Bạn đang ở: Trang chủ / Thấy trên mạng, bộ mới / 19.4.17 : Tổng hợp thông tin về Đồng Tâm

19.4.17 : Tổng hợp thông tin về Đồng Tâm

- Kiến Văn — published 20/04/2017 01:13, cập nhật lần cuối 20/04/2017 01:13

Thấy trên mạng ngày 19.4.2017


Tổng hợp thông tin
về Đồng Tâm


"Sự kiện" nóng ở Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) xảy ra từ ngày 15.4, nhưng trong 4 ngày liên tiếp, nếu không có các mạng xã hội và báo "lề trái", thì người ta không biết những gì đã xảy ra ở cách trung tâm Hà Nội vỏn vẹn 30 km. Báo chí "lle phải" chỉ được phép đăng những thông cáo của Ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, mà đây là một ví dụ :

"Một số công  dân do thiếu hiểu biết pháp luật đã có hành vi cản trở và tổ chức giữ người trái pháp luật đối với cán bộ, chiến sỹ công an TP Hà Nội đang thi hành công vụ.

"Hiện nay, cơ quan chức năng đang tiếp tục giải quyết và triển khai các biện pháp ổn định tình hình an ninh, trật tự tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

"TP Hà Nội đề nghị người dân tỉnh táo, bình tĩnh, hợp tác với các cơ quan chức năng, không để các đối tượng xấu lợi dụng, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật; đồng thời, kêu gọi những người đang giam giữ cán bộ và chiến sỹ công an trái pháp luật lập tức thả người, đảm bảo an toàn tính mạng cho những người đang thực thi nhiệm vụ, chấm dứt mọi hành vi vi phạm pháp luật."

Tuổi Trẻ, 16.4.2017

Phải đợi đến sáng ngày 19.4.2017, VnExpress mới đăng trên mục Góc nhìn bài viết của nữ phóng viên Bảo Hà. Cho đến giờ này (0g ngày 20.4.17, giờ Paris), bài báo vẫn còn nguyên trên mạng. Cẩn tắc vô áy náy, chúng tôi xin chép toàn văn dưới đây :


Thứ tư, 19/4/2017 | 04:56 GMT+7

Đối thoại ở thôn Hoành

3 tiếng mất liên lạc với toà soạn khi về Mỹ Đức khiến nhiều người lo lắng, chuyện gì đã xảy ra với tôi.

Cho tới sáng 16/4, mọi cánh cửa thông tin về xã Mỹ Đức chỉ le lói một vài tia yếu ớt. Câu chuyện mà ai cũng có thể truyền tai nhau là chiều 15/4, một đoàn cảnh sát gồm cả cơ động, công an, cán bộ huyện đã xảy ra xô xát với hàng ngàn người dân, sau hoạt động bắt người theo quyết định khởi tố đã có từ trước đó hơn một tháng. Hàng chục cảnh sát, công an, cán bộ huyện đã bị dân giữ lại tại nhà văn hoá thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Tôi và một phóng viên nam lên đường tới Mỹ Đức với một sự thôi thúc phải tìm ra câu chuyện gì thực sự đang diễn ra.

Gần đến nơi, thấy từng nhóm người cả cảnh sát, cả người mặc thường phục đứng lố nhố khắp trên con đường vào xã tôi đã run. Tôi chỉ là một phụ nữ, tôi còn có con nhỏ. Tôi dừng lại một quán trà ven đường lân la đến nửa ngày. Nhưng qua giờ trưa, tôi thấy mình không thể chịu nổi nữa. Tôi tự hỏi: Vì sao đã đến tận nơi này rồi lại ngồi đây để trở về ngờ vực? Tôi có linh cảm có một câu chuyện chẳng lành đằng sau những video chỉ thấy gào thét, chỉ thấy những hừng hực căm phẫn từ đám đông bắt bớ kia? Và tôi đã không kìm được bước chân của mình đến cổng làng, sau khi để lại toàn bộ giấy tờ, tư trang cho người đồng nghiệp ở vòng ngoài, chỉ mang theo 2 thứ: ghi âm và điện thoại.

Nhưng khi vừa kịp thấy đám đông đứng đầu đường dẫn vào thôn Hoành, vừa thoáng qua những thân gỗ to lù lù chắn ngang đường làng, tôi đã bị nhiều bàn tay lôi lại. Tôi giật bắn người: hàng chục đôi mắt phụ nữ lọt ra từ khuôn mặt bịt kín khẩu trang đang đổ dồn về mình. Những người đàn ông chạy ào tới túm áo tôi.

Những câu hỏi như thét lên: “Mày là ai? Từ đâu đến? Đến đây làm gì?”. Tôi không biết mở lời từ đâu, bởi không thể gào to như họ. Tôi run rẩy.

Mất một hai phút để tự trấn tĩnh, tôi nói mình là phóng viên. Nhưng dân làng nói tôi phải có thẻ ngành. Toàn bộ giấy tờ tôi đã để bên ngoài vì không thể đoán trước thái độ của những người dân ở đây với nhà báo như thế nào. Không xuất trình được giấy tờ, tôi bị một người đàn ông và một phụ nữ áp giải bằng xe máy vào sâu bên trong.

Họ chở tôi vào làng, len lỏi qua những chướng ngại vật đã dựng lên. Dọc hai bên đường, từng tốp người già, trẻ, lớn bé đứng ngồi nhấp nhô. Khi nhìn thấy người lạ mặt, họ bật dậy và lại tiếp tục những câu hỏi như gào lên: “Nó là ai? Sao lại vào đây?”.

Người làng chở tôi đến trước một khu nhà văn hoá thôn Hoành: Nơi đang giữ hàng chục người thực thi công vụ. Chúng tôi dừng lại trước cánh cổng sắt đóng chặt nhiều lớp khoá. Trong khoảng sân lớn, có vài chục người: đàn ông trung niên, thanh niên, phụ nữ... Người ngồi, người nằm ngủ, bên cạnh đều có sẵn gậy nhỏ.

Thấy tôi, người dân bật dậy, đổ dồn những ánh nhìn cảnh giác cùng tức giận. Có một người đàn bà mặt giận dữ nói nhất định phải khám người tôi. Những người đàn ông bình tĩnh cũng không khuyên nổi bà. Bà dẫn tôi vào một căn phòng nhỏ, bắt cởi quần áo. Tôi run lên. Đời tôi chưa từng nghĩ có một lúc mình sẽ nhận sự xúc phạm lớn đến vậy.

Thấy chiếc khuy quần, người đàn bà cũng nghi ngờ đó là một thiết bị ghi âm, ghi hình nguỵ trang nào đó. Người đàn bà vừa khám vừa hét lên những câu chuyện không đầu không cuối. Hóa ra bà là người thân của một trong 4 người Đồng Tâm vừa bị bắt giữ. Mọi sự tức giận, sợ hãi trong tôi bỗng tan biến. Trên gương mặt khắc khổ, giận dữ của người đàn bà hiện lên sự hoang mang, sợ hãi. Tôi hợp tác để bà khám bất kỳ gì bà muốn và hỏi chuyện. Bà ứa nước mắt kể rằng đời mình chưa bao giờ phải chứng kiến cảnh bắt người như hôm qua. Người phụ nữ ấy không chịu đựng nổi.

Tôi chợt nhận ra, họ cũng là người nông dân giống như bố mẹ mình, ẩn sau những câu nói ác khẩu là sự hiền lành, đôn hậu, và thậm chí là yếu đuối. Tôi bình tĩnh trò chuyện cùng bà.

Nhưng cuộc nói chuyện liên tục bị ngắt quãng. Những người xung quanh chen vào, tiếp tục đòi khám người lần nữa, bắt tôi mở khóa điện thoại để lục soát, cáo buộc tôi là “người được cài vào thôn”. Nhưng bà gạt họ đi, và cứ thế kể. Người ta mắng bà: “Cô có biết đây là ai không mà cô kể?”. Bà mặc kệ.

Người phụ nữ ấy có một khát khao được nói, và những gì bà cần, là một sự lắng nghe.

Sau một hồi, những người xung quanh không để bà nói tiếp nữa. Họ quyết định đuổi tôi ra khỏi xã, tịch thu ghi âm và điện thoại. “Nếu các bác không nói với cháu, thì vĩnh viễn không có ai biết chuyện gì đã xảy ra ở đây” - tôi cố gắng thuyết phục. Có một lúc, tôi thậm chí đã nghĩ đến việc sẽ ở lại đây đêm nay: họ sẽ giam tôi, nhưng như thế cũng không sao, tôi sẽ biết được thêm nhiều điều. Tôi không còn thấy sợ người dân nữa. Chỉ có một vấn đề, là họ không đồng ý để tôi gọi một cuộc điện thoại về nhà cho gia đình yên tâm.

Rồi một ai đó để ngỏ khả năng, rằng nếu tôi là phóng viên đàng hoàng của một cơ quan báo chí tử tế, thôn Hoành sẽ chào đón tôi quay lại. Vài thanh niên áp giải tôi ra ngoài thôn. Tôi lấy giấy tờ và xin quay lại.

Lại đi qua những đoạn đường đầy ắp người, nhưng chào đón tôi lúc này là những ánh mắt đã dịu lại. Thấy tôi quay lại, hết phụ nữ, lại đến đàn ông đều muốn kể chuyện. Có người vì xúc động mà nói đứt quãng không thành câu. Họ đã chấp nhận nói chuyện điện thoại với toà soạn và cam kết: đảm bảo an toàn tuyệt đối để tôi trở về.

Câu chuyện tôi lắng nghe sau đó không như những gì bên ngoài đang run sợ. Họ khẳng định không tưới xăng lên người cảnh sát. Họ còn cử riêng một gia đình hàng ngày nấu cơm cho các cán bộ ăn, dẫn cán bộ đi vệ sinh, tắm rửa.

Họ còn muốn kể câu chuyện nhiều hơn như thế với tôi, nhưng trời sắp tối, họ muốn đưa tôi ra về để được an toàn. Tôi hiểu vẫn còn có những người cực đoan không thấy thoải mái với một người lạ trong thôn vào lúc này.

Tôi đã bắt đầu hành trình trong thôn Hoành bằng sự sợ hãi đến cứng người, nhưng ra về với tâm trạng bình yên. Đưa tôi ra khỏi thôn, những người đàn ông, phụ nữ bỏ gậy xuống, rời đi những ánh mắt giận dữ, họ lại trở về với sự đôn hậu của những người dân quê. Sau những đống sỏi đá ngổn ngang đổ xuống làm chướng ngại vật là những biểu ngữ: "Không chống chính quyền".

Nếu hôm ấy, tôi đi thẳng về Hà Nội sau khi được thả ra, tôi sẽ vĩnh viễn chỉ nhìn thấy một nửa bức tranh. Và đó là nửa tối ám, đầy những ánh mắt long lên vì giận dữ, đầy cảm xúc tiêu cực. Nhưng tôi đã quay lại, và chủ động đối thoại, để may mắn được nhìn thấy sự hồn hậu và nỗi khát khao được bày tỏ trong chính những gương mặt ấy.

Khoảng cách giữa một con người đầy hằn học cầm gậy gỗ, với một con người chất phác của nông thôn, dường như chỉ là một cuộc trò chuyện cầu thị. Nhiều người trong số họ chỉ có nhu cầu được lắng nghe.

Một cuộc đối thoại thực sự công khai đang được chờ đợi.

Bảo Hà


Chúng tôi cẩn thận cũng không thừa. Vì ngay sau đó, báo Tuổi Trẻ đăng phóng sự Vào "tâm bão" Đồng Tâm chưa đầy mấy chục phút thì phải gỡ đi. Nhà văn Nguyễn Quang Lập đã bỏ công phục hồi bài báo. Anh giới thiệu trên trang FB như sau : " Xét về nghiệp vụ báo chí, báo Tuổi trẻ là nhất. Tiếc thay phóng sự có một không hai này vừa đưa lên vài chục phút đã bị hạ xuống. Nhà báo Lê Đức Dục báo Tuổi trẻ cho biết: “Không dễ để vào được điểm nóng Đồng Tâm , nhưng hôm nay người dân ở đó đã đồng ý cho phóng viên của Tuổi Trẻ vào làng mà không phải là pv một tờ báo nào khác, điều đó chứng tỏ chắc chắn họ có chút tin cậy dành cho tờ báo ! Nỗ lực để có những thông tin gửi đến bạn đọc của nhóm PV trong ngày hôm nay chỉ tồn tại được 30 phút trên báo Tuoitreonline và sau đó là "tứ bất tử", trong khi đó một trang tin ất ơ có thể lấy nguyên xi nội dung và hình ảnh để ghi là của mình !”

Tui phục hồi phóng sự này rất vất vả, nhằm chống lại những nhà báo ngồi phòng lạnh chôm chĩa bài và ảnh của phóng viên báo Tuổi trẻ."

Dưới đây, chúng tôi xin đăng lại toàn văn bài báo :


Vào "tâm bão" Đồng Tâm


Sau nhiều nỗ lực, phóng viên Tuổi Trẻ đã được người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đồng ý cho vào thôn, nơi người dân đang giữ 20 cán bộ công an.

Xã Đồng Tâm những ngày này đang trở thành tâm điểm quan tâm của người dân cả nước sau khi xảy ra vụ việc liên quan tới đất đai, việc 4 người dân bị công an bắt giữ do có dấu hiệu vi phạm pháp luật, việc 38 cán bộ huyện, cán bộ, chiến sĩ công an Hà Nội bị người dân giữ.

Những ngả đường dẫn vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm bị cản trở bởi đất đá, cây que và nhiều vật dụng. Một số lán trại được dựng lên tại các ngã ba, ngã tư trong thôn, người dân ở đây cũng cảnh giác và áp dụng các biện pháp kiểm soát không cho người lạ mặt ra vào.

Hai thanh niên được cử đi xe máy ra đường quốc lộ 429 đón chúng tôi.

Xe máy chở chúng tôi vượt qua một đống đá to được đổ kín ngay đầu làng. Cách đó khoảng 300m, có một cụ già và 3 người phụ nữ ngồi trong đền Quán Thá. Những người này cho biết, suốt 5 ngày nay họ bỏ công, bỏ việc lên đền thắp hương để cầu cho mọi chuyện sớm kết thúc, cầu cho cuộc sống sớm ổn định trở lại, người dân được bình an.

Trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ, cụ Bùi Văn Nhạc, 80 tuổi, bộc bạch: “Dân chúng tôi không bao giờ muốn có những chuyện như thế này. Cuộc sống của người dân mấy hôm nay cũng đảo lộn. Người dân nghỉ làm, nghỉ sản xuất”

“Bây giờ chúng tôi chỉ mong lãnh đạo thành phố, cơ quan chức năng về đây tổ chức đối thoại, nghe chúng tôi trình bày nguồn gốc đất đai, những căn cứ mà chúng tôi đằng đẵng khiếu nại nhiều năm nay chưa được trả lời thoả đáng. Không người dân nào mong muốn sự bất ổn này xảy ra cả”, một người phụ nữ ngoài 50 tuổi nói.

Theo những người dân tiếp chúng tôi tại đình Quán Thá (xã Đồng Tâm) trưa 19-4, câu chuyện đất đai ở thôn Hoành và xã Đồng Tâm đã dai dẳng 5 năm nay, qua nhiều cấp. Số tài liệu mà bà con tập hợp để đeo đuổi sự việc này cũng nặng chừng 3,5kg.

Nói về việc giữ các cán bộ, chiến sĩ công an, một phụ nữ tự giới thiệu là vợ ông Lê Đình Ba, phó trưởng thôn Hoành, xã Đồng Tâm, cho biết: "Chúng tôi chỉ giữ họ lại chứ không phải bắt, để mong các cấp lãnh đạo xuống gặp, lắng nghe và đối thoại với chúng tôi. Tôi vẫn thổi cơm bằng gạo nhà tôi, còn rau thì của nhà hàng xóm, thịt thì của một nhà chuyên đi chợ trong xóm, chúng tôi luân phiên nhau nấu cơm”.

Cụ Nguyễn Thị Chùa (82 tuổi, người trông coi đình Quán Thá) cho biết: “Bà con chúng tôi bảo nhau để các cháu (những cán bộ chiến sĩ đang bị giữ - PV) xảy ra chuyện gì không may là chúng tôi có tội với gia đình, với bố mẹ các cháu”.

Một phụ nữ trong thôn phủ nhận toàn bộ những thông tin công an bị đối xử không tử tế.

Chị cho biết sau khi người dân đã thả những người đầu tiên, số 20 công an còn lại hiện vẫn đang ở nhà văn hóa thôn Hoành.

Chúng tôi đặt vấn đề muốn tận mắt chứng kiến điều kiện ăn ở của những người đang bị giữ nhưng những người trò chuyện với chúng tôi đều nói không nên vào đó lúc này.

“Để vào đó phải qua một chốt khác nữa, người dân trong đó rất cảnh giác nên việc vào đó là chưa được, tuy nhiên, tất cả đang được đối xử rất tốt”, một người dân nói.

Một phụ nữ tự nhận là người đưa đồ ăn hàng ngày cho những người bị giữ ở nhà văn hoá cho biết: “Tất cả những yêu cầu của những người đang ở nhà văn hóa đều được đáp ứng”.

“Mỗi ngày, người dân trong thôn chi hơn một triệu đồng/bữa ăn cho những người đang ở nhà văn hoá. Chúng tôi tổ chức nấu cơm, phục vụ ngày ba bữa, sáng, trưa, chiều. Có sáng ăn xôi, có sáng ăn bánh mỳ ba tê. Hôm nắng chúng tôi mua kem, tức là ứng xử rất tử tế”, chị này cho hay.

Người phụ nữ này cũng cho biết sau mấy hôm bị giữ ở nhà văn hoá thôn Hoành, hôm nay, 19-4, người dân trong thôn đã mua quần áo cho những người bị giữ thay.

 “Có người muốn hút thuốc lá chúng tôi cũng mua thuốc lá”, chị nói.

Về sức khoẻ của những người bị giữ, người phụ nữ tự nhận phục vụ chuyện hậu cần cho biết tất cả mọi người đều khoẻ.

“Có người kêu đau một chút thì người dân trong thôn cũng đã mời bác sĩ của trạm y tế xã đến khám và khám sức khoẻ cho tất cả mọi người. Hiện sức khoẻ của mọi người đều tốt”, người phụ nữ này cho biết.

XUÂN LONG - THÂN HOÀNG - N.V.HẢI


Muốn hiểu diễn biến ở Đồng Tâm trong những ngày trước đó, có thể đọc bài tổng hợp của Bauxite Việt Nam :

Chuyến đi của ba vị Luật sư xuống Đồng Tâm và cái kết bất ngờ - một cú đảo chiều làm ai cũng chưng hửng

Cú đảo chiều là chuyện ông tướng công an Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND Hà Nội, người được uỷ nhiệm trực tiếp giải quyết vụ việc, và đã tuyên bố sẽ tới Đồng Tâm ngày 18.4 để đối thoại với bà con, rốt cuộc đã... không thấy xuất hiện.

Thay vào ông chủ tịch, thì 10 giờ tối ngày 19.4, một nhóm người lạ mặt, có lẽ là xã hội đen (hay giả dạng làm xã hội đen) đã tìm cách đột nhập (không thành công) vào xã Đồng Tâm : theo BBC, Vụ Đồng Tâm có thêm diễn biến phức tạp?. RFI, dưới tựa đề lạc quan, Cưỡng chế đất Mỹ Đức: Hà Nội đồng ý đối thoại với dân, đưa ra những phản ứng về thái độ trống đánh xuôi kèn thổi ngược của chính quyền Hà Nội, và đòi hỏi phải đối thoại với người dân. Là người đã trực tiếp điều tra vụ nổi dậy của nông dân Thái Bình cách đây 20 năm, giáo sư Tương Lai cảnh báo Sẽ còn nhiều ‘lươn lẹo’, ‘mưu mẹo’ ở Đồng Tâm (trả lời phỏng vấn của đài VoA).

Trở lại bài bản của bộ máy tuyên giáo tố cáo người dân xâm phạm "đất quốc phòng", trang mạng FB của Nguyễn Anh Tuấn đặt câu hỏi : Viettel xây công trình gì ở Mỹ Đức ?    Căn cứ vào thông báo về hợp đồng tháng 6-2016 giữa Thành phố Hà Nội và Viettel thì dự án của Viettel "ở đây thuần tuý là sản xuất kinh doanh", chứ không phải là một công trình quốc phòng (ngoài sự việc : Viettel là công ti kinh doanh của Bộ quốc phòng).

Thực chất vụ Đồng Tâm là đất đai và quyền làm chủ đất đai. Nhà báo Huy Đức đã phân tích rất rõ nguồn gốc và diễn tiến vụ việc trên trang FB : Nếu Đồng Tâm là quê hương của tướng Chung, tướng Hùng.

Trên văn bản, người dân Đồng Tâm bị coi là những người "chiếm đất quân sự", đang "sử dụng đất quốc phòng tại sân bay Miếu Môn" (Thông báo 162/TB-UBND, ngày 16-5-2016). Rồi, hôm qua, 18-4-2017 - báo chí lạnh lùng coi họ là những người "gây rối trật tự công cộng". 

Nhưng, trên đất có dân. Dân không phải là những con số khô khốc xuất hiện trong các văn bản. Hầu hết người dân thuộc 14 hộ có đất bị lấy giao cho Viettel này đã sống ở Đồng Tâm lâu đời. Kể cả thời bị đưa vào hợp tác xã, họ vẫn liên tục an cư, canh tác trên mảnh đất ấy cho đến khi Viettel cắm bảng gọi đó là "khu đất quân sự".

Dù ngày 14-4-1980, Phó thủ tướng Đỗ Mười ký quyết định 113/TTg "duyệt cấp cho Bộ Quốc phòng (BQP) 208 hecta thuộc xã Trần Phú, Nông trường Lương Mỹ", xây dựng đợt I sân bay Miếu Môn. Nhưng, từ đó đến nay, chẳng có cái sân bay nào được xây ở đây cả. Cho tới trước khi có "Dự án", BQP "chưa hề thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các hộ đang sử dụng đất" ở đó và cho tới ngày 1-12-2014, cả BQP lẫn tỉnh Hà Sơn Bình trước đây, lẫn Hà Tây và Hà Nội về sau, “chưa có văn bản nào xác định ranh giới khu đất này”.

Trên thực tế, ở đây, cũng có một đơn vị quân đội, Lữ đoàn 28 (nhận bàn giao từ Bộ Tư lệnh Công binh từ năm 1989). Về mặt nội bộ thì năm 1992, Lữ 28 có tiến hành lập sơ đồ khu đất. Nhưng, mãi tới năm 2014, đơn vị này mới có văn bản gửi Sở Tài Nguyên Môi trường Hà Nội xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 236,7 hecta, nhiều hơn 28,7 hecta so với diện tích mà năm 1980 Thủ tướng cấp. Ngày 27-3-2015, Bộ Tổng Tham mưu mới thu hồi 50,03 hecta đất thuộc khu này từ Lữ 28 để giao cho Viettel.

Cả về pháp lý và thực tế, phần lớn khu đất 236,7 hecta này, chưa từng được làm thủ tục hợp lệ (theo Luật Đất Đai năm 1993) và chưa từng được BQP sử dụng đúng mục đích mà quyết định 113/TTg giao. Lẽ ra, năm 2014, khi vùng này bắt đầu đô thị hóa (sau 6 năm nhập vào Hà Nội), Chính phủ nên thu hồi để cân nhắc sử dụng phần tài nguyên quốc gia đó sao cho hiệu quả nhất. Nếu "Dự án A1" mà Viettel đang tiến hành thực sự vì "mục đích quốc phòng" thì, trước hết, Chính phủ cũng nên cân nhắc chọn một chỗ trống dọc đường HCM thay vì đẩy quân đội vào thế "tranh" với dân bờ xôi, ruộng mật.

Nếu phần tài nguyên quốc gia đó được khai thác sao cho hữu ích nhất trong giai đoạn phát triển thời bình của đất nước thì, thay vì Quân đội hay các nhà kinh doanh địa ốc, trước hết, những cư dân ở đây phải được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên đó. Gia đình họ đã chịu đựng "quy hoạch treo" 37 năm, nay, khi đất tăng giá tại sao họ lại trở thành người ngoài cuộc.

Hãy nghe câu chuyện thực dân Pháp và hãng Shell ứng xử với nông dân ở Nhà Bè hồi đầu thế kỷ (Tư liệu của nhà báo Mai Bá Kiếm (Ba Kiem Mai), hậu duệ của người trong cuộc):

Năm 1911, hãng Shell (tập đoàn Anh - Hà Lan) đến Nhà Bè đầu tư Cảng và kho chứa xăng dầu. Chính quyền Pháp thay vì đứng ra đền bù đất rồi giao cho Shell mà để cho Shell thương lượng trực tiếp với 3 chủ đất tại đây, thuê 100 mẫu, thời hạn 99 năm. Lúc bấy giờ, 3 chủ đất đang cho cả trăm tá điền thuê với mức 10 giạ lúa/1.000m2/năm). Shell đàm phán giá thuê cao gấp 5 lần, lại được lãnh tiền hàng tháng qua Cheque. 

Chủ đất rất mừng, nhưng Dân luật Giản Yếu 1883 do người Pháp áp dụng ở Nam kỳ sau khi áp đặt chế độ thuộc Pháp lên vùng đất này đã trao cho các tá điền quyền tiên mãi (được ưu tiên mua cùng giá, mà chủ đất định bán cho người khác hoặc được ưu tiên thuê cùng giá mà chủ đất định cho người khác thuê với giá cao hơn). Tuy tá điền không thuê nổi theo giá Shell thuê nhưng họ có quyền không ký giấy khước từ thuê đất. 

Không có đủ giấy khước từ của tá điền, thì chủ đất không thể ký hợp đồng với Shell. Do đó, chủ đất phải thương lượng cho tá điền được hưởng tiền thuê đất mấy năm đầu mà hãng Shell trả, để tá điền chịu ký tờ khước từ thuê đất. Bỗng nhiên, tá điền có một cục tiền, có nhiều tá điền đi vô vùng sâu mua ruộng để làm chủ. Có nhiều tá điền - như ông nội nhà báo Mai Bá Kiếm (cụ Mai Bá Điền 1885 - 1979) - vừa lãnh được một cục tiền vừa xin được vào hãng Shell làm.

14 hộ dân thuộc xã Đồng Tâm không phải là "tá điền". Có 4 hộ đã "sử dụng đất" trước khi khu vực này bị Thủ tướng giao cho BQP, phần lớn còn lại đã sử dụng đất trước khi Luật Đất Đai 1993 có hiệu lực (15-10-1993). Có một trường hợp, ông Nguyễn Văn Thúy, mua lại nhà đất của 4 hộ công nhân có nguồn gốc là "tài sản thanh lý của công ty vôi đá Miếu Môn (ngày 30-8-2001). Cho dù phần có giá trị nhất ở đây là 25 nghìn mét vuông khuôn viên, nhưng biên bản thanh lý lại chỉ ghi mấy nhà xưởng rách nát chứ không ghi đất. 

Nhưng, BQP chỉ làm việc với Chính quyền. Các chủ đất thực sự đã không được coi là chủ thể của các vòng đàm phán. Mức đền bù mà họ được ấn định là: đất ở 2,2 triệu/m2 (được công nhận tối đa 300 m2); đất vườn, ao hồ 1,54 triệu/m2 (tối đa 180m2); đất trồng cây hàng năm và cây nông nghiệp 108 nghìn đồng/m2 [Khi đền bù, Viettel có tăng mức công nhận đất ở lên gấp 5 lần]. Riêng trường hợp ông Thúy không được đền bù phần đất (25 nghìn m2).

Nếu không bị quy hoạch, cho dù nguồn gốc thế nào thì theo Luật Đất Đai hiện hành, 14 hộ nông dân này cũng sẽ được ưu tiên công nhận quyền sử dụng đất (kể cả ông Thúy rồi cũng sẽ được "thủ đắc theo thời hiệu" - ông và 4 hộ công nhân đã canh tác đất ấy 16 năm qua). 

Chưa có nhà nghiên cứu nào tìm xem, có bao nhiêu người dân Thủ Thiêm đang ở trong khu Sala; có bao nhiêu người dân Tân Thuận đang ở trong khu Phú Mỹ Hưng; bao nhiều người dân Văn Giang đang ở trong Ecopark.... Và, nếu các ông chủ Phú Mỹ Hưng, Ecopark, Sala... phải thương lượng trực tiếp với các chủ đất, có thể tiến trình xây dựng các thành phố ấy sẽ không nhanh như thế nhưng chính quyền sẽ tránh được xung đột trực tiếp với dân; các khoản chênh lệch địa tô sẽ được ăn chia giữa các nhà đầu tư và nông dân (nông dân có thể nhận tiền mặt hoặc cổ phần từ các khu đô thị này); và, lợi nhuận mà các đại gia thu được chưa chắc đã thấp hơn vì họ chia sẻ công bằng với nông dân thay vì chi không thể hạch toán được với các quan tham nhũng.

Từ đất nông nghiệp mà muốn xây nhà thì chi phí duy nhất mà con người phải bỏ ra là san lấp. Chỉ vì một quyết định hành chánh (cho đổi mục đích sử dụng) mà giá đất có thể tăng hơn 20 lần (từ 108 nghìn đồng lên 2,2 triệu đồng/m2) thì "nhóm lợi ích" và bọn tham nhũng không xâu xé "chênh lêch địa tô" mới lạ. Nhà nước có thể giữ quyền quy hoạch đất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực. Nhưng khi chuyển đổi quy hoạch, khoản "chênh lệch địa tô" đó phải thuộc về nông dân chứ không phải là các nhóm lợi ích. Nhà nước sẽ chỉ hưởng lợi nhờ giá tính thuế chuyển quyền sử dụng đất tăng lên. 

An ninh, quốc phòng là “lợi ích quốc gia” và lợi ích của 90 triệu dân, không thể chỉ có 14 hộ dân chịu thiệt. Ngay cả khi Nhà nước “trưng mua” đất của dân cho “mục đích quốc phòng” thì vẫn phải theo đúng giá thị trường. Tôi nghĩ, các nhà lãnh đạo Hà Nội và Viettel biết giá đất ở Đồng Tâm chắc chắn không phải là 2,2 triệu/m2, đừng nói là 108 nghìn vì bị quy là đất nông nghiệp. Viettel (đơn vị chi tiền đền bù) nên đàm phán lại với dân nếu dứt khoát cần đất ở đó. BQP và Hà Nội nếu muốn sử dụng tiếp gần 180 hecta còn lại thì cũng nên đàm phán với dân theo nguyên tắc này. 

Cả Tướng Chung lẫn Tướng Hùng và các vị trong Thường vụ Hà Nội nên bình tâm. Chỉ cần đặt tình huống, 14 hộ bị thu hồi đất ở Đồng Tâm không phải là gia đình ông Căng, ông Tứ, ông Toán, bà Nguyệt, ông Thùy... mà là nhà mình thì sao. Cụ Kình cũng từng là lãnh đạo địa phương như quý vị đấy thôi. Đừng nghĩ quý vị sẽ là ngoại lệ khi các khoản "chênh lệch địa tô" được các thế hệ đi sau mang ra chia chác.

Kiến Văn


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss