Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / CAMPUCHIA : chứng từ của những phi công chiến đấu Khơme Đỏ được Trung Quốc đào tạo.

CAMPUCHIA : chứng từ của những phi công chiến đấu Khơme Đỏ được Trung Quốc đào tạo.

- Brice Pedroletti, đặc phái viên báo Le Monde / Kiến Văn dịch — published 20/04/2025 17:40, cập nhật lần cuối 21/04/2025 08:04


CAMPUCHIA :

chứng từ của những phi công chiến đấu Khơme Đỏ được Trung Quốc đào tạo.

“ Sếp bảo tôi, ‘không được từ chối, đây là lệnh của Ăngca’ ”.


Brice Pedroletti



Ít lâu sau ngày quân đội Pol Pot chiếm đóng Phnom Penh, 17 tháng tư 1975, một số thanh niên Campuchia đã được gửi sang Trung Quốc để học lái máy bay chiến đấu. Năm mươi năm sau, họ kể lại câu chuyện, một khía cạnh ít được biết về sự ủng hộ chế độ Khơme Đỏ của Bắc Kinh.


mokMOK

 Mok Yieng, cựu phi công chiến đấu, chụp tại nhà, giữa Poutisat và Battambang, Campuchia, 15 tháng ba 2025.



Đồng bằng trải rộng đến vô tận, những cây thốt nốt đặc trưng của cảnh vật Campuchia, vươn thẳng lên trời,  chòm lá trên ngọn xòe ra như cái quạt. Mok Yieng, vợ và con gái, sống trong một căn nhà tôn lúi xùi, bên lề con đường nối liền Poutisat với Battambang, miền tây vương quốc. Tóc cắt ngắn, áo sơ mi màu kem, người ta có thể đoán ông cụ nông dân 70 tuổi này đã từng là một phi công lái máy bay chiến đấu. Không phải bất cứ phi công nào : ông thuộc khóa sĩ quan Khơme Đỏ được gửi sang Trung Quốc từ đầu năm 1976, mấy tháng sau khi quân đội Pol Pot chiếm đóng thủ đô Phnom Penh, ngày 17 tháng tư 1975, để hình thành không quân Khơme Đỏ. Năm ấy, ông 21 tuổi, mang quân hàm cao nhất trong nhóm. « Tôi chỉ là nông dân bình thường. Chưa bao giờ mơ tưởng chuyện ấy », ông nói.

Số phận của Mok Yieng bộc lộ một khía cạnh ít ai biết về sự ủng hộ chế độ Khơme Đỏ khát máu của Trung Quốc. Ngẫu nhiên hay không, hôm nay là ngày 17 tháng tư 2015, chủ tịch Tập Cận Bình chính thức tới thăm Phnom Penh, đúng 50 năm sau ngày thủ đô Campuchia thất thủ. Ngẫu nhiên hay là một thông điệp đầy ngụ ý.

Thời ấy ấy, nước Trung Hoa mao-ít hết lời ca ngợi ngày 17 tháng tư. Ngày nay, chính quyền Campuchia cho nó vào quên lãng, và chọn ngày 20 tháng năm là « Ngày toàn quốc hồi tưởng ».


« Khắp nơi đều có hình bóng Trung Quốc »


Trong những năm cò cưa dẫn tới mở phiên tòa xử Khơme Đỏ dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc năm 2009, « Trung Quốc không ủng hộ, và gần như hoàn toàn lặng im », đó là lời giải thích của Youk Chhang, giám đốc Trung tâm tư liệu Campuchia mà mục đích chủ yếu là tìm tòi những tội ác của chế độ Khơme Đỏ. « Tòa án chỉ xét xử những lãnh đạo Khơme Đỏ cao cấp. Nhưng ở đâu cũng thấy hình bóng Trung Quốc. Đã phát hiện không biết bao nhiêu sự việc và tình tiết, chứng tỏ cuộc diệt chủng [2 triệu người chết] đã được thực hiện với sự ủng hộ của nước ngoài – nói chính xác là Trung Quốc », theo lời Youk Chhang, một trong những người sống sót sau chế độ Khơme Đỏ.

Năm 2014, nhà nghiên cứu người Mỹ Andrew Mertha đã cung cấp những tư liệu chi tiết trong tác phẩm Brothers in Arms. Chinese Aid to the Khmer Rouge, 1975-1979, (Anh em chiến hữu, viện trợ Khơme Đỏ của Trung Quốc, nhà xuất bản Cornell University Press, chưa có bản dịch tiếng Pháp). A. Mertha nói tới việc xây dựng một nhà máy lọc dầu – hoàn toàn thất bại về kỹ thuật – và một căn cứ không quân, « viên ngọc quý trên vành nguyệt quế viện trợ quân sự của Trung Quốc ». Trung tâm nghe nhìn Bophana ở Phnom Penh là thư viện hình ảnh do nhà điện ảnh Rithy Panh thành lập. Tại đây, tình cờ chúng tôi được xem cuốn phim phóng sự về chuyến thăm năm 1975 của Trương Xuân Kiều, nhân vật mao-ít trong « bè lũ bốn tên » đang cầm quyền ở Bắc Kinh, một trong những nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên đến thăm chế độ mới. Một cuốn phim khác là phim tài liệu về những kỹ sư Trung Quốc xây dựng một nhà máy điện.

Cũng như Mok Yieng, nhiều cựu phi công và thủy thủ được đào tạo ở Trung Quốc bắt đầu lên tiếng. Họ nói họ không biết gì cả về cuộc diệt chủng vì lúc đó họ đang ở Trung Quốc. Sau khi chế độ Khơme Đỏ sụp đổ, họ sống chui lủi trong sự kỳ thị. Họ trở lại cuộc sống nông dân, không bảo hiểm y tế, không hưu bổng.

Mok Yieng và bạn đồng khóa được tuyển mộ tháng 11 năm 1975, sau một cuộc khám sức khỏe do y sĩ Trung Quốc tiến hành tại sân vận động thế vận hội Phnom Penh. Phần lớn dân chúng thủ đô đã bị đuổi về nông thôn từ ngày 17 tháng 4, ở đây chỉ còn binh lính, cán bộ Khơme Đỏ và cố vấn Trung Quốc. « Tôi biết đọc, biết viết, và khỏe mạnh, viên cựu sĩ quan kể lại. Lúc đầu, tôi từ chối không chịu đi. Sếp tôi nói : “Không được từ chối, đây là quyết định của Ăngca” ».


daitrai

Học viên Khơme Đỏ và giảng viên Trung Quốc đi thăm công xã điển hình Đại Trại (tỉnh Sơn Tây)
khoảng năm 1976-78. Mok Yieng đứng ở hàng áp chót, người thứ ba từ bên trái.


Những người được tuyển chọn được đưa tới sân bay Pochentong của thành phố Phnom Penh. Mok Yieng cất cánh tháng ba 1976, lần đầu tiên trong đời. Nôn ọe suốt chuyến bay. Hạ cánh xuống căn cứ không quân Thạch Gia Trang ; thủ phủ tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh 300 km về phía nam. Trong số 300 thanh niên được gửi sang Trung Quốc chuyến ấy, chỉ có khoảng mười lăm người được tốt nghiệp phi công chiến đấu như Mok Yieng. Những người khác trở thành thợ máy, giữ ra đa.


Viện trợ và cố vấn Trung Quốc 


Thắng lợi 17.4.1975 của Khơme Đỏ thực là món quà trời cho bất ngờ đối với Bắc Kinh vì họ uất hận trước việc đồng minh Hà Nội xích lại gần Liên Xô và tiến hành cuộc tổng tấn công ở miền Nam Việt Nam. Song, vì chủ nghĩa dân tộc, Khơme Đỏ đã quay lại chống Hà Nội là những người đã ủng hộ họ từ năm 1970 chống lại chế độ thân Mỹ của Lon Nol. Trong con mắt Bắc Kinh, chế độ mới ở Campuchia trở thành công cụ trong cuộc đối đầu với cái mà Trung Quốc tố cáo là « chủ nghĩa bá quyền Đông Dương » của Việt Nam.

Ngay từ tháng 4.1975, Ieng Sary, bộ trưởng ngoại giao Khơme Đỏ, đã tranh thủ được 13 300 tấn vũ khí do tàu Trung Quốc chở sang. Con trai của Ieng Sary cũng được đào tạo thành phi công. Tháng 6, Mao Trạch Đông hứa viện trợ quân sự và kinh tế 1 tỷ đô la – xuất quỹ ngay tức khắc 20 triệu đô la – đây là khối viện trợ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Viện trợ và cố vấn Trung Quốc tấp nập tới Campuchia. Nhà nghiên cứu Trung Quốc Vương Thần Nghệ (nữ), trong một bài viết công bố năm 2018 ở Woodrow Wilson International Center for Scholars, cho rằng trước hết, thắng lợi của Khơme Đỏ « mang lại sinh khí mới cho cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc đang phá sản ». Tháng 6.1975, Mao Trạch Đông đã phấn khởi nói, khi tiếp Pol Pot ở Bắc Kinh : « Các đồng chí, chỉ một cú, đã làm nên một việc mà chúng tôi, với vô vàn quần chúng, đã làm không xong ».

Khóa đào tạo những phi công tương lai bắt đầu ở căn cứ Thạch Gia Trang. Cùng đi với nhóm học viên có một thông dịch Khơme, nhưng ở buồng lái máy bay, học viên trao đổi với huấn luyện viên Trung Quốc bằng tiếng quan thoại mà họ mới bập bẹ học. Một hôm, đang bay, Mok Yieng nghe thấy người giữ radio khóc òa : Mao Trạch Đông chết, ngày 9.9.1976. Cả đoàn học viên đã đi xe lửa lên Bắc Kinh, tới quảng trường Thiên An Môn để dự lễ quốc tang. Hàng tháng, họ được các thầy Trung Quốc dẫn đi thăm viếng, chẳng hạn công xã Đại Trại, được tuyên truyền mao-ít ca ngợi từ những năm 1960.

Mao chết đi, « bè lũ bốn tên » bị lật đổ, Pol Pot giữ im lặng. Năm 1977, trong các bài diễn văn, Pol Pot lớn tiếng tố cáo « bọn Duồn (danh từ miệt thị, chỉ người Việt Nam) cướp đất ». « Trong các cuộc họp, các chính trị viên Khơme Đỏ giải thích với người Trung Quốc là đang đánh nhau với Việt Nam nên cần gia tốc quá trình đào tạo. Thế là mỗi ngày bay 2 giờ, thay vì 1 giờ, thứ bảy chủ nhật cũng bay tập », Mok Yieng kể lại.


Một căn cứ không quân ma


Mùa hè 1978, các học viên phi công được gọi về nước cùng với huấn luyện viên Trung Quốc để hoàn tất tại chỗ khóa đào tạo. « Mỗi ngày chúng tôi bay cùng với thầy Trung Quốc để nhận dạng đường biên giới. Thầy chỉ cho chúng tôi cái căn cứ không quân mà Trung Quốc đang giúp xây dựng : “Để các em đánh Việt Nam” », Chin Beurn, một cựu phi công khác kể lại. Chin ở cách nhà Mok khoảng mười cây số. Ngoài 10 máy bay huấn tập, Trung Quốc hứa sẽ cung cấp khoảng sáu chục máy bay cường kích.

Căn cứ không quân Krang Leav ngày nay là một hoang địa : vẫn con đường xi măng như hồi trước, đi từ thị xã Kampong Chhnang tới đây, ven theo Biển Hồ. Những con bò cái màu trắng lừ đừ đi dạo trên những phi đạo chỉ hơi bị nứt nẻ, dài 2,4 km. « Những tổ chuyên gia Trung Quốc đến đây từ cuối năm 1976. Đầu năm 1977, công trường bắt đầu. Người Trung Quốc mặc quân phục chỉnh tề. Mỗi ngày, buổi chiều, họ được chở về thị xã », theo lời Sam Yun, 76 tuổi, một người dân làng.

Sam Yun dáng người dong dỏng, nét mặt cân đối, nói chút ít tiếng Pháp, là sinh viên khi Khơme Đỏ tiến vào. Ông đi bộ suốt một tháng rưỡi về làng, rồi nhập tịch « nhân dân cơ bản », thành phần được Khơme Đỏ chấp nhận, trong khi « dân mới » ở các thành thị bị loại trừ. « Chúng tôi sợ nem nép, lao động cắm đầu cắm cổ », ông thầm thì. Căn cứ không quân hồi đó có 14 công trường : đào đồi xây một cái boong ke để chứa xe vận tải và máy bay ; 5 tháp chứa khổng lồ được xây ở các ngọn đồi chung quanh. Ngày nay, những dẫy bể chứa hoen rỉ nhoi đầu khỏi những bụi rậm. Cố vấn Trung Quốc muốn xây căn cứ ở cách xa biên giới Việt Nam, nhưng Pol Pot đã chọn nơi này, ở trung tâm lãnh thổ.


« Dân làng bị xiên trên cọc nhọn »


Trên công trường là những lao công nô lệ, phần đông là những binh sĩ Khơme Đỏ và thân nhân đã bị Pol Pot thanh trừng hàng loạt ở miền đông Campuchia từ năm 1978, kết án họ là « xác Khơme hồn Việt », phản quốc, làm tay sai cho Hà Nội. Tòa án xét xử chế độ Khơme Đỏ đã phán quyết căn cứ Khrang Leav là một trong những công trường tàn bạo nhất : hàng ngàn người bị xử tử ở đây. « Chết vì đói. Có người bị xử tử. Sau này trong một thời gian dài, dân làng tìm thấy nhiều bộ xương », Sam Youn thầm thì. Cố vấn Trung Quốc có biết chuyện này không ? Trong cuốn sách của mình, Andrew Mertha khẳng định họ ý thức rõ về kỷ luật khắc nghiệt, nhưng không tận mắt chứng kiến những cuộc tàn sát.

Năm 1978, Pol Pot thúc giục Trung Quốc gửi quân tình nguyện sang giúp Campuchia đánh Việt Nam. Bắc Kinh – lúc đó đã thanh trừng phe mao-ít – gửi phái viên sang Phnom Penh, thí dụ như bà quả phụ thủ tướng Chu Ân Lai vào tháng giêng 1978. Họ khuyên chế độ Khơme Đỏ nên bớt gây hấn với Việt Nam : Trung Quốc cho rằng Phnom Penh không đủ khả năng. Đặng Tiểu Bình (nắm thực quyền từ tháng 12.1978) cho rằng chính quyền Khơme Đỏ đã suy yếu sau những đợt thanh trừng nội bộ, lẽ ra phải củng cố để tập hợp lực lượng.

Việt Nam, về phần mình, tự kìm hãm : tháng 4.1978, Khơme Đỏ đưa quân sang đồng bằng Cửu Long mà họ coi là đất Campuchia, tàn sát hơn 3100 thường dân ở Ba Chúc. Tháng ba 2025, chúng tôi gặp Lê Kiên Thành ở Hà Nội : « Tôi đã thấy những tấm hình dân chúng bị xiên trên những cọc nhọn ». Nhà văn ký sự này không có vai trò chính trị, nhưng là con trai ông Lê Duẩn, nhân vật chủ chốt của Việt Nam trong thời gian 1968-1986. « Sau khi Việt Nam thống nhất, tháng tư 1975, Leonid Brejnev hỏi tại sao Việt Nam còn duy trì 1 triệu người tại ngũ. Lê Duẩn trả lời : “Điều này, các đồng chí sẽ sớm hiểu tại sao”. Chúng tôi biết Trung Quốc đã trang bị cho quân đội Khơme Đỏ tới mức nào. Nếu không duy trì quân số, làm sao chúng tôi kháng cự được », Lê Kiên Thành giải thích.

Hà Nội đã phản ứng chớp nhoáng : ngày 25.12.1978, quân đội Việt Nam đã đánh thẳng vào Phnom Penh. Mok Yieng kể lại : « Chúng tôi bó tay không làm gì được. Rađa do người Trung Quốc giữ, mà họ đã bỏ chạy ». Ngày 6.1.1979, một phi cơ vận tải Trung Quốc đưa cựu hoàng Norodom Sihanouk (mà Pol Pot giữ làm con tin và trưng bày tủ kính) sang Bắc Kinh. « Một máy bay thứ nhì lẽ ra phải đưa chúng tôi đi nữa, nhưng không bao giờ thấy bóng dáng », Mok Yieng kể lại.

Các phi công trẻ chạy ra bưng cùng với binh đội Khơme Đỏ rút lui. Mok Yieng bỏ trốn về làng. Bị lính Việt Nam bắt giam một năm, Mok không bao giờ thú nhận mình là phi công. Chin Beurn, một phi công khác, năm 1988 giẫm phải mìn, bị cụt chân. Còn căn cứ Krang Leav, năm 2019, Campuchia đề nghị với đại công ty bán hàng trên mạng Alibaba sử dụng làm trạm chuyển hàng, nhưng không có kết quả. Năm 2024, nhà điện ảnh Pháp gốc Campuchia Rithy Panh đã chọn nơi này để thực hiện cuốn phim Cuộc gặp mặt Pol Pot. Rithy Panh kể lại, một phần hư cấu, chuyến đi thăm chính thức Campuchia Khơme Đỏ của hai nhà báo và một nhà nghiên cứu, năm 1978, để gặp Pol Pot.

Brice Pedroletti

đặc phái viên báo Le Monde (gửi từ Kampong Chhnang và Poutisat, Campuchia).


bản dịch của Kiến Văn


NGUỒN : Le Monde 17.04.2025




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us