“ Đây có phải là nước Mỹ mà bạn từng mơ ước không ? ”
“ Đây có phải là nước Mỹ
mà bạn từng mơ ước không ? ”
Sydney TRAN
Bài viết giới thiệu cuộc trò chuyện trên podcast The Vietnamese with Kenneth Nguyen, tập mang tên “ Is This the America You Want ? ” – nhân ngày Quốc khánh Hoa Kỳ 4 tháng 7.
Ngày 4 tháng 7 – ngày Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ thường đi đôi với những buổi tiệc BBQ, pháo bông và cờ bay phất phới. Nhưng trong một góc yên tĩnh của không gian podcast, hai người bạn trẻ người Mỹ gốc Việt – Kenneth Nguyễn và Chris – đã dành buổi nói chuyện để tự vấn một câu hỏi dằn vặt hai em : “ Đây có phải là nước Mỹ mà chúng ta từng mơ ước ? ”
Cuộc đối thoại kéo dài gần 50 phút không chỉ đơn thuần là những lời tâm sự giữa hai người bạn mang chung một ký ức ; mà nó là một bản cáo trạng, một lời kêu gọi cất lên từ đáy lòng, và cũng là một hồi chuông lay động lương tri của cộng đồng người Việt nơi đất khách.
Đặc biệt hơn là với những ai từng sống trong thân phận tị nạn, những người đã từng run rẩy cầm đơn xin cư trú, từng ngước nhìn lá cờ Mỹ như một biểu tượng của sự sống còn, từng xem mảnh đất này là chiếc phao cuối cùng giữa đại dương hỗn loạn.
Người tị nạn bị trục xuất
Kenneth và Chris đều là dân tỵ nạn, họ đến đảo Guam sau năm 1975. Hai em không kể lại chuyện quá khứ để gợi cảm thương, mà để nhấn mạnh rằng các em từng là “ kẻ nhập cư bất hợp pháp ” đúng theo nghĩa của nó, từng bị xem là gánh nặng, nhưng nhờ vào những phong trào và các tổ chức từ thiện (như Catholic Charities) đón nhận, cưu mang, nên hai em mới có cơ hội trở thành công dân.
Hai em nói : nửa thế kỷ sau, với làn sóng người Afghanistan và nhiều cộng đồng khác đang xin tị nạn, chính những người Việt từng nhận ơn nay lại là những người đứng bên này rào, lạnh lùng ủng hộ chính sách trục xuất người tị nạn. Hoặc họ im lặng, một hành động mà Kenneth cho là “ đồng lõa.”
Chris đặt một câu hỏi gay gắt : “Nếu nước Mỹ năm xưa cũng quay lưng với người Việt như nước Mỹ hôm nay đang làm với người Afghanistan, liệu chúng ta có còn ngồi đây để nói chuyện không ? ”.
Khi người Việt quên mình từng là “ người lạ ”
Một trong những điểm nổi bật, và đau đớn, của cuộc trò chuyện là khi hai em đập tan cái gọi là “ giấc mơ của người Mỹ.”
Hai em thừa nhận là qua suốt thuở thanh xuân, họ đã từng cố gắng “ trắng hóa ” bản thân. Họ học surfing, nghe nhạc punk rock, tránh né tiếng Việt để được “ an toàn ”, để được “ chấp nhận ” như một người Mỹ da trắng.
Nhưng dẫu có “ trắng ” đến đâu, họ vẫn là người Á Đông ; vẫn bị gọi là “ gook ”, là “ FOB ”. Và từ từ thì họ hiểu rõ rằng : quyền công dân – cái “ giấy thông hành ” tưởng chừng như bất khả xâm phạm – có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào, chỉ vì một lỗi nhỏ như lái xe khi say rượu.
Câu chuyện không chỉ chú trọng vào chính sách di trú. Hai em còn nói về sự thay đổi bản chất của xã hội Mỹ, nơi mà luật pháp ngày càng khắt khe với những người yếu thế, nơi những giá trị như khoan dung, tái hòa nhập, và tha thứ dần dần bị thay bằng các tính toán lợi nhuận – từ nhà tù tư nhân đến chính sách ICE.
Sự chia rẽ trong gia đình người Việt
Một điểm đáng chú ý là sự đổ vỡ đang diễn ra ngay trong các gia đình Việt Nam. Chris kể, cha mẹ anh, như nhiều người Việt lớn tuổi khác, bỏ phiếu cho Trump, ủng hộ chính sách cứng rắn với người nhập cư, dù chính họ từng là người vượt biển. Họ tin rằng “ đã làm đúng luật thì không sao.” Nhưng khi bị ảnh hưởng như bị cắt Medicaid, hoặc người thân bị đe dọa trục xuất, thì họ lại gọi con cái nhờ giải thích. Đó là một nghịch lý đau lòng.
Kenneth và Chris không kêu gọi cộng đồng người Việt theo “ cánh tả ”. Hai em chỉ kêu gọi người Việt nên trở về với một điều căn bản nhất. Đó là lòng nhân.
“ Đừng mắng tôi là ‘woke’ chỉ vì tôi có trái tim,” Kenneth nói. “ Tôi chỉ muốn hỏi : chúng ta đang đối xử với con người bằng tình thương, hay bằng sự sợ hãi và tính toán ? ”
Một lời mời đối thoại và cảnh báo về tương lai
Tập podcast chấm dứt không bằng lời kết, mà bằng một lời mời. Hãy ngồi xuống đối thoại. Không cần phải đồng thuận, nhưng cần phải lắng nghe.
Và hai em cũng cảnh báo rằng nếu cộng đồng người Việt, từng là biểu tượng của lòng kiên cường và sự biết ơn, ngày nay quay lưng với những người đi sau, thì chúng ta đã đánh mất không chỉ ký ức, mà cả tương lai.
Bởi vì hôm nay người ta bị trục xuất. Ngày mai, biết đâu, lại đến lượt con cháu chúng ta.
Kết
“ Đây có phải là nước Mỹ mà bạn từng mơ ước không ? ”
Câu hỏi này không chỉ dành cho người Mỹ da trắng, mà dành cho tất cả chúng ta, những người đã từng đứng trước sóng gió lịch sử, từng được cưu mang, và nay đang có trong tay một số quyền, cho dù chỉ là quyền được nói, được nghĩ, và được chọn lựa một chỗ đứng.
Nếu câu trả lời là “ không ”, thì đã đến lúc chúng ta lên tiếng.
Sydney TRAN
NGUỒN : Trang Bạn bè thích Viet-studies.netCác thao tác trên Tài liệu