Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Đằng sau một cái chết

Đằng sau một cái chết

- Nguyễn Quang — published 06/01/2007 14:43, cập nhật lần cuối 14/03/2007 14:37
Bối cảnh vụ xét xử Saddam Hussein và nhất là cuộc hành quyết vội vã cho thấy ý đồ che đậy những sự thật mà Mĩ không muốn phơi bày.

Hành quyết Saddam Hussein

   

CHE ĐẬY

   

Nguyễn Quang



Một tên độc tài chết trên giường ở Santiago de Chile (Augusto Pinochet), một tên độc tài bị treo cổ ở Bagdad (Saddam Hussein), hai cái chết ấy có những gì giống nhau ? Không kể George W. Bush bất hủ, coi việc hành quyết Saddam là «giai đoạn quan trọng trên con đường dân chủ ở Irak», là phản ứng lúng túng của chính quyền các nước phương Tây, tất thảy đều nấp sau những bản thông cáo văn bia như : (Paris) «ghi nhận» một quyết định của Irak, một nước có chủ quyền, và nhắc lại nguyên tắc là mình chống án tử hình. Mà quả thực, cảnh tượng cựu lãnh tụ bị treo cổ, lúc đầu được đài truyền hình chính thức Al-Iraqiya tán phát một phần, sau đó được đưa loạn xạ và toàn bộ lên mạng Internet 1, là một cảnh dã man của một thời quá vãng.

Dẫu sao, cũng nên nhắc qua (và không đầy đủ) những tội ác mà Saddam Hussein phải trả lời trước toà án của Nhà nước Irak mới : cuộc tàn sát 148 dân làng Doujail người Chiite (năm 1982) ; cuộc tận diệt khoảng 200 000 người Kurd năm 1988 trong chiến dịch Al-Anfal, bằng vũ khí hoá học ; cuộc tàn sát người Chiite năm 1991, sau cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (số nạn nhân không biết rõ, hàng vạn, hay hàng chục vạn người)... Trước những tội ác như vậy, mà chỉ thảo luận (nên hay không nên) xử tử hình, thì quả là hàn lâm, và nhất là lạc đề, bởi vì như vậy là tránh né vấn đề cơ bản (cũng là điểm giống nhau nói ở đầu bài) : sự phá sản của công lí.

Trước hết trên bình diện thuần tuý pháp lí : vẫn biết Irak là một nhà nước có chủ quyền thành lập từ tháng bảy 2004 qua cuộc trưng cầu dân ý lập hiến và được củng cố danh nghĩa qua hai cuộc bầu cử tự do ; vẫn biết Toà án đặc biệt do Mĩ thành lập để xử những tội ác của chế độ đảng trị Baas (1968-2003) đã được chuyển giao cho nhà nước Irak, và phiên toà xử Saddam Hussein do những thẩm phán Irak tiến hành ; vẫn biết bản án sơ thẩm, quyết án phúc thẩm và cuộc hành quyết đều tuân thủ pháp luật Irak...

Song điều đó không bảo đảm sự công chính của toà án. Một mặt vì sức (đè) nặng của sự hiện diện về kinh tế, tài chính và quân sự của Mĩ (có cần nhắc lại : cho đến giờ phút chót, Saddam vẫn do quân đội Mĩ giam giữ, trong một trại lính Mĩ ?). Mặt khác là thành phần toà án, đại đa số là những thẩm phán người Chiite và Kurd, thuộc hai cộng đồng đã bị chế độ cũ hãm hại (có cần nhấn mạnh : cuộc thi hành bản án diễn ra không khác gì một cuộc hành quyết kiểu Lynch, tử tội lên đoạn đầu đài còn bị người Chiite hò hét lăng nhục ?). Vả lại, làm sao có thể nói tới xét xử công minh và an nhiên trong bối cảnh nội chiến, toà án phải họp trong một « pháo đài » nằm giữa « khu xanh » của Bagdad, chánh án thứ nhất bị cách chức, thân nhân của những thẩm phán và công tố viên bị ám sát, cũng như bốn luật sư của bên bị ? Trách nhiệm của bị cáo hiển nhiên, không ai chối cãi, nhưng trước bất cứ một toàn án quốc tế nào, bản án cũng sẽ bị huỷ vì những sai lầm trong thủ tục xét xử.

Nhìn từ bất cứ góc độ nào, việc hành quyết Saddam một cách vội vã như vậy là một sai lầm nghiêm trọng. Trước hết, nó được tiến hành đúng ngày Aid al-Adha, ngày lễ thiêng liêng nhất trong niên lịch Hồi giáo 2, thiểu số Sunnite sẽ coi đây là một sự khiêu khích của chính quyền (đa số là người Chiite). Điều này chẳng gây ấn tượng gì đối với những người Sunnite chống lại chính quyền (mà đa số không phải vì theo chính quyền cũ), nhưng sẽ càng khoét thêm hố sâu ngăn cách hai cộng đồng Sunnite và Chiite. Mặt khác, bản án chỉ liên quan tới cuộc tàn sát ở Doujail (148 nạn nhân), sẽ còn những vụ xử các cuộc tàn sát khác (mà số nạn nhân lên tới hàng trăm ngàn). Vẫn biết rằng theo pháp luật Irak, một khi kháng án bị bác bỏ, thì không thể xin ân xá và bản án tử hình phải được thi hành « nội trong 30 ngày ». Nhưng cả bản hiến pháp Irak cũng như các nguyên tắc vận hành của Toà án đặc biệt đều được soạn thảo cùng (bởi) các luật gia Mĩ, chẳng lẽ họ không tiên liệu được sự trái khoáy nghịch lí này sao : sự thật về những tội ác to lớn của Saddam Hussein sẽ không bao giờ được phơi bầy chỉ vì y ta đã bị treo cổ trước rồi, mà lại bị treo cổ chỉ vì một cái tội « không thấm vào đâu ». Do đó, chỉ một bước ngắn, cũng dễ kết luận rằng việc hành quyết vội vã này có mục đích khoá chặt miệng đương sự, ngăn chận sự « bạch hoá » sự ủng hộ của phương Tây đối với chế độ đảng Baas trong suốt hai mươi năm đầu, nhất là trong cuộc chiến tranh tương tàn giữa Irak và Iran (1980-1988, hai bên một triệu người chết). Giả thuyết « chủ trương che đậy » này càng được củng cố vì một tuần sau cuộc hành quyết Saddam, có tin hai tòng phạm khác cũng sẽ bị tử hình... Muốn thấy rõ tác hại của tấn kịch vừa diễn ra ở Bagdad, chỉ cần hình dung ra một kịch bản chính trị giả tưởng khác : giá như Mĩ đã xin được Liên Hiệp Quốc uỷ quyền can thiệp ở Irak, giá như Hoa Kì tham gia Toà án hình sự quốc tế, và hơn thế nữa, giá như Hoa Kì chủ trương mở rộng quyền hạn của Toà án này 3, thì ngày nay, trường hợp Saddam Hussein sẽ được giải quyết suôn sẻ như thế nào, không một ai có thể nghi ngờ rằng đó chỉ là « công lí của kẻ chiến thắng ».

Nguyễn Quang



1 TV chính thức của Irak tán phát một đoạn 20 giây, không âm thanh, không có những hình ảnh Saddam bị thắt cổ, không hình ảnh tử thi. Trên mạng Internet, có thể tìm thấy một đoạn phim video dài 2 phút rưỡi, có đầy đủ hình ảnh cuộc treo cổ, chắc quay bằng điện thoại di động.

2 Có sự lệch ngày giữa lịch của phái Sunnite và lịch của phái Chiite.

3 Toà án hình sự quốc tế không có quyền xét xử những tội ác xảy ra trước ngày thành lập (2002).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss