Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Bầu cử tổng thống Pháp 2017 : Bất ngờ Le Pen ?

Bầu cử tổng thống Pháp 2017 : Bất ngờ Le Pen ?

- Trần Hải Hạc — published 01/04/2017 22:50, cập nhật lần cuối 01/04/2017 22:47


Bầu cử tổng thống Pháp 2017 :


Bất ngờ Le Pen ? [*]


Trần Hải Hạc

   

I. Nhận xét mở đầu


Tháng 4 năm 2017, đến lượt cử tri Pháp được gọi đi bỏ phiếu bầu lại tổng thống. Sau kết quả không ngờ của hàng loạt cuộc bỏ phiếu năm 2016 - phe Brexit thắng cuộc trong trưng cầu ý dân ở Anh, Donald Trump thắng cử tổng thống ở Mỹ, thủ tướng Matteo Renzi thua cuộc trong trưng cầu ý dân ở Ý -, liệu Marine Le Pen và đảng FN (Front National / Mật trận quốc gia) của bà có thể tạo bất ngờ hay không ? Câu hỏi này càng đặt ra khi FN là chính đảng Pháp độc nhất hoan nghênh ứng cử viên Trump và phe thân Brexit khi họ chưa giành chiến thắng.[1] Và, đầu năm 2017, ngày tân tổng thống Hoa Kỳ nhậm chức, Le Pen đã không ngần ngại tuyên bố : « Donald Trump tại Mỹ và Theresa May tại Anh đang tiến hành chủ nghĩa yêu nước về kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ thông minh… Thật ra, họ đang thực hành cương lĩnh của Marine Le Pen ».[2]

Đúng ra, câu hỏi trên đã được nêu lên từ năm 2015, khi đảng FN của Marine Le Pen trở thành lực lượng chính trị số 1 ở Pháp.[3] Trong lần bỏ phiếu sau cùng của nước Pháp nhằm bầu hội đồng vùng, tháng 12 2015, FN là chính đảng về đầu ở vòng 1 với hơn 6 triệu phiếu, tức 27,7 % trên tổng số phiếu bầu hợp lệ, vượt qua đảng Người cộng hoà LR (Les républicains) và đồng minh cánh hữu (27, 2 % phiếu) cũng như đảng xã hội PS (Parti socialiste) và đồng minh cánh tả (23,4% phiếu).

Biểu đồ 1 : FN trở thành chính đảng số 1 ở Pháp qua cuộc bầu cử hội đồng vùng 2015.

FN1

Trên biểu đồ 1, đọc từ trái sang phải là các chính đảng đã tập hợp hơn 5 % phiếu [4] :

  • màu xanh lam sẫm : đảng Mật trận quốc gia (FN), 27,7 % ;

  • màu xanh lam nhạt : liên minh phái hữu LR+UDI+MODEM của đảng Người cộng hoà (LR) và đồng minh trung hữu (UDI và MODEM), 27,7 % ;

  • màu hồng : liên minh phái tả PS+PRG của đảng Xã hội (PS) và đồng minh trung tả (PRG), 23,4 % ;

  • màu xanh lục : các đảng bảo vệ môi trường (Ecologistes) : 5,8 %

  • màu nâu : liên minh phái tả PCF+FG giữa đảng Cộng sản (PCF) và Mặt trận cánh tả (FG) của Jean-Luc Mélenchon, 5,4 %


Bên cạnh biểu đồ là bản đồ nước Pháp gồm 13 vùng, trên đó nơi màu xám càng sẫm là nơi tỷ số phiếu FN càng cao. Trên 13 vùng, FN đã dẫn đầu trong 6 vùng : với tỷ số phiếu lên đến hơn 40 % ở vùng miền Bắc và vùng miền Đông Nam ; tỷ số vượt 30 % phiếu ở vùng miền Đông và hai vùng miền Trung.


Bảng 2 : Tỷ số phiếu của FN trong những cuộc bầu cử 1974-2015

FN2

Thành lập vào năm 1972, Mặt trận quốc gia FN đã trỗi lên như chính đảng quan trọng của nước Pháp vào những năm 1980, thời kỳ đảng Xã hội của tổng thống Mitterrand cầm quyền. Nó trở thành chính đảng số 1 từ năm 2014 qua cuộc bầu cử nghị viện châu Âu với 25 % phiếu, qua mặt các đảng cánh hữu và cánh tả.[5]

Để lý giải sự lớn mạnh của FN từ thập niên 1980 đến nay, phải khảo sát những yếu tố kinh tế - xã hội, chính trị và hệ tư tưởng.


II. Yếu tố kinh tế - xã hội


Những năm 1980 cho tới nay là thời kỳ nước Pháp phát triển chủ nghĩa tư bản tài chính hoá và toàn cầu hoá. Các chính phủ từ hữu sang tả dần dần quy theo chính sách kinh tế « tân tự do »[6] và từng bước rời xa « mô hình xã hội Pháp »[7] đã thành hình thời kỳ 30 năm sau thế chiến thứ 2 và đã bước vào khủng hoảng từ cuối thập niên 1970.


Biểu đồ 3 : Tăng trưởng kinh tế Pháp 1950-2010 (tỷ suất bình quân trong từng thập niên)

FN3

Biểu đồ 3 thể hiện tổng sản phẩm nội địa GDP nước Pháp đã không ngừng giảm, từ tỷ suất tăng trưởng 5,9 % / năm trong thập niên 1960, xuống còn 1,4 % / năm trong thập niên 2000.[8]


Bảng 4 : Tăng trưởng kinh tế Pháp 2011-2016

FN4

Từ năm 2011 đến nay, nước Pháp tăng trưởng bình quân không vượt quá 1% / năm.[9]


Biểu đồ 5 : Tỷ số thất nghiệp ở Pháp 1975-2015

FN5

Cuộc khủng hoảng kéo dài của nền kinh tế Pháp biểu hiện trước hết trong tỷ số thất nghiệp đã vượt 7% năm 1983, và từ đó đến nay không hề xuống dưới mức này. Năm 2016, số thất nghiệp là 3,5 triệu người, tức một tỷ số vượt 10%. Thông số thất nghiệp này không tính tới những người có việc làm bán thời gian, những người lao động đang học nghề hay đang nghỉ bệnh, những người có hợp đồng lao động được nhà nước trợ cấp. Nếu cộng tất cả, tổng số thất nghiệp năm 2016 lên đến 6, 1 triệu người, tức tỷ số 21,1%.[10] Thông số này bỏ qua những người thất nghiệp không tìm việc làm do nản chí hay xin về hưu non.

Tuy nhiên, tiêu biểu nhất cho chủ nghĩa tư bản tân tự do không hẳn là thất nghiệp, mà là lao động bấp bênh, là sự chuyển hoá việc làm ổn định thành việc làm bấp bênh.


Biểu đồ 6 : Tỷ số lao động bấp bênh ở Pháp 1983-2013

FN6

Việc làm bấp bênh chỉ những việc làm theo hợp đồng có thời hạn, những việc làm tạm thời, những người lao động học nghề, những người thực tập việc làm. Tỷ số lao động bấp bênh bằng số việc làm thuê bấp bênh / tổng số lao động làm thuê. Từ những năm 1980, tỷ số này nhân lên hơn gấp đôi, từ 5% lên đến 12,5 % năm 2015.[11] Thông số này không tính tới việc làm bấp bênh của những người lao động độc lập.

Đương kim tổng thống Pháp François Hollande có đưa ra lời cam kết « đảo ngược đường cong thất nghiệp » trước khi hết nhiệm kỳ và, nếu không thực hiện được điều đó, sẽ không tái ứng cử tổng thống năm 2017. Vào cuối năm 2016, ông cho công bố thống kê về thất nghiệp của cơ quan phụ trách việc làm Pôle emploi, theo đó : sau khi không ngừng tăng từ khởi điểm nhiệm kỳ năm 2012, thất nghiệp của nước Pháp lần đầu tiên đã giảm ba tháng liền - khoảng 110 nghìn người - và ở mức 3, 4 triệu người.[12]


Biểu đồ 7 : Chuyển biến của thất nghiệp Pháp 2012-2016

FN7

Thật ra, những thống kê mà cơ quan phụ trách việc làm cung cấp phân biệt 5 loại người đăng ký tìm việc làm. Loại A : những người hoàn toàn không có việc làm. Loại B : những người có việc làm bán phần và làm việc ít hơn 78 giờ / tuần. Loại C : những người có việc làm bán phần và làm việc hơn 78 giờ / tuần. Loại D : những người không có việc làm và đang học nghề. Loại E : những người có hợp đồng làm việc được nhà nước trợ cấp. Theo biểu đồ 7, từ năm 2012 đến giữa năm 2016, các loại thất nghiệp đều tăng và loại B, C, D, E tăng nhanh hơn loại A. Cuối năm 2016, loại A có phần giảm đôi chút, các loại khác đều tiếp tục tăng.[13] Khi tuyên bố đã « đảo ngược đường cong thất nghiệp », ông Hollande thu hẹp định nghĩa thất nghiệp vào loại A và bỏ qua những loại việc làm bấp bênh.

Hậu quả tất yếu của một nền kinh tế đình đốn, với thật nghiệp triền miên và lao động bấp bênh bùng phát, là bất bình đẳng xã hội không ngừng tăng từ 15 năm nay ở Pháp.


Biểu đồ 8 : Bất bình đẳng về mức sống ở Pháp 1970-2016 - hệ số Gini

FN8

Mức sống ở đây chỉ thu nhập khả dụng, tức là đã trừ thuế và cộng trợ cấp xã hội. Hệ số Gini là chỉ số đo bất bình đẳng thu nhập : nó bằng 0 khi xã hội bình đẳng tuyệt đối (mọi người dân có thu nhập ngang nhau) ; nó bằng 1 nếu xã hội bất bình đẳng tuyệt đối (một người nắm toàn bộ thu nhập, những người dân khác không có gì hết). Xét thời kỳ 1970-2016, bất bình đẳng về mức sống ở Pháp có xu hướng giảm cho đến đầu những năm 1990 (từ 0,337 xuống 0,283), rồi từ đó có xu hướng tăng trong 15 năm nay. Hiện nay, hệ số Gini của Pháp là 0,295.[13]

Nếu xét giai đoạn tiếp theo khủng hoảng tài chính 2008-2011, bất bình đẳng tăng vọt, không chỉ do thu nhập của người giàu tăng tương đối so với thu nhập của người nghèo, mà còn vì thu nhập của người nghèo giảm tuyệt đối.


Bảng 9 : Thay đổi mức sống ở Pháp 2008-2011 (tính theo thập phân vị)

FN9

Giữa các năm 2008 và 2011, thu nhập bình quân đầu người của 10 % người giàu nhất tăng 1705 euro, thu nhập bình quân của 10 % người nghèo nhất giảm 360 euro. Bảng 9 còn cho thấy : không chỉ riêng 10% nghèo nhất, mà phân nửa bên dưới của xã hội Pháp, kể cả tầng lớp trung lưu cấp dưới, cũng chứng kiến mức sống của họ giảm sút.[15]

Một báo cáo năm 2015 của tổ chức các nước phát triển OECD đưa ra thêm 3 nhận xét :

1) Trong thời kỳ 2007-2012, bất bình đẳng ở Pháp tăng nhanh hơn bình quân các nước OECD. Lý do chính không phải do thất nghiệp tăng, mà là vì lương của người lao động Pháp giảm. Điều này gắn với xu hướng bùng phát của những việc làm mà OECD gọi là « không chuẩn » (non standard - là các việc làm tạm thời, bán thời gian và lao động độc lập), tức là của lao động bấp bênh. Những việc làm chuẩn giảm 1,3 % trong khi việc làm không chuẩn tăng 1,7 %, mà mức lương của việc làm không chuẩn thấp hơn đến 25% lương việc làm chuẩn.

2) Bên cạnh bất bình đẳng về thu nhập, còn phải kể đến bất bình đẳng về tài sản. Ở Pháp, 10% người giàu nhất sở hữu phân nửa tổng tài sản các hộ gia đình. Trong khi 40% người nghèo nhất chỉ nắm 2% tổng tài sản (ít hơn tỷ số bình quân OECD). Tài sản này tất nhiên là nguồn thu nhập không đáng kể đối với thành phần nghèo, trong khi nó là nguồn thu nhập quan trọng cho 10% người giàu nhất (27% thu nhập của họ).

3) Tại Pháp, vai trò tái phân phối của nhà nước khá quan trọng và đã hạn chế bất bình đẳng về thu nhập ban đầu.


Biểu đồ 10 : Tái phân phối qua thuế và trợ cấp xã hội đã hạn chế bất bình đẳng thu nhập ở Pháp. Hệ số Gini trước và sau khi trừ thuế và cộng trợ cấp xã hội.

FN10

Trên biều đồ 10, chấm màu xanh chỉ vị trí hệ số Gini trước khi tái phân phối, và tam giác màu xanh vị trí sau khi tái phân phối. Mũi tên màu xanh đo hiệu ứng chính sách tái phân phối của nhà nước. Trong biểu độ, vị trí của nước Pháp được thể hiện bằng chấm màu đỏ và tam giác đóng khung màu đỏ.[16]


III. Yếu tố chính trị


Từ những năm 1980, hai chính đảng tả - hữu đã luân phiên nhau cầm quyền ở Pháp. Ở phía tả là đảng Xã hội qua hai nhiệm kỳ tổng thống của François Mitterrand (1981-1988 và 1988-1995), rồi nhiệm kỳ của François Hollande 2012-2017. Ở phía hữu là đảng RPR qua hai nhiệm kỳ tổng thống của Jacques Chirac (1995-2002 và 2002-2007 – kể từ năm 2002, nhiệm kỳ tổng thống rút từ 7 năm xuống còn 5 năm, bằng nhiệm kỳ quốc hội) và, sau khi đảng đổi tên thành UMP, là nhiệm kỳ của Nicolas Sarkozy 2007-2012. Ngoài ra, còn những thời kỳ gọi là « sống chung chính trị » giữa tổng thống cảnh tả và thủ tướng cánh hữu (1986-1988 và 1993-1995) hoặc giữa tổng thống cánh hữu và thủ tướng cánh tả (1997-2002).

Khi cầm quyền, các đảng tả - hữu, tuy không công khai trong diễn từ, nhưng qua thực tiễn đã dần dần quy theo chủ nghĩa tân tự do, từng bước từ bỏ mô hình xã hội Pháp Các tầng lớp xã hội bị mất mát, thua cuộc trong quá trình tài chính hoá và toàn cầu hoá của nền kinh tế Pháp không còn tìm thấy trong các chính đảng thay phiên nhau nắm quyền người đại diện lợi ích của họ nữa. Sự thay đổi chính quyền từ tả sang hữu hay ngược lại không mang thay đổi gì cho họ một cách cơ bản. Thất vọng bởi những lời hứa suông, các thành phần thua cuộc cảm nhận rằng họ bị bỏ rơi, rằng đảng Người cộng hoà (và tiền thân RPR, UMP) ở phía hữu cũng như đảng Xã hội ở phía tả, thực ra, chỉ đại biểu lợi ích của các tầng lớp xã hội thắng cuộc : đó là giai tầng nắm trong tay vốn tài chính lẫn các vốn tri thức, vốn văn hoá, vốn xã hội. Xét trên mặt chính sách kinh tế - xã hội, không có điều gì cơ bản phân biệt hai chính đảng lớn đó, cả hai đều đã bỏ mặc tầng lớp nghèo và trung lưu cấp dưới đang bị bần cùng hoá và giáng cấp trong xã hội.

Marine Le Pen đã xây dựng lại đảng FN trên mảnh đất chính trị bỏ trống này. Từ đó, FN trở thành đảng của những người lao động nghèo hay đang bị bần cùng hoá, đảng của những người thất nghiệp hay có việc làm bấp bênh, đảng của những người trung lưu bị hay sợ bị giáng cấp trong xã hội [17]. FN tập hợp các tầng lớp hạ lưu này chống lại hai đảng tả - hữu cầm quyền và đại biểu cho lợi ích của giai tầng thượng lưu và trung lưu cấp trên.[18]


Bảng 11 : Xã hội học cử tri của các chính đảng Pháp theo kết quả bầu cử hội đồng vùng 2015

FN11

Nếu xét kết quả bầu cử theo phân loại thành phần xã hội – nghề nghiêp của viện thống kê Pháp INSEE,  FN là chính đảng số 1 của giai cấp công nhân (43 % bỏ phiếu cho nó), của tầng lớp nhân viên hành chính dịch vụ (36 % bỏ phiếu FN) và nó là chính đảng đa số trong giới tiểu chủ nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp (35% bỏ phiếu FN).

Đảng Xã hội giữ vị trí đa số trong các thành phần xã hội - nghề nghiệp cao cấp và trung gian cấp cao : đó là những nghề trí thức, cán bộ và chuyên viên cấp cao (30% bỏ phiếu cho nó) và những cán bộ, chuyên viên trung cấp (28 % bỏ phiếu cho nó). Ở phía hữu, đảng Người cộng hoà đã mất đa số trong giới chủ, trong thành phần trí thức, cán bộ, chuyên viên cấp cao, và chỉ còn giữ vị trí chính đảng số 1 của thành phần nghỉ hưu (33% bỏ phiếu cho nó).

Nếu xét theo thành phần tuổi tác, FN là chính đảng số 1 trong thành phần thanh niên 18-24 tuổi (35% bỏ phiếu cho nó) và là đảng đa số trong các lứa tuổi 25-34 (28%) và 35-59 (32%). Chỉ có thành phần 60 tuổi đổ lên là bỏ phiếu đa số cho đảng Người cộng hoà của cánh hữu.[19]

Mặt khác, FN là chính đảng số 1 trong giới người thất nghiệp (41% bỏ phiếu cho nó) và giới lao động bấp bênh (tỷ số phiếu tương tự). Điều này là hệ quả của việc FN là chính đảng số 1 trong giới thanh niên cũng là thành phần có tỷ số thất nghiệp cao nhất (25% thanh niên ở vào tình trạng thất nghiệp) và có tỷ số lao động bấp bênh cao nhất (50% thanh niên có việc làm bấp bênh).[20]

Trên đây là đặc điểm xã hội học của cử tri đảng FN mà Marine Le Pen cầm đầu. Năm 2011, bà được bầu làm chủ tịch đảng thay cho bố Jean-Marie Le Pen, sáng lập viên và linh hồn của FN từ những năm 1970. Năm 2015, đảng FN của Marine Le Pen khai trừ Jean-Marie Le Pen vì những tuyên bố của ông phủ nhận Đức quốc xã có chính sách diệt chủng đối với người Do Thái đồng thời ca ngợi chính quyền Pháp của thống chế Pétain đã cộng tác với Đức quốc xã trong thế chiến thứ 2. Với quyết định đó, Marine Le Pen muốn cự tuyệt với đảng FN của bố mà công luận người Pháp cho là bài Do Thái và có thiện cảm với chủ nghĩa phát xít, một đặc tính chính trị khiến FN không thể mở rộng lực lượng và nuôi tham vọng tham chính.

Marine Le Pen không chỉ từ bỏ chủ nghĩa chủng tộc của bố mà cả chủ nghĩa tự do kinh tế mà ông Le Pen chia sẻ với phái hữu. Cương lĩnh kinh tế mới của đảng FN bài chính sách tân tự do mà Marine Le Pen gắn kết với xu thế toàn cầu hoá và tài chính hoá của chủ nghĩa tư bản Pháp. Chống lại sự hội nhập của nước Pháp vào một cộng đồng châu Âu đi theo chủ nghĩa tự do kinh tế và đã tước quyền điều tiết xã hội của nhà nước Pháp, Marine Le Pen đề nghị « Frexit » và trưng cầu ý dân để người Pháp quyết định có ra khỏi vùng Euro và Liên hiệp châu Ấu hay không. Theo bà, nước Pháp phải giành lại chủ quyền trong bốn lĩnh vực : tiền tệ (trở lại đồng Franc và chính sách tiền tệ - tín dụng của Ngân hàng trung ương Pháp), kinh tế (nắm lại quyền định đoạt các chính sách tài khoá, ngoại thương, cạnh tranh…), pháp luật (xác lập ưu thế của luật quốc gia đối với luật của cộng đồng châu Âu), lãnh thổ (tái lập biên giới quốc gia đối với người, hàng và vốn, ra khỏi không gian Schengen). Trong 144 cam kết tranh cử tổng thống của Le Pen còn có đề xuất : áp thuế phụ thu các hợp đồng lao động với người nước ngoài (10 % tiền lương, góp vào quỹ trợ cấp thất nghiệp) ; dành ưu tiên các đơn đặt hàng của cơ quan nhà nước cho doanh nghiệp Pháp ; khôi phục « nhà nước chiến lược » để tái công nghiệp hoá nước Pháp.[21] Về mặt này, đảng FN đề cao chủ quyền quốc gia trên hết, nối kết lại với truyền thống của cánh hữu Pháp thời De Gaulle.

Trên bình diện xã hội, Marine Le Pen khẳng định đảng FN đại biểu cho « nước Pháp của những người bị lãng quên », đó là đảng của « nước Pháp sống với 700 đến 1200 euro / tháng ». Chương trình ứng cử tổng thống của bà có những cam kết như : tăng sức mua cho người lao động và nghỉ hưu mà thu nhập dưới 1500 euro / tháng (tài trợ từ nguồn thu thuế 3% trên hàng nhập khẩu) ; giảm 10% thuế thu nhập đối với tầng lớp thu nhập thấp ; giảm thuế lợi nhuận cho doanh nhiệp nhỏ và vừa ở mức 24 % (hiện là 33 %). Trong 144 cam kết của Le Pen còn có : duy trì thời gian lao động chuẩn ở mức 35 giờ / tuần, cho phép chủ nhân và công đoàn thương lượng thời gian lao động theo từng ngành nghề nếu giờ làm việc thêm được bù đắp bằng lương phụ trội ; lập lại tuổi nghỉ hưu ở mức 60 (hiện là 62 tuổi) ; tuyển dụng thêm 70 000 nhân viên nhà nước (trong các ngành công an, hải quan, quân đội, tư pháp, y tế) ; bãi bỏ đạo luật lao động của chính phủ Valls (đã đảo ngược ưu thế của thương lượng giữa chủ nhân và công đoàn ở cấp ngành nghề lên trên cấp doanh nghiệp). Với chủ trương bảo hộ xã hội này, lãnh tụ FN lấy lại những yêu sách truyền thống của cánh tả khi nó chưa nắm chính quyền.

Phủ nhận rằng FN là một đảng cực hữu, Marine le Pen khẳng định lập trường « không tả, không hữu ». Đối với FN, con đường phân thủy chính trị ngày hôm nay không phải giữa cánh tả và cánh hữu nữa, mà là giữa « người theo chủ nghĩa toàn cầu hoá » và « người theo chủ nghĩa yêu nước », những người yêu nước này có ở phía hữu cũng như ở phía tả.[22]


IV. Yếu tố hệ tư tưởng


Do hai chính đảng tả - hữu lớn của nước Pháp chia sẻ chọn lựa tân tự do, không còn gì phân biệt họ một cách cơ bản trên bình diện chính sách kinh tế - xã hội nữa. Họ phân biệt nhau bằng những chọn lựa trên bình diện văn hoá - văn minh, qua những tranh chấp về bản sắc, đặc biệt là bản sắc dân tộc. Thay vì bàn cãi những vấn đề cốt lõi của nước Pháp nghèo khó - như : Làm thế nào nền kinh tế tạo thêm công ăn việc làm ? Làm sao xã hội phân chia bình đẳng hơn giá trị gia tăng ? Làm thế nào nhà nước điều tiết hiệu nghiệm hoạt động thị trường ? Làm sao hạn chế xu thế tài chính hoá và toàn cầu hoá của chủ nghĩa tư bản ? -, các đảng phái hữu và tả đấu khẩu với nhau trên chủ đề phân biệt đối xử giữa nữ giới và nam giới, giữa đồng tính dục và dị tính dục, giữa nhập cư và thổ cư, giữa Hồi giáo và các cộng đồng khác v.v… Thiên hướng cánh hữu là khẳng định bản sắc có tính đồng nhất và bất biến, trong khi cánh tả có xu hướng chấp nhận nhận tính đa dạng và khả biến của nó. Nhưng bất luận lập trường là gì, khi tả - hữu tập trung đấu với nhau nhằm công nhận hay phủ nhận những quyền của giới nữ, của người đồng tính dục, của người nhập cư hay của người theo đạo Hồi thì họ để qua một bên vấn đề bất bình đẳng giữa các giai cấp xã hội ? Có thể nói rằng chủ nghĩa tân tự do lợi dụng diễn từ về bản sắc văn hoá - văn minh nhằm che lấp, đẩy lùi diễn từ về bất bình đẳng xã hội.

Hơn thế, chủ đề bản sắc chính là hòn đá tảng của hệ tư tưởng đảng FN, và trên bình diện này Marine Le Pen chỉ nối nghiệp bố khi bà thay chủ nghĩa chủng tộc bằng chủ nghĩa văn hoá để xác định bản sắc dân tộc của nước Pháp.[23] Với chủ nghĩa văn hoá, FN quan niệm bản sắc văn hoá Pháp như bất di bất dịch và phải bảo vệ tính thuần túy, chống lại những văn hoá ngoại lai, trước hết là văn hoá Hồi giáo « đang xâm lăng nước Pháp » với dòng người nhập cư từ châu Phi và Trung Đông. Trên cơ sở đó, FN chủ trương sửa đổi hiến pháp để xác lập nguyên tắc « ưu tiên quốc gia », tức là ưu tiên cho người Pháp, và thể hiện nó với những cam kết như : dành cho người Pháp ưu tiên công ăn việc làm, nhà cho thuê giá thấp và trợ cấp xã hội (tuy đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội, người nhập cư chỉ được hưởng chế độ bảo hiểm sau hai năm cư trú) ; hạn chế lượng người nhập cư ròng hàng năm vào nước Pháp ở mức 10 000 người (hiện nay là 140 000 người) ; xoá bỏ quyền người nhập cư được sum họp gia đình tại Pháp ; cấm mọi biện pháp hợp thức hoá những người nhập cư không hợp pháp (không cho phép họ và con em của họ hưỏng chế độ học và khám bệnh miễn phí) ; tước bỏ quyền được quốc tịch Pháp của người sinh trưởng trên đất Pháp mà cha mẹ không phải là Pháp ; xác định trong hiến pháp rằng Cộng hoà Pháp không công nhận bất cứ cộng đồng nào v.v… Tuy có khác với FN của Jean-Marie Le Pen nhưng FN của Marine Le Pen giữ lại gốc rễ của nó : đó là chủ nghĩa bài ngoại, kỳ thị người nhập cư, phân biệt đối xử người Hồi giáo. Về mặt này, cho dù có hai phiên bản khác nhau, FN vẫn là FN.

Song, điều đáng nói nhất là trong cánh hữu và trong một bộ phận của cánh tả, đang diễn ra cuộc thi đua giành lấy chủ đề bản sắc dân tộc của FN. Một ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Người cộng hoà còn đi xa hơn diễn từ của FN với lập trường : « Đối với người Hồi giáo, không cho họ bất cứ quyền gì với tư cách là cộng đồng, cho họ tất cả mọi quyền với tư cách là công dân ». Trong lúc đó, một ứng cử viên tổng thống thuộc cánh tả, lúc đương chức vụ thủ tướng chính phủ, cổ vũ công khai cho quyết định của những thị xã Pháp cấm phụ nữ theo đạo Hồi mặc áo tắm che toàn thân (có tên burkini) trên bãi biển. Những sự kiện này nói lên gì về nước Pháp hiện nay, nếu không phải là hệ tư tưởng FN chi phối cả các chính đảng tả - hữu nắm chính quyền. Chọn thành phần nhập cư, đặc biệt là người theo đạo Hồi, làm vật tế thần trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng và khủng bố đe dọa, không chỉ là nguy cơ của nước Pháp : nó đã là hiện thực trong một bộ phận ngày càng đáng kể của dư luận Pháp.


V. Nhận xét sau cùng


1. Đảng FN phải chăng đã trở thành lực lượng chính trị số 1 ở Pháp ?

Về số lượng cử tri, FN là chính đảng có nhiều người bầu nhất ở vòng 1 những cuộc bầu cử quốc gia. Tuy nhiên, do chế độ bầu cử của Pháp không áp dụng quy tắc bầu theo tỷ lệ mà quy tắc bầu theo đa số và hai vòng [24], trọng lượng của cử tri FN không thể hiện qua số lượng dân cử của nó. Đảng của Marine Le Pen chỉ có : 2 / 577 đại biểu ở quốc hội, 2 / 348 đại biểu ở thượng viện, 26 / 36 635 xã trưởng ở các tỉnh thành. Và mặc dù đã dẫn đầu ở vòng 1 trong 6 / 13 vùng của nước Pháp, vào đến vòng 2 đảng FN không giành được quyền lãnh đạo hội đồng vùng nào cả.

Lý do chính là cử tri phái tả dồn phiếu ở vòng 2 cho ứng cử viên phái hữu – hoặc ngược lại – để cản đường ứng cử viên FN đã về đầu ở vòng 1. Chí ít, cho đến cuộc bầu cử quốc gia sau cùng năm 2015, đời sống chính trị nước Pháp giữ đạo lý này đã hình thành trong chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít Đức : không cho phép một chính đảng chủ trương kỳ thị, phân biệt đối xử, đi ngược với các giá trị nền tảng của Cộng hoà Pháp, có thể chấp chính. Song, trong bối cảnh hệ tư tưởng bản sắc của FN ngày càng chi phối xã hội Pháp, một bộ phận cử tri ngày càng lớn trong phái hữu không chia sẻ đạo lý đó nữa, và ban lãnh đạo đảng Người cộng hoà đã từ bỏ luật chơi « mặt trận cộng hoà » với cánh tả khi có nguy cơ đảng FN nắm quyền. Cho nên, trong cuộc bầu cử tổng thống tương lai, không thể loại trừ khả năng FN thắng cử nếu, vào vòng 2, đương đầu với Marine Le Pen là một ứng cử viên phái tả. Còn trong trường hợp Marine Le Pen đương đầu ở vòng 2 với ứng cử viên phái hữu, dù ban lãnh đạo các chính đảng cánh tả kêu gọi tôn trọng luật chơi « mặt trận công hoà », không thể loại trừ khả năng số đông cử tri phái tả từ chối tham gia bầu cử.

Sự kiện chính trị cần được quan tâm đúng mức chính là hiện tượng không đi bầu. Trong một hệ thống chính trị mà hai đảng tả - hữu không tạo điều kiện cho những nạn nhân của hệ thống kinh tế - xã hội có một lựa chọn thay đổi chính sách thật sự, những người này chọn lựa không tham gia bầu cử. Chọn lựa này hiện nay mang nhiều hình thức khác nhau : không đăng ký cử tri ; đăng ký cử tri nhưng không đi bầu ; đi bầu nhưng bỏ phiếu trắng hay bất hợp lệ. Trong cuộc bầu cử hội đồng vùng 2015 - vòng 1, trên tổng dân số Pháp có quyền đầu phiếu là 51,5 triệu người, có đến 6 triệu người (12%) không đăng ký cử tri, 22,6 triệu cử tri không đi bầu (44%) và 900 nghìn cử tri bỏ phiếu trắng và bất hợp lệ (2%).


Biểu đồ 12 : Tỷ số tham gia bầu cử hội đồng vùng 2015, vòng 1 (tính trên tổng dân số Pháp có quyền bầu cử)

FN12

Theo biểu đồ 12, tính trên tổng dân số Pháp có quyền đầu phiếu, tỷ lệ không tham gia bầu cử lên đến 58 % (màu xanh lục), tỷ số bỏ phiếu cho đảng FN chỉ là 12 % (xanh lam sẫm), cho đảng Người cộng hoà LR và đồng minh cánh hữu là 11 % (xanh lam nhạt), cho đảng Xã hội PS và đồng minh cánh tả là 10% (hồng).[25]


Biểu độ 13 : Tỷ số tham gia các loại bầu cử 1958-2015 (tính trên tổng số cử tri Pháp có đăng ký)

FN13

Tính trên tổng số cử tri có đăng ký, tỷ số tham gia bầu cử - theo biểu đồ 13 - có xu hướng giảm ở Pháp bắt đầu từ những năm 1980 trong mọi loại bầu cử : tổng thống (đường màu đỏ), hội đồng thành phố (nâu), quốc hội (xanh lam), hội đồng vùng (tím) hay nghị viện châu Âu (xanh lục).[26] Trong cuộc bầu cử sau cùng (hội đồng vùng 2015, vòng 1), tỷ số cử tri không tham gia bầu cử là 50 %, những thành phần xã hội có tỷ số không đi bầu cao nhất là các lứa 18-24 tuổi (65% không đi bầu) và 25-34 tuổi (66%), các giới công nhân (61% không đi bầu) và nhân viên hành chính dịch vụ (58%), đặc biệt là tầng lớp thất nghiệp và lao động bấp bênh.[27]

Do tính trên tổng số cử tri Pháp đi bầu hợp lệ, thống kê về tỷ số phiếu bầu cho các chính đảng, do bộ nội vụ và những trung tâm nghiên cứu dư luận chính trị cung cấp, để qua một bên thông tin quan trọng về những người không tham gia bầu cử, đưa đến những nhận định có thể lệch lạc. Chẳng hạn về cử tri công nhân : Lý giải sự kiện FN trở thành đảng số 1 của giai cấp công nhân, nhiều nhà bình luận chính trị cho rằng cử tri công nhân có truyền thống bỏ phiếu cho cánh tả, đặc biệt cho đảng Cộng sản, giờ đây đã quay sang bỏ phiếu cho FN. Đó là quên rằng, từ thập niên 1980, khi chính quyền cánh tả của đảng Xã hội bỏ rơi giai cấp công nhân, đa số cử tri công nhân chọn lựa không tham gia bầu cử, chỉ một số ít bỏ phiếu FN. Cử tri công nhân của FN đến từ thành phần bỏ phiếu trước đây cho phái hữu và số lớn nhất đến từ những thế hệ công nhân trẻ, lớn lên trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội và không hề có truyền thống bầu cho cánh tả hay cánh hữu.[28]

Một cách khái quát hơn, có thể nói rằng lực lượng chính trị số 1 ở Pháp chính là người không đi bầu. Bỏ phiếu cho đảng FN chỉ là chọn lựa số 2. Tỷ số cử tri không đi bầu cũng như tỷ số bầu cho FN đều là những triệu chứng khủng hoảng của nền dân chủ Pháp, chúng là thước đo sự mất lòng tin của xã hội Pháp vào hệ thống chính trị của nó.


Bảng 14 : Độ tín nhiệm của xã hội Pháp đối với những định chế chính trị (% xã hội)

FN14

Trong đợt thăm dò dư luận tháng 1 2007, khí áp kế CEVIPOF đo lường tín nhiệm chính trị ghi nhận rằng 57 % người Pháp tỏ ý bất tín nhiệm đối với định chế quốc hội, 65 % đối với định chế tổng thống, 71 % đối với định chế chính phủ, 75 % đối với báo chí, 88 % đối với các chính đảng. Nhìn chung, 70 % xã hội cho rằng nền dân chủ của Pháp vận hành không tốt, chỉ có 29 % cho rằng rất tốt (2%) hay khá tốt (27%).[29]

2. Marine Le Pen phải chăng sẽ tạo bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017 ?


Những bất ngờ trong bầu cử tổng thống Pháp đã bắt đầu từ các cuộc bầu cử sơ bộ do các chính đảng hữu và tả tổ chức vào cuối năm 2016 để chỉ định ứng cử viên chính thức. Ở phía hữu, cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Người cộng hoà và đồng minh trung hữu chứng kiến cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, chủ tịch đảng Người cộng hoà, bị loại ngay từ vòng đầu. Còn ứng cử viên mà suốt hai năm qua các thăm dò dư luận nhất trí chỉ định như là người đắc cử tổng thống, cựu thủ tướng Alain Juppé bị loại ở vòng 2, để chỗ cho François Fillon, cựu thủ tướng mà vị thế ứng cử viên chỉ nổi trội trong tuần lễ sau cùng. Ông Fillon thắng cử với một cương lĩnh kinh tế - xã hội hữu khuynh chưa từng có và những cam kết cải cách triệt để mô hình xã hội Pháp theo hướng chủ nghĩa tân tự do của bà Thatcher ở Anh những năm 1980 : bãi bỏ chuẩn thời gian lao động 35 giờ / tuần ; tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi ; cắt giảm biên chế 500 000 công chức ; cắt giảm trợ cấp thất nghiệp ; thu hẹp bộ luật lao động vào những chuẩn cơ bản, xác lập ưu tiên thương lượng lao động ở cấp doanh nghiệp so với cấp ngành nghề ; giới hạn quyền thế của công đoàn trong doanh nghiệp và ngành nghề ; thu hẹp chế độ bảo hiểm y tế vào các bệnh nặng và lâu dài, mở rộng bảo hiểm tư nhân đối với những bệnh khác. Chủ trương thắt lưng buộc bụng để ra khỏi khủng hoảng kinh tế, Fillon còn đưa ra những biện pháp như cắt giảm chi tiêu công (100 tỷ euro), tăng thuế tiêu dùng TVA (thêm 2 %), đồng thời bãi bỏ thuế tài sản cho người giàu có, giảm thuế má và đóng góp xã hội cho doanh nhiệp (40 tỷ).

Ở phía tả, cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Xanh chứng kiến cựu bộ trưởng Cécile Duflot, lãnh tụ chính của đảng, bị loại ngay vòng 1, và để chỗ cho một đại diện của thiểu số, Yannick Jadot. Về phía đảng Xã hội, tổng thống đương quyền Hollande, vì đánh mất uy tín trong cũng như ngoài đảng, rút lui không tham gia cuộc tranh cử sơ bộ do đảng của ông và đồng minh trung tả tổ chức. Thay thế ông, đại diện phe đa số hữu khuynh trong đảng, thủ tướng Manuel Valls bị loại ở vòng 2, và người được chỉ định ứng cử viên chính thức là Benoit Hamon, cựu bộ trưởng, một đại diện của thiểu số đối lập tả khuynh trong đảng mà cho đến tuần lễ sau cùng không ai ngờ sẽ thắng cuộc. Bất ngờ hơn nữa là trường hợp Emmanuel Macron, một người thân cận của tổng thống Hollande được ông bổ nhiệm làm bộ trưởng kinh tế và đã từ chức chính phủ để ra ứng cử tổng thống mà không kinh qua vòng tuyển sơ bộ của đảng Xã hội, nhằm chặn đường ông Hollande và ông Valls. Chưa từng là dân cử, Macron thành lập đảng phái riêng có tên En marche (Đi tới) với lập trương nước đôi « vừa tả, vừa hữu », và vận động được một hậu thuẫn cử tri vượt xa mọi ứng cử viên đảng Xã hội tham gia tranh cử sơ bộ. Có thể nhận xét rằng cuộc bầu cử sơ bộ ở phía tả cũng như ở phía hữu đã đảo ngược mọi dự báo của các cơ quan thăm dò dư luận và đảo lộn toàn bộ quang cảnh chính trị của nước Pháp - bộc lộ cường độ bất mãn của thành phần cử tri bỏ phiếu cho các chính đảng đã thay phiên nhau nắm quyền.


Bài viết này dừng ở cuối tháng 2 2017, hai tháng trước ngày nước Pháp bầu tổng thống, vòng 1 ngày 23.4 và vòng 2 ngày 7.5. Theo kết quả thăm dò dư luận sau cùng của Ifop - Fiducial, danh sách các ứng cử viên vòng 1 có khả năng tập hợp hơn 5 % phiếu bầu gồm [30]:

- Marine Le Pen, đảng Mặt trận quốc gia FN : 26 %

- Emmanuel Macron, phong trào Đi tới - En marche : 24,5 %

- François Fillon, đảng Người cộng hoà LR và đồng minh trung hữu : 20 %

- Benoit Hamon, đảng xã hội PS và đồng minh trung tả : 13,5 %

- Jean-Luc Mélenchon, phong trào Nước Pháp bất phục tùng - La France insoumise, bao gồm đảng Cánh tả PG và đảng Cộng sản PCF : 11,5 %


Trong hai tháng từ đây đến ngày bỏ phiếu, nhiều diễn biến bất ngờ khác còn có thể xảy ra. Vả lại, hiện nay chỉ mới 60,5 % cử tri tỏ ý tham gia bầu cử và trong số đó chỉ có 58 % cho biết đã lựa chọn dứt khoát, 42 % nói còn có thể thay đổi chon lựa. Những ẩn số quan trong nhất liên quan đến hai ứng cử viên Fillon và Macron đang tranh giành nhau vào chung kết.

- Cho đến tháng 1 vừa qua, Fillon còn tập hợp 25 % phiếu ở vòng 1, tức xấp xỉ Le Pen, và đường đua vào điện Elysées dường như không thể tuột tay cánh hữu. Vào cuối tháng 1, ứng cử viên cánh hữu gặp nạn giữa đàng với vụ bê bối « Penelopegate » do báo chí tiết lộ và viện công tố điều tra.[31] Fillon mất phiếu đến 5 điểm phần trăm, tụt xuống hạng thứ ba sau Macron, tức là không thể vào chung kết cuộc đua nữa. Đảng Người cộng hoà lúng túng muốn thay ngựa giữa dòng, nhưng không xếp đặt được « kế hoạch B » khi mà Fillon nhất quyết từ chối rút lui, cho dù có bị toà án khởi tố đi nữa.

- Tuy đặt được một chân vào chung kết, Macron có nền tảng cử tri bấp bênh nhất : trong số cử tri tỏ ý bỏ phiếu cho phong trào Đi tới, hơn một phân nữa (56 %) cũng cho biết họ có thể thay đổi ý kiến (trong cử tri Fillon, tỷ số này là 31 %). Đằng sau khẩu hiệu lập lờ « vừa tả, vừa hữu », ngày càng lộ ra rằng cương lĩnh của Macron thật ra là sự nối tiếp đường lối Hollande-Valls (mà chính Macron là người chủ xướng khi ông làm cố vấn kinh tế cho tổng thống, rồi bộ trưởng kinh tế trong chính phủ) với những nét nhấn tự do chủ nghĩa rõ ràng hơn nữa. Sau khi củng cố được chỗ đứng phía trung hữu (nhờ hậu thuẫn của François Bayrou, lãnh tụ đảng phái trung Modem), vấn đề đặt ra cho Macron là giữ chân được cử tri phái tả. Ông đánh cuộc rằng phe của Hollande và Valls, một cách trực tiếp hay gián tiếp, sẽ kêu gọi phái tả « bỏ phiếu hữu ích » : tức thay vì bầu ở vòng 1 cho ứng cử viên chính thức của đảng Xã hội thì dồn phiếu cho ứng cử viên Đi tới nhằm đảm bảo cánh tả hiện diện dưới hình thức này hay hình thức khác ở vòng 2 - chí ít, tránh cho nó phải đối mặt với chọn lựa Fillon hay Le Pen.

Ba tuần trước khi thời hạn đăng ký tranh cử tổng thống kết thúc, đảng Người cộng hoà vẫn không biết có phải làm sức ép tiếp tục trên Fillon để có giải pháp thay thế hay không, Macron vẫn đợi đến lúc cuối cùng để đưa ra chương trình hành động có khả năng làm ông mất phiếu ở phía tả. Cho nên, có thể hiểu rằng một số đông cử tri vẫn chần chờ không lựa chọn hoặc chỉ chọn lựa tạm thời mà thôi. Trong điều kiện đó, khó lòng dự đoán kết quả bỏ phiếu của người Pháp cuối tháng 4 và đầu tháng 5 tới đây. Người ta chỉ có thể khảo sát các kịch bản chung kết khác nhau. Trước tiên, có thể để qua một bên kịch bản ứng cử viên Hamon vào chung kết (Hamon - Le Pen, Hamon - Macron hay Hamon - Fillon) : nó giả thiết Hamon tập hợp được toàn bộ cánh tả ở vòng 1, trong khi ngay ở trong đảng Xã hội phe khuynh hữu Hollande -Valls chỉ miễn cưỡng đứng sau ông, và một số không ít đã chọn đầu quân cho Macron. Ở ngoài đảng Xã hội, đảng Xanh chấp nhận liên minh với Hamon và rút ứng cử viên Jadot, nhưng phong trào Nước Pháp bất phục tùng từ khước mọi tập hợp với phe Hollande - Valls, Mélenchon cho biết dứt khoát không rút lui. Các kịch bản còn lại đáng khảo sát là : kịch bản 1, chung kết Le Pen - Macron ; kịch bản 2, chung kết Le Pen - Fillon ; kịch bản 3, chung kết Macron - Fillon.

Kịch bản số 3 Macron - Fillon ít có khả năng xảy ra nhất. Nó được xây dựng trên giả thuyết thành phần cử tri của FN suy sụp vì một lý do không thể tiên lượng và đến mức cả Macron lẫn Fillon đều qua mặt Le Pen ở vòng 1 - trong khi các thăm dò dư luận và nghiên cứu chính trị học đều xác nhận khối cử tri bỏ phiếu Le Pen có tính kiên định và ổn định nhất (75 % cử tri đã chọn lựa dứt khoát) so với cử tri của Fillon và nhất là của Macron. Kịch bản này còn giả thiết hiện tượng Macron tiếp tục phát triển và cử tri ở phái tả bỏ phiếu hữu ích. Trên nền tảng tập hợp cử tri phái tả với phái trung hữu, Macron có nhiều khả năng thắng cử hơn là Fillon, số đông cử trị FN chọn không đi bầu vòng 2 hơn là bỏ phiếu cho Fillon và cương lĩnh tự do chủ nghĩa triệt để của ông. Trong kịch bản này, phải nhấn mạnh rằng trở ngại chính đối với Macron không phải là thắng Fillon ở vòng 2 mà là vượt Le Pen ở vòng 1.

Kịch bản số 1 Le Pen - Macron có nhiều khả năng xảy ra nhất. Nó được xây dựng trên giả thuyết ở vòng 1 thành phần cử tri của Macron tiếp tục đà thăng tiến như trong kịch bản số 3, trong khi đó Fillon không khắc phục được hậu quả của vụ Penelopegate, và Hamon không giữ được chân cử tri cánh tả. Trong trường hợp này, đối đầu với Le Pen ở vòng chung kết, Macron hút 94 % cử tri Hamon, 42 % cử tri Fillon, và thắng cuộc với tỷ số phiếu 62 %.

Kịch bản số 2 Le Pen - Fillon là đáng quan tâm nhất do có tính bất trắc cao nhất. Nó được xây dựng trên giả thuyết thành phần cử tri của Macron suy sụp vì một diễn biến khó tiên lượng, Hamon giữ chân được phần lớn cử tri cánh tả (phe Hollande - Valls không tích cực hậu thuẫn cho phong trào Đi tới), Fillon quy tụ lại được phần lớn cử tri cánh hữu và trung hữu (sau khi khắc phục hậu quả Penelopegate). Căn cứ vào thăm dò dư luận hiện nay, những nhà bình luận chính tri cho rằng Fillon không thể thua vòng chung kết, cử tri cánh tả bắt buộc dồn phiếu cho ứng cử viên cánh hữu để chặn đường ứng cử viên FN, như đã xảy ra lần chung kết Le Pen - Chirac năm 2002. Nhắc lại là trong cuộc bầu cử tổng thống 2002, ứng cử viên FN Jean-Marie Le Pen (16,8 % phiếu) vượt ứng cử viên đảng Xã hội, thủ tướng đương nhiệm Lionel Jospin (16,1 %), ở vòng 1, và cùng với ứng cử viên cánh hữu, tổng thống đương nhiệm Jacques Chirac (19,8%), vào vòng 2 : toàn bộ đảng phái cánh tả kêu gọi hình thành « mặt trận cộng hoà » chống lại Mặt trận quốc gia của Le Pen, và Chirac đã đắc cử tổng thống với tỷ số phiếu áp đảo chưa từng có, 82,2 %.

Nhiều lý do khiến người ta nghi ngờ rằng trận chung kết Le Pen - Fillon 2017 sẽ lập lại chung kết Le Pen - Chirac 2002. Trước hết, so với Le Pen bố, Marine Le Pen xây dựng một bệ cử tri cao hơn đến 10 điểm phần trăm ở vòng 1 và tỷ số phiểu bầu cho FN ở vòng 2 vượt ngưỡng 40 % và lên đến 44 % nếu Marine Le Pen đụng mặt với Fillon.[32] Câu hỏi đặt ra là ứng cử viên FN có khả năng với tới ngưỡng đa số 50% hay, như người ta thường nói, nó đã đụng trần rồi ? Điều thứ nhất cần nêu lên ở đây là : khác với Le Pen bố, Marine Le Pen ứng cử với một cương lĩnh kinh tế - xã hội thiên tả, thậm chí còn tả hơn lập trường của Hamon và gần với lập trường của Mélenchon. Fillon ghi nhận rằng không có một mà đến « bốn cánh tả » - Mélenchon, Hamon, Macron và Le Pen - trong đó « Mélenchon là bản chính, Le Pen là bản sao chép ».[33] Điểu thứ hai cần nhấn mạnh là : về phía mình, Fillon ứng cử với một cương lĩnh kinh tế - xã hội thiên hữu cực đoan đến nỗi các phe khác trong đảng Người cộng hoà (Sarkozy, Juppé) cho rằng nó khiến cử tri cánh hữu và trung hữu lo sợ (như đề xuất cải cách chế độ bảo hiểm y tế hay tăng thuế tiêu dùng TVA).

Trong những điều kiện như vậy - tức là nếu Fillon không điều chính cương lĩnh cho ôn hoà hơn -, phản ứng của cử tri cánh tả trước chọn lựa Fillon hay Le Pen sẽ là gì ? Có thể quả quyết rằng không có sự nhất trí lập lại mặt trận cộng hoà năm 2002. Có nhiều khả năng một số đông cử tri chọn lựa không tham gia bầu cử vòng 2. Và không thể loại trừ một số không ít chọn bỏ phiếu Le Pen với ý nghĩ chặn đường Fillon và những cải cách tự do chủ nghĩa sẽ triệt tiêu mô hình xã hội Pháp. Cho đến nay, họ là cử tri từ chối bỏ phiếu FN vì hệ tư tưởng của nó bài ngoại, kỳ thị người nhập cư, phân biệt đối xử người Hồi giáo. Tuy nhiên từ nhiều năm nay, hệ tư tưởng « bản sắc chủ nghĩa » này đã thâm nhập phái hữu, và cương lĩnh tranh cử của đảng Người cộng hoà lấy lại những yêu sách truyền thống của FN (giữa Fillon và Le Pen, đề xuất nhiều khi chỉ khác nhau về mức độ), thậm chí đôi khi diễn từ còn quá khích hơn FN (như tuyên bố của Sarkozy về những bữa ăn có thịt heo trong các trường công lập). Cho nên, đối với cử tri phái tả, khác biệt cơ bản giữa ứng cử viên Le Pen và ứng cử viên Fillon không còn là yếu tố hệ tư tưởng (như năm 2002 với ứng cử viên Chirac) mà đó là chương trình hành động kinh tế-xã hội. Và, về mặt này, trong một số thành phần xã hội Pháp, có một sự lo sợ Fillon nắm quyền ngang bằng hoặc hơn cả lo sợ Le Pen chấp chính và tiến hành Frexit.

Sau bất ngờ Brexit ở Anh và bất ngờ Trump ở Mỹ, các cơ quan thăm dò dư luận đều tỏ ra thận trọng và, trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp tới, họ không loại trừ một « bất ngờ Le Pen », cho dù nó rất ít khả năng xảy ra nếu căn cứ vào kết quả thăm dò ý kiến cử tri hiện nay. Họ cũng khiêm tốn nhận rằng trong một tình huống xã hội khủng hoảng kéo dài, với những thành phần xã hội hạ lưu và trung lưu cấp dưới nổi giận vì bị bỏ rơi, « cái gì cũng có thể xảy ra ». Rào trước đón sau, họ còn nói đến « tính dễ bay hơi » của những ý định bỏ phiếu khi ngày bầu cử còn xa, « tính không thể dự kiến » chọn lựa của cử tri không tham gia bầu cử nhưng lúc cuối cùng quyết định bỏ phiếu.v.v…

Tất nhiên, ngoài Trump ở Mỹ và Poutine ở Nga, có lẽ cả thế giới thở phào tháng 5 này nếu quả Le Pen thất cử một lần nữa. Câu hỏi đặt ra sau đó là người đắc cử, Macron hoặc Fillon, có mang tới cho nước Pháp lời giải đáp vấn đề mà Le Pen chỉ là cái tên : đó là vấn đề bên thua cuộc và bị bỏ mặc trong công cuộc phát triển ở Pháp của chủ nghĩa tư bản tài chính hoá và toàn cầu hoá ; vấn đề của một hệ thống chính trị dân chủ trong đó đa số cử tri không tham gia bầu cử hay bỏ phiếu cho một đảng hằn học như FN, vì các chính đảng luân phiên nhau cầm quyền không đại diện lợi ích của họ. Một cách cụ thể, đó là các tầng lớp lao động nghèo khó, thất nghiệp hay có việc làm bấp bênh, bị bần cùng hoá hay giáng cấp trong xã hội : họ đã bị các đảng tham chính - trước hết là đảng Xã hội - bỏ rơi để bảo vệ đặc quyền của bên thắng cuộc là tầng lớp thượng lưu và trung lưu cấp trên. Nếu hết nhiệm kỳ 5 năm Macron hay Fillon mà cơ bản không có gì thay đổi, nền kinh tế vẫn không tạo nên công ăn việc làm tương đối ổn định cho người lao động, xã hội vẫn không phân phối tương đối bình đẳng giá trị tăng thêm giữa các thành viên, vấn đề Le Pen ắt sẽ đặt trở lại năm 2022. Như một ứng cử viên tổng thống ở vòng bầu cử sơ bộ có cảnh báo, « cuộc bầu cử 2017 là trạm xăng cuối cùng trước chủ nghĩa Le Pen ».[34]


Trần Hải Hạc

ngày 27 tháng 2 năm 2017



Chú thích :


[*] Phiên bản đầu tiên của bài viết này được trình bày ở Hội thảo mùa hè Praha 26-27.8 2016 dưới tựa đề « Đảng FN của Marine Le Pen trở thành lực lượng chính trị số 1 ở Pháp ? ». Văn bản trên đây cập nhật cho đến cuối tháng 2. 2017 các thông tin và nhận định về những ứng cử viên được các chính đảng cánh hữu và cánh tả chỉ định cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp tháng 4 và 5 2017.


[1] Xem bài phỏng vấn Marine Le Pen trên tạp chí Foreign Affairs, 17.10 2016, France’s next revolution? A conversation with Marine Le Pen.

[2] AFP, 18.1 2017

[3] Nguyễn Quang, Đảng FN : lời cảnh báo (miễn phí) lần chót, Diễn Đàn, tháng 1. 2016, https://www.diendan.org/the-gioi/fn-loi-canh-bao-mien-phi-lan-chot

[4] IPSOS, 6.12 2015 và số liệu điều chỉnh của bộ nội vụ, Ministère de l’intérieur, 7.12 2015.

[5] Ministère de l’intérieur - Wikipedia, Front national.

[6] « Chủ nghĩa tân tự do » là phiên bản đổi mới của chủ nghĩa tự do mà luận điểm cổ điển cho rằng nền kinh tế thị trường có thuộc tính tự điều chỉnh và chỉ cần có tự do cá thể để tồn tại (« bàn tay vô hinh »). Học thuyết tân tự do xuất hiện từ trước thế chiến thứ hai, với các trường phái Áo (Hayek) và Chicago (Friedman), nhằm chống lại học thuyết Keynes cho rằng chủ nghĩa tư bản đòi hỏi nhà nước phải điều tiết (« nhà nước phúc lợi » đã phát triển sau thế chiến thứ hai). Chủ nghĩa tân tư do chủ trương phi qui định hoá nền kinh tế thị trường (trước tiên là thị trường lao động), thu hẹp chức năng của nhà nước ở mức tối thiểu (quốc phòng, tư pháp), để cho thị trường chi phối không những hoạt động kinh tế mà tất cả các quan hệ xã hội. Các chính sách tân tự do (giảm chi phí công, giảm thuế và đóng góp xã hội ; tư nhân hoá các dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục) đã thắng thế từ đầu thập niên 1980 khi Margaret Thatcher ở Anh và Ronald Reagan ở Mỹ chấp chính, rồi được các định chế tài chính quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và Ngân hàng thế giới WB áp đặt cho thế giới (« đồng thuận Washington »).

[7] « Mô hinh xã hội Pháp » chỉ hệ thống các định chế bảo hộ xã hội được nước Pháp xây dựng trong thời kỳ 30 năm sau thế chiến thứ hai (« 30 năm vinh quang »). Ngoài các chế độ bảo hiểm y tế, thất nghiệp, nghỉ hưu, bảo hộ gia đình, người già, người tàn tật, trợ cấp thu nhập tối thiểu…, nó còn bao gồm các chế độ lao động : các qui định về thời gian lao động chuẩn, tiền lương tối thiểu, hợp đồng lao động không thời hạn, quy chế công chức, quyền hạn công đoạn… cũng như ưu thế của thương lượng giữa công đoàn và hiệp hội chủ nhân ở cấp ngành nghề so với cấp doanh nghiệp. Mô hình xã hội Pháp xuất phát từ cương lĩnh của Hội đồng dân tộc kháng chiến năm 1944, và thể hiện thoả hiệp lich sử giữa hai lực lượng kháng chiến lớn là tập hợp của tướng De Gaulle ở phía hữu và đảng cộng sản Pháp ở phía tả.

[8] INSEE, Le produit intérieur brut de la France et ses composantes en volume, 2015.

[9] INSEE, 15.12 2016.

[10] Le Figaro, Comment lire les chiffres de Pôle emploi sur le chômage, 26.4 2016.

[11] Centre d’observation de la société, L’étendue de la précarité en France, 2015.

[12] Le Monde, 26.12 2016, Nouvelle baisse du chômage en France. 

[13] Alternatives Economique, số 363 tháng 12 2016, Le dessous des chiffres.

[14] Observatoire des inégalités, 15.12 2016, Les écarts de revenus entre les pauvres et les riches continuent d’augmenter.

[15] Alternatives Economiques, số đặc biệt 102, 10. 2014, Les pauvrent décrochent.

[16] OECD, Tous concernés. Pourquoi moins d’inégalités profite à tous, tháng 5 2015.

[17] Theo điều tra dư luận IFOP 2013 về cảm nhận giáng cấp trong xã hội Pháp : 56 % người Pháp cho rằng cuộc sống của họ thua cuộc sống của thế hệ cha mẹ họ ; 50 % cho rằng cuộc sống của họ trong 10 năm nữa sẽ thua cuộc sống hiện nay của họ ; 62 % cho rằng cuộc sống của con cái họ sẽ thua cuộc sống hiện nay của họ. IFOP, 1. 2013, Enquête sur le déclassement social et l’auto-positionnement dans la société.

[18] Khi nói đến đảng cầm quyền là nói đến ban lãnh đạo của nó, tức khuynh hướng đa số của đảng. Bởi trong mỗi đảng, đặc biệt là đảng Xã hội, có thiểu số phê phán chính sách tân tự do nhân danh mô hình xã hội Pháp. Ngoài ra, có những đảng thuộc cánh tả từ chối tham gia chính quyền (hay đã ra khỏi chính quyền) của đảng Xã hội vì họ chống chính sách tân tự do và bảo vệ mô hình xã hội Pháp, như là đảng Cộng sản (PCF), đảng Cánh tả (PG), đảng Chống chủ nghĩa tư bản (NPA), đảng Đấu tranh của công nhân (LO) hay đảng Xanh (Les Verts). Trong lần bầu cử quốc gia sau cùng, các đàng này tập hợp 12 % phiếu (bầu cử hội đồng vùng 2015, vòng 1)

[19] Ouest France, 8.12 2015, Régionales : quel est le portrait robot de l’électeur du Front National.

[20] BFM TV, 7.12 2015, Régionales qui sont les électeurs du FN - Le Figaro, 25.5 2015, Ces électeurs qui ont fait du FN le premier parti de France - Centre d’observation de la société, 10.11 2015, L’étendue de la précarité en France. Theo điều tra dư luận Cévipof cuối năm 2016 về chọn lựa bầu cử tổng thống Pháp 2017 : trong tầng lớp xã hội sống khó khăn, 44 % cử tri tỏ ý bỏ phiếu cho Marine Le Pen (ứng cử viên đảng FN) và 5 % cho thủ tướng Manuel Valls (ứng cử viên đảng Xã hội) ; trong giới lao động bấp bênh, 34 % cử tri có ý bầu cho Le Pen và 6,7 % cho Valls. (Le Monde, 29.1 2017)

[21] Front National, 144 engagements présidentiels de Marine Le Pen 2017.

[22] Le Monde, 13.2.2015, Régionales 2015 : pour Marine Le Pen, le clivage politique sépare désormais mondialistes et patriotes.

[23] Régis Mayran, Valéry Raspus, Les pièges de l’identité culturelle (Berg International 2004).

[24] Nếu bầu vòng 1 mà không có ứng cử viên đạt đa số phiếu tuyệt đối (tính trên tổng số phiếu bầu hợp lệ) thì mới có vòng 2. Chỉ có những ứng cử viên vòng 1 đạt mức 12,5 % phiếu (tính trên tổng số cử tri) mới được tham gia vòng 2, và ứng cử viên đắc cử là người đạt đa số tương đối. Riêng trong bầu cử tổng thống, chỉ có hai ứng cử viên về đầu ở vòng 1 mới được tham gia vòng 2, cho nên ứng cử viên đắc cử có đa số tuyệt đối.

[25] Le Monde ,11.12 2015, Elections régionales : quelles solutions pour contrer l’abstention.

[26] AFP, 6.12 2015.

[27] France tv info, 7.12 2015, Elections régionales : qui sont les abstentionnistes ?

[28] Theo cuộc thăm do dư luận tháng 1.2017 của CEVIPOF, 42 % cử tri công nhân cho biết sẽ không tham gia bầu cử tổng thống sắp tới, 25 % có ý định bỏ phiếu cho Marine Le Pen (đảng FN), 10% cho Emmanuel Macron (phong trào Đi tới), 8% cho Jean-Luc Melenchon (phong trào Nước Pháp bất phục tùng), 7% cho Benoit Hamon (đảng Xã hội).

[29] CEVIPOF, Baromètre de la confiance politique, tháng 1 2017.

[30] IFOP - Fiducial, Rolling 2017, L’élection présidentielle en temps réel, 27.2 2017.

[31] « Penelopegate » chỉ những vụ bê bối do báo chí phanh phui, theo đó François Fillon đã sử dụng công quỹ Quốc hội (khoảng 1 triệu euro) để thù lao vợ và con làm việc trợ lý, nhưng bị tình nghi là việc làm « giả ». Việc đại biểu quốc hội thuê vợ con làm trợ lý, tự nó, không phạm luật, và viện công tố chỉ điều tra xem việc làm có thật hay không. Ngoài ra, báo chí còn phát hiện Penelope Fillon đã nhận thù lao (100 000 euro) của tập đoàn Fimalac (mà chủ nhân Lacharriere là bạn thân cận chồng bà) cho một việc làm cố vấn văn học cũng bị tình nghi là « giả ». Ông Fillon thì đã nhận thù lào (200 000 euro) của tập đoàn bảo hiểm Axa (mà chủ tịch tổng giám đốc De Castries vừa là bạn vừa là cố vấn của ông trong cuộc tranh cử tổng thống hiện nay) cho một công việc tư vấn pháp lý có thể gây mâu thuẫn về lợi ích (giữa lợi ích chung mà Fillon bảo vệ với tư cách đại biểu quốc hội và lợi ích riêng của ông khi nhận tiền công từ tập đoàn Axa). Trong tất cả vụ bê bối này, vấn đề nêu lên không phải là Fillon phạm luật mà là ông lợi dụng mọi khe hở của luật để tư lợi, tức là vấn đề đạo đức chính trị của ứng cử viên tổng thống.

[32] Điều tra IFOP, France TV Info, 19.2 2017, Marine Le Pen peut-elle gagner l’élection présidentielle ?

[33] François Fillon, JDD, 29.1 2017, Penelopegate, meeting, Macron... : ce qu'il faut retenir de l'interview de Fillon au JDD.

[34] Tuyên bố của Arnaud Montebourg (đảng Xã hội), RTL, 19.1 2017, Primaire de la gauche : revivez le troisième débat.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss