Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / ASEAN giữa cuộc thư hùng của các đại cường

ASEAN giữa cuộc thư hùng của các đại cường

- Trần Bình — published 13/02/2014 11:12, cập nhật lần cuối 13/02/2014 11:12
Sự ve vãn của các đại cường đối với ASEAN trong thời gian gần đây ở mức độ chưa từng thấy. Nhưng, vì sao ASEAN, vì sao lại bây giờ?

ASEAN giữa cuộc thư hùng của các đại cường


Trần Bình


"Những nỗ lực cải thiện mối bang giao với khối ASEAN của các cường quốc là điều không có gì mới lạ, nhưng sự ve vãn của các đại cường đối với ASEAN trong thời gian gần đây ở mức độ chưa từng thấy. Và điều này khiến ta phải tự hỏi: Vì sao ASEAN, vì sao lại bây giờ?"

Dylan Loh đã hỏi như thế trong bài bình luận "The Courtship of ASEAN (Thời kỳ ve vãn ASEAN)" trên diễn đàn "The Diplomat" tháng 9/2013 (1).

Trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng lớn mạnh, lấn chiếm vùng ảnh hưởng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và Hoa Kỳ, Nhật Bản đang cố trấn thủ địa bàn, mở thế phản công - ASEAN trên tiến trình hội nhập và hợp nhất, có mối giao thương mật thiết với các nền kinh tế lớn, sẽ ứng xử như thế nào để không những sẽ không là con tốt trên bàn cờ quốc tế mà còn có thể tận dụng thời cơ và phát huy thế mạnh.

Giải đáp cho bài toán khó này quả thật không đơn giản, như Prashanth đã nhận định qua bài "The Power of Balance (Sức Mạnh của sự Quân bình)", The Fletcher School -Tufts University, mùa đông 2013: "Hoa Kỳ và ASEAN đang cùng ở thế tiến thoái lưỡng nan khi phải đối đầu với Trung Quốc. Cả hai đều có mối giao thương chặt chẽ với Bắc Kinh, nhưng lại lo ngại ý đồ của quốc gia này, đang lớn mạnh và đã tỏ ra rất quyết đoán. Cả hai đều nhận thức rằng một chính sách cực đoan sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp (2)."


*

*     *


Giao Thương và Đầu Tư:  


Tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế giữa ASEAN và các đại cường có thể thấy rõ qua hai chỉ dấu kinh tế, giao thương và đầu tư.

Năm 2012, nền nội thương ASEAN đạt 601 tỉ US$, giao thương với Trung Quốc, Nhật, Hoa Kỳ và Cộng đồng Châu Âu (EU) đạt 1024 tỉ, tương ứng với 25% và 42% trên tổng kim ngạch giao thương. 

Trung Quốc dẫn đầu với 319 tỉ US$ (13%), Nhật $262 (11%), EU $243 (10%) và Hoa Kỳ $200 (8%).

Trong thờì kỳ mà nền kinh tế thế giới trải qua cơn khủng hoảng và đang phục hồi, nền giao thương của ASEAN vẫn tăng trưởng tương đối khả quan giai đoạn 2010-2012.

Mối giao thương với Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc cũng ấm dần lên, báo hiệu cho một thời kỳ mới.



Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào ASEAN năm 2012 đến từ các nước trong khối đạt 20,2 tỉ US$ (18%) so với 58 tỉ (52%) FDI của EU, Nhật, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Khối EU dẫn đầu FDI với 23,3 tỉ (21,1%), Nhật 23,1 tỉ (21%), Hoa Kỳ 7,1 tỉ (7,4%) và Trung Quốc 4,3 tỉ (3,9%). 

FDI đầu tư vào ASEAN giai đoạn 2010-2012 vẫn tăng trưởng khả quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gượng dậy từ suy thoái.


Nguồn:  ASEAN Statistic (3)

Why ASEAN and Why Now? (Vì sao ASEAN và vì sao lại bây giờ)  


Dylan Loh đã nêu ra hai lý do mà tác giả là cho là rất thuyết phục, một mang tính thực tiễn và hai về chiến lược.

Trải quá một tiến trình phát triển dài đầy khó khăn, ASEAN ngày nay "đã trở nên hợp nhất hơn bao giờ, và điều này sẽ giúp cho các đại cường dễ dàng hơn trong nỗ lực phát triển mối bang giao với ASEAN". Chẳng hạn như chuyến viếng thăm ba nước ASEAN của thủ tướng Nhật Abe gần đây được báo chí mô tả là chuyến tham quan khối ASEAN. Điều này cũng đã xảy ra với Trung Quốc và Hoa Kỳ với các chuyến viếng thăm ASEAN dồn dập gần đây. Phân tích của Dylan có liên hệ đến sự kiện quan hệ của ASEAN. Tại hội nghi ASEAN thứ 13, năm 2007 ở Singapore, ASEAN đã khởi xướng chương trình hoàn thành thiết lập Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN (AEC) vào năm 2105 theo mô hình của EU.  

Lý do thứ hai có tính chiến lược và địa lý - ASEAN "đang trở thành địa điểm tranh giành ảnh hưởng giữa các đại cường". 

Nhật đang rất bận rộn tạo hậu thuẫn ở khu vực Đông Nam Á kể từ khi xảy ra cuộc tranh chấp biển đông. Nỗ lực thắt chặt bang giao với Phillipines qua việc gia tăng giao thưong, hoãn nợ và nhất là trang bị tàu tuần dương, Tokyo nhằm gởi thông điệp cho Bắc Kinh. Mặt khác, Hoa Kỳ đang bị áp lực trước tình trạng vùng ảnh hưởng Châu Á Thái Bình Duơng bị lấn chiếm, không ngừng minh xác và cam kết với ASEAN về chính sách tái lập ảnh hưởng tại khu vực. Kế hoạch sẽ đồn trú 60%  lực lượng hải quân của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á Thái Bình Duơng năm 2020 chỉ là một trong những động thái của Hoa Kỳ nhằm tiến hành chính sách quay trở lại khu vực.

Vị thế Kinh tế ASEAN:  


  • Sức mạnh và tiềm năng kinh tế của ASEAN, đặc biệt trong viễn cảnh của khối thị trường chung (AEC), có vị thế rất quan trọng đối với các đại cuờng:

  • ASEAN là đối tác có khối lượng giao thương lớn thứ năm và là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Hoa Kỳ, FDI tích lũy (stock) của Hoa Kỳ tại ASEAN năm 2012 là $157 tỉ, lớn hơn gần 3 lần so với Hoa Kỳ FDI tại Trung Quốc và gấp 10 lần tại India (4).

  • Giao thương của Trung Quốc với ASEAN năm 2013 đứng hàng thứ 3 ($444 tỉ), chỉ sau EU ($559) và Hoa Kỳ ($521) (5).

  • ASEAN là đối tác giao thương lớn thứ nhì của Nhật, sau Trung Quốc (6). Nguồn FDI Nhật đầu tư vào ASEAN đứng thứ hai, chỉ sau EU.

  • ASEAN là bạn hàng lớn thứ 5 của EU (7) và EU là nguồn FDI lớn nhất của ASEAN.

  • ASEAN - Tiềm năng thị trường:


    "Thị trường tiêu thụ cũng như năng lực sản xuất của ASEAN đang trở thành hấp dẫn" là nhận định của Isamu Wakamatsu, được Wharton, University of Pennsylvania trích dẫn trong bài viết "Will an Integrated ASEAN Region Challenge Trung Quốc?  (Một ASEAN hội nhập sẽ là thách thức với Trung Quốc?)"  tháng 1/15/2014 (8).

    Koichi Ishikawa, Asia University, Tokyo phân tích rằng FDI Nhật vào ASEAN tăng mạnh năm 2013 không phải chỉ vì những xung đột với Trung Quốc, mà còn vì ASEAN đang trở thành thị trường lớn hơn, với tầng lớp trung lưu tăng nhanh và sức tiêu thụ rất mạnh những năm 2011, 2012 tại Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

    Hoa Kỳ-ASEAN Business Council cũng đã có cùng nhận định khi cho rằng sức tiêu thụ của thị trường ASEAN với 620 triệu dân số là một trong những yếu tố quan trọng đối với Hoa Kỳ trong bài viết "Why is ASEAN important to the United States? (Vì sao ASEAN quan trọng đối với Hoa Kỳ)"  ngày 19/4/2013 (4). Theo tài liệu này,  mức tiêu thu trung bình đầu người của ASEAN bằng 1,75 Trung Quốc và gần 9 lần so với India.

    Biểu đồ dưới đây cho thấy GDP đầu người của ASEAN là 3.751 US$.  Tuy nhiên nếu tính theo mãi lực bản địa (PPP) thì GDP theo đầu người của ASEAN là 5.869 US$, Myanmar ($1.490), Cambodia ($2.516), Lao ($2.904), VietNam ($3.706), Phillipnes (4.339), Indonisia ($4.971), Thailand ($9.609), Malaysia ($16.976), Brunei ($55.405), Singapore ($61.461).



    Nguồn: ASEAN Statistics


    ASEAN - Trung Quốc +1:  


    Tuy rằng chiến lược đầu tư "Trung Quốc +1" (*) của các đại công ty xuyên quốc gia qua việc trải rộng đầu tư đến các lân bang của Trung Quốc để cân bằng rủi ro đã được nhắc đến nhiều từ hơn thập niên qua; tuy nhiên, chiến lược này được đẩy mạnh hơn trong những năm gần đây vì nhiều nguyên nhân. Và, đây là biến chuyển thuận lợi cho ASEAN trong cuộc cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc, theo phân tích của Wharton:   

  • Thái độ thù nghịch của Trung Quốc qua việc phát động chiến dịch bài Nhật đã thúc đẩy nước này tăng cường đầu tư và giao thương với ASEAN. FDI của Nhật vào ASEAN sáu tháng đầu năm 2013 tăng 88,7%, vào Trung Quốc trong cùng thời giảm 18%.
     
  • Lực lượng lao động của Trung Quốc bắt đầu giảm 3,45 triệu năm 2012 xuống còn 937 triệu, trong khi đó lực lượng lao động ASEAN gia tăng lên 390 triệu năm 2012 và tiếp tục tăng cho đến năm 2042 vói 472 triệu.
     
  • Bên cạnh lực lượng lao động trẻ, giá lao động ASEAN thấp so với Trung Quốc đang tăng nhanh cũng là yếu tố đang thu hút các nhà đầu tư.  Theo Wakamatsu, JETRO " Nếu so sánh lương tại các thành phố lớn ở Trung Quốc và ASEAN giai đoạn 2005-2012, thì lương lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc".
     
  • Trung Quốc tuy vẫn còn lợi thế về cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng phụ kiện; tuy nhiên, các nước ASEAN đã đạt được nhiều tiến triển và đang thu hẹp dần khoảng cách.
     
  • Trừ phi Trung Quốc sẽ gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) trong vòng 5 năm tới, ASEAN sẽ có lợi thế hơn Trung Quốc về FDI trong tương lai. Các quốc gia của ASEAN gồm có Malaysia, Việt Nam, Singapore và Brunei đang trong tiến trình gia nhập TTP; Philippines và Thái Lan đang quan tâm và thăm dò.
     
  • Với vị trí địa lý tiếp cận Trung Quốc, ASEAN là địa điểm thuận lợi cho các công ty liên quốc gia thiết lập mạng liên kết sản xuất, khai thác lợi thế của các quốc gia bản địa (6). 
  • (*) "Trung Quốc +1" là thuật ngữ để chỉ chiến lược vừa làm ăn với Trung Quốc vừa đặt chân sang một nước Đông Nam Á (chú thích của DĐ).

    The Power of Balance - Giải pháp khả thi? 


    Dưới áp lực của Trung Quốc, lần đầu tiên hội nghị ASEAN đã thất bại không đưa ra được một thông cáo chung vì bất đồng về Biển Đông, Điều này cho thấy những khó khăn của ASEAN trên tiến trình hội nhập và hợp nhất trong bối cảnh tranh chấp khu vực và cạnh tranh quyền lực giữa các đại cường. 

    Là cường quốc duy nhất có khả năng đối trọng với Trung Quốc, với những giải pháp  Prashanth đưa ra qua tài liệu "The Power of Balance - Advancing US-ASEAN Relations  (Sức Mạnh của sự Quân bình - Tăng cường Quan hệ Hoa Kỳ-ASEAN), Hoa Kỳ có thể đóng góp gì cho sự phát triển của ASEAN và sự ổn định của khu vực Châu Á Thái Bình Dương?

    Mở đầu cho bài viết, Prashanth nhắc lại Hillary Clinton đã từng gọi ASEAN là " bản lề" của một Châu Á đang thành hình, và nhấn mạnh điều này ở phần kết: "Nếu đúng như bà ngoại trưởng Hillary Cliton viết hôm tháng Mười năm 2011 rằng tương lai chính trị thế giới sẽ nằm ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thì các hội viên của ASEAN sẽ là những tác nhân quan trọng cho sự thành hình của thế kỷ Thái Bình Dương". Để chính sách quay về và tạo thế quân bình khu vực Châu Á của Hoa Kỳ có thể thành công, tác giả nêu lên bốn luận cứ quan trọng.

  • Quân bình trong quan hệ hợp tác song phương và đa phương: Mặc dù Hoa Kỳ đang có nhiều nỗ lực phát triển quan hệ song phương với các hội viên ASEAN như Singapore, Indonesia, Malaysia, Phillipines, Thailand, và Việt Nam và tiến trình phát triển của ASEAN vẫn chưa hoàn chỉnh, Hoa Kỳ phải có niềm tin vào mối quan hệ đa phương với ASEAN và không ngừng hỗ trợ cho tiến trình hội nhập và cải thiện năng lực điều hành của khối. Cần sử dụng các quan hệ song phương như đòn bẩy đẩy mạnh quan hệ đa phương.
     
  • Quân bình giữa sức mạnh quân sự và kinh tế: tụt hậu trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trên nền giao thương với Châu Á và trước sự chỉ trích Hoa Kỳ quá quan tâm đến quân sự hơn là kinh tế trong bang giao với ASEAN, Hoa Kỳ cần tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ kinh tế với ASEAN, qua các hoạt động và hiệp ước thương mại như Diễn đàn Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN (US-ASEAN Business Forum) tại Cambodia năm 2012, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP), đóng góp Quỹ Cơ sở Hạ tầng ASEAN.
     
  •  Quân bình giữa cam kết và khả năng: kinh nghiệm từ lịch sử, nhiều nước Đông Nam Á e ngại rằng Hoa Kỳ sẽ khó có thể duy trì sự cam kết lâu dài với  khu vực vì nhiều ly do như ngân sách, khủng hoảng ngoại giao các vùng khác, hay khó khăn nội bộ. Đây quả là điều không dễ dàng, nhưng không phải là bất khả thi đối với các nhà ngoại giao tài ba và với các phương sách tối hiệu hóa điều kiện và năng lực sẵn có.
     
  •  Sau cùng và là luận cứ mấu chốt là sự quân bình trong mối quan hệ với Trung Quốc, "Hoa Kỳ cần phải gia tăng sự đối thoại và hợp tác với Trung Quốc nơi nào và khi nào có thể được, đồng thời đối phó không nhân nhượng khi cần phải, như thế có thể bảo vệ được quyền lợi, lý tưởng và đáp ứng được nhu cầu cần thiết của các đồng minh ở Đông Nam Á". Những khó khăn khi thực hiện chính sách này, theo Prashanth , là mối e ngại của các nước Đông Nam Á với sự hung hãn của Trung Quốc, niềm tin vào sự cam kết của Hoa Kỳ và đường hướng bất định của Trung Quốc.
  • *

    *     *

    Các diễn biến trong những năm qua và gần đây cho thấy Trung Quốc không ngừng nỗ lực chia rẽ các quốc gia ASEAN, thử nghiệm và thử thách ý chí, quyết tâm của Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực trước các sách lược xâm thực biển đảo. 

    Chỉ khi nào các nước ASEAN không bị lũng đoạn phân hóa, Hoa Kỳ mạnh mẽ thực thi chính sách chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á Thái Bình Dương và các nước bị xâm chiếm biển đảo liên kết quyết tâm bảo vệ lãnh hãi, thì luật pháp quốc tế mới được tôn trọng, trật tự thế giới được duy trì và viễn cảnh của một ASEAN hội nhập, Châu Á Thái Bình Dương ổn định và phát triển mới cơ may thành công. 

    Trần Bình

    Chú thích:

    (1) The Courtship of ASEAN, Dylan Loh, The Diplomat - 9/23/2013
    (2) The Power of Balance, Prashanth Parameswaran, Tufts university - Winter 2013
    (3) ASEAN Statistics                                
    (4) Why is ASEAN important to the United States?, U.S.-ASEAN Business Council - 4/19/2013
    (5) China’s trade with ASEAN rises 10,9%, TBP and Agencies, The Brics Post - 1/10/2014
    (6) New challenges for ASEAN–Japan relations, Masahiro Kawai - 12/13/2013
    (7) ASEAN–European Union relations, Wikipedia
    (8) Will an Integrated ASEAN Region Challenge China?,  Wharton, University of Pennsylvania - 1/15/2014

    Tham khảo:

    New era of China-ASEAN trade and investment relations, Bruce Alter, Shangha ASEAN Investor - 12/12/2013
    U.S.-ASEAN Relations Mature, but Pitfalls Abound, John J. Brandon Asia Foundation - 1/30/2013
    ASEAN eyes greater investment from China, Xinhua – China Daily - 1/15/14
    The U.S.-ASEAN Expanded Economic Engagement (E3) Initiative, U.S. Deparment of State - 10/9/2013


    Các thao tác trên Tài liệu

    Các số đặc biệt
    Các sự kiến sắp đến
    VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
    Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
    Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
    France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
    Các sự kiện sắp đến...
    Ủng hộ chúng tôi - Support Us
    Kênh RSS
    Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

    Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

    www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss