Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Camila, người con gái "phẫn nộ" của Chile

Camila, người con gái "phẫn nộ" của Chile

- Christine Legrand — published 05/09/2011 19:34, cập nhật lần cuối 06/09/2011 00:12
Chân dung nữ sinh Camila Vallejo, cộng sản, và Giorgio Jackson, sinh viên công giáo, lãnh tụ phong trào sinh viên Chile đòi "giáo dục miễn phí", hủy bỏ chế độ "xã hội hóa" trường học của Pinochet.


Nhân vật hàng đầu của phong trào sinh viên đấu tranh,
biểu tượng cho tuổi trẻ "không còn sợ hãi", Camila VALLEJO
đòi quyền giáo dục miễn phí



Người "con gái phẫn nộ" của Santiago de Chile


Đối với Camila Vallejo Dowling, đi bộ trên đường phố thủ đô Santiago của Chile là cả một đoạn đường chiến binh đầy chướng ngại. Ống kính camera truyền hình bám sát cô, điện thoại di động không ngừng réo chuông xin phỏng vấn, người qua đường gọi tên cô, có người còn muốn ôm hôn nữa.

camila

Ở tuổi 23, cô nữ sinh viên khoa địa lí, đảng viên Đảng cộng sản, đã trở thành khuôn mặt hào hùng của cuộc sinh viên vùng dậy đã làm lay chuyển đất nước Chile từ bốn tháng nay, đối đầu với chính phủ phái hữu của tổng thống Sebastian Piñera lên cầm quyền từ tháng giêng 2010. Hàng chục nghìn sinh viên xuống đường, đó là những cuộc biểu tình lớn nhất từ ngày cáo chung chế độ độc tài quân sự của tướng Augusto Pinochet (1973-1990).

Trái với mọi sự chờ đợi, tổng thống Chile đã đề nghị đích thân đối thoại với lãnh tụ phong trào sinh viên tại phủ tổng thống La Moneda ngày thứ bảy 3 tháng chín. Sinh viên biểu tình đã ba lần bác bỏ những đề nghị của chính phủ vì họ đánh giá là "không đủ". Họ đã giành được thắng lợi là buộc chính quyền phải cách chức bộ trưởng bộ giáo dục Joaquin Lavin, đã từng là cộng tác viên của tướng Pinochet. Khẩu hiệu đấu tranh của sinh viên là "đòi một nền giáo dục công, miễn phí và chất lượng".

Đẹp nghiêng thành, với đôi mắt màu xanh lục và dáng dấp như Catherine Zeta-Jones, Camila Vallejo đã thông qua mạng lưới Facebook và Twitter, huy động được cả chụccuộc biểu tình, những cuộc chiếm đóng trường học và những cuộc 'hòa nhạc xoong nồi" trên khắp nước trong vòng vài tiếng đồng hồ. Nếu cuộc đối thoại với tổng thống Chile không đi tới đâu, Camila hứa là sẽ còn biểu tình nữa.

"Các yêu sách của chúng tôi phần nào cũng có tính chất ý thức hệ, nhưng không hề không tưởng hay lí tưởng chủ nghĩa. Chúng tôi đòi giáo dục phải được coi là quyền, đồng thời đó cũng là một sự đầu tư xã hội", cô nói. Mặc quần jean, cổ bao giờ cũng cuốn khăn, cánh mũi xỏ một cái khuyên (piercing) rất đặc trưng, khuôn mặt của Camila đã trở thành quen thuộc từ khi cô thường xuất hiện trên màn ảnh TV.

Camila lên hai khi nền dân chủ tái lập ở Chile : "Thế hệ chúng tôi không còn sợ bóng ma Pinochet như cha mẹ chúng tôi nữa". Theo nhà nhân học Angelica Wilson, "cô ấy kích thích người dân Chile phải phản ứng chứ đừng cam chịu nữa".

Thích đọc Bakunin (1) và say mê The Doors (2), phát ngôn viên của Liên hội toàn quốc sinh viên Chile (Confech) tập hợp tất cả các hội sinh viên đại học, Camila Vallejo là phụ nữ thứ nhì trong lịch sử được bầu làm chủ tịch Liên hội sinh  viên Trường đại học Chile. Phẫn nộ trước những bất công xã hội to lớn của Chi lê hiện nay -- "60% người dân Chile sống như dân Angola và 20% sống như bên Đan Mạch" -- Camila bức xúc thấy "không có sự tham gia của công dân trong các quá trình quyết định".

Tuy đầu phiếu ở Chile là cưỡng bách, song thanh niên không đăng kí danh sách cử tri và có tới 80% người trẻ không đi bầu. "Thanh niên uất ức vì thực ra họ không có sự chọn lựa", Camila nổi nóng. Chế độ bầu cử do Pinochet đặt ra là chế độ "lưỡng danh" (chọn hai ứng viên hay hai danh sách nhiều phiếu nhất) đã hạn chế sự có mặt của các đảng nhỏ tại Quốc hội. Mãi đến năm 2010, tức là lần đầu tiên từ cuộc đảo chính 1973, Đảng cộng sản mới có 3 đại biểu quốc hội. Trước những lời tố cáo cô bị Đảng cộng sản giật dây, Camila trả lời "phong trào sinh viên không chối bỏ chính trị vì bản thân giáo dục là một vấn đề chính trị".

Camila phê phán một cách nghiêm khắc cả chính phủ hiện nay cũng như bốn chính phủ trước đây do sự liên kết của các phải trung-tả thành lập từ năm 1990 khi chế độ dân chủ được phục hồi. "Họ đã đảm đương được cuộc chuyển tiếp dân chủ nhưng họ lại không đủ dũng cảm cầm cương hẳn hòi và không dám thay đổi hẳn hệ thống giáo dục mà Pinochet đã tư hữu hóa", Camila tố cáo.

Cô cảm thấy gần gũi thế hệ sinh viên tháng năm 68 cũng như phong trào "indignados" ở Châu Âu hiện nay. Cô cũng viện dẫn Evo Morales, tổng thống Bolivia, như một "tấm gương". Nhiệt tình chiến đấu của cô gái "Pasionara" (3) người Chile đã tác động vượt qua biên giới quốc gia. Cô vừa trở về từ Brasil, nơi cô vừa được Liên hiệp sinh viên toàn quốc Brasil mời sang tham gia một cuộc tuần hành cuối tháng tám. Nữ tổng thống Argentina, bà Cristina Kirchner, không ngớt lời ca ngợi C. Vallejo. Còn phó tổng thống Bolivia, ông Alvaro Garcia Linera, thì không giấu diếm : "Chúng ta ai mà chẳng mê cô ấy".

Cô gái ấy sống ở La Florida, khu phố truyền thống của thành phần trung lưu Chile, ở chân dày trường sơn Andes. Cha mẹ cô là những đảng viên cộng sản lão thành, trong những năm đen tối, đã chọn đấu tranh trong vòng bí mật chứ không lưu vong. Tất nhiên Camila không tránh khỏi những lời đàm tiếu của cánh "nam nhi lỗ mãng". Một tay nhà báo đã hỏi cô "cuộc bầu cử đưa cô lên làm chủ tịch liên hội Fech phải chăng do hormon quy định ?". Camila cho rằng mang chuyện sắc đẹp của cô ra là "thậm vô lí" : "Ngoại hình không do tôi lựa chọn. Nhưng tôi lựa chọn thế đứng chính trị". Hậu quả sự dấn thân của Camila là cô đã nhiều lần bị dọa giết. Cảm tình mà đại chúng dành cho cô khiến cho phái hữu cứng rắn hết sức tức tối. Juan Pablo Camiruaga, phó chủ tịch đảng khuynh hữu Canh tân Quốc gia đã gọi cô là "con dê cái cục cứt", sau đó đã phải muối mặt xin lỗi.

Camila cực lực lên án sự đàn áp của công an và việc gài những phần tử khiêu khích vào các đoàn biểu tình tuần hành. Ngày 26 tháng tám, một thiếu niên 16 tuổi đã tử thương khi công an nổ súng.  Hàng chục người bị thương, hàng trăm người bị bắt trong những cuộc xô xát đụng độ với công an.Vô tuyến truyền hình đã cho thấy sinh viên xông ra làm cái đệm giữa công an và những người che mặt, trang bị bằng gậy gộc, sỏi đá và chai xăng.

Mỗi ngày có hàng ngàn người vào đọc bờ-lốc "camilapresidenta". Nhà chính trị học Daniel Contreras tiên đoán một "tương lai xán lạn" cho cô. Về phần mình, Camila Vallejo tuyên bố cô sẵn sàng đảm đương một vai trò chính trị để thay đổi đất nước.

Christine Legrand

đặc phái viên nhật báo Pháp Le Monde (3.9.2011)

bản dịch của Kiến Văn


Chàng tư sản Giorgio và nàng cộng sản Camila, cùng nhau sát cánh


Bên cạnh khuôn mặt Camila Vallejo, phong trào nổi dậy của sinh viên Chile còn có một khuôn mặt nữa : Giorgio Jackson, 24 tuổi. Không nổi tiếng trên media như Camila, chẳng sao cả ! Ngược lại, Giorgio nói, "tôi càng đỡ bị sức ép !". "Tôi không ngại có những sự khác biệt", anh chủ tịch Liên hội sinh viên Trường đại học Công giáo nói thêm.

giorgio

Camila xuất thân trong một gia đình trung lưu, sinh viên Trường Đại học Chile, ngọn cờ đầu của các trường đại học công lập Chile. Giorgio là con một gia đình tư sản, học kĩ sư tại một trường đại học thuộc loại bảo thủ nhất. Nàng là đảng viên cộng sản. Chàng không thuộc đảng nào.

Giorgio không tham gia cuộc nổi dậy của "những con chim cánh cụt" -- pinguin là tên gọi học sinh trung học mặc đồng phục quần xanh lơ áo sơ mi trắng -- năm 2006 đã làm rúng động chính phủ xã hội của bà Michelle Bachelet. Đam mê của Giorgio là bóng rổ.

Cả hai đều đòi hỏi cải tổ giáo dục, một nền giáo dục đã bị tướng Augusto Pinochet tư hữu hóa (dịch ra tiếng "Việt" của chế độ "xã hội chủ nghĩa Việt Nam", phải nói là "xã hội hóa"). Tại Chile, ngân sách giáo dục chỉ bằng 4,4% GDP, rất thấp so với mức 7% mà UNESCO khuyến cáo. Tất cả các trường đại học, kể cả trường công lập, đều đòi học phí. Để có tiền ăn học, 70% sinh viên phải vay mượn ngân hàng.

"Mọi thứ đều dính kết với nhau"

Cả hai đều chống lại mô hình liberal cực đoan mà tướng Pinochet đã triển khai hơn ba mươi năm về trước. Camila phản đối với tất cả hùng khí, Giorgio thì trình bày có lớp lang. Anh nói : "Mọi thứ đều dính kết với nhau. Để Nhà nước có thể tài trợ cho giáo dục, thì phải cải tổ chế độ thuế má, phải sửa đổi Hiến pháp 1980 để bảo đảm quyền được hưởng một nền giáo dục miễn phí, và phải cải tổ hệ thống chính trị "lưỡng danh". Nghĩa là toàn bộ di sản của chế độ Pinochet !".

Camila cũng như Giorgio thuộc thế hệ đầu tiên ở Chile không phải sống dưới chế độ độc tài quân phiệt. Mỗi người một vẻ, họ khác hẳn hình ảnh cổ truyền của những thanh niên Chile mất niềm tin, chán ngán chính trị. Cho đến nay, họ bổ sung nhau. Camila được gọi là "La Pasionara" (3). Giorgio tự xác định mình là người chủ trương cải cách.

C. L.



(1) Mikhail Bakunin (1814-1876) : nhà văn, nhà cách mạng Nga, sáng lập chủ nghĩa vô chính phủ .

(2) The Doors : ban nhạc rock thành lập tại Los Angeles năm 1965 với Jim Morrison (hát), Ray Manzarek (phím điện tử), John Densmore (trống) và Robby Krieger (ghita).

(3) La Pasionara (người phụ nữ đam mê) : đầu tiên là biệt hiệu của Dolorès Ibarruri (1895 - 1989), chiến sĩ cộng sản Tây Ban Nha lừng danh, với câu nói nổi tiếng trong cuộc chiến tranh chống Franco : "Thà chết đứng thẳng còn hơn sống quỳ gối".


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss