Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Tài liệu / Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 / CHƯƠNG 9 - Khai mạc Hội nghị Genève

CHƯƠNG 9 - Khai mạc Hội nghị Genève

- Tiền Giang - Bản dịch Dương Danh Dy — published 05/01/2009 17:13, cập nhật lần cuối 06/02/2009 09:14


CHƯƠNG 9

Khai mạc Hội nghị Genève

 

Hội nghị Genève sau bao ngày tháng chờ đợi và chuẩn bị, cuối cùng cũng đã khai mạc, tập hợp những nhà ngoại giao lớn được cả thế giới dõi theo. Năm vị Ngoại trưởng của năm nước lớn tiến vào cung Vạn Quốc [Palais des Nations], sắp xếp lại thế giới nửa sau thế kỷ XX. Chu Ân Lai với bộ mặt mỉm cười chính là nhân vật tiêu điểm của hội nghị lần này. Ngoại trưởng Pháp Bidault lại chính là vị Bộ trưởng Ngoại giao có tâm trạng căng thẳng nhất tại hội nghị hôm nay.

 
Sáng sớm 26 tháng Tư, ánh dương tưng bừng khắp mọi nơi.

Eden đã trở dậy từ rất sớm. Phòng của ông được đặt ở vị trí tuyệt đẹp. Eden đứng trước cửa sổ, hồ Leman tươi đẹp phản chiếu vào trong mắt ông.

Hồ Leman mặt nước nước trong veo, phẳng lặng như gương. Một dải rừng xanh thẫm bao quanh bờ hồ thành một đường viền rõ rệt, giống như mặt hồ được khảm vào cả rừng hoa xanh ngắt. Đầu bờ hồ có dòng sông nhỏ nước chảy hiền hòa, uốn lượn quanh co, lấp lánh ánh sáng, giống như dải mũ màu bạc được gió thổi bay đi, vươn tới nơi xa.

Một hồ nước xanh biếc, một dòng chảy thanh khiết, một ngọn núi xanh, cảnh sắc quen thuộc trước mặt bỗng làm cho Eden nảy sinh những cảm xúc rất đặc biệt.

Ai ngờ, sau bữa sáng, nhân viên đặc vụ sau bữa ăn sáng đã kiểm tra phòng và nói với Eden rằng không thể đảm bảo an toàn về việc chống nghe trộm tại đây, tốt nhất là không nên tổ chức hội nghị quan trọng tại đây. Đây là chuyện, Eden từ trước tới nay chưa từng gặp phải, đúng là không biết phải làm thế nào. Đoàn đại biểu Anh còn phát hiện ra rằng họ cùng ở một khách sạn với đoàn đại biểu Trung Quốc. Phòng của Eden và phòng của thành viên đoàn đại biểu Trung Quốc rất gần nhau, hai bên thường xuyên giáp mặt nhau tại hành lang, nên ra vào đều không tiện chút nào. Một lần, khi Eden đi vào trong thang máy thì phát hiện ra đã có một người Trung Quốc đứng ở đó. Hai người không chào hỏi nhau, nhưng “bốn mắt nhìn nhau” một lúc.1

Một lần khác, nhân viên đoàn đại biểu Trung Quốc là Lưu Gia Kiệt đứng đợi thang máy cùng Eden. Nhìn thấy Eden đến trước thang máy thì Giám đốc khách sạn liền chạy nhanh tới, cung kính bấm nút thang máy giùm Eden, Lưu Gia Kiệt đứng bên cạnh nhìn Eden rất hiếu kỳ. Eden tất nhiên cũng biết đứng bên cạnh mình là một người Trung quốc, cả hai vẫn không chào hỏi gì nhau. Lưu Gia Kiệt thì không sao nhưng không biết trong lòng Eden có cảm giác gì?2

Eden nhanh chóng nghĩ đến việc chuyển chỗ. Vậy mà khi mới tới Genève, công việc cấp thiết nhất của ông là thống nhất ý kiến của các quốc gia thuộc Liên hiệp Anh. Eden nhận định, không thể để lãng phí thời gian thêm nữa, thời gian không có lợi cho các nước phương Tây vì Điện Biên Phủ đang dần từng ngày một đi đến chỗ bị tiêu diệt. Mỹ thì không ngừng đe dọa sử dụng vũ trang tại Đông Dương. Điều này cũng tạo sự chia rẽ đối với các thành viên.

Buổi trưa, 4 vị ngoại trưởng trong Liên hiệp Anh là Anh, Canada, Australia và New Zeland cùng ngồi ăn trưa. Về vấn đề phản đối Mỹ can thiệp vũ trang vào Đông Dương, cả 4 vị ngoại trưởng đều nhất trí ý kiến, các bên thương lượng và quyết định phản đối đề xuất của Dulles về việc tiến hành Hội nghị ngoại trưởng 10 nước ở Genève (không có Liên Xô và Trung Quốc) để thảo luận vấn đề Đông Dương, càng phản đối việc thành lập “Tổ chức hiệp ước an ninh Đông Nam Á” dựa trên cơ sở này.

Sau bữa trưa, đại biểu 16 nước phương Tây mở một cuộc họp hội ý, trao đổi ý kiến về trình tự hội nghị.

Cùng ngày, tại chiến trường Điện Biên Phủ - Việt Nam xa xôi, thời tiết tốt đẹp, quân Việt Nam không có bất kỳ hành động quân sự nào lớn. Nhưng Tư lệnh quân Pháp - Tướng [Christian] De Castrie lại ý thức được rằng những ngày yên tĩnh như vậy sẽ nhanh chóng kết thúc. Một loạt các đợt tấn công mới của quân Việt Nam đã ở ngay trước mắt. Ông ta ra một mệnh lệnh: để cho lính Lê dương được hưởng một ngày nghỉ ngơi, tổ chức lễ tiếp đón những thành viên mới theo truyền thống.

Cô gái duy nhất của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ là y tá Geneviève [de Gallard], 28 tuổi, đứng vào hàng những thành viên mới, theo thông lệ của các đội quân nước ngoài, cô nhận anh lính cần vụ của Tham mưu trưởng Vadot làm cha đạo của mình. Khi nghi lễ kết thúc, cô gái trẻ Genevieve cảm thấy tình cảm lẫn lộn, nói với anh lính cần vụ vừa mới quen rằng: “nếu chúng ta còn sống mà ra khỏi đây, bất kể chúng ta có thể gặp lại nhau ở đâu thì tôi đều muốn uống với anh một cốc rượu sâm banh”. Đúng vậy, những ngày mà họ ở bên nhau trên chiến trường chỉ còn được tính bằng đầu ngón tay.

Tại vòng vây bên ngoài Điện Biên Phủ, thống soái quân đội Việt Nam là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với sự trợ giúp của Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh đã cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh binh lực. Ba sư đoàn bộ binh chủ lực Việt Nam đang bao vây chặt trận địa Điện Biên Phủ đều đã được bổ sung binh sĩ mới, quyết định khoảng trước hoặc sau ngày 1 tháng 5 sẽ phát lệnh tổng tiến công. Theo sự sắp xếp của cố vấn hậu cần Trung Quốc, Trung Quốc đã vận chuyển đầy đủ đạn dược đến tiền tuyến Điện Biên Phủ. Những chiến sĩ công binh Trung Quốc được điều đến từ mặt trận Triều Tiên đã giúp các chiến sĩ Việt Nam đào một địa đạo, đi thẳng tới mép ngoài bên dưới lô cốt ở đồi A1, phía đông trận địa quân Pháp. Đồng thời, cho vận chuyển một tấn thuốc nổ đến đây, đợi khi có lệnh tổng tiến công thì phát hỏa. Ngoài ra, một dàn hỏa tiễn sáu nòng do Trung Quốc trang bị cũng được chuyển tới tiền tuyến Điện Biên Phủ, để sư đoàn 312 của quân đội Việt Nam, do cố vấn Trung Quốc Đổng Nhân chỉ huy, đưa vào chiến đấu trong ngày tổng tiến công.

Tình hình Điện Biên Phủ cấp bách như vậy, chả trách Bidault lại căng thẳng đến thế khi vừa tới Genève. Sáng sớm ngày 26 tháng Tư, Ngoại trưởng Bidault, 54 tuổi, đã đáp tàu hỏa từ Pháp đến Genève. Trước hội nghị, do bận việc thuyết phục hai nước Anh và Mỹ can thiệp vũ trang vào Đông Dương, nên sự chuẩn bị của ông đối với hội nghị Genève rất sơ sài. Tất cả các tài liệu đều do cấp dưới viết. Hiện thực đã buộc ông phải tập trung toàn bộ tinh lực đến Genève. Không chỉ là gian khổ khi đối mặt đàm phán với đối thủ chính là Liên Xô và Trung Quốc, cũng không tính tới việc các lãnh đạo Mỹ không vừa ý, mà ngay cả đầu não Chính phủ Sài Gòn Việt Nam là Bảo Đại vào lúc cấp bách này cũng đưa ra cho ông ta những câu hỏi khó. Ngay trước ngày khai mạc hội nghị Genève, Bảo Đại đã thông báo với nước Pháp rằng nếu không thể thỏa mãn những điều kiện của ông ta, như ba nước lớn là Anh, Pháp, Mỹ phải đứng ra mời đại biểu của Chính phủ Bảo Đại tham dự hội nghị, đồng thời bảo đảm một nền độc lập hoàn toàn cho Việt Nam, thì đoàn đại biểu của ông ta sẽ không tham gia hội nghị. Nếu quả đúng như vậy thì loạn quá rồi! Bidault nhất định phải nỗ lực để đoàn đại biểu của Bảo Đại tham gia hội nghị.

Tính sơ qua thì Bidault đã theo nghề chính trị đã được mười năm, vài lần giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao. Bidault tự cho rằng mình lão luyện trong giải quyết mọi vấn đề khó khăn, nhưng hôm nay tình thế vô cùng phức tạp, Điện Biên Phủ lành ít dữ nhiều. Ông giống như đang dẫm trên thảm bông dày mà không có chỗ dựa nào.

Bidault (5.10.1899 – 27.1.1983) là con trai của một doanh nhân ngành bảo hiểm. Sáu tuổi bắt đầu đi học, từ nhỏ đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của Thiên Chúa giáo, kết quả học tập cũng không tồi, 15 tuổi đã từng thi được một học bổng tương đối lớn.

Chiến tranh thế giới thứ thứ nhất bùng nổ, Bidault có một thời gian ngắn tòng quân. Sau chiến tranh, ông học tiếp đại học, đạt học vị cử nhân lịch sử và địa lý. Tốt nghiệp đại học không lâu, ông làm thầy giáo lịch sử và địa lý cho một trường trung học. Lúc đó Bidault còn rất trẻ, ông thường mang một cặp kính gọng kẹp và một chiếc mũ tròn cứng, dường như là muốn mình trông già đi một chút. Năm 1932, ông sáng lập tờ báo “Bình minh”, đại diện cho quan điểm Thiên Chúa giáo cánh tả. Ông làm việc cho tờ báo đến năm 1939 và đã viết những bài báo có liên quan đến các vấn đề quốc tế.

Đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ, Bidault lại tòng quân. Năm 1940 bị quân Đức bắt làm tù binh. Năm đó, sau khi được giải cứu, ông lại tham gia phong trào kháng chiến Pháp. Năm 1943, người phụ trách phong trào kháng chiến Pháp là [Jean] Moulin bị mật vụ Gestapo giết hại. Bidault thay thế cương vị của Moulin, trở thành người lãnh đạo chính của phong trào kháng chiến trong nước.

Năm 1944, những hoạt động của Bidault bị mật vụ Gestapo Đức phát hiện. Ông đã nhanh trí trốn được sự vây bắt của mật vụ, sau đó đến Anh tham gia vào Chính phủ Charles De Gaulles. Trong thời gian này ông đã sáng lập đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo. Cuối năm 1944, Bidault trở thành Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ De Gaulles, tháng 12 cùng năm đã thay mặt nước Pháp ký điều ước giữa Liên Xô và Pháp. Năm 1945, ông đại diện cho nước Pháp ký Hiến chương LHQ. Bidault đã có những cống hiến tích cực trong cuộc chiến chống Phát xít, có tiếng nói trong nhân dân cả nước.

Năm 1947-1948, Bidault lại giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Pháp. Ông ủng hộ sự thống nhất của Đức và châu Âu, ủng hộ “kế hoạch Marshall”. Từ năm 1948, Bidault tích cực tham gia vào các hoạt động của NATO. Năm 1951-1952, Bidault từng chuyển sang làm Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, năm 1953 tiếp tục làm Bộ trưởng Ngoại giao.

Trong thời gian 1944-1954, Bidault hai lần đảm nhiệm chức Thủ tướng chính phủ, tổng cộng được 14 tháng. Ngoài ra còn 4 lần đảm nhiệm Phó Thủ tướng, 2 lần đảm nhiệm Bộ trưởng quốc phòng, 8 lần đảm nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao. Ông được ví là “ngài không ngã” xuất sắc trong nội các sau chiến tranh của Pháp.

Trong cuộc sống căng thẳng triền miên, Bidault tôn sùng sự đơn giản. Không tính đến công việc thì ngoài viết lách, ông còn có một sở thích là sưu tập tem.

Ngày 13/71953, ngay trước đêm ngừng chiến tại Triều Tiên, Bidault đã đến Washington để tham gia Hội nghị Ngoại trưởng ba nước Anh, Pháp, Mỹ. Ông nói với các Ngoại trưởng Anh và Mỹ: “Chúng ta sẽ nhanh chóng nhìn thấy chiến tranh kết thúc ở Triều Tiên nhưng sẽ vẫn còn tiếp tục ở Đông Dương. Chính phủ Pháp rất khó chấp nhận hiện thực này nên mong muốn tìm một biện pháp giải quyết khác.” Ông không nêu giải pháp cụ thể, nói một cách chung chung rằng, nếu phải tổ chức hội nghị nào đó để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong chiến tranh Triều Tiên thì hội nghị này cũng nên thảo luận đến vấn đề Đông Dương.3

Sau khi đến Genève, Bidault đã đưa ra một tuyên bố đơn giản, ngắn ngọn là yêu cầu quân đội tiền tuyến miền Bắc Việt Nam cho phép quân Pháp được vận chuyển những thương binh bị vây khốn trong Điện Biên Phủ.

Tại Paris, Chính phủ Pháp cũng tiến hành những nỗ lực tương ứng. Thủ tướng Laniel lòng đau như cắt, chỉ muốn tìm mọi cách bảo toàn tính mạng cho số lính Pháp đang bị bao vây tại Điện Biên Phủ. Trưa hôm đó, ông chỉ thị cho Đại sứ Pháp tại Anh Massigli gặp mặt Churchill để đưa ra lời thỉnh cầu cuối cùng. Mục tiêu là: nhất định phải làm cho Thủ tướng Anh hiểu rõ, chỉ cần Anh đồng ý, Mỹ sẽ đồng ý sử dụng không quân oanh tạc QĐND Việt Nam tại Điện Biên Phủ, còn nước Anh không nhất thiết phải điều động binh sĩ của mình.

Churchill túc trí đa mưu đã không gặp mặt Đại sứ Pháp vào tối hôm đó. Điều này là điềm không tốt đối với Chính phủ Pháp.

Cùng ngày, tại Washington, Tổng thống Eisenhower cũng đang dõi theo tình hình ở Genève. Ngày hôm đó, ông đã gặp gỡ với các lãnh đạo Đảng Cộng hòa trong Quốc hội, để đưa ra những phán đoán mới về tình thế ở phương Đông. Ông cho rằng, Điện Biên Phủ giờ đây không khác gì địa ngục. Người Pháp ở đó “lúc lên lúc xuống”, “hôm nay thấy mình là một cường quốc lớn trên thế giới, ngày mai lại đã vì đó mà đau thương khôn xiết.” Tình thế Đông Dương từ trước đến nay chưa bao giờ lại nát bét như vậy, Điện Biên Phủ duy trì không được mấy ngày nữa. Nhưng Eisenhower vẫn kiên trì không thể dụng binh đơn độc đối với Trung Quốc. Ông nói, nếu chúng ta đưa một binh sĩ đến Trung Quốc, thì toàn bộ danh tiếng của chúng ta không chỉ ở châu Á, mà trên toàn thế giới, sẽ bị lung lay. Còn người Anh? Bọn họ sợ rằng một khi can dự vào Đông Dương, thì Trung Quốc sẽ lấy lại Hongkong.

Khi Eisenhower nói những lời này, Phó Tổng thống Nixon cũng có mặt, lấy làm buồn vì những điều đó.

Ngày khai mạc hội nghị Genève, có một người cũng cảm thấy căng thẳng giống như Bidault. Đó chính là nhân vật quan trọng trong đoàn đại biểu Mỹ, [U. Alexis] Johnson. Trước đó, ông ta là Đại sứ Mỹ tại Tiệp Khắc, đã từng làm việc tại châu Á, từng tham gia đàm phán tại Bàn Môn Điếm. Đầu tháng 3, Dulles điện lệnh cho ông trở về nước để tham gia công tác chuẩn bị cho hội nghị Genève. Ông cùng các cộng sự đã soạn ra một loạt văn kiện. Sau khi đến Genève, Johnson là người phụ trách công việc hàng ngày của đoàn đại biểu Mỹ, ông được lệnh nhất định phải sắp xếp được một chỗ ngồi tốt cho đại biểu Mỹ Dulles.

Trước ngày khai mạc hội nghị, Dulles hội ý Johnson, chỗ ngồi của ông tại bàn hội nghị không thể gần ghế của Chu Ân Lai. Điều này không khó sắp xếp. Theo dự tính của ban tổ chức hội nghị, chỗ ngồi của các đại biểu sẽ được sắp xếp theo thứ tự chữ cái tiếng Anh. Dulles còn yêu cầu chỗ ngồi của ông không được gần ngay cạnh của bất kỳ quốc gia nào thuộc phe cánh đối địch phương Đông, tốt nhất là để vị trí của đoàn đại biểu Nam Triều Tiên trước ghế của đại biểu Mỹ. Tham gia vào công tác sắp xếp chỗ ngồi có đại biểu Liên Xô không đồng ý với ý kiến này. Họ kiên quyết đòi dựa theo thứ tự chữ cái để sắp xếp các bàn hội nghị thành một vòng tròn lớn. Johnson được lệnh không được nhượng bộ, phải đến trước khai mạc 2 giờ, đại biểu Liên Xô mới nhượng bộ, để đại biểu Mỹ ngồi sau đại biểu Nam Triều Tiên. Lúc đó, Johnson mới thở phào nhẹ nhõm.4

Ba giờ chiều ngày 26/4/1954, hội nghị Genève khai mạc tại hội trường lớn cung Vạn Quốc nổi tiếng, tức tại tòa nhà của hội Quốc Liên (trụ sở liên minh quốc tế sau đại chiến thế giới lần thứ nhất). Các nước tham gia có Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, hai miền Nam-Bắc Triều Tiên, còn có các nước tham gia “ quân đội LHQ” là Australia, Bỉ, Canada, Colombia, Ethiopia, Hy Lạp, Luxemburg, Hà Lan, New Zeland, Philipines, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi đại biểu các nước đi xe đến cung Vạn Quốc, hai bên đường dòng người cũng cuồn cuộn. Người dân Genève vẫy chào các ngoại trưởng của các nước tham gia hội nghị, hoan nghênh những người đến Genève để giải quyết một cách hòa bình các vấn đề chiến tranh.

Các đại biểu trước khi vào chỗ ngồi đã cùng nhau chụp ảnh, sau đó tiến vào phòng hội nghị, đi đến những chỗ đã được chỉ định. Lúc này, các nhà nhiếp ảnh, nhà báo cũng đã vào phòng hội nghị, tận dụng 10 phút ít ỏi trước khi hội nghị chính thức khai mạc để chụp ảnh.

Phòng hội nghị là phòng đẹp nhất trong cung Vạn Quốc, còn được gọi là “phòng Tây Ban Nha”, vì các bức họa lớn trong phòng đều do danh họa nổi tiếng của Tây Ban Nha là Galli vẽ. Năm 1934-1936, Galli đã dùng 2 năm tại phòng vẽ của mình ở Paris để hoàn thành bức họa bất hủ, với hai màu chủ đạo là màu vàng kim và màu nâu sẫm, thể hiện chủ đề: chính nghĩa, sức mạnh, hòa bình, pháp luật và trí tuệ. Dựa theo những quy định bất thành văn của LHQ, nếu là những hội nghị đề cập đến những vấn đề an ninh thế giới, hoặc là những hội nghị khẩn cấp thì đều được tổ chức tại đây.

Vị trí các đại biểu dự Hội nghị Genève được sắp xếp theo thứ tự chữ cái đầu tiên theo tên tiếng Anh của mỗi quốc gia để sắp xếp. Trung Quốc là China, chữ C đầu tiên, ngồi giữa đoàn Trung Quốc và Liên Xô là đoàn Anh. Ngồi tại vị trí của mình, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Chu Ân Lai biểu hiện hoàn toàn tự tin. Bên cạnh ông là Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, phía sau là Lý Khắc Nông, Vương Bỉnh Nam, Sư Triết, Kiều Quán Hoa và những người khác.

Ở đoàn Mỹ, bên cạnh Dulles là [James M.] McCutcheon, L. Brign McBrick, phía sau có: L. Erkene, D. Hassen, [U. Alexis] Johnson.

Bên cạnh Ngoại trưởng Pháp Bidault là trợ lý đắc lực của ông - Đại sứ Pháp tại Thụy Sĩ [Jean] Chauvel, ngoài ra còn có Bulest, d’Marshaly, Bodensy.

Bên cạnh đại biểu Anh Eden là Reading, Alan, Trevelyan, Grahan. Phía sau họ còn có thư ký riêng của Eden là Shuckburgh.

Đoàn đại biểu Liên Xô tham gia hội nghị có: Molotov, Gelamik, Kuznetsov. Ngoài ra còn có Đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc là [Pavel Fyodorovich] Yudin, có Cherubin, Vinogradov, Suzdalf, [Nikolai] Fedorenko, [Leonid] Ilychev, Laffulisif.

Đại biểu Triều Tiên gồm có: Nam Il, cố vấn Bạch Nam Vân, Kỳ Thạch Phúc, Trương Xuân Sơn, Kim Dịch Vĩnh, Kim Minh Cầu, Điền Đông Hạch, Phương Thừa Trực.

Cách chỗ ngồi của đoàn đại biểu Anh khoảng sáu mét về bên trái là hàng ghế của đoàn đại biểu Trung Quốc. “Những người Trung Quốc này đều mặc quần áo giống nhau, đều là áo cao cổ. Chỉ nhìn vào cách ăn mặc của họ thì làm sao nhìn ra được ai là bạn ai là thù?” Shuckburgh ngồi trong đoàn đại biểu Anh lo lắng nói.5

Ngay từ trước hội nghị đã xác định, khi thảo luận vấn đề Triều Tiên sẽ thực hiện phương án “3 chủ tịch”, tức là trưởng đoàn đại biểu ba nước Anh, Thái Lan và Liên Xô sẽ luân phiên chủ trì hội nghị. Chủ tịch điều khiển hội nghị ngày thứ nhất là Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan - Hoàng tử Wan Waithayakon. Ông phát ngôn rất ngắn ngọn bằng tiếng Anh lưu loát của mình. Ông nói: “Tổ quốc tôi là một quốc gia châu Á, mà hội nghị quốc tế lần này là để giải quyết các vấn đề châu Á trong đó bao gồm cả vấn đề Triều Tiên. Vậy nên hội nghị lần này là vô cùng quan trọng đối với châu Á. Sự thực là mọi ánh mắt trên toàn thế giới đang dõi theo hội nghị Genève.” Ông nói, hội nghị lần này sẽ thảo luận vấn đề thống nhất và độc lập ở Triều Tiên trên cơ sở hòa bình, đây chính là một nội dung quan trọng để xoa dịu tình hình căng thẳng trên thế giới và khôi phục lại hòa bình tại một số khu vực khác ở châu Á.

Tiếp đó, Waithayakon dùng tiếng Pháp tuyên đọc điện mừng rất đặc sắc của Chủ tịch Quốc hội liên bang Thụy Sĩ gửi đến:

Liên bang Thụy Sĩ cũng như nhân dân Thụy Sĩ rất vui mừng được chào đón các nhà chính trị của các nước đã đến tham dự Hội nghị Genève hôm nay! Nhân dân Thụy Sĩ chân thành hy vọng quý vị tham gia hội nghị cũng phát hiện ra rằng thời tiết Genève rất tốt, sẽ giúp cho các bạn tìm được tại đây những biện pháp giải quyết khó khăn, từ đó tạo nên nền hòa bình lâu dài và công bằng.

Waithayakon còn tuyên đọc trình tự hội nghị đã được các nước tham gia hội nghị nhất trí:

  1. Ngoài ngày lễ và chủ nhật, hội nghị sẽ bắt đầu vào ba giờ chiều hàng ngày, đến 5 giờ thì nghỉ giải lao, 7 giờ tối kết thúc.

  2. Đại biểu các nước tham dự hội nghị sẽ phát biểu theo thứ tự. 3. Hội nghị lần này sử dụng năm thứ tiếng là tiếng Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc và Triều Tiên. Những đại biểu không sử dụng năm thứ tiếng trên để phát biểu thì cần phải mang theo phiên dịch. Đồng thời, quy định hội nghị chỉ giới hạn trong những đại biểu chính thức tham gia, hội nghị tiến hành họp kín.

Ngày đầu tiên của hội nghị diễn ra rất đúng trình tự. 3 giờ 10 phút bắt đầu, 3 giờ 40 phút đã kết thúc. Các đại biểu tham gia hội nghị đứng dậy, lần lượt rút khỏi hội trường. Chính lúc này, Eden đi đến trước mặt Molotov, nhờ Molotov giới thiệu mình với Chu Ân Lai. Molotov vì thế cảm thấy rất vui mừng, đi trước dẫn đường. Chu Ân Lai rất lịch sự bắt tay Eden, đây quả thật là điềm tốt đầu tiên của hội nghị.

Sau hội nghị, Eden và Dulles ngồi ô tô đến biệt thự của Bidault.

Bidault đã nêu ra những khó khăn mà nước Pháp phải đối mặt trong hội nghị Genève. Ông nói, điều ông đặc biệt cảm thấy khó khăn là hội nghị lần này tiến hành song song với chiến tranh đang diễn ra ở Điện Biên Phủ. Kết quả chiến đấu ra sao sẽ ảnh hưởng to lớn đến hội nghị. Nước Pháp đồng ý xem xét tất cả các phương án giải quyết, trong đó bao gồm cả “liên minh phòng thủ, đình chiến, phân chia ranh giới cai trị”.

Eden dùng một giọng điệu khéo léo để chuyển sang vấn đề đình chiến ở Đông Dương. Một tháng trước, Anh cho rằng do tình hình phức tạp rối ren tại chiến trường Việt Nam nên ngừng chiến là rất nguy hiểm, nhưng hiện tại, tình hình đã có sự thay đổi, ông nghĩ rằng, đình chiến sẽ mang lại kết quả tốt.

Dulles nói, đình chiến ở Điện Biên Phủ không khác gì đầu hàng, sẽ gây ra thảm sát đối với những người Pháp ở đó. Tôi hy vọng người Pháp sẽ đánh tiếp.

Bidault nói, xem ra việc đình chiến ngay lập tức ở chiến trường Việt Nam sẽ không đảm bảo an toàn. Ông ta nói với Ngoại trưởng hai nước Anh, Mỹ: Chính phủ Pháp đã trao đổi ý kiến với Navarre, Navarre cho rằng hoặc là đình chiến hoàn toàn hoặc là tăng viện binh cho Đông Dương. Chính phủ Pháp tại Hội nghị Genève không có sự lựa chọn nào khác.

Bidault thông báo Molotov đã bày tỏ với ông rằng, hy vọng ngày mai sẽ sắp xếp hội kiến riêng giữa hai người và ông đã nhận lời với Molotov, hẹn 11 giờ sáng mai hai bên sẽ gặp mặt.

1 Phỏng vấn Quản Chấn Hồ tại Bắc Kinh ngày 5 tháng 3 năm 1998.

2 Phỏng vấn Lưu Gia Kiệt tại Bắc Kinh ngày 6 tháng 3 năm 1998.

3 The Settlemaent of the Indochina War in The foreign Policy of Churchill’s Peacetime Administration 1951-1955, 1988, tr. 237.

4 Johnson U. Alexis, The Right Hand of Power: the Memoirs of an American Diplomat, Paramus NJ USA Prentice-Hall, 1984, tr. 204.

5 Evelyn Shuchkburgh, sđd, tr. 178.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss