Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Báo cáo BAKER-HAMILTON

Báo cáo BAKER-HAMILTON

- Nguyễn Quang — published 19/12/2006 09:34, cập nhật lần cuối 14/03/2007 14:46
Báo cáo của Tiểu ban Lưỡng đảng Baker-Hamilton là sự ghi nhận thất bại và bất lực của Mĩ sau ba năm rưỡi ở Irak.

Báo cáo Baker-Hamilton

THÚ NHẬN BẤT LỰC

Nguyễn Quang

     
Ngày 1.5.2003 : trên boong tàu hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln, đứng trước biểu ngữ huênh hoang “hoàn thành sứ mạng”, trong bộ chiến y “top gun”, George W. Bush chính thức loan báo “đại thắng ở Irak”... Ngày 5.12.2006, nghĩa là sau ba năm rưỡi (mà đối với người Mĩ, ba năm rưỡi là thời gian dài hơn cả Đại chiến lần thứ hai), khi những thượng nghị sĩ hỏi Robert Gates “Hoa Kì có đang thắng ở Irak không” thì tân bộ trưởng Quốc phòng trả lời “Không”, và theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây, từ nay 73% đồng bào của ông Gates cũng nghĩ như vậy. Vả lại, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kì vào tháng 11 vừa qua – một cuộc thăm dò dư luận ở quy mô “thực” – quan tâm hàng đầu của cử tri là vấn đề Irak và như chính “W” đã phải thừa nhận, cử tri Mĩ đã cho đảng Cộng hoà “ăn đòn”. Từ tiết lộ này sang rò rỉ khác, hết điều tra đến điều trần, những lời nói dối của phe “tân bảo thủ” đã bị vạch trần (xem khung kèm theo). Nếu còn hồ nghi gì, thì báo cáo Baker-Hamilton (đầu đề “Lộ trình để đi theo – Một tiếp cận mới”) đã xua tan : Ở Irak đang manh nha một “Việt Nam” mới đối với Mĩ.

 

Thừa nhận thất bại

Do Quốc hội quyết định thành lập hồi tháng 3.2006 (lúc ấy đảng Cộng hoà còn nắm đa số ở cả hai viện) nhằm đánh giá tình hình “thực địa”, Nhóm nghiên cứu về Irak là một tiểu ban lưỡng đảng gồm 10 thành viên, 44 chuyên gia giúp việc, đặt dưới sự đồng chủ toạ của James Baker (nguyên ngoại trưởng dưới thời Bush cha) và Lee Hamilton (cựu dân biểu thuộc đảng Dân chủ). Sau chín tháng tham khảo ý kiến, đàm luận và thăm viếng thực địa, Nhóm nghiên cứu đã đi tới nhận định là tình hình Irak nguy cấp, nêu ra 4 khả năng chọn lựa và đề nghị một "cách tiếp cận" mới, gồm 79 điểm. Điều đáng lưu ý là kèm theo bản báo cáo, hai đồng chủ tịch tiểu ban đã gửi tổng thống Bush một lá thư, đúng hơn là "lời mở đầu" của bản báo cáo, mà thực chất là bản kết án đối với chiến lược trí trá "cấp Nhà nước", một bản án nghiêm khắc dù được viết bằng ngôn ngữ ngoại giao. "Nhiều người Mĩ bất mãn không chỉ vì tình hình ở Irak, mà còn vì cái cung cách tiến hành cuộc thảo luận chính trị về Irak (...)  Nước ta xứng đáng có một cuộc thảo luận có thực chất hơn là mĩ từ (...). Các nhà lãnh đạo đất nước phải tỏ ra thành thực và thẳng thắn đối với nhân dân nếu muốn được nhân dân ủng hộ (...)".

Sau khi giảng cho Nhà trắng một bài học về đạo lí chính trị, nhóm nghiên cứu đưa ra một nhận định trái nghịch hẳn với ngôn từ của chính quyền Bush, có thể tóm tắt vào một câu : "Tình hình Irak nghiêm trọng và sẽ tiếp tục xấu đi". Ngoại trừ việc lật đổ Saddam Hussein, Mĩ không đạt được một mục tiêu nào mà họ đã tuyên bố (*) : ổn định tình hình Irak, tái thiết, cấu trúc lại thể chế chính trị. Về mặt an ninh, vấn đề then chốt và tiên quyết, bản báo cáo nhận định "bạo lực ngày càng tăng về tần suất cũng sự về độ tác hại" : mỗi ngày có gần 100 cuộc tấn công, và hơn 1000 hành động bạo lực, mỗi tháng 3000 người chết... Người dân Irak được giải thoát khỏi "ác mộng của trật tự độc tài" rốt cuộc chỉ để rơi vào "ác mộng của bạo lực mù quáng ngày nay". Trong sự bạo lực này, tiểu ban lưỡng đảng phân biệt : tội ác có tổ chức, những cuộc tấn công nhắm vào quân đội chiếm đóng (hầu hết do người Sunnite gây ra) và nhất là những cuộc chém giết giữa các giáo phái (Chiite và Sunnite) đã trở thành trở ngại lớn nhất cho sự ổn định tình hình. Nguy hơn nữa, các cuộc xung đội không chỉ diễn ra giữa hai phái mà trong nội bộ mỗi giáo phái, giữa những phe cánh vũ trang tranh hùng với nhau. Trong một chứng từ vô cùng cảm động do báo The Washington Post công bố, một phụ nữ Irak, Fatima, đã tóm tắt "lộ trình đi tới hỗn loạn" như sau : "chúng tôi cứ ba người thì một người đang chết, một người bỏ chạy còn người thứ ba sắp trở thành goá bụa... Tại nhà xác Bagdad, cách duy nhất để biết xác chết nào là người Chiite, xác chết nào là người Sunnite, là như thế này : người Chiite thì bị chặt đầu, người Sunnite thì bị bom nổ". Bản báo cáo Baker-Hamilton còn giáng thêm một chuỳ nữa vào đầu chính quyền Bush : "Al-Qaida chỉ dính líu tới một phần nhỏ trong tình trạng bạo lực ở Irak, mặc dầu nó đã gây ra một vài vụ nổi bật nhất".

Khi dối trá trở thành quốc sách

* Ngày 5.2.2003, ngoại trưởng Colin Powell trịnh trọng tuyên bố trước Đại hội đồng Liên hợp quốc rẳng Irak có trong tay vũ khí hoá học (ông còn giơ một lọ anthrax ra) và đang chuẩn bị vũ khí hạt nhân (ông ta chưng ra ảnh chụp mấy cái ống kim loại). Từ đó đến nay, ở Irak, không hề tìm ra dấu vết "vũ khí giết người hàng loạt". Đầu tháng 12.2006 chính ông C. Powell lên tiếng "rất lấy làm tiếc đã đưa ra những thông tin giả trá [do CIA cung cấp]". 

* Ngày 17.3.2003, George W. Bush tuyên bố chính quyền Irak "đã giúp đỡ, đào tạo và bao che bọn khủng bố, kể cả bọn Al-Qaida". Ngày 16.6.2004, báo cáo của Tiểu ban điều tra về vụ 11.9 khẳng định giữa Irak và Al-Qaida không có "quan hệ hợp tác".

 * Cuối tháng 4.2004, tạp chí The New Yorker tiết lộ vụ tù nhân ở Abou Ghraib bị cực hình. Ngày 8.5, W. khiển trách "một nhóm nhỏ quân nhân nam nữ" và nói đây là một sự vụ cá biệt. Toà án quân đội cũng chỉ kết án vài binh lính thuộc hạ. Tháng 6.2004, nhật báo The Washington Post cho biết chính Ricardo Sanchez, tướng tư lệnh quân đội Mĩ ở Irak, đã cho phép cấp dưới dùng phần lớn những phương pháp tra tấn bị tố giác.

* Ngày 1.5.2003, W. tuyên bố "đại thắng ở Irak" trên hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln. Ngày 26.10.2006, tổng Bút nhắc lại lần thứ n rằng Hoa Kì đang "trên đà thắng lợi". Ngày 5.12, Bob Gates, tân bộ trưởng quốc phòng, tuyên bố Mĩ "không thắng, nhưng cũng không thua". Ngày 6.12, công bố báo cáo Baker-Hamilton.

Trong tình trạng mà từ nay giới truyền thông Mĩ gọi là "cuộc nội chiến", chính quyền Irak tỏ ra bất lực một cách thảm hại trước những "thánh chiến quân" người nước ngoài đã thâm nhập vào Irak, những phần tử khủng bố Sunnite (đa phần là binh sĩ trong hàng ngũ quân đội mà người Mĩ đã vội vã giải tán), và cả những dân vệ Chiite (ước lượng khoảng 60 000 người) mà chính quyền không dám giải giới... Chính tiểu ban lưỡng viện đã phải lên án thủ tướng Al-Maliki (bản thân là người Chiite) là "chẳng chịu thực hiện một biện pháp then chốt nào theo chiều hướng hoà giải dân tộc", nhưng trách như vậy là quên hẳn bản chất của chính quyền ấy. Mọi người còn nhớ sau cuộc bầu cử được biểu dương ồn ào (nhưng cũng đúng) là cuộc bỏ phiếu dân chủ đầu tiên ở Trung Đông, phải mất mấy tháng trời thương lượng cò cưa mới đẻ ra được một nội các què quặt ngay từ đầu vì phải chia chác quyền lực theo tôn phái, bất luận là đại biểu quốc hội, bộ trưởng, công chức hay công an cảnh sát. Người Mĩ cũng phải chấp nhận rằng người Irak trung thành với sắc tộc và tín ngưỡng (Kurd, Chiite, Sunnite) hơn là với Nhà nước Irak (**).

Thừa nhận bất lực

Sau khi đã thừa nhận thất bại, tiểu ban Baker-Hamilton xem xét những biện pháp khả dĩ "cải thiện tình hình và bảo vệ quyền lợi của Mĩ" song cũng báo trước là "không có giải pháp thần diệu nào cả". Tiểu ban nêu ra 4 khả năng lựa chọn :

1) Rút quân cho nhanh : Rút khỏi Irak trong thời hạn từ 4 tới 6 tháng, đó là khẩu hiệu của những người phản chiến triệt để như nhà điện ảnh bút chiến Michael Moore hay ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ, thượng nghị sĩ Barack Obama. Giải pháp này sẽ tiết kiệm tiền của và sinh mạng Hoa Kì, nhưng cái giá phải trả về tinh thần và chính trị sẽ rất cao. Làm sao bỏ mặc số phận của một quốc gia sau khi chính mình đã gây ra tàn phá ? Nhất là, theo tiểu ban, "một cuộc triệt thoái quá sớm chắc chắn sẽ dẫn tới sự gia tăng bạo lực có tính chất tôn giáo, làm cho tình hình xấu thêm nữa" (nói cách khác, nó dẫn tới ưu thế tuyệt đối của người Chiite, khiến người Sunnite sẽ bỏ chạy, gây ra bất ổn ở các nước lân cận, với nguy cơ xảy ra bùng nổ trong khu vực vì Arabia Saudi cũng như Ai Cập sẽ không thể ngồi khoanh tay nhìn "vòng cung Chiite" triển khai). Hơn nữa, sự thất bại hiển nhiên của Hoa Kì sẽ được hiểu là thắng lợi của xu hướng Hồi giáo cực đoan với những hậu quả không ai lường trước được. Bởi vậy, George W. Bush không vô lí khi ông nói : "Nếu chúng ta rời khỏi Irak, bọn khủng bố sẽ theo chân chúng ta mà về nhà".

2) Duy trì nguyên trạng : Đó là sách lược cho đến nay của chính quyền Bush. Tức là cho đến khi quân đội và công an Irak có khả năng thay thế, phải duy trì quân lực Mĩ ở mức hiện nay, nếu cần thì phân phối khác đi, chẳng hạn giảm quân số ở các đơn vị chiến đấu và tăng số binh sĩ huấn luyện. Đây cũng là phương án của bộ chỉ huy quân đội Mĩ vì họ nghĩ có khả năng "đắp đê" nội chiến cho đến khi nó hết hơi. Nhưng có nhiều khả năng dư luận Mĩ hết hơi trước đó : quân đội Mĩ đã quay vòng lần thứ ba rồi, 66% dân chúng Mĩ không tán thành cung cách tiến hành chiến tranh của chính quyền, hơn 60% có cảm tưởng không có một kế hoạch rõ ràng để tình hình tiến triển. Về phần mình, tiểu ban Baker-Hamilton cho rằng "chính sách hiện nay là bất cập", và "tiếp tục như vậy chỉ là trì hoãn giờ phút tính sổ, và kết quả sẽ nặng nề hơn nữa".

3) Tăng cường quân số : Nhiều tướng lĩnh Hoa Kì vẫn cho rằng số quân huy động ở Irak không đủ và chủ trương của cựu bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld (tiến hành chiến tranh với công nghệ cao và khoảng 100 000 binh sĩ) là một sự kiêu ngạo tội lỗi. Nói như thế cũng hơi oan cho Rumsfeld vì thoạt kì thuỷ, ông ta đinh ninh là "nhảy vào Irak, đá đít Saddam xong tếch", không hề tính đến chuyện chiếm đóng, ổn định tình hình, càng không tính đến việc tái thiết. Đối với những người chủ trương tăng cường quân số, như thượng nghị sĩ McCain (có nhiều khả năng sẽ là ứng viên Cộng hoà trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008), thì phải đưa thêm ít nhất 20 000 quân nữa để trước tiên là bình định Bagdad và ngoại ô. Nhưng với kết quả cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, phương án này trở thành rất khó thực hiện về mặt chính trị. Trên mặt thực tế, với hiện trạng của quân đội Mĩ, điều đó càng không thể: trong thời kì chiến tranh Việt Nam, lục quân Mĩ có 40 sư đoàn tại ngũ và dự bị (Vệ quốc) , ngày nay chỉ còn 18 sư đoàn, tức là khoảng 1,5 triệu binh sĩ, trong đó chưa đầy 1/3 ở trong các đơn vị chiến đấu. Hiện thời, quân đội Mĩ đã phải tham chiến ở hai mặt trận Afghanistan và Irak, nếu mai này xảy ra xung đột ở Triều Tiên hay Iran, Mĩ không tài nào huy động được quá 3 lữ đoàn (chưa tới 10 000 quân) ! Vả lại, báo cáo của Tiểu ban nghiên cứu nhấn mạnh rất chính xác rằng : "tăng cường quân số cũng chẳng làm thay đổi được nguyên nhân chủ yếu của bạo lực ở Irak là không có hoà giải dân tộc".

4) Chia ba lãnh thổ Irak : Báo cáo Baker-Hamilton nguỵ trang dưới ngôn từ "chuyển giao quyền lực cho ba miền bán tự trị" (Chiite, Sunnite, Kurd) một giải pháp liên bang đã được nêu ra ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh. Phương án này có lôgic của nó vì Irak chỉ là một sản phẩm nhân tạo của thời kì hậu thực dân, song, vẫn theo tiểu ban Baker-Hamilton, nguy cơ của phương án này là chính quyền trung ương quá suy yếu. Đó là không kể những chướng ngại mà Nhóm Baker-Hamilton làm như không biết : 

- sự chống đối đến cùng của những nước láng giềng (Thổ Nhĩ Kì chẳng hạn sẽ không bao giờ chấp nhận một Kurdistan độc lập)

- sự chống đối quyết liệt của người Sunnite (với giải pháp chia ba, người Sunnite sẽ ở miền trung là vùng không có tài nguyên)

- tinh thần dân tộc mạnh mẽ của người Irak : điều này có vẻ mâu thuẫn với sự xung đột sắc tộc và tôn giáo, nhưng nó đã biểu hiện rõ nét trong cuộc khốc chiến với Iran trước đây cũng như từ khi Mĩ xâm chiếm đến nay (***).

Sau khi xem xét cả bốn khả năng nói trên, Tiểu ban Baker-Hamilton long trọng kết luận rằng : "Hoa Kì vốn có quan hệ với Trung Đông và có những quyền lợi dài hạn ở khu vực này, không thể giải kết ở Trung Đông được". Họ đề ra một "cách tiếp cận mới" với 79 "khuyến nghị". Một số khuyến nghị chỉ là những đề nghị vặt vãnh, nhưng những điểm chính vạch ra một sự thay đổi chiến lược cân đối, có thể được sự chấp nhận của Nhà trắng, của phe dân chủ chiếm đa số ở Quốc hội cũng như của dư luận Mĩ đang đòi hỏi một giải pháp với viễn tượng rõ nét là rút quân. Rút quân thế nào ? Theo cách nói của một chuyên gia, đây không phải là "cut and run" (cắt rồi chuồn) mà là "cut and stay" (cắt rồi ở lại). Bản báo cáo tách bạch một cách hơi khiên cưỡng hai "vế", bên trong ("giúp người Irak để họ tự giúp") và bên ngoài ("tạo nên một sự đồng thuận quốc tế"), và chủ trương :

- tại Irak, chuyển nhiệm vụ quân đội Mĩ thành "yểm trợ quân đội Irak" là chính, "đi đầu tác chiến" là phụ. Nói huỵch toẹt, đó là chiến lược "Irak hoá chiến tranh" ! Tiểu ban Baker-Hamilton nhắm thành lập 36 lữ đoàn chiến đấu Irak được "lồng khung" bằng binh sĩ Mĩ "thâm nhập", hoặc được yểm trợ bởi những đơn vị "đặc biệt", "phản ứng linh hoạt". Đồng thời, trong khi số cố vấn quân sự Mĩ (phụ trách huấn luyện và lo về thiết bị) sẽ tăng gấp 5 lần thì các đơn vị chiến đấu sẽ chỉ can thiệp theo điểm, hoặc lần lượt được rút khỏi Irak, để triển khai chẳng hạn ở Afghanistan. Với cách này, họ hi vọng từ nay đến năm 2008, giảm được một nửa số quân Mĩ ở Irak, cũng là một cách gây sức ép để chính quyền Irak đảm nhận nhiệm vụ của mình, mà Mĩ vẫn không bắt buộc phải đưa ra một kì hạn dứt khoát.

- về mặt quốc tế, tập hợp các nước lân cận cũng như những nước then chốt (chẳng hạn các quốc gia lớn trong khu vực), 5 uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Liên hiệp Châu Âu...  thành một nhóm "ủng hộ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Irak". Nói rõ hơn, Hoa Kì phải tiếp xúc trực tiếp với Iran và Syria "làm sao để hai nước này cam kết thực thi một chính sách tích cực ở Irak cũng như trong các vấn đề được mất của khu vực". Rộng hơn nữa, để đạt được các mục tiêu của mình ở Trung Đông, Hoa Kì cần phải "đổi mới và duy trì sự cam kết đối vói một nền hoà bình toàn cục giữa người Arập và người Israel, trên mọi trận tuyến : ở Liban cũng như ở Syria, ở Israel cũng như ở Palestin".

Người ta có thể thấy : cách "tiếp cận mới" này quả là có những cái mới thật sự so với học thuyết và ngôn từ quen thuộc của chính quyền Bush, nhưng nó có đứng vững trước nguyên tắc thực tế không ? Đó là điều đáng hoài nghi. Chẳng hạn như chủ trương "Irak hoá chiến tranh" đã được "thử lửa" ở nơi khác rồi. Chẳng cần phải là chuyên gia quân sự cũng thấy rằng ngoài yếu tố thời gian (2008 là ngày mai đây thôi), nhóm Baker-Hamilton đã tỏ ra lạc quan quá lố và thiếu căn cứ về khả năng của các đơn vị vũ trang Irak, và nhất là về sự trung thành của họ đối với Nhà nước Irak (xem phần trên). Hậu quả trực tiếp của việc giảm bớt sự có mặt của quân đội Mĩ phải chăng là nhường thế chủ động cho đối phương ? là đặt cố vấn Mĩ (không trực tiếp chiến đấu) vào những tình huống hiểm nghèo, vì do nhiệm vụ, bắt buộc họ phải rời xa các căn cứ ? vân vân... Còn sự tham gia của những "tác nhân trong khu vực" không thể thiếu vắng là Iran và Syria, thì muốn là một chuyện, làm được lại là chuyện khác. Tất nhiên phải có đi có lại. Trông mong vào thiện chí của địch thủ, khác nào thú nhận sự bất lực của mình ? Iran và Syria là hai nước mà W. đã xếp vào "Trục của cái Ác" và những tưởng có thể uy hiếp bằng cách "dân chủ hoá" Trung Đông, nay bỗng nhiên ở thế thượng phong vì Mĩ sa lầy ở Irak. Nhất là Iran, nổi lên trong vai trò của cường quốc khu vực, làm chủ cuộc chơi ở Trung và Cận Đông qua trung gian của những đoàn "dân vệ" Chiite (Hamas ở Palestin, Hezbollah ở Liban), trêu ngươi các cường quốc Tây phương trong vấn đề năng lượng hạt nhân... Thế là, trong vòng ba năm, nhóm "bushmen" (cận thần của G.W. Bush) đã làm nên kì tích hiếm có : vừa tăng cường sức mạnh cho kẻ thù tư tưởng hệ, vừa biến Irak, quốc gia duy nhất ở trong vùng có một chính quyền thế tục (không bị tôn giáo chi phối) thành địa bàn "thánh chiến" và giao điểm của khủng bố quốc tế. Quả là một kì công, nhờ đó tên tuổi của Bush sẽ không được ghi vào sử xanh của nước Mĩ. Điều ấy, chúng tôi đã viết nhiều lần, nhưng cho đến giờ, ông Bush vẫn một mực không chịu thay đổi. Tổng thống Mĩ đã đặt chuẩn bị hai bản báo cáo nữa, một của Lầu năm góc, một của CIA (người ta có thể hồ nghi tính khách quan của hai cơ quan này), và trong cuộc họp báo cuối cùng trong năm 2006, còn khẳng định niềm tin vào chiến thắng ở Irak: "Chúng ta sẽ thắng... Chúng ta đang trên đường thắng lợi". Như một nhà bình luận đã nhấn mạnh, muốn cho W. thay đổi ý kiến, thì một bản báo cáo không ăn thua gì cả, chắc phải có cả một sự "chuyển giao nhân cách"!

Nguyễn Quang
     

(*) Đó là nói những mục đích "đã tuyên bố". Còn những mục đích "không thú nhận", thì nói như các nhà phân tâm học, là chuyện riêng của hai cha con George Bush.

(**) Điều này càng xác nhận "chủ nghĩa cộng đồng" và dân chủ không đội trời chung.

(***) Khi liên quân Anh-Mĩ tiến vào Bassorah, vùng đất Chiite đã bị chế độ Saddam Hussein đàn áp ghê gớm, họ chưng hửng vì tưởng sẽ được dân chúng "dâng hoa" tiếp đón !

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss