Bạn đang ở: Trang chủ / Thấy trên mạng, bộ mới / Tranh luận về luật biểu tình (2)

Tranh luận về luật biểu tình (2)

- Người điểm báo — published 21/11/2011 22:46, cập nhật lần cuối 21/11/2011 22:46
điểm báo


Điểm báo



TRANH LUẬN VỀ
LUẬT BIỂU TÌNH (2)




Trong bài trước, chúng tôi đã điểm những bài báo và trang blog đầu tiên nói về phiên họp ngày 17.11.2011 trong đó một số đại biểu đã bàn về việc nên hay không nên ra "Luật biểu tình" ở thời điểm này.

Nổi bật trong những dân biểu chống lại việc ra luật là ông Hoàng Hữu Phước, doanh nhân, tự ứng cử. Muốn biết thêm về ông thạc sĩ quản trị này, vốn nổi tiếng là một đại gia có tài PR (Public Relations, nôm na là tự quảng cáo, nhưng bây giờ người ta theo mốt dùng tiếng Anh, nhất là tiếng Anh viết tắt, PR hay Pi A), có lẽ chỉ cần đọc một tác phẩm để đời : "Tôi và Tổng Thống Saddam Hussein" trên mạng của ông ta (có đăng lại trên mạng Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập). Ai không muốn phí thời giờ chỉ cần đọc một câu trích này thôi :

"Để thực hiện kế Liên Hoành, việc đầu tiên phải làm – nhưng khó trở thành hiện thực – là Saddam Hussein phải cử tôi làm Đặc Sứ Toàn Quyền Extraordinary and Plenipotentiary của Iraq để tôi có uy thế gặp Tổng Thống Mohammad Khatami và Chủ Tịch Kim Jong Il, dùng khả năng hùng biện để bảo đảm đạt được sự đồng thuận của các vị này."

Của đáng tội, ông đặc sứ này mới chỉ có toàn quyền viết nhảm nói bậy, chứ cách đây 20 năm, vào chiều hôm trước của Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, ông tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã ra lệnh cho 30 phi công Việt Nam sang Iraq giúp bạn chiến đấu chống "giặc lái" Mĩ. Phúc bẩy mươi đời, chuyến bay của Vietnam Airlines trục trặc, chậm cất cánh. Chiến tranh Vùng Vịnh I nổ ra, toán phi công còn ngồi chơi xơi nước ở phi trường Nội Bài. Uống xong thì khăn gói quả mướp quay về đơn vị.

Với một não trạng như vậy, nghe thấy hai tiếng biểu tình tất nhiên phải tá hỏa, nổi khùng.

Nhân đây, cũng xin cải chính một vài bài nói hàm ý rằng đại biểu Dương Trung Quốc là người duy nhất đứng lên phản bác luận điệu của ông Hoàng Hữu Phước. Đọc vội bản tin của Vneconomy, có người nhầm lẫn một người đồng ý với ông Phước là dân biểu Trương Trọng Nghĩa. Thật ra, ông Trương Trọng Nghĩa cũng đã phê phán khá rạch ròi ông dân biểu này (xem bài Chưa cần Luật biểu tình vì dân trí thấp? của báo Tuổi Trẻ). Ông khẳng định : "Nói dân trí VN thấp để cho rằng chưa nên cho thực thi một số quyền là hạ thấp nền dân trí của VN".

Trong bài Sốc về ông Hoàng Hữu Phước, Nguyễn Quang A nói thẳng : "Tôi trằn trọc đặt cho mình câu hỏi “làm sao những người như ông lại có thể “lẻn” vào Quốc Hội?” và thấy quá lo: với các “dân biểu” như ông thì Việt Nam lụn bại là chắc chắn." và kết luận : "Nếu còn chút liêm sỉ ông nên từ chức đại biểu Quốc Hội và về nhà tu học thêm."

Cũng là doanh nhân, cũng tự ứng cử nhưng không may mắn như ông Hữu Phước, tuy là con trai cố tổng bí thư Lê Duẩn, ông Lê Kiên Thành nhắc nhở :

"Những hình ảnh của đội quân tóc dài, hay những bà má giương cao biểu ngữ ở miền Nam đã vang động đến lương tri loài người, hối thúc công lý trong sâu thẳm mỗi trái tim người. Vì vậy mà trên khắp trái đất đã có Raymonde Dien thời chống Pháp và ngọn đuốc Norman Morrison thời chống Mỹ cùng triệu triệu tiếng hô vang, vung nắm tay ủng hộ Việt Nam; làm lung lạc dã tâm thực dân đế quốc. Dùng sức mạnh biển cả đó chúng ta mới chứng minh được công lý, lẽ phải, chính nghĩa ở bên mình và phi nghĩa ở phía kẻ thù" (Nói với ai nhầm lẫn khái niệm biểu tình)

Nếu muốn biết mình sai lầm ở những điểm nào, và muốn học hỏi về lịch sử các cuộc biểu tình  trên thế giới cũng như ở Việt Nam, ông dân biểu dị ứng với biểu tình nên đọc bài viết đầy đủ của giáo sư Ngô Đức Thọ : Phản hồi bài ông nghị Phước đòi xóa bỏ dự kiến soạn luật biểu tình. Đặc biệt, ông Ngô Đức Thọ đã bỏ ra một buổi tối để tìm trong Báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam : chỉ trong 6 tập đầu của Hồ Chí Minh toàn tập, đã tìm ra gần 30 bài cụ Hồ nói về biểu tình. Nhà sử học họ Ngô cũng không quên nhận xét :

"(...) các lãnh đạo nước mình hình như trước nay có ý ngại từ biểu tình, cho là nó có tính nhạy cảm, gợi ln chuyện gì không hay. Vì thế sách báo, truyền thông của ta gặp việc ấy – như ông đấy - cứ nói tránh ra là “các cuộc tụ tập” lại thêm hai chữ “tự phát” nữa để tỏ rõ là lãnh đạo không bảo làm thế (lãnh đạo bảo làm gì thì làm thế thôi) Không phải mới đây mà từ lâu nay vẫn thế. Bởi vậy một bộ sách như Bách khoa thư Việt Nam có rất nhiều từ ghép của “biểu”, như Biểu bì, Biểu chất, Biểu diễn, Biểu diễn chính xác (của đa thức), Biểu diễn tham sô, Biểu diễn tri thức, Biểu định hướng giá trị, Biểu đồ, Biểu đồ bao v.v…cho đến Biểu tượng, Biểu tượng Ôlimpic, tất cả 40 mục, nhưng mục  “Biểu tình” thì không có! (các nhà soạn BKTVN cũng nhạy cảm phết !)".

Ông nghị Phước không phải là hậu duệ duy nhất của Nghị Hách ở Quốc hội Việt Nam những năm gần đây. Đạo diễn Song Chi, trong bài Ngồi nhầm chỗ, đã liệt kê một loạt các ông bà nghị với những phát biểu đã đi vào lịch sử (của những quái thai chính trị) : từ ông nghị Hà Nam Ninh ủng hộ làm đường xe lửa TGV (cao tốc) để "trẻ em đi học, các bà đi chợ", ông nghị Sài thành được phong làm "ông nghị rau muống" (vì đã chứng minh nước ta đâu có lạm phát ghê gớm : "Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn... Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị."), bà phó Doan (đừng nhầm với nhân vật của Vũ Trọng Phụng) mà nền "dân chủ" của bà to "gấp vạn lần dân chủ tư sản", tới ông đương kim chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ở đây không đủ chỗ để trích dẫn.

Để kết thúc bài điểm báo này, xin chép lại dưới đây bài thơ tức cảnh của một nhà thơ đích thực, tuy đã từng làm ủy viên Bộ chính trị :

Nhân dân


Cúi mình trên đồng lúa

Lao lên các hỏa điểm chiến tranh

Lăn mình trong các cuộc xuống đường

Cặm cụi với sách vở

Họ là nhân dân thứ thiệt



Nhưng trên diễn đàn cao nhất nước

Có người nói nhân dân chưa đủ trí tuệ

Để hưởng luật biểu tình !


 

Tôi nghĩ mãi

Ai đã bầu ra ông nghị này nhỉ ?

Sao lại sợ nhân dân biểu tình ?



Không !

Sự sợ hãi không cứu được chúng ta

Mà chính là sự can đảm

Đi tới dân chủ.


 Tháng 11. 2011

Nguyễn Khoa Điềm


(bài này tác giả đã gửi cho mạng Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang (Bọ) Lập)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss