Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / “Pháp-Phi” động đất

“Pháp-Phi” động đất

- Catherine MORAND / Kiến Văn dịch — published 04/10/2023 12:50, cập nhật lần cuối 04/10/2023 14:29

 

Nước Pháp ở Châu Phi : động đất


Catherine Morand


Lịch sử đang sang trang đối với nước Pháp ở lục địa Phi Châu. Nếu phải minh họa điều này bằng hình ảnh, thì đó là hình ảnh ông Sylvain Itté, đại sứ Pháp tại Niger vừa phải rời khỏi thủ đô Niamey, sau mấy tuần lễ bị giam lỏng trong khuôn viên đại sứ quán bị canh gác cẩn mật, không được tiếp xúc với ai, chẳng được tiếp tế, bị đám đông biểu tình tụ tập la ó ở bên ngoài tường cao cửa đóng.

Đối với Paris, sự kiện đại sứ và quân đội bị xua đuổi như tà ma ác quỷ bởi những quân nhân trẻ tuổi đảo chính khỏi Mali, Burkina Faso và Niger, khu vực được coi là « lãnh địa » của mình, quả là một cuộc động đất thực sự. Đó là điều chưa từng thấy ở khu vực Châu Phi nói tiếng Pháp, nơi mà các đại sứ Pháp tác oai tác quái, quân đội Pháp đóng thường trực hay từng lúc thoải mái tung hoành. Khốn nỗi ngày nay, các thế hệ trẻ ở Châu Phi từ chối, không chấp nhận « di sản thuộc địa lỗi thời » này, coi đó là ý muốn của cường quốc cựu thực dân tiếp tục khống chế nước họ về kinh tế và chính trị. Họ không chịu nổi tác phong bề trên và kiêu ngạo của những người đại diện cho nước Pháp.

Được thông tin về tình trạng sự hiện diện của nước Pháp bị chối bỏ như vậy nên tháng hai năm nay, Emmanuel Macron đã tìm cách uốn nắn lại bằng cách bố cáo về cái nhìn mới của Pháp về Châu Phi. Tổng thống Pháp đã triệu các sĩ quan cao cấp, quan chức, đại doanh nhân tới điện Elysée, kêu gọi họ từ nay phải « khiêm tốn », « lễ giáo », biết « lắng nghe » ở châu Phi, tóm lại là « đừng coi họ là một bọn ngu xuẩn » (nguyên văn). Một diễn ngôn hổ lốn đã làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng cũng đã phản ánh được sự lúng túng của một cường quốc cựu thực dân phải đối mặt với một hiện thực khó nuốt. Lẽ ra Niger phải là tủ kính trưng bày chính sách mới, với quân đội từ nay phục vụ « các đối tác Phi Châu », cùng nhau chống lại hiểm họa Hồi giáo cực đoan. Thế mà chúng ta biết tình hình đã diễn ra như thế nào. Và Tchad, nước đồng minh cuối cùng của Pháp ở khu vực này có nguy cơ đi theo sau Niger.


Phải nói Emmanuel Macron cũng đã ra sức đưa ra những sáng kiến nhằm thay đổi hình ảnh nước Pháp ở Châu Phi, « cùng nhau tân tạo mối quan hệ », theo khẩu hiệu của « Tân hội nghị thượng đỉnh Pháp-Phi » họp tháng 10-2021 ở Montpellier. Tổng thống Pháp đã mời những người trẻ, tiêu biểu cho « Châu Phi đang chuyển động », còn các vị tổng thống những nước này thì xin cứ ở yên trong dinh thự. Những « cụ cá sấu » này của cái gọi là « Pháp Phi » thấy bị chỉ trích và bị gạt ra ngoài rìa, đã phản ứng ngay bằng cách nhích lại gần Nga và những nước không mấy quan tâm tới nhân quyền về việc họ tái cử tổng thống không biết bao nhiêu lần. Thế là tổng thống Macron ngậm bồ hòn làm ngọt, lùi bước nhân nhượng vì quyền lợi của Pháp ở Châu Phi, nhân danh « chính trị thực tế ».


Năm này qua năm khác, những chuyến « Phi du » của Emmanuel đã trở thành những con đường khổ ải, đầy rẫy những khiêu khích thô tục không mấy ngoại giao. Đau khổ mà nhận ra rằng : tiếng nói của nước Pháp không còn tác động đối với Châu Phi quá chán ngán cái giọng « dạy đời » của các nhà lãnh đạo Pháp. Một thí dụ điển hình là việc Macron hoài công kêu gọi các nước Châu Phi lên án Nga xâm lược Ukraine. Nhiều người chê trách Pháp dùng chiêu trò « dân chủ tùy thời » đối với những cuộc đảo chính hay bầu cử gian lận : công nhận hay lên án tùy theo lợi ích kinh tế và an ninh của Pháp. Người ta thắc mắc, tại sao ở Tchad thì Pháp ủng hộ việc lên ngôi vi hiến của Mahamat Idriss Déby khi cha ông ta chết, còn ở Mali, Burkina Faso hay Niger, thì lại phản đối những cuộc đảo chính ?


Bây giờ nước Pháp mới nhận ra rằng Châu Phi đã đổi khác, giới trẻ Châu Phi không muốn bị đối xử như thời cha ông của họ.  Paris sẽ phải từ giã nền nếp thuộc địa, sống trên cổ tức của quá khứ, với những thị trường độc chiếm, những ngài tổng thống bảo sao nghe vậy, luôn luôn bỏ phiếu theo chính quốc trên trường quốc tế, chấp nhận sự có mặt của quân đội Pháp muốn can thiệp ở đâu, lúc nào cũng được. Con đường còn dài và khó khăn, nhưng dường như đó là vận động không thể thoái thác.

Catherine MORAND

gửi từ Abidjan

Nhật báo Thụy Sĩ LE TEMPS, 2.10.2023


bản dịch cuả Kiến Văn


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss