Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 / CHƯƠNG 19 - Đối thoại giữa hai nước lớn Trung – Mỹ

CHƯƠNG 19 - Đối thoại giữa hai nước lớn Trung – Mỹ

- Tiền Giang - Bản dịch Dương Danh Dy — published 05/01/2009 17:13, cập nhật lần cuối 06/02/2009 09:14

 

CHƯƠNG 19

Đối thoại giữa hai nước lớn Trung – Mỹ

 

Đến Genève, giữa hai phái đoàn Trung Quốc và Mỹ dường như có một “vĩ tuyến 38” vô hình ngăn cách giữa hai bên. Hai bên né tránh lẫn nhau, tạo thành một bối cảnh rất đặc biệt tại Vạn quốc cung. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước lớn Trung - Mỹ vốn từ lâu đã có nhiều mối liên quan với nhau là không thể cắt đứt được, cho dù đã đối đầu nhau trên chiến trường Triều Tiên. Chu Ân Lai quyết tâm giữ thế chủ động, thực hiện tiếp xúc ngoại giao giữa hai bên. Dulles cũng có “tâm sự” muốn “thổ lộ” với Chu Ân Lai. Tiến trình đàm phán kéo dài giữa Trung Quốc và Mỹ đã được các đại biểu cấp cao hai nước mở ra tại hội nghị Genève.

 
Hồ Leman tiếp nhận nước của những dòng sông từ bốn phương tám hướng đổ vào, màu trời, màu núi cùng hòa với màu sắc mặt nước hồ, nhưng giữa những người Trung Quốc và những người Mỹ ở Genève, dường như có một “vĩ tuyến 38” vô hình. Phóng viên nổi tiếng người Mỹ W. Charles nói “Bức tường bằng hàng rào đã dựng lên rồi. Trong các thời gian giải lao tại hội nghị, mỗi khi có đại biểu Trung Quốc xuất hiện, các đại biểu Mỹ lại cẩn trọng đưa mắt đi chỗ khác”.

Trước thái độ lạnh nhạt của Dulles, các đại biểu Trung Quốc thấy rất tức giận, Vương Bỉnh Nam vốn tính nóng như lửa lại càng khó chịu. Ông có biết W. Robertson - một nhân vật quan trọng trong phái đoàn Mỹ. Người này khoảng 60 tuổi, sau chiến tranh thế giới thứ hai, từng làm tham tán kinh tế Mỹ tại Trung Quốc. Sau khi kháng chiến thắng lợi, tướng Mayor đến Trung Quốc đàm phán với trung ương ĐCS Trung Quốc, Robertson là một trong những trợ lý của ông ta, và cũng là một trong những thành viên trong nhóm 3 người của “sở điều quân Bắc Bình” năm 1946 (hai thành viên còn lại là Diệp Kiếm Anh và Trịnh Giới Dân). Trong quá trình “điều đình”, Robertson luôn bênh vực Quốc dân đảng, khiến các đại biểu cộng sản Trung Quốc hết sức bất bình. Khi cuộc nội chiến ở Trung Quốc chuẩn bị bùng nổ, Robertson trở về Mỹ, làm trợ lý Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề Viễn Đông, là trợ lý đắc lực của Quốc vụ khanh [Dean] Acheson. Lần này đến Genève với tư cách phó trưởng phái đoàn Mỹ, vị trí của Robertson trong đoàn đàm phán chỉ kém Dulles và Smith.

Humphrey Trevelyan hồi tưởng lại, một lần trong cung Vạn quốc, Vương Bỉnh Nam vô tình giáp mặt Robertson, hai người quen cũ đối đầu nhìn thẳng vào nhau mắt như nảy lửa, dường như chỉ chực cãi nhau. Đúng lúc có một thành viên phái đoàn Anh là J. McTain đi qua nhìn thấy, và có ý giúp giải vây. McTain lấy chiếc máy ảnh nhỏ ra và nói to: “Tôi vừa chộp được một khoảnh khắc đẹp đây, không biết tạp chí “Cuộc sống” sẽ trả tôi nhuận bút bao nhiêu đây”. Nghe câu nói này, Robertson và Vương Bỉnh Nam lập tức rút đi.1

Thế nhưng, mối quan hệ Trung - Mỹ đã được thiết lập cả gần thế kỷ kể từ năm 1884, khi thương thuyền của Mỹ mang tên “Hoàng hậu Trung Quốc” lần đầu tiên đến Trung Quốc, và liên tục phát triển, cho dù hai bên đã đối đầu trên chiến trường Triều Tiên, cũng làm sao có thể cắt đứt được mối quan hệ đó? Chiến tranh Triều Tiên đã tạm ngừng, giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được giải quyết. Trước tiên là việc công nhận lẫn nhau giữa hai nước lớn, rồi thiết lập quan hệ ngoại giao, việc dẫn độ tù binh chiến tranh sau cuộc chiến Triều Tiên, rồi những vấn đề như lưu học sinh Trung Quốc tại Mỹ về nước hay các tài sản của Mỹ tại Trung Quốc v.v.. Nếu liệt kê ra cũng khó mà đếm hết được. Mặc dù Dulles từ chối hội đàm với Chu Ân Lai, nhưng trong tay còn bản danh sách dài các đề mục, nếu không có sự trả lời của Trung Quốc, những vấn đề đó sẽ vĩnh viễn tồn tại. Trong đó, cấp bách nhất là việc giải quyết vấn đề hồi hương cho một số người Mỹ tại Trung Quốc. Những người Mỹ này, một bộ phận đã xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc từ trước và trong chiến tranh Triều Tiên nên đã bị bắt, một bộ phận khác vốn đã ở Trung Quốc từ trước đó, do bị cáo buộc phạm tội nên bị bắt giam. Số lượng những đối tượng này không nhiều, nhưng lại được chính quyền Mỹ coi trọng, nên Dulles đã phải nghĩ cách để đưa họ về nước. Mặc dù bản thân Dulles tuyệt đối không muốn hội đàm với Chu Ân Lai, nhưng ông ta lại chỉ thị cho các thành viên cấp thấp trong phái đoàn Mỹ cố gắng tiếp xúc với các quan chức Trung Quốc, tranh thủ một bước giải quyết vấn đề người Mỹ bị giam giữ ở Trung Quốc.

Dulles vừa rời Genève, chuyên cơ đã tới. Ngày 6/5, Smith hội kiến với thành viên đoàn đại biểu Anh Trevelyan. Ông kiến nghị đoàn Mỹ có thể thông qua Hội chữ thập đỏ quốc tế tại Genève để liên hệ với đại biểu Trung Quốc, thương lượng các hướng giải quyết vấn đề.

Smith thấy đề nghị này khả thi, lập tức cử Johnson ngày 12/5 đến thương lượng với đại diện Hội chữ thập đỏ quốc tế.

Nhận được tin báo của Trevelyan và Hội chữ thập đỏ quốc tế, Chu Ân Lai triệu tập ngay cuộc họp các trợ lý để thảo luận đối sách. Trước khi tới Genève, Chu Ân Lai không hề nghĩ rằng tại hội nghị này sẽ có thể đàm phán một cách thực sự được vấn đề cụ thể nào với Mỹ, song ông vẫn hết sức hy vọng tìm kiếm những cuộc gặp như vậy ở Genève. Vì vậy, ông nói với các trợ lý chúng ta không nên từ chối tiếp xúc với Mỹ. Trong khi quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc căng thẳng như vậy, trong bối cảnh Mỹ áp dụng các chính sách cứng rắn và đối đầu với Trung Quốc như vậy, chúng ta có thể nắm lấy việc Mỹ hết sức hy vọng những người Mỹ bị giam giữ tại Trung Quốc được tự do và về nước để mở ra con đường tiếp cận. Xét từ phương diện khác, chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc, Trung Quốc rất cần tiến hành xây dựng quy mô lớn, hết sức cần người tài, nên rất muốn đông đảo lưu học sinh tại Mỹ nhanh chóng về nước.

Theo chỉ thị của Chu Ân Lai, Hoạn Hương đến tìm Trevelyan, nhờ ông chuyển lời tới đoàn Mỹ rằng hiện nay cả Trung Quốc và Mỹ đều có phái đoàn cấp cao tại Genève, có thể tiến hành tiếp xúc trực tiếp để thảo luận tìm giải pháp cho các vấn

đề cần giải quyết.2

Thái độ của Mỹ bắt đầu lung lay. Ngày 13/5, Dulles gửi điện thông báo cho Smith rằng Bộ trưởng Tư pháp sẽ xem xét lại quyết định cấm các lưu học sinh Trung Quốc về nước. Kết quả của lần xem xét có thể khiến đại bộ phận lưu học sinh Trung Quốc có thể về nước, nên chú ý sử dụng yếu tố này làm điều kiện thúc giục Trung Quốc cho phép những người Mỹ bị bắt về nước.

Ngày 18/5, Smith hẹn gặp Trevelyan, uỷ quyền cho Trevelyan thay mặt phía Mỹ thương lượng với Trung Quốc vấn đề trả lại những người Mỹ bị giam giữ. Smith còn trao cho Trevelyan một bản danh sách những người Mỹ đang bị Trung Quốc giam giữ.

Ngày 21/5, Dulles lại một lần nữa gửi điện cho Smith cho biết: Mỹ đã đồng ý cho phép lưu học sinh Trung Quốc về nước, đề nghị Trevelyan dựa vào đây để thương lượng với Trung Quốc.3

Molotov cũng triển khai tác động. Tối 22/5, Molotov mở tiệc mời Smith và một số người như Robertson và Johnson. Tiệc xong, Molotov mời Smith và Robertson vào một căn phòng khác nói chuyện. Bầu không khí lúc đó còn tương đối thoải mái, hai bên không biết vô tình hay cố ý mà nhắc tới Trung Quốc. Molotov nói các ngài cần phải nhớ rằng Trung Quốc mới là một nhà nước trẻ, mới thành lập có năm năm, người Trung Quốc chỉ luôn quan tâm tới những công việc của mình, từ trước tới nay họ chưa từng để ý đến những công việc của châu Âu. Và tôi cũng muốn nhắc nhở các ngài chú ý rằng hai nước chúng ta từng làm không ít những việc gây khó chịu cho Trung Quốc, gây khó khăn cho họ. Molotov nhấn mạnh thêm Trung Quốc đang phải nỗ lực tập trung lực lượng và tài nguyên để làm tốt các công việc trong nước, không thể tiến hành mở rộng ra bên ngoài.

Robertson ngồi bên cạnh chêm vào nói Trung Quốc cũng đã làm nhiều việc gây khó chịu cho Mỹ, trong đó có việc bắt giữ không quân Mỹ và những đối tượng khác. Những người này ở trong tù bị đối xử như không phải với con người, nghe nói đã có người bị chết trong tù.

Molotov lập tức đáp lời nói, nhưng cũng có không ít người Trung Quốc bị giam giữ tại Mỹ.

Robertson nói đúng như vậy, nhưng họ không phải bị giam mà chỉ do một tờ pháp lệnh mà họ tạm thời không được rời khỏi Mỹ, và họ hoàn toàn có thể nhờ vào một tờ pháp lệnh mới mà có thể về nước.

Molotov nói vậy tại sao vấn đề này không được giải quyết thỏa đáng? Nó hoàn toàn có thể được giải quyết mà.

Smith nói điều Mỹ không thể chịu được nhất là việc người của mình gặp hoạn nạn, để cứu họ nước Mỹ thậm chí không tiếc phải hy sinh. Chỉ cần còn một người Mỹ bị giam giữ, chúng tôi nhất định nỗ lực giải cứu bằng được người đó.

Molotov nói vấn đề dễ giải quyết thôi. Mỹ và Liên Xô từng ủng hộ Tưởng Giới Thạch trong một thời gian dài, nhưng nay ngoài việc bỏ rơi ông ta thì không còn

lựa chọn nào khác.

Nghe nói vậy, Smith và Robertson không còn biết đáp lời ra sao nữa.

Molotov đã “nắm được thóp” của phía Mỹ, bọn họ hết sức hy vọng giải quyết vấn đề để người Mỹ tại Trung Quốc được thả và về nước, và có thể nhượng bộ để đạt được mục đích này.

Nhằm khai thông bế tắc trong quan hệ Trung - Mỹ, Chu Ân Lai quyết định chủ động. Theo chỉ thị của ông, chiều 26/5, người phát ngôn của phái đoàn Trung Quốc Hoàng Hoa đã phát biểu với hàng loạt phóng viên các hãng thông tấn báo chí Tân Hoa xã, AFP, Reuters, AP, TASS…, nêu rõ thái độ của Chính phủ Trung Quốc trong đối xử với các kiều dân nước ngoài, yêu cầu Chính phủ Mỹ từ bỏ việc bắt giữ và cấm xuất cảnh đối với các lưu học sinh và kiều dân Trung Quốc. Tuyên bố của Hoàng Hoa nêu rõ:

Từ khi chính phủ nhân dân trung ương CHND Trung Hoa được thành lập đến nay, đối với các ngoại kiều, kể cả kiều dân Mỹ, sinh sống trên đất Trung Quốc, chỉ cần họ tuân thủ luật pháp Trung Quốc thì đều được bảo vệ an toàn, họ có thể an cư lạc nghiệp. Nếu họ muốn rời khỏi Trung Quốc, bất luận là với lý do gì, đều có thể dựa theo các thủ tục đã quy định để đề nghị với chính phủ nhân dân các cấp, nếu họ không mắc án dân sự hoặc hình sự chưa thi hành án xong, tất cả đều có thể được phê chuẩn cho phép. Trên thực tế, do Chính phủ Mỹ giữ thái độ thù địch với CHND Trung Hoa, tiến hành phong tỏa cấm vận đối với Trung Quốc, dẫn đến khiến nhiều kiều dân nước ngoài, bao gồm cả kiều dân Mỹ, mất đi việc làm vốn có của mình, buộc phải rời khỏi Trung Quốc. Chúng tôi rất thông cảm với những ngoại kiều, kể cả kiều dân Mỹ, bị ảnh hưởng và tổn hại bởi các chính sách thù địch của Chính phủ Mỹ đối với nhân dân Trung Quốc. Chính phủ nhân dân Trung Quốc không hề cản trở họ rời khỏi Trung Quốc. Theo chúng tôi được biết, từ năm 1950 đến cuối năm 1953, số kiều dân Mỹ rời khỏi Trung Quốc là khoảng trên dưới 1.500 người. Số lưu lại Trung Quốc hiện này chỉ khoảng hơn 80 người. Thực tế này đủ để chứng minh rằng việc Mỹ nói Chính phủ Trung Quốc cản trở kiều dân Mỹ xuất cảnh hoàn toàn là bịa đặt.

Còn việc một số ít người Mỹ vi phạm luật pháp, Chính phủ Trung Quốc tiến hành bắt giữ xử lý theo đúng luật pháp, đó là chức năng của bất cứ quốc gia có chủ quyền nào. Đối với những thành phần phạm pháp bị giam giữ, chúng tôi đều có chứng cứ rõ ràng. Trong số những người Mỹ phạm pháp và bị bắt có kiều dân Mỹ sinh sống tại Trung Quốc, và còn có một số đối tượng xâm nhập Trung Quốc trái phép bằng đường không hoặc đường biển.

Tuy nhiên, mặc dù vậy, đối với số ít những người bị bắt do vi phạm luật pháp này, nếu gia đình người thân có thư gửi cho họ, chúng tôi vẫn sẵn sàng giúp đỡ.

Thế nhưng, đối với các kiều dân Trung Quốc sinh sống tại Mỹ, nhất là hơn 5.000 lưu học sinh Trung Quốc, từ năm 1950 đến nay đã bị Chính phủ Mỹ thực hiện bắt giữ vô cớ. Rất nhiều lưu học sinh và kiều dân Trung Quốc khi xin làm thủ tục về nước thì đều nhận được thông tri của Cục di dân Mỹ nói rằng “Bất luận anh có hay không có giấy phép xuất cảnh, mệnh lệnh anh không được phép hoặc không được tìm cách rời khỏi Mỹ, cho tới khi nhận được thông tri mới xóa bỏ mệnh lệnh này”. Phía Mỹ còn đe dọa họ rằng nếu họ vi phạm mệnh lệnh này sẽ bị “phạt 5.000 USD hoặc tới 5 năm tù, hoặc thậm chí bị phạt cả hai hình thức này”. Rất nhiều người do xin làm thủ tục về nước mà đã bị bắt hoặc bị ngược đãi. Từ sau năm 1951, Chính phủ Mỹ thậm chí còn tịch thu toàn bộ hộ chiếu của lưu học sinh Trung Quốc, khiến họ không thể rời khỏi Mỹ.

Chính phủ nhân dân Trung ương CHND Trung Hoa đã nhận được rất nhiều thư của lưu học sinh tại Mỹ, cho biết Chính phủ Mỹ cố tình bắt giữ mà không có bất cứ lý do nào. Rất nhiều thân nhân của các lưu học sinh cũng đề nghị chính phủ nhân dân trung ương giúp đỡ để con em họ bị lưu giữ ở Mỹ được về nước. Lưu học sinh Trung Quốc không hề phạm tội gì, chính phủ Mỹ lại tước đi của họ quyền tự do được rời khỏi Mỹ, tước đi của họ quyền được trở về tổ quốc, tước đi của họ quyền được trở về quê hương đoàn tụ với gia đình. Điều này không những vi phạm các nguyên tắc luật pháp quốc tế, mà còn hoàn toàn không phù hợp với chủ nghĩa nhân đạo.

Nếu chính phủ Mỹ tôn trọng các nguyên tắc luật pháp quốc tế và chủ nghĩa nhân đạo, họ nên lập tức ngừng ngay việc cưỡng ép bắt giữ đối với lưu học sinh và kiều dân Trung Quốc, trả lại cho họ quyền được về nước đoàn tụ cùng gia đình.

Sáng 27/5, Hoạn Hương hội đàm với Trevelyan. Ông nói, hiện nay tổng số người Mỹ ở Trung Quốc còn khoảng hơn 80 người, chứ không phải hơn 1.500 người như phía Mỹ nói. Trong đó có 30 người bị bắt giam, chủ yếu do hai lý do, một là phạm tội, hai là xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc trái phép. Đối với những người này, cần phải xử lý theo luật pháp Trung Quốc.

Hoạn Hương nói có khoảng 5.000-6.000 lưu học sinh Trung Quốc bị Chính phủ Mỹ cấm hồi hương, đây là chính sách hết sức sai lầm của Mỹ.

Trevelyan rất khôn khéo hỏi liệu phái đoàn Trung Quốc có muốn trong có trình thảo luận với Trevelyan về quan hệ Trung - Mỹ có một vị quan chức Mỹ tham gia?

Hoạn Hương trả lời trong tình hình hiện nay, tôi không định nói nhiều điều gì.

Tất nhiên, ông cần xin ý kiến Chu Ân Lai.

Cùng ngày, Smith điện cho Dulles, bày tỏ ý kiến của mình: việc có một, hai quan chức Mỹ cùng với Trevelyan đi gặp người Trung Quốc là việc có thể.

Hai giờ chiều ngày 28/5 (giờ Washington), Dulles gửi điện trả lời Smith: “Xem ra, dưới sự giúp đỡ của người Anh, Trung Quốc có thể đang lợi dụng vấn đề người Mỹ bị bắt giữ dể tiến hành đàm phán trực tiếp với chính phủ Mỹ. Tôi lo ngại rằng động thái này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tại châu Á, người ta cho rằng chúng ta muốn công nhận Trung Quốc. Vì vậy, tôi đề nghị chúng ta cần kiềm chế, không nên đàm phán trực tiếp với Trung Cộng, mà nên liên lạc với họ thông qua Trevelyan. Vị ngoại trưởng Mỹ này cho tới lúc này vẫn không chịu mềm dẻo.4

Smith vẫn giữ chủ trương cần phải tiếp xúc với Trung Quốc, tối hôm đó đã gửi điện cho Dulles: “Dựa theo tình hình đàm phán vấn đề Đông Dương, điều kiện tiếp tục đàm phán vấn đề này với Trung Cộng nhiều khả năng chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ xấu đi. Vì vậy, nhanh chóng hội đàm với Trung Cộng là hết sức quan trọng. Dự kiến nhờ Trevelyan hẹn gặp phía Trung Quốc vào ngày 29 hoặc 31/5, Martin và Star cũng cùng đi. Nếu Chính phủ có chủ trương khác, xin chỉ thị sớm”.5

Chính phủ Mỹ lập tức gửi điện trả lời, yêu cầu Martin và Star không được đi gặp phía Trung Quốc, nhờ Trevelyan xúc tiến thương lượng việc này với phái đoàn Trung Quốc.

Có thể do sự kiên quyết của Smith, cuối cùng Chính phủ Mỹ đã tiến một bước theo hướng đồng ý tiếp xúc với đại biểu Chính phủ Trung Quốc. Ngày 29/5, người phát ngôn phái đoàn Mỹ tại Genève ra tuyên bố về vấn đề lưu học sinh Trung Quốc tại Mỹ, toàn văn như sau:

Phái đoàn Mỹ có chú ý tới tuyên bố của người phát ngôn đoàn đại biểu ĐCS Trung Quốc đưa ra tuần này, trong đó có đề cập việc các công dân Mỹ bị giam giữ tại Trung Quốc.

Người phát ngôn Trung Quốc thừa nhận có 20-30 người Mỹ bị giam giữ và nhắc đến tên của sáu người trong số đó.

Mặc dù đây mới chỉ là bán chính thức công nhận Trung Quốc đang bắt giữ người Mỹ, nhưng cũng đáng được hoan nghênh. Phái đoàn Mỹ cần nêu rõ rằng việc thông tin này được đưa ra quá muộn là mang tính bi kịch, và hơn nữa chưa được đầy đủ.

Bốn năm qua, Chính phủ Mỹ luôn cố gắng tìm kiếm thông tin về những công dân Mỹ bị bắt giữ tại Trung Quốc, gia đình của họ cũng đã nỗ lực như vậy. Nhưng cho đến tận bây giờ, chính quyền ĐCS Trung Quốc vẫn chưa công bố địa chỉ của những người này, cũng không cung cấp các thông tin mà bên ngoài mong đợi.

Một thực tế quan trọng nữa là Chính phủ Mỹ và gia đình những người bị bắt giữ không hề được biết số phận sống chết của họ. Có một ví dụ: năm 1952, một người Mỹ đã chết trong tù ở Quảng Đông, đó là hậu quả của sự đối xử phi nhân tính. Cho tới sáu tháng trước đây, thông tin về cái chết của người này với được truyền ra ngoài thông qua một số con đường.

Người phát ngôn ĐCS Trung Quốc đã cho biết ít lâu nữa sẽ cho phép người bị bắt giữ trao đổi thư từ với gia đình, điều này rất đáng hoan nghênh. Hy vọng đây sẽ là bước đi ban đầu trong hàng loạt biện pháp cải thiện khác. Song cũng cần nêu rõ rằng nhận thư từ là một quyền lợi cơ bản mà lẽ ra những người đó đã phải được hưởng ngay từ đầu.

Chính phủ và nhân dân Mỹ sẽ tiếp tục quan tâm sát sao vấn đề bắt giữ công dân và quân nhân Mỹ cũng như việc đối xử với họ, yêu cầu được biết nhiều thông tin hơn trong vấn đề này. Chính phủ Mỹ sẽ không ngừng nỗ lực để những người này được tự do.

Người phát ngôn ĐCS Trung Quốc còn nói tới vấn đề lưu học sinh và những người Trung Quốc khác tại Mỹ. Thực ra, những lời nói của người phát ngôn còn thiếu căn cứ thực tế, thậm chí vài chỗ còn bẻ cong hoàn toàn sự thật.

Tình hình thực tế như sau:

Khi ĐCS Trung Quốc dùng vũ lực chinh phục Trung Quốc đại lục, một số lượng

lớn lưu học sinh Trung Quốc đang theo học tại các trường trung học và đại học tại Mỹ. Đại bộ phận trong số họ theo ý nguyện của bản thân là không muốn về nước.

Còn một phận nhỏ khác lại muốn được về nước. Trước khi bùng phát chiến tranh Triều Tiên, họ được phép tự do về nước. Từ năm 1949-1950, đã có khoảng 1.000 lưu học sinh Trung Quốc rời Mỹ.

Tháng 6/1951, theo luật quản lý hộ chiếu của Mỹ, ban hành năm 1918 và được sửa đổi năm 1941, đồng thời dựa theo chỉ thị của Tổng thống Mỹ và luật di cư thông qua năm 1952 (luật này có hiệu lực cao hơn luật quản lý hộ chiếu năm 1918), chính quyền Mỹ ban hành pháp lệnh khống chế một số người nước ngoài rời khỏi Mỹ.

Do quân đội Mỹ đang tham gia liên quân của LHQ tham chiến tại Triều Tiên, việc ban hành pháp lệnh này là nhằm bảo đảm an toàn cho Mỹ và các đồng minh trong cuộc chiến.

Từ năm 1951 đến nay, đã có 434 lưu học sinh Trung Quốc xin làm thủ tục về nước, trong đó 314 người đã được phê chuẩn, trong đó năm 1951 có 150 người, năm 1952 có 53 người, năm 1953 có 84 người và năm 1954 đã có 27 người. Xuất phát từ lý do bảo đảm an toàn nói trên, có 120 lưu học sinh Trung Quốc tạm thời bị cấm rời khỏi Mỹ. Hiện nay, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đang xem xét lại đơn của 120 người này. Có thể rất nhiều người trong số họ đã thay đổi kế hoạch, vì họ đã có công việc ổn định, không muốn rời khỏi Mỹ nữa. Những nguyện vọng của họ sẽ được chính quyền nghiêm túc xem xét.

Điều cần nhấn mạnh là trong số 120 lưu học sinh này, không có ai bị giam giữ hoặc ngược đãi. Họ được hoàn toàn tự do hành động, có thể tự do liên lạc thư từ với bên ngoài, có thể tìm kiếm việc làm theo lựa chọn của bản thân. Chỉ có hạn chế duy nhất với họ, đó là họ phải ba tháng một lần gửi báo các về tình hình nhà ở và việc làm lên Cục di dân của Mỹ.

Tính đến ngày 30/4/1954, tổng cộng có 5.452 lưu học sinh Trung Quốc đã có thị thực Mỹ, trong đó có nhiều người đã dạy học hoặc có những nghề nghiệp, công việc khác tại Mỹ. Từ tháng Tư/1949 đến nay, Mỹ đã cấp kinh phí hỗ trợ cho 3.642 lưu học sinh Trung Quốc, những hỗ trợ này không kèm theo bất cứ điều kiện gì.

Chu Ân Lai đã nắm được tâm trạng của nhà quyết sách Mỹ, quả quyết yêu cầu Hoạn Hương đề xuất với Trevelyan rằng hiện đã có đại diện cấp cao của Mỹ tại Genève, nên không cần uỷ nhiệm người trung gian thương lượng các vấn đề quan hệ Trung - Mỹ nữa. Nếu không, những can thiệp của nhà trung gian sẽ không đạt kết quả gì. Trung Quốc sẵn sàng đàm phán trực tiếp với đại diện đoàn Mỹ tại Genève

Theo tinh thần được Trevelyan chuyển lại, ngày 30/5, Smith gửi điện cho Dulles, đề nghị:

  1. Nếu chúng ta từ chối đàm phán trực tiếp với Trung Quốc tức là thừa nhận chúng ta thiếu tinh thần trách nhiệm cứu những người Mỹ bị bắt ở Trung Quốc.

  2. Từ chối đàm phán trực tiếp với Trung Quốc sẽ làm tổn phí những nỗ lực của ngài Trevelyan đã tham gia vào tiến trình này.

  3. Xem ra người Trung Quốc cũng có ý đàm phán với chúng ta về vấn đề vận mệnh của những người Mỹ bị giam giữ, nhưng chúng ta vẫn khó phán đoán được đây liệu có phải là một cơ hội để những người Mỹ bị giam có thể được về nước hay không.

Smith cũng kiến nghị phía Mỹ nên cử Robertson làm đại diện đàm phán, như vậy Trung Quốc có thể sẽ cử Trương Văn Thiên làm đối thủ đàm phán.6

Vượt ra ngoài dự đoán, Dulles ngày 3/6 đã cử trợ lý trưởng phái đoàn Mỹ tại Genève Johnson làm đại diện đàm phán với Trung Quốc.

Dulles có dụng ý riêng. Johnson sinh năm 1908, có nghiên cứu sâu về các vấn đề quan hệ quốc tế, thời thanh niên đã lấy bằng thạc sĩ tại Đại học G. Washington. Năm 1935 ông bắt đầu tham gia quốc vụ viện, là một chuyên gia về các vấn đề châu Á, trước và sau chiến tranh thế giới thứ hai đã từng là đại sứ Mỹ tại Seoul, và từng là Phó tổng lãnh sự tại Thiên Tân. Năm 1950 giữ chức tổng lãnh sự tại Yokohama (Nhật bản), năm 1951 làm chủ nhiệm phòng Đông Bắc Á thuộc quốc vụ viện, 1953 làm trợ lý quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề Viễn Đông, từng tham gia đàm phán về Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm, trước khi tới Genève được cử làm đại sứ tại Tiệp Khắc.

Johnson cũng có nhận định riêng về quan hệ Trung - Mỹ. Ông cho rằng “Dulles mặc dù bên ngoài thể hiện chống Cộng rất mạnh mẽ, song thâm tâm lại quan tâm việc giải quyết mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc cũng như khả năng được tự do của những người Mỹ bị giam giữ. Trong khi, những kinh nghiệm từng trải của tôi khiến Dulles cho rằng tôi có thể làm được việc này mà không gây ra sự phản đối của các lực lượng chống Trung Quốc vốn có thế lực rất lớn trung Quốc hội”.7

Thông qua Trevelyan, hai bên Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý cử nhân viên thương lượng, lần gặp gỡ đầu tiên được ấn định vào ngày 5/6, do phía Mỹ sắp xếp địa điểm.

Chu Ân Lai cử Vương Bỉnh Nam làm đại diện đàm phán. Vốn đi du học ở Đức từ khi còn trẻ, Vương Bỉnh Nam nhận thức sâu sắc rằng việc đấu tranh để các lưu học sinh ở nước ngoài được về nước tham gia xây dựng đất nước có ý nghĩa quan trọng như thế nào với một quốc gia vừa được thành lập, trong khi đó Mỹ là nước phương Tây thu hút lưu học sinh Trung Quốc sớm nhất và đông nhất.

Đúng 100 năm trước, ngày 4/1/1847, tại Quảng Châu, một thanh niên Trung Quốc chưa tròn 19 tuổi tên là Dung Hoằng cùng hai người bạn đã lên chiếc tàu buôn của Mỹ. Anh cùng đồng hành với một chiếc tàu chở đầy chè, ròng rã đúng 98 ngày mới đến New York. Ba năm sau, anh thi đỗ vào Đại học Yale, năm 1854 tốt nghiệp và ngay mùa Đông năm đó trở về tổ quốc, quyết chí xây dựng nước Trung Quốc mới thành một quốc gia hùng mạnh.

Tiếp sau anh là từng lớp, từng lớp thanh niên Trung Quốc vượt trùng dương đến Mỹ. Vào thế kỷ XIX, Mỹ là nước tiếp nhận nhiều lưu học sinh Trung Quốc thứ hai thế giới, sau Nhật Bản. Bước sang thế kỷ XX, Mỹ trở thành nước có đông lưu học sinh Trung Quốc nhất.

Giữa thập niên 40 của thế kỷ XX, chính phủ Quốc dân đảng và Chính phủ Mỹ đã thỏa thuận cử số lượng lớn học sinh Trung Quốc sang Mỹ lưu học. Đến năm 1949, có khoảng hơn 1.000 người du học Mỹ, nếu cộng với số học sinh đã sang Mỹ từ trước đó thì còn đông hơn nhiều. Đối với công cuộc xây dựng đất nước, lưu học sinh là những nhân tài ưu tú. Để xây dựng nước Trung Quốc mới, ĐCS Trung Quốc quyết tâm tranh thủ đội ngũ nhân tài này. Từ cuối những năm 1940, Trung ương cục miền Nam (ĐCS Trung Quốc), do Chu Ân Lai lãnh đạo, đã cử hàng loạt nhân sự, trong đó có Từ Minh, Lãn Á Lực, Lam Thục Trung…, sang Mỹ du học, đồng thời triển khai công tác trong cộng đồng lưu học sinh ở đây. ĐCS Trung Quốc đã thiết lập các “nhóm lãnh đạo công tác” tại Mỹ, tại các thành phố lớn đều có thành lập các mô hình tương tự như một xã đoàn nhỏ, sau này phát triển thành các xã đoàn hạng trung mang tính khu vực như “Đông Bắc [Mỹ]”, “Trung Tây [Mỹ]”.v.v.. Mùa Hè năm 1949, Từ Minh về nước báo cáo công tác tại Mỹ với trung ương đảng. Chu Ân Lai chỉ thị: động viên các lưu học sinh tại Mỹ về nước, đặc biệt là động viên các chuyên gia kỹ thuật cao cấp trở về tham gia xây dựng đất nước, là nhiệm vụ trọng tâm của các nhóm lãnh đạo tại Mỹ.

Ngày 18/6/1949, Hiệp hội các nhà công tác khoa học kỹ thuật Trung Quốc tại Mỹ tổ chức hội nghị thành lập. Hiệp hội gồm 340 hội viên, chia thành 13 phân hội, trong số đó có giáo sư nổi tiếng Hoa La Di, Triệu Trọng Tiêu. Tháng 1/1949, hiệp hội ra quyết nghị: “Hiệp hội coi trọng việc học tập khoa học kỹ thuật để chuẩn bị cho việc về nước tham gia kiến thiết đất nước”. Đến năm 1950, số hội viên của hiệp hội đã lên tới 718 người với 32 phân hội.

Tháng 2/1950, các phần tử chống cộng điên cuồng do McCarthy cầm đầu đã tiến hành truy sát người nước ngoài tại Mỹ, lưu học sinh Trung Quốc hầu hết bị nghi ngờ. Tháng 10/1950, Cục di dân Bộ Tư pháp Mỹ ban hành lệnh “Cấm lưu học sinh Trung Quốc” xuất cảnh. Ngày 19/9 năm đó, Hiệp hội các nhà khoa học Trung Quốc tại Mỹ bị Chính phủ Mỹ giải tán, những lưu học sinh hy vọng trở về đất nước đều bị cản trở. Năm 1951, chiến tranh Triều Tiên đang diễn ra ác liệt, Chính phủ Mỹ thậm chí đã tịch thu hộ chiếu của các lưu học sinh Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc nỗ lực để các trí thức du học tại Mỹ được về nước, trong số họ đã có nhiều người nổi tiếng là những nhà khoa học kiệt xuất, như Triệu Trọng Nghiêu, Tiền Học Sâm, sự nghiệp kiến thiết Trung Quốc vô cùng cần đến những người như họ. Càng quan trọng hơn là việc nhà nước Trung Quốc mới được thành lập đã làm dấy lên tình cảm to lớn trong lòng các sinh viên ở hải ngoại, họ mong muốn trở về quê hương để cống hiến sức lực của mình. Nhiều người trong số họ cho rằng nhà nước Trung Quốc mới sẽ xóa tan những nỗi nhục của Trung Quốc 100 năm qua, đưa Trung Quốc trở nên phồn vinh, giàu mạnh, không có một sự nghiệp nào trên thế giới này có thể thu hút con người hơn thế. Tất nhiên, thu nhập cá nhân sau khi về nước sẽ thấp hơn ở Mỹ, nhưng với họ việc đó “nhẹ như

lông hồng”.

Hội đàm cấp cao lần đầu tiên giữa đoàn đại biểu Trung Quốc và Mỹ ấn định vào ngày 5/6, địa điểm do phía Mỹ sắp xếp. Việc này do Johnson chủ trì. Ông lựa chọn trong số hội trường ở Vạn quốc cung một phòng khách không lớn lắm, cố tình không bố trí bàn mà chỉ xếp đặt vài chiếc ghế sôpha tạo thành một vòng tròn, nhằm tạo một không khí tự nhiên, không chính thức, đặc biệt muốn thể hiện rằng giữa hai nước chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Về việc này, chính phủ Mỹ còn chỉ thị Johnson rằng phải đề nghị Trevelyan nhất định có mặt, còn Johnson phải thể hiện rằng dường như chỉ tháp tùng Trevelyan, nhưng cũng phải tránh không khí căng thẳng như cuộc đàm phán tại Bàn Môn Điếm.

Khi đại diện ba nước bước vào phòng khách, Johnson chủ động tiến thẳng đến, bắt tay Vương Bỉnh Nam và các trợ lý là Hà Bách Niên, Hoạn Hương, rồi hàn huyên đôi chút. Vương Bỉnh Nam nhớ lại nói:

Hội đàm tiến hành được khoảng nửa tiếng, không khí tương đối thoải mái, hai bên không dùng các lời lẽ ác ý để công kích nhau. Vì là lần đầu hội đàm, tất cả đều có vẻ gò bó một chút, song có thể thấy rằng Johnson là một nhà ngoại giao lão luyện, tương đối nắm rõ tình hình Trung Quốc, phản ứng cũng rất nhanh nhạy. Ông ta đề nghị trong khi đàm phán hai bên không tiến hành tốc ký, như vậy đàm phán mới càng có tính tham khảo, tránh việc các phóng viên báo chí có thể nắm được tin tức, và cũng giảm bớt gò bó hơn. Chúng tôi đã đồng ý, và nhất trí tiến hành hội đàm lần hai vào ngày 10/6”.8

Theo hồ sơ của phía Mỹ, khi bắt đầu hội đàm, Johnson bày tỏ lấy làm tiếc trước việc Vương Bỉnh Nam không chuẩn bị đề cập các vấn đề mang tính thực chất trong ngày hôm nay. Vương Bỉnh Nam trả lời rằng trách nhiệm không nằm ở phía Trung Quốc, chúng tôi đã nhiều lần nói với Trevelyan rằng chúng tôi hy vọng đàm phán trực tiếp với phía Mỹ về vấn đề này. Johnson nói phía Mỹ cũng không cho rằng mình phải chịu trách nhiệm về việc trì hoãn đàm phán. Bởi lẽ, nhiều năm gần đây, Mỹ đều thông qua Anh để tìm hiểu tình hình người Mỹ tại Trung Quốc, và mấy tuần đến Genève cũng vậy.

Vương Bỉnh Nam nói chúng tôi sẽ thảo luận với phía Mỹ vấn đề này trong cuộc hội đàm lần sau, Trung Quốc cũng sẽ đề cập vấn đề hồi hương của lưu học sinh Trung Quốc tại Mỹ. Ông đề nghị tiến hành hội đàm lần hai vào ngày 10/6.

Hình thức bố trí hội trường mang tính chất không chính thức của cuộc hội đàm đầu tiên khiến Vương Bỉnh Nam rất tức giận, ở lần hội đàm thứ hai ông đã đảo lại hoàn toàn: tìm một phòng khách lớn ở cung Vạn Quốc, ở giữa đặt một chiếc bàn dài lớn, đại diện mỗi nước ngồi một bên, đối mặt một cách ngang bằng, không khí cũng nghiêm túc hơn hẳn. Không ngờ, từ đó ông đã định ra quy cách hội trường của đàm phán cấp đại sứ Trung - Mỹ và quy cách này được dùng suốt trong 15 năm sau đó.

Vừa bắt đầu cuộc hội đàm lần hai, Johnson đã đưa ra một bản danh sách những người Mỹ ở Trung Quốc, trong đó 18 phi công và 11 lính hải quân và thành viên lực lượng bảo vệ bờ biển, yêu cầu phía Trung Quốc sớm tạo cơ hội cho những người này về nước.

Vương Bỉnh Nam trả lời: “Chỉ cần hai bên đều chân thành muốn giải quyết vấn đề, việc này không hề khó giải quyết”. Sau đó ông nêu rõ từ khi nhà nước Trung Quốc mới được thành lập, đã có 1.485 kiều dân Mỹ được rời khỏi Trung Quốc, trong đó năm 1950 có 582 người, năm 1951 có 727 người, năm 1953 là 143 người. Từ đó đến này có thêm 33 người nữa rời Trung Quốc. Tuy nhiên, một số rất nhỏ người Mỹ làm gián điệp tại Trung Quốc và có các hoạt động phá hoại, việc họ bị bắt là có tội thì phải đền tội. Vương Bỉnh Nam cho biết sẽ trả lời phía Mỹ về danh sách nói trên trong cuộc hội đàm lần sau.

Johnson hỏi Vương Bỉnh Nam các chi tiết liên quan những người Mỹ bị bắt giữ, đồng thời muốn biết những người đó có được phép thư từ với người thân hay không. Vương Bỉnh Nam nói sẽ thảo luận với Hội chữ thập đỏ Trung Quốc xong sẽ trả lời sau.

Khi hội đàm chuẩn bị kết thúc, hai bên đề cập việc đại biểu trung gian của Anh có cần thiết phải tham gia hội đàm nữa không? Johnson bày tỏ hy vọng Trevelyan sẽ tiếp tục tham gia, còn Vương Bỉnh Nam đưa ra câu trả lời phủ định, cho rằng công việc giữa hai bên do đại diện hai bên đàm phán là đủ.

Trevelyan có mặt tại hiện trường khó tránh khỏi khó xử. Ông nói công việc của ông tại Genève thực ra đã kết thúc, đang chuẩn bị trở về Bắc Kinh tiếp tục công việc, nhưng do cần thiết trong đàm phán Trung - Mỹ nên đã lưu lại. Nay ông rất vui mừng thấy hai bên Trung - Mỹ sẽ tiếp tục đối thoại, trừ phi hai bên có ý kiến, ông sẽ không tham gia đàm phán Trung - Mỹ nữa.

Từ đó, Trevelyan “biến mất” khỏi đàm phán Trung – Mỹ, nhưng những tác dụng tích cực mà ông đã tạo ra là không nên lãng quên.

Một nhân vật khác cũng chủ trương tiếp tục đàm phán Trung - Mỹ, đó là Smith. Ngày 12/6, trong bức điện gửi chính phủ ông chỉ ra, mình đã phán đoán rõ ý đồ của Trung Quốc là: tiếp tục duy trì đàm phán với Mỹ tại Genève để mở rộng ảnh hưởng, đồng thời muốn tăng cấp bậc đàm phán, nhưng sẽ không sớm trả tự do cho những người Mỹ bị giam giữ. Trước mắt, hai vấn đề cần giải quyết tại hội nghị Genève là Triều Tiên và Đông Dương đều gặp khó khăn, nhưng ý của Smith vẫn là tiếp tục đàm phán với Trung Quốc.9

Lúc này, Chu Ân Lai đã có suy tính thấu đáo. Ngày 11/6, ông gửi điện về Trung ương đảng và Bộ ngoại giao, Bộ công an: ngày 15/6 tới Trung - Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán. Phương châm đàm phán của chúng ta là:

  1. Chủ động đề xuất “Vấn đề bảo vệ quyền lợi của kiều dân và lưu học sinh Trung Quốc tại Mỹ”.

  2. “Chỉ rõ việc Mỹ cưỡng ép lưu giữ lưu học sinh Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế và không phù hợp với chủ nghĩa nhân đạo, yêu cầu lập tức khôi phục quyền tự do được trở về tổ quốc cho những người này”.

  3. Các biện pháp tổng thể đối với vấn đề kiều dân và lưu học sinh Trung Quốc như sau:

  1. Cho phép những người Mỹ đang bị giam giữ được trao đổi thư từ với gia đình;

  2. thông báo tin về ba người Mỹ đã tử vong cho phía Mỹ;

  3. Tuyên bố tội trạng của những [quân nhân] không quân Mỹ hiện đang bị giam giữ;

  4. Nếu phía Mỹ cải thiện chế độ đãi ngộ đối với lưu học sinh của chúng ta, cho phép họ về nước, tùy theo tình hình, chúng ta cũng có thể xem xét phê chuẩn một số kiều dân Mỹ được xuất cảnh, hoặc cho phép đưa một số kiều dân Mỹ phạm tội đang bị giam giữ ra khỏi lãnh thổ. Điểm này có thể tùy cơ thực hiện, trước mắt chưa nên hành động ngay.10

Ngày 15/6, bầu không khí hội nghị Genève rất căng thẳng. Do ảnh hưởng của bối cảnh chung, hội đàm Trung - Mỹ, bắt đầu lúc 10 giờ sáng kéo dài đúng 90 phút. Trước tiên, Vương Bỉnh Nam trả lời vấn đề phía Mỹ đưa ra tại cuộc hội đàm lần trước. Ông tuyên bố Trung Quốc đồng ý cho phép những quân nhân và kiều dân Mỹ đang bị giam giữ tại Trung Quốc được trao đổi thư từ với gia đình thông qua Hội chữ thập đỏ Trung Quốc, cho phép tiếp nhận những bưu kiện nhỏ của gia đình. “Chính phủ Trung Quốc xét xử những người này theo đúng tội danh mà họ đã vi phạm. Nếu các tội phạm có biểu hiện tốt, chính phủ Trung Quốc có thể cân nhắc việc giảm án hoặc ân xá trước thời hạn”.

Vương Bỉnh Nam nói tiếp: “hiện Trung Quốc có hơn 5.000 lưu học sinh tại Mỹ, trong đó nhiều người đã đề nghị được về nước, nhưng bị chính phủ Mỹ tìm mọi cách cản trở. Khi họ xin làm thủ tục xuất cảnh, chính phủ Mỹ lại thông báo họ không được phép rời đi, thậm chí còn đe dọa rằng ai vi phạm mệnh lệnh này sẽ bị phạt 5.000 USD hoặc phạt tù năm năm, thậm chí phải nhận cả hai hình phạt này. Điều này là vô cùng phi lý”.

Johnson biện hộ rằng trong tổng số 120 người bị cấm xuất cảnh không có ai bị giam giữ. Sở dĩ họ bị cấm rời khỏi Mỹ là do trong thời gian xảy ra chiến tranh Triều Tiên, chính phủ Mỹ quy định tất cả các nhà khoa học vật lý, đặc biệt là những người từng tiếp xúc với các thiết kế tên lửa, năng lượng nguyên tử và vũ khí, không được phép rời Mỹ. Nay chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc, tình hình đã có thay đổi. Johnson chỉ trích Trung Quốc rằng đã có những phạm nhân Mỹ bị giam tại Trung Quốc bị thiệt mạng.

Vương Bỉnh Nam đề xuất hai bên Trung - Mỹ có thể đưa ra một tuyên bố chung, nêu rõ những công dân và lưu học sinh không vi phạm luật pháp ở mỗi nước có toàn quyền tự do trở về tổ quốc.

Johnson hỏi lại vậy trong số đó có bao gồm những người Mỹ đang bị giam giữ?

Vương Bỉnh Nam nói, những đối tượng phạm pháp cần phải xử lý theo luật pháp, tất nhiên không thể được bao gồm trong số trên. Về danh sách những người Mỹ bị bắt mà Johnson đã trao cho Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc sẽ tiến hành kiểm tra đối chiếu thực tế.

Ngày 16/6, Smith gửi điện cho Dulles, thông báo quan điểm của phái đoàn Mỹ: việc Trung Quốc cho phép những người Mỹ đang bị giam giữ được trao đổi thư từ với người thân chứng tỏ lập trường của Trung Quốc đã có một số thay đổi. Nếu Mỹ cho phép tất cả lưu học sinh Trung Quốc về nước, sẽ làm tăng cơ hội cho những người Mỹ đang bị giam cầm được về nước. Tình hình hiện nay còn cho thấy phía Trung Quốc không nắm rõ lắm tình hình lưu học sinh tại Mỹ, trên thực tế số lưu học sinh bị cấm về nước cao hơn con số 120 người (124 người), nhưng phía Trung Quốc không hề biết. Smith một lần nữa cho rằng nên tiếp tục đàm phán với Trung Quốc.

Ngày hôm sau, Dulles gửi điện phúc đáp Smith, trong đó cho biết Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đã phát biểu rằng tất cả những lưu học sinh Trung Quốc nào muốn về nước cũng sẽ được chấp nhận, nhưng Bộ Quốc phòng chưa có động thái gì. Nhưng với tình hình hiện nay, “Bộ Quốc phòng chỉ muốn ngăn cản một người không được về nước, đó là Tiền Học Sâm. Đây là một chuyên gia tên lửa đạn đạo, hơn nữa ông ta cũng không muốn về nước”.11 Ngoài ra, trong số 124 người nói trên, có 57 người muốn về Trung Quốc đại lục”. Dulles còn chỉ thị đoàn Mỹ không được tham gia tuyên bố chung song phương mà phía Trung Quốc đề xuất.12

Đây là lần đầu tiên trong các bức điện chính thức Dulles đề cập tới tầm quan trọng của Tiền Học Sâm, thế nhưng ông ta đã phán đoán sai hoàn toàn nguyện vọng đi hay ở của Tiền Học Sâm. Tiền Học Sâm đã kiên quyết yêu cầu được trở về tổ quốc yêu dấu, và vì điều này ông đã sẵn sàng từ bỏ mọi thứ tại Mỹ.

Sáng 21/6, Trung Quốc và Mỹ tiến hành cuộc hội đàm thứ tư. Đầu tiên Johnson trao danh sách 15 lưu học sinh Trung Quốc cho Vương Bỉnh Nam, nói những người này đủ điều kiện được về nước, có thể được phép rời khỏi Mỹ. Johnson cũng nêu rõ bất cứ công dân nước nào sống tại Mỹ cũng có thể căn cứ luật pháp Mỹ tự do lựa chọn cuộc sống, đồng thời hy vọng việc này sẽ giúp thúc đẩy Trung Quốc thả những người Mỹ bị giam giữ.

Vương Bỉnh Nam thấy rất vui và hy vọng những lưu học sinh Trung Quốc khác tại Mỹ cũng sẽ được bãi bỏ hạn chế xuất cảnh. Tiếp đó, ông nói về danh sách 32 người Mỹ bị bắt tại Trung Quốc, cho biết trong số 32 người này, John B. Maye không hề bị bắt, hiện anh ta sống tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam; William L.Wenter do phạm tội nên bị giam giữ, đã chết tại trại giam ở tỉnh Quảng Đông ngày 27/2/1951. 30 người còn lại hiện vẫn bị giam, trong đó có ba người bị giam lỏng tại Phúc Châu và đang bị tiến hành điều tra.

Vương Bỉnh Nam nói, hiện có 19 người nước ngoài đang chờ thủ tục phê chuẩn rời Trung Quốc, trong đó hai vợ chồng nhà Criston đã nhận được giấy phép và đã lên tàu từ Thượng Hải về nước ngày 18/6 vừa qua. Bà Huizar, người Hà Lan, và vợ chồng E. Rekes năm 1952 đã rút lại đơn xin xuất cảnh. Ngoài ra còn có bốn

phụ nữ hiện sống ở Cáp Nhĩ Tân

Về 18 nhân viên không quân mà phía Mỹ đề cập, Vương Bỉnh Nam nói có ba người đã thiệt mạng khi nhảy dù, 15 người còn lại đang bị giam giữ. Phía Mỹ cũng đề cập đến 11 lính hải quân và thành viên lực lượng phòng vệ bờ biển, theo thông tin của phía Trung Quốc, đã có hai chiếc máy bay bị rơi xuống biển ở khu vực cách bờ biển Quảng Đông khoảng 10 hải lý, nhưng Trung Quốc không biết hành tung của những thành viên trên máy bay.

Vương Bỉnh Nam nói nếu có thêm tin tức gì, phía Trung Quốc sẽ thông báo cho Mỹ.

Sau những phát biểu nêu trên, Vương Bỉnh Nam đề nghị hai bên ký một tuyên bố chung, nêu rõ những công dân và lưu học sinh không vi phạm luật pháp ở mỗi nước có toàn quyền tự do trở về tổ quốc, đồng thời đề nghị trên cơ sở cùng bình đẳng, mời một nước thứ ba đại diện quản lý lợi ích của kiều dân và lưu học sinh hai nước.13

Theo chỉ thị từ trước của Dulles, Johnson đã từ chối đề nghị của Vương Bỉnh Nam.

Vương Bỉnh Nam lại nêu ra một vấn đề mới. Ông nói từ khi nhà nước Trung Quốc mới thành lập, Mỹ uỷ nhiệm đại sứ Anh tại Trung Quốc quản lý các lợi ích của Mỹ tại Trung Quốc. Xét về quan hệ quốc tế, những hành vi như vậy thường phải đối đẳng, vì vậy Chính phủ Trung Quốc cũng muốn thông qua một đại sứ nước thứ ba tại Mỹ quản lý những lợi ích của Trung Quốc tại Mỹ, ví dụ như theo dõi tình hình lưu học sinh Trung Quốc.

Johnson từ chối thảo luận vấn đề này, nói nó vượt phạm vi. Johnson còn cho rằng đàm phán Trung - Mỹ tại Genève tiến hành tới nay, nhiệm vụ của ông về cơ bản đã hoàn thành, hai bên đồng ý tiếp tục thông báo tình hình kiều dân ở hai nước cho nhau, giải quyết các vấn đề còn lại, có thể cử các quan chức cấp thấp hơn. Sau vòng đàm phán này, nếu còn có vấn đề gì cần đối thoại, phía Mỹ sẽ tiếp tục thông qua ngài Trevelyan để truyền đạt.

Vương Bỉnh Nam nói việc thương lượng như vậy không cần thiết phải thông qua Trevelyan mà hai bên có thể duy trì tiếp xúc tại Genève.

Như vậy là hội đàm Trung - Mỹ cấp cao do Vương Bỉnh Nam và Johnson đứng đầu đến đây đã kết thúc.

Lần đàm phán này mặc dù không đạt được đột phá quan trọng nào, song đã tạo được nền móng cho tiến trình đàm phán cấp đại sứ sau này, đồng thời tiến hành công tác chuẩn bị cho việc các nhà khoa học tại Mỹ, trong đó có Tiền Học Sâm, trở về nước sau này. Vì vậy, trong lịch sử quan hệ Trung - Mỹ thế kỷ XX, đàm phán cấp đại sứ Trung - Mỹ tại Genève có ý nghĩa rất sâu sắc.

1 H. Trevelyan, sđd, tr. 79-80.

2 Vương Bỉnh Nam, sđd.

3 Foreign Relation of the United States 1952-1954, Volume XIV, sđd, tr. 427.

4 Foreign Relation of the United States 1952-1954, Volume XIV, sđd, tr. 433.

5 Foreign Relation of the United States 1952-1954, Volume XIV, sđd.

6 Foreign Relation of the United States 1952-1954, Volume XIV, sđd, tr. 437.

7 Johnson U. Alexis, sđd.

8 Vương Bỉnh Nam, sđd, tr. 376.

9 Foreign Relation of the United States 1952-1954, Volume XIV, sđd, tr. 467.

10 Chu Ân Lai niên phổ: 1949-1976, sđd, tr. 376.

11 Nguyên văn, nhưng thực ra Tiền Học Sâm luôn kiên quyết yêu cầu được về nước, TG.

12 Foreign Relation of the United States 1952-1954, Volume XIV, sđd, tr. 475.

13 Foreign Relation of the United States 1952-1954, Volume XIV, sđd, tr. 477-478.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss