Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 / CHƯƠNG 28 - Lãnh tụ đã quyết

CHƯƠNG 28 - Lãnh tụ đã quyết

- Tiền Giang - Bản dịch Dương Danh Dy — published 05/01/2009 17:13, cập nhật lần cuối 06/02/2009 09:14

 

Chương 28

Lãnh tụ đã quyết thì vũ trụ cũng chẳng là cái gì1

 

Trong khi Chu Ân Lai thăm Ấn Độ và Miến Điện thì những người đứng đầu hai nước Mỹ, Anh cũng đang bận rộn, hạ tuần tháng 6, bọn họ đã đạt được “Phương châm bảy điểm” về vấn đề Đông Dương tại Washington. Ở Bắc Kinh, Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ phê chuẩn báo cáo và quyết tâm tiếp tục tiến hành đàm phán của Chu Ân Lai. Tại Việt Nam, Hồ Chí Minh gửi cho Phạm Văn Đồng “chỉ thị 5/7” xác định rõ phương án thấp nhất trong đàm phán. Chu Ân Lai gió bụi dọc đường trở lại Genève, phát hiện sự việc vẫn còn tương đối phức tạp.

 
Ngày 23 tháng 6, sau khi trở về nước Anh, Eden đã chủ trì cuộc biện luận về chính sách ngoại giao tại Hạ nghị viện Anh, đồng thời báo cáo về tình hình nước Anh tham gia hội nghị Genève.

Eden nói: “Tôi thật không thoải mái mà báo cáo rằng, trong thảo luận về vấn đề Triều Tiên, chúng tôi đã không có sự tiến triển thực sự trong việc tìm kiếm biện pháp giải quyết. Chỉ có thể nói như thế này, so với trước đây, chúng tôi có thể trình bầy rõ ràng hơn những chỗ then chốt nhất trong bất đồng nguyên tắc giữa hai bên đối địch.”

Eden chỉ ra rằng: “chúng tôi không đạt thành hiệp nghị về vấn đề thống nhất Triều Tiên, nhưng kiến nghị tiếp tục tiến hành đàm phán thì vẫn còn hiệu lực.” Ông ta nhấn mạnh: “mục đích và quan điểm của chính phủ Anh vẫn là LHQ không thể trông đợi có thể giải quyết được vấn đề Triều Tiên trong tình hình không được Trung Quốc và hai bên Triều Tiên đồng ý.”

Eden giới thiệu ba Uỷ ban được thành lập do thảo luận vấn đề quân sự tại ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và nói rằng bọn họ phải đề xuất báo cáo trước ngày 10 tháng 7. Eden nói: “trước khi chúng tôi rời khỏi đó, giữa chúng tôi đã có sự thông cảm, sau khi nhận được báo cáo của đoàn đại biểu quân sự, chúng tôi sẽ lập tức tiến hành trao đổi ý kiến để quyết định chúng tôi sẽ quay lại Genève hoàn thành sứ mệnh, đối với bản thân tôi mà nói, nếu tôi có thể có cống hiến gì đó cho hòa bình, tôi sẽ quay lại.”

Eden đã có ý riêng khi nói tới quan hệ Anh, Trung: “một kết quả của hội nghị Genève là quan hệ Anh Trung được cải thiện, hơn nữa đã sản sinh được một số kết quả. Đó là điều mà mọi người đã nhìn thấy. Tôi rất phấn khởi vì có cơ hội gặp gỡ ngài Chu Ân Lai. Rõ ràng là những cuộc hội đàm của hai nước tại Genève là có giá trị. Đối với tôi thì những cuộc hội đàm đó đã chứng minh là có lợi cho nước ta, hơn nữa còn thực sự có lợi cho chung sống hòa bình, mà chung sống hòa bình vẫn là mục đích và tôn chỉ trong giao tiếp giữa chúng ta và mỗi nước.”

Cuối cùng Eden nói, hiện nay vẫn còn hy vọng đạt được hiệp nghị trên vấn đề Đông Dương, sự tồn tại của cơ hội này dựa vào những cuộc đàm phán nhẫn nại mà lâu dài, quyết định bởi nguyện vọng của nhân dân Đông Dương đối với hòa bình, “nếu có thể đạt thành hiệp nghị sẽ cung cấp một cơ sở cho nền an ninh Đông Nam Á, tác dụng của nó không chỉ giới hạn ở đó, mà còn là một sự củng cố to lớn cho hòa bình thế giới.”2

Trong thời gian biện luận tại Hạ viện, Attlee, lãnh tụ Công đảng - đảng phản đối, đã nói một cách hiếm thấy, Eden đã có những cố gắng vì việc hòa bình giải quyết vấn đề Đông Dương. Ông ta còn nói: “đặc điểm nổi bật nhất của hội nghị Genève là những người cầm quyền chân chính ở Trung Quốc lần đầu tiên tham gia hội nghị ở châu Âu, đến tận bây giờ mà vẫn không thừa nhận chính phủ hiện nay của Trung Quốc - một chính phủ của nhà nước công nhân, quả thật là một việc hoang đường.”3

Gác công việc ở Hạ viện bận mất một số thời gian lại, ngày 24 tháng 5, Churchill và Eden tới Washington. Eden cho rằng mục đích của chuyến đi này là “thuyết phục Mỹ cho Pháp một cơ hội, để mấy tuần lễ nữa đạt được một hiệp nghị hòa bình tại Genève. Trước khi đạt được việc này không được triệu tập bất kỳ hội nghị quốc gia chống đảng cộng sản tại tổ chức Đông Nam Á. Đồng thời tôi muốn một lần nữa bầy tỏ rõ với nước Mỹ, trước khi hội nghị Genève đạt được thành quả nào đó, chúng tôi quyết không tham gia “hành động liên hợp”4

8 giờ 30 phút ngày 23 tháng 6 (giờ Washington), Smith báo cáo tình hình hội nghị Genève với Eisenhower, Dulles và đoàn đại biểu hai đảng tại quốc hội. Ông ta nói, lập trường của Mỹ về vấn đề Đông Dương và vấn đề Triều Tiên nên có sự khác nhau. Ông ta nói, trước đây đã lâu, Dulles đã nói với Bidault, nếu như vấn đề Đông Dương được đưa vào chương trình của hội nghị Genève thì sẽ thúc đẩy xung đột quân sự ở đây bùng nổ dữ dội hơn, hai bên đều muốn tranh thủ ưu thế trong đàm phán. Bây giờ quả nhiên là như vậy, tình hình trên chiến trường Đông Dương là khẩn cấp. Mặt khác, nước Anh đang đóng vai diễn người tạo ra hòa bình ở hội nghị Genève.

Smith nói, trong thời gian hội nghị Genève, sĩ khí quân đội Bảo Đại Việt Nam xuống thấp và việc chính phủ Laniel Pháp bị đổ đã buộc nước Mỹ phải điều chỉnh lại lập trường của mình về Đông Dương. Lập trường ban đầu của Mỹ là, quân đội nhân dân Việt Nam phải rút quân khỏi Lào và Campuchia. Bởi vì đó là xâm luợc, cái mà họ tiến hành không phải là một cuộc nội chiến. Và cho dù cuối cùng hội nghị có đạt được biện pháp giải quyết nào đó, chúng ta đều hy vọng xây dựng được một Uỷ ban giám sát quốc tế công bằng có hiệu quả, và không thể tiến hành bầu cử nội bộ tại Việt Nam. Trên vấn đề sau, nước Anh đã đề xuất kiến nghị muốn các nước hội nghị Colombo tham gia Uỷ ban giám sát, nhưng bị Liên Xô phản đối.

Smith nói, mặc dù Mỹ luôn luôn kiên trì lập trường trên, nhưng rốt cuộc thì nước Mỹ không phải là người tham dự trực tiếp vào công việc của Đông Nam Á, quan

điểm của Mỹ không có ảnh hưởng có tính quyết định.

Smith chỉ ra, trên hội nghị Genève đã xuất hiện hai nhân tố quan trọng: một là chính phủ Pháp đã suy yếu, một là chính phủ Anh yêu cầu tránh khỏi một cách toàn diện những xung đột ở Viễn Đông, điều này đã làm mạnh thêm lập trường của các nước cộng sản. Trong tình hình đó, hai bên tại hội nghị Genève đang có khuynh hướng tiếp nhận kết cục sau:

Căn cứ nguyên trạng, tiến hành phân trị tại Việt Nam.

Phía cộng sản khống chế một nửa hoặc 1/3 Lào.

Bên trong Campuchia không thành lập vùng khống chế của cộng sản.

Thành lập cơ cấu giám sát quốc tế có hiệu quả.

Trong khoảng thời gian mà cộng sản có thể tiếp nhận, sẽ quyết định tương lai của vấn đề Đông Dương.

Smith cho rằng, xét tới sự thay đổi của tình hình, nước Mỹ có thể không cần phải phản đối việc xuất hiện kết quả trên, bởi vì trong tình hình đó mà đạt được bất kỳ hiệp nghị nào tại hội nghị Genève, “đều sẽ thiết lập được sự cân bằng mới giữa hai tập đoàn [khối] lớn Đông và Tây.”5

Cần phải nói là, kết luận của Smith rất có kiến giải, trực tiếp ảnh hưởng tới Eisenhower, trên thực tế cũng ảnh hưởng tới quyết tâm của Dulles.

Khi Churchill và Eden tới Washington, Dulles ra sân bay đón. Một đàm đông phóng viên, nhiếp ảnh vây lấy vị Bộ trưởng Ngoại giao ốm yếu này, bọn họ vui vẻ nói đùa với nhau, phải tận mắt nhìn thấy liệu có phải Dulles đã đi tới bước không còn muốn bắt tay Eden nữa hay không. Thực tế là tháí độ của Dulles so với khi ở Genève có mềm hơn một chút. Điều này không thể tách rời việc khi trở về Washington, Smith đã làm công tác.

Lúc này nước Mỹ đặc biệt cần sự hợp tác của Anh tại châu Âu trên vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia. Chính phủ Laniel đã đổ của Pháp đã từng là người ủng hộ đắc lực cho Tập đoàn tổ chức bảo vệ an ninh quốc gia châu Âu, còn Mendès-France thì lại dao động. Bây giờ thời gian phê chuẩn kế hoạch bảo vệ an ninh quốc gia châu Âu đang tới gần, không có kế hoạch này thì cũng không có kế hoạch vũ trang lại nước Đức. Trước khi Thủ tướng và Ngoại trưởng Anh tới, Eisenhower đã nói với Dulles: “Churchill không ủng hộ vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia châu Âu, nhưng ông ta không nói ra. Do vậy ông và tôi phải vô cùng thận trọng trong vấn đề này.” Nói một cách đơn giản, nước Mỹ phải có sự nhượng bộ nào đó trên vấn đề Đông Dương.

Quả nhiên, hai nước Anh, Mỹ đã có sự thỏa hiệp tại Washington. Sau khi thương thảo vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia châu Âu , những người lãnh đạo Anh, Mỹ đã thảo luận vấn đề Đông Dương. Giành được nhất trí ý kiến đối với mục tiêu thấp nhất: Lào và Campuchia độc lập, Việt Minh rút quân khỏi hai nước này, Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm đường giới tuyến, một chia làm hai, do Việt Minh khống chế miền Bắc. Do Hồ Chí Minh yêu cầu được cả Đông Dương, hơn nữa trước mắt ông ta là phía có ưu thế quân sự, nên nếu ông ta đồng ý chia đường giới tuyến như vậy, có thể coi là một sự nhượng bộ trọng đại của bọn họ, bởi vì trong trường hợp công khai nước Mỹ nói chung đều yêu cầu người Pháp tiếp tục đánh.6

Ngày 29 tháng 6, tại Washington Mỹ và Anh đạt được “phương châm bảy điểm” về vấn đề Đông Dương. Nội dung chủ yếu là:

Bảo đảm chủ quyền và độc lập cho Lào và Campuchia, Việt Nam rút toàn bộ quân đội ra khỏi hai quốc gia này.

Chí ít bảo đảm Việt Nam phải có một nửa lãnh thổ, nếu có khả năng thì bao gồm cả đồng bằng sông Hồng. Tận cùng phía nam của giới tuyến tạm thời không thể vượt quá Đồng Hới mà vị trí là ở bắc vĩ tuyến 17.

Không thể cưỡng bức Lào, Campuchia, Việt Nam giải tán chính quyền khống chế phi cộng sản của họ, phải làm cho họ giữ gìn được lực lượng tự vệ của mình, 3 nước không được nhập khẩu vũ khí, không được mời cố vấn nước ngoài.

Trong hiệp nghị chính trị có khả năng đạt được không thể có điều khoản dẫn tới sự thống trị của cộng sản.

Phải bảo đảm khả năng sau này Đông Dương hòa bình thống nhất.

Cung cấp giao thông thuận tiện, dưới sự giám sát quốc tế làm cho những dân cư quyết định di chuyển có thể đến được nơi họ muốn đến.

Thiết lập hệ thống giám sát có hiệu quả.

“Phương châm bảy điểm” của Anh, Mỹ đã tăng cường địa vị đàm phán của Pháp tại Genève.

Trưa ngày 6 tháng 7, Chu Ân Lai về đến Bắc Kinh. Ngay tối hôm đó đã tới chỗ Mao Trạch Đông báo cáo. Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình cũng đến, Cũng trong ngày, Chu Ân Lai gửi điện cho Trương Văn Thiên đã trở về Moskva, nhờ ông chuyển cho Lý Khắc Nông biết: Đại biện lâm thời Liên Xô tại Trung Quốc cho biết, Molotov “định ngày 7 bay đến Genève để gặp Mendès-France, đồng thời mong tôi sớm quay lại Genève, nhằm thúc đẩy đàm phán tiến triển. Được chỉ thị của Trung ương, tôi phải ở lại Bắc Kinh hai, ba ngày rồi mới trở lại, vì vậy mong đồng chí ngày 7 cùng đi với Molotov.” Theo ý kiến của Chu Ân Lai, Trương Văn Thiên đã đến Genève trước thời hạn.

Ngày hôm sau Bộ Chính trị Trung ương ĐCS Trung Quốc họp hội nghị mở rộng tại Bắc Kinh, nghe báo cáo của Chu Ân Lai về việc tham gia hội nghị Genève cũng như chuyến thăm Ấn Độ, Miến Điện và hội đàm giữa người lãnh đạo hai nước Trung, Việt.

Chu Ân Lai giới thiệu, tại hội nghị Genève, chúng ta áp dụng phương châm liên hiệp với Pháp, Anh, các nước Đông Nam Á, ba nước Đông Dương, tức đoàn kết với mọi lực lượng quốc tế có thể đoàn kết được, cô lập Mỹ, hạn chế và phá bỏ kế hoạch mở rộng bá quyền thế giới của Mỹ, trong đó vấn đề then chốt là thúc đẩy hòa bình ở Đông Dương. Căn cứ vào phương châm đã định đó, đoàn đại biểu Trung Quốc, Liên Xô và Việt Nam tại hội nghị đều muốn thực hiện ngừng bắn ở Đông Dương. Hai tháng nay hội nghị đạt được một số thành tựu, đã làm cho cục diện căng thẳng quốc tế hòa dịu được một bước, khiến kế hoạch mở rộng bá quyền thế giới của Mỹ bị cản trở. Theo xu thế hiện nay thì khả năng thực hiện ngừng bắn ở Đông Dương là lớn, là phải đạt được hiệp nghị.

Nghe xong báo cáo của Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông biểu thị tán thành. Ông nói, báo cáo của Chu Ân Lai rất tốt. Đồng ý phương châm ông trình bầy và phê chuẩn hoạt động hơn hai tháng qua. Phương châm của chúng ta tham gia hội nghị là chính xác, hoạt động là có thành tích, cần nhượng bộ thì nên nhượng bộ, cần kiên trì thì phải kiên trì, sẽ đạt được việc cô lập thiểu số (Mỹ) đoàn kết đa số. Từ nay trở đi sẽ tiếp tục phương châm này, nắm chặt vấn đề, dự đoán là có thể đạt được hiệp nghị.7

Mao Trạch Đông lại mở rộng câu chuyện, dùng kiến giải đặc biệt của mình trình bầy thế lớn trong thiên hạ. Ông nói, tình hình chung hiện nay là Mỹ tương đối cô lập. Sau khi vấn đề Đông Nam Á, Đông Dương được giải quyết, sự cô lập của Mỹ còn tiếp tục phát triển.

So với trước đây toàn bộ tình hình đã chuyển biến tốt. Làm dịu cục diện căng thẳng, không cùng chế độ vẫn có thể chung sống hòa bình, những nguyên tắc do các nước xã hội chủ nhĩa đề xuất này đã từng bước được một số nước phương Tây tiếp nhận. Chủ nghĩa tư bản thế giới rất không thống nhất, chia năm xẻ bảy. Mục đích chủ yếu của Mỹ hiện nay vẫn là chỉnh đốn giải đất trung gian từ Nhật đến Anh. Những nước ở đó bị chỉnh đến mức kêu oai oái.

Mao Trạch Đông đề xuất, phải lợi dụng thời cơ có lợi đó, mở rộng việc kết bạn, phải phát triển quan hệ với các nuớc không cùng loại hình. Công tác ngoại giao của chúng ta hiện nay không phải là đóng chặt cửa mà là phải lợi dụng tình hình có lợi hiện nay để “đi ra”. tiến hành công tác ngoại giao với nhiều nước, ví dụ với các nước đế quốc như Anh, Pháp, các nước thuộc địa như Ấn Độ, Miến Điện, thậm chí với các nước như Thái Lan.

Mao Trạch Đông nói, chế độ khác nhau vẫn có thể chung sống hòa bình, phải tách rời sự bất đồng về hệ thống tư tưởng và sự hợp tác về chính trị, bất đồng về hệ thống tư tưởng không nên cản trở tới sự hợp tác về chính trị giữa nước này với nước khác.8

Lưu Thiếu Kỳ là người tổng kết cuối cùng báo cáo của Chu Ân Lai, tỏ ý hài lòng về hoạt động ngoại giao của Chu Ân Lai tại Genève. Ông nói: “nên đưa ra quyết định, phê chuẩn công tác và phương châm từ nay trở đi của đoàn đại biểu tại Genève.”9

Theo thỏa thuận từ trước, ngày 8 tháng 7, Trevelyan, đại biện lâm thời của Anh tại Trung Quốc trình thư uỷ nhiệm của Eden lên Chu Ân Lai. Không lâu sau đó, ngày 2 tháng 9, chính phủ Trung Quốc bổ nhiệm Hoạn Hương làm đại biện lâm thời của Trung Quốc tại Anh. Từ đó hai nước Trung, Anh thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại biện.

Chiều ngày 8 tháng 7, Uỷ ban toàn quốc hội nghị Chính trị hiệp thương họp hội nghị mở rộng, những nhà lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Đặng Tiểu Bình và Lý Duy Hán, Đặng Dĩnh Siêu v.v.. đã tham dự hội nghị cùng với các nhân sĩ dân chủ tham gia hội nghị như Lý Tế Thâm, Thẩm Quân Nho, Quách Mạt Nhược, Trần Thúc Thông, Vương Côn Luân, Trương Lan, Chương Bá Quần, Hoàng Viêm Bồi, Cương Nãi Khí, Mã Tự Luân, Trương Hề Nhược v.v.. nghe Chu Ân Lai báo cáo về vấn đề hội nghị Genève và chuyến thăm hai nước Ấn Độ, Miến Điện.

Chu Ân Lai cho rằng hội nghị Genève đã xuất hiện cục diện có lợi. Ông nói: “bề ngoài Mỹ thể hiện rất dữ, nhưng đằng sau lại rất suy yếu. Ngày 22 tháng 6, (khi diễn thuyết tại quốc hội) Eden đã từng nói, vấn đề Triều Tiên chưa bị gạt bỏ trong chương trình. Mặc dù vấn đề Triều Tiên chưa đạt được bất kỳ hiệp nghị nào, nhưng đã thấy vấn đề rất rõ, khả năng đánh lại rất nhỏ.”

Chu Ân Lai báo cáo: “khôi phục hòa bình ở Đông Dương, là một khâu then chốt để làm dịu cục diện căng thẳng thế giới hiện nay.” Ngày mai quay trở lại Genève, ông sẽ tiến hành những cố gắng cuối cùng tranh thủ đạt được hiệp nghị hòa bình tại đây.

Chu Ân Lai chỉ ra một cách rõ ràng: “chúng ta phải tranh thủ làm dịu tình hình căng thẳng hơn nữa. Các nước không cùng chế độ có thể chung sống hòa bình, dùng biện pháp thi đua hòa bình để chứng minh tính ưu việt của chế độ dân chủ nhân dân làm cho thế giới cũ thay đổi, chúng ta không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, phương châm này là có khả năng. Vì vậy phải tạo dựng một mặt trận thống nhất quốc tế, phải liên hiệp với nước Pháp, liên hiệp với nước Anh, liên hiệp với các nước Đông Nam Á, liên hiệp các nước Đông Dương để cô lập Mỹ, chủ yếu là cô lập phái chủ chiến Mỹ.”10

Tư tưởng mà Chu Ân Lai trình bầy lúc đó hoàn toàn nhất trí với cách nghĩ mà ông thổ lộ với Trương Dực khi trao đổi ý kiến trên thảm cỏ của biệt thự Vạn Hoa tại Genève. Chuyến thăm Ấn Độ và Miến Điện là thực tiễn về hai mặt lý luận và thực tiễn của Chu Ân Lai đối với “năm nguyên tắc chung sống hòa bình”. Thực tiễn này sau khi trở về Bắc Kinh lại được lãnh tụ phê chuẩn, khiến lòng tin của ông càng lớn thêm.

Chu Ân Lai tạm nghỉ ba ngày ngắn ngủi tại Bắc Kinh, sau đó ngày 9 tháng 7 đã đáp máy bay đi Moskva, trở lại Genève.

Lúc này từ một phương diện khác, Hồ Chí Minh đã có sự ủng hộ đắc lực với Chu Ân Lai, ngày 6 tháng 7 [bản tiếng Trung: ngày 9] Hồ Chí Minh đã trả lời phóng viên [bản tiếng Trung không có: Việt Nam Thông tấn xã] về vấn đề Đông Dương11. Toàn văn như sau:

Hỏi: Thưa Chủ tịch, đối với sự tiến triển của hội nghị Genève về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và tiền đồ của hội nghị đó, Chủ tịch nhận xét như thế nào?

Trả lời: Hội nghị Genève thảo luận vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương tiến triển tuy chậm, nhưng với những vấn đề đã thỏa thuận, hội nghị cũng đã mở đường cho việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trên cơ sở đó nếu đối phương [bản tiếng Trung: các mặt có liên quan] cũng thành thật muốn đàm phán như chúng ta mà cũng cố gắng để lập lại hòa bình ở Đông Dương thì hòa bình Đông Dương có thể thực hiện. Theo đúng lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ tiếp tục đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của tổ quốc. Đồng thời chúng ta cũng phải có tinh thần cảnh giác rất cao đối với âm mưu của đế quốc Mỹ [bản tiếng Trung thêm: mở rộng chiến tranh] định cản trở hai bên đi đến hiệp định đình chiến và mưu mô lập khối liên minh quân sự có tính xâm lược, chia châu Á thành những tập đoàn đối lập để dễ xâm lược và khống chế Đông Dương cùng Đông Nam Á.

Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết ý nghĩa của những lời tuyên bố chung gần đây của Thủ tuớng hai nước Trung - Ấn và Thủ tướng hai nước Trung – Miến.

Trả lời: bản tuyên bố chung mà Thủ tướng hai nước Trung - Ấn và Thủ tướng hai nước Trung - Miến vừa phát biểu rất quan trọng. Hai bản tuyên bố chung đó phù hợp với nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới, nhất là nhân dân châu Á. năm nguyên tắc quan trọng đề ra trong bản tuyên bố chung của Thủ tướng hai nước Trung - Ấn và Thủ tướng hai nước Trung - Miến là: cùng tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và hai bên cùng có lợi, cùng chung sống hòa bình. Những nguyên tắc ấy [bản tiếng Trung bỏ: những nguyên tắc ấy] cũng thích hợp cho việc giải quyết vấn đề Đông Dương. Nhân dân Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh hai bản tuyên bố chung đó. Tôi tin rằng hai bản tuyên bố chung đó nhất định có lợi cho hòa bình châu Á và thế giới.

Hỏi: Ngày 17-6, (bản tiếng Trung: ngày 27-6) trong bài diễn văn nhận chức của Thủ tướng Pháp Mendès-France đọc trước quốc hội Pháp, khi nói đến vấn đề Đông Dương ông ta nói việc ngừng bắn ở Đông Dương phải thực hiện mau chóng. Ý kiến của Chủ tịch đối với những lời tuyên bố đó của ông Mendès-France như thế nào?

Trả lời: chúng ta hoan nghênh nguyện vọng của ông Mendès-France, nhưng phải bài trừ chính sách của đế quốc Mỹ ngăn cản và phá hoại hội nghị Genève, mới có thể thực hiện nhanh chóng ngừng bắn ở Đông Dương được.

Càng quan trọng hơn là, ngay trong ngày kết thúc hội nghị Liễu Châu, Hồ Chí Minh đã thân tự viết điện chỉ thị cho Phạm Văn Đồng. Chỉ thị nói, sau hội nghị Liễu Châu, Trung ương ĐLĐ Việt Nam đã hình thành một văn kiện về phương án đàm phán thấp nhất, đã gửi cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trước, nếu không có ý kiến sẽ chuyển cho đồng chí, đề nghị đoàn đại biểu Việt Nam căn cứ vào phương châm đã định của văn kiện này để tiến hành đàm phán. Đồng thời đề nghị các đồng chí chuyển văn kiện này cho Kuznetsov - đoàn đại biểu Liên Xô tại Genève. Nếu Phạm Văn Đồng có ý kiến sửa chữa hoặc bổ sung cá biệt đề nghị lần lượt báo cho Trung ương ĐCS Trung Quốc và Trung ương ĐLĐ [Việt Nam], Còn những việc cụ thể liên quan đến đàm phán như cân nhắc câu chữ, đề xuất thời gian trước sau, cũng như đề xuất vấn đề địa điểm v.v.. đều do ba đoàn đại biểu Việt, Trung, Xô thương lượng xử lý hợp tình hợp lý. Còn về tình hình cụ thể của hội nghị Liễu Châu, đề nghị Hoàng Văn Hoan và Chu Ân Lai trực tiếp nói cho biết.

Phương án đàm phán thấp nhất do Hồ Chí Minh phê chuẩn gửi cho Phạm văn Đồng ở Genève là văn kiện vô cùng quan trọng, trong đó then chốt nhất là vấn đề thuộc về ngừng bắn và vạch giới tuyến cũng như vấn đề liên quan đến Việt Nam tiến hành tổng tuyển cử. Yêu cầu của phương án đàm phán thấp nhất là trên vấn đề ngừng bắn phải đồng thời tuyên bố ngừng bắn trong ranh giới Việt Nam, ngừng bắn tại Lào, Campuchia, đồng thời có hiệu lực với cả lục, hải, không. Thời gian và phương thức ngừng bắn, do đại biểu quân sự hai bên thương tháo quyết định tại Đông Dương.

Trên vấn đề vạch giới tuyến quân sự, Phạm Văn Đồng đã từng kiên trì phương án chia giới tuyến quân sự từ vĩ tuyến 13 đến 14 bắc, bây giờ Hồ Chí Minh quyết định có thể có nhượng bộ, ông đề xuất lấy vĩ tuyến 14 hoặc 15 làm ranh giới. Nếu phía Pháp tối đa chỉ nhường đến vĩ tuyến 17 và do đó làm cho đàm phán bế tắc thì phía Việt Nam có thể nhường tới vĩ tuyến 15, tìm lý do để phản bác Pháp, ra sức đạt thành hiệp nghị tại vĩ tuyến 16. Nếu như ở vĩ tuyến 16 còn có khó khăn, phía Việt Nam có thể nhượng bộ từ ba mặt sau:

      1. Đà Nẵng có thể do phía Pháp bảo lưu thêm một thời gian, ví dụ một năm.

      2. Lào có thể lợi dụng đường số 9 để ra biển.

      3. Cố đô Huế có thể mở cửa cho hoàng tộc, để cho họ tảo mộ. Ngoài ra, còn vạch ra khu phi quân sự ở hai bên nam bắc giới tuyến này, nó cũng kéo dài đến biển như giới tuyến tạm thời.

Trên vấn đề chính trị liên quan đến tổng tuyển cử, phải yêu cầu Pháp công khai thừa nhận: Việt Nam giành được độc lập, chủ quyền lãnh thổ và thống nhất hoàn toàn. Trong sáu tháng đến một năm sau ngày ngừng bắn tiến hành tự do bầu cử trên toàn Việt Nam để khôi phục Việt Nam thống nhất. Ngoài ra mọi quân đội nước ngoài đều phải rút khỏi Việt Nam và phải hoàn thành trước bầu cử. Nhưng đối với quân đội Pháp tại số ít bến cảng có thể để cho bảo lưu thêm một thời gian.

Phương án đàm phán thấp nhất còn liên quan đến vấn đề Lào và Campuchia. Phương án đàm phán thấp nhất này hoàn toàn nhất trí với ý tưởng của Chu Ân Lai, và cũng được gọi là “chỉ thị 5/7”12

Ngày 9 tháng 7, Chu Ân Lai tới Moskva, lập tức hội kiến người lãnh đạo Liên Xô. Lúc này Khrushchev đang ở bên ngoài [Moskva]. Molotov đã trở lại Genève trước rồi. Malenkov, Voroshilov, Kaganovich hội kiến Chu Ân Lai, trao đổi tình hình quốc tế và cách nhìn về triển vọng hội nghị Genève. Hai bên nhất trí cho rằng, Mỹ đang lôi kéo phái chủ chiến của Pháp, thi hành sức ép với Mendès-France có ý cầu hòa. Vì vậy cần phải đưa ra những điều kiện rõ ràng, đơn giản, công bằng hợp lý mà chính phủ mới của Pháp có thể tiếp nhận, nhanh chóng đạt được hiệp nghị khôi phục hòa bình ở Đông Dương.

Ngay tối hôm đó, Chu Ân Lai gửi điện báo cáo Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ về tình hình hội đàm với phía Liên Xô, một lần nữa chỉ ra: “bây giờ xem xét từ tình hình các mặt thấy, lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến, cộng thêm điều kiện để cho phía Pháp tạm thời sử dụng Tourane [Đà Nẵng] và cho phép Lào ra vào trên đường 9, là về đại thể có thể đạt được hiệp nghị.”13

Trong thời gian Chu Ân Lai tham gia hội nghị Bộ Chính trị tại Bắc Kinh, thì ngày 8 tháng 7, Trương Văn Thiên trở lại Genève. Từ ngày 21 tháng 6 sau khi rời Genève về Moskva, ông đã duy trì tiếp xúc chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Liên Xô, tiếp tục điều hòa lập trường về vấn đề hiệp nghị Genève, đồng thời chỉ thị cho Phòng Nghiên cứu chính sách Đại sứ quán Trung Quốc tại Liên Xô, nghiên cứu những vấn đề hội nghị Genève gặp phải. Ngày 4 tháng 7, Phòng này đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu “Về cái gọi là kế hoạch Locarno [?] của Anh” do Hà Phương chấp bút. Báo cáo cho rằng: “nước Anh hy vọng cuộc chiến tranh ở đây (chỉ Đông Dương) được ngừng lại có điều kiện, thực hành phân trị tại Việt Nam, đồng thời vạch một giới tuyến, khiến lực lượng quân sự hai bên rút về sau giới tuyến; thực hiện trung lập ở Lào và Campuchia, tức là không cho có quân đội và chính quyền cách mạng ở đó, và cũng không có căn cứ quân sự của Mỹ và chịu sự khống chế của Mỹ ở đó.”14

Trương Văn Thiên tán thành những ý kiến của báo cáo này, đã gửi cho Chu Ân Lai tham khảo và duyệt.

Ngay trong ngày trở lại Genève, Trương Văn Thiên và Lý Khắc Nông đã mở tiệc chiêu đãi đoàn đại biểu Pháp do Chauvel đứng đầu. Trong bữa tiệc Chauvel bảo đảm với Trương và Lý, ông ta đã nhận được thông tin khẳng định từ phía Mỹ, trước mắt Mỹ không có dự định thiết lập căn cứ quân sự tại Lào và Campuchia. Chauvel nhiều lần hỏi, bao giờ Thủ tướng Chu Ân Lai có thể trở lại Genève.

Ngay tối hôm đó và buổi chiều ngày 10 tháng 7, Trương Văn Thiên và Lý Khắc Nông còn trước sau gặp Molotov, Kuznetsov và Phạm Văn Đồng hai lần để trao đổi ý kiến làm thế nào quán triệt được “chỉ thị 5/7” của Hồ Chí Minh. Phía Liên Xô hoàn toàn đồng ý với ý kiến của các nhà lãnh đạo Trung, Việt, nhưng điều làm họ kinh ngạc là Phạm Văn Đồng đã thể hiện tinh thần tương đối miễn cưỡng đối với “chỉ thị 5/7”. Trong cuộc gặp gỡ ngày hôm đó Phạm Văn Đồng còn nói: “vấn đề khó khăn nhất bây giờ là vạch giới tuyến quân sự. Tôi đề xuất lý do vĩ tuyến 14 hoặc 15, nếu vạch tại vĩ tuyến 16 thì phía chúng tôi có tổn thất.”

Ngày 10 tháng 7, Ngoại trưởng các nước tham gia hội nghị Genève lần lượt trở lại Genève, Đầu đề bàn luận chủ yếu của giai đoạn sau là: giới tuyến tạm thời của Việt Nam nên ở chỗ nào. Hai là liệu ba nước Đông Dương đều cần tiến hành toàn dân bầu cử hay không? Cử hành vào thời gian nào?

Sau khi dừng lại một thời gian ngắn tại Moskva, chiều ngày 12 tháng 7, Chu Ân Lai trở lại Genève, và gặp ngay Trương Văn Thiên, Lý Khắc Nông, nghe họ giới thiệu tình hình xẩy ra tại đây trong thời gian Ngoại trưởng các nước rời Genève.

1 Xin độc giả chú ý tới cách đặt đầu đề này. Người dịch.

2 Sir Anthony Eden, sđd, tr. 131.

3 Nhân dân nhật báo, 26/5/1954, tr. 4.

4 Sir Anthony Eden, Sđd.

5 Foreign Relation of the United States 1952-1954, Volume XIV, sđd, tr. 1223-1126.

6 Truyện Eisenhower, Khoa học Xã hội XBX, 1989, tr. 209-210.

7 Chu Ân Lai niên phổ: 1949-1976, sđd, tr. 395 và Kim Xung Cập, sđd, tr. 173-174.

8 Phong vân ngoại giao của Mao Trạch Đông, Trung nguyên Nông dân XBX, 1996, tr. 96-97.

9 Kim Xung Cập, sđd, tr. 174.

10 Bản ghi báo cáo của Chu Ân Lai ngày 8/7/1954, tại Hội nghị thường vụ, Hội nghị chính trị hiệp thương toàn quốc khoá 1, kỳ họp thứ 57.

11 Chúng tôi lấy theo toàn văn bài đăng trong “Hồ Chí Minh toàn tập” 1951-1954, tập 6, NXB Sự thật, 1986 và chú thích những đoạn bị cắt bỏ, hay thay thế trong bản tiếng Trung. ND.

12 Phỏng vấn La Quý Ba tại Bắc Kinh ngày 18/4/1990, và dẫn theo ghi chép của TG.

13 Chu Ân Lai niên phổ: 1949-1976, sđd, tr. 396.

14 Trương Văn Thiên Truyện, Đương đại XBX, 1993, tr. 611 và Phỏng vấn Hà Phương tại Bắc Kinh ngày 31/12/1995.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss