Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 / CHƯƠNG 30 - Đề nghị nước Pháp đi trước một bước

CHƯƠNG 30 - Đề nghị nước Pháp đi trước một bước

- Tiền Giang - Bản dịch Dương Danh Dy — published 05/01/2009 17:13, cập nhật lần cuối 06/02/2009 09:14

 

CHƯƠNG 30

Đề nghị nước Pháp đi trước một bước

 

Hoạch định giới tuyến tạm thời là khó khăn lớn nhất trong đàm phán Pháp, Việt. Lần thứ hai hội kiến Chu Ân Lai, Mendès-France hy vọng nhượng bộ về bầu cử để đổi lấy việc Việt Nam tiếp nhận vĩ tuyến 18. Chu Ân Lai tiếp tục hòa giải giữa Mendès-France và Eden, tỏ rõ cho họ biết, nếu nước Pháp tiến trước một bước, Chủ tịch Hồ Chí Minh Việt Nam sẽ vui lòng có những nhượng bộ lớn hơn. Chỉ có làm như vậy thì Dulles đã tới Paris mới không tìm được cớ phá hoại hòa bình Đông Dương

 

Từ sau cuộc gặp gỡ Chu Ân lai ngày 23 tháng 6 tại Bern, để làm cho hội nghị Genève đạt được hiệp nghị, Mendès-France trước sau đều cố gắng. Ông ta chỉ thị Chauvel lưu lại Genève, duy trì tiếp xúc chặt chẽ với Phạm Văn Đồng, dò cho rõ tủ của Việt Nam. Mặt khác ông ta tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của hai nước Mỹ, Anh. Trong thời gian thủ tướng và ngoại trưởng Anh tới Mỹ hội đàm, Mendès-France đã nhiều lần gửi điện cho Dulles hy vọng ông ta trở lại Genève.

Lúc đầu, Dulles ngang nhiên từ chối lời thỉnh cầu của Mendès-France. Nhưng Mendès-France khăng khăng kiên trì, gọi điện nói nếu ngài không thể đến Genève thì làm thế nào có thể đến Paris thương thảo được? Dưới sự kiên trì đề nghị, Dulles và tổng thống Eiseinhower phải tiến hành thảo luận 45 phút. Eisenhower cho rằng nước Mỹ vẫn có sức mạnh ảnh hưởng đến tiến trình hội nghị Paris, ông ta nghiêng về phía Dulles đi Paris gặp Mendès-France.

Trong thời gian hội nghị Genève nghỉ họp, thái độ Phạm Văn Đồng vẫn cứng rắn, nhiều lần nhấn mạnh lấy vĩ tuyến 13 nhiều nhất là 14 để chia giới tuyến, hội đàm Pháp, Việt lâm vào cục diện cứng nhắc.

Ngược lại Chauvel vẫn bình tĩnh như ban đầu và Mendès-France vẫn nén được cơn bực. Ngay 2 tháng 7, ông ta gửi thư cho Chauvel: “Chúng tôi có thể tượng tượng được những khó khăn ông gặp trong hội đàm, chúng tôi cảm thấy phấn khởi là mặc dù đàm phán phức tạp như vậy biến hóa vô định như vậy, nhưng ông vẫn tự mình giữ được bình tĩnh. Tôi cho rằng giống như ông đã làm được như vậy, chúng ta còn phải “kiên trì thêm chút nữa” chứ không thể để lộ sự lo lắng và không yên của chúng ta. Rõ ràng là đối thủ đàm phán của chúng ta đang dùng thời hạn ngày 20 tháng 7 để kiếm chuyện, bọn họ đã cho rằng chúng ta đã gấp đến mức không thể đợi được nữa. Đúng thế, chúng ta xác nhận là có lo lắng, thế nhưng chúng ta không thể tiếp nhận bất kỳ điều kiện nào của đối thủ, ví dụ như vĩ tuyến 13 bắc. Vì vậy tôi cũng không vì đối thủ chế tạo ra cục diện cứng nhắc mà hoảng sợ. Từ góc độ xấu nhất mà nói, có thể vào ngày 12 tháng 7 (thậm chí muộn hơn vài ngày), khi chúng ta họp lại sẽ nhặt đám dây thừng rối lung tung đó lên gỡ lại, không đến ngày 19 tháng 7 chúng ta sẽ đánh con chủ bài cuối cùng.

Ngày 8 tháng 7 Molotov trở lại Genève, hai hôm sau, Mendès-France đến gặp ông, thảo luận vấn đề thực chất” giới tuyến tạm thời sẽ vạch ở đâu? Mendès-France kiên trì chủ trương lấy vĩ tuyến 18 làm giới tuyến.

Molotov trả lời nam vĩ tuyến 18 có mấy tỉnh do Việt Minh khống chế.

Mendès-France tranh luận nói: “cần phải đạt được so sánh tương đối cân bằng về chính trị, ở đây tính quan trọng của nguyên trạng là thứ hai. Chúng ta phải tập trung lực lượng phân chia hai vùng tập kết lớn. Phải thông qua hoạch định đường giới tuyến để giảm bớt ma sát của hai bên, giới tuyến này càng ngắn càng tốt. Đoạn thích hợp nhất là vùng gần vĩ tuyến 18. Không được quên rằng chúng ta phải làm cho mọi đoàn đại biểu tham dự hội nghị đều có thể tiếp nhận hiệp nghị. Cần phải biết đại biểu chín phía làm sao có thể tiếp nhận được đường giới tuyến vượt qua vĩ tuyến 18 (xuống nam)

Sáng sớm ngày 11 tháng 7, dưới hàng cây trong biệt thự đoàn đại biểu Pháp ở, Mendès-France triệu tập các trợ thủ họp một cuộc họp nhỏ, xác nhận xem hiện nay nước Pháp đang ở vị thế nào. Chauvel báo cáo cuộc hội đàm hôm qua của ông ta với Phạm Văn Đồng.

Người Pháp cho rằng từ khi hội nghị Genève khai mạc đến nay rốt cuộc đã thu được không ít tiến triển, một là từ tháng 5, Việt Minh đồng ý tách rời vấn đề quân sự để đàm phán, thực hiện ngừng bắn trước, ngày 25 tháng 5 lại đồng ý phân trị Việt Nam, quân đội Việt Nam rút khỏi Lào, Campuchia. Bây giờ phương án cơ bản của phía Pháp là:

  1. Tận khả năng đẩy đường giới tuyến lên phía bắc.

  2. Tận khả năng đẩy lùi thời gian tổng tuyển cử, giành thời gian cho chính phủ Bảo Đại củng cố chính quyền.

  3. Tranh thủ tận khả năng nới rộng thời gian quân Pháp rút khỏi miền Bắc. Để nhấn mạnh quyết tâm của nước Pháp, hội nghị quyết định công khai trong nước việc trưng binh đi Đông Dương.

Nhưng làm thế nào bảo đảm Việt Nam rút quân khỏi Lào và Campuchia? Hội nghị cho rằng cuộc nói chuyện của Chu Ân Lai với Bidault ngày 17 tháng 6 và cuộc nói chuyện với Mendès-France ngày 23 tháng 6 là đã có bảo đảm.

Chỉ có vấn đề Lào tương đối phức tạp, ngày 9 tháng 7 đại biểu quân sự Việt Minh trong hội đàm đã đột ngột đề xuất cũng phải vạch đường giới tuyến quân sự nhằm bảo đảm an toàn cho Pathet Lào, còn đề xuất phải vạch một dải tập kết cho lực lượng vũ trang Campuchia chỉ có mấy trăm người.

Sau cuộc họp này Mendès-France hội kiến Phạm Văn Đồng. Vừa gặp Phạm Văn Đồng đã biểu thị phía Việt Nam có thể nhượng bộ, khiến Mendès-France phấn khởi đến mức tim đập rộn rã. Kết quả Phạm Văn Đồng nói, giới tuyến tạm thời có thể từ vĩ tuyến 13 lùi lên vĩ tuyến 14. Điều này khiến Mendès-France trong lòng vô cùng bực tức. May mà Chauvel mang lại một tin khiến ông ta có thể yên lòng: chiều ngày 9 ông ta gặp Lý Khắc Nông đoàn đại biểu Trung Quốc và Trương Văn Thiên vừa từ Moskva trở về. Trương Văn Thiên nói với ông ta, trong khoảng ba, bốn ngày Chu Ân Lai sẽ quay lại Genève. Trước đó Chu Ân Lai đã cùng Hồ Chí Minh cử hành một “hội nghị rất tốt” sẽ giúp cho giải quyết những vấn đề tồn tại giữa hai nước Việt, Pháp.

Nhưng trái tim Mendèss-France lại lập tức co bóp mạnh, đó là vì Dulong đại sứ Mỹ tại Pháp vừa chuyển cho ông một bức thư của Dulles. Dulles tuyên bố mình không thể đến Genève được.

Không ngờ vào ngay tối hôm đó, Dulong đã tìm gặp Mendès-France và nói với ông: “Dulles hy vọng gặp ông.”

“Có phải ông ta dự định tới Genève?” Mendès-France hỏi.

“Không, Dulles dự định tới Paris, ông ta không muốn đi Genève.”

“Vào hôm nào?”

“Có thể ngày mai ông ta tới Paris.” Câu nói đó của đại sứ Mỹ khiến Mendès-France nhìn thấy tia hy vọng.

Điều càng làm cho Mendès-France phấn khởi là sáng sớm ngày 13 tháng 7, Mendès-France nhận được lời mời hẹn gặp của Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Quốc, điều này thuyết minh sự tình rất có thế chuyển biến tốt. 10 giờ 30 sáng, Mendès-France cùng Chauvel, và phiên dịch viên đến Vạn Hoa gặp Chu Ân Lai.

Chu Ân Lai vừa kết thúc cuộc nói chuyện dài thâu đêm với Phạm Văn Đồng dường như không nghỉ ngơi, đã hội kiến Mendès-France. Trước tinh lực rồi rào của ông, các phiên dịch trong đoàn đại biểu khâm phục tới mức không biết nói thế nào.

Vừa gặp mặt Mendès-France đã nói, rất phấn khởi vì được gặp ngài lần nữa, cùng làm việc với nhau tại giai đoạn cuối cùng của hội nghị Genève không biết ngài thủ tướng có mang lại tin tức tốt lành gì cho chúng tôi không?

Chu Ân Lai nói: “Tôi phát hiện những người gặp tôi đều nhất trí hy vọng vào hòa bình.”

Chu Ân Lai nói, tôi đã gặp Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Miến Điện và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi hài lòng với những cuộc gặp gỡ đó. Cách suy nghĩ và mục tiêu của mọi người chúng ta là đồng thuận, tức khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Đúng như tôi đã nói với ngài tại Bern, chúng tôi hy vọng nhìn thấy hòa bình công bằng và hợp lý, hòa bình quang vinh của hai bên.

Ông nói, sau khi trở lại Genève đã trao đổi ý kiến với đại biểu của các đoàn.

Biết được những cố gắng của đoàn đại biểu Pháp, đặc biệt là những cố gắng của ngài thủ tướng, tất cả đều nhằm vào phương hướng đó. Chúng tôi cảm thấy đặc biệt phấn khởi trước những điều này. Điều này thuyết minh, trong 3 tuần lễ ở lại, ngài Chauvel và ngài Lý Khắc Nông đều đã tận lực làm việc, mặc dù tiến triển chậm, nhưng đã có tác dụng thúc đẩy hội nghị.

Chu Ân Lai nói thời gian của phía Pháp là có hạn, tôi vui lòng muốn biết ý kiến của ngài thủ tướng, để tiện hết lòng thúc đẩy việc thực hiện nguyện vọng chung khôi phục hòa bình.

Mendès-France nói, sau khi đến Genève tôi đã gặp đoàn trưởng các đoàn đại biểu, hiện nay mọi người đã có nhiều điểm chung, nhưng trên điểm chủ yếu, tức vấn đề vạch giới tuyến vẫn chưa được giải quyết. Tôi đã từng cùng ngài Phạm Văn Đồng có hai cuộc nói chuyện dài, thẳng thắn, tôi nói với ông ấy, nếu như có thể đạt thành hiệp nghị trên vấn đề này thì các vấn đề khác sẽ dễ dàng giải quyết.

Chu Ân Lai nói, hiện nay điểm chung tương đối nhiều, vấn đề có thể giải quyết được, vừa rồi ngài nói tới việc vạch giới tuyến ở Việt Nam, tôi nghĩ nếu hai bên lại cố gắng hơn nữa, nhượng bộ lẫn nhau thì hiệp nghị sẽ dễ đạt được. Nhìn bề ngoài, khoảng cách hai bên rất lớn, thực ra chỉ cần hai bên tiếp cận nhiều thêm, là có thể tìm được biện pháp trong khoảng cự ly đó. Không biết ngài Mendès-France có ý kiến cụ thể gì không, tôi vui lòng lắng nghe.

Mendès-France trả lời, nghĩ là ngài Chu Ân Lai đã biết ý kiến của phía chúng tôi, bây giời tôi vui lòng nói vắn tắt một chút. Đúng như ngài hy vọng, chúng tôi đã trực tiếp cùng Việt Minh tiến hành đàm phán. Hiện nay khoảng cách hai bên còn rất lớn. Tôi cho rằng biện pháp giải quyết không phải là đòi hai bên, mỗi bên lùi mấy km để trong đó tìm ra đường giới tuyến. Nếu Việt Minh có thể nhượng bộ về đường giới tuyến thì phía chúng tôi có thể nhượng bộ về mặt chính trị. Ví dụ như trong tương lai sẽ phát biểu một tuyên ngôn chính trị. Vì vậy chúng tôi cho rằng nhất định cả hai bên đều phải có một nhượng bộ như nhau, thì sẽ có thể có được một biện pháp giải quyết phù hợp với yêu cầu của hai phía.

Ban đầu Việt Minh đề xuất hứng thú chủ yếu của họ là ở miền bắc, đó là vùng rất quan trọng cả về chính trị, kinh tế, dân số. Chúng tôi vui lòng suy tính tới kiến nghị này, đồng thời hy vọng giành được đền bù hợp lý. Thế nhưng vạch đường giới tuyến về địa lý, lịch sử và lôgich đều nên tại An Nam môn [Quảng Bình Quan?] gần vĩ tuyến 18. Đường giới tuyến này phù hợp với tiêu chuẩn yêu cầu của ngài Phạm Văn Đồng hồi đầu tháng 5. Đương nhiên, ngài Phạm Văn Đồng yêu cầu hoạch định một đường giới tuyến lịch sử, truyền thống và ngắn. Vì thế chúng tôi cho rằng An Nam môn là một đường giới tuyến bình thường. Hơn nữa nước Pháp đang khống chế những thành thị quan trọng như Huế v.v.. ở miền nam An Nam môn.

Cố nhiên, tại Nam bộ, Việt Minh cũng khống chế một vùng đỏ, muốn họ vứt bỏ vùng đó, tất nhiên là khó khăn. Thế nhưng những hy sinh mà chúng tôi bỏ ra tại đồng bằng sông Hồng lớn hơn rất nhiều những lợi ích mà Việt Minh có thể vứt bỏ. Chúng tôi cho rằng yêu cầu vạch giới tuyến tại vĩ tuyến 18 là hợp lý, hy vọng ngài Phạm Văn Đồng có thể tiếp nhận. Yêu cầu của chúng tôi không phải là để mà cả, mà là để tránh mọi phiền phức phát sinh trong tương lai.

Chu Ân Lai nói, những giải thích mà ngài thủ tướng đưa ra, có một số tôi hiểu được. Thế nhưng cũng có một số tình hình khác hy vọng các ngài cũng có thể hiểu cho, đúng là nước Việt Nam DCCH có quan hệ mật thiết với nhân dân đương địa tại miền trung và miền nam Việt Nam, phải rút khỏi những vùng đó cần phải có lực lượng rất lớn đi giải thích. Mặc dù loại rút lui đó là tạm thời nhưng cũng cần thời gian. Xét về diện tích mà nói, vùng mà họ phải rút có diện tích rất lớn, hy vọng các ngài hiểu được tình hình đó và những khó khăn Việt Nam phải đối mặt. Việc phải giải quyết bây giờ là vấn đề ngừng bắn, ngài thủ tướng vừa rồi nói, về chính trị phải chú ý tới lợi ích nhân dân, thế là tốt. Chúng tôi hy vọng nhìn thấy nước Pháp duy trì được địa vị tại Đông Dương, đồng thời trên cơ sở mới, thiết lập được quan hệ hữu hảo bình đẳng với Việt Nam. Tôi đều nói điểm này với thủ tướng Ấn Độ, Miến Điện và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tuyên bố chung Trung Ấn, Trung Miến đều đã đề cập tới. Nghĩ là ngài thủ tướng đã hiểu được ý nghĩa chân chính của hai tuyên bố đó.

Chu Ân Lai nói, hiện nay mọi người lâm vào cục diện bế tắc trong vấn đề vạch giới tuyến là không tốt. Hai bên đều nên tiến lên. Một phía đi nhiều thêm một bước, một phía đi ít hơn một bước là vấn đề có thể giải quyết. Nếu như hoàn toàn không tiến lên, đều không có lợi cho cả hai nước Việt, Pháp.

Chu Ân Lai nhấn mạnh thêm khẩu khí: tại miền bắc Việt Nam, Pháp có vùng khống chế, phía Việt Nam cũng có vùng khống chế tại miền trung và miền nam, khi hai bên rút khỏi các vùng đó, phía Việt Nam cần chiếu cố đến những khó khăn của Pháp trên vấn đề rút lui. Nếu như nước Pháp tiến lên một bước, tôi biết đoàn đại biểu Việt Nam DCCH, Hồ Chủ tịch cũng sẽ vui lòng đi một bước lớn hơn để đón sự nhượng bộ của nước Pháp.

Đây là một sự ra hiệu ngầm quan trọng, Chu Ân Lai thể hiện vô cùng khéo léo. Rõ ràng là Mendès-Frace hiểu được. Ông nói tiếp, cách nhìn của ngài thủ tướng và chúng tôi hoàn toàn như nhau.Tôi rất hiểu vứt bỏ vùng nhiều năm trung thành với Việt Minh là khó khăn về chính trị. Tôi đã nói với ngài Phạm Văn Đồng nếu như khó khăn chỉ là ở điểm này thì chúng ta có thể thay đổi cách nhìn vốn có, tức là tại miền nam Việt Nam vạch ra một vùng do Việt Nam khống chế, tất nhiên tại miền bắc Việt Nam chúng tôi cũng được yêu cầu như vậy.

Khi nói tới đó Mendès-France lấy ra một bản đồ, đặt trước mặt Chu Ân Lai, làm điệu bộ nói: “không có đường giới tuyến nào thích hợp hơn vĩ tuyến 18, xin nhìn tấm bản đồ này. Nhất định ngài sẽ nói với tôi, Việt Minh chiếm nhiều nơi giữa vĩ tuyến 13 đến vĩ tuyến 16, thế nhưng giữa vĩ tuyến 16 và 18 chúng tôi cũng có vùng chiếm lĩnh. Vì vậy nếu lấy vĩ tuyến 16 làm đường phân giới đúng là đã điên đảo vị trí, sẽ có nhiều việc nói không rõ được.”

Mendès-France còn nói, ngài Chu Ân Lai nói, diện tích Việt Minh rút khỏi tương đối lớn, tôi nghĩ không thể lấy diện tích ra để so sánh. Trên thực tế những thành phố như Hà Nội v.v. tính quan trọng về dân số, và về chính trị và kinh tế đều lớn hơn những vùng mà Việt Minh rút khỏi. Lấy dân số ra mà nói, dân số (vùng) mà chúng tôi phải rút khỏi là 30 vạn, còn Việt Minh chỉ phải rút khỏi (vùng) có ba vạn người.

Một lần nữa Mendès-France nhấn mạnh, vĩ tuyến 18 là thích hợp nhất.

Chu Ân Lai nói, tôi muốn thuyết minh một chút, điều tôi nói không phải là hai bên phải có nhượng bộ như nhau, mà là hy vọng nước Pháp tiến lên, như thế, Việt Minh sẽ có nhượng bộ càng nhiều hơn.

Một lần nữa ông nhấn mạnh, Việt Nam có khả năng nhượng bộ.

Mendès-France ý thức được nên kết thúc cuộc nói chuyện. Ông ta nói, cám ơn những lời nói của ngài thủ tướng. Bây giờ bàn thêm hai điểm ý kiến: chiều nay tôi sẽ về Paris, ngài Eden cũng cùng đi, chúng tôi sẽ gặp ngài Dulles. Đến nay chúng tôi còn chưa biết, cuối cùng chính phủ Mỹ quyết định như thế nào. Thế nhưng để cho hòa bình dược củng cố, chúng tôi cho rằng hiệp nghị của hội nghị phải được sự bảo đảm của các nước tham dự hội nghị. Ngày hôm qua ngài Phạm Văn Đồng nói, nếu như tôi ở vào địa vị của ông ta, tôi sẽ bớt yêu cầu hai vĩ tuyến mà có sự bảo đảm của Mỹ, không muốn nhiều hai vĩ tuyến mà không có bảo đảm của Mỹ. Lợi ích chung của chúng ta là thu được sự đồng ý tối đa của đa số các nước.

Mendès-France cũng nói rất khéo léo, ông ta nói “các nước tham dự hội nghị” trên thực tế là chỉ không biết liệu Mỹ có đồng ý nước Pháp nhượng bộ hay không, và điều này là một thanh kiếm hai lưỡi trong tay Mendès-France.

Mendès-France tiếp tục nói, tôi về Paris thời gian không lâu, hy vọng hội nghị Genève có thể tiếp tục thảo luận. Hiện giờ tôi đã soạn xong một tuyên bố chính trị, ngài Phạm Văn Đồng đã nghiên cứu qua, hơn nữa đã đề xuất ý kiến. Chúng tôi dựa vào ý kiến của ông ta đã có một số sửa chữa. Văn kiện này có thể hoàn thành vào tối hôm nay, chúng tôi sẽ gửi ngài Chu Ân Lai một bản, hy vọng sẽ nghiên cứu sớm.

Chu Ân Lai chỉ ra, nước Mỹ đang phá hoại hội nghị, ngoại trưởng các nước đều trở lại Genève chỉ có Dulles chưa tới, chúng tôi không hài lòng về thái độ đó. Dulles hiện nay đã tới Paris, nếu không tới Genève, chúng tôi sẽ cảm thấy kỳ quặc. Mỹ là nước không tuân thủ hiệp nghị nhất trên thế giới.

Mendès-France nói, tôi không hoàn toàn đồng ý điểm này, có khả năng chúng ta có cách nhìn khác nhau, thế nhưng cố gắng của chúng ta là phải làm cho cách nhìn của mọi người có thể tiếp cận.

Cuối cùng Chu Ân Lai nói, tôi đồng ý điểm ngài nói cuối cùng. Thực ra những điểm chúng tôi nói cũng là ý kiến của báo chí Pháp và Mỹ.

Cuộc nói chuyện của Thủ tướng hai nước Trung, Pháp tiến hành trong hơn một giờ. Ngày hôm sau, Chu Ân Lai gửi điện cho Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ và Trung ương ĐCS Trung Quốc báo cáo nội dung gặp Mendès-France. Chu Ân Lai viết:

Men [dès-France] nhấn mạnh đường giới tuyến 18 là đều có đạo lý về địa lý, lịch sử và lô gich, cho rằng những nhượng bộ của Pháp tại đồng bằng sông Hồng lớn hơn nhiều lợi ích mà Việt Minh có khả năng vứt bỏ, vùng Pháp rút quân đều rất quan trọng về kinh tế, chính trị, dân số. Bàn về dân số, Pháp phải rút 30 vạn người, mà Việt Minh chỉ phải rút ba vạn. Yêu cầu của Pháp là phải tránh mọi sự kiện phát sinh trong tương lai, đồng thời có thể phù hợp với nguyện vọng của chín nước dự hội nghị, không muốn nhiều thêm hai vĩ độ mà không có sự bảo đảm của Mỹ. Về vấn đề liệu Pháp có còn có thể nhượng bộ hay không, Men biểu thị nếu Việt Minh có thể nhượng bộ về đường giới tuyến thì phía Pháp có thể nhượng bộ về mặt chính trị, như công bố tuyên bố chính trị. Tôi, ngoài việc biểu thị phấn khởi trước những nỗ lực của đoàn đại biểu Pháp, đặc biệt là của Mendès-France ra, đã nhấn mạnh hai bên nên nỗ lực thêm nữa, nhượng bộ lẫn nhau để đạt được hiệp nghị. Tôi nói, nước Việt Nam DCCH với nhân dân đương địa [miền] trung Việt [Nam] và [miền] nam Việt [Nam] có quan hệ chặt chẽ muốn rút khỏi các vùng này cần lực lượng rất lớn, tiến hành giải thích cần thời gian, diện tích rút quân rất lớn, phía Pháp nên hiểu tình hình này và những khó khăn của phía Việt Nam. Tôi còn nói với Men, chúng tôi hy vọng nhìn thấy địa vị của nước Pháp tại Đông Dương được duy trì. Tôi đã từng hai lần biểu thị, nếu như nước Pháp khẳng định tiến lên một bước thì Việt Nam sẽ vui lòng đi một bước lớn hơn để nghênh đón nhượng bộ của Pháp, hy vọng ông ta suy nghĩ thêm. Trước việc đại biểu Mỹ đến Paris mà không đến Genève và ý đồ phá hoại hội nghị của họ, tôi biểu thị không thể hài lòng, đồng thời chỉ ra người Mỹ không tuân thủ hiệp nghị, mà ngược lại lại nói người khác không tuân thủ hiệp nghị, thực ra trên thế giới này không tuân thủ hiệp định nhất, là người Mỹ.

Thủ tướng Pháp vừa về được một lúc thì 11 giờ 45 phút, Eden đã đến chào, ông ta nói thẳng vào vấn đề, trước khi đi Paris tôi đến thăm ngài, chủ yếu là muốn biết sau khi nói chuyện với phía Pháp, ngài cảm thấy tình hình như thế nào?

Chu Ân Lai nói, sau khi nói chuyện xong, cảm thất trên nhiều vấn đề có những điểm chung, ý kiến cũng tương đối tiếp cận, hiện cần giải quyết là vạch giới tuyến tại Việt Nam. “nước Pháp cần từ vĩ tuyến 18 tiến về nam một chút. Theo tôi được biết, phía Việt Nam sẽ vui lòng có nhượng bộ nhiều hơn để đón tiếp sự di động của người Pháp.” Chu Ân Lai cũng mang câu nói quan trọng đó báo cho Eden: “theo tôi biết ngài Phạm Văn Đồng và ngài Mendès-France hôm nay sẽ gặp nhau, tôi hy vọng ý kiến của bọn họ tiếp cận.”

Eden biểu thị cám ơn mấy hôm trước Chu Ân Lai đã gửi thư miệng qua Dweling. Ông ta nhớ lại nói, trong thư miệng, ngài nói đã từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn nữa còn nói chuyện rất hay. Về những cuộc nói chuyện hứng thú như vậy, liệu có thể nói cho tôi một chút không?

Chu Ân Lai nói sau cuộc nói chuyện với ngài ngày 16 tháng trước, ngày 23 khi hội kiến ngài Mendès-France tôi cũng nói rất nhiều. Sau đó tôi tới Ấn Độ, Miến Điện lại cùng thủ tướng hai nước này hội đàm. Về những vấn đề mà các cuộc hội đàm bàn tới tôi đều bàn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuối cùng chúng tôi đã có được ý kiến nhất trí. Tôi tin là khi nghe những điểm này ngài Eden cũng rất phấn khởi. Lần này trở lại giải quyết vấn đề Đông Dương, đối với phía Trung, Xô, Việt mà nói, đối với nước Pháp mà nói, bao gồm cả đối với chính phủ Nữ hoàng Anh mà nói, là sẽ tìm được biện pháp giải quyết chung.

Rõ ràng là lời nói của Chu Ân Lai hiển thị lòng tin.

Eden nói, ngài thủ tướng đi Ấn Độ, ngài Nehru đã gửi điện nói với tôi. Tôi tin là hội đàm của các vị có chỗ có ích. Mỗi người đều hy vọng đạt được hiệp nghị, tôi nói câu này cũng bao gồm cả Washington vào trong đó. Tôi rất hy vọng sự sắp xếp mà chúng ta đạt đưọc không chỉ được sự ủng hộ của các nước tham dự hội nghị chúng ta, mà hơn nữa cũng có thể làm cho các nước hội nghị Colombo dùng biện pháp nào đó làm cho loại sắp xếp đó phát sinh quan hệ.

Chu Ân Lai nói, chuyến đi Ấn Độ, Miến Điện lần này cũng đã mang hết một số cố gắng về mặt đó. Tôi đặc biệt cám ơn hai vị Thủ tướng Nehru nà Unu đã nhiệt tình ủng hộ. Đáng tiếc là thời gian quá ngắn, tôi không thể đi Indonesia.

Eden dùng một câu có hai nghĩa nói, ngài quả là một nhà lữ hành không biết mệt, rồi chuyển đầu đề câu chuyện, theo tôi được biết, Việt Minh đã đề xuất một bản đồ, yêu cầu một mảng lãnh thổ lớn của Lào.

Chu Ân lại nói, về vấn đề Campuchia sau khi tiếp xúc thêm, tôi tin là sẽ được giải quyết. Về vấn đề Lào, tôi đã từng bàn với ngài và ngài Mendès-France, tin là cũng sẽ được giải quyết. Còn về vấn đề đoàn đại biểu quân sự trong hội đàm nhiều thêm một điểm và ít đi một điểm, là có khả năng phát sinh, mà cho dù có như vậy cũng không phải là không thể thương lượng. Nehru và Unu đều hy vọng thấy Lào trở thành quốc gia kiểu Đông Nam Á.

Eden nhấn mạnh lãnh thổ của bất kỳ nước nào trong hai nước Lào và Campuchia đều không thể đào đi một mảng.

Chu Ân Lai trả lời vùng tập kết của Lào là tạm thời, sau khi trải qua bầu cử phải thống nhất. Hiện nay thời gian rất gấp, mọi người đều phải nỗ lực, không thể để cho bất kỳ người nào tiến vào ngăn cản.

Câu nói sau của Chu Ân Lai là chỉ vào Mỹ mà nói.

Eden hiểu rõ. Lời nói của ông ta ngầm chứa cơ mưu: “chúng tôi đều hy vọng ngài Mendès-France thu được thành công. Giả sử ông ấy thất bại thì đều không có lợi cho chúng ta. Sự việc này quan hệ lợi hại rất lớn.”

Chu Ân Lai nói: “Thế nhưng cũng có người hy vọng thất bại.”

Eden trả lời: “Tôi hiểu được ý của ngài. Thế nhưng cách nhìn của tôi không hoàn toàn như vậy.”

Chu Ân Lai dấn thêm: “trước đây ngài Eden đã ở Washington, chắc biết nhiều hơn.”

Eden dịu giọng lại, nói: “Tôi phát hiện hai bên nghi ngờ lẫn nhau rất lớn. Nước Mỹ cho rằng Trung Quốc có dã tâm ở Đông Nam Á, không chỉ là nói hiện nay mà là xem xét về lâu dài. Chúng tôi phát hiện các ngài cho rằng Mỹ có dã tâm ở Đông Nam Á, nói Mỹ muốn xây dựng căn cứ quân sự ở Đông Nam Á v.v.. Nếu như giữa những nghi ngờ đó giành được một hiệp nghị thì tốt.”

Chu Ân Lai nói, chúng tôi và Ấn Độ, Miến Điện công bố tuyên bố chung, chúng tôi cũng vui lòng cùng bất kỳ một nước Đông Nam Á công bố một tuyên bố như vậy, đồng thời chịu sự ràng buộc của tuyên bố đó. Điều này không chỉ bảo đảm cho hiện tại mà là tương lai chúng tôi cũng không có dã tâm. Thế nhưng Mỹ vẫn chưa từ bỏ làm căn cứ quân sự và đồng minh quân sự tại Đông Nam Á. Vì vậy nước Anh nên đưa ra một đánh giá công chính.

Eden lại dịu giọng nói: đúng như tôi vừa nói, hai bên đều nghi mgờ lẫn nhau. Các bạn Mỹ nói chúng tôi bị lừa, thế nhưng chúng tôi vẫn vui lòng mạo hiểm thử một chút

Chu Ân Lai ứng tiếng trả lời: thời gian có thể làm chứng. Ngày 22 tháng trước ngài Eden báo cáo tại Hạ nghị viện Anh và tuyên bố của ngài Churchill tại Washington đều nói tới các nước chung sống hòa bình, chúng tôi biểu thị hoan nghênh, điều này có lợi cho việc làm dịu tình hình căng thẳng quốc tế.

Eden nói, sau khi tôi rời Washington, Tổng thống Mỹ cũng dùng con chữ “chung sống hòa bình”.

Chu Ân Lai nói, có thể thấy ngài Churchill đã có một số ảnh hưởng đến ông ta

Sau khi cuộc gặp gỡ giữa Mendès-France và Chu Ân Lai kết thúc, Phạm Văn Đồng đã tới gặp. Trước tiên1, Phạm Văn Đồng nói với Mendès-France, ông có sự việc quan trọng muốn nói với người lãnh đạo nước Pháp. Ông lấy ra một tấm bản đồ, chỉ vào đó nói, Việt Nam vui lòng lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến tạm thời. Ông nhấn mạnh, đây là một nhượng bộ lớn của Việt Nam, chỉ trong bốn ngày đã lùi về phía sau 200 dặm Anh! Việt Nam không thể nhượng bộ nữa.

Mendès_France không thể thư giãn trong lòng, nhưng không để lộ thanh sắc nói, đối với giới tuyến này, nước Pháp vẫn không thể tiếp nhận. Bởi vì nếu điều đó xẩy ra thì cố đô Huế và cảng Đà Nẵng quan trọng đều rơi vào tay Việt Minh, hai thành phố này là vô cùng quan trọng đối với chính phủ NamViệt. Nếu như lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến, Việt Minh còn khống chế đường quốc lộ số 9, con đường quốc lộ duy nhất để Lào ra biển, chính phủ Pháp làm thế nào giao đãi được với chính phủ vương quốc Lào?

Phạm Văn Đồng nói, chúng tôi có thể cho phép Lào sử dụng con đường đó.

Mendès-France trả lời, từ kinh nghiệm của Berlin thấy, nước Pháp không thể có lòng tin đối với điều này. Thế nhưng hai bên còn có thể thương lượng.

Căn cứ vào thông báo sau đó của Phạm Văn Đồng, ngày 14 tháng 7 Chu Ân Lai báo cáo với Mao Trạch Đông: “sau khi Men [dess-France] gặp tôi, thì đồng chí Phạm Văn Đồng đến gặp Men, Men cố ý biểu thị không thể nhượng vĩ tuyến 18 nữa, nhưng ba lần hỏi Phạm, phía Việt còn có kiến nghị gì về việc chia giới tuyến. Cuối cùng Phạm đề xuất với Men vĩ tuyến 16. Men chỉ ngay vĩ tuyến 16 có khó khăn, vấn đề Đà Nẵng, Huế và quốc lộ 9, nhưng chưa đưa vào thảo luận cụ thể.”

“Trên thực tế nước Pháp muốn đạt được hiệp nghị ở giữa vĩ tuyến 18 và 16”, “trong ba ngày sau khi đến Genève, Mendès-France bận rộn vì phải chia ra mà tiếp khách, xem ra ông ta muốn đạt được hiệp nghị trước ngày 20 tháng 7, phía Pháp đã giao ba văn kiện do họ dự thảo cho phía chúng ta. “Câu nói cuối cùng của Chu Ân Lai là chỉ vào lúc 7 giờ tối ngày 13 tháng 7, Chauvel đại biểu Pháp khi hội kiến Chu Ân Lai đã giao một văn kiện không chính thức do phía Pháp khởi thảo về một số vấn đề nguyên tắc thuộc hiệp định đình chiến và sau đình chiến.

Từ sau khi trở lại Genève, Chu Ân Lai đã làm việc liên tục hơn 30 giờ hầu như không có chút nghỉ ngơi. Sau khi tiễn Eden, Chu Ân Lai đơn giản ăn bữa cơm trưa, sau 10 phút, lại phấn chấn tinh thần hội kiến Menon vừa trở lại Genève.

1

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss