Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 / CHƯƠNG 4 - Tính toán của phương Đông

CHƯƠNG 4 - Tính toán của phương Đông

- Tiền Giang - Bản dịch Dương Danh Dy — published 05/01/2009 17:13, cập nhật lần cuối 06/02/2009 09:14


CHƯƠNG 4

Tính toán của phương Đông

 

Bên Tây Hồ ở Hàng Châu, Mao Trạch Đông “lên cao nhìn xa”. Nơi rừng sâu của Việt Nam, Hồ Chí Minh dốc sức suy xét. Phạm Văn Đồng vượt ngàn dặm lên phương Bắc, phối hợp xác định phương châm. Vi Quốc Thanh, La Quý Ba tính toán chuẩn bị, với quyết tâm nhất định thành công. Chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ quyết định vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Đàm phán Genève liệu sẽ đưa thần số phận đi đến đâu?

 
Bên Tây Hồ ở Hàng Châu, Mao Trạch Đông theo dõi kết quả hội nghị Berlin.

Ngày 24/12/1953, Mao Trạch Đông dẫn đầu nhóm soạn thảo Hiến pháp đến Hàng Châu. Người phụ trách chính của nhóm này là Trần Bá Đạt, Hồ Kiều Mộc và Điền Gia Anh. Từ thời điểm này đến ngày 17/3/1954, Mao Trạch Đông và nhóm soạn thảo Hiến pháp chủ yếu ở tại Hàng Châu.

Lưu Trang nguyên là biệt thự trang viên của Lưu Học Tuần - cử nhân cuối đời Thanh. Năm xưa, họ Lưu cho xây dựng trang viên này đã vận dụng nhiều điểm đặc sắc trong kiến trúc vườn cây vùng Quảng Đông, thể hiện không ít kỳ hoa dị thảo của vùng phương Nam. Mao Trạch Đông rất thích khu vườn của Lưu Trang cũng như phong cảnh ở xung quanh. Đến đây, ngoài công việc hàng ngày, Mao Trạch Đông thường tản bộ khắp nơi, hầu như đặt chân đến hết các địa điểm ở xung quanh.

Đứng trên cao có thể bao quát được xa, kết quả hội nghị Berlin vô cùng quan trọng. Mao Trạch Đông luôn giữ liên hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, liên tục nắm bắt tiến triển của mọi động thái.

Sau khi hội nghị Berlin ra thông cáo, Liên Xô gấp rút thông báo tình hình hội nghị cho phía Trung Quốc, chủ trương để Trung Quốc không những tham gia hội nghị Genève, mà còn có thể phát huy được tác dụng tích cực tại hội nghị.

Ngay khi còn ở Berlin, Molotov đã truyền đạt ý kiến của phía Trung Quốc cho Dulles: Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương, song vai trò của phía Trung Quốc cũng chỉ có hạn, bởi lẽ chiến tranh Đông Dương đã diễn ra một thời gian dài trước khi nước Trung Hoa mới được thành lập.

Giữa Hàng Châu và Bắc Kinh liên tục có các cuộc trao đổi “đường dây nóng” giữa Mao Trạch Đông với Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai, để kịp thời hội ý. Họ đồng ý với quan điểm của Liên Xô, cho rằng Trung Quốc tham gia hội nghị Genève sẽ rất có lợi. Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ sau khi thành lập nước Trung Hoa mới, đặc biệt là sau khi xảy ra chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc tham gia một hội nghị lớn được cả thế giới quan tâm theo dõi, như vậy sẽ rất có lợi trong việc đề cao địa vị quốc tế của Trung Quốc. Nếu đàm phán tiến triển tốt, có thể giải quyết một số vấn đề quốc tế, còn nếu không thành công cũng có thể tuyên truyền chủ trương của Trung Quốc trên chính trường quốc tế.

Mao Trạch Đông uỷ nhiệm Chu Ân Lai nghiên cứu về hội nghị Genève và đề xuất ý kiến. Trên thực tế, khi vừa nhận được thông báo của Liên Xô về hội nghị Genève, Chu Ân Lai đã nghiêng theo hướng tham gia hội nghị.

Ngày 27/2/1954, Chu Ân Lại gặp đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, phát biểu quan điểm về hội nghị Genève. Chu Ân Lai nói, hội nghị Berlin do bốn nước lớn tổ chức chưa thể coi là hoàn toàn như ý, vì các bên chưa đạt được thỏa thuận về vấn đề quan trọng của châu Âu. Nhưng hội nghị Berlin cũng có một chút “thu hoạch”, đó là quyết định tổ chức hội nghị Genève, lấy các vấn đề cụ thể ở Viễn Đông để giải quyết các vấn đề cấp bách của quốc tế, nhất là vấn đề hòa bình của Viễn Đông. Ngoài ra, nguyên tắc dùng phương pháp thương lượng để giải quyết các tranh chấp quốc tế cũng được đẩy mạnh một bước. Khôi phục hòa bình cho Việt Nam mấu chốt nằm ở Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ liên tục gia tăng can thiệp quân sự với Việt Nam, điều này không có lợi cho hòa bình.

Cùng ngày, Chu Ân Lai triệu tập một cuộc họp thảo luận công tác chuẩn bị cho hội nghị Genève. Tại cuộc họp, Chu Ân Lai đưa ra chỉ thị hai điểm:

  1. Hội nghị Genève có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp làm giảm căng thẳng trong cục diện quốc tế, Trung Quốc cần tích cực tham gia.

  2. Vì chính phủ Mỹ sẽ tìm mọi cách gây trở ngại, nên khả năng giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên dự kiến sẽ khó đạt được tiến bộ lớn, song chung ta sẽ vẫn nỗ lực đấu tranh giải quyết một số vấn đề.

Hạ tuần tháng 2, Chu Ân Lai chấp bút thảo phương án chuẩn bị tham gia hội nghị Genève. Ngày 2/1, tại hội nghị Ban Bí thư trung ương, Chu Ân Lai đã trình bày “Ý kiến sơ bộ về những đánh giá đối với hội nghị Genève và công tác chuẩn bị” (sau đây gọi tắt là “Ý kiến sơ bộ”). Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Trần Vân đã tham gia cuộc họp này.

“Ý kiến sơ bộ” cho rằng: “Việc đạt được nhất trí tổ chức hội nghị Genève là một thành công rất lớn của đoàn đại biểu Liên Xô tại hội nghị ngoại trưởng ở Berlin. Chỉ riêng việc CHND Trung Hoa tham dự hội nghị cũng đã giúp một bước cho việc làm giảm căng thẳng cục diện quốc tế”.

“Ý kiến sơ bộ” đề xuất: “Các tập đoàn đế quốc chủ nghĩa, nhất là Chính phủ Mỹ, cố tình hạ thấp ý nghĩa tác dụng của hội nghị Genève, và dự báo rằng hội nghị Genève cũng sẽ giống như hội nghị Berlin khi thảo luận vấn đề Đức và Áo, sẽ không đạt được bất cứ kết quả gì. Tuy nhiên, quan điểm của ba nước Mỹ, Anh và Pháp trong vấn đề Triều Tiên cũng như nhiều vấn đề quốc tế khác chưa phải đã hoàn toàn thống nhất, mà có nhiều mâu thuẫn lớn. Những khó khăn nội bộ của họ cũng rất lớn”.

Chu Ân Lai cho rằng: “Chúng ta nên có phương châm tích cực tham gia hội nghị Genève, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao quốc tế, phá vỡ sự phong tỏa cấm vận cũng như chính sách huy động quân đội chuẩn bị chiến tranh của đế quốc Mỹ, nhằm thúc đẩy làm giảm căng thẳng trong cục diện quốc tế”. Kết luận của Chu Ân Lai là:

Tại hội nghị Genève, cho dù Mỹ có cố gắng tìm mọi cách cản trở việc đạt được một hiệp định có lợi cho sự nghiệp hòa bình, chúng ta vẫn sẽ nỗ lực hết sức để đạt được sự nhất trí và một thỏa thuận nào đó nhằm giải quyết vấn đề, thậm chí là một thỏa thuận tạm thời hoặc thỏa thuận riêng biệt, nhằm tạo thuận lợi cho việc mở ra con đường hiệp thương giữa các nước lớn để giải quyết các tranh chấp quốc tế.1

“Ý kiến sơ bộ” còn nêu rõ đoàn đại biểu Trung Quốc tham gia hội nghị Genève gồm có Chu Ân Lai, Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông và một vị Thứ trưởng Bộ Thương mại. Lý Khắc Nông, Chương Hán Phu và Lý Sơ Lê phụ trách công tác chuẩn bị cụ thể.

Hội nghị Ban Bí thư Trung ương nhất trí với “Ý kiến sơ bộ” của Chu Ân Lai, quyết định ngay ngày hôm sau sẽ lấy danh nghĩa Chính phủ Trung Quốc gửi điện cho Chính phủ Liên Xô, thông báo Trung Quốc nhận lời mời do Liên Xô gửi theo tinh thần của hội nghị Berlin, “đồng ý cử đại biểu toàn quyền tham dự hội nghị Genève”.

Ngày diễn ra cuộc họp (2 tháng 3), Trung ương ĐCS Trung Quốc cũng gửi điện cho trung ương Đảng Lao động (ĐLĐ) Việt Nam, thông báo rằng Trung Quốc và Liên Xô đều nhận định việc tổ chức hội nghị Genève sẽ có lợi cho Việt Nam, hy vọng ĐLĐ Việt Nam tổ chức đoàn ba nước Đông Dương tham gia hội nghị và chuẩn bị tài liệu, tập trung nỗ lực lên các phương án đàm phán.

Bức điện do Chu Ân Lai soạn có viết:

Đối với cục diện quốc tế cũng như tình hình quân sự Việt Nam hiện nay, tiến hành đấu tranh ngoại giao sẽ có lợi cho Việt Nam, bất luận hội nghị Genève có kết quả thế nào, chúng ta đều nên tích cực tham gia…Vì vậy, hy vọng các đồng chí nên nhanh chóng tiến hành công tác chuẩn bị; lập đoàn đại biểu tham gia, thu thập các tài liệu liên quan, lên các phương án đàm phán khác nhau…Nếu muốn đình chiến, tốt nhất nên có một giới tuyến tương đối cố định, có thể bảo đảm được một khu vực tương đối hoàn chỉnh. Trên thực tế, giới tuyến đình chiến hôm nay có thể trở thành ranh giới chia cắt trong ngày mai, vì vậy đây là một vấn đề tương đối quan trọng, hơn nữa cũng cần cân nhắc hướng phát triển sau này. Việc xác định giới tuyến tại đâu, tại vĩ độ bao nhiêu cần phải xem xét từ hai vấn đề: thứ nhất là phải có lợi cho Việt Nam, thứ hai là xem kẻ thù có thể chấp nhận hay không. Đường giới tuyến này càng xuống phía Nam càng tốt. Có thể tham khảo vĩ tuyến 16 độ Bắc.2

Qua đó có thể thấy Chu Ân Lai là người đầu tiên đề xuất việc lấy mô hình Triều Tiên để đưa ra phương án phân chia Việt Nam. Dự án này với kết quả thực tế sau này rất sát nhau.

Trong bức điện, Chu Ân Lai mời Hồ Chí Minh đến Bắc Kinh vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng Tư để bàn bạc cụ thể về hội nghị Genève. Ngày 6 và 10 tháng 3, Chu Ân Lai hai lần hội kiến tướng Triều Tiên Nam Il tại Bắc Kinh, thảo luận các vấn đề của hội nghị Genève.

Chu Ân Lai đã gửi điện báo cáo với Mao Trạch Đông, đang ở Hàng Châu, về phương châm tổng thể đã được xác định là Trung Quốc sẽ tham gia hội nghị Genève, lập tức được Mao Trạch Đông phê chuẩn. Ngay trước đó một ngày, Mao Trạch Đông đích thân gửi điện sang Triều Tiên, chỉ thị: “Để chuẩn bị tham gia hội nghị Genève, đồng ý với ý kiến của đồng chí Lý Khắc Nông, để các đồng chí Kiều Quán Hoa và Hoàng Hoa lập tức trở về Bắc Kinh tham gia công tác chuẩn bị cho hội nghị. Các đồng chí này khi qua Bình Nhưỡng cần báo cáo công tác với Thủ tướng Triều Tiên Kim (Nhật Thành) và thỉnh thị ý kiến”.3

Tâm lý của Mao Trạch Đông tương đối thoải mái, ngày đó rỗi rãi, ông lấy bút viết thư gửi Bí thư Điền Gia Anh, giao Điền một số công việc:

Đồng chí Gia Anh

  1. Thư của Dương tiên sinh4 nhờ anh sao chuyển cho Dương Khai Trí tiên sinh ở Trường Sa (Anh của Dương Khai Tuệ), hỏi xem nội dung thư có đúng sự thật không, tôi hoàn toàn không nhớ gì nữa.

  2. Năm nay gửi cho họ Dương 12 triệu đồng tiến trợ cấp. Trợ cấp 6 tháng đầu năm 6 triệu đồng xin gửi trước, nhờ anh làm giúp.

  3. Nữ sĩ Lý Thục Nhất là người nhà của đồng chí Liễu Trực Tuần (liệt sĩ) ở Trường Sa, làm nghề dạy học, rất vất vả nên khó có thể tiếp tục. Có người nhờ tôi giới thiệu nữ sĩ đến làm nhân viên Viện văn học-lịch sử, nhưng ở đó chọn người rất khắt khe, tôi đã giới thiệu mấy người rồi đều không được nhận nên không tiện giới thiệu nữa. Tôi muốn giúp nữ sĩ một chút tiền từ tiền nhuận bút của tôi, không biết nữ sĩ có nhận sự giúp đỡ này không. Nữ sĩ là bạn thân của Dương Khai Tuệ, việc giúp đỡ cũng là đúng lẽ. Nhờ anh nói Dương Khai Trí hỏi nữ sĩ giúp xem ý thế nào.5

Mao Trạch Đông

Ngày 2 tháng 3

Khi Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai quyết tâm tham gia hội nghị Genève, cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp của Việt Nam đang diễn ra hết sức ác liệt. QĐND Việt Nam với binh lực bốn sư đoàn bộ binh, một sư pháo-công binh, tổng cộng hơn bốn vạn quân đang bao vây hơn một vạn quân Pháp ở Điện Biên Phủ, chuẩn bị tổng tấn công. Khói lửa ác liệt ở Điện Biên Phủ đang là tâm điểm chú ý của thế giới. Chu Ân Lai biết rất rõ nắm được ưu thế trên chiến trường sẽ có ý nghĩa như thế nào tại bàn đàm phán sắp bắt đầu. Ông ra lệnh Bộ tổng tham mưu chỉ thị trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại tiền tuyến Điện Biên Phủ Vi Quốc Thanh và Mai Gia Sinh phải làm sao để Việt Nam đánh tốt vài trận, phối hợp với bàn đàm phán ở Genève.

Ngày 3/3, Ban tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân giải phóng gửi điện cho Vi Quốc Thanh, chuyển chỉ thị của Chu Ân Lai:

Hội nghị Genève sẽ thảo luận vấn đề Việt Nam. Chu Ân Lai chỉ thị: để giành thế chủ động về ngoại giao, trước hội nghị Genève, Việt Nam tổ chức vài trận đánh thắng lợi. Vì vậy, các đồng chí nghiên cứu xem, trong thời điểm hiện nay, liệu có khả năng chắc chắn đánh bại quân địch ở Điện Biên Phủ? Hoặc theo điện chỉ thị của Quân uỷ Trung ương ngày 9/2, triệt để tiêu diệt quân địch tại khu vực giữa sông Nậm Ô [Rốn ?] và sông Hồng, giải phóng khu vực đó, khai thông liên lạc giữa nước ta với Lào; Đồng thời tại Trung - Hạ Lào hoặc khu vực Liên khu Năm phát động tấn công phối hợp. Xin cho ý kiến để chúng tôi tiện xem xét và báo cáo Quân uỷ Trung ương.

Về việc tổ chức đoàn đại biểu tham dự hội nghị Genève, ĐLĐ Việt Nam do Hồ Chí Minh đứng đầu có thái độ rất tích cực. Sau khi nhận được điện báo của Trung ương ĐCS Trung Quốc, ngày 5 tháng 3, Trung ương ĐLĐ Việt Nam tổ chức hội nghị Bộ chính trị lâm thời, thảo luận sơ bộ vấn đề tham gia hội nghị Genève cũng như đề nghị của phía Trung Quốc. Trong quá trình thảo luận, vấn đề khó khăn nhất là việc xác định giới tuyến đình chiến, hội nghị không đạt được nhất trí trong vấn đề này.

Dưới sự chủ trì của Phạm Văn Đồng, đoàn đại biểu Việt Nam xác định một số phương án.

Thứ nhất là “đình chiến tại chỗ”. Phương án này xem ra đơn giản rõ ràng rồi, hơn nữa phía Việt Nam có thể kiểm soát hơn 3/5 diện tích lãnh thổ. Song như vậy sẽ dẫn đến tranh cãi gay gắt giữa hai bên Pháp - Việt. Xem xét sâu sắc hơn, nếu như vậy, những khu vực do Việt Nam kiểm soát sẽ không có nhiều thành phố lớn, không có đồng bằng lớn, không có hải cảng và cũng không có các cơ sở công nghiệp tương đối hoàn chỉnh. Để bù đắp những bất lợi này, biện pháp duy nhất chỉ có thể là yêu cầu Pháp đồng ý tiến hành tổng tuyển cử ngay một thời gian không lâu sau đó. Phía Việt Nam đã từng thắng lợi trong một cuộc tổng tuyển cử trước đó. Với uy tín của Hồ Chủ tịch trong dân chúng Việt Nam, nhiều khả năng sẽ nắm chắc phần thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo. Tuy nhiên, làm như vậy cũng có những nhân tố không thể dự đoán trước được, đó là dân số khu vực do đối phương quản lý tương đối nhiều, rất sợ xảy ra biến cố, và nhất là lo ngại nảy sinh những phức tạp do can thiệp của nước ngoài.

Phương án thứ hai là dùng phương thức giới tuyến Nam - Bắc tương tự trong đình chiến ở Triều Tiên. Như vậy sẽ dẫn đến cục diện Nam Bắc đối đầu, và điểm khó khăn nữa là sẽ xác định giới tuyến ở đâu. Phía Việt Nam muốn lấy vĩ tuyến 15 độ Bắc làm giới tuyến, quân đội hai bên tập kết hoàn toàn ở hai bờ giới tuyến này, sau đó tiến tới đấu tranh thống nhất đất nước. Vấn đề là nếu lấy vĩ tuyến 15 làm giới tuyến, 2/3 lãnh thổ Việt Nam sẽ do Việt Minh kiểm soát, đối thủ liệu có nhượng bộ hay không?

Sau khi nghe Phạm Văn Đồng báo cáo, Hồ Chí Minh vẫn thấy khó đưa ra quyết định. Ông yêu cầu Phạm Văn Đồng chủ trì một cuộc họp nữa để tiếp tục nghiên cứu, đồng thời nghe ý kiến của cố vấn Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Chính phủ Việt Nam sẽ tham gia hội nghị Genève đã được hoàn toàn xác định.

Ngày 6/3/1954, Phó trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam Kiều Hiểu Quang gửi điện về trung ương, báo cáo những vấn đề sắp xếp của cuộc họp Bộ chính trị Trung ương ĐLĐ Việt Nam đối với hội nghị Genève. Nội dung bức điện như sau:

Kính gửi Trung ương:

Ngày 5 tháng 3, Bộ chính trị Trung ương ĐLĐ Việt Nam tiến hành hội nghị lâm thời, sơ bộ thảo luận “Ý kiến sơ bộ về việc tham gia hội nghị Genève” của Trung ương ĐCS Trung Quốc. Họ đã thảo luận từng vấn đề trong bức điện, đồng thời tiến hành chuẩn bị. Về việc tổ chức phái đoàn Việt Nam, ý kiến sơ bộ sẽ gồm Phạm Văn Đồng, một đại sứ hoặc tại Trung Quốc hoặc tại Liên xô, Uỷ viên quốc phòng Tạ Quang Bửu, phía Lào dự kiến chọn một bộ trưởng hoặc 2 thứ trưởng, Campuchia cũng sẽ xem xét cử 1-2 người, đồng thời gửi điện trưng cầu ý kiến của họ và chuẩn bị tài liệu. Vấn đề tuyên truyền đối nội, đối ngoại cũng phân công người phụ trách. Đối với hiệp định ngày 6 và ngày 14/9/1946, quyết định nghiên cứu lại và giao cho Phạm Văn Đồng phụ trách. Về quan hệ với Pháp, vấn đề Pháp rút quân, vấn đề bầu cử tự do đều nhận định rằng khó khăn không lớn. Khó khăn duy nhất và lớn nhất là xác định giới tuyến đình chiến, không biết quyết định ra sao. Có người đề xuất khôi phục vị trí trước cuộc chiến, nhưng sau khi xem xét nhận thấy không thể đề xuất như vậy, vì như vậy thì các vùng Lạng Sơn, Nam Định, Hà Nội và Sơn La đều thuộc về quân địch, mặc dù khu vực Trung Nam bộ có rộng hơn, nhưng cũng không hợp lý. Họ cho rằng đây là vấn đế lớn nhất, khó nhất trong đàm phán. Lần thảo luận này chưa có kết luận gì (quyết định để bộ phận quân sự đưa ra phương án rồi nghiên cứu tiếp).

Trong phát biểu của mỗi đồng chí trong hội nghị này, đa số đều bám theo tinh thần của bức điện do ĐCS Trung Quốc gửi tới nhấn mạnh trước mắt cần dồn trọng tâm vào việc chỉ đạo chiến tranh và hoàn thành cải cách ruộng đất.

Nhiều vấn đề còn cần tiếp tục nghiên cứu nhiều lần. Hồ Chí Minh chỉ thị triệu tập một kỳ họp Quốc hội vào trung tuần tháng 3, dự định cuối tháng 3 đi Bắc Kinh.

Ngày 13 tháng 3, đúng vào ngày quân đội Việt Nam phát lệnh tấn công Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị ĐLĐ Việt Nam một lần nữa tiến hành hội nghị thảo luận vấn đề tham gia hội nghị Genève. Phạm Văn Đồng phát biểu đầu tiên và đưa ra ba phương án đối với vấn đề đình chiến:

  1. Ngừng chiến, Pháp rút quân về vị trí trước chiến tranh;

  2. Đình chiến trước, sau đó tiến hành một số điều chỉnh đối với hiện trạng quân sự;

  3. Đình chiến trước, sau đó phân định giới tuyến, mỗi bên rút về khu vực mình kiểm soát.

Đối với ba phương án trên, trong số các uỷ viên Bộ chính trị, chỉ có Nguyễn Chí Thanh tỏ rõ thái độ. Ông tán thành phương án ba, đồng thời cho rằng đường ranh giới tạm thời càng lùi xuống phía Nam càng tốt. Hồ Chí Minh cũng dường như nghiêng về phương án phân chia Nam - Bắc. Nhưng đại đa số nghiêng về phương án một và hai, chủ yếu là vì không muốn từ bỏ căn cứ ở miền Trung và miền Nam.

Tổng kết kết quả hội nghị, Hồ Chí Minh nói vấn đề đình chiến rất phức tạp, chúng ta chiến đấu từng ấy năm, đã học được việc đánh địch, nhưng chưa học được việc ngừng đánh. Đối với vấn đề đình chiến ra sao, cần phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia cố vấn Trung Quốc.

Ngày 21 tháng 3, Bộ chính trị Trung ương ĐLĐ Việt Nam một lần nữa tiến hành hội nghị thảo luận vấn đề hội nghị Genève, Kiều Hiểu Quang đã tham dự.

Hội nghị lần này đã xác định phương châm tổng quát của phái đoàn Việt Nam là: phải thực hiện độc lập, thống nhất và hòa bình cho Việt Nam. Do đó, quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương. Từ thực tiễn xác định các điểm quan trọng của phương châm là: đình chiến, rút quân và tổng tuyển cử. Nếu tiến hành tổng tuyển cử, các uỷ viên Bộ Chính trị cho rằng khả năng giành thắng lợi là rất lớn. Nếu đối phương không chấp nhận tuyển cử và rút quân, thì giới tuyến đình chiến phân định càng về phía Nam các có lợi. Cụ thể, giới tuyến sẽ được xác định tại đâu sẽ dự theo tiến triển của tình hình để quyết định.

Trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh chỉ định Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đảm nhiệm chức Trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội nghị Genève.

Phạm Văn Đồng là một nhà cách mạng rất lão luyện. Sinh năm 1906, khi còn đi học, sự kiện chính quyền thực dân Pháp bức hại hai nhà trí thức yêu nước Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu đã gây ảnh hưởng rất sâu sắc đối với ông. Năm 1925, Phạm Văn Đồng lúc đó 19 tuổi đã tham gia phong trào bãi khóa của học sinh. Năm sau, ông liên lạc với được với tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo, và đến Quảng Châu học tập một thời gian ngắn. Đầu năm 1927 ông trở về Sài Gòn dạy học, đồng thời phát động thành lập hội liên hiệp học sinh sinh viên Sài Gòn. Đầu năm 1929, Phạm Văn Đồng được bầu làm uỷ viên Thanh niên cách mạng đồng chí hội phân hội Nam Kỳ, tháng 5 cùng năm đó, được bầu làm uỷ viên tổng hội toàn quốc. Song chỉ hai tháng sau ông bị bắt, bị giam tại Côn Đảo, đến tận năm 1936 mới được thả.

Năm 1940, Phạm Văn Đồng cùng Võ Nguyên Giáp bí mật sang Trung Quốc, trực tiếp chịu sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Tháng 5 năm 1940, theo sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng trở về Cao Bằng tổ chức thành lập Việt Nam Đồng minh hội. Sau Cách mạng tháng Tám, Phạm Văn Đồng giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ lâm thời. Tháng 5 năm 1946, ông tham gia đoàn đại biểu Việt Nam sang Pháp. Tháng 6, ông đảm nhiệm chức Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam đàm phán với Chính phủ Pháp.

Tháng 12 năm 1946 cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam bùng nổ, Phạm Văn Đồng làm đặc phái viên Trung ương ĐCS Đông Dương tại Trung bộ Việt Nam. Ngày 8/8/1948, ông được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Tháng 2/1951, tại đại hội thành lập ĐLĐ Việt Nam, Phạm Văn Đồng được bầu làm uỷ viên ban chấp hành trung ương. Trong cuộc đấu tranh vũ trang lâu dài, Phạm Văn Đồng dần dần trở thành một trong những lãnh đạo chủ chốt của đảng, mọi ý kiến của ông đều rất được Hồ Chí Minh coi trọng. Lần này, Hồ Chí Minh muốn Phạm Văn Đồng đến Bắc Kinh trước, hỏi ý kiến trung ương ĐCS Trung Quốc.

Phạm Văn Đồng gánh vác trọng trách, trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc La Quý Ba cũng hỗ trợ ông tiến hành các công tác chuẩn bị. Thời đó, quan hệ giữa Phạm Văn Đồng và La Quý Ba vô cùng mật thiết. Khi thành lập phái đoàn Việt Nam, Phạm Văn Đồng nói với La Quý Ba: “Đồng chí Quý này, trong phái đoàn Việt Nam chúng tôi còn có một đồng chí Trung Quốc”.

La Quý Ba rất ngạc nhiên hỏi “Là ai vậy?”

Phạm Văn Đồng cho biết ông đã lựa chọn được từ lâu nhân vật này rồi. Ông nói muốn nhờ phiên dịch viên tiếng Việt của La Quý Ba là Văn Trang tham gia công tác của phái đoàn Việt Nam. Nghe thấy vậy, La Quý Ba trầm ngâm.

Trong đoàn cố vấn Trung Quốc, tài năng ngôn ngữ của Văn Trang đã được công nhận rõ ràng. Anh tên thật là Thư Thủ Huấn, sinh năm 1922, người Nga Khánh, Vân Nam, từ rất trẻ đã tham gia phong trào học sinh tiến bộ. Khi còn học tại Đại học Vân Nam, tháng 7 năm 1946, anh đã được kết nạp đảng, sau đó được bầu làm Chủ tịch Hội sinh viên Vân Nam, là một trong ba lãnh đạo của liên hội sinh viên Côn Minh thời bấy giờ. Tốt nghiệp, lo ngại nhân thân anh có thể đã bị lộ, tổ chức ĐCS Trung Quốc điều anh sang Việt Nam, xem xét tình hình thực tế để có thể tổ chức lực lượng vũ trang tại khu vực biên giới Trung - Việt.

Mùa Thu năm 1947, Văn Trang và vợ mới cưới là Diệp Tinh (tên thật là Dương Nguyệt Tinh) rời Côn Minh, đi bộ ba tháng ròng đến tỉnh Lào Cai của Việt Nam. Trong thời gian chờ đợi phân công nhiệm vụ, Văn Trang vốn đã thạo tiếng Anh và tiếng Pháp bắt đầu học tiếng Việt. Bản thân anh cũng không ngờ chỉ trong vòng ba tháng, tiếng Việt của anh đã tiến bộ rõ rệt, khiến anh có niềm tin vững chắc sẽ nhuần nhuyễn thêm một ngoại ngữ mới.

Do tình hình khu vực biên giới phức tạp, được sự giúp đỡ của ĐCS Đông Dương, Văn Trang và Diệp Tinh đã tiến về phía Nam đến tỉnh Phú Thọ. Tại đó, Văn Trang gặp Chủ nhiệm uỷ ban Hoa Kiều Việt Nam Lý Ban, và được mời tham gia công tác trong uỷ ban Hoa Kiều do Lý Ban lãnh đạo. Mùa Xuân 1948, được Lý Ban sắp xếp, Hồ Chí Minh đã gặp Văn Trang, hỏi han tình hình học tiếng Việt của anh. Lúc gặp mặt, Hồ Chí Minh chủ động bắt tay Văn Trang, thái độ hòa nhã hỏi: “Người anh em, đã biết nói tiếng Việt chưa?”

“Có biết đôi chút”.

“Vậy thì tốt, hoan nghênh anh đến Việt Nam công tác. Làm việc tại Việt Nam thì phải biết tiếng Việt” - Hồ Chí Minh nghiêm túc nói “Cần tiếp tục củng cố tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt – Trung, cùng đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Anh mới đến Việt Nam chưa lâu, cần chú ý tìm hiểu tình hình, đồng thời cũng cần nỗ lực học tiếng Việt. Anh học rất nhanh, nhưng chưa chuẩn lắm, vẫn cần cố gắng nhiều hơn”.

Được sự động viên của Hồ Chí Minh, Văn Trang càng tự giác học tiếng Việt, tiến bộ rất nhanh. Đầu năm 1950, La Quý Ba đến Việt Nam, Văn Trang lập tức trở thành phiên dịch viên chính của ông.

Đứng trước hội nghị Genève muôn vàn khó khăn như vậy, Phạm Văn Đồng và La Quý Ba đều biết rằng công tác phiên dịch Việt – Trung vô cùng quan trọng. La Quý Ba đồng ý với yêu cầu của Phạm Văn Đồng, gọi Văn Trang đến thông báo: “Hiện các đồng chí Việt Nam muốn cậu cùng họ đi Genève, chủ yếu phối hợp với công việc của Phạm Văn Đồng. Tôi đã đồng ý rồi, cậu chuẩn bị đi, đến lúc đó chúng tôi sẽ đến đón cậu”.

Văn Trang vô cùng ngạc nhiên. Vốn dĩ, khi quân đội Việt Nam phát lệnh tấn công Điện Biên Phủ, anh rất muốn có cơ hội đến nơi tiền tuyến Điện Biên Phủ, đích thân tham gia chiến đầu. Bây giờ lại điều anh đến tận châu Âu cách xa hẳn chiến trường.

Nhưng ngạc nhiên chỉ trong chốc lát, Văn Trang lập tức tiếp nhận nhiệm vụ. Tận 40 năm sau, vị giáo sư Văn Trang thông thạo tiếng Việt vẫn nói với tác giả cuốn sách này: “Nghĩ lại việc được cùng phái đoàn Việt Nam tham gia hội nghị Genève - thật như là nằm mơ”.6

Sau khi Hồ Chí Minh phê chuẩn, phái đoàn Việt Nam tham gia hội nghị Genève đã được thành lập. Phó Thủ tướng phụ trách công tác tài chính kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng được cử làm trưởng đoàn, các thành viên chủ chốt trong đoàn còn có: Bộ trưởng Thương nghiệp Phan Anh, Thứ trưởng bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng bộ Tư pháp Trần Công Tường, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Hoàng Văn Hoan.

Các nhân viên phái đoàn Việt Nam đã hết sức khẩn trương chuẩn bị cho hội nghị Genève đang đến gần. Văn Trang cũng là một trong số đó, đọc tài liệu, dịch những tài liệu chỉ định. Phía Việt Nam chuẩn bị cho anh một cuốn hộ chiếu Việt Nam, trong đó sử dụng tên tiếng Việt anh dùng tạm thời lúc đó là Võ Nam. Văn Trang trở thành một người Trung Quốc trong phái đoàn Việt Nam tham gia hội nghị Genève. Không có điều gì có thể thể hiện rõ hơn mức độ thân mật trong quan hệ Trung - Việt.

Giữa tháng 3, nắng vàng rải khắp vùng rừng núi miền Bắc Việt Nam. Trong rừng sâu, bên ngôi nhà nhỏ, Hồ Chí Minh, 64 tuổi, trong bộ quần áo vải trông rất phấn khởi. Sự vui vẻ của ông đã truyền sang tất cả mọi người ở căn cứ địa. Trước đó không lâu, những phát biểu của Hồ Chí Minh trong cuộc trả lời tờ Tin nhanh của Thụy Điển đã gây ảnh hưởng rất tốt trên quốc tế, giúp Việt Nam giành được quyền chủ động về ngoại giao. Những tin tức từ Điện Biên Phủ truyền về càng khiến Hồ Chí Minh lộ rõ niềm vui. Vài ngày nữa, ông sẽ đi Bắc Kinh, cùng thảo luận với các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc vấn đề hội nghị Genève, ngoài ra cũng bàn bạc những ảnh hưởng đối với toàn bộ cục diện Đông Dương sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ năm 1950, hầu như cứ gặp thời điểm quan trọng mang tính thay đổi đại cục, Hồ Chí Minh đều đi Bắc Kinh, cùng với ĐCS Trung Quốc hội ý đối sách. Và lần này, ông đi mà trong lòng càng yên tâm hơn.

Trước khi xuất phát, Hồ Chí Minh đã gặp phóng viên nổi tiếng Australia W. Burchett vừa từ Bắc Kinh tới. Về cuộc gặp này, Burchett đã có đoạn ghi chép hết sức sinh động:

Tiếng máy ầm ầm của một chiếc máy bay rền vang đâu đó trên cao, nó không có cơ hội nhìn thấy ngôi làng nhỏ gồm hơn mười gian nhà dựng bằng tre nứa và lợp lá cọ này. Cây cối trong làng đã bị chặt không ít, nhưng những tán cây cổ thụ cao lớn cùng nhiều cây khác trong rừng vẫn đan xen kết chặt với nhau đủ tạo thành lớp màn che phủ dầy đặc, tựa như tấm lưới tự nhiên bảo vệ ngôi làng nhỏ trong rừng. Một chiếc máy có thể lượn qua lượn lại trên bầu trời xanh cách lớp tán cây vài mét trong vòng cả giờ cũng không thể phát hiện được những vật ở bên dưới mặt đất.

Hồ Chí Minh đặt trên cái bàn tre nhỏ giữa ông với Burchett một cái mũ cũng được đan bằng nan tre. Đó là mũ Hồ Chí Minh hay đội khi đi gặp bộ đội hoặc nông dân.

Burchett hỏi “Tại sao truyền hình Pháp ra rả suốt về Điện Biện Phủ vậy, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?”

“Đây chính là Điện Biên Phủ” - Hồ Chí Minh không nhanh cũng không chậm trả lời bằng tiếng Anh, vừa nói vừa lật chiếc mũ trên bàn. “Ở đây đều là các mỏm núi” - vừa nói vừa dùng ngón tay gầy guộc đưa theo vành mũ minh họa nói “và cũng là nơi chúng tôi đang đóng quân”.

Nói tới đây, Hồ Chí Minh chỉ vào trong lòng mũ. “Phía dưới là thung lũng Điện Biên Phủ, người Pháp ở đó, họ không thể ra được. Có thể sẽ cần một thời gian tương đối dài, nhưng họ sẽ không thể ra được”. Đó chính là niềm tin của Hồ Chí Minh. Từ ngày 20/11/1953 khi quân Pháp đổ bộ xuống Điện Biên Phủ, quân đội Việt Nam đã chớp ngay lấy cơ hội ngàn vàng đó, điều động tất các các sư đoàn cơ động chiến lược lập tức Tây tiến, bao vây hơn một vạn quân Pháp trong vòng 4 tháng, đồng thời vận chuyển trọng pháo do Trung Quốc viện trợ lên Điện Biên Phủ. Ngoài ra, được Trung Quốc trang bị, hai tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly cũng đã được đưa đến Điện Biên Phủ. Như vậy, lính Pháp có lắp cánh cũng không thể bay thoát.

Ngày 23/3/1954, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng dẫn theo hai tùy tùng đến Bằng Tường, Quảng Tây, sau đó lên xe lửa đi Bắc Kinh.

1 Kim Xung Cập (chủ biên), Truyện Chu Ân Lai, Trung ương Văn hiến XBX, 1998, tr. 154-155.

2 Cuộc đời Thủ tướng Chu Ân Lai, Nhân dân XBX, 1997, tr. 74-75.

3 Trích “Điện báo cử Kiều Quán Hoa, Hoàng Hoa về Bắc Kinh tham gia công tác chuẩn bị hội nghị Genève”, “Các văn kiện của Mao Trạch Đông kể từ khi lập quốc” – Trung ương Văn hiến XBX, 1990.

4 Dương Tú Sinh, người Trường Sa - Hồ Nam, là anh họ Dương Khai Tuệ, vợ trước của Mao Trạch Đông, TG.

5 Tuyển tập các bức thư của Mao Trạch Đông, Nhân dân XBX, 1983.

6 TG phỏng vấn Văn Trang tại Bắc Kinh tháng 2/1990; tham khảo phát biểu của Văn Trang được Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Vân Nam biên tập xuất bản “Vấn đề quốc tế’ (1991) và “Bên cạnh Hồ Chí Minh” (1992).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss