Amos Goldberg, sử gia người Israel: “Điều đang xảy ra ở Gaza là một cuộc diệt chủng, vì Gaza không còn tồn tại”
Amos Goldberg, sử gia người Israel:
“Điều đang xảy ra ở
Gaza là một cuộc diệt chủng,
vì Gaza không còn tồn tại”
Stéphanie Le Bars
Sử gia Amos Goldberg, giữ chức “Giáo sư Jonah M. Machover” (1) chuyên về Holocauste (2) tại Đại học Do Thái ở Jérusalem, đã đăng tháng 4 năm nay trên báo mạng Local Call [Tiếng Do Thái: Siha Mekomit] (*) một bài viết cáo buộc Israel tiến hành “diệt chủng” ở Gaza. Ông giải thích luận điểm này trong một cuộc phỏng vấn của báo Le Monde.
Tháng 4 năm nay, ông đã cáo buộc Israel tiến hành “diệt chủng” ở Gaza. Điều gì đã đưa ông đến kết luận ấy sáu tháng sau khi chiến tranh bắt đầu?
Tôi cần thời gian. Ngày 7 tháng 10 là một cú sốc, một thảm kịch, một cuộc tấn công rùng rợn. Một sự bi thương, một tội ác như chúng ta chưa bao giờ thấy. Chỉ trong một ngày có 850 thường dân [tổng cộng 1.200 người] bị giết. Đàn ông, đàn bà, trẻ con, kể cả trẻ sơ sinh, người già bị bắt làm con tin. Những kibboutz bị hoàn toàn huỷ diệt. Rồi những câu mắt thấy tai nghe về cuộc tấn công hung tợn, bạo lực tình dục, những tàn phá do Hamas gây ra. Trong số các nạn nhân có những người tôi quen biết, nhiều người rất thân thiết. Có người chết, có người bị bắt làm con tin, có người chỉ đủ sống sót. Tôi không có lời nào để giải thích sự kiện này, để tiêu hoá nó, để vượt qua nó. Một sự kiện ghê tởm, đánh vào bản thân, để lại chấn thương.
Tôi rất hiểu hoàn cảnh chiếm đóng, chế độ apartheid [ở Cisjordanie] sự vây hãm [Gaza], nhưng cho dù những điều ấy có thể giải thích những gì đã xảy ra, vẫn không thể biện hộ cho những hành động tàn bạo tới mức ấy. Ngay sau cuộc tấn công, Israel đã bắt đầu dội bom ồ ạt và chỉ trong vài tuần hàng ngàn thường dân ở Gaza đã chết. Và đâu chỉ có ném bom. Những lời lẽ sặc mùi diệt chủng xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện truyền thông, trong công luận và giới chính trị: “Chúng ta phải loại trừ chúng [người Palestine], bọn chúng là những con thú đội lốt người” [Yoav Gallant, bộ trưởng quốc phòng, ngày 10.10.2023]; “Cả một dân tộc phải chịu trách nhiệm” [Isaac Herzog, tổng thống Israel, ngày 14.10.2023]; “Chúng ta phải ném một quả bom nguyên tử xuống Gaza [Amichai Eliyahu, bộ trưởng di sản, ngày 5.11.2023]; “Đây là Nakba của Gaza 2023” [Avi Dichter, bộ trưởng nông nghiệp, ngày 11.11.2023, nhắc đến sự kiện 700 000 người Palestine bị ép buộc di tản và trục xuất trong chiến tranh 1948, sau khi Israel được thành lập]. Những phát biểu tàn nhẫn tới mức tôi không còn biết có thể nói gì.
Tháng giêng năm nay, cùng với 50 học giả chuyên về Holocauste và Do Thái học, tôi ký một lá thư yêu cầu Yad Vashem [Viện quốc tế tưởng niệm Holocauste ở Jérusalem] lên án những phát biểu công khai hay gián tiếp kêu gọi diệt chủng ở Gaza. Nếu đây không phải là bài học từ Holocauste thì chúng ta đã học được gì? Một trong những văn kiện đầu tiên Israel thông qua lúc thành lập là Công ước về tội diệt chủng [9.12.1948], trong đó một điều lệ khẳng định tội diệt chủng không chỉ là những tội ác đã gây ra mà còn là xúi giục gây ra tội ác. Ở đây rõ ràng là vậy. Yad Vashem đã từ chối không lên án những lời nói ấy.
Cho nên tôi bắt đầu viết, ý thức rằng một thảm hoạ nhân đạo và chính trị hết sức lớn đang diễn ra trước mắt chúng ta. Tháng 4 năm nay, tôi viết, bằng tiếng Do Thái, “Đây đúng là một cuộc diệt chủng”. Bài này đã được dịch sang tiếng Anh và nhiều người đọc trên thế giới.
Điều gì đã đưa ông đến lời cáo buộc này, đối với một nước “đã được thành lập để phản ứng với Holocauste” như ông nhắc nhở?
Trước hết tôi muốn nói đây là một điều hết sức đau đớn, vì tôi tố cáo xã hội của chính tôi, tôi tố cáo chính tôi. Từ nhiều năm nay tôi đấu tranh chống lại sự chiếm đóng và chế độ apartheid, và tôi biết Israel đã gây tội ác trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, nhưng tôi chưa bao giờ tưởng tượng chúng ta có thể gây ra biển máu và độc ác tới mức này, ngay cả sau ngày 7 tháng 10.
Có một định nghĩa pháp lý về diệt chủng được Liên Hợp Quốc thông qua trong Công ước về tội diệt chủng, tôi không phải là chuyên gia về luật, nhưng nhiều luật gia trên thế giới tin rằng Israel đã vượt qua ngưỡng của tội diệt chủng, và tôi đồng ý với họ. Tháng giêng năm nay, Tòa án Công lý Quốc tế đã khẳng định lời cáo buộc diệt chủng là “có cơ sở”. Tháng 3, bà Francesca Albanese [báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng] kết luận trong báo cáo là có cơ sở hợp lý để nghĩ rằng Israel đã vượt qua ngưỡng của tội diệt chủng. Hàng trăm học giả, trong đó có những luật gia, đã ký nhiều thư ngỏ bày tỏ những quan ngại ấy.
Theo tôi, Israel tuyệt đối có quyền tự bảo vệ sau ngày 7 tháng 10, nhưng đã phản ứng quá mức, gây ra tội ác. Nền tảng của diệt chủng là gì? Theo Công ước về tội diệt chủng, đó là hành vi được thực hiện với với ý định tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần một quốc gia, dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo. Điều cần nhấn mạnh là ý định huỷ diệt một tập thể chứ không phải là giết tất cả mọi người trong đó. Không nhất thiết cứ phải giết tất cả các thành viên của một tập thể mới là diệt chủng. Thảm sát Srebrenica, nơi “chỉ” có 8 000 người đàn ông bị giết, đã được Toà án hình sự quốc tế về Nam Tư cũ thừa nhận là một cuộc diệt chủng. Tháng 3.2023, Hoa Kỳ đã thừa nhận những hành vi của Miến Điện đối với người Rohingya là một cuộc diệt chủng, dù rằng đa số “chỉ” bị trục xuất và “chỉ có” 10 000 người của cộng đồng này bị giết, theo Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Những thí dụ này khác với Holocauste hay cuộc diệt chủng người Arménie là những mưu toan tiêu diệt toàn bộ hay gần hết một tập thể. Người Israel và nhiều người khác nghĩ rằng mọi cuộc diệt chủng phải giống Holocauste. Nhưng họ lầm.
Điều đang xảy ra ở Gaza là một sự diệt chủng, vì Gaza không còn tồn tại. Lãnh thổ đã hoàn toàn bị huỷ diệt. Mức độ và nhịp độ tàn sát không phân biệt vô số người vô tội, kể cả những nơi Israel ấn định là khu vực an toàn, nhà cửa, cơ sở hạ tầng, hầu hết bệnh viện và đại học bị phá huỷ, hàng ngàn người phải di tản, nạn đói được cố tình tạo ra, giới tinh hoa bị trấn áp và chính sách phi nhân hoá người Palestine, tất cả vẽ lên bức tranh một cuộc diệt chủng.
Vậy chúng ta thấy ở đây có tàn phá, có chủ đích, và có một mô hình bạo lực dữ dội giáng liên tiếp lên thường dân. Chúng ta vẫn chưa biết Toà án Công lý Quốc tế sẽ phán quyết thế nào trong hồ sơ Nam Phi kiện Israel (3), nhưng nếu chúng ta đọc Raphael Lemkin [1900-1959], luật gia người Ba Lan đã đặt ra thuật ngữ này và có vai trò then chốt trong việc thiết lập Công ước về tội diệt chủng, thì đây chính là những điều ông phác hoạ khi nói đến diệt chủng.
Cuộc tranh luận này có thể diễn ra ở Israel?
Chưa. Nhưng tuy họ không dùng cụm từ “diệt chủng” và không nghĩ là có xảy ra diệt chủng, càng ngày càng có nhiều người ngờ vực về lý lẽ và mục đích của cuộc chiến này. Nhiều người phản đối tiếp tục cuộc chiến vì họ hiểu là phải chấm dứt nó các con tin mới được thả về. Chỉ một thiểu số nhỏ chống lại cuộc chiến vì những lý do đạo đức, nhưng có lẽ có thêm một chút không gian cho những tiếng nói đơn lẻ như tôi; tuy nhiên tôi có thể bị thực tế phản bác.
Chiến tranh phải chấm dứt. Ngay bây giờ. Mở rộng cuộc chiến sang Liban tai hại cho cả hai bên. Đồng nghĩa với án tử hình cho các con tin và hàng ngàn người trong vùng.
Bạo lực của nhà nước Israel và các người Do Thái lập cư ở Cisjordanie vẫn ác độc và sát nhân như trước. Israel không có lời giải nào cho mọi vấn đề ngoài sự hung bạo. Giải pháp duy nhất, mà Israel từ chối, là thừa nhận người Palestine với những quyền của họ. Chúng ta không thể chờ phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế. Sẽ quá muộn cho người Palestine ở Gaza, người Israel, đối với dân chúng Liban và các con tin. Với nhiều bằng chứng như thế trong tay, chúng ta phải dũng cảm nói đây là một cuộc diệt chủng, ngay cả trước phán quyết, vì nếu không thì có ích gi mà tìm hiểu về khái niệm diệt chủng, chỉ để thốt lên sau khi mọi sự đã an bài: “À phải rồi, đúng là diệt chủng đó”? Lịch sử sẽ xét đoán như thế tình hình hiện nay.
Tôi nghĩ có nhiều khả năng Toà án Công lý Quốc tế sẽ thừa nhận là đã có xảy ra tội diệt chủng hay ít ra những hành vi mang tính cách diệt chủng như tấn công bệnh viện Al-Shifa hoặc cố ý làm cho hàng trăm ngàn người đói khát. Và tôi muốn nói thêm, cho những ai không nghĩ đây là diệt chủng: thực tế không thể chối cãi là đã có những tội ác chiến tranh nghiêm trọng và những tội ác phản nhân loại. Như vậy cũng đủ trầm trọng rồi!
Từ sau ngày 7 tháng 10, những lo sợ về sự tồn tại bị khơi lại ở cả hai bên: Holocauste cho người Do Thái, Nakba cho người Palestine. Lo sợ đó có cơ sở không?
Không có đối xứng. Không phải là một holocauste cho người Do Thái, vì Israel có một trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Israel đã bị giáng một cú ngất ngư nhưng đấy không là một mối đe doạ có thể so sánh với Holocauste. Còn đối với người Palestine, Nakba vẫn tiếp tục từ năm 1948. Và sẽ phải trải qua nhiều thế hệ mới hồi phục sau những cuộc tấn công vào Gaza.
Đây quả là một Nakba thứ nhì. Người Palestine đang trải qua một cảnh ngộ gây rất nhiều chấn thương, đe doạ cả sự sống còn của họ. Chúng tôi, người Israel, cũng trải qua một cảnh ngộ gây rất nhiều chấn thương, nhưng theo tôi, [chúng tôi] không phải [đứng trước] một đe doạ sống còn.
Những tội ác gây ra ngày 7 tháng 10 tàn bạo như chưa từng thấy. Quy mô cuộc phản công của Israel cũng thế. Giải thích thế nào sự phi nhân hoá ở cả hai bên?
Tôi không phải là chuyên gia về xã hội Palestine. Tôi không thể trả lời điểm này. Nhưng chiến tranh bao giờ cũng đi cùng với phi nhân hoá phía bên kia. Và chúng tôi sống trong chiến tranh từ mấy chục năm nay, từ 1948. Israel không thể biện hộ cho Nakba, sự chiếm đóng, chế độ apartheid và bây giờ chiến tranh diệt chủng ở Gaza, mà không phi nhân hoá người Palestine. Nếu chúng tôi công nhận họ là con người, chúng tôi không thể bắt họ phải chịu những điều ấy. Sự cố ngày 7 tháng 10, với sự tàn bạo và quy mô khủng khiếp, đã đẩy nhanh hơn quá trình này.
Khi anh phi nhân hoá người khác, anh tự cho phép anh hành động vô nhân đạo. Và hiện tượng này càng tồi tệ hơn giữa giới trẻ. Nhiều thế hệ sinh ra sau năm 1967 và chỉ biết Israel như một nước thi hành chiếm đóng; ngay cả tôi, sinh năm 1966. Nhưng đối với những người sinh sau cuộc Intifada thứ nhì [2000-2005], khái niệm hoà bình là cái gì hoàn toàn xa lạ. Lúc họ trưởng thành, không có thảo luận về hoà bình hay đàm phán đúng nghĩa, một bức tường phân chia được dựng lên... Và sau bấy nhiêu năm tháng với những chính quyền cánh hữu, một phần do Benyamin Nétanyahou lãnh đạo, hậu quả ra sao ai cũng thấy.
Lại còn có quan điểm Israel hùng mạnh – ít ra cho đến ngày 7 tháng 10- việc gì phải nhượng bộ và từ bỏ những đặc quyền của mình? Năm 2018, Israel đã ban hành đạo luật về “Quốc gia dân tộc” [qui định quyền tự quyết trong quốc gia Israel chỉ dành cho dân tộc Do Thái], một văn bản chỉ liên quan đến chúng tôi [người Do Thái]. Người Palestine không thuộc vào dân tộc được xem như nền tảng của quốc gia, và do đó sẽ luôn bị phân biệt đối xử, ngay cả trong quốc gia Israel. Trong bối cảnh ấy, những người trẻ [Do Thái] khó mà nhân tính hoá người Palestine, và đây là một thảm kịch rất lớn.
Trong quyển « The Holocaust and the Nakba. A New Grammar of Trauma and History »,, cùng viết với chuyên gia chính trị Bashir Bashir (Columbia University Press, 2018), ông cổ vũ cho sự đồng cảm lẫn nhau giữa người Israel và người Palestine. Điều này còn khả thi không?
Với Bashir Bashir, bạn tôi, chúng tôi đề nghị một tầm nhìn: một “chủ nghĩa hai dân tộc bình đẳng”, trong đó người Do Thái và người Palestine có thể chung sống “từ sông đến biển” (4), trên cơ sở bình đẳng trọn vẹn, cả hai dân tộc đều hưởng tất cả các quyền cá nhân. Không bên nào có đặc quyền, như người Do Thái hiện nay. Chúng ta cần phải có không chỉ đồng cảm mà còn một “sự lung lay thấu cảm” qua đó thông cảm nỗi đau của người khác khiến ta nhìn lại, suy nghĩ lại những gì là căn bản của chính mình. Trong cái biển máu hiện nay, những ý tưởng này giống như khoa học giả tưởng.
Ông nghĩ thời gian tới sẽ ra sao?
Máu đổ, máu đổ, và máu đổ. Tôi không thấy gì khác ngoài một tương lai kinh hoàng. Nhưng chúng ta phải bám víu vào nhân tính chung của chúng ta và hi vọng một ngày, chưa biết bao giờ, mọi chuyện sẽ khác.
Stéphanie Le Bars
Đỗ Tuyết Khanh dich
Nguồn bài tiếng Pháp :
https://www.lemonde.fr/idees/article/2024/10/29/amos-goldberg-historien-israelien-ce-qui-se-passe-a-gaza-est-un-genocide-car-gaza-n-existe-plus_6364702_3232.html?random=2053421546
Chú thích :
(*) Những câu chữ viết nghiêng trong ngoặc […] là của báo Le Monde.
(1) Đại học Israel theo truyền thống Anh Mỹ, một số chức vụ giáo sư được gắn tên một nhà văn hóa, khoa học để vinh danh người ấy.
(2) Trong bài này, chúng tôi không dịch một số thuật ngữ đã được ghi vào lịch sử chính trị quốc tế, vì tầm quan trọng của sự kiện hay địa danh gắn với thuật ngữ ấy : holocauste, apartheid, intifada, kibboutz…, bạn đọc có thể dễ dàng tìm hiểu ý nghĩa của các thuật ngữ đó trên nhiều trang mạng như từ điển Wikipedia.
(3) Xem bài viết về vụ kiện này, "Mười điểm cáo buộc của Nam Phi chống lại Israel", bản tiếng Việt của Phân tích kinh tế đã được giới thiệu trong mục « Thấy trên mạng » của Diễn Đàn.
(4) Cụm từ "từ sông đến biển" là một phần của khẩu hiệu nói lên ý muốn Palestine tái lập lại chủ quyền trên toàn vẹn lãnh thổ của mình, từ sông Jourdain, đến biển Địa Trung Hải : "Du fleuve à la mer, la Palestine sera libre", "From the river to the sea, Palestine will be free". Câu này đã xuất hiện trên các băng-rôn trong các đại học ở Mỹ và châu Âu khi các sinh viên ủng hộ Palestine và phẫn nộ trước sự huỷ diệt ở Gaza, đã biểu tình, chiếm phòng ốc, tháng 4 và tháng 5 năm nay, như ở các đại học Columbia, Harvard ở Hoa Kỳ, Sorbonne, Science Po ở Pháp, và các đại học Genève, La Sapienza ở Roma, Amsterdam, Berlin, Cologne, London, v.v
Các thao tác trên Tài liệu