Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 / CHƯƠNG 26 - Hành trình xác lập “năm nguyên tắc”

CHƯƠNG 26 - Hành trình xác lập “năm nguyên tắc”

- Tiền Giang - Bản dịch Dương Danh Dy — published 05/01/2009 17:13, cập nhật lần cuối 06/02/2009 09:14

 

Chương 26

Hành trình xác lập “năm nguyên tắc”

 

Chu Ân Lai đến Ấn Độ cùng Nehru xác nhận “năm nguyên tắc chung sống hòa bình”, do đó góp phần tạo nên sự ra đời một bài diễn thuyết nổi tiếng của Nehru. Trước lời mời đi Kashmir do phía Ấn Độ bất ngờ đưa ra, Chu Ân Lai đã khéo léo từ chối. Ông đến Miến Điện, đã xóa bỏ nỗi hoảng sợ và lo lắng của đối phương. Chuyến đi hòa bình này đã đề lại dấu ấn sâu xa trên đất lớn Nam Á.

 
Hội nghị Genève nghỉ họp, Chu Ân Lai là ngoại trưởng nước lớn rời đó chậm nhất, trên đường về nước ông sẽ thăm Ấn Độ và Miến Điện.

Menon, đặc sứ của Thủ tướng Ấn Độ Nehru, ngay từ lần đầu tiên đến chào Chu Ân Lai đã đại biểu Nehru, mời thủ tướng Trung Quốc thăm Ấn Độ. Chu Ân Lai biểu thị cám ơn ngay và chỉ ra, trong việc giám sát đình chiến ở Triều Tiên, Ấn Độ đã có tác dụng tích cực. Ông vui lòng thăm Ấn Độ, chỉ có điều không biết là hội nghị Genève phải họp bao lâu.

Trong hội nghị Menon đã nhiều lần đại biểu phía Ấn Độ mời Chu Ân Lai tới thăm Ấn Độ, Chu Ân Lai biểu thị đồng ý và báo cáo ý đó với Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ và Trung ương ĐCS Trung Quốc. Ngày 13 tháng 6, Trung ương ĐCS Trung Quốc gửi điện cho Chu Ân Lai đồng ý ông thăm Ấn Độ và Miến Điện trong thời gian hội nghị Genève nghỉ họp.

Trước khi lên đường ngày 22 tháng 6 một lần nữa Chu Ân Lai điện cho Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, đề xuất kế hoạch thăm Ấn Độ, nói: “mục đích chuyến thăm Ấn Độ lần này là để làm công tác chuẩn bị ký công ước hòa bình châu Á dưới một hình thức nào đó, nhằm đả kích âm mưu của Mỹ tiến hành tổ chức Tập đoàn xâm lược Đông Nam Á, và từ đó thúc đẩy khôi phục hòa bình Đông Dương.”

Sáng ngày 24 tháng 6 năm 1954, Chu Ân Lai rời Genève đi thăm Ấn Độ, trước khi lên đường ông nhận lời phỏng vấn của phóng viên “Báo Ấn Độ giáo đồ” [“The Hindus”], đã không bỏ lỡ cơ hội, trình bầy “năm nguyên tắc chung sống hòa bình”. Chu Ân Lai chỉ ra: “chính sách xâm lược chia rẽ các nước Châu Á thành những tập đoàn quân sự đối địch lẫn nhau đang ngày càng đe dọa hòa bình và an ninh của các nước châu Á. Đó là vấn đề chủ yếu mà nhân dân các nước châu Á đang phải đối mặt. Tôi cho rằng, để bảo đảm hòa bình của châu Á, để bảo vệ độc lập dân tộc và quyền tự chủ giữa nhân dân các nước châu Á, giữa các nước châu Á nên tiến hành hiệp thương, dùng phương pháp cùng gánh vác nghĩa vụ với nhau, cùng cố gắng để bảo vệ hòa bình và an ninh châu Á.”

Phóng viên hỏi: “liệu chính phủ Trung Quốc có phủ nhận quan hệ giữa hai nước láng giềng vĩ đại Trung, Ấn đang phát triển một cách hài lòng không? Liệu Thủ tướng Chu có kiến nghị một số biện pháp làm cho quan hệ hai nước phát triển hơn nữa hay không?”

Chu Ân Lai trả lời: “nhân dân Trung Quốc rất phấn khởi có nước láng giềng hết lòng vì hòa bình như Ấn Độ. Gần đây hai nước Trung, Ấn trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng lãnh thổ chủ quyền của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, chung sống hòa bình, qua hiệp thương đầy đủ đã ký hiệp định thông thương và giao thông giữa Tây Tạng Trung Quốc và Ấn Độ. Hiệp định này không chỉ tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia vĩ đại Trung, Ấn mà còn cung cấp cho sự hợp tác giữa các nước châu Á một điển hình tốt đẹp. Tôi tin chắc rằng, trên cơ sở đó, sự hợp tác hai nước Trung, Ấn trong công việc quốc tế cũng sẽ phát triển hơn nữa, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung, Ấn cũng phát triển sâu sắc hơn nữa. Điều này có ý nghĩa trọng đại đối với việc củng cố hòa bình châu Á và thế giới.”

Phóng viên hỏi: “đề nghị thủ tướng Chu nói một chút về cách nhìn của ngài đối với cuộc sống và công tác của Gandhi.”

Chu Ân Lai trả lời: “Nhân dân Trung Quốc biểu thị sự tôn kính trước cuộc sống phấn đấu lâu dài giành độc lập dân tộc dân tộc của Gandhi. Tinh thần này có ảnh hưởng sâu sắc tại Ấn Độ.”1

Sáng sớm ngày 25 tháng 6, đoàn Chu Ân Lai đến New New Delhi. Nehru và hơn 5.000 nhân sĩ các giới ra sân bay đón. Nehru mặc áo ngoài cổ cao mầu trắng, trước ngực đeo hoa hồng nhung đỏ, tràn đầy sức sống.

Hai thủ tướng Trung Quốc và Ấn Độ bắt tay nhau rất chặt. Đây là lần đầu tiên Chu Ân lai và Nehru gặp nhau.

Các em thiếu nhi Ấn Độ ra chào đón đã choàng lên cổ Chu Ân Lai vòng hoa kết bằng hai loại hoa thơm mầu vàng và mầu trắng, dòng người đứng bên đường tung những đoá và bó hoa tươi vào Chu Ân Lai. Nehru tháp tùng Chu Ân Lai tới nhà khách quốc gia.

Javaharlal Nehru (1889-1964) tổ tịch ở Kashmir, nơi có nhiều núi non, sông nước. Gia tộc Nehru có tài sản giầu có tại bản địa theo đạo Balamon, là tôn giáo cao quí nhất trong bốn tôn giáo lớn tại Ấn Độ.

Nehru sinh ngày 14 tháng 11 năm 1989.Cũng tương tự như truyền thống Trung Quốc, đại gia đình Ấn Độ coi trọng con trai. Theo tập quán của Ấn Độ giáo, sau khi có thai phụ nữ phái cử hành một nghi lễ sinh con trai, cầu khấn thần linh phù hộ cho sinh con trai, bởi vì con trai là người chủ trì tang lễ cha mẹ. Theo cách nói của Ấn Độ giáo, người đàn ông chết mà không có con trai sẽ vào địa ngục; người phụ nữ mà không sinh con trai sẽ bị vứt bỏ.

Ông bố Nehru đã vợ chết, con chết từ sớm, sau khi tục huyền lại mất một con trai, đến lúc này mới có con trai, vì vậy ông bố mới đặt tên con là “Javaha” có nghĩa là “ngọc quí”, cộng thêm chữ cuối tên ông là “rlal” đặt thành tên “Javaharlal” có nghĩa là “ngọc quí đỏ”. Tuổi trẻ Nehru được hưởng sự giáo dục tốt đẹp, đọc sách nhiều, hiểu sâu sắc văn học, tôn giáo (chủ yếu là Ấn Độ giáo). Ông cũng rất hứng thú đối với khoa học tự nhiên, gia sư đã trang bị cho ông một phòng thí nghiệm khoa học tự nhiên.

Năm 1905, Nehru 15 tuổi đến Anh học tập. Sau khi được học tập bổ sung, năm 1907 đã thi đỗ vào Viện 31, Đại học Cambridge học nhiều ngành khoa học như hóa học, sử học, chính trị học và kinh tế học v.v… Ông học tập tại Anh 7 năm, tương đối hòa nhập với chính trị học và sinh hoạt phương Tây.Trong tự truyện, Nehru nói, sau khi học tập tại Anh mình đã trở thành “vật hỗn hợp phương đông và phương tây kì dị”.

Năm 1912, Nehru trở về Ấn Độ bắt đầu cuộc sống luật sư. Không lâu sau, ông tham gia đảng Quốc Đại. Năm 1916 trong hội nghị lần thứ nhất của đảng Quốc Đại, Nehru gặp và biết Gandhi, người lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Ấn Độ. Nehru cho rằng, phong trào hành động phi bạo lực bất hợp tác để giành lấy tự do, do Gandhi đề xuất là phù hợp với truyền thống Ấn Độ, cũng thích ứng với hiện thực Ấn Độ. Năm 1919, Nehru bỏ nghề đi theo Gandhi. Hoạt động chính trị của ông thậm chí đã ảnh hưởng tới ông bố, đến nỗi ông bố cùng gia nhập đảng Quốc Đại, và được bầu làm Chủ tịch đảng Quốc Đại. Từ đó, số phận của gia tộc Nehru đã kết hợp chặt chẽ với phong trào giải phóng Ấn Độ, không bao giờ tách rời, ngay phương thức sinh hoạt của gia tộc cũng thay đổi, từ hào hoa dần dần hướng về giản dị.

Những năm 30 của thế kỷ XX, Nehru nhiều lần được bầu làm Chủ tịch đảng Quốc Đại, trở thành ngọn cờ của phong trào độc lập Ấn Độ.

Để làm cho Ấn Độ giành được độc lập tự do từ sự thống trị của thực dân Anh, Nehru nhiều lần bị bắt, từ năm 1921 đến năm 1945, tổng cộng ông vào ngục chín lần, lần dài nhất phải giam trong ngục 1.041 ngày. Một số tác phẩm quan trọng của ông như “Một cái nhìn lịch sử”, “Tự truyện”, “Sự phát hiện Ấn Độ” v.v.. đều được viết trong ngục.

Năm 1939 Nehru tới thăm Trung Quốc. Đến Trung Quốc ông hy vọng gặp một số người, trong đó có Chu Ân Lai, đại biểu ĐCS Trung Quốc đang ở Trùng khánh. Ngày 3 tháng 9 năm 1939, nước Anh tuyên chiến với Đức. Cùng ngày hôm đó Tổng đốc Anh ở Ấn Độ tuyên bố Ấn Độ ở vào tình trạng chiến tranh, điều này làm cho Nehru phải ngừng chuyến thăm về nước. Nghe nói, nếu như Ấn Độ không bị cuốn vào cuộc chiến tranh thế giới thứ thứ hai, bản thân Nehru còn dự tính đi thăm Diên An.

Về nước không lâu, Nehru lại bị bắt, phải sống trong ngục 3 năm, mãi đến ngày 15 tháng 6 năm 1945 mới được thả. Trong những năm tháng trong song sắt, Nehru đã viết xong cuốn sách “ Phát hiện Ấn Độ”. Bản thảo cuốn sách này dày trên 1000 trang, tràn đầy nhiệt tình yêu nước. Trong cuốn sách tác giả đã dự báo tương lai của Ấn Độ, ông nói: “Ấn Độ với địa vị mà nó có, không thể đóng vai trò thứ hai trên thế giới. Phải đóng vai trò một nước lớn có thanh có sắc, phải xuất đầu lộ diện.”

Sau chiến tranh thế giới thứ thứ hai, phong trào độc lập dân tộc phát triển mạnh mẽ. Nhân dân Ấn Độ dấy lên cao trào phản đối sự thống trị của thực dân Anh, cuối cùng nước Anh phải nhượng bộ. Ngày 15 tháng 8 năm 1947, Tổng đốc Anh trao lại chính quyền. Theo phương án “Ấn Độ, Pakistan phân trị” nước Anh tuyên bố trước đó, Ấn Độ thuộc Anh chia làm hai vùng tự trị, Liên bang Ấn Độ và Pakistan, lần lượt thiết lập chính phủ. Pakistan do Đông Pakistan và Tây Pakistan tổ thành.

Ấn Độ đã giành được độc lập. Ngày hôm ấy, quảng trường Hồng Bảo tại New Delhi cử hành lễ trọng thể có 20 vạn người tham gia. Sau khi tổng đốc cuối cùng của Anh tại Ấn Độ Louis Mountbatten hạ lá cờ Anh xuống, Nehru đã từ từ kéo quốc kỳ Ấn Độ lên. Ông tuyên bố: “sau khi trải qua ngủ yên và phấn đấu lâu dài, Ấn Độ đã đứng dậy!” “Chúng ta sẽ không bao giờ để cho ngọn lửa tự do bị tắt, cho dù gió to bao nhiêu, sóng cao bao nhiêu!”

Ấn Độ và Pakistan đã độc lập nhưng đồng thời với việc này giữa hai nước đã xuất hiện cuộc di dân lớn hiếm thấy trong lịch sử nhân loại, một loạt lớn tín đồ Ấn Độ giáo đi khỏi Pakistan, một loạt lớn tín đồ Hồi giáo trốn khỏi Ấn Độ. Điều vô cùng bất hạnh là, giữa hai dân tộc đã xuất hiện cuộc tàn sát thù địch lớn, 50 vạn người bị chết trong ngọn lửa, 12 triệu người không có nhà để về.

Ngày 30 tháng 1 năm 1948, lãnh tụ tinh thần của phong trào độc lập Án Độ, vị thầy của Nehru là Gandhi bị ám sát tại New Delhi, từ đó “thời đại Nehru” đã bước vào lịch sử Ấn Độ.

Năm 1947, Nehru giữ chức Thủ tướng Ấn Độ, lúc đó ¾ dân số Ấn Độ sống dưới mức nghèo khổ, tuổi thọ bình quân chỉ có 32 tuổi, 84% tổng dân số mù chữ. Tính theo thu nhập bình quân đầu người, Ấn Độ là một trong những quốc gia có thu nhập thấp nhất trên thế giới.

Nehru đã lựa chọn “con đường kiểu Ấn Độ” cho tổ quốc mình, trên thực tế là con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước: thông qua nhiều phương thức nhà nước can thiệp, cố gắng cải tạo Ấn Độ từ một xã hội cấy trồng nông nghiệp thành một nước lớn công nghiệp hóa, đồng thời với việc tăng gia sản xuất giảm bớt chênh lệch giầu nghèo trong nước.

Nehru kiêm chức Ngoại trưởng, ông thân tự chế định khuôn khổ ngoại giao. “Không liên kết” là tư tưởng ngoại giao quan trọng của Nehru.

Duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc là chính sách ngoại giao quan trọng thời kỳ mới cầm quyền của Nehru. Nehru có thái độ tôn trọng hiện thực đối với Trung Quốc mới. Nehru có tình giao tiếp lịch sử với vợ chồng Tưởng Giới Thạch. Vào đêm trước thành lập Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch thông qua đại sứ Ấn Độ tại Mỹ lúc đó là em gái lớn của Nehru tìm kiếm sự ủng hộ của Ấn Độ, không công nhận Trung Quốc. Nehru đã từ chối việc này. Ông nói: “Mặc dù tôi và Tưởng Giới Thạch có tình hữu nghị, nhưng với tư cách là thủ tướng, ngoại trưởng tôi không thể nhắm mắt không nhìn hiện thực.” Sau này ông còn nói: “trên thực tế một chính phủ có sức mạnh, ổn định và bền vững đã tồn tại trên đại lục Trung Quốc, công nhận Trung Quốc không phải là vấn đề ưa thích hay không ưa thích chính quyền mới đó.”2

Ngày 30 tháng 12 năm 1949, Ấn Độ công nhận Trung Quốc. Tháng 2 năm 1950, đại biểu đàm phán của chính phủ Ấn Độ đến Bắc Kinh cùng Trung Quốc đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên trên thế giới đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc mới.

Ngày 1 tháng Tư năm 1950, Trung Quốc và Ấn Độ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 5, đại sứ Ấn Độ đầu tiên tại Trung Quốc đến nhận nhiệm vụ. Tháng 9 cùng năm, Viên Trung Hiền đại sứ Trung Quốc đầu tiên tại Ấn Độ đến nhận nhiệm vụ. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Ấn Độ tích cực ủng hộ Trung Quốc khôi phục chiếc ghế của mình tại LHQ, bỏ phiếu phản đối đề án chống Trung Quốc của LHQ. Ngày 31 tháng 12 năm 1953, đoàn đại biểu chính phủ Ấn Độ tới Trung Quốc thương thảo vấn đề quan hệ hai nước tại địa phương Tây Tạng, ngay trong ngày Chu Ân Lai đã hội kiến họ, lần đầu tiên đề xuất năm nguyên tác chung sống hòa bình nổi tiếng. Đầu những năm 50 của thế kỷ XX, dường như gần như là thời kỳ “trăng mật” của hai nước Trung, Ấn, giữa hai nước Trung, Ấn cũng tồn tại một số mâu thuẫn, thể hiện đột xuất trên vấn đề biên giới hai nước và Tây Tạng. Tháng 10 năm 1950, quân giải phóng tiến vào Lhasa, thực hiện thống nhất bản đồ đại lục quốc gia. Chính phủ Ấn Độ tuyên bố, biểu thị lấy làm tiếc trước việc quân giải phóng vào Tây Tạng. Ngoài ra Nehru kiên trì “đường MacMahon” do nước Anh đơn phương vẽ, đồng thời đề xuất yêu cầu lãnh thổ đối với vùng Aksai Chin thuộc đoạn phía tây biên giới Trung, Ấn.

Chu Ân Lai khẳng định đầy đủ tác dụng tích cực trong chính trị quốc tế của Nehru, hy vọng hai nước lớn Trung, Ấn đoàn kết với nhau, phát huy tác dụng trọng đại trong cục diện thế giới. Rút kinh nghiệm quan hệ đặc biệt giữa Anh và Ấn Độ, Chu Ân Lai cho rằng, Nehru có ảnh hưởng tới Eden, ông hy vọng trong quá trình giải quyết vấn đề Đông Dương, Nehru có thể làm được cái gì đó.

Bây giờ Chu Ân Lai và Nehru đã gặp nhau, cuộc trò chuyện hoành tráng giữa hai vị thủ tướng vĩ đại vừa mới bắt đầu đã được thế giới để mắt tới.

9 giờ sáng ngày 25 tháng 6, Thủ tướng Chu Ân Lai vừa đặt chân xuống nhà khách là đã được đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Viên Trọng Hiền, cùng với Kiều Quán Hoa, Vương Trác Như tháp tùng, đáp ô tô tới ngay nơi hỏa táng thánh Gandhi, người sáng lập phong trào độc lập Ấn Độ để viếng người thành lập nước Cộng hòa Ấn Độ.

Trước bậc thềm bia kỷ niệm, Chu Ân Lai tháo giầy, chân đi tất đen bước lên thềm trước bia đá kỷ niệm, cung kính đặt bốn vòng hoa, đứng im mặc niệm một phút, sau đó phát biểu bài nói ngắn. Ông chỉ ra, nhân dân Trung Quốc biểu thị ý tôn kính thánh Gandhi suốt đời đấu tranh vì độc lập dân tộc, cuộc đấu tranh đó đã có ảnh hưởng sâu sắc tới nền độc lập, và cũng có ảnh hưởng sâu sắc với nhân dân Trung Quốc.

Từ 3 giờ 30 tới 6 giờ 15 chiều, hai vị thủ tướng tiến hành hội đàm, sau cơm tối lại tiếp tục hội đàm.

Chu Ân Lai giới thiệu với Nehru tình hình hội nghị Genève, rồi trao đổi ý kiến về vấn đề hòa bình của Đông Nam Á và toàn bộ châu Á. Chu Ân Lai nói, thái độ của Mỹ là phản đối và cản trở bất kỳ hiệp nghị nào, còn chính sách của Trung Quốc với Đông Nam Á là chung sống hòa bình. Trước mặt Nehru, Chu Ân Lai đề xuất rõ, trong đàm phán hai bên xác định nguyên tắc của “hiệp định về thông thương và giao thông giữa địa phương Tây Tạng Trung Quốc với Ấn Độ”, tức nguyên tắc chung sống hòa bình, có thể ứng dụng cho mọi nước châu Á, là rất có lợi.

Về cơ bản Nehru đồng ý với những phán đoán của Chu Ân Lai về tình hình hội nghị Genève. Ông nhờ Chu Ân Lai chuyển tới Hồ Chí Minh, trong thời gian hội nghị Genève, giữ được kiềm chế không phát động tấn công đồng bằng sông Hồng. Thì ra, ngày 19 tháng 6, khi từ biệt, Eden đã đề xuất với Chu Ân Lai yêu cầu này. Ông ta biết Chu Ân Lai sẽ tới thăm Ấn Độ, vì thế khi vừa về tới London đã chuyển thư miệng cho Nehru, muốn Nehru cũng làm như thế, khuyên Việt Nam không nên phát động tấn công.

Nehru đồng ý năm nguyên tắc chung sống hòa bình do Chu Ân Lai đề xuất. Ông còn biểu thị, trong Phật giáo cổ có từ ngữ “fan cha xi la” là hiện thành của “năm nguyên tắc”. Trong kinh điển Phật giáo Ấn Độ có “ngũ giới” kiềm chế hành vi cá nhân, tức không sát sinh, không lừa dối, không trộm cắp, không gian dâm, răn tà. Nehru đã giải thích các điều này, nói, đó là do A Dục vương [Aśoka] người cai trị vương triều Khổng Tước [Maurya, nghĩa là "con công"] cách đây hai ngàn năm đề ra trước tiên, năm giới được khắc trên tảng đá. Tiếng Phạn gọi ngũ giới là “fan cha xi la”, người Ấn Độ đọc theo âm tiếng Phạn thì có thể gọi “năm nguyên tắc” là “fan cha xi la”. Như vậy càng hình tượng, càng có thể khiến nhân dân Ấn Độ hiểu được.

Thấy Nehru lý giải như vậy, Chu Ân Lai cảm thấy phấn khởi, ông đòng ý đề nghị của Nehru công bố thông cáo chung giữa chính phủ hai nước khi kết thúc chuyến thăm, và đề nghị Nehru thảo bản thông cáo đó. Chu Ân Lai giao dự thảo thông cáo mà phía Trung Quốc đã thảo từ trước, đề nghị phía Ấn Độ tham khảo khi dự thảo thông cáo.

Từ 8 giờ đến 10 giờ sáng ngày 26 tháng 6, Chu Ân Lai tham quan New Delhi, mấy vạn người đứng bên đường hoan nghênh, hoa tươi bay đầy trời.

Ngày hôm đó thủ tướng hai nước Trung, Ấn tiến hành hội đàm lần thứ ba lần thứ tư. Trao đổi ý kiến về quan hệ hai nước và vấn đề kiều dân.

Chu Ân Lai nói, về quan hệ hai nước Trung Ấn, tôi hoàn toàn đồng ý những điều Thủ tướng Nehru đã nói, nên xây dựng sự tin cậy lẫn nhau. Chế độ chính trị hai nước Trung, Ấn không hoàn toàn giống nhau. Thế nhưng chúng ta đều được giải phóng từ sự áp bức của chủ nghĩa đế quốc,văn hóa phương đông của hai nước chúng ta lại có đặc điểm chung. Vì thế, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng chủ quyền lãnh thổ lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi, chung sống hòa bình, hai nước Trung, Ấn không chỉ tự mình xây dựng lòng tin, hơn nữa còn có thể xây dựng lòng tin lẫn nhau. Như vậy sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với các nước châu Á, khiến họ tin tưởng là có khả năng chung sống hòa bình, là có thể từng bước thực hiện. Chúng ta phải cố gắng xóa bỏ nỗi hoảng sợ không hề có căn cứ của các nước châu Á.

Chu Ân Lai nói với Nehru, không thể xuất khẩu cách mạng, nếu nhân dân tán thành một loại chế độ thì có phản đối cũng vô hiệu. Nếu nhân dân không tán thành một loại chế độ, có miễn cưỡng áp đặt cũng nhất định thất bại. Chúng ta nên lấy nguyên tắc cùng tin của chúng ta thiết lập một điển hình trên thế giới., chứng minh các nước có thể chung sống hòa bình. Vì vậy trong thông cáo của hai thủ tướng Trung, Ấn chúng ta có thể đề cập tới năm nguyên tắc một chút, bởi vì đó là điều chúng ta nhấn mạnh, thường xuyên đề cập đến có cái hay, có thể thuyết minh, những nguyên tắc này không chỉ thích dụng ở châu Á hơn nữa còn ở toàn thế giới.

Nehru đồng ý quan điểm của Chu Ân Lai, nói, nếu như những nguyên tắc này có thể được công nhận trong phạm vi rộng rãi, thì có thể làm mất đi nỗi sợ hãi chiến tranh, và tinh thần hợp tác có thể phát triển. Ông đồng ý trong tuyên bố chung bao gồm cả năm nguyên tắc.

Cùng ngày, đoàn đại biểu Trung Quốc tại New New Delhi tuyên bố: Chu Ân Lai sẽ thăm Miến Điện.

Buổi chiều, sau khi thủ tướng hai nước Trung, Ấn tiến hành cuộc hội đàm lần thứ tư, vào chập tối, Chu Ân Lai hội kiến trên 90 Hoa kiều tại đại sứ quán Trung Quốc.

8 giờ 30 tối, Nehru cử hành tiệc chào mừng to lớn tại Phủ thủ tướng. Với nhiệt tình dào dạt ông đã phát biểu một bài nói quan trọng tràn đầy chất văn, nói rõ lòng tin của Nehru lúc đó đối với năm nguyên tắc:

Năm nguyên tắc chung sống hòa bình thích hợp với mọi quốc gia

15 năm trước, tôi đã tới Trung Quốc với hy vọng dừng ở đó thời gian một tháng hoặc lâu hơn một chút. Tôi đặc biệt hy vọng hội kiến một số người, trong đó có ngài Chu Ân Lai. Thế nhưng không lâu sau, tại châu Ân đã phát sinh một cuộc chiến tranh mà sau này phát triển thành chiến tranh thế giới thứ thứ hai, nên tôi không thể không vội vàng trở về đất nước mình. Điều đáng tiếc là, lần đó tôi không có cơ hội hội kiến ngài Chu Ân Lai. Giờ đây sau khi đã trải qua 15 năm động loạn không yên, căng thẳng, nhiều biến đổi, nguyện vọng ban đầu của tôi đã được thực hiện. Tôi rất phấn khởi được gặp một nhà chính trị kiệt xuất của nước láng giềng chúng ta, tôi càng phấn khởi hơn vì được hội kiến vị đại biểu trác việt của một dân tộc vĩ đại.

Chúng tôi gặp nhau với thân phận cá nhân, đồng thời cũng gặp nhau với thân phận đại biểu cho hai quốc gia vĩ đại có quá khứ huy hoàng và tiền đồ vĩ đại là Ấn Độ và Trung Quốc. Hai quốc gia này sống chung với nhau như thế nào, họ có thể hợp tác với nhau ở mức độ nào vì hòa bình và hạnh phúc của thế giới là vấn đề có ý nghĩa trọng đại và rất đáng chú ý, không chỉ đối với hai nước chúng ta mà hơn nữa đối với châu Á, thậm chí đối với toàn thế giới cũng như vậy.

2.000 năm quá khứ là kiến chứng cho những quan hệ giữa chúng ta. Trong những năm tháng dài dằng dặc đó, chúng ta luôn luôn là láng giềng, chúng ta luôn luôn trao đổi tư tưởng và văn hóa và là quốc gia quan trọng trong tiến hành giao lưu với các nước láng giềng. Tại nhiều nơi, đặc biệt là tại Đông Nam Á, nhân dân chúng ta đã thiết lập những tiếp xúc, trong lịch sử chưa hề có ghi chép giữa hai nước đã phát sinh chiến tranh. Cái để lại là, những ghi chép về giao lưu tư tưởng, tôn giáo, nghệ thuật và văn hóa trong thời gian dài giữa hai nước

Trung Quốc và Ấn Độ đều có bối cảnh lịch sử đặc biệt của mình, đều có truyền thống văn hóa đặc biệt của mình. Về nhiều phương diện, họ không giống nhau, đều trưởng thành theo những đặc trưng của mình. Thế nhưng, dù có những bất đồng đó, chúng ta luôn luôn là láng giềng hòa thuận, là bạn bè của nhau.Trong quá trình lịch sử mấy ngàn năm, giữa chúng ta với nhau chưa hề phát sinh xung đột.

Những cái đó là kiến chứng lịch sử, còn hiện nay, do chúng ta đang ở trong cái thế giới động loạn không yên này, chúng ta có thể từ những bài học thu được trong quá khứ trợ giúp cho hiện tại và tương lai của chúng ta, cách đây không lâu hai nước chúng ta đã có cơ hội giành được tự do và sắp xếp số phận theo ý chí của mình. Từ những tình hình khác nhau, chúng ta đã dùng phương pháp khác nhau giành được tự do. Lãnh tụ và người thày vĩ đại của chúng tôi, Gandhi đã dùng phương thức hòa bình lãnh đạo chúng tôi thông qua nhiều khó khăn gian khổ để được tự do.

Trung Quốc đi một con đường khác. Hai nước chúng ta đều vì nhân dân mưu cầu phúc lợi, hơn nữa muốn thông qua con đường không giống nhau để nâng cao đời sống của ngàn vạn nhân dân trước đây đã chịu nhiều đau khổ còn bây giờ đang kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp. Tiền đồ của chúng ta hoặc các quốc gia khác trên thế giới quyết định chủ yếu bởi việc tránh được chiến tranh, bảo đảm hòa bình và an ninh.

Vì thế, vấn đề trọng đại mà hòa bình hiện nay đang đối mặt là làm thế nào xua tan bóng đen chiến tranh, hoảng sợ và hận thù đang đè nặng lên nhiều quốc gia và nhân dân.

Thưa ngài, gần đây ngài và các nhà chính trị trác việt khác đang cùng nhau giải quyết một số vấn đề trọng đại của chiến tranh và hòa bình. Chúng tôi rất phấn khởi biết được, những cố gắng của ngài và những cố gắng của các nhà chính trị khác đã thu được thành công nhất định. Chúng tôi chúc mừng ngài và các nhân sĩ đã tham gia hội nghị Genève làm xoay chuyển đáng mừng cục diện đó. Chúng tôi thành khẩn hy vọng, điều đó sẽ dẫn tới việc sớm kết thúc chiến tranh Đông Dương, tiếp đó cầu mong có được một loại giải quyết đủ để bảo đảm hòa bình và tự do cho các nước Đông Dương.

Nếu như chúng ta có thể xóa bỏ được nỗi hoảng sợ nặng nề của nhân dân đối với chiến tranh và xâm lược, bảo đảm cho mỗi quốc gia đều có thể tự do theo nguyện vọng của mình , trong tình hình không bị sự can thiệp của nước khác sắp xếp số phận của chính mình thế thì chúng ta càng phục vụ thế hệ này của chúng ta tốt hơn, hơn nữa còn đặt cơ sở cho hòa bình bền vững trên thế giới.

Toàn thế giới đều cần thiết hòa bình. Ngày nay hòa bình là không thể tách rời. Thế nhưng hòa bình ở châu Á so với bất kỳ nơi nào trên thế giới còn quan trọng hơn, càng không thể thiếu được bởi vì chúng ta cần phải xây dựng đất nước mình, chúng ta cần dùng toàn bộ tinh lực vào việc xây dựng chứ không phải là phá hoại.

Trên thế giới tồn tại chia rẽ và bất đồng. Thế nhưng cũng có một loại cảm giác thống nhất và cảm giác chỉnh thể ngày một tăng trưởng. Tôi tin tuởng một cách thành khẩn rằng, tư tưởng của chúng ta sẽ hiến dâng cho cảm giác chỉnh thể ngày càng tăng trưởng ấy, hiến dâng cho sự theo đuổi và thực hiện lý tưởng chỉnh thể mà ngày nay nhân loại đang hoài bão, chứ không nghiêng về chia rẽ và bất đồng.

Gần đây Ấn Độ và Trung Quốc đã ký hiệp nghị về một số sự việc nào đó, trong quá trình ký kết những hiệp định này, chúng ta đã định ra một số nguyên tắc nào đó, những nguyên tắc đó nên là quy phạm cho quan hệ hai nước chúng ta. Những nguyên tắc đó là công nhận chủ quyền và hoàn chỉnh lãnh thổ, không xâm phạm nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hòa bình. Những nguyên tắc này không chỉ thích dụng với hai nước chúng ta mà cũng thích dụng với các nước khác. Đối với các nước khác mà nói, những nguyên tắc ấy rất có thể là một tấm gương. Giả sử những nguyên tắc ấy được công nhận trong phạm vi rộng rãi hơn, thế thì, sự hoảng sợ chiến tranh sẽ tan mất, tinh thần hợp tác quốc tế sẽ được phát huy, mỗi một quốc gia đều được tự do thi hành chính sách của mình, sắp xếp số phận của mình, học tập người khác và hợp tác với người khác, nhưng về cơ bản là căn cứ vào tài trí của mình.Khoa học hiện đại khiến chúng ta có cơ hội xóa bỏ trên thế giới những hiểm hại trước đây gây ra tai họa cho thế giới. Điều không may là, loại khoa học đó dùng cho phá hoại thì nhiều mà dùng cho xây dựng thì ít. Giả như ngày nay chúng ta nắm chắc, khiến nó phát triển theo phương hướng hòa bình và cố gắng hợp tác, làm cho khoa học phục vụ hạnh phúc của loài người chứ không thành tai họa. Thế thì, chúng tất có thể làm cho lòng người thoát li khỏi hoảng sợ và hận thù, mà hướng về hiểu nhau, hợp tác. Như vậy chúng ta sẽ có thể xây dựng một không khí hòa bình và thay đổi bộ mặt trái đất.

Số phận đang vẫy gọi hai nước chúng ta, tôi hy vọng hai nước chúng ta vào giờ phút vĩ đại của lịch sử này đều không phải xấu hổ.

Tôi thành khẩn hy vọng: thưa ngài ,những cố gắng của ngài và những cố gắng của các nhà chính trị trác việt khác tham gia hội nghị Genève sẽ thu được thành công. Cũng hy vọng hai nước có thể bảo vệ hòa bình, hơn nữa còn vì hòa bình và tiến bộ của loài người mà chung sống hòa mục và hợp tác chung, đúng như chúng đã làm trong 2.000 năm lịch sử đã qua.

Nehru vừa dứt lời, cả hội trường vang rền tiếng vỗ tay. Bài diễn thuyết đó đã trở thành tác phẩm đại biểu bất hủ của Nehru.. Nó được tán thưởng lâu dài trong nhân dân Ấn Độ, đến mức nhiều người dân Ấn Dộ cho rằng năm nguyên tắc chung sống hòa bình là do Nehru đề ra trước. Còn Chu Ân Lai cũng có ý khiến người ta cảm thấy thủ tướng Trung, Ấn cùng đề ra năm nguyên tắc, điều này càng làm cho năm nguyên tắc có sức hiệu triệu lớn mạnh hơn ở châu Á và trên thế giới.

Chu Ân Lai đã phát biểu một bài diễn thuyết ngắn. Ông nói:

Trung Quốc và Ấn Độ, hai ngàn năm nay luôn luôn có tình hữu nghị truyền thống. Mấy năm gần đây, trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi và tôn trọng chủ quyền của nhau nước Cộng hòa Ấn Độ và nước CHND Trung Hoa đã thiết lập quan hệ ngoại giao khiến tình hữu nghị đã tồn tại giữa hai nước có sự phát triển mới.

Chính phủ và nhân dân Trung Quốc vô cùng coi trọng tình hữu nghị với chính phủ và nhân dân Ấn Độ. Quan hệ giữa hai nước chúng ta hiện nay đang ngày được tăng cường, liên hệ văn hóa và kinh tế ngày càng phát triển, nhất là tháng Tư năm nay, hai nước Trung Ấn đạt được hiệp định về thông thương giữa địa phương Tây Tạng Trung Quốc và Ấn Độ và hiệp định giao thông, không chỉ tăng cường thêm tình hữu nghị Trung Ấn mà còn thể hiện nguyên tắc hai nước tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, chung sống hòa bình. Việc làm này đã cung cấp một điển hình tốt đẹp trong việc dùng phương thức hiệp thương để giải quyết vấn đề trên quốc tế.

Hai nước Trung Ấn đều là nước yêu chuộng hòa bình, Trung Quốc rất phấn khởi vì có nước láng giềng ra sức vì hòa bình như Ấn Độ. Ấn độ đã có cống hiến có giá trị trong cố gắng tranh thủ đình chiến ở Triều Tiên. Đối với việc tranh thủ chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương, Ấn Độ luôn thể hiện sự quan tâm chú ý, và không mệt mỏi cố gắng để ủng hộ hội nghị Genève về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Rất rõ ràng lập trường đó của Án Độ là có ý nghĩa trọng đại đối với việc bảo vệ hòa bình ở châu Á.

6 giờ sáng ngày 27 tháng 6, đoàn Chu Ân Lai đáp máy bay đến Agra tiến hành tham quan dạo chơi, thăm lăng Taj Mahal nổi tiếng. Lăng này được xây dựng bằng những phiến đá Đại lý khổng lồ, hình tròn ưu mỹ trên đỉnh lăng đã nổi tiếng trên thế giới. Chu Ân Lai đứng trên bậc thềm của lăng mộ, theo nghi lễ Ấn Độ chắp hai bàn tay cám ơn tình hữu nghị nồng hậu sâu sắc của nhân dân Ấn Độ. Sau đó dưới sự hướng dẫn của nhân viên tháp tùng ông đã tới tham quan lăng mộ hoàng hậu [Mumtaz] Mahal và tiếp nhận mô hình cỡ nhỏ phỏng tạo hình dạng bên ngoài vật kiến trúc này làm bằng đá Đại Lý.

Ngày hôm đó, phía Ấn Độ đề xuất mời Chu Ân Lai tới thăm Kashmir. Nhân viên tiếp đón Ấn Độ nói, đó là nơi Nehru được sinh ra, phong cảnh rất đẹp, khí hậu trong lành. Thì ra Kashmir vốn là nước “Già Hiển Mật La” được đề cập tới trong cuốn sách cổ “Đại Đường Tây vực ký” của Trung Quốc, vào thời Đường Trung Quốc đã thịnh hành Phật giáo.

Kashmir giáp Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc. Do diễn biến của lịch sử, từ cận đại đến nay, vương công của Kashmir vẫn là quí tộc Balamon của Ấn Độ, nhưng thần dân mà ông ta cai trị phần lớn đều theo đạo Hồi. Khi Ấn Độ và Pakistan phân trị, vương công Kashmir không chịu vứt bỏ địa vị đặc biệt của mình, nhân đó Ấn Độ đã cử quân đội chiếm một phần lãnh thổ, còn Pakistan thì cho rằng, theo “phương án MacMahon”, Ấn Độ, Pakistan đã phân trị, thì Kashmir nên thuộc về Pakistan. Ấn Độ tiến quân vào Kashmir khiến Pakistan phản ứng dữ dội, và cũng tiến quân chiếm phần lãnh thổ Kashmir giáp với mình. Thế là Kashmir bị chia làm hai, và từ đó trở thành tiêu điểm tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.

Chu Ân Lai hiểu bối cảnh này. Tháng 8 năm 1953, đại sứ Pakistan tại Trung Quốc đã nhiều lần gặp Chu Ân Lai, trình bầy vấn đề Kashmir. Chu Ân Lai chỉ ra, hai bên tranh chấp Ấn Độ, Pakistan nên thông qua hiệp thương hòa bình để giải quyết thỏa đáng. Nếu sử dụng vũ lực sẽ chỉ có lợi cho Anh, Mỹ không có lợi cho nhân dân Pakistan, Ấn Độ.

Trong chuyến thăm Ấn Độ lần này, khi hội đàm cùng ông, Nehru không thảo luận riêng về vấn đề Kashmir, chỉ khi nói đến quan hệ Ấn Độ, Pakistan mới đề cập tới việc này. Chu Ân Lai nói cho Nehru biết, ông đã nói chuyện với đại sứ Pakistan ở Bắc Kinh về vấn đề Kashmir, quan điểm cơ bản của chính phủ Trung Quốc không thay đổi.

Trước việc phía Ấn Độ có ý mời Chu Ân Lai thăm Kashmir, Viên Trọng Hiền đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ đã kiến nghị Chu Ân Lai từ chối lời mời đó, Chu Ân Lai đã đồng ý ngay. Thân Kiện, tham tán đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ do đó đã thuyết minh với phía Ấn Độ, chuyến thăm Ấn Độ của thủ tướng Chu Ân Lai lần này thời gian ngắn, khó có thể tới thăm các vùng biên giới xa xôi, ngoài vùng Agra ra.

12 giờ trưa, Chu Ân Lai bay về New New Delhi. Từ 3 giờ đến 5 giờ 30 chiều, Chu Ân Lai và Nehru tiến hành cuộc hội đàm lần thứ năm. Trong hội đàm, Chu Ân Lai nói, để thúc đẩy hòa bình tập thể ở châu Á, trước tiên là Đông Nam Á, bước đi đầu tiên là khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Hai thủ tướng Trung, Ấn còn trao đổi ý kiến về tình hình trù bị hội nghị Á, Phi.

Sau hội đàm, Chu Ân Lai tiến hành họp báo. Ông mời các phóng viên tùy ý uống các loại nước quả, nói, trong thời gian tại hội nghị Genève tôi chưa hề họp báo, nhưng hôm nay tôi vui lòng trả lời các câu hỏi của các phóng viên. Do quan hệ về thời gian nên ông dùng hình thức trả lời bằng văn bản. Trả lời câu hỏi của phóng viên ông nói: “phản đối chiến tranh, bảo vệ hòa bình là biện pháp chủ yếu để làm dịu tình hình căng thẳng quốc tế. Đình chiến ở Triều Tiên đã làm cho tình hình quốc tế hòa dịu một bước, nếu như có thể chấm dứt được chiến tranh Đông Dương, có thể khôi phục hòa bình Đông Dương, thì cục diện căng thẳng thế giới sẽ hòa dịu hơn nữa.”

Nhằm thẳng vào vấn đề “quốc gia có lớn, nhỏ làm thế nào mới có thể chung sống hòa bình” ông đã trả lời: “chúng tôi cho rằng, căn cứ vào năm nguyên tắc quy định trong lời nói đầu của Trung Quốc và Ấn Độ về vấn đề Tây Tạng gần đây, các nước trên thế giới, không phân biệt lớn nhỏ, mạnh, yếu bất kể chế độ xã hội như thế nào, đều có thể chung sống hòa bình, độc lập dân tộc và chủ quyền tự chủ của nhân dân các nước đều phải được tôn trọng. Nhân dân các nước đều có quyền lợi được lựa chọn chế độ quốc gia và phương thức sinh hoạt của mình, không chịu sự can thiệp của các nước khác.. Không thể xuất khẩu cách mạng. Đồng thời cũng không cho phép nước ngoài can thiệp vào việc nhân dân trong một quốc gia thể hiện ý chí chung. Nếu các nước trên thế giới đều căn cứ vào những nguyên tắc này để xử lý quan hệ giữa họ với nhau, thì không thể phát sinh tình trạng một quốc gia này đe dọa và xâm lược một quốc gia khác, khả năng chung sống hòa bình của các nước trên thế giới sẽ biến thành hiện thực.”

6 giờ 45 phút tối hôm đó, Nehru đã đến Phủ Thủ tướng đón Chu Ân Lai tới điện lớn “Hồng Bảo” trong cố cung Ấn Độ dự lễ hoan nghênh lớn của các giới nhân sĩ New Delhi cử hành trên thảm cỏ trước điện, hai người cùng ngồi chung xe đến New Delhi. Bốn chung quanh thảm cỏ lớn trước Viện Cơ Mật Hồng Bảo đèn màu sáng choang, quốc kỳ hai nước được kéo lên, thủ tướng hai nước lại một lần nữa phát biểu những lời nói tràn đầy nhiệt tình.

Sau khi mọi người ra về, Chu Ân Lai và Nehru hội đàm lần thứ sáu đến tận sáng sớm ngày 28 tháng 6, cuối cùng đã sửa chữa xong văn bản bản tuyên bố chung cuối cùng. “Tuyên bố chung của Thủ tướng hai nước Trung, Ấn” được công bố ngày 28 tháng 6, đó là văn kiện lịch sử quan trọng về vấn đề quan hệ hai nước, ngôn ngữ của bản tuyên bố mang đậm đặc điểm thời đại:

Tuyên bố chung của Thủ tướng hai nước Trung, Ấn

    1. Ngài Chu Ân Lai, thủ tướng kiêm ngoại trưởng nước CHND Trung Hoa, theo lời mời của ngài Javaharlal Nehru thủ tướng kiêm ngoại trưởng nước Cộng hòa Ấn Độ đã tới New Delhi, ông đã dừng tại đây ba ngày. Trong thời gian đó, thủ tướng hai nước đã thảo luận nhiều sự việc có liên quan chung tới Trung Quốc và Ấn Độ. Họ đã đặc biệt thảo luận về tiền đồ hòa bình của Đông Nam Á và những phát triển đã có trong hội nghị Genève về Đông Dương. Tình hình của Đông Dương là quan trọng đối với hòa bình châu Á và thế giới, thủ tướng hai nứoc kỳ vọng những cố gắng đang có tại Genève nên thành công. Họ vui lòng chú ý tới việc đàm phán về ngừng bắn ở Genève đã thu được một số tiến triển. Họ nhiệt tình hy vọng những cố gắng đó trong tương lai gần sẽ có thể thành công và sẽ dẫn tới giải quyết chính trị cho các vấn đề của khu vực này.

    2. Mục đích hội đàm của hai vị thủ tướng là dùng các phương pháp có thể được, trợ giúp cho những cố gắng đang tiến hành nhằm giải quyết hòa bình ở Đông Dương và các nơi khác. Mục đích chủ yếu của họ là hiểu rõ ràng hơn những quan điểm của nhau để tiện cho việc hợp tác với nhau đồng thời hợp tác với các nước khác nh ằm trợ giúp bảo vệ hòa bình.

    3. Gần đây Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được một hiệp nghị. Trong hiệp nghị này họ đã qui định một số nguyên tắc quan hệ giữa hai nước. Những nguyên tắc này là:

        1. Tôn trọng chủ quyền lãnh thổ lẫn nhau,

        2. Không xâm phạm lẫn nhau,

        3. Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau,

        4. Bình đẳng cùng có lợi,

        5. Chung sống hòa bình.

Thủ tướng hai nước nhấn mạnh những nguyên tắc này, hơn nữa cảm thấy trong quan hệ giữa họ và châu Á cũng như các nước khác trên thế giới cũng nên thích dụng những nguyên tắc này. Nếu như những nguyên tắc này không chỉ thích dụng giữa các nước mà còn thích dụng trong quan hệ quốc tế nói chung thì chúng sẽ hình thành cơ sở vững chắc cho hòa bình và an ninh, và những nỗi hoảng sợ và nghi ngờ đang tồn tại hiện nay sẽ được cảm giác tín nhiệm thay thế.

    1. Thủ tướng hai nước thừa nhận ở các nơi tại châu Á và trên thế giới đang tồn tại chế độ xã hội và chế độ chính trị khác nhau. Tuy nhiên, nếu tiếp nhận các nguyên tắc nói trên rồi làm việc theo các nguyên tắc đó, bất kể nước nào đều không can thiệp vào nước khác, những khác biệt đó không nên trở thành chướng ngại của hòa bình hoặc tạo thành xung đột. Chủ quyền lãnh thổ và không xâm phạm lẫn nhau của mỗi một nước trong các nước có liên quan được bảo đảm thì các quốc gia này có thể chung sống hòa bình và hữu hảo với nhau. Điều đó sẽ có thể làm dịu cục diện căng thẳng hiện nay đang tồn tại trên thế giới đồng thời có ích cho việc tạo ra không khí hòa bình.

    2. Thủ tướng hai nước đặc biệt hy vọng, những nguyên tắc này thích dụng trong giải quyết vấn đề Đông Dương. Giải quyết chính trị Đông Dương nên lấy việc tạo ra tự do, dân chủ, thống nhất và độc lập cho các nước làm mục đích. Những nước này không nên bị lợi dụng vào mục đích xâm lược và cũng không nên chịu sự can thiệp của bên ngoài. Điều này sẽ làm tăng trưởng lòng tự tin của những nước đó, đồng thời dẫn đến quan hệ hữu hảo giữa các nước này với nhau và với các nước láng giềng khác. Tiếp nhận những nguyên tắc nói trên sẽ có lợi cho việc tạo ra một khu vực hòa bình. Nếu tình hình cho phép, khu vực đó có thể mở rộng, từ đó giảm nhỏ khả năng chiến tranh đồng thời tăng cường sự nghiệp hòa bình của thế giới.

    3. Thủ tướng hai nước biểu thị lòng tin vào tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Tình hữu nghị này sẽ có ích cho sự nghiệp hòa bình thế giới, đồng thời cũng có lợi cho sự phát triển hòa bình giữa nước họ với châu Á và các nước khác.

    4. Mục đích của các cuộc hội đàm này giúp cho sự hiểu biết vấn đề châu Á càng lớn hơn đồng thời thúc đẩy những cố gắng cho hòa bình và hợp tác, cùng phối hợp với các quốc gia khác trên thế giới cùng mục đích nhằm giải quyết những vấn đề này và vấn đề tương tự.

    5. Thủ tướng hai nước đồng ý, hai nước Trung, Ấn nên duy trì tiếp xúc chặt chẽ nhằm thuận tiện cho việc hai nước tiếp tục duy trì được sự hiểu biết đầy đủ. Họ rất phấn khởi có được cơ hội gặp gỡ và trao đổi ý kiến đầy đủ lần này, khiến hai nước có sự hiểu biết và hợp tác càng rõ rệt hơn trong sự nghiệp hòa bình.

New Delhi ngày 28 tháng 6 năm 1954.

7 giờ 15 sáng ngày 28 tháng 6 Chu Ân Lai rời New New Delhi đi Miến Điện. Nehru ra sân bay tiễn. Trước khi lên máy bay Chu Ân Lai nói, hội đàm của Thủ tướng hai nước Trung, Ấn được tiến hành trên tinh thần thông cảm và hợp tác lẫn nhau, vì thế đã thu được thành tích có thể khẳng định, hơn nữa còn có ích cho việc củng cố hòa bình châu Á và thế giới. Ông đặc biệt ca ngợi tác dụng tích cực to lớn mà Nehru phát huy trong đàm phán.

Thực ra trong hội đàm Thủ tướng hai nước cũng có không ít chỗ chưa đạt được nhất trí, chủ yếu là vấn đề biên giới Trung, Ấn. Chu Ân Lai chỉ ra, “đường MacMahon” không chỉ có trên biên giới Trung, Ấn mà biên giới Trung, Miến cũng có, đó là do bọn thực dân Anh tạo thành, họ dùng bút chì vẽ từ Hymalaya đi, giống như phân chia châu Phi. Chính phủ Trung Quốc không công nhận đường này. Thế nhưng trước mắt duy trì hiện trạng, cả hai bên đều không được vượt qua đường này.

Nehru có cách nhìn của mình, nhưng ông đồng ý sau này sẽ thương thảo thêm. Ông còn tiếp nhận lời mời của Chu Ân Lai sẽ tới thăm Trung Qúc lần nữa vào thời gian thích hợp. Vì thế tại sân bay khi có phóng viên hỏi Nehru liệu có dự tính đi thăm Trung Quốc nữa hay không? Nehru đã nói, tất nhiên ông hy vọng đi Trung Quốc. “Tôi sẽ bói một quẻ, chọn một ngày lành tháng tốt đi Trung Quốc.”

1 giờ 45 phút chiều hôm đó, Chu Ân Lai đến thủ đô Rangoon, Miến Điện. Thủ tướng Miến Điện, Unu và nhân sĩ các giới hơn 5.000 người ra sân bay hoan nghênh.

Sau đó Chu Ân Lai đến nghỉ tại Phủ thủ tướng. Giống như trong thời gian thăm Ấn Độ, Chu Ân Lai vừa tạm ổn là đã lên ô tô tới đặt vòng hoa viếng mộ Aung San, anh hùng dân tộc Miến Điện. Sau đó tới thăm thánh địa Phật giáo Miến Điện là Tháp vàng lớn.

Tại Rangoon, Chu Ân Lai và Unu tiến hành hai lần hội đàm, giới thiệu tình hình hội nghị Genève, rồi trao đổi ý kiến về quan hệ Trung, Miến. Trong hội đàm Chu Ân Lai phát hiện Unu tràn đầy nghi ngờ Trung Quốc mới, cử chỉ cẩn thận dè dặt.

Chu Ân Lai hiểu được điều đó, nên rất khiêm tốn thận trọng, dùng thái độ bình đẳng nói chuyện với Unu.

Trong hội đàm, Unu nói với Chu Ân Lai: “dân số Miến Điện chỉ bằng tỉnh Vân Nam Trung Quốc, không thể so sánh với toàn quốc Trung Quốc được. Chính phủ Miến Điện luôn luôn có sự nghi ngờ Trung Quốc, đặc biệt là trên vấn đề lãnh thổ lại càng như vậy. Hơn nữa mối lo trong ruột chúng tôi là ĐCS Miến Điện, ĐCS Trung Quốc giúp đỡ ĐCS Miến Điện, chúng tôi không có biện pháp. Tôi nói một số lời nào đó chỉ là để chôn vùi oán thán, để hữu hảo.”

Để xóa bỏ nỗi ngờ vực của Unu, trước tiên Chu Ân Lai cám ơn Miến Điện đã ủng hộ việc khôi phục chiếc ghế hợp pháp của Trung Quốc tại LHQ, ca ngợi Miến Điện từ chối viện trợ của Mỹ, phản đối Mỹ xây dựng căn cứ quân sự tại Miến Điện. Ông giới thiệu tình hình hội nghị Genève, lại cùng Unu trao đổi cách nhìn về quan hệ Trung, Miến. Nhằm thẳng vào sự ngờ vực của Unu, Chu Ân Lai nói: theo ý kiến của ĐCS Trung Quốc, không thể xuất khẩu cách mạng, xuất khẩu tất thất bại. ĐCS các nước phải dựa vào lực lượng của chính mình mới có thể thành công.

Trong cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng tiến hành ngày 29 tháng 6, Chu Ân Lai đề xuất, Trung Quốc vui lòng cùng Miến Điện ký một hiệp định, khiến hai nước chung sống hòa bình, tăng tiến quan hệ hữu hảo. Trước khi ký kết hai nước có thể phát biểu tuyên bố chung trước.

Nhằm thẳng vào vấn đề biên giới Trung, Miến và vấn đề quốc tịch của Hoa kiều, Chu Ân Lai nói với Unu đó đều là vấn đề do lịch sử để lại, những vấn đề chính phủ Quốc Dân đảng chưa thể giải quyết. Về vấn đề biên giới có thể lưu lại giải quyết sau. Hiện nay, Trung Quốc đang cùng Indonesia thương thảo giải quyết vấn đề hai quốc tịch của Hoa kiều. Sau khi bàn bạc thỏa đáng rồi, sẽ lấy qui định giống như thế để giải quyết vấn đề này với các nước khác bao gồm cả Miến Điện.

Chu Ân Lai bảo đảm, Trung Quốc thi hành chính sách mgoại giao hòa bình. Nguyên tắc lập quốc căn bản của chúng tôi là làm tốt nước mình, chúng tôi không hề có dã tâm lãnh thổ. Đồng thời chúng tôi hy vọng các nước xung quanh cường thịnh lên, và chung sống hòa bình với họ, bởi vì như vậy có lợi cho hòa bình châu Á và thế giới. Chúng tôi không muốn thấy láng giềng của chúng tôi để cho những kẻ can thiệp nước ngoài đến xây dựng căn cứ quân sự. Miến Điện, Ấn Độ, Indonesia đều không tán thành Mỹ tổ chức tập đoàn xâm lược ở Đông Nam Á, phản đối thiết lập căn cứ quân sự, điều này chứng minh chúng ta có cơ sở hợp tác hữu hảo. Sau khi đã trải qua nhiều năm tiếp xúc, tin rằng Miến Điện sẽ hiểu là, mặc dù Trung Quốc lớn, đông dân nhưng dễ dàng chung sống.

Sự chân thành của Chu Ân Lai đã làm Unu cảm động, ông đồng ý ý kiến của Chu Ân Lai, chủ động đề xuất đưa năm nguyên tắc vào trong tuyên bố chung Trung, Miến.

8 giờ 30 tối ngày 29 tháng 6, Chu Ân Lai kết thúc chuyến thăm Miến Điện đáp máy bay về nước. Tại sân bay ông đã phát biểu một tuyên bố ngắn, biểu thị cám ơn sự tiếp đãi thịnh tình của người lãnh đạo chính phủ Miến Điện, ông nói: “hội đàm Trung, Miến hai ngày qua là có thành tựu, tuên bố chung của thủ tướng hai nước Trung, Miến sắp công bố là thể hiện cụ thể của thành tựu đó.”

Ngày hôm sau, hai nước Trung, Miến đồng thời công bố “Tuyên bố chung của thủ tướng chính phủ hai nước Trung, Miến” hoàn toàn nhất trí với tinh thần tuyên bố chung của Thủ tướng hai nước Trung, Ấn. Toàn văn tuyên bố chung như sau:

Tuyên bố chung của thủ tướng chính phủ hai nước Trung, Miến

  1. Nhận lời mời của ngài Unu, thủ tướng Liên Bang Miến Điện, ngài Chu Ân Lai thủ tướng nước CHND Trung Hoa, trên đường từ Genève về Bắc Kinh đã tới thăm thủ đô Rangoon, Miến Điện hai ngày. Trong thời gian này thủ tướng hai nước đã có những cuộc thảo luận tự do và thẳng thắn về những việc mà hai nước cùng quan tâm.

  2. Thủ tướng hai nước nhấn mạnh lập trường của họ, họ sẽ nỗ lực xúc tiến hòa bình toàn thế giới đặc biệt là ở Đông Nam Á. Họ hy vọng vấn đề khôi phục hòa bình Đông Dương đang được thảo luận tại Genève sẽ được giải quyết hài lòng.

  3. Về các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ hai nước của hiệp nghị Trung Quốc và Ấn Độ, tức:

  1. Tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau,

  2. Không xâm phạm nhau,

  3. Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau,

  4. Bình đẳng cùng có lợi,

  5. Chung sống hòa bình.

Hai thủ tướng đồng ý những nguyên tắc này cũng nên là nguyên tắc chỉ đạo quan hệ giữa Trung Quốc và Miến Điện. Nếu như những nguyên tắc này được mọi quốc gia tuân thủ thì chung sống hòa bình giữa các nước không cùng chế độ xã hội sẽ được bảo đảm, còn sự đe dọa xâm lược và can thiệp vào công việc nội bộ và sự hoảng sợ đối với xâm lược và can thiệp vào công việc nội bộ, sẽ được thay thế bởi cảm giác an ninh và tin tưởng lẫn nhau.

  1. Hai Thủ tướng nhấn mạnh: nhân dân các nước đều nên có quyền lợi lựa chọn chế độ quốc gia và phương thức sinh hoạt của họ, không nên chịu sự can thiệp của các nước khác. Cách mạng là không thể xuất khẩu, đồng thời, ý chí chung mà nhân dân trong một nước thể hiện cũng không cho phép can thiệp từ bên ngoài.

  2. Thủ tướng hai nước đồng ý hai nước Trung, Miến duy trì tiếp xúc thân mật, để tiếp tục tăng cường hợp tác hữu hảo giữa hai nước. Cuộc hội đàm Trung, Miến lần này rất hữu hảo và thành ý. Thủ tướng hai nước rất phấn khởi có được cơ hội gặp gỡ lần này, họ cho rằng điều này có ích cho sự nghiệp hòa bình.

Rangoon ngày 29 tháng 6 năm 1954

Ý đồ chủ yếu của Chu Ân Lai thăm Ấn Độ và Miến Điện là xác lập năm nguyên tắc chung sống hòa bình, thành lập tại châu Á mặt trận thống nhất chống chủ nghĩa thực dân, đặc biệt là phản đối “Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á” sắp ra đời. Chu Ân Lai tin chắc khi năm nguyên tắc được các nước tiếp nhận phổ biến thì hòa bình sẽ được bảo đảm, phương đông của thế giới sẽ dập tắt ngọn lửa chiến tranh, mang kiếm đúc lưỡi cầy, đón sự phục hưng kinh tế quốc gia. Chu Ân Lai đã thực hiện được mục đích chủ yếu thăm Ấn Độ và Miến Điện. Bước tiếp là ông phải về nước gặp Hồ Chí Minh.

1

2 Lương Hạo Vận, Ghi chép về sự chìm nổi của gia tộc Nehru, Thời sự XBX, 1994.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss