16 tháng đạp xe vì Trái Đất
Kim Nguyễn : Từ Úc đến Đan Mạch,
16 tháng đạp xe vì Trái Đất
N.D.
Kim Nguyễn
Kim Nguyen, sinh ở Canberra năm 1981, cha Việt và mẹ Úc gốc Anh-Scotland, đã đạp xe đạp từ Brisbane đầu tháng 8/2008, ròng rã 16 tháng qua nhiều nước châu Á và châu Âu, và đã đến Copenhagen ngày 6/12/2009, đúng 1 ngày trước khi khai mạc Hội nghị LHQ về Biến đổi Khí hậu. Mục đích chuyến “trường chinh” này là để nâng cao nhận thức về những hệ quả tai hại ghê gớm của sự biến đổi khí hậu và sự hủy hoại môi trường.
Ở Copenhagen, Kim đã gặp phái đoàn Úc và Thủ tướng Kevin Rudd và tham gia những cuộc họp của các tổ chức phi chính phủ để trình bày những quan sát trong chuyến đi của mình về biến đổi khí hậu và tàn phá môi trường.
Cuộc phỏng vấn dưới đây được thực hiện sau khi Kim rời Copenhagen và đến Paris cuối tháng 12/2009.
Tại sao anh quyết định đi từ Úc đến Đan mạch bằng xe đạp ?
Tôi muốn làm một điều gì tích cực để nói lên sự lo âu về biến đổi khí hậu và tàn phá môi trường. Đầu năm 2008 tôi có ý định đạp xe đạp từ Úc đi châu Âu vì xe đạp là phương tiện chuyên chở thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm, tuy tôi biết rằng đi xe đạp trong một cuộc hành trình dài như vậy sẽ có nhiều khó khăn và có thể gặp những rủi ro, bất trắc khó lường. Khi tôi được biết là sẽ có một hội nghị LHQ về khí hậu và môi trường ở Copenhagen thì tôi nghĩ thủ đô Đan mạch là cái đích lí tưởng cho cuộc hành trình của tôi. Tôi muốn đến Copenhagen vào đầu tháng 12/2009 trong dịp hôi nghị họp vì ý nghĩa rất quan trọng của hội nghị cho tương lai của đời sống con người trên hành tinh của chúng ta, Trái Đất. Vì vậy tôi gọi cuộc hành trình của tôi là “ride planet Earth” (“đi xe đạp cho Trái Đất, hành tinh của chúng ta”). Tôi mong muốn rằng càng ngày người ta sẽ đi xe đạp hay đi bộ nhiều hơn để giữ cho môi trường trong sạch hơn, xanh hơn.
Tôi muốn tìm hiểu trong chuyến đi ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu đến đời sống con người ở Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, v.v., những nước mà tôi dự định sẽ đi qua. Nhiều nơi đã phải gánh chịu hậu quả tai hại của ô nhiễm môi trường, nhiệt độ gia tăng, mực nước biển dâng cao. Đã có những người “tị nạn khí hậu” (climate refugees) bắt buộc phải rời bỏ mảnh đất truyền thống của họ đi tìm đất mới để sinh sống.
Anh đã không đi qua Bangladesh, Ấn Độ mà lại qua Mông Cổ, Kazakhstan v.v. Xin cho biết lí do anh chọn lộ trình.
Ý định ban đầu của tôi là đi qua Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Miến Điện, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Turkey rồi đến châu Âu. Nhưng tôi không được visa Miến Điện vì họ không cho phép một người đạp xe xuyên qua Miến nên tôi phải qua Lào và Trung Hoa. Tôi định đi Tây Tạng rồi từ đó sang Nepal rồi Ấn Độ. Nhưng ở Trung Hoa tôi cũng không được phép đi Tây Tạng nên tôi phải lên Mông Cổ, qua Nga, Kazakhstan, Azerbaijan, Georgia để đến Turkey rồi sang châu Âu.
Có nước chỉ cấp visa ngắn hạn như Nga cho tôi 10 ngày, Kazakhstan cho 16 ngày. Tôi không thể đạp xe xuyên qua 4000 km Kazakhstan trong 16 ngày nên sau 500km trên xe đạp, tôi phải đi xe lửa đến bờ biển Caspian. Vì hết hạn visa, tôi không thể chờ tàu thủy qua biển mà phải bay đến Baku, thủ đô Azerbaijan. Có người cho rằng ta phải tuyệt đối không dùng máy bay vì nó gây quá nhiều ô nhiễm. Nhưng tôi nghĩ rằng ta nên hạn chế dùng máy bay, chỉ dùng nó khi nào thật cần thiết. Thí dụ như từ Úc đi nước khác khó có thể dùng phương tiện nào khác nếu không đi máy bay.
Trong chuyến đi, có lúc nào anh thấy nản lòng không ?
Tôi bị cảm nắng và kiệt sức hai lần, phải vô bệnh viện. Lần đầu ở sa mạc Bắc Úc; lần sau ở Đông Timor, tôi bất tỉnh và ngã dập mặt. Lúc đó tôi không hề nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Nhưng sau 10 tháng rong ruổi, tôi gặp trở ngại lớn ở Mông cổ (Nhật ký chuyến đi của Kim được anh ghi lại trên trang web Ride Planet Earth, xem những ngày ở Mông Cổ). Đạp xe đạp giữa sa mạc Mông cổ thật là một cực hình. Những cơn gió lớn tạt từng lớp cát vào người và vào mặt tôi, làm da mặt bỏng rát. Tôi phải cố hết sức mà đạp để khỏi bị gió đẩy lùi. Đầu gối tôi sưng tấy lên và đau buốt. Chịu không nổi, tôi thoáng có ý bỏ cuộc, giã từ chuyến phiêu lưu này, quay trở lại Ulan Bator rồi về Úc. Tôi điện thoại anh bạn học người Úc mà tôi tình cờ gặp lại ở Ulan Bator để xin ở nhờ vài ngày nhưng anh ấy không có nhà. Khi anh bạn gọi lại tôi 15 phút sau thì tôi đã đổi ý, quyết chí phấn đấu để tiếp tục cuộc hành trình.
Anh làm gì ở Copenhagen?
Tôi tham gia các buổi thảo luận tại Diễn đàn Khí hậu (Klimaforum) của các tổ chức phi chính phủ và học hỏi được nhiều điều bổ ích. Tôi hiểu rõ hơn về những tai họa mà những nước nghèo phương Nam phải gánh chịu khi khí hậu biến đổi do ảnh hưởng của khí thải nhà kính, và kẻ có trách nhiệm chính gây ra những khí thải ấy trong 200 năm nay từ khi Cách mạng công nghiệp bắt đầu là các nước giàu phương Bắc. Vì vậy các nước giàu có công nghiệp phát triển phải bồi thường / đền bù cho các nước nghèo, nhất là ở châu Phi, Mĩ latin, Nam Á và Đông Nam Á, để giúp các nước này phát triển các nguồn năng lượng tái sinh và các công nghiệp không gây ô nhiễm. Tôi hiểu rõ hơn về số phận của hàng triệu người bị đe dọa ở Bangladesh, ở đồng bằng sông Mekong, ở các đảo Nam Thái Bình Dương nếu mực nước biển lên cao. Họ sẽ mất đất sống và trở thành người “tị nạn khí hậu”.
Anh nghĩ gì về kết quả của Hội nghị Copenhagen?
Kết cục của Hội nghị thật đáng buồn, làm mọi người thất vọng. Có lẽ người ta trông chờ quá nhiều vào Hội nghị. Thật ra ngay từ đầu ở Diễn đàn Khí hậu đa số những người tham gia đều nghĩ rằng các chính trị gia trong Hội nghị khó mà đồng ý về một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề biến đổi khí hậu. Giải pháp phải là từ chúng ta. Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm tích cực hành động để chống lại những hậu quả tai hại của biến đổi khí hậu. Chúng ta cần giảm thiểu “vết chân carbon” (carbon footprint) của chúng ta bằng cách dùng những phương tiện chuyên chở thân thiện với môi trường như đi xe đạp, giảm bớt hay bỏ hẳn những tiêu thụ không cần thiết, tẩy chay những mặt hàng và những công ti gây ô nhiễm môi trường, v.v. Chúng ta phải tích cực hành động về mặt chính trị như dùng lá phiếu của người công dân trong một xã hội dân chủ để làm áp lực buộc chính phủ phải ban hành những biện pháp thân thiện với môi trường, giảm khí thải nhà kính và kìm hãm biến đổi khí hậu. Chúng ta phải hành động vì biến đổi khí hậu ảnh hưởng tai hại cho Trái Đất, tức là cho tất cả mỗi người chúng ta và cho các thế hệ con cháu chúng ta trong tương lai. Vì sự sống còn của Trái Đất, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ làm được. We can do it.
N.D.
Các thao tác trên Tài liệu