Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Bầu cử tổng thống Pháp : Chờ y "xéo"

Bầu cử tổng thống Pháp : Chờ y "xéo"

- Nguyễn Quang — published 30/04/2012 14:04, cập nhật lần cuối 30/04/2012 14:48
Giữa hai vòng phiếu



Giữa hai vòng phiếu

 

TRONG KHI CHỜ ĐỢI Y « XÉO »…

 

Nguyễn Quang



  

Hollande  28,63%, Sarkozy 27,06%. Trong suốt lịch sử nền đệ ngũ cộng hòa Pháp (từ 1958 đến nay), chưa bao giờ tổng thống mãn nhiệm phải đứng hạng nhì trong cuộc bỏ phiếu vòng đầu. Và các cuộc thăm dò ý kiến cử tri vừa ra khỏi phòng phiếu đầu (ngày chủ nhật 22.4.2012 vừa qua) đều cho thấy : ở vòng hai, Sarkozy sẽ thất cử với tỉ số 46%-54%. Phải chăng ván bài đã ngã ngũ rồi ? Bỏ qua những miếng võ mồm trước ngày bỏ phiếu vòng hai (chủ nhật 6.5.2012), chủ yếu là để tranh thủ cử tri, ta hãy thử phân tích tương quan thế lực đôi bên. Đứng về mặt thuần túy số học, thì vị thế của Sarkozy, nói cho cùng, cũng không đến nỗi nào. Mặc dầu cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn tiếp tục, kèm theo là cuộc khủng hoảng lòng tin, và trong bối cảnh chung ở Châu Âu là các nguyên thủ mãn nhiệm đều bị cho về vườn, mà tổng thống ứng cử viên chỉ thua đối thủ Đảng xã hội có 500 000 lá phiếu. Hơn nữa, đem cộng lại tất cả số phiếu của phái hữu, cực hữu, các phái hữu linh tinh và phe « chủ quyền dân tộc », thì báo Le Figaro và tổng thư kí đảng UMP đi tới con số 45% cử tri, trong khi tổng cộng các ứng viên phái tả và phe bảo vệ môi trường chỉ được 44%. Phải chăng như vậy là lại bắt đầu một cuộc tranh cử mới, nói theo văn bia của phe Sarkozy ? Chúng tôi không nghĩ như vậy, vì nhiều lẽ :

* bầu cử không phải là một khoa học chính xác, song kinh nghiệm tất cả các cuộc bầu cử tổng thống từ trước đến nay đều cho thấy vòng đầu bao giờ cũng quy định kết quả vòng hai. Năm 2007 chẳng hạn, với số phiếu vòng đầu nhiều hơn đối thủ (Ségolène Royal) 5% và kết quả thăm dò dư luận 52% phiếu bầu vòng hai, chính Sarkozy cũng đã cho rằng mọi sự đã an bài ở nửa chừng cuộc chơi. Có người sẽ phản biện là lần này khoảng cách ở vòng đầu nhỏ hơn nhiều, còn khoảng cách ở vòng hai chỉ là kết quả cuộc thăm dò ý định. Đúng thế. Người ta vẫn thường nói mỗi cuộc thăm dò ý kiến chỉ là bức ảnh tức thời của một tình hình đang diễn biến, nhưng một khi cả trăm cuộc thăm dò trải dài trong mấy tháng đều cho cùng một kết quả, thì đó không còn là tấm ảnh « mì ăn liền » nữa rồi, mà là một bức tranh đứng vững với thời gian. Các con số vòng đầu có thể lên xuống theo diễn trình của cuộc vận động tranh cử, nhưng Sarkozy vẫn không tài nào « bứt » khỏi Hollande, nói theo ngôn ngữ chạy đua xe đạp quen thuộc với tổng thống Pháp. Và sang vòng nhì, các cuộc thăm dò đều cho thấy ông ta bị tụt hậu từ 6 đến 8 điểm bách phân. Cuối năm 2011, ông ta đã phải thừa nhận là mình sẽ thất cử nếu tình huống này xảy ra trong mùa xuân 2012. Chính điều đó giải thích tại sao trong cuộc tranh cử, Sarkozy đã « lệch hướng » sang phía hữu. Đó không phải là « lệch hướng » mà là định hướng chiến lược với chủ tâm là săn lùng trên mảnh đất của chủ nghĩa mị dân khuynh hữu những lá phiếu mà ông ta không kiếm được ở cử tri trung phái. Với cá tính con người ấy, có thể nghĩ rằng đây không phải là sự tùy hứng, mà là một chiến lược đã được tính toán kỹ càng, bám vào những vấn đề của đời sống xã hội – nạn thất nghiệp, nghèo khó, tình trạng mất an ninh – để nêu lên những đề tài phân tuyến, đánh vào nỗi lo sợ (khủng hoảng, du đãng, khủng bố), xui nguyên giục bị giữa các thành phần xã hội và ngành nghề (người lao động chống lại người về hưu, thương gia chống giới công chức, công đoàn chống giới chủ nhân), tố giác toàn bộ một số bộ phận xã hội (người thất nghiệp bị coi là những kẻ lợi dụng, người hưởng trợ cấp xã hội bị coi là một thứ ung thư, người nhập cư bị vơ đũa cả nắm thành những tội nhân, người Hồi giáo bị chụp mũ khủng bố). Sự chuyển hướng vận động tranh cử ấy, Sarkozy đã sửa soạn từ mấy năm về trước, thí dụ như trong bài diễn văn bỉ ổi tại Grenoble hồi tháng bảy 2010 : lợi dụng một sự cố (cuộc nổi loạn của du dân sau khi một người trong họ bị chết trong một cuộc kiểm tra trên đường), Sarkozy đã đấu tố cộng đồng người Rom nói chung, đặt ra một phạm trù mới toanh gọi là « những công dân gốc gác nước ngoài » sẽ bị tước bỏ quốc tịch Pháp nếu phạm tội giết chết một đại diện công quyền. Phải ngược dòng lịch sử, tới những giờ phút đen tối của chính quyền Pétain ở Vichy mới thấy nhà cầm quyền chóp bu của bộ máy nhà nước lên án trọn gói toàn bộ những cộng đồng dân cư. Mục đích không che đậy của Sarkozy, thậm chí « cơ may cuối cùng » của phe cánh này (theo lối nói của chính họ) là về thứ nhất ngay trong vòng đầu, để hi vọng lấy đà đạt thắng lợi ở vòng hai, đảo ngược dự kiến của các cuộc thăm dò ý kiến cử tri. Nhờ định hướng « quay ngoặt sang phía hữu », đao to búa lớn hô hào những « giá trị » và « bản sắc dân tộc », và lợi dụng vụ giết người khủng bố ở Montauban và Toulouse, Sarkozy đã liên tiếp nhích lên mấy điểm khiến cho đối phương bắt đầu lo ngại. Nhưng do lối tuyên truyền tranh cử thiếu chuyên nghiệp, zic-zac xoành xoạch, mâu thuẫn lộ liễu, và đưa ra những đề nghị hoàn toàn vô bổ, nói ít ai tin nổi, nên sau cao điểm động dung, đâu lại hoàn đấy – nói theo ngôn ngữ của các chuyên gia thăm dò dư luận, hai biểu đồ (tín nhiệm của ứng cử viên) không giao nhau nữa.

muabung

Cha con Le Pen xem Sarkozy múa bụng : "Múa Ả rập kiểu gì vậy ?" (biếm họa của Cabu, báo Canard enchaîné)

* cho nên, thắng lợi của François Hollande ở vòng đầu cuộc bầu cử thể hiện sự thất bại của chiến lược Sarkozy hơn là sự thăng tiến tự thân của ứng cử viên Đảng xã hội. Với tỉ lệ phiếu 27%, tổng thống đương nhiệm đã mất đi 4 điểm so với kết quả vòng đầu năm 2007, và có lẽ ông đã cạn kiệt vốn phiếu phái hữu. Đảng cầm quyền UMP trước đó đã thôn tính phái trung hữu (đảng UDF cũ của cựu tổng thống Giscard d’Estaing). Còn cử tri phái « chính trung » của François Bayrou thì thông thường ở vòng hai sẽ chia đều ba phần (1/3 bỏ phiếu cho phái hữu, 1/3 phái tả, 1/3 không đi bầu). Vả lại, với tỉ số 9,10%, ông Bayrou không còn vai trò « chọn vua » nữa. Vai trò ấy đã vào tay đảng Mặt trận quốc gia (FN) của Marine Le Pen, với tỉ số phiếu kỉ lục 18%. Thành công của đảng FN ở Pháp nằm trong một trào lưu chung ở Châu Âu. Các cuộc khủng hoảng liên tiếp khiến cho các đảng « dân túy » ngày càng được dân mê : tại Bắc Âu (19% ở Phần Lan, 23% ở Na Uy, 14% ở Đan Mạch, 15,5% ở Hà Lan), tại Áo (30%), Thụy Sĩ, Bắc Ý…  Thương hiệu của các đảng này tóm tắt vào vài ba khẩu hiệu đơn giản nhưng lôi cuốn, và Sarkozy đã không ngần ngại chôm chĩa : « nhân dân » chống lại « giới ưu tú », bác bỏ « chủ nghĩa tứ xứ » (cosmopolitisme) và cuộc « Âu Châu hóa » ; tố cáo sự nhập cư không kiểm soát, tố cáo chính sách « đa văn hóa », tố cáo Hồi giáo… Dominique Reynié, một chuyên gia của Fondapol (Quỹ nghiên cứu canh tân chính trị), đã phân tích vi tế hơn, vạch rõ « chủ nghĩa dân túy di sản thao diễn hai hình thái bảo thủ phản động : một mặt nó hô hào bảo vệ những quyền lợi vật thể như mức sống, công ăn việc làm, mặt khác nó hô hào bảo vệ di sản phi vật thể, nghĩa là gìn giữ một nếp sống nhất định đang bị dòng nhập cư và cuộc toàn cầu hóa đe dọa ». Trong các đảng nói trên, đảng FPO ở Áo và đảng FN ở Pháp có đặc điểm chung là chúng bắt rễ từ xu hướng cực hữu, với những quy chiếu mặc nhiên hay hiển ngôn của các tổ chức cực hữu những năm 1930, với xu hướng bài Do Thái. Ở Pháp, khối cử tri bỏ phiếu cho Le Pen không thuần nhất, bên cạnh hạt nhân cực hữu cổ truyền là những cử tri mới, những nạn nhân « vô hình » của cuộc khủng hoảng (tiểu công thương, nông dân, người thất nghiệp), những người cảm thấy bị chính giới bỏ quên. Điều tra đầu tiên của viện TNS-Sofres (ngày 24 tháng tư) cho thấy ở vòng hai, 29% cử tri của FN sẽ không đi bầu, 45% sẽ bỏ phiếu cho Sarkozy và 26% cho Hollande. Việc hai ứng cử viên lọt vào vòng hai tìm cách tranh giành số phiếu này cũng là điều bình thường. Nhưng trong khi Hollande cố gắng thuyết phục mà không từ bỏ những giá trị và những lời cam kết của mình (và ông vẫn dũng cảm duy trì đề nghị người nước ngoài được quyền tham gia bầu cử ở cấp thị xã), thì tổng thống Sarkozy lại chép nguyên xi ngôn từ của đảng FN, phá vỡ « vành đai y tế » bao quanh phái cực hữu mà ông Jacques Chirac đã đặt ra cách đây 15 năm (trong cuộc bầu cử chính quyền vùng mới đây, Sarkozy đã từ chối, không thực hiện chủ trương « mặt trận cộng hòa » chống lại FN – « mặt trận cộng hòa » có nghĩa là ở vòng hai, nếu phải chọn giữa một ứng viên FN và một ứng viên phái hữu/tả (tôn trọng các nguyên tắc của chính thể cộng hòa), thì phái tả hay phái hữu đều kêu gọi cử tri của mình dồn phiếu cho ứng viên « cộng hòa »). Song, màn múa bụng vô luân này của Sarkozy cũng không thế nào lay chuyển được một thực tế, không chỉ là một thực tế số liệu thống kê, mà còn là một thực tế chính trị hiển nhiên : vì quyền lợi của mình, lãnh đạo FN sẽ tìm mọi cách làm cho Sarkozy thất cử trong cuộc bầu tổng thống, tiếp đó là làm cho đảng UMP thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội (tháng 6.2012), làm cho phái hữu phải « sập tiệm » để FN hưng phát trên hoang tàn của nó. Về phía phái tả, các chính đảng và đoàn thể đã tỏ rõ tinh thần đoàn kết và quyết tâm đáng nể (gần 90% cử tri của họ có ý định dồn phiếu cho Hollande). Thành thử, trừ phi có động đất từ nay đến chủ nhật, người ta có thể tin rằng ngày 6 tháng năm 2012, nước Pháp sẽ thay đổi chính quyền.

Nguyễn Quang

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss