Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 / CHƯƠNG 2 - Tình cảm Le Grand Mont-Fleuri

CHƯƠNG 2 - Tình cảm Le Grand Mont-Fleuri

- Tiền Giang - Bản dịch Dương Danh Dy — published 05/01/2009 17:13, cập nhật lần cuối 06/02/2009 09:14


CHƯƠNG 2

Tình cảm Le Grand Mont-Fleuri

 

Nhóm các nhà ngoại giao Trung Quốc được bố trí ở tại khu biệt thự Le Grand Mont-Fleuri xinh đẹp muôn hoa đua nở. Cho dù thế nào đi nữa, điều quan trọng là họ đã đến đây, với mục đích tìm cách chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên và Đông Dương, để cho những bông hoa hòa bình mãi mãi được khoe sắc đua hương. Trong số những người đó, Chu Ân Lai là người tất bật bận rộn nhất.

 
Đến Genève vào lúc chiều tà, Chu Ân Lai đến nghỉ tại khu biệt thự Le Grand Mont-Fleuri nằm bên hồ Leman xinh đẹp. Đây là khu biệt thự gồm hai tòa nhà xinh xắn với những thảm cỏ xanh mượt như nhung, quanh năm hoa nở. Nhà thơ nổi tiếng của Pháp ở thế kỷ XIX, [Alphonse de] Lamartine đã từng ở tại đây. Sau này, Nguyên soái Trần Nghị khi tham gia hội nghị Genève năm 1961 cũng ở tại đây. Cho tới đầu thế kỷ XXI, khu biệt thự này vẫn giữ nguyên được dáng vẻ ban đầu của mình.

Ở Le Grand Mont-Fleuri, Chu Ân Lai rất hài lòng với khung cảnh xinh đẹp nơi đây. Ông cùng với Trương Văn Thiên, vợ chồng Lưu Anh, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông và vợ chồng Chu Trọng ở cùng một tòa nhà. Vương Bỉnh Nam nhắc Chu Ân Lai tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, Chu Ân Lai lắc đầu nói “Không nên chỉ lo cho mình tôi, anh nên quan tâm nhiều hơn đến cả mọi người nữa. Lần đầu tiên tới nơi này, nhất định phải sắp xếp cho mọi người sinh hoạt được thoải mái, như vậy mới triển khai tốt công việc”.

Chu Ân Lai đến thăm phòng ở của Trương Văn Thiên và một số thành viên khác của đoàn, sau đó đến thăm phòng khách. Phòng này là do Phùng Huyền, Ôn Bằng Cửu bố trí trưng bày từ trước, cùng thành viên đoàn tiền trạm đến trước xếp đặt. Họ đưa từ trong nước sang những tấm thảm sang trọng, trang nhã, lại còn đem theo một số đồ gốm sứ cổ bày biện rất tinh tế, trên tường còn treo một bức họa của một danh nhân cổ, tạo cho phòng khách một phong cách cổ điển mang đậm nét Trung Quốc. Lúc đó, có người còn nghĩ rằng việc trang trí sắp đặt mang đậm nét văn hóa Trung Quốc còn có tác dụng tốt đối với tiến triển mang tính đột phá trong quan hệ Trung – Anh sau đó một tháng.

Ngoài bốn vị lãnh đạo của đoàn Trung Quốc cùng các tùy tùng, số đại biểu còn lại của đoàn Trung Quốc nghỉ tại khách sạn Le Beau Rivage. Khách sạn này không lớn lắm nhưng là khách sạn có tiếng trong vùng, tương đối cao cấp. Nội thất và trang trí bên trong khách sạn mang phong cách của thế kỷ trước. Đứng trên ban công khách sạn, có thể ngắm được rất rõ hồ Leman. Rất trùng hợp là đoàn đại biểu Anh cũng nghỉ tại khách sạn này.

Các thành viên đoàn đại biểu Trung Quốc khi rảo bước trên các con đường Genève trong lòng tràn ngập niềm tự hào. Họ đại diện cho nước Trung Quốc mới, tham gia hội nghị vì tương lai tốt đẹp của tổ quốc. Có Chu Ân Lai bước phía trước, bản thân điều này đã hình thành một sức mạnh thôi thúc họ.

Đây là lần đầu tiên các quan chức ngoại giao Trung Quốc “xuất quân hùng hậu” như vậy, trong lòng vừa phấn khởi vừa hồi hộp, cũng không tránh khỏi đem đến Genève một số “nét quê mùa”. Thư ký của Trương Văn Thiên, Lý Hối Xuyên sau này có hồi tưởng lại cho biết “Nhớ lại, lúc đó có một số việc làm chưa được sáng suốt lắm. Ví dụ như trang phục cho đoàn đi Genève, nhất loạt đều một màu đen, đến vali của mỗi người cũng đều một màu đen. Đến khách sạn, đáng lý quan chức ngoại giao được phục vụ khách sạn chuyển hành lý đến tận phòng. Nhưng không, chúng tôi ai cũng từ chối, nhất định không rời tay khỏi chiếc va li của mình, sợ rằng có ai đó sẽ nhét thứ gì đó vào vali. Kết quả là mỗi người đều phải tự xách vali lên gác, khiến mọi người trong khách sạn hết sức ngạc nhiên”.

Lần này đến Genève, rất nhiều thứ lỉnh kỉnh được mang theo, thậm chí có cả một miếng đá nghiền để nghiền đậu phụ cho mọi người ăn. Thực ra, lúc đó trong các cửa hàng ở Genève đã có bán máy xay chạy điện, xay đậu làm sữa đậu rất dễ dàng. Tiếc rằng những người phụ trách hậu cần đều không dự kiến được những điều này. Càng ngạc nhiên hơn là đi theo đoàn còn có một vị đảm nhiệm việc “hóa nghiệm”. Người này đem theo rất nhiều chuột bạch, dùng để kiểm tra thức ăn. Chu Ân Lai đã rất phản đối việc này. Ông phê bình “sao lại có thể đưa những thứ như vậy đến Genève được, thật không thể tin nổi, anh đã ra đường mua thức ăn lại còn sợ có người hạ độc giết chết mình à!”. Sau này, sau một vài lần tiến hành kiểm tra hóa nghiệm một số bữa ăn, việc thử nghiệm thức ăn này không được thực hiện nữa.

Ở trong Le Beau Rivage, có thể nói đoàn Trung Quốc được hưởng những tiêu chuẩn sinh hoạt vào loại khá lúc bấy giờ. Theo chỉ thị của Chu Ân Lai, do ở cùng một khách sạn với các đoàn phương Tây, nhất là đoàn Anh, các tiêu chuẩn ăn uống của các thành viên đoàn Trung Quốc gần như tương đương với các đoàn châu Âu. “Họ ăn gì các đồng chí ăn thứ đó, ngoài ra cũng cần cố gắng tiết kiệm”. Đa số thực khách trong khách sạn này đều uống rượu khai vị, thấy vậy Chu Ân Lai nói “Đúng là cũng phải uống một chút, nhưng chỉ uống rượu vang hoặc bia thôi, hoặc uống Jus de raisin cũng được”. Câu này thể hiện sự hiểu biết của Chu Ân Lai đối với văn hóa Pháp. Jus de raisin là nguyên văn tiếng Pháp, chỉ một loại đồ uống từ nho rất phổ biến. Thế là, tất cả thành viên đoàn Trung Quốc khi dùng bữa cũng uống rượu, nhưng không ai gọi loại rượu cao cấp đắt tiền cả. Ngoài việc được bao lo ăn ở, mỗi thành viên được nhận tiền tiêu vặt 8 Franc Thụy Sĩ mỗi ngày. Vào thời điểm đó như vậy đã được coi là rất đáng kể rồi. Ông Quản Chấn Hồ, một thành viên trong đoàn, hồi tưởng nói ở Genève lúc đó, một bữa ăn chính gồm cả đồ uống là 12 Franc. Ông dùng 3 Franc mua thuốc lá là đủ dùng cho cả ngày rồi.

Những điều mới lạ trong lần đầu đến Genève đã để lại cho Lưu Gia Kiệt, một thành viên đồng hành với Quản Chấn Hồ, những ấn tượng khó phai. Trong khách sạn Le Beau Rivage, mỗi thành viên đoàn Trung Quốc được ở một phòng, bữa sáng được phục vụ đẩy xe mang tới từng phòng. Đây là phương thức phục vụ thuộc dạng cao cấp trong ngành khách sạn phương Tây, nhưng với Lưu Gia Kiệt thì là lần đầu tiên được biết tới. Khi đó, trong lòng anh thanh niên 26 tuổi này tràn ngập tinh thần “người vô sản thiên hạ một nhà”, nhìn thấy bữa sáng thịnh soạn trên xe đẩy, còn người phục vụ thì chu đáo lịch sự, anh buộc miệng nhiệt tình nói “Lại đây, chúng ta cùng ngồi ăn cho vui”. Không ngờ câu nói này khiến người phục vụ kinh ngạc ngỡ ngàng, giơ hai tay lên nói bằng tiếng Anh “Không, không! Điều này là không thể được” khiến Lưu Gia Kiệt sợ một phen.

Những điều kỳ thú, mới lạ với họ không chỉ có vậy. Quản Chấn Hồ, Lưu Gia Kiệt do Tôn Phương phụ trách, phiên dịch các điện văn của các hãng thông tấn nước ngoài, văn phòng làm việc trong thành phố, cách khách sạn khoảng mười phút đi xe, vì vậy thuê một chiếc xe du lịch cứ đúng giờ đến đón. Lái xe là một người trung niên rất nho nhã. Một lần, khi xe đang chạy, lái xe bỗng phanh gấp, đỗ xe giữa đường lớn tiếng mắng mỏ. Hóa ra, có một con chim sẻ bị xe cán chết nằm bên đường, máu me be bét. Người lái xe giọng trách móc “sao ai lại vô tâm như thế chứ, nhìn thấy chim sẻ chết mà bỏ mặc, lại còn cán qua cán lại làm bẩn hết mặt đường”. Vừa nói ông vừa quét dọn mặt đường. Những phóng viên Trung Quốc ngồi trong xe thấy buồn cười quá, nghĩ đầu óc người lái xe chắc là có vấn đề. Đến tận sau những năm 70 của thế kỷ XX, họ mới hiểu ra rằng ý thức bảo vệ môi trường của người dân Genève đã có từ rất lâu.

Ở trong phòng chính tầng một biệt thự Le Grand Mont-Fleuri, mờ sáng Chu Ân Lai đã tỉnh giấc. Ông sinh hoạt rất có kỷ luật. Ngủ dậy đánh răng rồi cạo râu. Mỗi ngày làm việc của Chu Ân Lai đều bắt đầu như vậy.

Những ngày đầu mới đến Genève, chỉnh sửa kỹ các bài phát biểu của Chu Ân Lai trong từng trường hợp là nhiệm vụ quan trọng của các “cây bút”, vì vậy nhóm khởi thảo văn kiện được thành lập với sự tham gia của Kiều Quán Hoa, Trần Gia Khang, Di Hương, Hà Phương… Trước hội nghị, nhóm này đã soạn thảo không ít những phát biểu dự định đưa ra tại hội nghị. Nhưng khi đến Genève, sau khi đã nắm bắt được thêm nhiều tình hình, Chu Ân Lai thường xuyên nảy sinh những suy nghĩ mới, thế là việc chỉnh sửa câu chữ những bài phát biểu trở thành chuyện thường ngày. Vì vậy, Kiều Quán Hoa, Hà Phương và Di Hương thường phải đi ngủ rất muộn. Họ thường nói đùa với nhau “Chỉ cần hội nghị Genève không khai mạc, các văn bản phát biểu sẽ phải chỉnh sửa mãi mãi”. Đợi Chu Ân Lai sửa xong bản thảo, thường Hà Phương hoặc Di Hương đưa bản thảo đến cho nhân viên đánh máy. Lúc đó chưa có máy tính, đánh máy tiếng Trung là một công việc chuyên môn hóa rất cao. Để bảo đảm công tác in ấn đánh máy văn kiện quan trọng của đoàn Trung Quốc, Bộ Ngoại giao đã chọn và cử hai nữ đánh máy giỏi và trẻ trung là Sử Hoa và Lưu Lan Vân đi cùng đoàn đến Genève. Họ thường làm việc vào buổi tối, đánh máy vừa nhanh vừa rõ ràng. Những bản thảo văn kiện được Chu Ân Lai chỉnh sửa xong trước khi đi ngủ đến sáng đều được các cô đánh máy xong xuôi.

Chu Ân Lai thường xem xong mấy bản văn kiện khẩn cấp mới đến nhà ăn ở góc tầng một để ăn sáng. Lúc này, Trương Văn Thiên, vợ chồng Vương Gia Tường và Lý Khắc Nông cũng đều đã đứng đó chờ Chu Ân Lai.

Ở Genève, buổi sáng đôi khi có thời gian rảnh rỗi, sau bữa sáng, Chu Ân Lai, Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông thường thích dạo bộ trên bãi cỏ xanh mướt mượt như nhung. Nếu cần bàn bạc công việc, Lưu Anh và Chu Trọng Lệ sẽ biết ý rời đi chỗ khác.

Sau khi đoàn Trung Quốc đến ở Le Grant Mond-Fleuri, vị khách đến thăm đầu tiên là Molotov. Dường như muốn truyền kinh nghiệm cho Chu Ân Lai, Molotov nhắc nhở cần đề phòng những đối tượng xấu đặt thiết bị nghe trộm trong khu biệt thự. Sau khi ra về, Molotov phái ngay nhân viên chuyên môn đến kiểm tra kỹ lưỡng trong khu biệt thự. Hai vị chuyên gia phản gián Liên Xô nói với Vương Bỉnh Nam rằng nhiều khả năng có hiện tượng khu biệt thự bị đặt thiết bị nghe trộm, nên khi ở trong phòng không nên đàm luận các việc cơ mật.

Vì vậy, mỗi khi có việc cần bàn bạc với Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường và Lý Khắc Nông, nếu vào ban ngày, Chu Ân Lai đều kéo mọi người ra bãi cỏ bàn bạc. Các bãi cỏ trong khu biệt thự Le Grand Mond-Fleuri được cắt tỉa hết sức công phu, trong vườn còn có một góc trồng rất nhiều cây dâu tây. Khi đàm luận hưng phấn, Trương Văn Thiên hứng khởi với tay hái hai trái dâu bỏ vào miệng. Sau khi tới Genève, cả Chu Ân Lai và Trương Văn Thiên đều nhiều lần nhấn mạnh rằng cần cố gắng giành được thành công tại hội nghị, tinh thần chung là đình chỉ chống đối vũ trang quy mô lớn, hướng tới cùng tồn tại hòa bình. Trương Văn Thiên cho rằng bán đảo Triều Tiên không nên tiếp tục chiến tranh nữa, cần củng cố kết quả của hiệp định đình chiến. Về cuộc chiến Đông Dương cũng cần cố gắng đạt được hòa bình, sau đó, trên cơ sở hòa bình bắt đầu phát triển kinh tế, thông qua cạnh tranh trong hòa bình để cuối cùng quyết định chế độ xã hội nào ưu việt hơn.

Trương Văn Thiên là trợ thủ chính của Chu Ân Lai trong việc soạn thảo các văn kiện phát biểu. Trước đây, Trương đã từng du học ở Mỹ, từng viết tiểu thuyết, vào dạng văn hay chữ tốt. Khi ở căn cứ cách mạng tại Giang Tây và Thiểm Bắc, Trương là lãnh đạo cốt cán của đảng. Tháng 1/1941, Trương rời Diên An đến Thiểm Bắc, không tiếp tục đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo ở trung ương nữa. Tại đại hội đảng lần thứ 7, Trương vẫn được bầu làm uỷ viên Bộ chính trị. Nhưng từ lúc đó, trên thực tế Trương dần dần rời khỏi cơ quan quyết sách của trung ương. Sau khi kháng chiến chống Nhật thành công, Trương một lần nữa rời khỏi Diên An về vùng Đông Bắc, giữ chức Bí thư tỉnh uỷ Hợp Giang. Đến năm 1949, về làm Bí thư tỉnh uỷ Liêu Đông.

Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, Trương nhận lệnh về thủ đô, tháng 1/1950 được cử làm Đại diện Trung Quốc đầu tiên tại Liên hiệp quốc (LHQ). Do vấn đề vị trí của Trung Quốc tại LHQ chưa được giải quyết, nên Trương chưa đến nhận chức. Đến tháng Tư/1951, Trương thay Vương Gia Tường làm Đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô. Hội nghị Genève đối với Trương lại là một cơ hội nữa. Trung ương đảng cử Trương làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trợ giúp Chu Ân Lai cố gắng đạt được những kết quả tích cực tại hội nghị Genève. Đối với sứ mệnh này, tự trong đáy lòng Trương Văn Thiên hết sức đồng lòng.

Trải qua cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài cộng với những kinh nghiệm sau thời kỳ kiến quốc, Trương Văn Thiên lúc này đã trở thành một chính trị gia có tư tưởng hết sức sâu rộng. Về quan hệ đối ngoại, Trương dần dần đã hình thành một tư duy hoàn chỉnh. Từ năm 1951, ông đã chủ trương cố gắng nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Triều Tiên, cho rằng như vậy sẽ tốt cho cả hai bên. Tư tưởng chủ đạo của ông là cố gắng thông qua đình chiến ở Triều Tiên làm giảm cục diện căng thẳng của thế giới. Về đối ngoại, ông chủ trương thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với Anh. Đối với hội nghị Genève, ông giữ một thái độ rất tích cực, cho rằng “cuộc chiến tranh Triều Tiên đã qua rồi, giờ đến lúc tháo gỡ các nút thắt”. Về tư tưởng ngoại giao, Chu Ân Lai và Trương Văn Thiên tương đối hợp nhau, vì thế khi tới Genève thường xuyên trao đổi với nhau.

Nhằm mục địch đạt kết quả tốt tại hội nghị Genève, Trương Văn Thiên đã có quá trình chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Ông biết rõ rằng những kiến thức Trung Quốc thu thập được về quốc tế còn hạn hẹp, kinh nghiệm lại càng không có, vì vậy nhất thiết phải thận trọng. Thư ký của ông, Lý Hối Xuyên, cũng cho rằng thiếu kiến thức về lĩnh vực quốc tế là vấn đề phổ biến thường gặp với những nhà trận mạc phương Đông. Tóm lại là, từ nhỏ tới lớn, các loại sách ông đọc không phải ít, nhưng cho tới khi diễn ra hội nghị Genève, không ít thành viên trong đoàn đại biểu Trung Quốc vẫn không biết được rằng Đông Dương gồm 3 quốc gia hay chỉ có một quốc gia. Thậm chí có người còn tưởng rằng cả ba nước Đông Dương đều nói tiếng Việt Nam.

Về vấn đề Triều Tiên cũng có những vấn đề tương tự. Thời gian chuẩn bị hội nghị Genève, một vị tham tán Đại sứ quán Triều Tiên tại Liên Xô đã đến Đại sứ quán Trung Quốc tìm Lý Hối Xuyên, nói rằng Thủ tướng Kim Nhật Thành biết tiếng Trung, họ cũng có người biết tiếng Anh, các lưu học sinh Triều Tiên tại Liên Xô thì đều biết tiếng Nga, tiếng Pháp cũng có vài người biết, nhưng giờ chuẩn bị tham gia hội nghị Genève rồi, không có ai biết tiếng Thụy Sĩ cả, hỏi xem các đồng chí Trung Quốc có cách nào không?

“ Hóa ra chuyện là vậy” – Lý Hối Xuyên thở phào, cho vị tham tán biết Thụy Sĩ không có ngôn ngữ riêng, ngôn ngữ chính thức là tiếng Pháp. Lúc này vị tham tán mới như trút được gánh nặng trở về.

Trong số cán bộ tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Liên Xô, Trương Văn Thiên chọn được Lý Hối Xuyên, vợ chồng Chu Nghiễn và Hà Phương để tham gia vào công tác của đoàn chuẩn bị cho hội nghị Genève. Họ đều đến Genève trước Trương Văn Thiên hai ngày.

Vương Gia Tường là một nhà lãnh đạo có phong cách học giả, những kinh nghiệm cũng như phương thức tư duy của ông có rất nhiều điểm giống với Trương Văn Thiên. Sau hội nghị Tuân Nghĩa năm 1935, Vương cùng Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai hợp thành “Nhóm chỉ huy quân sự trung ương ba người”, phụ trách công tác chỉ huy hoạt động của hồng quân. Từ đó trở về sau, trong một thời gian tương đối dài, Vương là thành viên ban lãnh đạo hạt nhân của trung ương ĐCS Trung Quốc. Vương thừa nhận địa vị lãnh đạo của Mao Trạch Đông, sau những thay đổi ở Diên An đã dần rời khỏi ban lãnh đạo cấp cao của trung ương, tại Đại hội 7 được bầu làm uỷ viên dự khuyết trung ương, kháng chiến thắng lợi ông lên Đông Bắc tạo lập căn cứ cách mạng mới. Tại hội nghị trung ương lần thứ 2 khóa 7 (năm 1949), trở thành uỷ viên trung ương. Sau khi Trung Quốc mới được thành lập, Vương Gia Tường là vị Đại sứ đầu tiên của nước Trung Quốc mới. Ngay trong tháng 10 năm 1949 khi nước CHND Trung Hoa được thành lập, Vương Gia Tường đã tới Moskva nhận nhiệm vụ. Đến đầu năm 1951, ông về nước giữ chức Bộ trưởng liên lạc đầu tiên. Trải qua những tháng năm chiến tranh và hòa bình, Vương Gia Tường đã trở thành một con người điềm tĩnh và thận trọng, tư tưởng của ông cũng dần sâu sắc hơn, đối với các vấn đề quan hệ quốc tế, ông có rất nhiều suy nghĩ phù hợp với thực tế, và cũng có tư tưởng ngoại giao tương đối ăn ý với Chu Ân Lai. Lần này đến Genève có vợ ông là Chu Trọng Lệ đi cùng. Chu Trọng Lệ rất yêu quý biệt thự Le Grand Mond-Fleuri, đã đã viết một đoạn hồi ký rất đẹp như sau:

Thành phố Genève vào tháng tư, hoa nở rộ khắp nơi, cây cối xanh tươi, cảnh sắc đẹp tuyệt vời. Do không phải chứng kiến sự thảm khốc của hai cuộc đại chiến thế giới, nên cuộc sống của người dân Thụy Sĩ rất sung túc, khắp nơi toát lên vẻ thanh bình, một không khí thật yên tĩnh.

Đoàn đại biểu Trung Quốc “hạ cánh” tại một tòa nhà đa giác theo phong cách châu Âu nằm giữa một khu vườn rộng, trong vườn hoa hồng nở rộ, còn trên cây anh đào đã chín sẫm.

Phòng chính giữa ở tầng một là phòng tiếp khách, phòng làm việc và phòng ngủ của Thủ tướng Chu Ân Lai. Phòng ăn nằm ở một đầu hồi. Tôi và Gia Tường ở một phòng lớn trên tầng hai, thiết bị nội thất và vệ sinh đều rất tốt. Một ngày ba bữa, chúng tôi đều ngồi ăn cùng bàn với Thủ tướng. Các món ăn ở đây đều theo phong cách ẩm thực Pháp. Ẩm thực Pháp được coi là bậc nhất châu Âu, bánh mỳ vàng ươm, thơm lừng, rất ngon miệng, các loại món ăn cũng rất đa dạng. Không ngờ ở giữa châu Âu này, chúng tôi lại được ăn những món ở miền Nam Trung Quốc mới có như món giá đậu. Thủ tướng Chu Ân Lai vừa ăn cơm vừa ăn cả những món mỳ, bánh chiên vừng cũng là món khoái khẩu của ông. Bữa sáng thường có món bánh nướng thơm phức nóng hôi hổi, còn sau các bữa chính thường có hoa quả tráng miệng.

Ở đây có một loại cam hình hơi dài, hai đầu nhọn, màu vàng ươm, gọi là cam Italia, vừa đẹp lại vừa ngon. Một hôm sau bữa ăn, Thủ tướng Chu Ân Lai cầm một quả đưa cho tôi nói “Cam này rất ngon”.

Tôi giơ tay ra đỡ lấy nhưng lại cất lại vào đĩa.

Tại sao cô không ăn?” - Thủ tướng hỏi

Tôi chỉ vào Gia Tường nói “Dạ dày em và anh ấy giống nhau, sau bữa ăn không được ăn những thức lạnh”.

À, hai người đúng là một đôi rồi”.

Buổi chiều, chúng tôi ở bên ngoài trở về, thấy một đĩa cam Italia đặt trên bàn trong phòng. Chúng tôi lập tức biết rằng đây là do Thủ tướng bảo người mang tới. “Gia Tường, anh nhìn xem, cam đã được mang tới tận phòng mình rồi, Thủ tướng Chu thật là quan tâm tới chúng mình chu đáo quá”. Nghe tôi nói vậy, Gia Tường cũng gật gật đầu nói “Thủ tướng lúc nào cũng rất quan tâm đến các đồng chí của mình, dù là với các lãnh đạo trung ương, hay với người lái xe, nhân viên phục vụ, Thủ tướng đều quan tâm rất tỉ mỉ chu đáo.

Ông là một nhà chính trị, quân sự, lại vừa là một “quản gia tốt”, một con người như vậy thật hiếm có trên đời”.

Các thư ký của Chu Ân Lai, Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường đều nhận thấy rằng khi mới tới Genève, tâm lý của Chu Ân Lai rất căng thẳng hồi hộp, bất cứ việc gì dù lớn dù nhỏ ông đều quan tâm để mắt tới. Ông vẫn chưa phán đoán rõ được ý đồ chính của các đối thủ trong đàm phán, lo ngại rằng Mỹ và Anh sẽ can thiệp vũ trang vào cuộc chiến tranh Đông Dương, dùng không quân để giải cứu quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ. Nếu điều này xảy ra, vấn đề Triều Tiên và Đông Dương rất khó có thế tiếp tục đàm phán. Vì vậy, những vấn đề như tại hội nghị Genève cần đàm phán thế nào, đàm phán những gì… được Chu Ân Lai cân nhắc kỹ càng. Trong bàn cờ thế giới phức tạp và đầy mâu thuẫn, Chu Ân Lai đặc biệt quan tâm đến quân đồng minh, cố gắng hết sức để tranh thủ được tất cả mọi lực lượng. Khi vừa tới Genève, một tin tức quan trọng từ Ấn Độ đã khiến Chu Ân Lai rất vui mừng.

Đó là ngày 21/4, tức là hai ngày sau khi Chu Ân Lai gặp Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc trước khi lên đường đi Genève, Thủ tướng Ấn Độ [Jawaharlal] Nehru tuyên bố trước nghị viện liên bang rằng Chính phủ Ấn Độ không cho phép không quân Mỹ chuyên chở binh sĩ Pháp bay qua không phận Ấn Độ để đến tham gia cuộc chiến tranh Đông Dương.

Ngày 24/4, Nehru lại phát biểu trước quốc hội về vấn đề Đông Dương. Ông nêu rõ “Xét về nguyên nhân cũng như tính chất cơ bản của các xung đột ở Đông Dương, đây vẫn là cuộc kháng chiến chống lại chủ nghĩa thực dân…”. Tuyên bố của Nehru bày tỏ hy vọng hội nghị Genève sẽ giúp mang lại hòa bình cho Đông Dương. Vì vậy, Nehru đưa ra một bản hy vọng sáu điểm, là: hy vọng thông qua thương lượng hòa bình để giải quyết vấn đề, hy vọng xem xét vấn đề “đình chiến”, tuyên bố độc lập hoàn toàn cho Đông Dương, các quốc gia liên quan cam kết không can thiệp, kêu gọi LHQ giữ vai trò trong vấn đề hòa bình của Đông Dương.

Ở Genève, sau khi biết tin về phát biểu của Nehru, ngày 25/4, Chu Ân Lai gửi điện về Bộ Ngoại giao và Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Lục Định Nhất, đề nghị “Nhân dân nhật báo” đăng phát biểu trên của Nehru về vấn đề Đông Dương. “Nhân dân nhật báo” y lệnh cho đăng vào số ngày 26/4.

Đối với hội nghị Genève, Chu Ân Lai có một chủ trương chính, đó là về vấn đề Triều Tiên, ít nhất cần duy trì được sự ổn định của “giới tuyến 38”, trên cơ sở đó đấu tranh yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi bán đảo Triều Tiên; về vấn đề Đông Dương, tiền đề lớn nhất là đấu tranh thực hiện hòa bình, tạm thời phân định giới tuyến hai miền Nam Bắc, đồng thời cố gắng đưa đường giới tuyến này dịch sâu vào phía Nam chừng nào tốt chừng đó, để cục diện có lợi cho lực lượng của Hồ Chí Minh.

Hai ngày 25-26/4, Chu Ân Lai cùng Molotov và Nam Il hội ý trước và nhất trí, sau khi các đoàn đại biểu tại hội nghị Genève phát biểu xong, Nam Il sẽ đại diện cho phe phương Đông phát biểu trước, đề nghị hòa bình, thống nhất cho bán đảo Triều Tiên, yêu cầu tất cả quân đội nước ngoài rút khỏi bán đảo, yêu cầu các quốc gia chủ chốt đã tham gia vào vấn đề Triều Tiên cam kết bảo đảm thúc đẩy thực hiện phương án hòa bình, thống nhất cho bán đảo Triều Tiên. Sau đó Chu Ân Lai, Molotov lần lượt phát biểu, ủng hộ chủ trương của phái đoàn Triều Tiên.

Đối với gốc rễ của vấn đề Triều Tiên, Chu Ân Lai nắm rất rõ và sâu.

Triều Tiên là một quốc gia độc lập, có chung biên giới với vùng Đông Bắc Trung Quốc, trong lịch sử từng được coi là nước chư hầu phải triều cống cho các hoàng đế Trung Quốc. Năm 1894 bùng nổ cuộc “chiến tranh Giáp Ngọ” giữa Trung Quốc và Nhật Bản, sau khi Trung Quốc thua, Nhật Bản dần dần xâm chiếm toàn bộ Triều Tiên. Năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh, quân Liên Xô và quân Mỹ tiến vào bán đảo Triều Tiên từ hai hướng Nam và Bắc. Theo hiệp định giữa hai bên, lấy vĩ tuyến 38 độ Bắc làm giới tuyến, quân Liên Xô sẽ đóng ở phía Bắc giới tuyến, quân Mỹ chiếm lĩnh miền Nam. Ngày 15/8/1948, miền Nam thành lập nước Đại Hàn Dân quốc do Lý Thừa Vãn [Lee Seungman] làm tổng thống. Ngày 9/9 cùng năm đó, Bình Nhưỡng thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên do Kim Nhật Thành [Kim Il-sung] làm thủ tướng.

Cuối năm 1948, quân Liên Xô rút khỏi Bắc Triều Tiên. Tháng 6/1949, quân Mỹ cũng rút khỏi Nam Triều Tiên. Sau khi quân đội nước ngoài rút đi, tranh chấp Nam - Bắc Triều trở thành vấn đề nội bộ. Sau đó, cả hai miền Nam Bắc đều tiến hành chuẩn bị chiến tranh. Ở miền Nam, được sự hỗ trợ của Mỹ, Đại Hàn Dân quốc đã thiết lập được đội quân 98 nghìn người chia thành 8 sư đoàn, sở hữu một số máy bay hạng nhẹ. Ở miền Bắc, Kim Nhật Thành được sự hỗ trợ của Liên Xô đã thành lập một lực lượng gồm 12 sư đoàn bộ binh với tổng quân số khoảng 150 nghìn người, ngoài ra còn có lực lượng bộ đội xe tăng. Việc xây dựng lực lượng chuẩn bị cho chiến tranh của hai miền Nam Bắc cuối cùng đã dẫn đến một cuộc nội chiến quy mô lớn.

Ngày 25/6/1950, cuộc chiến tranh Triều Tiên đột ngột bùng nổ.

QĐND Triều Tiên trong một thời gian rất ngắn đã đánh bại quân Nam Triều, ba ngày sau khi cuộc chiến khai nổ ra đã đánh chiếm được Seoul, sau đó tiếp tục đẩy lùi quân Nam Triều Tiên cùng cả quân Mỹ tham chiến xuống phía Nam và chỉ còn chiếm 8% diện tích Triều Tiên.

Ngày 27 tháng 6, Mỹ tuyên bố tham gia chiến tranh Triều Tiên, thành lập “quân đội LHQ” bao gồm binh sĩ 16 nước tham gia, khiến cuộc chiến tranh Triều Tiên bị quốc tế hóa. Ngày 15 tháng 9, quân đội Mỹ bắt đầu đổ bộ lên Incheon [Nhân Xuyên] ở miền Trung bán đảo Triều Tiên, cắt đứt đoàn quân Nam Tiến của QĐND Triều Tiên, lúc đó đã tiến hẳn sang phía miền Nam, gây tổn thất nặng nề cho quân đội Bắc Triều Tiên. Quân đội phải rút lui lên phía Bắc. Quân Mỹ và quân Nam Triều Tiên đuổi lên phía Bắc, vượt qua vĩ tuyến 38, chiếm Bình Nhưỡng. Kim Nhật Thành cầu viện lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông.

Mao Trạch Đông quyết định cử “chí nguyện quân” tham gia chiến tranh Triều Tiên, đánh lui quân Mỹ. Đội chí nguyện quân do Bành Đức Hoài làm Tư lệnh gồm 280 nghìn quân đã bí mật xuất quân tối 19/10/1950 tiến sang Triều Tiên.

Ngày 25 tháng 10, tại khu vực Vân Tỉnh, cách sông Áp Lục [Amnokkang] trên biên giới Trung - Triều khoảng 50 km về phía Nam, chí nguyện quân Trung Quốc đối mặt với quân Nam Triều Tiên và đã đánh bại lực lượng này, cuộc chiến tranh “giúp Triều kháng Mỹ” đã bắt đầu như vậy. Từ thời điểm đó đến tháng 6/1951, cuộc chiến giữa hai bên do quân đội Mỹ và Trung Quốc làm chủ lực đã tiến hành năm trận đánh lớn, trong đó quân Trung Quốc thắng ba trận đầu, đẩy mặt trận đến gần vĩ tuyền 37 độ Bắc. Sau đó quân Mỹ điều chỉnh binh lực và chiến thuật đã giành được thế thượng phong ở hai trận sau, đẩy chiến tuyến lùi trở lại vĩ tuyến 38.

Từ đó hai bên ở thế giằng co trong thời gian dài, vừa tiến hành đàm phán rất gian nan, vừa nhiều lần giao đấu trên chiến trường.

Ngày 27/7/1953, các bên tham chiến ký hiệp định đình chiến, mặt trận về cơ bản trở lại trạng thái khi cuộc chiến bắt đầu.

Chiến tranh Triều Tiên là trận chiến đầu tiên sau đại chiến thế giới thứ hai bị phủ bóng đen bởi vũ khí hạt nhân, nhưng cuối cùng không bị biến thành một cuộc chiến tranh quốc tế quy mô lớn sử dụng vũ khí hạt nhân. Từ ngày chiến tranh bùng nổ 25/6/1950 đến ngày 27/7/1953, cuộc chiến trải qua ba năm một tháng, các bên tham chiến đều đầu tư binh lực và tài lực rất lớn.

Trong thời gian xảy ra chiến tranh, “đội quân LHQ” do quân đội 16 nước hợp thành và Mỹ đứng đầu đã tác chiến trên lãnh thổ Triều Triên. Trong đó quân đội Mỹ chiếm tới hơn 90% binh lực của lực lượng này. Mỹ áp dụng phương thức luân chuyển quân, thời điểm triển khai quân đông nhất tại Triều Tiên lên tới 540.000 người, trong đó bộ binh là 340.000, tổng cộng có tới 1,2 triệu binh sĩ Mỹ từng tham chiến tại Triều Tiên.

Trung Quốc cũng thực hiện cơ chế luân chuyển quân, thời điểm đông quân nhất là 1,35 triệu người (mùa xuân năm 1953), tổng cộng đã có 79 sư đoàn bộ binh thuộc 25 lữ đoàn quân dã chiến cùng với 16 sư đoàn pháo binh, 10 sư thiết giáp, 12 sư không quân, 10 trung đoàn xe tăng, tổng cộng 2,4 triệu binh sĩ đã tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, cả quân đội Mỹ và Trung Quốc đều bị thương vong rất lớn. Khoảng 33.000 vạn quân Mỹ đã chết trận, 20.600 người chết do thương tật hoặc sự cố, tổng cộng là 54.200 người chết, 103.000 người bị thương nặng. Trong cuộc chiến, quân Mỹ đã sử dụng nhiều loại vũ khí mới (trừ vũ khí nguyên tử), tiêu tốn vật tư chiến tranh 23 triệu tấn, trong đó tiêu hao đạn dược là 3,30 triệu tấn, gần bằng một nửa con số 6,90 triệu tấn đạn dược Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ thứ hai.

Quân đội Trung Quốc có 114.000 binh sĩ tử trận, 21.600 người chết do bị thương quá nặng, tổng cộng ước tính có khoảng 148.400 người chết. Các bệnh viện đã phải tiếp nhận tới 383.000 lượt thương binh. Vì vậy, các nhà sử học chiến tranh cho rằng quân đội Trung Quốc đã tổn thất tới 366.000 quân trong cuộc chiến tranh Triều Tiên; tổng cộng tiêu hao vật tư cho chiến tranh là 5,60 triệu tấn, trong đó đạn dược là 250.000 tấn. Trong khi đó, trong cả ba trận đánh lớn của Quân Giải phóng Trung Quốc từ mùa thu năm 1948 đến đầu năm 1949, là các trận Liêu Thẩm, Hoài Hải và Bình Tân, tổng cộng chỉ dùng 20.000 tấn đạn dược. Điều này chứng tỏ tiêu hao đạn dược của quân đội Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên là kỷ lục.

Tất nhiên, tổn thất lớn nhất thuộc về hai miền Nam-Bắc Triều Tiên. Nhưng những hậu quả mà chiến tranh để lại không chỉ dừng lại đó. Đối với Trung Quốc, có hai vấn đề quan tâm lớn nhất là: thứ nhất, yêu cầu quân đội nước ngoài rút hoàn toàn khỏi Triều Tiên, loại bỏ những nguy cơ chiến tranh đối với vùng Đông Bắc Trung Quốc, để Triều Tiên mưu cầu thống nhất trong điều kiện không có sự can thiệp của nước ngoài. Trung Quốc không hy vọng chiến tranh Triều Tiên tái bùng phát với quy mô lớn một lần nữa. Hai là, vẫn còn một lực lượng chí nguyện quân chưa trở về Trung Quốc đại lục. Nếu có thể đưa họ trở về, sẽ có lợi về mặt chính trị.

Chu Ân Lai quyết định hợp tác với phía Liên Xô để trước hết ổn định được vấn đề Triều Tiên. Sau khi đến Genève, Trưởng đoàn đại biểu Liên Xô Molotov là người đầu tiên đến gặp Chu Ân Lai. Chu Ân Lai rất tôn trọng vị Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô có tính cách cứng rắn như gang thép này. Trên thực tế, việc Trung Quốc tham gia Hội nghị Genève lần này không thể tách rời những cố gắng của Molotov.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us