Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Ai là kẻ "khủng bố" ?

Ai là kẻ "khủng bố" ?

- Trần Đán — published 28/10/2023 14:55, cập nhật lần cuối 29/10/2023 00:22

AI LÀ KẺ “KHỦNG BỐ”?


Trần Đán


image

Thủ Tướng Rabin, Tổng Thống Clinton, Chủ Tịch Arafat
nhân dịp hai bên ký Hòa Ước Oslo 1993


Trong cuộc xung đột giữa Israel-Palestine, nhiều người Việt hùa theo chính phủ Israel và lên án Hamas là bọn "khủng bố.” Họ nêu sự thông minh vượt bậc của người Do Thái như lý do Israel không thể nào sai. Vậy thì Hamas phải sai, và phải đáng được gọi là bọn “khủng bố.” Nhưng tôi thì không lạ khi đài BBC của Anh, từ trước đến nay được xem là có uy tín vì tính không thiên vị, đã tránh dùng từ “khủng bố” để gọi Hamas. Nhiều người Do Thái đã lên án BBC là “kỳ thị Do Thái” (antisemitic). Để đáp lại, chủ biên BBC đã lên tiếng bác bỏ luận điều đó, cho rằng nhiệm vụ của báo chí là ghi nhận các sự kiện một cách trung thực (người dân Israel bị tàn sát và người dân Palestine bị dội bom) và để độc giả tự đi đến kết luận thay vì dùng những từ đặc tính tuyên truyền, nhồi sọ của một bên. Tôi đồng ý với lập trường của BBC.

Ai là kẻ khủng bố?

Có lẽ đa số người Việt không biết nhiều về lịch sử lập quốc của người Israel trong thời kỳ hiện đại ngoại trừ sự dũng cảm của một dân tộc nhỏ bé bị cả một khối Ả Rập tiến đánh sau khi tuyên bố độc lập năm 1948. Và họ đã chiến thắng một cách vẻ vang.

Nhưng trước đó chuyện gì xảy ra?

Vào những năm cuối thế kỷ 19, lo ngại về sự kỳ thị dân Do Thái sống rải rác khắp thế giới, đặc biệt là tại Nga, một số người Do Thái đứng đầu là Theodor Herzl, đưa ra chủ thuyết Zionism, hô hào người Do Thái, để tránh bị đàn áp, phải có một quốc gia cho riêng họ. Quốc gia đó nằm ở đâu? Nhóm người đó kêu gọi phải trở về vùng đất đã được ghi trong Cựu Ước, gồm hai vương quốc có tên Judah và Israel mà Thượng đế Yahweh đã ban cho họ. Lời kêu gọi càng trở nên khẩn cấp sau thế chiến thứ hai tiếp theo Đại nạn Holocaust giết chết hơn 6 triệu người Do Thái. Lúc đó người Anh đang cai quản vùng nói trên như một thuộc địa. Hai nhóm Do Thái chủ trương dùng vũ lực để đuổi cả người Anh thực dân và người cư dân Ả rập sinh sống ở đó từ ngàn đời là Irgun và Lehi. Hai vụ thảm sát thường dân nổi tiếng do họ thực hiện là vụ đánh bom khách sạn King David tại Jerusalem ngày 22/7/1946 giết chết 91 thường dân, gồm cả người Ả Rập, Anh và Do Thái, và vụ thảm sát tại làng Deir Yassin ngày 9/4/1948 làm chết 107 thường dân Ả Rập trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ con.

Chính quyền Anh lúc đó gọi hai nhóm Irgun và Levi là bọn “khủng bố.” Ngược lại nhiều người Do Thái cho họ là những anh hùng lập quốc. Vậy ai là “khủng bố” và ai là người “yêu nước”? Câu trả lời nằm ở quan điểm của mỗi phe.

Sau đây là nhận định của Bộ Tư Pháp Mỹ lúc đó, “Theo quan điểm của các nhóm Do Thái ôn hòa thì các hành động dùng vũ lực của Irgun và Lehi là vết nhơ trên dân Do Thái và làm cản trở các giải pháp ôn hòa để xử lý xung đột, các nhóm khác lại tuyên dương họ như những phần tử hiến thân nhất, hy sinh nhiều nhất và hiệu quả nhất cho chủ nghĩa Zionism.” Sau này, để được chính danh, nhóm Irgun tự giải giới và trở thành một đảng chính trị, đảng Likud. Thủ tướng tại vị Netanyahu là một lãnh tụ của đảng Likud.

Ngày 13/9/1993 sau bao nhiêu năm đổ máu, chủ tịch chính phủ Palestine ông Yasser Arafat và thủ tướng nước Israel ông Yitzhak Rabin của đảng Lao Động, nhờ sự hỗ trợ trực tiếp của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton, đã đạt đến một thỏa thuận tạo nền tảng cho giải pháp hai quốc gia sống sát nhau trong hòa bình. Đó là Hòa ước Oslo. Không những dân Palestine và Israel ăn mừng mà cả thế giới cùng ăn mừng với họ. Năm 1994 Rabin và Arafat được trao giải Nobel Hòa bình. Tuy vậy thỏa thuận đó không phải là không bị chỉ trích bởi các thành phần cực đoan của cả hai phía. Ngày 6/11/1995, ông Rabin bị ám sát chết. Ai là thủ phạm? Một người Do Thái 25 tuổi, tuyên bố anh ta “nghe theo lời gọi của Thượng đế”, đã xem ông Rabin là kẻ “phản bội” và Arafat là tên “khủng bố.” Thế chính anh ta có phải làm một hành động “khủng bố” khi giết đi hi vọng của hàng triệu người?

Trong cuộc chiến mấy hôm nay, Hamas khi tàn sát hơn 1500 người thường dân Israel, đúng là phạm tội “khủng bố.” Nhưng khi quân đội Israel dội bom vào các tòa nhà dân cư gây hơn 5000 cái chết của dân thường Palestine thì họ cũng phạm tội “khủng bố.” Sau Thế chiến thứ hai, các nước họp lại để thảo Qui tắc Geneva 1949 về Cách hành xử trong chiến tranh được ký kết bởi 196 nước. Đặc biệt đối với thường dân trong vùng bị chiếm đóng, điều 33 của Qui tắc Geneva nêu rõ: “Trả thù tập thể vào thường dân là một tội ác chiến tranh”. Quân đội Israel có thể truy lùng các du kích Hamas thì tôi không phản đối. Nhưng khi họ dội bom vào dân thường với lý do du kích Hamas lẫn trong dân, thì tôi hơi bị dị ứng: Trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ cũng đã sử dụng chiến thuật “tát nước” đó đối với thường dân Việt Nam: đốt phá làng mạc, tiêu hủy lương thực, tập trung dân vào các khu an toàn mỗi khi bị du kích từ trong làng bắn ra. Ai là “khủng bố”?

Ta không quên Giáng sinh năm 1972, trong 11 ngày liên tiếp từ 18-29 tháng 1, máy bay B52 của quân đội Mỹ dội 20,000 tấn bom xuống Hà Nội, phá nát khu Khâm Thiên, đánh sụp bệnh viện Bạch Mai, giết chết hơn 1.500 thường dân Việt Nam. Ai là “khủng bố”? Ngoài đồng minh của Việt Nam Dân Chú Cộng Hòa lúc đó, thủ tướng các nước Thụy Điển và Úc đã can đảm lên án kịch liệt, so sánh nó với cuộc dội bom Guernica.

Hình như chỉ có kẻ mạnh mới gọi kẻ yếu dám chống lại họ là “khủng bố.”

Hôm qua tôi được tin nhà văn trẻ Nguyễn Thanh Việt, một thuyền nhân, tác giả quyển Kẻ Nằm Vùng được giải thưởng văn học uy tín Pulitzer năm 2016, cùng 750 văn nghệ sĩ ký tên vào bản kêu gọi ngừng chiến giữa Israel và Hamas. Tại Nữu Ước một buổi ra sách mới của anh bị ban tổ chức người Mỹ gốc Do Thái hủy đi. Họ xem thông điệp của bản Kêu gọi trên là “kỳ thị Do Thái”. Thật trơ trẽn! Không biết nhóm người Mỹ gốc Do Thái này có tin vào chế độ dân chủ hay không? Quy nạp bất cứ ai chỉ trích hành vi của chính phủ họ đều bị lên án là “kỳ thị Do Thái”. Tôi biết vài người bạn Mỹ gốc Bắc Âu bày tỏ ý kiến trung thực của họ về cuộc chiến, nhưng không dám phát biểu công khai vì sợ bị tố cáo là “kỳ thị Do Thái.” Tôi thông cảm với người Do Thái vì dân tộc đó đã phải trải qua cuộc đại thảm sát Holocaust. Nhưng viện dẫn cuộc thảm sát do Hamas là cớ để bịt miệng người khác chính kiến về sự ngược đãi người Palestine là sai.

Một cách tương tự, khi sinh viên của nhiều đại học uy tín nhất nước Mỹ như Harvard, Standford, Colombia, NYU, Berkeley ra tuyên cáo cho rằng chính phủ Israel (chứ không phải người dân Israel) có một phần trách nhiệm trong vụ thảm sát do chính sách kỳ thị chủng tộc apartheid (như từng được thực hành tại Nam Phi bởi chính phủ da trắng đối với người da đen) đối với người Palestine, thì nhiều nhà tỉ phú Mỹ gốc Do Thái tuyên bố dừng hỗ trợ tài chính cho trường, và đòi công bố tên các sinh viên đã ký để ép các công ty không thuê họ, có phải là một thí dụ điển hình của sự dùng tiền để bịt miệng thay vì dùng lý luận để thuyết phục?

Trở về việc xét xem hành vi nào phải được xem là khủng bố và phải lên án? Có phải đó là hành vi "giam lỏng" những kẻ chiến bại người Palestine (họ chiến bại thật trong các trận đánh mà họ là đồng minh của các nước Ả rập quanh vùng khiến 750.000 người Ả rập Palestine bị mất đất) vào một không gian nhỏ hẹp (2 triệu người vào mảnh đất 365 km vuông,) nằm sát biển nhưng không được phép đánh cá, bắt họ lệ thuộc vào điện, nước, lương thực, thuốc men do Israel cung cấp, không cho họ ra ngoài nếu không được phép, được sang làm việc bên nước Israel nhưng chỉ là việc lao động trong canh nông, vậy thử hỏi đó có phải là một hành vi khủng bố kiểu “bóp cổ chết dần mòn”?

Thử hỏi nếu các chính phủ Việt Nam đã đối xử với nước Campuchia như Gaza, phong tỏa không cho họ tự do ra ngoài, cấm họ đánh cá, bắt họ tùy thuộc vào nguồn điện, nước, lương thực, thuốc men của Việt Nam, thì liệu chúng ta có sự yên bình với họ như trong 50 năm qua? Thủ tướng Hun Sen không phải lúc nào cũng tuân theo ý muốn của Việt Nam, thậm chí còn gần gũi với Trung Quốc, nhưng có phải vì thế nên trên thế giới không ai còn tố cáo Việt Nam là “khủng bố” Campuchia, là “thực dân” đối với Campuchia? Tại sao Israel không làm được điều đó?

Như tôi đã nói phía trên không phải tất cả các chính phủ Israel đều có chính sách cực đoan đối với người Palestine. Các thủ tướng của đảng Lao Động như Rabin, Peres, Barak đều không thể được xem là nhu nhược, chủ hòa, không yêu nước. Họ thường xuất thân là những danh tướng trong cuộc chiến giành độc lập. Họ đã bị phe cực hữu lạm dụng các chủ thuyết lỗi thời về tôn giáo để kích động quần chúng. Đảng Likud của thủ tướng hiện tại Netanyahu là một đảng như thế. Họ muốn khôi phục lại vương quốc Judah và Israel theo Cựu Ước. Những ai chỉ trích chính sách bấy lâu nay của chính quyền Likud không phải là do “kỳ thị Do Thái” mà là tìm sự công bằng cho người Palestine và Israel.

Thủ tướng Netanyahu sẽ khó giữ ghế thủ tướng sau vụ này. Mấy tháng trước đó ông bị tố cáo tham nhũng. Nhằm tránh bị đưa ra Tòa án Tối cao, ông tìm cách cùng các đồng minh trong Quốc hội ra luật làm suy giảm quyền hiến định của Tòa án Tối Cao. Trước những cuộc biểu tình rầm rộ, nhiều chính khách Israel, từ trong quân đội, an ninh, tư pháp đã cảnh cáo việc làm của ông làm suy yếu tinh thần đoàn kết của người Do Thái, gây chia rẽ trong lực lượng quân đội và an ninh, tạo cơ hội cho kẻ thù tấn công. Họ là người yêu nước Do Thái hay là phản bội Do Thái? Như các bạn thấy, tùy bạn đứng bên phe nào.

Xin đừng sử dụng từ “khủng bố” một cách bừa bãi.

Trần Đán


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us