị lực phi thường.”

Bidault rêu rao rằng kết cục của chiến dịch Điện Biên Phủ không hề ảnh hưởng đến lập trường của Đoàn đại biểu Pháp. Bidault nói, sự thống trị của Pháp ở Việt Nam không phải là không được chấp nhận. Thí dụ về mặt dân số, 30 năm trước cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, số dân Việt Nam đã tăng từ 16 triệu lên 26 triệu người. Một diện tích đất đai hoang vu rộng lớn đã được khai hoang, mảnh đất Việt Nam cổ xưa, nay đã đựợc bắt đầu thai nghén một nền công nghiệp hiện đại. “Đông Dương đã đi vào con đường văn minh hiện đại, trong ngoài đoàn kết, đã được hưởng độc lập và chủ quyền đầy đủ.” Bidault hoàn toàn né tránh không nói gì đến vấn đề quan trọng là Pháp đã tiến hành thống trị thực dân suốt 80 năm qua đối với Việt Nam.

Bidault nói, hội nghị Genève lần này cần đạt được một hiệp định ngừng bắn ở Đông Dương. Pháp đề nghị:

      1. Về vấn đề Việt Nam:

  1. Theo đề nghị của Bộ chỉ huy hai bên giao chiến, tất cả bộ đội chính qui tập trung tại khu vực tập kết do hội nghị Genève qui định.

  2. Tất cả các lực lượng vũ trang không chính qui, hoặc lực lượng cảnh sát đều phải giải giáp vũ trang.

  3. Lập tức phóng thích toàn bộ tù binh và dân thường đang bị giam giữ.

  4. Đề nghị Tổ chức Giám sát Quốc tế giám sát việc thực hiện các điều khoản nói trên.

  5. Khi đạt được thỏa thuận, hai bên lập tức hủy bỏ trạng thái đối địch.

Khi Hiệp định được ký kết, cần phải tập trung quân đội và giải giáp vũ trang các lực lượng vũ trang hữu quan không chậm ngày giờ do hội nghị Genève qui định.

      1. Về vấn đề Campuchia và Lào:

1. Bộ đội chính qui và du kích Việt Nam đã vào đất Campuchia và Lào phải rút hết về nước.8

III. Các nước tham dự hội nghị Genève bảo đảm việc thi hành hiệp định nói trên. Khi có hành vi vi phạm hiệp định, các nước bảo đảm hiệp định sẽ lập tức họp bàn để áp dụng các hành động đơn phương hoăc biện pháp chung để giải quyết sự việc.

Tiếp đó, Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam DCCH Phạm Văn Đồng lên phát biểu. Bài phát biểu của ông Đồng không nhằm vào bài nói của Bidault, mà ông kêu gọi hội nghị: hãy mời các đại diện của “Chính phủ kháng chiến” Campuchia và Lào tới tham dự hội nghị Genève. Ông nói: Chính phủ kháng chiến hai nước này đã “giải phóng được một khu vực rộng lớn” trên đất nước mình, họ là đại diện của nhân dân nước họ. Ông đưa ra một dự thảo nghị quyết để Hội nghị xem xét, nội dung như sau:

Trước tình hình các nước Đông Dương hiện nay, để có thể thảo luận rộng rãi vấn đề chấm dứt hành động đối địch và khôi phục hòa bình ở Đông Dương, hội nghị nhận thấy cần phải mời đại diện chính phủ kháng chiến của Campuchia và Pathet Lào tham dự hội nghị để giải quyết vấn đề đình chỉ hành động đối địch và khôi phục hòa bình trên lãnh thổ hai nước này.

Tiếp đó, ông Đồng đọc bản tuyên bố của Chủ tịch Chính phủ kháng chiến Campuchia, Sơn Ngọc Minh và của Thủ tướng Pathet Lào Souphanouvong yêu cầu tham dự hội nghị Genève.

Smith lên phát biểu, ông ta phản đối việc thảo luận ngay lập tức vấn đề tư cách thành viên của hội nghị, với lý do vấn đề này đã được Hội nghị Berlin quyết định rồi. Hội nghị Berlin xác định rõ bốn nước là Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp là bốn nước khởi xướng hội nghị Genève, Trung Quốc và các nước khác có ý muốn tham gia hội nghị cũng được tham dự Hội nghị Genève bàn về vấn đề Đông Dương, tuy nhiên Hội nghị Berlin không xác định rõ “các nước hữu quan khác” là những nước nào. Smith nói: “Pathet Lào” và “Campuchia Issarak” mà ông Đồng đề nghị, trên thực tế không tồn tại, thì làm sao có đại diện chính phủ của họ tham dự hội nghị này được? Ông ta đề nghị Hội nghị nghỉ họp tại đây để cho bốn nước Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp bàn về vấn đề thành viên của Hội nghị.

Chu Ân Lai lên phát biểu, ông nói ngắn gọn, bày tỏ không tán thành ý kiến của đại biểu Mỹ, hội nghị này phải có quyền thảo luận vấn đề tham dự hội nghị của các nước có liên quan, đồng thời hy vọng hội nghị có thể thông qua.

Trưởng đoàn Liên Xô, Molotov lên phát biểu. Ông nói: “Hội nghị này là nhằm bàn vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương, vì vậy bản thân chương trình nghị sự của hội nghị cũng quan trọng, hội nghị sẽ đề cập các công việc của ba nước Đông Dương là Việt Nam, Campuchia tự do và Pathet Lào, rất rõ ràng, để hội nghị thu được kết quả, đại diện của các bên liên quan đều cần tham gia hội nghị.” Molotov nói, không chỉ có Việt Nam, mà nhân dân Campuchia, nhân dân Pathet Lào cũng đang tiến hành đấu tranh cho tự do và độc lập của mình, họ có một khu vực tương đối rộng lớn, không thể từ chối đại diện của họ tham dự hội nghị Genève.

Trích thông cáo của Hội nghị Berlin, Molotov nói tiếp, qua bản thông cáo có thể thấy rõ, ngoài năm nước lớn là Trung Quốc, Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, còn cần phải mời “các nước hữu quan” tham dự hội nghị. Không phải đã thảo luận ở Genève này rồi hay sao, do ba nước phương Tây mời các nước Liên bang Đông Dương, còn việc mời nước Việt Nam DCCH là do hai nước Liên Xô, Trung Quốc mời. Hiện nay, đại diện của ba nước thuộc Liên bang Đông Dương đã ngồi trong phòng họp này rồi, thế mà Hội nghị Berlin vốn không qui định họ được tham dự hội nghị này.

Molotov nói rõ, tại hội nghị này, một đoàn đại biểu hoàn toàn có quyền yêu cầu quốc gia khác tham dự hội nghị. Về ý kiến của đại biểu Mỹ nêu ra rằng để cho các nước tham gia hội nghị Berlin bàn bạc vấn đề quyền đại diện của các nước tham dự hội nghị Genève, đại diện Liên Xô không phản đối, nhưng phải do đại diện của năm nước lớn tham gia, chỉ dựa vào bốn nước lớn là không được.

Bidault lại lên phát biểu, cho rằng cái gọi là “chính phủ kháng chiến” Campuchia và Pathet Lào là không có trong thực tế, là “chính phủ ma”, không thể để cho các đại biểu của loại chính phủ này tham dự Hội nghị Genève. Song, ông ta lại nói, tôi không phản đối việc dừng cuộc họp và kéo dài thời gian thảo luận thêm vấn đề này.

Tiếp đó, Eden phát biểu, cho rằng chỉ có “bốn nước lớn” tham gia hội nghị Berlin mới có quyền quyết định những đại diện của các nước có thể tham dự hội nghị Genève, ông ta không tán thành ý kiến của ông Phạm Văn Đồng và đề nghị ngừng cuộc họp tại đây.

Lúc này, đại diện Vương quốc Campuchia, Tép Phan có lời muốn nói. Vị đại diện của Sihanouk này kiên quyết bác bỏ sự tồn tại của “chính phủ kháng chiến” Campuchia. Ông ta nói: “Nếu như ở Campuchia lại còn có một chính phủ “Campuchia Issarak”, chúng tôi không hiểu nói như thế là chỉ cái gì? Nếu có, thì là do nó đã được nặn ra nhằm một mục đích nào đó. Vừa rồi, đại diện của Việt Nam DCCH nói rằng, “Campuchia Issarak” đã giải phóng được một vùng lãnh thổ rộng lớn, nâng cao được mức sống của người dân đã sống lâu năm ở đó. Song, tôi thấy cần phải nói rằng, “vùng lãnh thổ rộng lớn này” là ở đâu? Nhưng cách đây ít lâu quả là có một số đất đai của Campuchia đã bị một tập đoàn vũ trang chiếm đóng và khi quân đội chính qui Campuchia đến thì tập đoàn vũ trang này lại dồn ép người dân tị nạn lên vùng núi.”

Càng nói, ông ta càng xúc động: “Nếu như nói Campuchia Issarak đại diện cho ai, thì họ chỉ đại diện cho chính họ mà thôi.”9

Chu Ân Lai lại đứng lên phát biểu, ủng hộ ý kiến của Molotov, bày tỏ nên để “năm nước lớn” thảo luận đề nghị của ông Phạm Văn Đồng sau phiên họp này. Chu Ân Lai chỉ trích bài phát biểu của đại diện Pháp và Campuchia coi thường quyền độc lập dân tộc của nhân dân Campuchia và nhân dân Pathet Lào.

Phạm Văn Đồng yêu cầu phát biểu. Ông nói, vấn đề tham dự hội nghị của đại diện Campuchia và đại diện Pathet Lào là một vấn đề thực tế quan trọng. Có chủ nghĩa đế quốc xâm lược, do đó người dân buộc phải chống lại, lập ra bộ đội vũ trang và chính phủ, tất nhiên phải mời đại diện của họ tham dự hội nghị. Còn việc họ có phải là “ma” hay không, mời các đại biểu vào hội trường sẽ nói rõ vấn đề.

Hội nghị đã kéo dài khá lâu. Eden nói: Hội nghị này đã có hai đề nghị khác nhau, một chủ trương để cho bốn nước lớn hiệp thương về đề nghị của Việt Nam DCCH sau phiên hop này, một chủ trương khác để cho năm nước hiệp thương với nhau sau hội nghị này. Hai đề nghị này không khớp nhau. Eden đề nghị nghỉ họp. Lúc này đại biểu [Vương quốc] Lào [Phui] Sananikone phá vỡ sự im lặng, yêu cầu phát biểu, song, giọng điệu có vẻ dịu đi nhiều. Ông thừa nhận sự tồn tại thực tế của “Pathet Lào”, nhưng lại chỉ trích “Pathet Lào” cản trở khối đoàn kết, thống nhất của Lào, do đó ông phản đối đại diện của “Pathet Lào” tham dự hội nghị Genève.

Sau phát biểu của đại diện Vương quốc Lào, Eden tuyên bố nghỉ họp. Hiệp đấu đầu tiên về vấn đề Đông Dương tạm dừng.

1 Sir Anthony Eden, sđd, tr.116-117.

2 Phỏng vấn Đới Hoàng tại Bắc Kinh, ngày 5/9/1994.

3 E. Shuckburgh, sđd, tr. 194-195.

4 Clarence Douglas Dillon U.S. Ambassador Extraordinary and Plenipotentiary to France (1953–1957)

5 Rorbert F. Randle, Geneva 1954: The Settlement of the Indochinese War, Princeton: Princeton University Press, 1969.

6 Phỏng vấn Văn Trang tại Bắc Kinh ngày 15/2/1990.

7 Tin Tân Hoa Xã, ngày 9/5/1954.

8 Các điều khoản khác giống với mục I về vấn đề Việt Nam, TG lược bỏ. (chú thích của nguyên bản)

9 Ghi chép của TG khi nghiên cứu hồ sơ tại Phòng lưu trữ hồ sơ Quốc gia Mỹ, Washington, tháng 5/ 1992.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss