Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Các giải Nobel 2006

Các giải Nobel 2006

- Hoà Vân — published 16/10/2006 21:23, cập nhật lần cuối 14/03/2007 14:52
Mùa giải Nobel vừa chấm dứt với giải Nobel hoà bình được trao cho một nhà Ngân hàng và người sáng lập ra nó...
   

Các giải Nobel 2006

   
" Mùa " giải Nobel năm nay vừa kết thúc ngày 13.10 với một kết quả ngoạn mục : giải Nobel hoà bình được trao cho Muhammad Yunus, người Bangladesh, cha đẻ của thuyết Vi tín dụng, và Ngân hàng Grameen, nổi tiếng là "ngân hàng vì người nghèo", do ông sáng lập. Một ngày trước, hôm thứ năm 12.10, giải Nobel văn chương cũng được trao cho một nhà văn không kém phần sáng giá, cả đối với văn học và xã hội : nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk.
ZIDOL đã đặt người viết bài riêng về các giải Nobel văn chương và kinh tế. Chúng tôi cũng sẽ rất hoan nghênh nếu có bạn đọc chuyên gia trong các ngành y học, vật lý và hoá học gửi bài viết của mình về các giải Nobel trong ngành..
   
Trước mắt, ngược dòng thời gian, chúng tôi xin tóm lược dưới đây "toàn cảnh" về các giải Nobel năm nay.
 

1. Giải Nobel hoà bình
     

Như trên đã nói, Nobel hoà bình năm nay đồng thuộc về một nhà Ngân hàng và người sáng lập ra nó : ngân hàng Grameen (tiếng Bengal, grameen nghĩa là "làng xã"), và tiến sĩ kinh tế học Muhammad Yunus.
   
Một xu nghèo rớt mồng tơi
Ba xu là đủ giúp tôi đổi đời
   
Hơn hai năm trước, trên Diễn Đàn giấy số 138 (tháng 2.2004), Đỗ Tuyết Khanh đã dẫn hai câu ca dao đó trong bài viết của mình về "Vi tín dụng : một phương thức xoá đói giảm nghèo". Như bài viết cho thấy, học thuyết kinh tế, hay triết lý "vi tín dụng" của Muhammad Yunus bắt nguồn từ nhận xét rất cơ bản được gói ghém trong câu ca dao đó : nhiều khi, chỉ cần cho những người nghèo khổ mượn hoặc vay với lãi suất thấp một số tiền nhỏ đủ để họ mở một gánh hàng xén hoặc mua một chiếc ghe đánh cá là đủ giúp cho họ phá vỡ cái vòng luẩn quẩn : nghèo đói quá, chẳng có chút vốn giắt lưng để làm lụng gì, vay chẳng ai cho, mà nếu có thì thường là lại bị ép lãi cắt cổ chẳng bao giờ trả hết...

Năm nay 66 tuổi, Muhammad Yunus từng là giáo sư kinh tế tại đại học Chittagong, quê hương ông, sau tấm bằng tiến sĩ kinh tế của đại học Vanderbilt ở Nashville (Hoa Kỳ) năm 1972. Hai năm sau, một trận hồng thuỷ làm Bangladesh ngập trong lụt lội lớn, nạn đói kéo theo làm thiệt mạng hơn 1,5 triệu người, đã đẩy Yunus sang một hướng đi khác. Trong một cuộc đi thực tế với sinh viên, ông được những phụ nữ ở làng Jobra cho biết họ chỉ cần một số vốn rất nhỏ để làm ghế mây bán. Rút tiền túi, ông đã giúp họ đủ 27 đôla cần thiết, không lấy lãi mà cũng không hẹn ngày trả. Dự án vi tín dụng ra đời. Trong ba năm đầu, từ 1976 đến 1979, có 500 người từ các món tiền vay nhỏ này mà cải thiện hẳn được cuộc sống. Sau nhiều năm vận động và làm thử, Grameen Bank chính thức ra đời năm 1983, và từ đó đến nay đã trở thành một mạng lưới có tới 2226 chi nhánh ở khắp 71 371 làng xã ở Bangladesh, với 6,61 triệu người vay trong đó 97 % là phụ nữ với một tỉ lệ hoàn trả gần 99  %. Tổng vốn cho vay kể từ khi thành lập ngân hàng đạt 5,71 tỉ đôla (những con số trên đây trích từ bản tin tháng 8.2006 của Ngân hàng).

Tuy không phải là biện pháp phép màu có khả năng giúp các nước nghèo phát triển kinh tế (những món vay dưới 100 đôla không đủ cho một cơ sở kinh tế có thể tạo ra việc làm cho người khác, dù là ở những nước nghèo như Bangladesh), vi tín dụng được coi như một phương thức xoá đói giảm nghèo khá hữu hiệu để giúp những người cùng khổ bước đầu xoay xở kiếm sống được và từ đó có cơ hội hơn để bước vào một thị trường lao động có tương lai kinh tế tốt hơn. Với vai trò ấy, mô hình vi tín dụng của Grameen Bank đã được rất nhiều nước nghiên cứu, áp dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, hiện nay có khoảng 10 000 cơ sở vi tín dụng trên thế giới. Ở Việt Nam, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, và nhiều tổ chức phi chính phủ như Oxfam, CARE v.v. đã sử dụng phương thức này trong nhiều dự án xoá đói giảm nghèo. Về phần mình, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn tới cuối năm 1997 đã cấp tín dụng với điều kiện nâng đở cho 1,6 triệu hộ, tức 30 % hộ nghèo (ĐTK, bài đã dẫn).

Khi được biết mình được giải Nobel, ông Muhammad Yunus cho biết sẽ dành phần tiền thưởng của mình để tài trợ cho một dự án sản xuất thực phẩm dinh dưỡng, chi phí thấp cho người nghèo, một bệnh viện mắt, một dự án nước uống và một chương trình y tế. ''Tôi sẽ tặng hết số tiền thưởng của mình cho những doanh nghiệp trên. Tất cả đều là các doanh nghiệp xã hội, không phải tổ chức vì lợi nhuận'', ông nói.

''Tôi sẽ dùng tiền để tài trợ cho công ty liên doanh của chúng tôi với Danone để người nghèo có thể ăn thực phẩm dinh dưỡng với giá chấp nhận được. Công ty này sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới''. Ông Yunus không tiết lộ thêm chi tiết nào khác. Công ty thực phẩm khổng lồ của Pháp Danone và ngân hàng Grameen của ông Yunus hồi đầu năm nay tuyên bố sẽ hợp tác để sản xuất ra các mặt hàng thực phẩm, cung cấp dinh dưỡng cho hàng triệu người có thu nhập thấp.

Ông Yunus đã nhiều lần tới Việt Nam để nói chuyện về vi tín dụng và thăm các cơ sở xoá đói giảm nghèo của VN

2. Văn chương
   

Những người theo dõi thời sự thế giới gần đây đều biết tên tuổi Orhan Pamuk như một trí thức Thổ Nhĩ Kỳ từng bị nhà cầm quyền truy tố về tội "xúc phạm tới dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ", một tội danh có thể khiến ông bị toà xử phạt từ một tháng tới ba năm tù giam. Lời buộc tội được đưa ra vào tháng 2.2005, sau một bài trả lời phỏng vấn trên một tạp chí ở Thuỵ Sĩ, trong đó Orhan Pamuk có lời tuyên bố đụng chạm tới hai vấn đề cấm kỵ ở Thổ : "Một triệu người Armenie và 30 ngàn người Kurde bị thảm sát trên nước này, nhưng chẳng ai ngoài tôi dám nói ra". Trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận châu Âu, chính quyền Ankara cuối cùng đã bãi bỏ lệnh truy tố ông vào đầu năm nay (2006).
   
Trước đó, Orhan Pamuk cũng được biết đến qua nhiều lời bình luận xã hội, đặc biệt là về những mối quan hệ giữa Đông với Tây, về hiểm hoạ của chủ nghĩa toàn thống Islam (ông là nhà văn hiếm hoi trong thế giới Hồi giáo từng lên tiếng bảo vệ Salman Rushdie), về quyền tự do ngôn luận, về sự đụng độ thường xuyên giữa hiện tại và quá khứ...
Tuy nhiên, theo Viện hàn lâm Thuỵ Điển, đó không phải là lý do của việc ông được Viện trao giải Nobel văn chương, vào ngày 12.10 vừa qua. Bản thông báo của Viện hàn lâm nói, giải này đã được trao cho một nhà văn "trong cuộc đuổi đeo linh hồn u hoài của thành phố quê hương mình, đã tìm thấy những hình ảnh tâm linh mới cho cuộc đấu tranh và cho sự đan xen giữa các nền văn hoá".
Và đó hình như cũng là nhận định của nhiều nhà phê bình văn học trên thế giới, đối với một tác gia được đánh giá rất cao qua chỉ vài tác phẩm của mình như Lâu đài trắng (The white castle, 1985), Sách đen (The black book, 1990), Tên tôi là Đỏ (My name is Red, 2000), Tuyết (Snow, 2002. Bản tiếng Pháp, Neige, do Jean-François Pérouse dịch, đoạt giải Medicis dành cho văn học nước ngoài năm 2005) v.v. Sách của ông đã được dịch ra 40 thứ tiếng và trước giải Nobel ông cũng đã đoạt được nhiều giải văn chương của Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác.
Orhan Pamuk sinh năm 1952 tại Istanbul, hiện là giáo sư thỉnh giảng tại đại học Columbia, Hoa Kỳ.
Diễn Đàn sẽ có bài riêng về Orhan Pamuk trong vài ngày tới.
   

3. Kinh tế
     

Ngày 9.10.2006, Uỷ ban giải Nobel đã trao giải Nobel về Kinh tế học cho giáo sư người Mỹ Edmund S. Phelps vì những công trình nghiên cứu về chính sách vĩ mô của ông. Những công trình này cho phép "đào sâu hiểu biết của chúng ta về những mối quan hệ có tác dụng lâu dài của một chính sách kinh tế", theo thông báo của Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thuỵ Điển. Bản thông báo còn nhấn mạnh đến "tác động có tính quyết định (của các công trình của Phelps) tới nghiên cứu cả về chính trị và về kinh tế học".
Edmund S. Phelps năm nay 73 tuổi, là giáo sư tại đại học Columbia, Hoa Kỳ.
Diễn Đàn sẽ có bài riêng về các công trình của ông trong vài ngày tới.   
   

4. Hoá học, Vật lý, Y học
   

Cũng như Kinh tế, ba giải Nobel thuộc các lĩnh vực khoa học đều về tay các khoa học gia người Mỹ.
   
Được công bố ngày 3.10, Nobel Vật lý 2006 được trao hai giáo sư thiên văn học người Mỹ  John C. Mather và George F. Smoot, vì những "công trình về nguồn gốc của vũ trụ, cho phép hiểu hơn về nguồn gốc các thiên thể và tinh tú", theo thông báo của Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thuỵ Điển.
John C. Mather, 60 tuổi, là nhà vật lý thiên văn làm việc tại Trung tâm Du hành Không gian Goddard của NASA, trong tiểu bang Maryland. Còn George F. Smoot, 61 tuổi,  là giáo sư vật lý tại đại học California ở Berkeley. Tại đây, ông đã là cộng tác viên của giáo sư Louis Alvarez, người được giải Nobel năm 1968, trước khi tham gia chương trình COBE của NASA cùng với John Mather.
   
Công trình nghiên cứu được tưởng thưởng năm nay của hai ông là kết quả của ba năm khảo sát vũ trụ với những dụng cụ đo đạc thiên văn được cài trên vệ tinh COBE (Cosmic Background Explorer), từ 1989 đến 1992. Những dụng cụ này, mà John Mather là người trách nhiệm chính, và vệ tinh COBE được thiết kế từ những năm 1970 để "nghe" những bức xạ vi ba vũ trụ nền (tiếng Anh : Cosmic Microwave Background Radiation, viết tắt : CMB ; tiếng Pháp : rayonnement cosmique de fond, RCF) đã được các nhà vật lý lý thuyết tiên đoán từ những năm 50 trên cơ sở thuyết Big Bang. Năm 1978, giải Nobel cũng đã được trao cho hai nhà vật lý người Mỹ Arno Penzía và Robert Wilson, với khám phá RCF lần đầu tiên năm 1965. Khoảng 380 000 năm sau Big Bang, cách đây gần 14 tỉ năm, những hạt ánh sánh (photon) hình thành và được phóng ra khắp vũ trụ, với một quang phổ gần như của một vật đen hoàn hảo, và làm nhiệt độ của vật đen hạ từ 2725 °K xuống còn 2,7 °K (tức 2,7 độ trên độ không tuyệt đối là -273,15°C). John Mather và  George Smoot cho thấy bức xạ CMB đo được từ COBE là đúng với tiên đoán đó của thuyết Big Bang, góp phần "khẳng định mạnh mẽ hơn thuyết Big Bang để cắt nghĩa nguồn gốc của vũ trụ", theo đánh giá của Việt hàn lâm khoa học hoàng gia Thuỵ Điển.
   
Một ngày trước và hai ngày sau khi giải Nobel Vật lý được công bố, các giải Nobel về Y học và Hoá học đều được trao cho những chuyên gia về di truyền học.
   
Nobel Hoá học 2006 là giáo sư Roger D. Kornberg, với một công trình được công bố năm 2001 về quá trình chuyển giao các thông tin từ các gien tới các tế bào để tạo ra protein. Trong quá trình này, một bộ phận của chuỗi xoáy ADN (acide désoxyribonucléique) được sao chép thành một chuỗi đơn được gọi là ARNm, chứa các thông tin được dùng trong việc tổng hợp protein. Quá trình này được Kornberg làm sáng tỏ khi nghiên cứu bằng phương pháp tinh thể học (crystallography) các eukaryote, tức những sinh vật chuẩn như động vật, thực vật v.v.
Roger Kornberg năm nay 59 tuổi, là giáo sư y khoa ở đại học Stanford, California. Cha ông, Arthur Kornberg cũng đã được giải Nobel về Y học 47 năm trước, cũng về một công trình nghiên cứu về di truyền. Trừ một thời gian làm việc tại đai học Cambridge, Anh, trong những năm 1978-1984, Roger Kornberg đã gắn bó suốt đời hoạt động khoa học của mình với đại học Stanford, từ thời sinh viên tới khi ra trường.
   
Như lệ thường, giải Nobel được công bố đầu tiên là giải Y học, và người đoạt giải là hai nhà khoa học Mỹ tương đối trẻ : các giáo sư Craig Mello, 45 tuổi, giáo sư tại trường Y khoa, đại học Massachusetts ở Worchester và Andrew Z. Fire, thuộc đại học Stanford, California. Công trình được tưởng thưởng của hai ông là sự khám phá ra một cơ chế làm vô hiệu hoá hoạt động của các gien bằng cách can thiệp vào chuỗi ARNm, trung gian giữa ADN và protein. Công trình được công bố năm 1998 này (trên tạp chí Nature) mở ra viễn cảnh sử dụng công nghệ di truyền trong việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, hay bệnh ung thư, thông qua việc kiểm soát thông tin về biến đổi trong các gien của con người. Ở Hoa Kỳ, hàng chục công ty chuyên về công nghệ sinh học và dược phẩm đã và đang mở rộng đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu này.

Hoà Vân tổng hợp tin từ nhiều nguồn
(báo chí, trang web của Tổ chức Nobel, các trang web liên quan tới những người đoạt giải...) 

 

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss