BREXIT : Li dị kiểu Ănglê
BREXIT
Li dị kiểu Ăng Lê
Nguyễn Quang
Nên định tính quyết định nhổ neo của Vương quốc Anh như thế nào ? 51,9% bỏ phiếu « leave » (bỏ đi), 48,1% bỏ phiếu « remain » (ở lại). Về kĩ thuật mà nói, đây không phải là li khai, mà là li dị, bởi vì điều 50 Hiệp định Lisboa năm 2000 cũng đã tiên liệu « khoản rút ra » – mặc dầu khởi thuỷ điều này chỉ nhằm cho phép một nước thành viên không tham gia quân đội Âu Châu (nếu được thành lập). Thôi thì ta cứ gọi nó là brexit, một danh từ tân tạo mà có lẽ những giáo trình lịch sử trong tương lai sẽ dùng để chỉ định sự kiện chính trị quan trọng nhất sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, « một lát cắt đối với châu Âu và quá trình thống nhất của nó » (lời của thủ tướng Đức Angela Merkel). Thế là ngày 28 tháng sáu 2016, quý ngài Anh, một lần nữa, lại nổ súng trước. Chỉ khác là lần này, họ là người đầu tiên trúng đạn.
Chọn giữa Châu Âu và « xa khơi »
Đối với những người sống ngoài Châu Âu cũng như đối với các thế hệ trẻ không chắc nắm rõ lịch sử gần đây của một lục địa bị chia năm xẻ bảy, có lẽ cũng nên nhắc sơ qua : sau « ngày tận thế », trên hoang tàn của hai cuộc Thế chiến, các « người cha của Châu Âu » đã ấp ủ ý tưởng Châu Âu tự thân liên kết về chính trị - kinh tế, phương cách duy nhất để những cuồng điên quốc gia chủ nghĩa không thể quay trở lại. Quá trình xây dựng đã diễn ra theo từng giai đoạn : trước tiên là Cộng đồng than và thép, do 5 nước thành lập để tái thiết nền công nghiệp ; tiếp đó là Cộng đồng kinh tế Châu Âu (CEE, còn gọi bằng cái tên quen thuộc là Thị trường Chung) thành lập năm 1957 thông qua Hiệp định Roma ; rồi Không gian Schengen thiết lập sự tự do đi lại, quy định bởi các hiệp ước Schengen (Luxembourg) 1985 và 1990 ; rồi Liên hiệp Châu Âu (EU) do Hiệp ước Maastricht năm 1992 thành lập, được củng cố bằng sự ra đời của đồng tiền Euro năm 1999. Tiến trình này bị khựng lại năm 2005 khi dự án Hiến pháp cho một Châu Âu chính trị bị bác bỏ ; ngày nay với vụ brexit nó dường như bị đẩy lùi. Dù đã gặp những rủi ro, mắc phải những sai lầm (như trong Nghị định thư duy nhất 1986, hay Hiệp định Lisboa năm 2005), dù đã lún xuống do những cuộc khủng hoảng liên tiếp trong mười năm qua, nhìn lại toàn bộ quá trình, người ta phải thừa nhận sức mạnh của giấc mơ « không tưởng » và nỗ lực thực hiện kiên trì : trên phân nửa phía tây của một châu lục bị chiến tranh tàn phá, hơn một nửa thế kỉ hoà bình và phồn thịnh đã dẫn tới sự thành lập một cộng đồng 28 (nay còn 27) quốc gia, đứng đầu về kinh tế và thương mại quốc tế, và nhất là một tổng hoà có một không hai về dân chủ, văn hoá và nhân văn (bất kể những khiếm khuyết đương nhiên của nó). Có cần nhắc lại, năm 2012 UE đã được trao giải Nobel hoà bình vì « góp phần vào sự phát huy hoà bình, hoà giải, dân chủ và các quyền con người ở châu Âu » ?
Người ta không thể hiểu được mối quan hệ phức tạp giữa Vương quốc Anh và lục địa nếu không xét tới tính chất « cô đảo » mà chính người Anh vẫn phô trương. Đây không nói tới những đặc tính dân tộc của người Anh, mà là tâm trạng tự tôn của một dân tộc đảo quốc từ mười thế kỉ nay (từ thời William đệ nhất) đất nước chưa hề bị xâm chiếm. Không phải ngẫu nhiên mà, trong cuộc tranh cử, cựu đô trưởng London, anh chàng Boris Johnson tóc vàng óng thuốc nhuộm, một trong những thủ lĩnh của phe brexit, đã dám so sánh dự án hội nhập châu Âu với « mưu đồ bá chủ » của Napolén hay Hitler. Đối với người Anh, mùa hè năm 1940 đen tối, khi nước Anh là thành luỹ dân chủ cuối cùng chống lại chủ nghĩa nazi, mãi mãi vẫn là « những giờ phút kiêu hùng nhất ». Người ta hiểu tại sao sau ngày toàn thắng chế độ phát xít, nước Anh « cô đảo hơn bao giờ hết » đã khinh thị ý tưởng thành lập một « Hiệp chúng quốc Âu châu » và chọn « tiếng gọi của xa khơi », tức là chọn « quan hệ đặc biệt » với Hoa Kỳ, cùng chung ngôn ngữ và quyền lợi.
Mười lăm năm sau, sư tử già bỗng bừng con mắt dậy, thấy mình toàn thắng mà kiệt quệ, thu mình trong một khối « Thịnh vượng chung » đồ dỏm, trở thành một « quốc gia đau ốm », bị gạt ra lề đường, lẽo đẽo đằng sau một Châu Âu thăng tiến của « Ba mươi năm vinh quang ». Từ lúc xin gia nhập (thời thủ tướng Macmillan, 1961) đến khi được gia nhập Thị trường Chung (Heath, 1973), nước Anh phải đợi mười hai năm trời, chủ yếu là do nước Pháp của tướng De Gaulle hai lần dùng quyền phủ quyết. Phải chăng đó là sự trả thù của « bọn ăn thịt ếch nhái » ? Cũng có thể, nhưng phải thừa nhận là nhà lãnh đạo Pháp rất sáng suốt trong sự phân tích : « Ngăn chận Cộng đồng ra đời không được, bây giờ người Anh toan tính làm cho nó tê liệt từ bên trong (…). Thực ra mà nói, do vị trí địa lí của mình, nước Anh không bao giờ muốn lục địa thống nhất, và đồng thời bản thân họ không muốn hợp nhất với lục địa. Thậm chí có thể nói lịch sử Châu Âu từ tám thế kỉ nay tựu trung là như thế ».
Đứng về mặt thực tiễn (không cần xét tới những tính toán ma quái có thể của Vương quốc Anh), đó là bản tóm tắt chính xác quá trình tham gia Cộng đồng châu Âu của nước Anh, từ ban đầu cho đến ngày brexit : chân trong chân ngoài. Chân trong để tận dụng mọi lợi quyền, chân ngoài để tránh né mọi nghĩa vụ. Chân trong để nhận các khoản trợ cấp của Bruxelles, lợi dụng thị trường nội địa (tự do lưu thông hàng hoá, dịch vụ và vốn, tự do cạnh tranh), tác động vào chính sách ngoại giao của Châu Âu (luôn luôn hướng ra « xa khơi »)… Chân ngoài để từ chối mọi ràng buộc đã ghi rõ trong các nguyên tắc của Cộng đồng : quyền tự do đi lại của con người, phát huy sự nhất quán về kinh tế, xã hội và lãnh thổ, sự liên đới giữa các quốc gia thành viên… Và cứ như thế, Vương quốc Anh đứng ngoài khối Euro, đứng ngoài Liên hiệp Ngân hàng, đứng ngoài không gian Schengen, không chấp nhận chính sách nhập cư và tị nạn, an ninh nội trị, quốc phòng… Gần tới ngày trưng cầu dân ý, David Cameron còn đòi cho bằng được Hội đồng Âu châu chấp nhận để Vương quốc Anh không đi thêm một bước nào nữa trong sự hội nhập chính trị, thậm chí còn phân biệt đối xử với công dân các nước khác trong các khoản trợ cấp xã hội (tháng hai 2016). Đủ loại biệt lệ, miễn trừ, quy chế đặc biệt, miễn trừ đặc cách, không hiểu Anh còn có thể đòi hỏi gì thêm nữa để Liên hiệp Châu Âu vinh dự được Anh tiếp tục ở chung dưới một mái nhà. Thật ra, những người ở chung nhà lại không có chung quan niệm về ngôi nhà chung. Năm 1973, khi hai phần ba người Anh bỏ phiếu gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu (CEE), họ tưởng sẽ tham gia một thứ câu lạc bộ tự do mậu dịch (nếu không nói nhảm là câu lạc bộ trao đổi đối tác tính dục), trong khi mà ngày nay Liên hiệp Châu Âu muốn thực hiện một dự phóng chính trị có mục đích lấn sang chủ quyền quốc gia của các nước thành viên. Ít nhất đó là luận điểm chủ chốt của phe "leave".
Thương gia và chủ tiệm
Bảo rằng UE ngày nay còn ôm ấp một dự phóng chính trị thì quả là cường điệu. Nhưng chuyện tự do mậu dịch thì những người chủ trương brexit có lí. Không biết chính xác từ bao giờ, ý tưởng Châu Âu của các dân tộc đã phải nhường bước cho Châu Âu của hàng hoá, nhưng riêng về quan hệ giữa Vương quốc Anh và Châu Âu, có thể ghi nhớ mấy cái mốc ngày tháng : chủ nghĩa liberal cực đoan với con ngựa thành Troie là nước Anh của thủ tướng Thatcher (1979) ; Nghị định thư duy nhất của Châu Âu quy định tự do di chuyển tư bản là một trong bốn “quyền tự do cơ bản” của Cộng đồng bên cạnh các quyền tự do lưu thông của cải, dịch vụ và con người (1986, xem trên) ; Hiệp định Lisboa (2009) đưa một bản ghi nhớ thoả thuận vào phụ lục Hiến chương các quyền cơ bản của Liên hiệp Châu Âu, theo đó Vương quốc Anh không bị ràng buộc bởi Hiến chương này. Và từ ấy, hàng năm đóng góp một số âm (– 5 tỉ € năm 2014, tức là 0,23 % GDP) vào ngân sách của Liên hiệp Châu Âu, « quốc gia của những chủ tiệm » (nói theo ngôn ngữ hơi cường điệu của Napoléon) tiếp tục làm ăn phát đạt trong một Châu Âu thương gia. Và cứ như thế, City đã trở thành trung tâm tài chính số 1 của thế giới (400 000 traders, 7 500 tỉ € giao dịch bình quân mỗi năm).
Tài chính là khu vực chủ yếu làm nên sự giàu có của Vương quốc Anh, vậy chúng ta hãy điểm lại những lợi quyền mà quốc gia này được hưởng trong khối Liên hiệp Châu Âu (và ra khỏi Liên hiệp Châu Âu, nó sẽ mất đi). Các ngân hàng Anh – Saxon, không chỉ riêng các ngân hàng Anh mà cả những chi nhánh những ngân hàng Mỹ đặt tại London, được cấp một cái « hộ chiếu » cho phép chúng bán cho 500 triệu người tiêu dùng ở Liên hiệp Châu Âu những sản phẩm tài chính do City chế tạo, cho phép chúng triển khai trên Âu lục những hoạt động đầu tư, tài trợ và ‘bồi dưỡng’ (1). Không còn « hộ chiếu », chúng sẽ phải chuyển trụ sở vào vùng Euro để tiếp tục các hoạt động này. Việc « dọn nhà » sẽ rất tốn kém : không những về công ăn việc làm ở trung tâm tài chính (1000 chỗ làm ở ngân hàng HSBC, 4000 ở JP Morgan…) mà còn tác động tới sự vận hành, vì luật lệ ở lục địa không lỏng lẻo như ở Anh, nhất là về mặt bảo hành. Ngoài ngân hàng ra, còn có các công ti bảo hiểm, các « fintechs » (công ti chuyên quản tiền tệ và trang trải bằng điện tử), công ti môi giới, công ti quản lí danh mục chứng khoán, quỹ đầu tư, tất cả các loại công ti này sẽ phải lập chi nhánh (chứ không thể đơn thuần mở hộp thư) ở lục địa để có thể tiếp tục hoạt động, và từ nay phải tuân thủ luật lệ của lục địa. Điều này giải thích tại sao ngày hôm sau brexit, nạn nhân đầu tiên ở thị trường chứng khoán là các trị giá tài chính. Ngay bây giờ, các thị trường chứng khoán Paris và Frankfurt đã chuẩn bị thay thế City, và nước Luxembourg nhỏ bé đã moi ra một chỉ thị ban hành từ một nửa thế kỉ để đòi chuyển Cơ quan công quyền ngân hàng Châu Âu từ London về Luxembourg. Điều đáng ngạc nhiên ở một nước nổi tiếng là « chủ tiệm » mà những luận điểm kinh tế chống lại brexit (hoạt động bị chậm lại, mậu dịch giảm sút, đầu tư nước ngoài bớt đi, quỹ hưu bổng mất giá…) dường như không có tác dụng. Cũng phải nói là cả phe chống lẫn phe ủng hộ brexit đều sử dụng và lạm dụng những số liệu vô căn cứ theo chiều thuận và chiều nghịch. Điều chắc chắn là ngay hôm sau ngày 23 tháng sáu, thị trường chứng khoán đã tụt dốc, đồng bảng Anh xuống tới mức thấp nhất từ ba mươi năm nay, cả các công ti chấm điểm (bất kể ta nghĩ sao về những công ti này) đã hạ chỉ số AAA của Anh xuống hai bậc.
Nhân ở trên đã nói tới Luxembourg và quy tắc bảo hành (mọi người còn nhớ tới vụ « Lux Leaks » và, gần đây, « Panama Papers »), tưởng cũng nên nhắc lại một sự thật ít ai biết : London không chỉ là thị trường chứng khoán số 1 toàn cầu, mà còn là thủ đô tiền bẩn của thế giới. Công đoạn rửa tiền ở đây được tiến hành kín đáo nhờ sự phá bỏ luật lệ bắt nguồn từ Nghị định thư duy nhất năm 1986 về tự do giao lưu tư bản. Trung tâm chứng khoán City nằm ở chính giữa một cái mạng nhện bao gồm 14 lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh (quần đảo Antilles thuộc Anh, Bermudes, Caiman…), 3 đảo phụ thuộc (Jersey, Guernesey, Man), nên nghiễm nhiên trở thành tủ sắt giữ tiền chung cuộc của các quỹ mafia, các tài khoản nguồn gốc tham nhũng và trốn thuế, mà tổng số ước tính khoảng 55% tống số các ngân khoản offshore trên toàn thế giới. Điều này không phải đợi « hồ sơ Panama » phanh phui, mà đã được biết từ trước, với đầy đủ cứ liệu (2). Thậm chí John Harris, tổng giám đốc Uỷ ban các dịch vụ tài chính (tương đương với chức vụ bộ trưởng tài chính) đảo Jersey đã không ngần ngại thừa nhận : « Mỗi năm có khoảng 500 tỉ € từ các nước được chi nhánh của những cơ quan tài chính ký thác ở đây rồi chuyển về City. Đứng về mặt nhân dụng và thanh khoản, chúng tôi rất có ích đối với họ » (trích dẫn theo báo Marianne số đề ngày 17-30 tháng sáu 2016). Ở London, bất cứ người dân thường hay du khách cũng có thể đi xe buýt Kleptocracy Tours (« Tua đạo chích »), do một tổ chức chống tham nhũng điều hành, để thấy tận mắt khối tiền bẩn được thể hiện trong bong bóng địa ốc dọc theo bờ sông Thames như thế nào : hơn 150 tỉ € đã được đầu tư vào nhà đất những khu sang trọng của London, từ túi tiền của các đại gia Nga, tỉ phú Ấn Độ và những « cư dân không địa chỉ » (đây là một quy chế đặc biệt cho phép những khoản tiền lớn được chuyển vào Anh không phải đóng thuế, mà chỉ trả một số tiền khoán tương đối nhỏ). Những người chủ trương brexit đã nhầm địa chỉ khi họ nói với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia : chính chủ nghĩa liberal cực đoan, chứ không phải Châu Âu, đã chiếm đoạt chủ quyền quốc gia.
Quả bom nổ chậm
Bây giờ thì sao đây ? Có lẽ với vụ brexit này, tên tuổi của David Cameron sẽ bị sử xanh phỉ nhổ như người tiền nhiệm xa lắc của ông là Lord Frederick North, huân công Guilford, tể tướng đã « để mất » thuộc địa Bắc Mĩ. Vì mục đích thiển cận nhằm phần thắng trong cuộc tranh cử năm 2015, cách đây ba năm, Cameron đã hứa tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, khác nào khởi động một quả bom nổ chậm mà ngày nay đã nổ tung từng đợt giữa những đám đông Âu châu và đám đông đồng bào Anh của mình. Báo Financial Times : « Đây là hành động vô trách nhiệm chưa từng thấy cuả chính phủ Anh từ trước đến giờ ».
51,9% phiếu thuận, 48,1% phiếu chống. Theo luật chơi dân chủ, kết quả cuộc trưng cầu dân ý như vậy là rõ ràng, dứt khoát. Nhưng nó đã gây chia rẽ đất nước này. Trước hết vì sự tồi tệ của cuộc vận động chính trị : phe ở lại chỉ biết nhắm vào nỗi sợ tương lai bất định, phe ra khỏi thì kích động tâm lí về bản sắc dân tộc, thực chất là bài ngoại. Sau đó là tầng lớp chính khách xanh vỏ đỏ lòng, bụng nghĩ một đàng, miệng nói một nẻo, theo chiều hướng của tham vọng cá nhân. Bắt đầu từ David Cameron, thâm tâm thì chống Châu Âu, nhưng kêu gọi cử tri bỏ phiếu ở lại. Rồi Jeremy Corbyn, thủ lĩnh phe đối lập, chống Châu Âu còn hơn cả Cameron, thì hầu như mắc bệnh á khẩu. Bên phe brexit, ta có Nigel Farage, thủ lĩnh đảng cực hữu Ukip, ghét cay ghét đắng Châu Âu, nhưng lại là đại biểu ở Nghị viện Âu Châu (!) ; rồi tay hề tóc vàng Boris Johnson, thân Âu nhưng lại « chuyển giới » thành chống Âu với tham vọng lên làm thủ tướng. Sau hết, phân tích kết quả bỏ phiếu cho ta thấy nước Anh bị chia rẽ sâu sắc :
-
trong dân chúng, 73% lứa tuổi 18-24 và 62% lứa tuổi 25-34 đã bỏ phiếu ở lại, trong khi 60% những người trên 65 tuổi bỏ phiếu ra khỏi, nghĩa là người già đã giành quyền quyết định về Châu Âu cho lớp trẻ là những người sẽ sống trong lòng châu Âu. Có ý nghĩa hơn nữa là sự phân bố lá phiếu theo mức thu nhập và học vấn, mà ta có thể thấy rõ trong bản đồ số 3 (của geopolis.francetvinfo.fr). Những số liệu kinh tế – xã hội cho thấy rõ người bỏ phiếu chống brexit mạnh mẽ nhất chính là những người có thu nhập lớn nhất, trình độ học vấn cao nhất và lành nghề nhất, nghĩa là những người dễ thích ứng nhất trong cuộc toàn cầu hoá.
-
Trong các xứ thành viên của Vương quốc Anh, xứ Wales (pays de Galles) đã bỏ phiếu 52,5% cho brexit, Anh 53,4% (nhưng thủ đô London thì bỏ phiếu ngược lại, 59,9% chống brexit) ; Scotland dồn 62% phiếu chống brexit, Bắc Ireland 55,8% (và Gibraltar 95%). Wales là trường hợp trái khoáy bởi vì xứ này nhận được nhiều tài trợ nhất của Liên hiệp Châu Âu. Nhìn chung, so sánh hai bản đồ 1 và 2 cho thấy sự liên hệ giữa giàu có và xu hướng ở lại. Kết luận hiển nhiên : Scotland thịnh vượng, đảng cầm quyền là đảng dân tộc chủ nghĩa, nên « gắn kết tương lai vào Liên hiệp Châu Âu » và nữ thủ tướng Scotland đã liên lạc ngay với Bruxelles nhằm ở lại Liên hiệp Châu Âu (muốn thế thì trước đó phải có cuộc trưng cầu dân ý để tuyên bố độc lập). Bắc Ireland (sau mấy thập niên nội chiến, hoà bình đã được khôi phục khi Vương quốc Anh gia nhập Liên hiệp Châu Âu) không hề muốn thấy xuất hiện trở lại đường giới tuyến với phần còn lại của Ireland (Eire) ; triển vọng thống nhất hai nửa Ireland còn xa vời, người Bắc Ireland chỉ còn giải pháp cá nhân là nhập tịch Nam Ireland để giữ hộ chiếu châu Âu. Còn Gibraltar, thì Madrid đã nhanh tay đưa ra đề nghị Tây Ban Nha và Vương quốc Anh chia sẻ chủ quyền trên « Hòn Đá » để Gibraltar có thể thâm nhập thị trường nội địa Châu Âu.
Sự bàng hoàng ngự trị khắp Vương quốc Anh sau ngày 28 tháng sáu chứng tỏ trong cả hai phe, không ai thực sự chờ đợi kết quả bỏ phiếu sẽ như vậy. Phe brexit trố mắt nhìn thắng lợi của mình như con gà mái nhìn chăm chăm vào con dao. Phe chống brexit thì phẫn nộ tràn hông, hàng ngàn người biểu tình trước Quốc hội, yêu cầu Quốc hội không chuẩn y brexit, hàng triệu người ký kiến nghị trên mạng đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới. Cần phải nhắc lại : cuộc trưng cầu ngày 28 chỉ có tính chất tham khảo, nên Quốc hội hoàn toàn có khả năng bác bỏ, và chính phủ có quyền trưng cầu thêm một lần nữa. Song hai khả năng ấy không mấy hiện thực, vì 75% đại biểu Quốc hội chống brexit, ngược chiều với đa số cử tri, nên không chắc chính quyền dám tổ chức bầu cử trước kỳ hạn. Trong cả hai chính đảng lớn, gươm dáo đã tuốt ra để ân oán giang hồ như trong một vở kịch Shakespeare. Trong hàng ngũ Công đảng, một nửa thành viên của « nội các ma » đã từ chức để phản đối lãnh đạo quá tồi trong cuộc vận động, một nghị quyết bất tín nhiệm Jeremy Corbyn đã được biểu quyết với đa số áp đảo (172-40)… nhưng Corbyn khăng khăng không chịu từ chức, viện cớ vẫn được đảng viên ủng hộ, và tố cáo « âm mưu đảo chính ». Trong hàng ngũ Tory, quá trình thay thế thủ tướng đã bắt đầu bằng tiếng sấm nổ : Boris Johnson, tên « phản bội », đã bỏ cuộc vì bị « cánh tay mặt » của mình là Michael Gove (bộ trưởng tư pháp) phản chủ – tay này là một thứ Brutus bình phương, vì trong vòng hai tháng, đã đâm dao găm vào lưng Cameron trước khi quay sang đâm sườn chủ mới. Thành thử, người có khả năng lên làm thủ tướng lại là nữ bộ trưởng nội vụ Theresa May, mà các nhà quan sát cho rằng ba ta có thể trở thành một Thatcher thứ nhì. Báo Libération chơi chữ : « Shakespeare en pire ! » (tạm dịch : kịch Sếch Pia, nhưng máu me nhiều hơn).
Bản đồ 1. Kết quả toàn quốc : « Ra khỏi» màu xanh, « Ở lại » màu vàng
Bản đồ 2.
Vùng
càng đậm càng làm ra nhiều của cải
© Thống kê quốc
gia Vương quốc Anh
Bản đồ 3. Giải
thích « đa tiêu chuẩn » (thu nhập, đào tạo,
tuổi tác, nguồn gốc...)
@Guardian
Tương lai phức tạp
Vở kịch Shakespeare dổm này sẽ bị cười nhạo nếu như kết cục của nó không liên quan tới tiến trình của cả nước Anh và Châu Ấu. Thiên nhiên vốn sợ sự trống vắng, thị trường chứng khoán vốn sợ những gì là bất trắc, điều đó không quan trọng, nhưng Cameron đợi tháng mười mới từ chức, để cho thủ tướng mới kích hoạt điều 50 để chính thức hoá việc Vương quốc Anh rút khỏi LHCÂ. Mục đích ẩn giấu của London chắc là : sau 40 năm chơi trò chân trong chân ngoài, nay muốn đòi được hưởng một thứ quy chế chân ngoài chân trong. Nhưng Hội đồng châu Âu họp ngày 28 tháng sáu (lần đầu tiên vắng mặt Vương quốc Anh) đã tỏ ra cương quyết khác thường, bác bỏ đón đầu mọi mưu toan làm săng-ta của London : Anh đã bỏ phiếu brexit, thì cuộc ly dị phải được chính thức hoá càng sớm càng tốt, và cuộc thương lượng để quy định quan hệ tương lai giữa quần đảo và lục địa sẽ tiến hành trong một khuôn khổ duy nhất và bắt buộc, do các hiệp ước Âu Châu quy định. Trước khi thương lượng bắt đầu, không có chuyện thảo luận chính thức hay không chính thức nào cả ; ông Juncker, chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, còn « nghiêm cấm các tổng giám đốc thuộc Uỷ ban tiến hành những cuộc thảo luận trước với người Anh ». Sự nghiêm ngặt khác thường này không có nghĩa là nhất trí, mọi người đều biết trong Liên hiệp Châu Âu có những đánh giá khác nhau về brexit. Các nước mới gia nhập, đại để là thuộc khối Đông Âu cũ, cùng chung với London một quan niệm « buôn bán » về Liên hiệp, đối nghịch với cái mà họ gọi là « mô hình Pháp-Đức » ; Bắc Âu (Đức, Hà Lan) có quan hệ thương mại với Anh chặt chẽ hơn các nước Nam Âu ; bây giờ Anh bỏ đi, Đức hơi bị đơn độc trong cuộc đấu tranh bảo về quan niệm Ordoliberalismus chống lại liên minh tiềm thể của các nước Nam Âu, vân vân. Nhưng rốt cuộc thái độ của Hội đồng Châu Âu đã xuất phát từ một quan ngại chung. Không phải họ sợ sẽ có những « nexit » (từ tiếng Anh next là tiếp theo) vì những nước ít mặn mà với Châu Âu nhất lại là những nước cần tài trợ của Bruxelles. Lo ngại của họ là căn bệnh « châu Âu theo thực đơn » sẽ lan truyền, nước nào cũng đòi những biệt lệ, miễn trừ dành riêng cho mình, nghĩa là khai tử trên thực tế khái niệm Châu Âu. Bằng chứng là phản ứng của các đảng cực hữu ở Châu Âu (đó là chưa kể nước Nga của Putin !) : tất cả các đảng này đều chào mừng brexit và đòi tổ chức những cuộc trưng cầu dân ý tương tự.
Kể từ ngày Vương quốc Anh chính thức tuyên bố rút khỏi Liên hiệp Châu Âu, sẽ có một thời gian 2 năm (theo quy định của điều 50) để thương lượng thể thức cụ thể. Nhưng ngay từ bây giờ, có thể thấy rõ là thời gian này quá ngắn, vì cuộc li dị này hết sức phức tạp. Thực chất sẽ có hai cuộc thương lượng : thương lượng về quá trình li dị, thương lượng về quan hệ tương lai. Kết quả cuộc thương lượng về li dị sẽ phải được các nước thành viên thông qua theo đa số đơn thuần, rồi nghị viện Châu Âu chuẩn y. Kết quả cuộc thương lượng về quan hệ tương lai sẽ phải được các nước thành viên nhất trí, nghị viện thông qua, và có thể sẽ phải được quốc hội mỗi nước chuẩn y. Do tính chất liên thuộc giữa các nền kinh tế Châu Âu, các hiệp ước thương mại sẽ giữ một vai trò trung tâm. Vài ngày sau cuộc trưng cầu, tay hề Johnson đã đăng trên Daily Telegraph một bài báo trong đó y viết tỉnh bơ : « Vương quốc Anh là một thành phần của Châu Âu (…) Nước ta sẽ tiếp tục truy nhập Thị trường duy nhất (…). Người Anh vẫn có thể làm việc tại các nước Liên hiệp Châu Âu ». Johnson làm như sự thay đổi duy nhất là Vương quốc Anh thoát khỏi gông cùm của những luật lệ Châu Âu. Tất nhiên không phải như vậy. Như Hội đồng Châu Âu đã nhắc lại ngày 28 tháng sáu, 4 quyền tự do cơ bản ghi nhận trong Nghị định thư duy nhất 1986 (xem ở trên) hợp thành một tổng thể không thể tách rời. Thế mà phe brexit đã tập trung đả kích quyền tự do đi lại. Trong bối cảnh như vậy, và với ưu tiên của họ là quyền lợi thương mại, quan niệm « chân trong chân ngoài » của người Anh chỉ thích hợp với kịch bản Na Uy : Na Uy không phải là thành viên của Liên hiệp Châu Âu, nhưng nằm trong không gian kinh tế Châu Âu. Với tư cách thành viên của không gian kinh tế Châu Âu, Na Uy hoàn toàn nhập cuộc Thị trường duy nhất, nhưng bù lại, Na Uy phải tuân thủ các luật lệ và nghĩa vụ Châu Âu : đóng góp vào ngân sách và bảo đảm quyền tự do đi lại. Nói cách khác, đó cũng là quy chế của Vương quốc Anh trước brexit… chỉ thiếu khả năng tác động chính trị. Còn các kịch bản khác (Thuỵ Sĩ, Thổ Nhĩ Kì, WTO) đều đòi hỏi phải từ bỏ, bằng cách này hay cách khác, quyền tự do giao lưu của cải, dịch vụ và tư bản. Điều đó không hợp khẩu vị của các « chủ tiệm » Anh, dù là brexit hay chống brexit. Bất luận thế nào, ngoài việc thương lượng với Bruxelles, Vương quốc Anh còn phải thương lượng lại toàn bộ khoảng một trăm hiệp định tự do mậu dịch hiện tồn giữa Liên hiệp Châu Âu và các nước trên thế giới. Bao nhiêu việc phải làm, chỉ để quay trở lại tình hình tương tợ như tình hình ngày nay ! Tóm lại, một tương lai rất phức tạp đang chờ đợi các thần dân của Nữ hoàng. Và khổ một nỗi, người dân châu Âu cũng thế. Đối xử như thế nào với một tay láng giềng « cố nhân » cồng kềnh như vậy ? Chiều chuộng hay cả nể thì cuộc li dị bỗng trở nên hấp dẫn với một vài « người trong nhà ». Cứng rắn, cự tuyệt quá thì cuộc li thân sẽ biến thành chiến tranh kinh tế, giữa một bên là tập hợp 27 nước bị ràng buộc bởi nhiều luật lệ và chỉ thị, và một bên là City được rảnh tay để biến thành một thiên đường trốn thuế offshore vĩ đại.
Cuối cùng và quan trọng không kém, vấn đề mà cuộc brexit đặt ra không thể chỉ đối phó bằng những suy tính kinh tế - thương mại. Như đã đề cập ở trên khi nói tới luận điểm vô tác dụng của phe ở lại, mọi diễn văn về nguy cơ kinh tế là vô nghĩa đối với những con người hàng ngày phải vật lộn với cuộc sống bấp bênh, những người nhân dịp bỏ phiếu đã biểu lộ sự phẫn uất của họ. Họ phẫn uất vì sao, giận dữ đối với ai ? Điều trớ trêu trong một cuộc trưng cầu dân ý thường dễ xảy ra, là : câu hỏi không trúng, và đặt ra không đúng lúc, và kết quả là người ta trả lời chéo cẳng ngỗng. Suốt mười năm qua, Châu Âu đi từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác, nên người dân Châu Âu dễ đổ tội lên đầu Liên hiệp : theo cuộc thăm dò của Pew Research Center, ngày nay chỉ có 38 % tán thành LHCÂ – năm 2004, là 69%. Chỉ cần liếc qua những trang báo bình dân lá cải cũng thấy rõ « công lao » của báo chí và giới kỹ trị. Tình hình hiện nay làm cho mọi người liên tưởng tới tình hình thập niên 1930, khủng hoảng kinh tế triền miên, sự liên đới xã hội rệu rã, các xu hướng cực đoan trỗi lên, người ta có xu hướng kỳ thị kẻ khác và co cụm trong một cái « căn tính dân tộc » huyễn hoặc… Đó là những căn bệnh có thực, có những nguyên nhân dễ chẩn đoán – những thay đổi sâu sắc do toàn cầu hoá dẫn tới, những bất bình đẳng bắt nguồn từ chủ nghĩa liberal kinh tế – song nghịch lý ở chỗ : những vấn đề ấy không thể giải quyết được trong khuôn khổ từng quốc gia, mà phải giải quyết ở cấp độ Liên hiệp. Sự kiện brexit càng chứng tỏ sự cấp bách của vấn đề. Chỉ cần nghĩ tới sự ngơ ngác của người Anh (thuộc cả hai phe) ngày hôm sau brexit khi họ đột nhiên thấy rằng « những sự liên đới trên thực tế » (câu chữ của Robert Schuman) mà LHCÂ đã bảo đảm không đương nhiên mà có : tương lai kinh tế và chiến lược, toàn vẹn lãnh thổ, và cả nền hoà bình ở Ireland. Hiển nhiên là phải khẩn trương cải tổ các thể chế (đôi khi không mấy dân chủ) và sự vận hành (đôi khi rất mờ tối) của LHCÂ. Nhiệm vụ của các nhà chính trị, lãnh đạo, chuyên gia là đưa ra những đề nghị (ví dụ như trong (3)). Còn người dân bình thường chỉ có thể nhắc lại sự cần thiết của Liên hiệp : « Quá khứ thuộc về tay vua chúa : tên của nó là Dã man. Tương lai thuộc về các nhân dân : tên của nó là Liên bang Châu Âu » (Victor Hugo, Đại hội Paris vì Hoà bình, 1849).
Nguyễn Quang
Tháng bảy 2016
bản dịch của Kiến Văn
nguyên
tác tiếng
Pháp : Divorce
à l’anglaise
1 « Phòng bồi dưỡng » là một cơ quan tài chính có một vai trò khá mờ ảo (vì có tính chất kĩ thuật) nhưng quan trọng, là đăng kí vào bảo đảm mọi giao dịch giữa các đối tác trên thị trường chứng khoán. Quá trình bồi dưỡng (compensation/clearing) bao gồm toàn bộ các hoạt động từ lúc cam kết giao dịch cho đến lúc trao đổi thực thụ. Thị trường kỳ hạn nào cũng có phòng bồi dưỡng riêng. Đa số các phòng bồi dưỡng lớn ở Châu Âu (như LCH. Clearnet hay ICE Clear Europe) đễu đặt trủ sở ở London. Một điều trớ trêu là năm 2015, Toà án Châu Âu (mà người Anh thường hay phản đối sự can thiệp) đã huỷ bỏ một chỉ thị của Ngân hàng Trung ương Âu Châu theo đó các phòng bồi dưỡng phải đặt trụ sở trong khối Euro nếu muốn xử lý các giao dịch thông qua đồng Euro !
2 Gabriel Zucman, La richesse cachée des nations, nhà xuất bản Seuil, Paris, 2013.
3 Thomas Piketty, Reconstruire l’Europe après le Brexit
Các thao tác trên Tài liệu