Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 / CHƯƠNG 34 - Đồng hồ cung Vạn Quốc ngừng chạy

CHƯƠNG 34 - Đồng hồ cung Vạn Quốc ngừng chạy

- Tiền Giang - Bản dịch Dương Danh Dy — published 05/01/2009 17:13, cập nhật lần cuối 06/02/2009 09:14

 

CHƯƠNG 34

Đồng hồ cung Vạn Quốc ngừng chạy

 

Bên hồ Leman, liễu ám hoa minh, “vạch giới tuyến tạm thời” Việt Nam cuối cùng đã định trong trần ai. Ai ngờ sóng gió lại nổi lên, mà nguyên nhân lại là đại biểu Campuchia, Lào vốn không được đặc biệt chú trọng từ trước. Những cố gắng của Chu Ân Lai cho đến giây phút cuối cùng. Đêm khuya, nhưng ông không thể ngồi yên tại Vạn Hoa, thế là đến nơi ở của đoàn đại biểu Liên Xô để nghe tiếp tin tức từ cung Vạn Quốc. Đúng vào lúc trước khi “thời hạn cuối cùng” đến, đồng hồ chỉ giờ tại phòng lớn ký kết của cung Vạn Quốc ngừng chạy, mọi con mắt thiện lương đều tràn đầy hy vọng: hội nghị Genève có thể đạt được hòa bình trong mong đợi của mọi người. Khi ánh sáng ban mai tới, cuối cùng Chu Ân Lai đã yên tâm.

 
Mấy ngày liền trên vấn đề “vạch giới tuyến” tại Việt Nam, ngoài việc hai bên Pháp, Việt trực tiếp hội đàm ra, còn thông qua Trung Quốc, Anh truyền đạt tin tức, đã làm cho vấn đề tế nhị cảm thấy càng phức tạp, lẫn lộn khó phân biệt. Sau khi Mendès-France từ Paris trở lại Genève ngày 15 tháng 7, hướng đi của “đường giới tuyến” xuất hiện trên bản đồ là, đường giới tuyến do Pháp vạch dần dần chuyển về nam, còn Việt Nam thì đưa đường đó dần dần ra bắc, hai đường giới tuyến càng ngày càng tiếp cận, nhưng vẫn chưa hòa nhập làm một.

5 giờ 45 ngày 19 tháng 7, Trương Văn Thiên đến nơi ở của đoàn đại biểu Anh, hội kiến đại biểu ngoại giao Caccia, truyền đạt nhượng bộ cuối cùng về “đường giới tuyến” của miền bắc Việt Nam: “đường giới tuyến có thể thông qua phía bắc đường số 9 khoảng 10km.” Trương Văn Thiên nhấn mạnh: “nếu đối phương không tiếp thu, chúng tôi chỉ có thể mua vé máy bay về nhà. Bởi vì theo đường kiến nghị này, an toàn của đường 9 đã không thành vấn đề.”

Thực chất của nhượng bộ này là, miền bắc không chỉ nhường đường 9 mà còn tiếp tục nhường về bắc 10km.

Caccia có ý tranh thủ thêm một ít, nói: “10km, sợ rằng hẹp quá.”

Trương Văn Thiên nói, có thể bắt chước đường giới tuyến tạm thời của Triều Tiên, ở hai bên đường giới tuyến mỗi bên đều lùi 5km thiết lập khu phi quân sự.

Caccia biểu thị, nước Pháp nhất định phải tranh lấy đường số 9. Bây giờ lại có cơ hội mới, mặc dù tôi không thể đại biểu Pháp tiếp thu kiến nghị này, thế nhưng có thể truyền đạt, có thể do Mendès-France và Phạm Văn Đồng thảo luận thêm. Dự đoán phía Pháp còn muốn tranh thêm vài km nữa. Ông ta đề nghị, giữa đường 9 và vĩ tuyến 17 có hai con sông, có thể chọn một trong hai con sông đó làm đường giới tuyến.

Tiếp đó, Trương Văn Thiên bàn đến ngày tháng tổng tuyển cử tại Việt Nam, đề xuất, phía Việt Nam cũng vui lòng nhượng bộ, đồng ý sẽ lùi ngày tổng tuyển cử “sẽ được cử hành trong hai năm từ khi ký hiệp định đình chỉ hành động đối địch” Ngày tháng xác định sẽ do đại biểu hai bên hiệp thương, phải đưa ra quyết định trước tháng 6 năm 1956.

Caccia nói thêm, vấn đề này cũng do hai nước Pháp, Việt đàm phán.

Caccia còn trình bầy với Trương Văn Thiên một số ý kiến quan trọng, ông ta thuyết minh, những ý kiến này đã trưng cầu cách nhìn của đoàn đại biểu Mỹ từ trước. Về vấn đề liên minh quân sự, thái độ của nước Anh và Liên bang Anh là: nếu như tại nơi này giành được hiệp nghị mà mọi người có thể tiếp thu, trong hiệp nghị qui định ba nước Đông Dương không được tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, thì phía Anh cho rằng không được mời ba nước tham gia liên minh, bản thân nước Anh càng không thể làm như vậy. Caccia còn nói, Lào và Campuchia có thể phát biểu tuyên bố riêng biểu thị không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào.

Caccia đặc biệt đề cập tới việc ngày hôm qua đại biểu Mỹ nói, nếu như hội nghị Genève đạt được hiệp nghị thì họ vui lòng tôn trọng, nước Mỹ sẽ phát biểu tuyên bố riêng, biểu thị không phá hoại hiệp nghị này. Nếu như người khác ý đồ phá hoại, họ sẽ cho rằng đó là một sự kiện nghiêm trọng. Caccia nói, thái độ này của đoàn đại biểu Mỹ cho thấy rõ, họ đã dự tính không ký vào hiệp nghị. Vì vậy, giải quyết vấn đề tuyên bố chung còn tồn tại một chỗ tế nhị.

Trương Văn Thiên và Caccia đã phân biệt báo cáo tình hình hội đàm với Chu Ân Lai và Eden.

Nghe Caccia báo cáo, Eden mừng ra mặt, cho rằng bất đồng đã đến điểm nhỏ nhất, hai bên nhượng bộ lẫn nhau một chút nữa là có thể đạt được hiệp nghị.

Ngay trong ngày, đại biểu Việt Nam và hai nước Trung, Xô đã bàn bạc xong “phương án cuối cùng”, có bốn điều và lập tức giao cho Eden - người ở địa vị trung gian. Nội dung bốn điều khoản này là:

  1. Hai năm sau khi ký hiệp định ngừng hành động đối địch, cử hành bầu cử. Ngày tháng chính xác cử hành bầu cử và biện pháp chuẩn bị bầu cử do nhà đương cục có tư cách, có tính đại biểu của hai vùng nam, bắc Việt Nam hiệp thương, trước tháng 6 năm 1956 phải đưa ra quyết định.

  2. Ủy ban giám sát quốc tế do đại biểu ba nước dưới đây tổ thành: Ấn Độ, Ba Lan, Canada, do Ấn Độ làm chủ tịch.

  3. Đường giới tuyến đi qua phía bắc đường số 9 khoảng 10 km, chiếu cố đến địa hình.

  4. Tập kết quân đội trong ranh giới Việt Nam phải thực hiện trong 245 ngày.

Ngay tối hôm đó, Mendès-France và Phạm Văn Đồng cử hành hội đàm lần nữa, cuối cùng trên cơ sở “phương án cuối cùng” đạt được nhất trí.1

Biết được tình hình hội đàm giữa Trương Văn Thiên và Caccia, Chu Ân Lai cũng vô cùng phấn khởi. 7 giờ tối hôm đó khi hội kiến Phillips, Tổng thư ký Công đảng Anh tại Vạn Hoa ông đã trả lời những câu hỏi về cải thiện quan hệ Trung, Anh và triển vọng hội nghị Genève v.v..

Chu Ân Lai chỉ ra một cách rõ ràng, do hai bên Trung, Anh gần đây thỏa thuận phái đại biểu Trung Quốc đến trú tại London, quan hệ Trung Anh đã được cải thiện, hy vọng hai nước tăng cường qua lại. Mặc dù chế độ xã hội giữa Trung Anh khác nhau, nhưng trên cơ sở hai nước bình đẳng, cùng có lợi và mở rộng hợp tác công, thương nghiệp đúng là có khả năng.

Ông đã nói một cách lạc quan về triển vọng của hội nghị: “nếu như không có cản trở mới, hội nghị Genève có thể đạt được hiệp nghị về khôi phục hòa bình trên toàn bộ ranh giới Đông Dương.

Sau khi tiễn Phillips, đến 8 giờ tối, Chu Ân Lai thết tiệc Menon tại Vạn Hoa, có mặt Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Genève, Kiều Quán Hoa và Trần Gia Khang tháp tùng.

Trong bữa tiệc, Chu Ân Lai ca ngợi tác dụng tích cực hòa giải của Menon tại hội nghị Genève. Chu Ân Lai còn cho rằng, Mỹ không tham gia ký vào tuyên bố chung cuối cùng là triệu chứng chẳng lành.

Đa mưu túc trí Menon nói với Chu Ân Lai, nước Mỹ không tham gia ký kết có hay có dở. “Suy tính tới dư luận thế giới, nước Mỹ đã thay đổi thái độ im lặng, quyết định phát biểu tuyên bố đơn phương, rốt cuộc vẫn là gánh vác nghĩa vụ không phá hoại hiệp định. Thứ hai, Mỹ không tham gia cơ cấu tập thể nên không thể lợi dụng cơ cấu tập thể. Nếu Mỹ làm trái hiệp nghị, các nước tham gia hiệp nghị có thể tiến hành hiệp thương, có thể gọi Mỹ đến hội nghị. Nếu như một quốc gia trong tập thể hiệp nghị vi phạm hiệp ước, Mỹ lại không có quyền tham gia hiệp thương tập thể, nếu Mỹ muốn tham gia, cơ cấu tập thể vẫn có thể tiến hành suy xét.”

Trên thực tế, tối ngày 19 tháng 7, Liên Xô và Anh còn có tranh chấp trong việc thông qua “tuyên ngôn cuối cùng” như thế nào. Liên Xô kiên trì cử hành một lần hội nghị toàn thể cuối cùng, đại biểu các nước đều ký vào tuyên bố. Vì Smith kiên trì nói ông ta không thể ký, Eden đã lặp đi lặp lại nói, “tuyên bố cuối cùng” và quyết nghị án riêng về ba nước Đông Dương chỉ cần xướng phiếu là có thể thông qua.

Ngày 20 tháng 7, hội nghị Genève bước vào ngày làm việc cuối cùng. Đông Dương sẽ là chiến hay hòa? Chức thủ tướng của Mendès-France liệu có giữ được không? Sẽ công bố ngay.

Điều ra ngoài dự tính là, 11 giờ sáng, Tép Phan ngoại trưởng và Tioulong đại biểu quân sự Campuchia đến Vạn Hoa chào Chu Ân Lai, đề xuất họ còn có ý kiến bất đồng đối với tuyên bố cuối cùng của hội nghị Genève và hiệp nghị khôi phục hòa bình tại Campuchia, muốn đề nghị Chu Ân Lai xem xét quyết định.

Vấn đề cụ thể là có. Phạm Văn Đồng đề xuất, thời hạn QĐND Việt Nam rút khỏi Campuchia nên là 6 tháng. Phía Campuchia cho là dài quá, chỉ một tháng là đủ. Phía Việt Nam còn đề xuất, nhân viên chống đối Campuchia được giữ vũ khí đến ngày bầu cử, đồng thời tham gia bầu cử. Thế nhưng theo pháp luật hiện hành của Campuchia, quân nhân và sư sãi, đều không có quyền bầu cử và quyền ứng cử. Lại nữa, Phía Việt Nam đề xuất, khi quân đội Việt Nam rút lui thì 2 km hai bên ven đường quốc lộ, không được có quân đội chính phủ Campuchia. Phía Campuchia cho là xâm phạm chủ quyền chính phủ Campuchia, bởi vì cư dân Campuchia chủ yếu phân bố ven đường quốc lộ.

Chu Ân Lai có phần bất ngờ trước việc đoàn Campuchia tới thăm. Ông lịch sự nói rằng: “cám ơn các vị đã nêu ra những điểm bất đồng, tôi biểu thị sự nuối tiếc sâu sắc vì vấn đề Campuchia đến bây giờ vẫn chưa đạt được hiệp nghị.”

Tiếp đó ông chỉ ra, bây giờ điều then chốt là, phải làm cho các điểm bất đồng gần lại nhau. Về thời hạn quân đội Việt Nam rút khỏi, nếu như quá dài có thể rút ngắn lại một chút, thế nhưng thời hạn một tháng là quá ngắn, về các chiến sĩ phong trào chống đối trong nước Campuchia, có thể tiến hành phân loại, chiếu cố nguyện vọng của họ. Có người vui lòng ở lại, có người từ miền trung Việt Nam đến, đều không được phân biệt đối xử với họ. Nếu như họ muốn ở lại Campuchia, cũng không được đuổi họ đi, tiền đề là tôn trọng pháp luật của vương quốc.

Lực lượng chống đối Campuchia có thể tập kết tại chỗ. Dùng phương pháp chính trị, hòa bình giải quyết, hết sức hấp thu họ tham gia tổ chức quân sự và hành chính trong nước. Không được tiến hành bức hại những người đã từng hợp tác với đối phương, phải cho họ công tác thích đáng. Đối với tổ chức chính trị, chính đảng cũng như đoàn thể của họ, phải căn cứ pháp luật công nhận địa vị hợp pháp của họ. Như thế, có thể tiếp xúc, đàm phán với người lãnh đạo tổ chức chính trị của các nơi.

Chu Ân Lai nhấn mạnh, nói tới vấn đề quân sự, trước hết là không được vận chuyển quân đội và vũ khí mới từ nước ngoài vào, không xây dựng căn cứ quân sự nước ngoài, không tham gia liên minh quân sự. Chu Ân Lai cố ý thêm một câu: “không được thân Mỹ”. Đó mới là điều ông lo lắng nhất.

Tep Phan nói, sau khi độc lập, Campuchia cảm thấy không hứng thú gia nhập liên minh Pháp, Campuchia đã không muốn lại chịu sự thống trị của Pháp. Thế nhưng ông ta lo lắng: “Việt Nam muốn chúng tôi trở thành thuộc địa của họ.”

Chu Ân Lai nói, tôi bảo đảm với ngài một cách rõ ràng xác đáng rằng, Việt Nam không có ý đó. Hồ Chí Minh nói với tôi, họ có thể bảo đảm không xâm lược bất kỳ quốc gia nào, bởi vì xâm lược nhất định thất bại. Chu Ân Lai hy vọng đoàn đại biểu Campuchia một lần nữa họp gấp với đoàn đại biểu Việt Nam, bản thân ông cũng sẽ thúc đẩy tiến hành việc này.

Tep Phan cảm động vì việc này, nói: chúng tôi muốn sinh tồn, muốn bảo vệ nền độc lập của chúng tôi, chúng tôi là nước nhỏ quyết không vô cớ công kích người khác.

Tioulong, trợ thủ của Tep Phan cũng nói với Chu Ân Lai: “tổ tiên tôi là người Trung Quốc, tên tôi là Tioulong. Bây giờ chúng tôi được ngài thủ tướng giúp đỡ, sau này còn cần Trung Quốc giúp đỡ về các mặt.”

Chu Ân Lai giỏi xử lý các trường hợp giống như vậy, ông thành khẩn nói, tương lai nếu có cơ hội, hoan nghênh các vị đến thăm Trung Quốc, tương lai Trung Quốc sẽ có quan hệ ngoại giao với Campuchia.

Chuyến thăm viếng của Tep Phan khiến Chu Ân Lai cảnh giác lại, phát hiện mình biểu thị thái độ lạc quan sớm một chút. Sau khi tiễn Tep Phan ông lập tức đến gặp Molotov và Phạm Văn Đồng, bàn bạc lần nữa về tuyên bố cuối cùng và văn bản hiệp nghị, trao đổi bàn bạc về mấy vấn đề Tép Phan vừa đề xuất. Mới đầu, cả Molotov và Phạm Văn Đồng đều cho rằng yêu cầu của Tép Phan không có đạo lý, nhất định có Mỹ nâng đỡ ở đằng sau, nên chặn đứng. Chu Ân Lai không hoàn toàn cho là như vậy, ông chỉ ra cho Molotov và Phạn Văn Đồng, cũng có thể là đằng sau Campuchia có sự ủng hộ của Mỹ, nhưng rốt cuộc Campuchia là nước nhỏ, vừa mới giành được độc lập, đặc biệt sợ người coi khinh, cũng có khả năng là ôm hy vọng vào Mỹ. Đại biểu của họ không yên tâm với thân phận nước lớn, cũng có thể hiểu được tâm tư này, và cũng có thể thông cảm. Nhưng vào lúc này nếu có thể tranh thủ Campuchia trung lập, đều có lợi đối với Việt Nam, đối với Trung Quốc. Chúng ta cần tách rời vấn đề hình thái ý thức và quan hệ quốc gia, đồng ý những yêu cầu hợp lý của họ. Vì thế trên vấn đề hiệp nghị đình chiến về Campuchia, có thể theo yêu cầu của đại biểu Campuchia, có thêm một số nhượng bộ.

Trước những trình bầy cuối cùng của Chu Ân lai, Molotov và Phạm Văn Đồng đã đồng ý, sau đó đi gặp Eden và Mendès-France.

Chu Ân Lai nghỉ một chút, rồi hẹn Trương Văn Thiên, Lý Khắc Nông, Vương Bỉnh Nam và Đổng Ninh Xuyên hai giờ chiều rời Vạn Hoa theo lời mời của Mendès-France đến biệt thự của ông ta uống trà buổi chiều. Mendès-France và Chauvel tươi cười ra đón, cho thấy cuộc gặp gỡ buổi sáng giữa ông ta và Molotov, Phạm Văn Đồng thu được thành quả tích cực.

Không khí trong bữa tiệc thoải mái, lễ tân chu đáo.Hai bên chủ khách dường như tùy ý bàn luận tới lịch sử Trung Quốc và nước Pháp, và cả giao lưu văn hóa giữa hai nước. Chu Ân Lai nhớ lại cuộc sống lưu học sinh tại Pháp năm xưa, Mendès-France biểu thị hoan nghênh Chu Ân Lai tới thăm Paris một lần nữa, đồng thời biểu thị “Hiệp hội giáo dục Pháp Hoa” chủ trì học sinh Trung Quốc cần công kiệm học lưu học tại Pháp năm nay nên được khôi phục v.v..

Mendès-France để lộ ra đặc biệt dễ chịu. Thì ra, sau một hồi nỗ lực, Trần Văn Đỗ, trưởng đoàn đại biểu nước Việt Nam, hôm nay đã chính thức biểu thị với ông ta, đoàn đại biểu chính phủ Bảo Đại không phản đối ký hiệp nghị ngừng hành động đối địch tại Việt Nam nữa. Việc này đã loại bỏ cho Mendès-France một tâm bệnh.

Thủ tướng hai nước đều bàn tới hai nước Trung, Pháp nên cải thiện quan hệ, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chỉ là việc sớm muộn.

Thủ tướng hai nước bàn bạc quyết định, tối nay đại biểu các nước đến cung Vạn Quốc ký hiệp nghị ngừng bắn tại Đông Dương, rồi bắt tay từ biệt nhau.

7 giờ 20 chiều, phòng họp lớn trong cung Vạn quốc ánh đèn rực rỡ, rất đông phóng viên, cả thế giới đều chờ đợi ba văn kiện quan trọng chấm dứt hành động đối địch tại ba nước Đông Dương, được ký tại hội nghị Genève.

Buổi tối, Chu Ân Lai lưu lại Vạn Hoa, chờ đợi tin tức từ cung Vạn quốc.

Mendès-France cũng ở lại biệt thự của mình, ông ta ủy nhiệm Chauvel làm đại biểu toàn quyền đến cung Vạn quốc ký kết.

Eden đối với toàn bộ cục diện rất có cảm giác chừng mực, 11 giờ 19 phút sáng, trong điện gửi Churchill, ông ta nói, Pháp và Việt Minh đã đồng ý ký hiệp nghị ngừng bắn. Về Lào cũng có hy vọng sau một, hai giờ cũng đồng ý làm như vậy, còn Campuchia có khả năng có một số phiền phức.

Nhưng đến 8 giờ tối, Eden gọi điện thoại, báo cho Mendès-France biết: tình hình có những thay đổi mới, Molotov giận dữ vừa gọi điện thoại cho ông ta, nói, Tep Phan đại biểu vương quốc Campuchia đang truyền tin rộng rãi nói, Campuchia sẽ không ký hiệp định hòa bình. Eden nói, Molotov tin chắc, đó là Mỹ đứng đằng sau giở trò quỷ, ông ta đề nghị lập tức triệu tập hội nghị khẩn cấp đoàn trưởng đoàn đại biểu ba nước Anh, Pháp, Xô để nghe ý kiến của đại biểu Campuchia. Được tin, Mendès-France lập tức tới cung Vạn quốc, Phạm Văn Đồng cũng bị tìm tới cùng thương thảo.

Hội nghị khẩn cấp cử hành nửa giờ sau đó. Tep Phan người không cao nhưng đầu tóc rối bù, nói với đại biểu ba nước lớn: “tôi không ký vào hiệp định, bởi vì hiệp định hạn chế tự do của Campuchia, Campuchia dự tính liên minh, để cho một quốc gia xây dựng căn cứ tại Campuchia.” Rõ ràng “quốc gia” này là chỉ nước Mỹ.

“Thế thì vì sao ngài không nói sớm?” Đại biểu Anh và Liên Xô nối nhau chất vấn.

Tép Phan nói: “tôi quản không nổi nhiều thế.”

Đại biểu Mỹ ở đâu? Robertson đã rời Genève, Smith không khỏe đang bệnh nằm trên giường, sau khi nghe tin, ông ta đã nhờ người chuyển lời cho Tep Phan, nói đại biểu Campuchia có thể ký hiệp định.

Sau đó có tin đồn nói Ngô Đình Luyện, đại biểu chính phủ Bảo Đại Việt Nam cũng biểu thị không đồng ý với hiệp nghị đình chỉ hành động đối địch tại Việt Nam. Cung Vạn Quốc có chút hỗn loạn.

Nghe xong những tin tức đó Chu Ân lai cũng không tránh khỏi sốt ruột, ngồi không yên ở Vạn Hoa. Mặc dù biết đêm đã khuya, nhưng ông vẫn cùng Sư Triết đến biệt thự của đoàn đại biểu Liên Xô, cùng ngồi để kịp thời nghe được tin tức từ cung Vạn quốc truyền về.

11 giờ 19 tối, Eden dứt ra gọi điện thoại báo cáo Churchill, đề án kết thúc hành động đối địch tại Việt Nam cuối cùng đã giành được sự đồng ý của đại biểu chính phủ Bảo Đại Việt Nam, dự đoán một, hai giờ nữa đại biểu Lào và Campuchia cũng biểu thị tán đồng hiệp nghị. Đã tới 12 giờ đêm, mấy quan chức ngoại giao Pháp và Anh xuất hiện trong phòng họp lớn, điệu bộ đầy vẻ giận dữ. Họ nói với phóng viên: Campuchia không dự tính ký! Hiện nay Eden, Mendès-France, Molotov đang khuyên ông ta, tìm phương án thỏa hiệp mới

Thế chẳng phải là đã vượt thời gian biểu do Mendès-France tự qui định ư?

Các phóng viên và quan chức các nước trong phòng họp lớn cung Vạn quốc không ai là không quan tâm chú ý tới chiếc đồng hồ chỉ giờ trên tường phòng họp.

Không ngờ là chiếc đồng hồ này vào lúc gần tới 12 giờ khuya đã ngừng lắc! Nhân viên phục vụ đại hội đã làm động tác gì đó với chiếc đồng hồ chỉ giờ này - ngay những nhân viên công tác bình thường của cung Vạn quốc cũng mong chờ hội nghị Genève đạt được thành công cuối cùng.

Tại một phòng họp khác của cung Vạn Quốc, Molotov, Eden, Mendès-France vây chặt lấy Tep Phan, bọn họ khuyên giải liên tục đến 2 giờ sáng.

Cuối cùng, Molotov đã thỏa hiệp. Ông hỏi Tep Phan: “Rốt cuộc ông yêu cầu cái gì?”

Câu trả lời là, trong tình hình bị đe dọa, ngoài việc có thể cầu viện nước Pháp ra, còn có thể xin viện trợ của quốc gia khác. Chỉ cần Campuchia đồng ý, quốc gia khác có thể xây dựng căn cứ quân sự tại Campuchia.

“Tốt thôi, điều này không có vấn đề.” Molotov nhắc lại hai lần, “thế nhưng cần suy tính tới phương thức dính líu vào, khi Campuchia bị đe dọa, cụ thể, thực sự như thế nào thì mới được xin viện trợ của nước ngoài.”

Sau khi Molotov nhượng bộ, cuối cùng đại biểu Campuchia biểu thị, ông ta sẽ ký vào hiệp định.

Molotov thở một hơi dài, nói: “bây giờ tôi nghĩ mọi người đều vừa lòng.”

Đột nhiên nghe thấy tiếng Mendès-France; “tôi còn có lời muốn nói.”

Molotov vô cùng ngạc nhiên: “làm sao ngài lại đến?”

“Vâng.” Mendès-France nói, “cho dù Campuchia đã như vậy, cũng nên đối xử bình đẳng với Lào, đó là nguyên tắc công bằng đơn giản.”

Molotov để lộ rõ không phấn khởi lắm, nhưng ông ta lập tức thay đổi thái độ, nói: “được, Lào cũng sẽ như vậy.”

Cuối cùng hiệp định đình chiến đã đạt được!

Lúc này đã gần 3 giờ sáng, trong túi của Mendès-France có bức điện của Navarre, trong bức điện, Navarre dùng thân phận Tư lệnh mặt trận ủy quyền cho [thiếu] tướng [Henri] Delteil đại biểu quân sự Pháp tại Genève ký vào hiệp định đình chiến.

Mendès-France ra khỏi phòng họp, trong một phòng nhỏ thuộc tầng hai, ông ta tìm được và trao cho Delteil bức điện của Navarre, khẽ nói: ông biết đấy, tôi yêu cầu ông làm việc này, đối với một sĩ quan mà nói, đó là một sứ mệnh đau khổ. Thế nhưng ông biết, ngày hôm nay ngoài việc làm đó ra chẳng còn sự lựa chọn nào tốt hơn. Mà làm như vậy lại tương đối phù hợp với vinh dự của quân đội, với lợi ích của quốc gia và với lời hứa của chúng ta đối với bạn đồng minh.”

Delteil nhận điện, đi vào phòng ký kết. Chiếc bàn dài hình móng ngựa đã bầy xong, trên bàn đặt văn kiện thứ nhất: hiệp định đình chỉ hành động đối địch tại Việt Nam.

3 giờ 20 sáng, đại biểu quân sự hai bên tụ tập tại phòng họp lớn, nghi thức ký kết bắt đầu. Delteil, đại biểu Navarre, Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương ký tên, Tạ Quang Bửu đại biểu Việt Nam DCCH ký tên.

Sau khi ký xong, Tạ Quang Bửu tươi cười đi tới trước mặt Delteil cũng vừa ký xong đề nghị: “tướng quân, hy vọng ngài đồng ý, bây giờ chúng ta hãy cùng uống một cốc sâm banh.”

Delteil không hề có biểu lộ gì, ngửng đầu lên nói: “chắc ông biết rõ là tôi thể không nhận lời”, nói xong ông ta đi thẳng về hàng ngũ của mình.

Trong phòng báo chí của cung Vạn quốc vang dậy những tiếng hoan hô.

4 giờ sáng Molotov bứt ra khỏi cung Vạn quốc trở về nơi ở của mình. Chu Ân Lai đang sốt ruột chờ đợi.

Molotov báo cho Chu Ân Lai, đại cục đã định, Lào và Campuchia đã đáp ứng, mỗi nước sẽ ký vào hiệp nghị đình chỉ hành động đối địch của mình, nhưng bọn họ vẫn kỳ kèo. Nói chung họ vẫn cảm thấy mình còn một số lời chưa biểu đạt được, không vừa lòng với chính phủ Pháp, nên đã cố ý kéo dài đến lúc trời sáng mới ký, khiến Mendès-France cảm thấy rất khó xử.

Molotov nói, chiêu này của Tep Phan đại biểu Campuchia đã dọa cho người Pháp một trận thất kinh, cuống lên. Chúng tôi đã khuyên, cuối cùng nên theo ý kiến của ngài, có thêm một chút nhượng bộ, thế nào Tep Phan cũng gật đầu.

Cuối cùng Chu Ân Lai đã yên tâm, có thể tương đối bình tĩnh uống chè chờ đợi. Cho đến lúc từ cung Vạn quốc truyền đến tin nói, Tep Phan đang chuẩn bị ký, Chu Ân Lai mới đứng dậy bắt tay từ biệt Molotov.

Lúc này buổi sớm ngày 21 tháng 7 đã tới. Từ nơi xa xăm, đỉnh núi Blanc nước Pháp đang bị tuyết phủ trắng bỗng chùm lên một vầng ánh sáng.

Ánh sáng ban mai đã chiếu vào cung Vạn Quốc, vào lúc đại biểu Lào và Campuchia lần lượt ký tên, kim giờ của chiếc đồng hồ chỉ giờ tại phòng ký kết vẫn chỉ vào 12 giờ đêm ngày 20 tháng 7.

1 sđd, t.1, tr. 176-177;

- Lý Liên Khánh, Chu Ân Lai – nhà ngoại giao lớn t.2, sđd, tr. 408-411.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss