Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 / CHƯƠNG 6 - Nhân tài hội tụ trong đoàn đại biểu Trung Quốc

CHƯƠNG 6 - Nhân tài hội tụ trong đoàn đại biểu Trung Quốc

- Tiền Giang - Bản dịch Dương Danh Dy — published 05/01/2009 17:13, cập nhật lần cuối 06/02/2009 09:14


CHƯƠNG 6

Nhân tài hội tụ trong đoàn đại biểu Trung Quốc

 

Những mảnh đất vàng, đất đen, đất đỏ của Trung Quốc đã thai nghén trong nó hàng nghìn năm văn minh lịch sử. Hoàng Hà, Trường Giang đều cuồn cuộn chảy dòng chảy trí tuệ, năm này qua năm khác đã nuôi dưỡng những tâm hồn con cháu Viêm hoàng. Đoàn đại biểu Trung Quốc đã hội tụ được một loạt các nhân tài ưu tú. Chu Ân Lai - lúc đó là Thủ tướng Trung Quốc - tự hào nói về chất lượng của đoàn đại biểu lần này: “Đây giống như một vở diễn lớn của Mai Lan Phương1, mỗi một người là một bộ phận kỳ hoàn hảo, tạo nên một khối thống nhất mạnh mẽ.”

 
Vương Bỉnh Nam - Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận mệnh lệnh của Chu Ân Lai tổ chức các nhóm tham gia đoàn đại biểu Trung Quốc. Khi báo cáo với Chu Ân Lai về ý nghĩa trọng đại của chuyến đi Genève lần này, Vương Bỉnh Nam nói rằng “đây là lần đầu tiên chúng ta tham gia hội nghị quốc tế lớn kể từ sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập. Vì vậy nên cử nhiều người tham gia, và phải bao gồm các chuyên gia trên mọi lĩnh vực. Một là để mở rộng nhu cầu công việc, hai là tạo cơ hội tốt để mọi người biết thế nào là đấu tranh ngoại giao trên trường quốc tế.

Chu Ân Lai đồng ý với ý kiến của Vương Bỉnh Nam. Lúc đó, khi biết đoàn đại biểu của Liên Xô gồm hơn 200 thành viên tham gia, Chu Ân Lai nói: “đoàn đại biểu của chúng ta có thể đi 200 người”.

Vương Bỉnh Nam đã lập danh sách các thành viên tham gia để khi Chu Ân Lai xem xét, nhìn vào bản danh sách, từ đáy lòng ông có thể tự hào vì người thuộc cấp của mình có thể tập hợp được nhiều nhân tài ưu tú như vậy.

Những mảnh đất vàng, đất đen, đất đỏ của Trung Quốc đã thai nghén trong nó hàng nghìn năm văn minh lịch sử. Hoàng Hà, Trường Giang đều cuồn cuộn chảy dòng chảy trí tuệ, năm này qua năm khác đã nuôi dưỡng những tâm hồn con cháu Viêm Hoàng, làm cả thế giới phải kinh ngạc về trí tuệ cũng như lực lượng của họ. Trên mảnh đất này, một khi gột rửa được hết những vết bẩn trong lịch sử các vương triều phong kiến, xây dựng được một cơ chế xã hội hoàn toàn mới, tràn đầy sức sống, thì Trung Quốc sẽ đi lên con đường huy hoàng, ngẩng cao đầu trước các dân tộc trên thế giới. Nếu như những bậc tiền bối trong lịch sử cũng được xem qua bản danh sách này, họ cũng sẽ có những cảm xúc giống như Chu Ân Lai.

Đầu tiên hãy xem Bí thư trưởng, đoàn đại biểu Vương Bỉnh Nam là ai.

Vương Bỉnh Nam (1908-1988), sinh ra trong một gia đình giàu có tại huyện Càn thuộc tỉnh Thiểm Tây, sớm tham gia cách mạng. Năm 1925, Vương Bỉnh Nam tham gia Đoàn Thanh Niên Cộng sản Trung Quốc. Năm 1926, gia nhập ĐCS Trung Quốc và tiến hành các hoạt động xây dựng đảng tại các huyện Càn và Thuần Hóa. Năm 1929, ông là lưu học sinh Nhật Bản. Năm 1931, dưới sự giúp đỡ của Dương Hổ Thành, ông đi du học tại Đức. Khi là lưu học sinh tại Đức, ông đã đảm nhiệm chức Thư ký ban tiếng Trung Quốc của ĐCS Đức, và kết hôn với một phụ nữ người Đức. Năm 1936, ông về nước làm việc cùng Dương Hổ Thành tại đạo quân thứ 17. Trong “sự biến Tây An” xảy ra không lâu sau đó, ông đã giúp Chu Ân Lai làm rất nhiều việc, phát huy tác dụng tích cực.

Sau khi cuộc chiến chống Nhật nổ ra, Chu Ân Lai với vai trò là đại biểu ĐCS Trung Quốc thường trú tại khu giải phóng, và phụ trách công việc của Cục miền Nam - ĐCS Trung Quốc, thì Vương Bỉnh Nam đều là trợ thủ của Chu Ân Lai. Năm 1938, Cục miền Nam thành lập “Tổ tuyên truyền đối ngoại”, do Vương Bỉnh Nam trực tiếp phụ trách, thành viên gồm có: người vợ mang quốc tịch Đức- Vương Anna của Vương Bỉnh Nam, nhà văn Tất Sóc Vọng, Hứa Mạnh Hùng.v.v. Các thành viên của tổ tuyên truyền này đều thông thạo tiếng Anh, nhiệm vụ chủ yếu khi mới hoạt động là dịch các văn kiện của Mao Trạch Đông, như “Bàn về đánh lâu dài”, cùng những thông cáo đối ngoại của trung ương ĐCS Trung Quốc.

Năm 1939, Diệp Kiếm Anh thay mặt Cục miền Nam tuyên bố thành lập “tổ đối ngoại” của ĐCS Trung Quốc. Vương Bỉnh Nam làm tổ trưởng, Trần Gia Khang là tổ phó, thành viên gồm có: Kiều Quan Hoa, Cung Bành, Lý Thiếu Thạch, Chương Văn Tấn, Lưu Quang, Trần Khiết.v.v. Tổ đối ngoại này triển khai công tác dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chu Ân Lai.

Sau khi kháng chiến thắng lợi, khi Mao Trạch Đông đến Trùng Khánh đàm phán thì Vương Bỉnh Nam đã từng làm thư ký cho ông. Sau khi nội chiến nổ ra trên diện rộng, Vương Bỉnh Nam trở về khu giải phóng, đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Vụ Đối ngoại - Trung ương ĐCS Trung Quốc. Sau khi thành lập nước CHND Trung Hoa, Bộ Ngoại giao được thành lập. Vương Bỉnh Nam được cử làm Chánh Văn phòng Bộ ngoại giao. Đầu năm 1954, Vương Bỉnh Nam làm Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chánh văn phòng.

Công tác chuẩn bị cho hội nghị Genève rất phức tạp, khối lượng công việc lớn, nên Vương Bỉnh Nam vô cùng bận rộn. Ông tổ chức xây dựng các chế độ và công việc cho đoàn đại biểu, sắp xếp các thành viên của các tổ, chuẩn bị các tài liệu về tất cả những lĩnh vực mà hội nghị sẽ đề cập đến. Kể cả việc các thành viên đoàn đại biểu mặc gì đi tham gia hội nghị cũng được ông tính đến. Về việc này, còn có một câu chuyện rất thú vị. Vương Bỉnh Nam thấy rằng khi đã tham gia hội nghị quốc tế thì trang phục của đoàn đại biểu Trung Quốc nhất định phải trang trọng và nghiêm túc, nên ông đã chọn loại vải màu đen, may cho mỗi người một bộ trang phục kiểu “Trung Sơn”. Đến Genève, khi các thành viên của đoàn đại biểu Trung Quốc tập trung đi trên phố, mọi người đi trên đường ai nấy đều đứng nghiêm, bỏ mũ cúi chào họ, khiến các đại biểu Trung Quốc rất ngạc nhiên. Sau đó mới biết rằng, ở Thụy Sĩ, chỉ có mục sư mới mặc bộ đồ đen từ đầu đến chân trong ngày thường, người Genève vì thế tưởng những người Trung Quốc này là những mục sư đi truyền giáo. Mấy chục năm sau, khi Vương Bỉnh Nam nhớ lại đã viết rằng: “Đây tuy là chuyện nhỏ, nhưng cũng cho thấy rõ chúng ta lần đầu bước ra trường quốc tế còn có rất nhiều điều phải học hỏi.”2

Vương Bỉnh Nam xem xét tỉ mỉ đến các vấn đề như thế không phải là không có lý do, Chu Ân Lai còn thường xem xét tỉ mỉ hơn. Ông dặn dò Vương Bỉnh Nam phải sắp xếp hai đầu bếp giỏi trong đoàn đại biểu để trong thời gian Hội nghị Genève ông phải tiếp khách và giao lưu bè bạn.

Chu Ân Lai rất thích uống một chút rượu. Ông dặn Vương Bỉnh Nam và Vương Trác Như phụ trách lễ tân mang theo một ít rượu Mao Đài, Quý Châu, để người châu Âu có thể thử được “ngọc trong rượu Trung Quốc”. Chu Ân Lai thậm chí còn không quên dặn dò mang theo chè uống. Ông yêu cầu mang thêm một ít “Bích Loa Xuân” mới hái ở Đông Sơn, bên bờ Thái Hồ tại Tô Châu, để hương thơm nho nhã của nó có thể bay đến Genève xa xôi.

Khi tham gia hội nghị quốc tế thì vấn đề phiên dịch là vô cùng quan trọng. Vương Bỉnh Nam không lo về phiên dịch cả tiếng Anh lẫn tiếng Nga. Hai thứ tiếng này nhân tài vô cùng nhiều. Hai anh em Phổ Thọ Xương và Phổ Sơn đều đi du học ở Mỹ về, nói tiếng Anh lưu loát, trơn tru, không có gì để thắc mắc. Hơn nữa, ngoài lãnh đạo đoàn đại biểu Trương Văn Thiên còn có Hoàng Hoa, Cung Bành và Chương Văn Tấn cũng có thể tự mình phiên dịch.

Lần này, còn có một thanh niên tham gia công tác phiên dịch cho đoàn đại biểu là Ký Triều Chú. Lúc đó ông vẫn chưa có tên tuổi gì, về sau ông trở thành nhà phiên dịch tiếng Anh xuất sắc nhất Trung Quốc. Từ năm 1992 đến năm 1996 ông giữ chức Phó Tổng thư ký LHQ.

Ký Triều Chú sinh năm 1929 trong một gia đình giàu có ở Sơn Tây. Cha ông là Ký Cống Tuyền, cũng là một nhân vật nổi tiếng ở tỉnh Thiểm Tây. Ký Cống Tuyền sớm đã đi du học ở Nhật, đạt được học vị cử nhân Luật trường đại học Minh Trị. Sau khi về nước, ông từng làm việc ở Bộ Giáo dục của Chính phủ Bắc Dương. Lãnh đạo cấp trên của ông lúc đó chính là đại văn hào Lỗ Tấn. Ký Cống Tuyền làm việc ở Bắc Kinh không lâu thì trở về Sơn Tây, đảm nhiệm giáo viên chính trường Luật tại tỉnh, sau đó là hiệu trưởng, rồi làm Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Sơn Tây. Trước khi chiến tranh chống Nhật nổ ra, Ký Cống Tuyền đưa vợ và con trai sang Mỹ. Năm đó, Ký Triều Chú 9 tuổi. Năm 1940, Ký Cống Tuyền và Đường Minh Chiếu cùng sáng lập ra “Nhật báo Hoa kiều hàng tuần” tại Mỹ. Ký Cống Tuyền là Tổng biên tập.

Tại New York, Ký Triều Chú đã học xong bậc tiểu học và trung học, sau đó thi vào Đại học Havard học chuyên khoa hóa. Lúc còn nhỏ, sở thích của ông rất nhiều, đã từng chuyên tâm vào khảo cổ học, sau đó lại chuyển sang lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật. Nhưng cha ông, Ký Công Tuyền, lại luôn muốn con trai mình học ngành khai thác khoáng sản, về sau trở về Sơn Tây khai khoáng. Lệnh cha không thể trái, Ký Triều Chú chọn hóa học, lý do vì ngành khai thác khoáng sản không thể tách rời hóa học, nên Ký Triều Chú chỉ có thể chọn như vậy.

Ký Triều Chú học được hai năm ở Đại học Havard thì chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Ký Cống Tuyền lo sợ phát sinh bất trắc không trở về nước được nên nhanh chóng đưa cả nhà về nước. Sau khi về nước, Ký Cống Tuyền làm Ủy viên chuyên môn Ủy ban pháp chế của chính phủ trung ương, sau đó ông trở về Sơn Tây làm Ủy viên chính quyền nhân dân tỉnh, năm 1967 thì mất. Ký Triều Chú sau khi về nước tiếp tục theo đuổi “giấc mộng hóa học” ở Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.

Đàm phán đình chiến Triều Tiên cần gấp nhân tài tiếng Anh. Ký Triều Chú một lòng tận tâm báo quốc, trở thành nhân viên tốc ký tiếng Anh cho đoàn đại biểu đàm phán của quân tình nguyện Trung Quốc đến Triều Tiên. Trong quá trình đàm phán gay cấn, năng lực tiếng Anh của ông nhanh chóng được bộc lộ. Lần này, tham gia hội nghị Genève, Chu Ân Lai điện báo gọi Hoàng Hoa và Kiều Quan Hoa trở về. Ký Triều Chú cũng đến Bắc Kinh để tham gia công tác chuẩn bị cho hội nghị Genève.

Tiếng Anh sử dụng rộng rãi, người học rất nhiều, tự nhiên sẽ xuất hiện nhân tài, Vương Bỉnh Nam tất có tính toán.

Thế còn phiên dịch tiếng Nga thì sao? Nhà cách mạng lão thành Sư Triết là phiên dịch tiếng Nga đầu ngành, không có gì phải tranh cãi. Ông sinh năm 1905, sau đó làm việc 15 năm tại Liên Xô, trước và sau khi nước Trung Quốc mới ra đời thì các cuộc hội đàm quan trọng giữa hai nước Trung Quốc – Liên Xô đều do ông làm phiên dịch. Các phiên dịch viên tiếng Nga một thời như Lý Việt Nhiên, Phương Tổ An đã tỏ ra tương đối xuất sắc, tương lai sẽ có đất dụng võ. Ngoài ra, còn có con gái liệt sĩ Âu Dương Phi từ nhỏ đã sống ở Moskva. Bà thông thạo tiếng Nga như người Nga nói tiếng mẹ đẻ. Vương Bỉnh Nam đặc biệt quan tâm chính là phiên dịch tiếng Pháp, vì Genève là khu vực nói tiếng Pháp. Lần này đi là muốn giao lưu với người Pháp, nên nhất thiết phải có người thông thạo tiếng Pháp.

Nhân viên Bộ Ngoại giao tiến cử với Vương Bỉnh Nam một số người, trong đó có Đồng Ninh Xuyên, hiện đang làm việc tại Ban thư ký Hội nghị hòa bình thế giới ở Tiệp Khắc; giáo sư Trân Định Dân, Khoa tiếng Pháp Đại học Bắc Kinh, và Viên Bảo Hoa hiện đang công tác ở Bộ ngoại giao vừa đi du học Pháp về không lâu. Ngoài ra, còn có thanh niên Trương Tích Xương vừa tốt nghiệp đại học, là phiên dịch tiếng Pháp chủ yếu.

Tiếng Pháp của cả bốn người đều rất xuất sắc. Vấn đề chỉ là chọn ai làm phiên dịch chính? Vương Bỉnh Nam nói, vấn đề này cũng không khó, chỉ cần kiểm tra là biết. Vì thế, Vương Bỉnh Nam đích thân chủ trì, mời hai người Lăng Kỳ Hàn, Mạnh Cúc Như đã từng làm việc tại đại sứ quán Dân Quốc tại Pháp tham gia khởi nghĩa trở về, nói tiếng Pháp cực giỏi tham gia ban giám khảo. Ngoài ra, còn có một quan chức tại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cùng làm giám khảo, dùng tiếng Pháp kiểm tra luân phiên bốn người, gồm dịch nói, dịch viết và dùng tiếng Pháp trả lời các câu hỏi. Kiểm tra hết một ngày tròn, Vương Bỉnh Nam sau đó nói với Đổng Ninh Xuyên: “ông đã được chọn làm phiên dịch chính cho Thủ tướng Chu Ân Lai, nên phải chuẩn bị tốt. Nhiệm vụ phiên dịch lần này rất quan trọng, nhất định phải tận tâm tận lực. Những vị khác cũng đi Genève, nhưng khi phiên dịch thì ông là phiên dịch chính.

Đổng Ninh Xuyên dáng vẻ tao nhã lịch sự, ông là người Đại Lý - tỉnh Vân Nam, sinh năm 1919. Từ nhỏ, Đổng Ninh Xuyên học ở quê hương Đại Lý, sau đó học tiếp lên trung học tiếng Pháp ở Côn Minh (thủ phủ Vân Nam), sau khi tốt nghiệp, ông được học bổng học tiếp tại trường trung học Bảo hộ ở Hà Nội - Việt Nam. Ở đây, từ học tập đến sinh hoạt đều dùng tiếng Pháp.

Trong kháng chiến chống Nhật, ông trở về Đại Lý-Vân Nam, chú tâm học tiếng Pháp và tiếng Anh tại trường Đại học Hoa Trung. Sau khi kháng chiến thắng lợi, ông thi được học bổng du học nước ngoài, vào học viện chính trị Pháp ở Paris. Đây là học viện nổi tiếng được thành lập trong thời kỳ chế độ cộng hòa thứ 3 của Pháp, sau này là nơi các Tổng thống [Valéry Giscard] d’Estaing và [Jacques René] Chirac từng học tập. Không lâu sau, Đổng Ninh Xuyên chuyển đến Đại học Paris. Năm 1949, ông làm luận văn “Chính sách của Pháp đối với Trung Quốc trong thời Thái Bình Thiên Quốc” đã đạt được học vị thạc sĩ.

Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, Đổng Ninh Xuyên tiến bộ không ngừng và được chọn là Chủ tịch Hội du học sinh Trung Quốc tại Pháp. Trong lần tham gia Đại hội học sinh thế giới tại Praha, Phó Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc Ngô Học Khiêm gặp được Đổng Ninh Xuyên và khuyên ông về nước làm việc. Tháng 1 năm 1951, Đổng Ninh Xuyên về nước từ Hồng Kông. Không lâu sau, ông làm việc trong đoàn đại biểu Trung Quốc tại Ban thư ký Hội nghị hòa bình thế giới ở Praha. Tiếng Pháp của ông vốn đã tốt, nay được làm việc trong môi trường tiếng Pháp nên càng được nâng cao.

Đổng Ninh Xuyên khi được biết sẽ là phiên dịch cho Thủ tướng Chu Ân Lai thì rất vui mừng, kỳ vọng sẽ được diện kiến Thủ tướng trong một ngày không xa. Thế nhưng suốt bốn tháng liền ông vẫn chưa có cơ hội vì Chu Ân Lai quá bận rộn, từ ngày 1 đến ngày 20 tháng Tư, ông đã bay ba lần từ Bắc Kinh đến Moskva.

Do hội nghị Genève có liên quan đến vấn đề Đông Dương, nên Chu Ân Lai và Vương Bỉnh Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề Việt Nam. Nhà lão thành cách mạng Trương Dực được bổ nhiệm làm người phụ trách “Tổ Việt Nam”.

Trương Dực được coi là “người thông thạo Việt Nam”. Ông sinh năm 1913 trong một gia đình Hoa kiều ở miền Nam Việt Nam. Năm 1922, ông trở về Trung Quốc để học tập. Năm 1934, tham gia cách mạng. Những năm 30 của thế kỷ XX, ông học khoa Văn - Đại học Trung Quốc ở Bắc Bình, năm 1938 thì vào Đ[CS]ảng. Cùng năm, ông chuyển đến Thượng Hải. Ở Thượng Hải, Trương Dực không may bị nhiễm bệnh phổi, phải đến Sơn Đầu ở Quảng Đông để dưỡng bệnh.

Do cuộc chiến chống Nhật ngày càng đến gần, sức khỏe của Trương Dực lại rất yếu, nên khi được Bí thư Thành ủy Sơn Đầu phê chuẩn, ông quay trở lại miền Nam Việt Nam để dưỡng sức. Tại Sài Gòn-Việt Nam (nay là thành phố Hồ Chí Minh), Trương Dực đã tham gia cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp của người dân miền Nam Việt Nam, từng giữ chức Chủ nhiệm Tổng hội liên hợp giải phóng Hoa kiều ở miền Nam Việt Nam và làm việc nhiều với lãnh đạo miền Nam là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, vì thế nên rất thân quen.

Thời kỳ sau kháng chiến chống Nhật, Trương Dực đã liên hệ với Trung ương Cục miền Nam, thường xuyên nhận chỉ thị từ người phụ trách Cục Miền Nam, mở rộng công tác Hoa kiều. Sau Chiến tranh thế giới thứ thứ 2, thực dân Pháp trở lại Việt Nam. Chiến tranh chống Pháp của người Việt Nam được mở ra toàn diện. Trương Dực cùng với Trung ương Cục miền Nam - ĐCS Việt Nam duy trì chiến tranh du kích. Năm 1951, Ban liên lạc - Trung ương ĐCS Trung Quốc được thành lập, Vương Gia Tường đảm nhiệm Trưởng ban nhiệm kỳ I. Trương Dực được lệnh trở về nước, đảm nhiệm chức Trưởng phòng, Phòng Việt Nam thuộc Ban liên lạc - Trung ương ĐCS Trung Quốc. Các đồng chí làm việc trong Tổ Việt Nam ai cũng biết tiếng Việt. Họ và La Quý Ba - lãnh đạo đoàn cố vấn chính trị, cùng Vi Quốc Thanh - lãnh đạo đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc - luôn duy trì mối quan hệ mật thiết với nhau, nắm vững tình hình Việt Nam.

Từ năm 1950, mỗi năm Hồ Chí Minh đều đến Trung Quốc, cùng thảo luận tình hình, đề ra phương châm, chính sách với lãnh đạo trung ương ĐCS Trung Quốc, Trương Dực là phiên dịch chính của Hồ Chí Minh và nhân viên của đoàn. Khi nghiên cứu các vấn đề Việt Nam, Chu Ân Lai luôn đặc biệt chú ý đến ý kiến của Trương Dực.

Mấy chục năm sau, khi Trương Dực hồi tưởng lại chuyện này đã không kìm được cảm xúc mà nói với nhà báo rằng: “Đoàn đại biểu này đúng là nhân tài vô kể, tôi vừa nhìn danh sách nhân viên phiên dịch là đã nhận ra ngay.”

Ngày 2 tháng Tư, ba mươi thành viên đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị Genève đã khởi hành đi Bắc Kinh. Họ đến Bắc Kinh để may trang phục. Khi mọi người vừa đến thì thợ may Thiên Kinh ở tiệm may âu phục “Hồng Đô” nổi tiếng tại Thượng Hải đã đợi sẵn để đo trang phục, may cho mỗi người hai bộ Âu phục. Những con người vừa đi ra khỏi vùng rừng núi nhiệt đới trong chố lát đã thay đổ hình dạng.

Văn Trang lần đầu tiên đến Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc mới không khỏi làm ông cảm thấy mới mẻ và phấn chấn. Theo phân công, ngoài nhiệm vụ phiên dịch thì nhiệm vụ chủ yếu của ông là phụ trách việc liên lạc giữa đoàn đại biểu Việt Nam với đoàn đại biểu Trung Quốc và Liên Xô. Lúc đó, Văn Trang đặc biệt quan tâm xem đoàn đại biểu Trung Quốc đang làm gì, vừa đi nghe ngóng đã được biết họ đang “đại luyện binh”.

Thì ra, để lần ra quân này thu được thắng lợi, các tổ được phân chia theo chuyên ngành đang tiến hành diễn tập theo hình thức mô phỏng. Tổ phiên dịch chủ yếu là tiến hành dịch mô phỏng, tổ tin tức thì lại mô phỏng các cuộc họp báo. Hoàng Hoa là người phát ngôn báo chí của đoàn. Cung Bành là trợ lý chính cho ông. Tại lễ đường Bộ ngoại giao, họ đã ba lần tiến hành lần họp báo mô phỏng. Họ tập hợp các nhà báo hiểu tiếng Anh trong Tân Hoa Xã, Nhân dân nhật báo, cố hết sức đưa ra các câu hỏi hóc búa, thậm chí cả các vấn đề mang tính khiêu khích. Phó Trưởng ban Quốc tế Tân Hoa Xã Lý Thận Chi đã thảo ra hơn trăm vấn đề cùng các câu trả lời. Hoàng Hoa và Cung Bành đều là những người kinh qua trận mạc nhiều năm mà cũng không dám sơ suất, luyện tập rất nghiêm túc. Lý Thận Chi là trợ lý của người phát ngôn, nên mô phỏng việc trả lời các câu hỏi của các nhà báo trong buổi chiêu đãi. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Chương Hán Phu cùng một số người khác làm bình luận viên tại cuộc họp. Có lần ông bình luận, nói: “trong cuộc họp báo hôm nay, trợ lý người phát ngôn quá sôi nổi, khiến Lý Thận Chi giật mình, lập tức tự cảnh cáo phải biết kiềm chế một chút.”

Đối với giai đoạn công tác chuẩn bị trước hội nghị diễn ra rất căng thẳng này, Sư Triết hồi tưởng lại rất rõ rằng Đặng Dĩnh Siêu [vợ Chu Ân Lai] đặc biệt quan tâm đến việc liệu sức khỏe của Chu Ân Lai có chịu được gánh nặng của công việc của hội nghị hay không. Trước khi đi, Sư Triết với tư cách là cố vấn đoàn đại biểu đến chào từ biệt Đặng Dĩnh Siêu. Bà đã dặn dò, những ngày này, Thủ tướng tương đối lao lực, có khi còn chảy máu cam, vậy nên nhắc nhở mọi người chú ý chăm sóc đến sức khỏe của Thủ tướng sau khi đến Genève, không nên để ông quá lao lực. Sư Triết gật đầu liên tục, song trong lòng ông biết, không ai có thể khuyên Chu Ân Lai ngừng làm việc.

Chu Ân Lai lại càng quan tâm đến trợ thủ của mình. Sắp đến ngày xuất phát, ông bảo thư ký Mã Liệt gọi phiên dịch tiếng Nga mới nổi danh là Lý Việt Nhiên đến, nói với ông: “lần này đi Genève phải qua Liên Xô, dừng ở Moskva mấy ngày. Sức khỏe của Lý Khắc Nông không tốt, không thể ngồi máy bay đường dài, nên để ông ngồi tàu hỏa đến Irkutsk đợi chúng ta, sau khi gặp nhau sẽ bay đến Moskva. Vậy nên phiền đồng chí cùng ngồi tàu hỏa với Lý Khắc Nông đến Irkutsk, trên đường tiện chăm sóc nhau.” Vì thế, Lý Khắc Nông đã mang theo mấy trợ thủ rời khỏi Bắc Kinh trước.

Ngày 12 tháng Tư, Chu Ân Lai sau khi từ Liên Xô trở lại Bắc Kinh, đích thân chủ trì hội nghị toàn thể các thành viên đoàn đại biểu, nõi rõ ý nghĩa quan trọng của hội nghị Genève lần này. Ông yêu cầu tất cả mọi người phải đồng tâm hiệp lực, làm tốt công tác chuẩn bị, trong hội nghị quốc tế quan trọng lần này phải đạt được kết quả tích cực. Tất cả mọi người không kể chức vụ cao thấp đều phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ và kỷ luật của đoàn đại biểu, không được vi phạm. Chu Ân Lai tự hào nói đến chất lượng của đoàn đại biểu lần này: “Đây giống như một vở diễn lớn của Mai Lan Phương, mỗi một vai diễn phải là một bộ phận trọn vẹn, hợp thành một tổng thể toàn diện.”

Lúc này, danh sách thành viên đoàn đại biểu đã được đưa ra, phong phú đa dạng; đoàn đại biểu được chia làm sáu tổ: tổ về vấn đề Triều Tiên, tổ về vấn đề Việt Nam, vấn đề tổng hợp, tổ tin tức tuyên truyền, tổ thư ký và tổ giao tiếp hành chính, trong đó có thêm năm phiên dịch tiếng Nga, bốn phiên dịch tiếng Anh, bốn phiên dịch tiếng Pháp, ngoài ra còn có đầu bếp, lái xe, tổng cộng là 185 người, cộng thêm 29 nhà báo. Vậy là tổng số thành viên đoàn đại biểu là 214 người.

Ngày 17 tháng Tư, những người phụ trách phía Triều Tiên tham gia đoàn đại biểu đi dự hội nghị Genève là Nam Il, Bạch Nam Vân, Kỳ Thạch Phúc và Trương Xuân đã đến Bắc Kinh. Ngay tối hôm đó, Chu Ân Lai, Kiều Quan Hoa đã đến thăm hỏi, trao đổi ý kiến.

Nam Il nói với Chu Ân Lai: “sự nghiệp thống nhất Triều Tiên từ nay về sau chia làm hai phần là đấu tranh trong nước và đấu tranh nước ngoài. Triều Tiên phải cố gắng hết sức để tham gia vào các tổ chức quốc tế có thể tham gia”. Ông còn nói, việc thống nhất Triều Tiên không phải là việc một sớm một chiều có thể thực hiện được.

Chu Ân Lai gật đầu nói: “Chúng tôi cũng đang nghĩ cách giải quyết vấn đề này. Cục diện Triều Tiên đối lập đã lâu, những hoạt động trên trường quốc tế có thể phát sinh những thay đổi, ví dụ như cả hai miền Bắc, Nam đều gia nhập LHQ.”

Về điểm này, Nam Il không biểu lộ thái độ gì, tình hình phát triển sau này đã chứng minh, dự báo của Chu Ân Lai là chính xác.

Chu Ân Lai thông báo với Nam Il: “Trung ương ĐCS Trung Quốc đã có những thảo luận bước đầu về Hội nghị Berlin diễn ra hồi đầu năm và Hội nghị Genève sắp tới, nhưng vẫn chưa cụ thể. Phán đoán chung là: đối với Hội nghị Genève, nước Mỹ sẽ dùng phương châm phá hoại, khiến hội nghị không đạt được kết quả, mà phương châm của chúng ta là tận dụng hết khả năng có thể để khi hội nghị vừa mở ra là đã đạt được thỏa thuận nhất định. Hội nghị Genève vốn chỉ giới hạn trong vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương. Nếu có thể, chúng ta sẽ nêu ra vấn đề hòa bình châu Á, ví dụ như vấn đề Đài Loan và Nhật Bản. Như vậy, vấn đề Triều Tiên vẫn chủ yếu là do các đồng chí Triều Tiên phát biểu. Căn cứ vào phân tích tình thế, chúng ta nên sáng tạo điều kiện lập lại hòa bình thống nhất Triều Tiên, và đưa ra phương án hòa bình thống nhất Triều Tiên. Nhưng khả năng kết quả của việc tranh thủ này chính là có thể đạt được hiệp định hòa bình trên những vấn đề cụ thể. Lần trước, khi Thủ tướng Kim Nhật Thành nói về vấn đề hội nghị chính trị này, thì Mao Chủ tịch đã nói đến điểm này”.

Chu Ân Lai còn nói: “phương án hòa bình thống nhất tốt nhất là khi hội nghị vừa bắt đầu thì đề cập ngay đến vấn đề Triều Tiên. Nếu phương án này không được, thì phải chuẩn bị phương án hai, phương án ba, để thể hiện chúng ta rất tích cực giải quyết vấn đề Triều Tiên.”

Chu Ân Lai cho rằng, qua nỗ lực, trong hội nghị Genève lần này, có thể sẽ có ba vấn đề sẽ đạt được hiệp định tạm thời:

  1. tất cả quân đội nước ngoài trong thời gian nhất định phải rút khỏi Triều Tiên, bao gồm việc chúng ta rút về bên này sông Áp Lục.

  2. khi chưa đạt được hiệp định thống nhất hòa bình Triều Tiên thì phải duy trì hiện trạng Triều Tiên.

  3. khôi phục thông thương Nam-Bắc Triều Tiên.

Đương nhiên, cũng phải chuẩn bị, có thể không đạt được bất kỳ hiệp định nào.

Ngày 19 tháng Tư, Tân Hoa Xã tuyên bố Chủ tịch Mao Trạch Đông giao nhiệm vụ Chủ tịch đoàn đại biểu Trung Quốc tham gia Hội nghị Genève cho Chu Ân Lai. Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông là đại biểu.

Cùng ngày, lúc 4h50 phút chiều, Chu Ân Lai đã tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc là [Nedyam] Raghavan tại phòng Tây Hoa, Trung Nam Hải, nói rõ quan điểm của Trung Quốc về tình hình châu Á và Hội nghị Genève. Thì ra, thái độ của Thủ tướng Ấn Độ Nerhu đã thu hút sự chú ý của Chu Ân Lai. Ngày 8 tháng Tư, Thủ tướng Ấn Độ Nerhu đã phát biểu tại Quốc hội, yêu cầu “không qua bỏ phiếu công dân”, tức là muốn Pháp trả lại những vùng đất còn chiếm đóng cho Ấn Độ. Ông nói, điều này đã được sự ủng hộ của toàn thể nhân dân Ấn Độ. Những vùng bị chiếm đóng này nên lập tức trả về cho Ấn Độ. Những thủ tục chuyển giao về mặt pháp luật sẽ được thực hiện ngay sau khi vấn đề này được giải quyết. Chính phủ Ấn Độ đồng ý đàm phán với chính phủ Pháp về vấn đề này. Đến ngày 17 tháng Tư, tình hình đã tiến thêm được một bước. Ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ [Anil K] Chanda tại Quốc hội đã tuyên đọc quan điểm của Nerhu đối với thông cáo chung tại Hội nghị Ngoại trưởng hai nước Anh - Mỹ ở London. Nerhu tỏ thái độ với mong muốn của hai nước Anh, Mỹ về việc muốn thành lập một tổ chức giống tổ chức liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tại Đông Nam Á rằng: hai nước Anh, Mỹ chưa hề trao đổi việc này với Ấn Độ. Nerhu chỉ ra rằng, lập trường của Ấn Độ không thay đổi, Ấn Độ vẫn kiến nghị đình chiến ở Đông Dương, và cho rằng chỉ có như vậy mới “có thể mở ra con đường tiến thêm một bước trong đàm phán.”

Thái độ của Chính phủ Ấn Độ rõ ràng có lợi cho phe phương Đông. Chu Ân Lai nói với Đại sứ Ấn Độ: không nên để hội nghị Genève thất bại, nhưng nước Mỹ hiện nay rõ ràng là muốn Hội nghị Genève không đạt được bất kỳ hiệp định nào, đặc biệt là Mỹ đang uy hiếp Pháp, khiến Pháp không thể đạt được hiệp định về vấn đề Đông Dương.

Chu Ân Lai nói đến vấn đề Triều Tiên, vấn đề trọng tâm của hội nghị Genève: Triều Tiên tuy đã đình chiến, nhưng vẫn nên tiến thêm một bước để củng cố hòa bình tại đây, rút tất cả quân nước ngoài, dùng phương pháp hòa bình để Triều Tiên được thống nhất. Nhưng nước Mỹ lại muốn tạo nên cục diện xấu về vấn đề Triều Tiên, trước khi Hội nghị Genève khai mạc, đã lan truyền thông tin rằng hội nghị sẽ không đạt được bất kỳ tiến triển gì. Rõ ràng là Mỹ muốn tạo ra cục diện xấu vì muốn tiếp tục chiếm lĩnh Đài Loan, vũ trang Nhật, duy trì cục diện căng thẳng tại Viễn Đông.

Chu Ân Lai chuyển hướng vấn đề, nói về vấn đề Đông Dương: Triều Tiên đã ở vào thế khó thay đổi, muốn đánh trở lại cũng không phải dễ, vì thế Mỹ nhất định phải tìm một chiến trường nóng khác, đó chính là Đông Dương. Giả sử mặt trận Đông Dương có thể đình chiến, khôi phục hòa bình tại đây, thì Mỹ sẽ không thể tìm được tiếp một nơi nào có thể gây chiến tại châu Á. Vì vậy, mục đích của Mỹ chính là tìm cách không thể đình chiến ở Đông Dương, ngăn trở việc ký kết hiệp định về vấn đề này ở hội nghị Genève.

Đối với quan hệ hai nước Mỹ và Pháp, cách nhìn của Chu Ân Lai là: Chính phủ Mỹ muốn gây sức ép với Pháp, “liên minh hành động” của Dulles cũng chính là nhằm vào Pháp. Mỹ lo sợ hai bên giao chiến ở Đông Dương sẽ đạt được hiệp định. Nhưng tại nước Pháp, tức là tại quốc hội, tiếng gọi hòa bình cũng rất lớn, vì vậy, ngoài Dulles ra thì Nixon cũng sẽ đứng ra phát biểu. Chu Ân Lai nói, giả sử quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội Mỹ tiến vào tiếp quản, mục đích chính của Mỹ chính là Trung Đông và Cận Đông, họ muốn lợi dụng vấn đề Đông Dương để có âm mưu còn lớn hơn.

Chu Ân Lai hy vọng Đại sứ Ấn Độ có thể truyền đạt những lời của ông đến Thủ tướng Nerhu, và hy vọng Ấn Độ có thể phát huy được tác dụng tích cực trong vấn đề Đông Dương.3

Nói chuyện xong với Đại sứ Ấn Độ, nhưng công việc của Chu Ân Lai còn lâu mới kết thúc. Ngày 20 tháng Tư, ông triệu tập toàn thể thành viên đoàn đại biểu Trung Quốc tham gia Hội nghị Genève lại, làm cuộc tổng động viên lần cuối trước khi lên đường.

Đối với cục diện quốc tế thời kỳ đầu những năm 50 của thế kỷ XX, một năm trước đó Chu Ân Lai đã có nhận thức sâu sắc - mâu thuẫn chủ yếu của quốc tế chính là vấn đề chiến tranh và hòa bình. Cách đây gần một năm, ngày 5 tháng 6 năm 1953, tại hội nghị công tác đối ngoại, Chu Ân Lai đã có một báo cáo với các quan chức ngành ngoại giao, chỉ ra rằng: “chiến tranh Triều Tiên đã kéo dài ba năm, trong đó đàm phán cũng đã hai năm. Chiến tranh Triều Tiên là dạng chiến tranh cục bộ, nhưng ý nghĩa của cuộc chiến tranh này lại mang tầm thế giới. Nó đã giải thích được nhiều chuyện mà chúng ta không hiểu rõ được về vấn đề quốc tế.”

Chu Ân Lai hỏi các nhà ngoại giao, mâu thuẫn chủ yếu của thế giới là gì? “Sự đối lập giữa hai phe lớn đương nhiên là cơ bản, nhưng cuối cùng thì biểu hiện cụ thể ở vấn đề gì? Sự đối lập giữa Mỹ và Liên Xô đã căng thẳng tới đỉnh điểm chưa? Không phải, mâu thuẫn trước mắt chủ yếu biểu hiện ở bốn phương diện là: giữa chiến tranh và hòa bình, giữa dân chủ và phản dân chủ, giữa chủ nghĩa đế quốc và thuộc địa, giữa các nước chủ nghĩa đế quốc với nhau.”4

Đối mặt với Hội nghị Genève sắp diễn ra, tư tưởng của Chu Ân Lai đã sâu sắc hơn một bước so với năm ngoái. Ông nói với mọi người rằng tình thế ngoại giao của nước Trung Quốc mới là rất tốt. Trung Quốc đã và đang thiết lập quan hệ ngoại giao với 25 quốc gia với khoảng một tỷ người. Chuyến đi Genève lần này, chúng ta phải mở ra cục diện ngoại giao mới. “Nhưng, có một điểm không giống trước kia” - Chu Ân Lai nhắc nhở mọi người: trước đây chúng ta đã có kinh nghiệm đàm phán trong nước, đã có kinh nghiệm tranh cãi với Mỹ, nhưng đó là “vở diễn” nhỏ, không có trời đất pháp luật gì, cái gì cũng không sợ, thất bại cũng chỉ có thế thôi. Có nghĩa là, khi đó chúng ta tiến hành đàm phán ở phạm vi nhỏ, có gì nói nấy. Bây giờ không như thế nữa, Trung Quốc là một nước lớn, đến Genève chính là tham gia một hội nghị quốc tế chính thức. Chúng ta đứng trên vũ đài quốc tế, vì thế phải hát kịch văn. Trong kịch văn phải có kịch võ, nhưng nói tóm lại là kịch chính quy, kịch võ đài. Có mấy nước anh em cũng tham gia, nên chúng ta phải phối hợp, nếu có thắc mắc gì cũng đều phải hợp tác, đều là lần hát kịch đầu tiên, vì thế vẫn là tinh thần học hỏi là chính. Chu Ân Lai nói rất phấn chấn: “chúng ta nhất định phải diễn tốt vở kịch này.”

Đến đây, công tác chuẩn bị trong nước cho việc tham gia Hội nghị Genève kết thúc. Thành viên đoàn đại biểu chia ra đi tàu và máy bay qua Liên Xô để đến Genève. Trương Văn Thiên đợi Chu Ân Lai ở Moskva để cùng đến Genève.

Sáng sớm 20 tháng Tư, Chu Ân Lai cùng phái đoàn rời Bắc Kinh. Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam cùng bay đến Moskva. Ngồi cùng máy bay còn có Đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc Yudin. Ra sân bay tiễn đoàn có Lưu Thiếu Kỳ, Tống Khánh Linh, Lý Tế Thâm, Đổng Tất Võ, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình, Tập Trọng Huân, Bành Chân, Lý Phú Xuân, Đặng Tử Khôi, Diệp Quý Tráng, Lục Định Nhất, Túc Dụ, Tiêu Hoa, Lại Nhược Ngu, Hồ Diệu Bang, Đặng Dĩnh Siêu, Liêu Thừa Chí, Lý Đức Toàn, Chương Hán Phu, Ngũ Tu Quyền, Quách Mạt Nhược, Hoàng Viêm Bồi, Trình Tiềm, Thẩm Quân Nho, Trần Thúc Thông, Mã Dần Sơ, Chương Bá Quân, Trần Thiệu Tiên, La Long Cơ, Chương Nãi Khí, Thiệu Lực Tử, Hứa Đức Hoành.

Ngày 21 tháng Tư, Nhân Dân nhật báo đã đăng bài xã luận “Giành lấy sứ mệnh củng cố hòa bình châu Á và thế giới”.

Ý nghĩa trọng đại của Hội nghị Genève là ở chỗ: tất cả các quốc gia tham gia hội nghị, đặc biệt là giữa các nước lớn có trách nhiệm đặc biệt trong sự nghiệp bảo vệ hòa bình thế giới, phải tận dụng hết khả năng để đạt được hiệp định dựa trên lợi ích thiết thân của các nước châu Á cùng lợi ích đối với hòa bình thế giới trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Vì vậy, tiêu chí của Hội nghị Genève là các nước lớn lấy phương thức hiệp thương để giải quyết các tranh chấp quốc tế, cùng nỗ lực bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới.

Ngày phái đoàn khởi hành, trấn thủ Hoa Đông là khai quốc Nguyên soái Trần Nghị không thể đến Bắc Kinh đã đưa bút viết bài từ “Mãn Giang Hồng - tiễn Thủ tướng Chu Ân Lai đi Genève”, đại để nội dung như sau:

Ngừng chiến tại Triều Tiên

Nay lại báo tin mừng đến Việt Nam

Việc trong khu vực

Nông lâm khôi phục

Càng thịnh công nghiệp

Kinh tế quốc doanh bừng bừng lên

Công xưởng mọc lên ầm ầm

Không bao năm

Diện mạo thay đổi

Trung Quốc mới

Bàn Môn Điếm

Thương lượng chưa dứt

Genève

Bàn việc lớn

Lời lẽ đanh thép

Nghị luận trên đài

Bất kể sài lang nhiều mưu kế

Ta vẫn tuân thủ nguyên tắc

Xem ta công thủ thế mạnh

Đoạt toàn thắng.

1 Nghệ sĩ Kinh kịch lừng danh Trung Quốc.

2 Vương Bỉnh Nam, Điểm lại 9 năm đàm phán Trung - Mỹ, Thế giới Tri thức XBX, 1985, tr. 6.

3 Đại sự ký hoạt động ngoại giao của Chu Ân Lai giai đoạn 1949-1975, Thế giới Tri thức XBX, 1993, tr. 58.

4 Văn tuyển Ngoại giao của Chu Ân Lai, Trung ương Văn hiến XBX, 1990, tr.58-59.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss