Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 / CHƯƠNG 18 - Bước đột phá nhỏ trong vấn đề khó khăn lớn

CHƯƠNG 18 - Bước đột phá nhỏ trong vấn đề khó khăn lớn

- Tiền Giang - Bản dịch Dương Danh Dy — published 05/01/2009 17:13, cập nhật lần cuối 06/02/2009 09:14

 

CHƯƠNG 18

Bước đột phá nhỏ trong vấn đề khó khăn lớn

 

Cùng với quá trình đàm phán rắc rối ở hội nghị Genève, đại biểu Trung Quốc đã dần dần hiểu rõ hơn lịch sử và hiện trạng ở Đông Dương. Chu Ân Lai quyết tâm đi bước đi đầu tiên trong cuộc tranh chấp không có trật tự này, tách bóc vấn đề, đơn giản hóa tình hình. Đặc sứ Ấn Độ [V. K. Krishna] Menon đến thật đúng lúc. Eden nhiều lần tới thăm Vạn Hoa, không ngờ lại bị lôi cuốn bởi các bức tranh nổi tiếng và đồ gốm sứ cổ của Trung Quốc. Chu Ân Lai bắn hai mũi tên cùng một lúc. Vấn đề Đông Dương và quan hệ Trung - Anh đều xuất hiện xu hướng hòa dịu.

 
Nhiều thành viên đoàn đại biểu Trung Quốc từng tham gia hội nghị Genève sau này nhớ lại rằng cùng với tiến trình hội nghị Genève, sự hiểu biết của các thành viên trong đoàn đối với vấn đề Đông Dương cũng ngày càng phong phú hơn. Điều đầu tiên được làm rõ, đó là Đông Dương không phải là một quốc gia, mà là ba nước có mối liên hệ mật thiết trong lịch sử, họ có ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Lúc đầu, trong phương án chuẩn bị cho hội nghị Genève, ba nước Trung Quốc, Liên Xô và Việt Nam chủ trương vấn đề Đông Dương được coi là một khối thống nhất, phải giải quyết cả gói. Sau trung tuần tháng 5, Chu Ân Lai đã xác định rõ không thể dùng kế hoạch cả gói để giải quyết vấn đề Đông Dương, cách tốt nhất là có phân biệt đối xử.1

Đoàn đại biểu Trung Quốc đến Genève hy vọng giải quyết được càng nhiều vấn đề càng tốt, trong đó có hy vọng đạt được sự đột phá về ngoại thương, tạo nguồn động lực mới thúc đẩy công cuộc xây dựng kinh tế trong nước. Chu Ân Lai cử Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại thương Lôi Nhiệm Dân làm cố vấn trong đoàn Trung Quốc là có ý đó.

Sau khi đến Genève, uy tín của đoàn đại biểu Trung Quốc càng ngày càng tăng, số nhà báo đến Văn phòng Báo chí của đoàn đại biểu Trung Quốc ngày càng nhiều. Sáng 15/5, Lôi Nhiệm Dân tổ chức họp báo, có hơn 120 nhà báo tới dự.

Lôi Nhiệm Dân đọc bản báo cáo "Thành tựu xây dựng kinh tế và ngoại thương của nước Trung Hoa mới". Ông nói: sau khi nước Trung Hoa mới ra đời, sau ba năm khôi phục, sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc cuối năm 1952 đã vượt mức trước chiến tranh chống Nhật; tỉ trọng sản xuất công nghiệp toàn quốc đã từ 19% tổng giá trị sản phẩm kinh tế quốc dân vào năm 1949 tăng lên khoảng 28% năm 1952. Tổng kim ngạch ngoại thương của nước Trung Hoa mới cũng tăng lên nhanh chóng: Nếu lấy năm 1949 làm cơ số, tổng kim ngạch ngoại thương năm 1953 đã tăng gấp sáu lần, lập kỷ lục cao nhất kể từ năm 1930 đến nay.

Lôi Nhiệm Dân nêu rõ: kim ngạch buôn bán giữa Trung Quốc với các nước phương Tây truyền thống, ngay trong năm đầu thành lập nước đã vượt kỷ lục cao nhất của năm 1936 trước chiến tranh chống Nhật. Tuy nhiên vì các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu thực hành "cấm vận" chống Trung Quốc, nên từ nửa cuối năm 1951 trở đi, kim ngạch buôn bán giữa Trung Quốc với các nước phương Tây bị sụt giảm mạnh, thậm chí buôn bán của một số nước với Trung Quốc còn bị đình đốn. Nhưng từ 1953 đến nay, con số này đã bắt đầu được khôi phục và tăng lên khá rõ rệt.

Về quan hệ buôn bán giữa Trung Quốc và Mỹ, Lôi Nhiệm Dân nói, bốn năm qua chính phủ Mỹ đã cắt đứt quan hệ buôn bán với Trung Quốc, nhưng một số nhân sĩ giới công thương Mỹ vẫn giữ mối liên hệ về nghiệp vụ với các cơ quan, xí nghiệp Trung Quốc, nhiều công ty và xí nghiệp Mỹ mong muốn buôn bán với Trung Quốc. Lôi Nhiệm Dân nói: chính phủ Trung Quốc ủng hộ nguyện vọng đó, một khi có điều kiện, chúng tôi sẵn sàng trao đổi buôn bán với giới công thương nghiệp Mỹ.

Lôi Nhiệm Dân nêu rõ: công cuộc xây dựng kinh tế qui mô lớn của Trung Quốc tạo ra tiền đề rộng lớn cho ngành ngoại thương Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cho rằng, khôi phục và phát triển buôn bán bình thường trên quốc tế không chỉ có lợi cho các nước phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, mà còn có tác dụng làm dịu tình hình căng thẳng trên thế giới.

Tiếp đó, Lôi Nhiệm Dân trả lời nhiều câu hỏi do các nhà báo nêu ra. Hôm sau, báo chí các nước lớn Tây Âu tới tấp đưa tin về bài phát biểu của Lôi Nhiệm Dân.

Trước khi tổ chức họp báo, Lôi Nhiệm Dân đã nhiều lần gặp gỡ với Điền Nam Đặc [?], Trưởng ban Hải ngoại của Hội Liên hiệp công nghiệp Anh từ Anh đến Genève, cùng nhau trao đổi ý kiến về việc cử đại diện thương mại giữa hai nước Trung - Anh. Trên cơ sở đó, nghị sĩ Công đảng, cựu Bộ trưởng Thương mại Anh [Harold] Wilson và nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh John Brown sẽ đến Genève vào hạ tuần tháng 5 và sẽ gặp Chu Ân Lai.

Từ 3 giờ đến 6 giờ chiều ngày 23/5, tại biệt thự Vạn Hoa, Chu Ân Lai đã tiếp Menon, đặc sứ của Nehru, đại diện thường trực của Ấn Độ tại LHQ. Menon đến Genève tối 21/5 để tiến hành hoạt động ngoại giao phối hợp với các nước lớn theo lệnh của Nehru. Menon chuyển tới Chu Ân Lai nguyện vọng của Nehru mong muốn giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương, đồng thời chuyển lời của Nehru mời Chu Ân Lai, trên đường về nước, thuận đường ghé thăm Ấn Độ.

Menon nói: hội nghị Colombo đã chấp nhận chủ trương của Ấn Độ, đưa ra năm đề nghị với hội nghị Genève:

  1. Ngừng bắn;

  2. Hai bên đàm phán trực tiếp;

  3. Pháp công khai cam kết tại hội nghị các nước lớn là dành cho ba nước Đông Dương được hoàn toàn độc lập;

  4. Bốn nước lớn là Trung Quốc, Liên Xô, Anh, Mỹ bảo đảm chiến tranh Đông Dương không tái diễn;

  5. Báo cáo các vấn đề này với LHQ.

Chu Ân Lai nêu rõ với Menon: thông cáo của Hội nghị Colombo và chủ trương của chúng tôi, về đại thể là giống nhau, chỉ có đề nghị thứ năm về việc báo cáo với LHQ là còn có khoảng cách với chúng tôi.

Menon nói: "Thủ tướng Nehru yêu cầu tôi phải tiếp xúc nhiều với ngài. Nếu ngài muốn làm gì, ngài có thể nói thẳng với tôi. Trung Quốc và Ấn Độ có tình hữu nghị truyền thống, gần đây lại cùng nhau ký kết nghị quyết về vấn đề Tây Tạng, vì vậy giữa Trung Quốc và Ấn Độ không nên câu nệ và khách khí.."

Chu Ân Lai nói, hội nghị Genève đã họp được bốn tuần lễ, hiện tại có người muốn hội nghị tan vỡ, không có kết quả gì, đó là điều làm tôi lo ngại. Tôi sẽ cố gắng hết sức để đạt được thỏa thuận, nhưng phải cả hai bên cùng có nguyện vọng này thì mới thực hiện được. Nếu như rút quân ở Triều Tiên, thì cả hai bên đều phải tiến hành cùng một lúc, không thể chỉ một bên rút quân, còn bên kia được để quân đội ở lại để bảo vệ cuộc tổng tuyển cử.

Chu Ân Lai nói, về vấn đề Triều Tiên, trước đây ngài cũng đã từng có nhiều cố gắng. Trong ngày thảo luận thứ hai, ngoại trưởng Nam Il đã đưa ra một phương án toàn diện, nhưng phía LHQ trong suốt bốn tuần lễ qua đã không đưa ra bất kỳ một phương án nào cả. Ngày hôm qua họ vẫn nêu ra vấn đề cũ, tức là để cho Lý Thừa Vãn thống nhất cả Triều Tiên. Thủ tướng Nehru từng nói: Triều Tiên nhất định phải thống nhất, nhưng thống nhất không thể do bên này gán ép cho bên kia. Nhưng Lý Thừa Vãn đang đòi làm như vậy. Đề nghị của Ngoại trưởng Nam Il là bình đẳng cho cả hai bên. Hôm qua, chúng tôi lại đưa ra đề nghị bổ sung là để cho các nước trung lập giám sát cuộc bầu cử tự do. So sánh hai phương án với nhau sẽ thấy ngay ai là kẻ muốn kéo dài. Mỹ đang muốn lấy việc đó để chứng minh là đàm phán không thể giải quyết được vấn đề. Nhưng, như vậy là không đúng. Chúng tôi cho rằng, vấn đề Triều Tiên có thể giải quyết được. Vấn đề là ở chỗ hai bên hiệp thương bình đẳng với nhau hay là một bên áp đặt ý kiến của mình cho phía bên kia.

Chu Ân Lai nói với Menon: chúng tôi cũng nghĩ vấn đề Đông Dương càng cấp bách hơn, vì cần đình chiến ở đó. Nếu thực hiện được điều này thì mưu đồ mở rộng chiến tranh của tập đoàn hiếu chiến sẽ bị thất bại. Trung tâm của vấn đề là, Mỹ muốn làm cho nước Việt Nam DCCH càng nhỏ càng tốt, để họ huấn luyện quân đội Bảo Đại sau này đứng lên tiêu diệt nước Việt Nam DCCH. Chỉ với điều kiện như vậy, Mỹ mới muốn đình chiến. Một số người trong chính phủ Pháp, trong đó có Bidault, chạy theo chính sách này của Mỹ."2

Hai ngày sau, hồi 10 giờ 30 phút sáng 25/5, Chu Ân Lai lại gặp Menon để trình bày quan điểm của mình về vấn đề Triều Tiên và Đông Dương. Về vấn đề Đông Dương, Chu Ân Lai nói, trong phương án của Pháp, Pháp chia quân đội ở Đông Dương làm hai loại chính qui và không chính qui, mãi đến hôm qua tôi mới rõ dụng ý của họ. Mục đích của Pháp là muốn coi lực lượng bộ đội Việt Minh ở Nam Bộ Việt Nam cùng lực lượng vũ trang nhân dân ở Lào và Campuchia đều là loại quân không chính qui, phải giải giáp vũ trang. Như vậy sẽ không phải qui định khu vực tập kết cho số quân đội này và giải giáp vũ trang của họ cũng không bị coi là hành động chiến tranh.

Menon nói với Chu Ân Lai: cách tư duy của người phương Đông và người phương Tây khác nhau. Có việc người phương Đông coi là vấn đề chính trị, thì người phương Tây lại cho là vấn đề quân sự. Hai loại vấn đề này có thể tách riêng ra để lần lượt thảo luận.

Menon đề nghị Chu Ân Lai là sẽ nói lại với Eden nội dung vấn đề nêu trên, sẽ rất hữu ích. Buổi trưa, Menon sẽ cùng ăn trưa với Eden, "Nếu ngài đồng ý, tôi sẽ đề nghị ông ta và ngài gặp nhau vào tối nay hoặc ngày mai. Tôi cần có mặt hay không, tùy hai ngài quyết định".

Chu Ân Lai đồng ý đề nghị của Menon. Chu nói: tôi không phản đối việc gặp ngài Eden, xin ngài cứ chủ động. Trung Quốc đến đây chính là vì muốn khôi phục hòa bình ở Đông Dương, chúng tôi hoan nghênh tất cả mọi người muốn gặp gỡ, tiếp xúc với chúng tôi.3

Hoạt động phối hợp của Menon đã đem lại kết quả tích cực. Đúng vào dịp diễn ra cuộc nói chuyện lần này, Chu Ân Lai đã hạ quyết tâm là phải đi trước một bước trong cuộc tranh cãi không có kết quả, tách bóc vấn đề, đơn giản hóa tình hình phức tạp hiện tại. Phe phương Đông không sợ việc đình chiến ở Đông Dương trước, giải quyết các vấn đề khác sau. Chu Ân Lai lập tức trao đổi ý kiến với đại diện của Liên Xô và Việt Nam, được họ ủng hộ.

Trải qua mấy lần tiến thoái, lập trường của hai phe Đông và Tây về vấn đề Đông Dương đã dần nhích lại với nhau. Ngày 24/5, có nhà báo hỏi Hoàng Văn Hoan, người phát ngôn của đoàn đại biểu Việt Nam: có phải chỉ sau khi đạt được thỏa thuận về giải quyết vấn đề chính trị, Tư lệnh của quân đội hai bên Việt Nam - Pháp mới thảo luận vấn đề đình chiến không? Hoàng Văn Hoan trả lời: "Phải ngừng bắn trước. Chúng tôi không kèm theo điều kiện chính trị gì cho việc ngừng bắn cả. Nếu như nói, trong phương án của ông Phạm Văn Đồng, điều khoản về giải quyết chính trị được đặt trước, đó cũng chỉ là cách diễn đạt thôi". Nghe câu trả lời này, phóng viên Pháp có mặt tại chỗ lúc đầu còn tưởng là tai mình nghe nhầm. Như vậy rõ ràng là có ý nói Việt Nam chấp nhận ngừng bắn làm điều kiện tiên quyết để tiếp tục hội đàm.

Ngày hôm nay còn có một cử chỉ sáng suốt nữa. Đó là chiều nay, hội nghị đã tiến hành phiên họp hẹp thứ năm về vấn đề Đông Dương, trong lúc hội nghị nghỉ giữa giờ, Ngoại trưởng Pháp Bidault đã chủ động chào Chu Ân Lai. Đây lại là một biểu hiện nữa của sự hòa dịu.

Trong khi Chu Ân Lai và Menon gặp nhau lần thứ hai, ngày 25/5, xung quanh Cung Vạn Quốc đã có người đồn đại rằng bài phát biểu chiều nay của Phạm Văn Đồng sẽ rất quan trọng. Quả nhiên, tại cuộc họp hẹp chiều hôm đó, Phạm Văn Đồng phát biểu 15 phút. Ông nói: ngừng bắn phải trên cơ sở sau đây: “Việc xác định và điều chỉnh đường ranh giới ngừng bắn phải dựa trên cơ sở: hai bên điều chỉnh (chiếm đóng) khu vực phải cân nhắc, xem xét các yếu tố nhân khẩu, trạng thái chính trị, phát triển kinh tế v.v... để có thể quản lý kinh tế và hành chính có hiệu quả khu vực mình kiểm soát. Trong điều kiện có thể, đường ranh giới ngừng bắn còn phải cân nhắc đến các yếu tố khác, như địa lý... để mọi người có thể dễ dàng phân biệt, đồng thời không ảnh hưởng đến sự thuận tiện về thông tin và giao thông đi lại của khu vực kiểm soát của mỗi bên."4

Khi hội nghị nghỉ, một lần nữa Bidault lại chào Chu Ân Lai. Khi kết thúc hội nghị, mọi người đứng dậy ra về, đại biểu Pháp Sason, níu tay áo trợ lý quân sự Blisson nói: “đại tá, như vậy là phân chia Việt Nam. Lần này họ đồng ý rồi". Sau đó Bidault nói: “Chúng ta hãy chia quả lê này ra làm hai phần, nhưng phần của chúng ta phải có cái cuống."

Cùng ngày, nhưng sớm hơn trước đó một chút, tướng [René] Cogny, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại miền Bắc Việt Nam đã gửi thư cho Tổng Tư lệnh quân đội Việt Nam Võ Nguyên Giáp. Lá thư do các nhân viên y tế Pháp mang đến Điện Biên Phủ trao cho Phó Sư đoàn trưởng sư đoàn 308 Cao Văn Khánh, toàn văn như sau:

"Tư lệnh lực lượng vũ trang trên bộ của quân đội Pháp tại miền Bắc Việt Nam, đại diện Tổng Tư lệnh quân Pháp tại Đông Dương, thông qua đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương vừa từ Điện Biên Phủ trở về Hà Nội ngày 24/5, được biết: Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam đã kháng nghị về việc một máy bay B-26 đã ném bom khu vực cách Điện Biên Phủ 7 km vào tối 23/5 và sáng 24/5.

Tư lệnh lực lượng trên bộ của quân đội Pháp tại Miền Bắc Việt Nam, đại diện Tổng Tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương xác định rõ đã ra lệnh cho tất cả phi công lái máy bay chiến đấu không được tiếp cận khu vực cách Điện Biên Phủ trong vòng 10 km, vì vậy đây là sự nhầm lẫn rất đáng tiếc.

Bộ Tư lệnh Không quân Pháp tại miền Bắc Việt Nam đã ra lệnh tiến hành điều tra tình hình thực tế có thể dẫn đến sự nhầm lẫn này, đồng thời một lần nữa ra lệnh cho các đơn vị hữu quan nghiêm cấm việc bay trên vùng trời cách Điện Biên Phủ trong vòng 10 km.

Ngày 25/5/1954

Tư lệnh lực lượng trên bộ của quân đội Pháp tại Miền Bắc Việt Nam

Cogny.

10 giờ 30 phút sáng 27/5, Eden đến gặp Chu Ân Lai, đề nghị tìm biện pháp giải quyết cả gói vấn đề Đông Dương, trước hết là phải ngừng bắn trên toàn cõi Đông Dương, tiếp đến là giải quyết vấn đề giám sát quốc tế.

Chu Ân Lai đáp: Sau khi xác định rõ khu vực tập kết của quân đội hai bên đối địch ở ba nước Đông Dương, biện pháp thi hành cụ thể ở mỗi nước sẽ có khác nhau, có thể đạt được thỏa thuận trước ở ba nước, sau đó sẽ ngừng bắn. Chu Ân Lai cố ý nói bóng gió: phía Trung Quốc "vẫn đồng ý" với “mục đích trung tâm" trong đề nghị của Anh Quốc.

Nghe câu trả lời này, Eden rất mừng. Eden nói, trước tiên hai bên có thể đi đến một sự hiểu biết, sau đó sẽ thảo luận vấn đề Việt Nam. Eden còn đưa ra đề nghị rõ ràng là đại diện của hai bên tham chiến không chỉ cử sĩ quan tới gặp nhau tại Genève mà còn gặp nhau ngay tại chiến trường.

Cái hay của đề nghị này là cùng một lúc thiết lập được hai địa điểm đàm phán, kiềm chế lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau. Chu Ân Lai rất quan tâm chú ý đề nghị này.

Lần này, ngoại trưởng hai nước tuy chỉ trao đổi trong thời gian ngắn, nhưng sự hiểu biết mà hai bên đạt được lại rất quan trọng. Khi Eden đứng lên khỏi ghế sô pha để chào Chu Ân Lai, ông ta thể hiện rõ sự thoải mái, nhẹ nhõm. Lúc này, ánh mắt của Eden đã bị thu hút bởi các đồ trưng bày thể hiện văn hóa Trung Hoa đặt tại phòng khách của Chu Ân Lai, ông ta phát hiện ra là phòng khách này có rất nhiều đồ gốm sứ tinh xảo, rất đẹp của Trung Quốc. Ngay từ hồi nhỏ, Eden đã thích đồ sứ Trung Quốc, và ông ta có khả năng quan sát, phân biệt, Eden khen ngợi mấy câu.

Chu Ân Lai nhanh trí tiếp chuyện: “Ngài Eden rất am hiểu lĩnh vực này nhỉ !".

Hai vị ngoại trưởng đều đứng lại ngắm nhìn một lượt các loại đồ sứ bày trong phòng. Eden nói: Có phải những đồ sứ tinh xảo này, một số được chuyển từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Bern đến, một số khác được mang trực tiếp từ Bắc Kinh tới? Ông ta đoán không đúng lắm, các đồ sứ Trung Quốc bày tại biệt thự Vạn Hoa này đều do Đại sứ quán Trung Quốc ở Bern chuyển đến, đó là công lao của Phùng Huyền và Ôn Minh Cửu.

Chu Ân Lai vui vẻ trò chuyện với Eden về đồ gốm sứ cổ của Trung Quốc và mời Eden đến thăm các gian phòng khác để xem các loại đồ sứ và tranh cổ của Trung Quốc trang trí tại đây. Khúc nhạc dạo nhẹ nhõm, thoải mái này vô cùng hữu ích. Eden cho rằng Chu Ân Lai hiểu rất rõ ý nghĩa các vật phẩm nghệ thuật của tổ quốc mình đối với vị khách tới thăm, rất tình người. Đồ sứ cổ tao nhã, tinh xảo của Trung Quốc đã làm cho tình cảm cá nhân của Eden và Chu Ân Lai xích lại gần nhau.5

Có thể thấy ngay được những đổi thay nho nhỏ của Hội nghị Genève. Tại cuộc họp bàn về vấn đề Đông Dương buổi chiều cùng ngày, Bidault đã gặp Phạm Văn Đồng, hai bên hàn huyên với nhau mấy câu. Đây là lần trao đổi, trò chuyện đầu tiên giữa hai người kể từ ngày hội nghị Genève khai mạc đến nay.

Tại cuộc họp hôm nay, Chu Ân Lai đã đưa ra "Đề nghị của đoàn đại biểu Trung Quốc về việc chấm dứt hành động đối địch tại Đông Dương", toàn văn như sau:

Hiệp nghị các nguyên tắc cơ bản về chấm dứt hành động đối địch tại Đông Dương của các nước tham dự hội nghị Genève như sau:

  1. Tất cả các lực lượng vũ trang của hai bên tham chiến - lục quân, hải quân và không quân - thực hiện ngừng bắn hoàn toàn và cùng một lúc trên toàn lãnh thổ Đông Dương;

  2. Hai bên bắt đầu đàm phán về việc điều chỉnh thích đáng khu vực ở vùng hai bên chiếm đóng và về việc di chuyển quân đội hai bên khi đang tiến hành điều chỉnh khu vực cũng như về các vấn đề hữu quan khác có thể xảy ra;

  3. Đồng thời với việc chấm dứt các hành động đối địch trên toàn lãnh thổ Đông Dương, chấm dứt việc đưa quân đội và các nhân viên quân sự mới cũng như các loại vũ khí, đạn dược từ bên ngoài vào trong lãnh thổ Đông Dương.

  4. Uỷ ban Liên hợp, do đại diện của Bộ Tư lệnh hai bên lập ra, tiến hành giám sát việc thi hành các điều khoản của hiệp định chấm dứt các hành động đối địch. Việc thi hành các điều khoản của hiệp định nói trên cũng cần có sự giám sát quốc tế, do một Uỷ ban các nước trung lập đảm nhiệm.

Về các nước thành viên của Uỷ ban giám sát trung lập, sẽ được xem xét riêng.

  1. Các nước tham dự hội nghị có trách nhiệm bảo đảm việc thi hành hiệp định.

Vấn đề tính chất nghĩa vụ của các nước hữu quan, sẽ được xem xét sau.

  1. Hai bên trao trả tù binh và thường dân bị bắt giữ."

Phát biểu tại hội nghị, Chu Ân Lai nêu rõ: Tình hình cụ thể của ba nước Đông Dương khác nhau, nhưng đều có vấn đề phải ngừng bắn. Nếu đã cần ngừng bắn, thì hai bên tham chiến cần phải gặp gỡ, tiếp xúc với nhau tại Genève và tại chiến trường Đông Dương nhằm xác định hàng loạt vấn đề cụ thể. Tiến trình ngừng bắn của cuộc chiến tranh Triều Tiên đã tạo ra một hình mẫu cho cuộc ngừng bắn ở Đông Dương, có thể thành lập một Uỷ ban giám sát gồm các nước trung lập để thừa hành chức trách.

Cùng ngày, Tân Hoa xã đã phát đi một bản tin được Chu Ân Lai phê duyệt: “Tại cuộc họp đại diện chín nước thảo luận vấn đề Đông Dương hôm nay, Đoàn đại biểu Trung Quốc đã có những “cố gắng quan trọng có tính chất xây dựng” nhằm tìm kiếm sự thỏa thuận về mặt “đình chiến quân sự”, Chu Ân Lai còn mở ra con đường, đề nghị Bộ Tư lệnh hai bên tham chiến trực tiếp hội đàm với nhau, nhằm tránh được một khó khăn cho cuộc hội đàm cấp cao hiện nay. Bản tin này, trên thực tế là sự bổ sung, nói rõ thêm cho đề án mà Chu Ân Lai đã dưa ra tại hội nghị. Bản tin nói rõ:

Các vùng chiến sự ở Đông Dương phân tán, đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, không hề ảnh hưởng nguyên tắc đình chiến cùng một lúc.

Về các khu vực tập kết quân đội của hai bên, cũng chính là vấn đề hai bên điều chỉnh khu vực, đoàn đại biểu Trung Quốc cho rằng, tình hình của ba nước Đông Dương - Việt Nam, Campuchia, Lào - hoàn toàn khác nhau, vì vậy sau khi hai bên xác định nguyên tắc điều chỉnh khu vực, còn phải căn cứ vào tình hình cụ thể của ba nước để thực hiện, vì vậy biện pháp giải quyết cũng sẽ không giống nhau, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đối với việc hội nghị đi đến thỏa thuận việc phải có qui định về thực hiện điều chỉnh khu vực của hai bên. Đoàn đại biểu Trung Quốc đồng ý việc Bộ Tư lệnh của hai bên tham chiến, ngoài việc tiếp xúc, gặp gỡ nhau tại chỗ, mà còn cử đại diện tới gặp nhau tại Genève để đàm phán về vấn đề điều chỉnh thích đáng khu vực chiếm đóng của hai bên, về việc di chuyển quân đội của hai bên trong khi đang điều chỉnh khu vực và về các vấn đề liên quan khác có thể sẽ xảy ra. Như vậy, Hội nghị có thể để cho đại diện Bộ tư lệnh hai bên bàn bạc vấn đề điều chỉnh khu vực và lắng nghe các kết luận và đề nghị của họ."6

Nếu đề nghị trên đây được thực hiện, hội nghị Genève coi như có thêm một con đường đàm phán. Buổi tối cùng ngày, Smith báo cáo với Dulles đề án của Chu Ân Lai. Smith nói: “Hôm nay gặp khó khăn lớn, cộng sản không hề thỏa hiệp."

Bản đề án mới do Chu Ân Lai đưa ra đã làm cho không khí hội nghị càng hòa dịu hơn. Buổi tối, Bidault mở tiệc chiêu đãi Molotov. Món ăn chính trong bữa tiệc là cá tươi của hồ Leman. Molotov hỏi một câu đầy ngụ ý: “Đây là cá gì vậy? Cá của Pháp hay của Thụy Sĩ?" Hồ Leman nằm giữa Pháp và Thụy Sĩ, Molotov muốn ám chỉ rằng các quyết định của đoàn đại biểu Pháp là do đoàn tự quyết định hay do các chỉ thị từ Paris, và cũng có thể hiểu là các quyết định của đoàn Pháp tại Genève là căn cứ theo chỉ thị của chính phủ nước mình hay là dựa vào một nước lớn nào đó.

Bidault trả lời hóm hỉnh: “Còn phải xem con cá được đánh bắt từ bờ của nước Pháp hay bờ của Thụy Sĩ".

Molotov lại hỏi một câu hai hàm ý: “Có nghĩa là vấn đề đã được giải quyết rồi?"

Trong câu chuyện trao đổi, Molotov khuyên Bidault nên chấp nhận đề án của Chu Ân Lai. Như vậy, tại Genève, hai bên Pháp - Việt không chỉ có các đại diện ngoại giao đàm phán mà còn có cả các đoàn đại biểu quân sự trực tiếp gặp nhau, có lợi cho việc giải quyết vấn đề.

Bidault tỏ vẻ đồng tình và nói, càng có nhiều đại diện tại Genève tiến hành gặp gỡ, tiếp xúc là một việc tốt.

Bên ngoài hội nghị, Eden cũng làm công việc phối hợp hòa giải và do đặc sứ Ấn Độ Menon đảm nhiệm công việc điều phối, có sửa đổi nhỏ đề án của Chu Ân Lai. Đoàn đại biểu Anh có tác dụng đặc biệt làm cầu nối giữa hai phe Đông - Tây, hai bên tương đối dễ chấp nhận. Ngày 29/5, Hội nghị Genève đã thông qua đề án của Đoàn đại biểu Anh:

Nhằm thúc đẩy việc chấm dứt sớm và đồng thời các hành động đối địch, nay đề nghị:

    1. a. Đại diện của Bộ Tư lệnh hai bên cần nhanh chóng gặp nhau tại Genève đồng thời cũng bắt đầu tiếp xúc với nhau tại chỗ.

    2. b. Đại diện của Bộ Tư lệnh hai bên cần nghiên cứu vấn đề bố trí quân đội sau khi chấm dứt các hành động thù địch, việc này nên bắt đầu từ vấn đề tập kết mới tại Việt Nam.

    3. C. Họ phải sớm đưa ra báo cáo và các đề nghị với Hội nghị.

Ngày giờ gặp gỡ của đại diện Bộ Tư lệnh hai bên phải xác định xong trước ngày 1/6. Cuộc họp hẹp lần tới sẽ tiến hành vào ngày 31/5. "

Bản đề án này, nhìn bề ngoài có vẻ là nhỏ, nhưng lại là bản đề án hòa dịu thực chất đầu tiên được thông qua tại hội nghị Genève, một mặt chứng tỏ cả hai phe Đông-Tây đều mong muốn giải quyết vấn đề Đông Dương đang đổ máu, mặt khác quả thực là đã tìm ra được một con đường mới làm vùng đệm.

Ngày 31/5, đại diện Liên Xô, Molotov đưa ra đề nghị tại cuộc họp hẹp về vấn đề Đông Dương: Thành lập "Uỷ ban giám sát các nước trung lập", bao gồm bốn nước là Ấn Độ, Ba Lan, Tiệp Khắc, Pakistan, để tiến hành giám sát cuộc ngừng bắn ở Đông Dương.

Trưa ngày 1/6, Eden cùng Bidault và Smith gặp nhau. Eden bày tỏ là Anh sẽ ủng hộ lập trường của Pháp trong vấn đề Đông Dương, đồng thời nhất trí với lập trường của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Eden hỏi Bidault và Smith: về vấn đề Đông Dương, “Mỹ và Pháp đánh giá thế nào về triển vọng của hội nghị Genève? Có nên nhanh chóng đi đến thỏa thuận nào đó? Cuối tuần sau có thể hình thành các điều khoản chủ yếu của Hiệp định?".

Eden nói, tối nay ông ta sẽ gặp Chu Ân Lai, nên nói gì với Chu Ân Lai? Kết quả, ba người bàn bạc là Eden nên nói cho Chu Ân Lai biết là không thể chấp nhận đề án mới nhất do Molotov đưa ra.7

Tám giờ tối, Chu Ân Lai đến biệt thự của Eden để dự tiệc. Sau nhiều lần gặp gỡ trong một tháng qua, Chu Ân Lai và Eden đã dần quen nhau, phạm vi nói chuyện cũng ngày càng rộng hơn. Khi gặp nhau, cả hai đều tỏ ra rất lịch thiệp, trong trò chuyện, hỏi, đáp khá linh hoạt. Kiều Quán Hoa nhớ lại kể: “Chu Thủ tướng đã mấy lần gặp gỡ, nói chuyện với Eden, vì Eden là một trong hai đồng Chủ tịch hội nghị Genève. Tôi được dự một lần cuộc gặp của Thủ tướng với Eden8. Eden đề cập việc: Sau ngày thành lập nước CHND Trung Hoa, các ngài đã tịch thu rất nhiều tài sản của Anh tại Trung Quốc, các ngài có xem xét gì về chuyện này? Thủ tướng đáp một cách rất khách khí: Quan hệ Trung - Anh rất dài. Từ thời Chiến tranh nha phiến đến nay đã hơn 100 năm. Các quan hệ này cũng rất phức tạp, nếu nói ai mắc nợ ai thì phải tính từ thời kỳ Chiến tranh nha phiến. Tôi nghĩ, nếu tính toán như vậy, không chắc đã có lợi cho nước Anh. Eden là con người nhanh trí, không hồ đồ, lập tức cười nói vui vẻ: tất nhiên bây giờ không cần thiết nhắc lại những chuyện đó nữa."9

Tại bữa tiệc tối hôm đó, Chu nói với Eden: đã đến lúc hai bên Trung - Anh nên có hành động để cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Nguyên là, trước đó hai ngày, hồi 11 giờ 30 phút ngày 30/5, tại biệt thự đồi Vạn Hoa, Chu Ân Lai đã tiếp cựu Bộ trưởng Thương mại Anh Wilson và nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh John Brown vừa từ Anh tới. Wilson nói với Chu Ân Lai: Trung Quốc nên lập cơ quan thương mại tại Anh quốc và nói, để thúc đẩy mậu dịch phát triển, Anh cũng cần lập cơ quan thương mại tại Trung Quốc.

Chu Ân Lai đã trình bày với hai nghị sĩ nổi tiếng của Anh về quan điểm đối với vấn đề vị trí quốc tế của Trung Quốc. Chu Ân Lai nói: Vấn đề quyền đại diện của Trung Quốc tại LHQ là vấn đề quyền lợi, chứ không phải là vấn đề đàm phán, do Mỹ thao túng, đại đa số các nước hội viên LHQ đã cướp mất quyền lợi này của Trung Quốc. Quan điểm của chúng ta khác nhau ở chỗ: chúng tôi cho rằng nước Anh có thể có một số tác dụng trong vấn đề này. Nước Anh có thể nói rõ cho thế giới biết ý kiến của mình khác với Mỹ và từ đó cũng có thể ảnh hưởng tới Mỹ.10

Hôm nay, rõ ràng Eden hiểu khá rõ thái độ của Chu Ân Lai, ngay sau khi gặp gỡ, đã cùng Chu Ân Lai thảo luận về quan hệ Trung – Anh. Eden nói: Chúng tôi có một người tại Bắc Kinh, nhưng các Ngài lại không có ai ở London. Quan hệ giữa chúng ta không nên cắt đôi như thế, liệu Ngài có thể cử một “Trevelyan của Trung Quốc tới London không?".

Chu Ân Lai tỏ thái độ đồng ý. Hoạn Hương cùng có mặt tại cuộc gặp nói luôn: tôi sẽ giải quyết các vấn đề sự vụ cụ thể.

Ngoại trưởng hai nước Trung - Anh đi đến thỏa thuận miệng tại chỗ: thành lập văn phòng đại diện tại thủ đô hai nước.

Ngoại trưởng hai nước nói đến vấn đề chiếc ghế của Trung Quốc tại LHQ. Chu Ân Lai hỏi: ngài Eden có quan điểm như thế nào về chiếc ghế của Trung Quốc tại LHQ? Eden nói xa xôi bóng gió: "Có mấy việc tôi không muốn gặp phải, một là vấn đề Kashmir, hai là sự tranh chấp giữa Israel với các nước Arập. Quả thật, tôi không hiểu vì sao ngài lại vẫn thích thú với việc tham gia LHQ? LHQ quả là nơi phiền toái, chỉ có ở bên ngoài LHQ mới có thể “tiêu dao tự tại”.

Lời nói của Eden lúc này là không thật. Eden hoàn toàn biết rõ tác dụng của LHQ đang càng ngày càng tăng lên, tại sao Trung Quốc lại không muốn sớm khôi phục địa vị của mình tại LHQ và phát huy tác dụng của mình ở LHQ? Rõ ràng, nước Anh không muốn nhất trí với ý kiến của Trung Quốc về vấn đề này.

Chu Ân Lai đáp lại Eden một câu: ngài cho rằng chúng tôi rất thích thú với việc tham gia LHQ ư? Đúng như ngài nói, mấy năm qua chúng tôi không ở trong đó.

Hai bên chuyển đề tài sang nói về việc phương Tây thi hành “cấm vận" đối với Trung Quốc. Eden nói đến công tác trị thủy sông Hoài của Trung Quốc và hỏi: Trung Quốc có đầy đủ thiết bị cơ khí xây dựng không? Nếu không đủ, việc cấm vận của phương Tây đối với hạng mục này có thể sẽ nới lỏng.

Chu Ân Lai đáp, người Trung Quốc có khả năng giải quyết khó khăn của mình. Tất nhiên hiện nay chúng tôi quả là đang có những khó khăn trong xây dựng cần phải giải quyết.

Khi đề cập tới vấn đề Đông Dương, một lần nữa, Eden lại nói: tình hình tại nơi đó rất nguy hiểm, đoàn đại biểu Anh và các nước khác đều quan tâm. Đoàn đại biểu Trung Quốc, nhất là đoàn đại biểu Việt Nam liệu có quyết tâm đạt được thỏa thuận về vấn đề này không? Eden nói với Chu Ân Lai, hy vọng Chu có thể hiểu lập trường của đoàn Anh và của các đoàn đại biểu khác. Về vấn đề giám sát quốc tế ở Đông Dương, đề án của Liên Xô nói Tiệp Khắc và Ba Lan tham gia vào Uỷ ban giám sát, các nước phương Tây không thể chấp nhận. Anh cũng không tín nhiệm hai nước này. Tiệp Khắc và Ba Lan là hai nước châu Âu, không hiểu rõ về Đông Dương.

Chu Ân Lai đáp: Uỷ ban giám sát về vấn đề Triều Tiên cũng có nước châu Âu, họ làm việc rất tốt. Vả lại, trong đề án của Liên Xô nêu ra bốn nước, trong đó Ấn Độ và Pakistan có quan hệ rất mật thiết với Anh, chính phủ Anh phải hài lòng mới đúng chứ. Còn việc Tiệp Khắc và Ba Lan tham gia Uỷ ban giám sát sẽ có lợi cho việc bảo đảm quyền lợi của nhân dân Việt Nam.

Eden chuyển lời hỏi thăm của Thủ tướng Anh Churchill tới Chu Ân Lai. Eden nói: “Phu nhân ngài Churchill đang dưỡng bệnh ở gần đây, Churchill có thể sẽ ghé Genève để đón phu nhân. Nếu đúng như vậy, Thủ tướng Churchill cũng muốn gặp Thủ tướng Chu Ân Lai."

Chu Ân Lai cám ơn lời thăm hỏi của Churchill và nói, nếu Thủ tướng Churchill đến, nhất định chúng tôi sẽ đón tiếp.

Trong bữa tiệc, Eden ba lần nói muốn sang thăm Trung Quốc, Chu Ân Lai biểu thị rõ là hoan nghênh.

Sau khi rời khỏi nhà Eden, Chu Ân Lai bí mật đến chỗ ở của Bidault, bí mật gặp Bidault lúc 10 giờ tối.

Chu Ân Lai nói với Bidault: chúng tôi đến họp ở Genève là nhằm khôi phục hòa bình ở Đông Dương, chúng tôi chỉ có thể làm cho hội nghị thành công, không thể để cho hội nghị thất bại. chỉ cần mọi người đều quyết tâm như vậy thì hội nghị sẽ có tiến triển nhanh chóng. Chúng tôi ở vào địa vị có tác dụng thúc đẩy, chúng tôi hy vọng sớm có biện pháp để giải quyết vấn đề, tất nhiên nó đòi hỏi chúng ta phải cố gắng. Ngài Bidault đã nêu ra sự nguy hiểm của việc mở rộng chiến tranh, chúng tôi cho rằng, xuất phát từ lợi ích của nhân dân Việt Nam và lợi ích dân tộc của nước Pháp, cần phải chấm dứt chiến tranh. Nguy hiểm là có, đó là sự can thiệp của Mỹ, điều đó không có lợi cho nước Pháp, không có lợi cho Đông Dương và Đông Nam Á, nó đe dọa an ninh của châu Á và của Trung Quốc, đó là điều chúng tôi quan tâm.

Bidault đáp: Tôi muốn nói lại một lần nữa yêu cầu của chúng tôi là:

  1. Mau chóng đi đến thỏa thuận, ít nhất là một hiệp định hợp lý, tạm thời;

  2. Hai bên tham mưu hoạch định khu vực tập kết;

  3. Giải quyết vấn đề giám sát.

Chu Ân Lai nói: ba điểm nói trên đều hướng tới hòa bình, chỉ cần các ý kiến có lợi cho hòa bình, chúng tôi sẽ hết lòng ủng hộ, hòa bình là mục đích của chúng tôi. Hy vọng chúng ta cùng hợp tác nhằm đạt được mục tiêu chung đó. Cục diện tình hình xấu đi sẽ chẳng có lợi cho một bên nào cả, vì vậy, ba điểm quan trọng mà ngài Bidault nêu ra đều cần phải giải quyết và cũng có thể nhanh chóng giải quyết được.

Cùng ngày, Chu Ân Lai gửi điện cho Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ và Trung ương ĐCS Trung Quốc, báo cáo tình hình tiến triển trong cuộc gặp gỡ với ngoại trưởng Anh. Chu nói, cả Wilson, Robert Brown và Eden của Anh đều bày tỏ với Lôi Nhiệm Dân rằng hoan nghênh Trung Quốc lập cơ quan Thương vụ thường trực tại London. Để thúc đẩy quan hệ Trung - Anh, chúng ta có thể chính thức nêu ra với phía Anh về việc thành lập cơ quan Thương vụ thường trực. Cơ quan này cần được hưởng các quyền lợi và địa vị ngoại giao hoàn toàn, trên thực tế là một cơ quan ngoại giao.

Như vậy là, nhân dịp hội nghị Genève về Đông Dương đạt được bước tiến triển tích cực, mối quan hệ Trung - Anh cũng xuất hiện sự hòa giải làm mọi người chú ý. Ngày 3/6, Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố, Trung Quốc đã đồng ý cho phép các thương nhân Anh có quyền tự do hoạt động rộng hơn trên đất Trung Quốc, cử phái đoàn ngoại giao tới London, xem xét lại các vụ án liên quan đến công dân Anh đang bị giam giữ và sẽ tạo thuận lợi cho các thương nhân Anh muốn rời khỏi Trung Quốc.

Ngày hôm sau, Hoạn Hương hẹn gặp Trevelyan, thông báo cho phía Anh biết, phía Trung Quốc đồng ý cử quan chức cấp Đại biện đến thường trú tại London, cùng phía Anh tiến hành đàm phán để giải quyết các vấn đề tồn tại giữa hai nước. Trevelyan hứa ngay rằng sẽ lập tức báo cáo với Eden. Trevelyan có nguyện vọng tốt đẹp muốn cải thiện quan hệ Anh - Trung. Sau khi đến Bắc Kinh vào tháng 8 năm 1953 đến nay, ông ta vẫn chưa có dịp gặp Chu Ân Lai. Lần này, tại Genève, được Eden dẫn đầu, Trevelyan mới được bắt tay Chu Ân Lai, ông ta vẫn bị hấp dẫn bởi Chu Ân Lai, cho rằng Chu Ân Lai là người "được giáo dục tốt, kiến thức sâu rộng, nhận thức sâu sắc các sự việc, cử chỉ nhã nhặn". Theo Trevelyan, "bất kể nhìn từ góc độ nào, Chu Ân Lai vẫn là một nhân vật phi thường, một nhà đàm phán đặc biệt sắc xảo và nhạy bén, có một sức lực dồi dào bất tận, có khả năng giải quyết vấn đề khiến mọi người phải kinh ngạc. Không chỉ như vậy, Chu Ân Lai còn là một người giản dị, dễ gần, đồng thời lại có sức mạnh hơn người."11

Từ London đến Bắc Kinh, lại từ Bắc Kinh đến Genève, Trevelyan đã góp phần vào việc cải thiện quan hệ hai nước Anh - Trung.

1 Phỏng vấn Hà Phương ngày 6/1/2000, phỏng vấn Mã Liệt ngày 29/5/1998 và phỏng vấn Quản Trấn Hồ ngày 5/3/1998 tại Bắc Kinh.

2 Đại sự ký hoạt động ngoại giao của Chu Ân Lai giai đoạn 1949-1975, sđd, tr. 62.

3 Lý Liên Khánh, Chu Ân Lai – nhà ngoại giao lớn t.2, sđd, tr. 137-140.

4 Philippe Devillers & Jean Lacouture, sđd, tr. 206-207.

5 Sir Anthony Eden, sđd, tr. 121-122.

6 Tuyển tập văn kiện Hội nghị Genève, sđd, tr. 192.

7 Foreign Relation of the United States 1952-1954, Volume XVI, the Geneva Conference, United States Goverment Printing Office, Washington 1981, tr. 947.

8 Ở đây, Kiều Quán Hoa nhớ nhầm, ông được tháp tùng Chu Ân Lai gặp gỡ Eden không chỉ một lần. TG.

9 Hồ sơ lưu trữ về hội nghị Genève: Hồi ký Kiều Quán Hoa, Tiền Gia Đông bảo quản.

10 Đại sự ký hoạt động ngoại giao của Chu Ân Lai giai đoạn 1949-1975, sđd, tr.63.

11 H. Trevelyan, Worlds Apart China, 1953-1954, USSR 1962-1965, published 1971 by Macmillan, London Ltd, tr.79-80.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss