Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / “Mùa hè đỏ lửa” ở Grudia

“Mùa hè đỏ lửa” ở Grudia

- Thanh Gương — published 21/08/2008 11:14, cập nhật lần cuối 21/08/2008 11:14


“Mùa hè đỏ lửa” ở Grudia

THANH GƯƠNG


“Mùa hè đỏ lửa” ở Grudia (Georgia) tạm thời đến hôm16/08/2009 có thể coi như là chấm dứt khi các cơ quan truyền thông trên thế giới đưa tin về việc ký kết “hoà ước” giữa Nga và Grudia.

Trên thực tế cuộc chiến tranh nói trên chắc chắn sẽ còn dai dẳng trong những ngày tới. Trước mắt là quân đội của Nga, dù rằng đã ký kết đình chiến, vẫn chưa rời khỏi lãnh thổ của Grudia.

Nhưng tạm thời, người ta đã có thể làm một vào con tính để phân biệt “ai thắng ai bại” trong cuộc chiến tranh chớp nhoáng của mùa hè 2008 này.


Trước hết xin nói về Nga


Có người ví von như thế này : nếu không có một Saakhashvili, đương kim Tổng thống của Grudia, thì chắc là mùa hè năm nay Putin sẽ phải tiếp tục ngồi đợi “thời cơ”.

Quả thực thế, kể từ khi Liên bang Xô viết tan rã, nước Nga phải chịu “ngậm đắng nuốt cay” nhìn các vùng địa phương tự tách ra tuyên bố độc lập thành những “Cộng hoà”, và phải “nhẫn nhục” nhìn khối NATO của Mỹ cứ ngày ngày “ra rả” kêu gọi “chiêu hồi” các nước Đông Âu cũ, với viễn ảnh lo sợ là khối NATO sẽ lần lần khép chặt vòng đai bao vây Nga.


Và đến Mỹ và Châu Âu


Nhưng, quan trọng nhất là trong cuộc đụng độ quân sự chớp nhoáng này, là Putin đã “cho” Mỹ một “tát tai nổ đom đóm”. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, “đế chế” Nga đang ở thế tiến công quân sự. “Mùa hè đỏ lửa” ở Grudia không những chỉ cho phép Nga lấy được thế thượng phong trong vùng Caucasus, mà từ đây Nga có thể bắt đầu "cầm bút" để vẽ lại bản đồ thế giới, bản đồ mà Mỹ ngỡ rằng đã “dứt điểm” và khoá chặt kể từ sau khi chấm dứt chiến tranh lạnh.

Suốt trong thời kỳ chiến tranh lạnh (1947-1989), một trong những mục tiêu chiến lược của Mỹ là tìm cách giữ sao cho Tây Âu không rơi vào khu vực ảnh hưởng của Liên Xô. Nhưng oái oăm của lịch sử : 20 năm sau khi đã “hạ gục” Liên Xô, Mỹ lại khám phá ra rằng chính các nước Tây Âu mà Mỹ đã một lòng bảo vệ, đứng đầu là các nước Đức, Pháp và Ý, lại chẳng mấy “thiết tha” với Mỹ. Có thể sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng dầu khí do Nga cung cấp đã khiến cho Tây Âu phải tìm cách lấy thế đứng “độc lập” với Mỹ để được lòng Nga. Nhưng không phải chỉ đơn thuần chuyện dầu khí.

Thực ra thì Berlin, Paris và Roma đều cho rằng Moscow là một “bộ phận không thể tách rời” của thế quân bình chính trị trên địa bàn Châu Âu. Và do đó các nước Tây Âu này không bao giờ xem một liên minh Châu Âu chống đối Nga, như các tay diều hâu của Nhà Trắng kiểu Cheney hay McCain hằng mong muốn, là một chiến lược chính trị khả thi. Trong khi đó, một phần do quá khứ lịch sử để lại, một phần do ý muốn làm một bước “nhảy vọt”, phần lớn các nước cựu Đông Âu, đứng đầu là Ba Lan, lại có khuynh hướng thân Mỹ và chống Nga hơn các nước Tây Âu.

Đây là một trong những nét rạn nứt xuyên suốt từ liên minh quân sự NATO cho đến Cộng đồng Châu Âu. Nó gây chia rẽ ngay trong nội bộ Châu Âu. Điều mà Mỹ đã không tiên liệu trước. Thậm chí nó còn đang làm cho một số quốc gia nòng cốt Châu Âu đang có khuynh hướng tiến gần đến với Nga hơn.

Thực ra thì nét rạn nứt này không phải là điều chi mới lạ. Trên mặt trận chính trị ngoại giao từ lâu người ta đã cảm nhận được điều này trên địa bàn Châu Âu. Có điều đó chỉ là những “cảm nhận”, và nó chỉ được thực sự hiện nguyên hình sau chiến sự “mùa hè đỏ lửa” ở Grudia.

Này nhé, chỉ cần thấy tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, trong tư thế chủ tịch Liên hiệp Châu Âu (luân phiên), vội vã lấy phi cơ bay sang Moscow và Tbilisi (thủ đô Grudia) khi những phát súng đầu tiên vừa khai hoả. Nhiều người cho rằng Sarkozy đã đứng ra “trung gian” để hoà giải thành công cuộc tranh chấp giữa Nga và Grudia. Thực ra thì không phải như thế. Chỉ cần đọc nội dung của bản “đề cương hoà giải” do Sarkozy đưa ra thì người ta thấy ngay là tổng thống Pháp bay sang Moscow không để làm gì khác hơn là làm một “công chứng viên” (notary) để “chứng nhận” rằng Nga là người chiến thắng và Grudia là kẻ chiến bại trong “mùa hè đỏ lửa” 2008.


Và nhất là để “chứng nhận” sự bất lực của Mỹ


Bởi vì nội dung của “đề cương hoà giải” của Sarkozy chỉ đơn thuần ghi nhận những gì thực tế đã xảy ra trên mặt trận quân sự : chính quyền Tbilisi từ đây phải coi vấn đề “ly khai” của Nam-Ossetia và Abkhazia như là “chuyện đã rồi”, trong khi chính quyền Moscow từ nay lại càng có quyền “lớn giọng” trên vùng Caucasus. Chắc chắn là Putin sẽ tận dụng tối đa ảnh hưởng chính trị của cuộc chiến thắng quân sự này trên các ván cờ chính trị ngoại giao quốc tế trong những ngày sắp tới.

Và ai cũng thấy là nếu trước đây Mỹ đã gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của Pháp, Đức, và Ý khi tìm cách đưa Grudia vào NATO, thì sau mùa hè năm nay chắc chắn là ý đồ của Mỹ thúc đẩy Grudia gia nhập vào liên minh NATO càng trở nên ... “mờ ảo”. Cũng như việc Mỹ muốn gây áp lực để cho Ucraina vào NATO cũng chịu chung số phận mờ ảo nói trên.


Có hai Châu Âu...


Đúng là trong cương vị chủ tịch Châu Âu, Pháp đã nhân danh cả Châu Âu khi đặt chân đến Moscow. Nhưng Sarkozy đã không thể hành xử vì hoàn toàn lợi ích của toàn thể khối Châu Âu. Bỏ qua một bên thế đứng “độc lập” cổ điển của Anh mỗi khi trên ván bài có sự hiện diện của Nga và của Mỹ, chỉ cần nhìn thế đứng các nước Đông Âu cũ như Ba Lan hay các nước thuộc vùng Baltic là thấy Sarkozy đã không thể “đại diện” cho các quốc gia này: trong khi Sarkozy đang “thừa nhận” chiến thắng quân sự – và chính trị – của Nga thì lãnh đạo của Ba Lan, Estonia, Lettonia, Lituania đã cùng với lãnh đạo Ucraina bay sang Tbilisi để tỏ tình “đoàn kết” với Saakhashvili, để tố cáo “chủ nghĩa đế quốc” và “tham vọng bành trướng” của Moscow. Sự kiện này đã cho thấy là trên thực tế có hai Châu Âu trong Liên hiệp Châu Âu, có hai Châu Âu trong liên minh quân sự NATO.

Một Châu Âu thì “nghiêng” về phía Nga, trong đó nước Ý của Berlusconi là “mắt xích” cứng cựa nhất. Berlusconi lúc nào cũng tự hào là “người Mỹ” (amerikano)... nhưng khi có biến và phải chọn lựa giữa Bush và Putin thì Berlusconi luôn “bỏ rơi” Bush – có thực mới vực được đạo là thế.

Một Châu Âu khác thì dựa trên mẫu số chung là chống Nga, đứng đầu là cặp “song sinh” Ba Lan Lech Kaczynsky và tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves.

Điều này có nghĩa là Liên hiệp Châu Âu sẽ không bao giờ có một chiến lược chính trị ngoại giao đồng nhất nếu ngày nào còn có Nga.

Thậm chí ai có thể đoán trước được chuyện gì có thể xảy ra nếu một mai chức chủ tịch Liên hiệp Châu Âu luân phiên lại rơi vào tay của một trong các nước có khuynh hướng chống Nga ?


Những gì sẽ xảy ra trong tương lai ?


Câu hỏi được đặt ra là : có phải đây là Châu Âu mà Mỹ đã chiến đấu suốt thời kỳ chiến tranh lạnh cho đến khi hạ gục được Liên Xô ? Chắc chắn là không. Không phải Châu Âu này mà Mỹ mong muốn.

Mỹ chẳng dại gì dồn Liên Xô đến chổ “tuyệt chủng” để rồi phải đối đầu với một “đế chế Nga” lúc nào cũng muốn “thu hồi” lại những phần đất đã bị mất trong thời khủng hoảng của Nga ngay sau khi Liên Xô bị sụp đổ, một nước Nga đang ngày càng có khả năng gây áp lực trong quan hệ với các nước Tây Âu (một phần là nhờ vào lợi thế dầu khí).

Mỹ có lợi lộc gì không nếu phải đánh đổi Berlin, Paris và Roma để lấy Tallinn (thủ đô Estonia), Riga (thủ đô Lettonia) và Vilnius (thủ đô Lituania) ? Dù biết rằng đấy là những thủ đô mà hiện nay vị đại sứ Mỹ có vai trò như là một “lãnh đạo tối cao” của nước đó, na ná như đại sứ Mỹ ở các nước Tây Âu thời những thập niên 50. Hay để đánh đổi với Varsawa ? Với Kiev hay với Tbilisi ? Chắc chắn là Mỹ không muốn thế. Hoạ chăng Mỹ chỉ muốn tăng thêm số lượng các thủ đô thân Mỹ, chứ không muốn đánh đổi.

Cái gọi là “Châu Âu mới” (New Europe) mà Rumsfeld (cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ) đã hồ hởi ca ngợi khi mở màn “chiến dịch quân sự Iran” hiện bây giờ lại đang gây nhiều rắc rối cho Nhà trắng.

Trường hợp của Grudia là một trường hợp điển hình : tổng thống Saakhashvili tự cho rằng mình “thân Mỹ” nhất, “thân Mỹ” hơn cả Mỹ. Tổng thống Bush đã cực lực hỗ trợ chính quyền của Saakhashvili và Mỹ đã góp phần củng cố quân đội của Grudia (hôm 17/08/2008, lại có tin là Israel cũng đã có tham dự trong các hoạt động huấn luyện quân sự cho quân đội Grudia), với ý đồ cản mũi kỳ đà Nga ngay trong khu vực Caucasus có tầm chiến lược quan trọng cho các đường vận chuyển khí đốt. Điển hình là ống dẫn dầu khí Baku (Azerbaijan) – Tbilisi (Grudia) – Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ) nhằm tìm cách dẫn dầu khí từ biển Caspio sang Châu Âu, và thậm chí ống dẫn dầu khí Nabucco đang dự tính xây dựng nhằm vận chuyền dầu khí từ Thổ sang các nước Bulgaria, Romania, Hungria và Austria. Đây là những đường dẫn dầu khí mà Nga thường lên tiếng chỉ trích, và thật sự đúng là không mấy có ý nghĩa kinh tế, nhưng lại có giá trị chính trị chiến lược rất lớn vì được Tây Âu và Mỹ xem như là phương sách nhằm để mở các tuyến dẫn dầu khí đến Châu Âu mà không bị lệ thuộc vào các tuyến đường nằm trong tay Nga.

Nhưng có lẽ là lãnh đạo của Grudia đã đánh giá quá cao “con bài Mỹ”. Có lẽ họ lầm tưởng với những lời lẽ chính trị ủng hộ của Bush là Grudia có thể mở đường tiến đến một "tiểu bá" ở Causasus.

Trường hợp của Grudia cũng ít nhiều na ná như trường hợp của Kosovo. Cũng kiểu “đuôi vẫy con chó” thay vì “con chó vẫy đuôi”. Kiểu đàn em lôi kéo đàn anh. Có điều là trong trường hợp Kosovo thì mấy tay lãnh đạo của KLA (Quân đội giải phóng Kosovo) đã biết khôn khéo tinh ranh “sử dụng” một cách tài tình NATO để chống lại Serbia, trong khi lãnh đạo Grudia lại bị “bé cái lầm” trong việc toan tính sử dụng sự bảo vệ của Mỹ để chống lại Putin. Thực tế đã cho thấy là Washington đã không “lâm chiến” chỉ vì để bảo vệ quyền lợi cho một nước tí teo như Grudia. Nhưng nó cũng cho thấy là chính quyền Mỹ hoàn toàn bị thụ động trước những biến chuyển tình hình ở vùng Caucasus: ngoài những tuyên bố “lên án” và hăm doạ mồm, Mỹ đã hoàn toàn án binh bất động.

Thậm chí Mỹ chẳng còn biết làm gì hơn là tuyên bố “trả thù” Nga bằng cách đòi loại bỏ Nga ra khỏi câu lạc bộ G8. Trong khi ai cũng biết là câu lạc bộ G8 vốn cũng đã đang bị lỗi thời, thực chất mấy năm nay cũng chẳng quyết định được chuyện gì quan trọng. Bởi vì làm sao mà có thể quyết định một cách cụ thể bất cứ chuyện gì khi mà hai nước đông dân nhất, và đang có nền kinh tế “tăng tốc ồ ạt” nhất hiện nay là Trung Quốc và Ấn Độ lại không có mặt. Bất cứ một quyết định chính trị, kinh tế, tài chính nào của G8 nếu không có một sự đồng thuận nào đó của Trung Quốc và Ấn Độ thì gần như là không có tính khả thi. Đó là chưa nói hiện nay Trung Quốc lại đang là “chủ nợ” của ngân sách nhà nước Mỹ. Một câu lạc bộ G8 “bất lực” như thế thì có lẽ Nga cũng chẳng lấy làm buồn nếu Mỹ đòi loại trừ Nga ra khỏi câu lạc bộ. Tệ hại hơn nữa là như thế G7 còn lại lại sẽ càng thêm “bất lực” vì thiếu Nga...

Mỹ cũng hung hăng tuyên bố là sẽ đem tàu chiến mang cờ Mỹ chở hàng cứu trợ đến các nạn nhân chiến cuộc ở Grudia. Nhưng tuyên bố này nghe sao có mùi tuyên truyền tranh cử nhiều hơn là thực chất.

Mỹ đang đứng trước ngã ba đường. Người kế vị Bush vào tháng 11 sắp tới này sẽ bị bắt buộc phải chọn lựa. Chọn lựa mà đến giờ phút này cả Clinton lẫn Bush đều đã né tránh.

Hoặc Mỹ phải chấp nhận xem Nga như là một yếu tố cần thiết không thể thiếu trong phương trình cân bằng thế lực ở khu vực Âu-Á. Như vậy có nghĩa là phải chấp nhận “hiệp thương” với Nga trên các ván bài chính trị quốc tế.

Hoặc Mỹ phải chạy theo chiến lược chống Nga của nhóm Ba Lan - Baltic, của Grudia, của Ucriana... theo đó chiến thắng cuối cùng của chiến tranh lạnh không phải chỉ có nghĩa là đánh đổ bức tường Bá Linh, mà còn phải tiến đến việc bao vây Nga, để rồi cuối cùng phải tiêu diệt “đế chế” Nga vốn nuôi tham vọng bành trướng.

Cả hai chọn lựa, chọn lựa nào cũng có giá phải trả.

Với chọn lựa thứ hai thì chắc khó mà tránh “cảnh binh đao” : một loạt chiến tranh lớn bé “cục bộ” sẽ nổ ra ngay trong lòng Châu Âu. Bởi vì khác với Liên Xô, Nga sẽ không phải đi đến “tự vận” như Liên Xô. Và điều này chính Putin đã nói rõ khi ra lệnh cho xe tăng Nga tràn vào miền Nam-Ossetia và cho máy bay Nga oanh tạc Grudia.

Chắc chắn là mấy nước “Châu Âu cũ” cảm nhận được mối nguy hiểm này.

Nhưng còn Mỹ thì tính sao ? Chắc phải đợi qua tháng 11 này thì mới có thể biết Mỹ sẽ lựa chọn như thế nào.


TB : Cho đến hôm nay, 20/08/2008, theo tin báo chí thì phản ứng “chính trị” duy nhất của Mỹ và của Châu Âu trong phiên họp của các Bộ Trưởng Ngoại Giao của khối NATO ở Bruxelles ngày hôm qua, 19/08/2008, là “lên án Nga đã không giữ đúng lời hứa” (theo nội dung “hoà ước” do Sarkozy đề nghị và đã được Nga và Grudia đồng ý ký kết thì từ hôm 17/08/2008 quân đội Nga đã phải rút ra khỏi Grudia). Nhưng hôm qua, trên truyền hình, có một vị tướng Nga, khi được ký giả hỏi về tình hình rút quân của Nga, thì vị tướng này đã nói một cách tỉnh queo : “thì chúng tôi đang ... từ từ rút quân ... cho đến khoảng Giáng Sinh thì xong”.

Roma, 20/08/2008

Thanh Gương

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss