Cấu trúc chính trị của Đức đang chuyển
Cấu trúc chính
trị
của Đức đang chuyển
Nước Đức là một quốc gia liên bang với nhiều tiểu bang. Mỗi tiểu bang đều có lịch trình bầu cử riêng để thành lập quốc hội và chính phủ riêng. Các cuộc bầu cử này tuy có tính chất địa phương của tiểu bang nhưng thường đóng môt vai trò quan trọng trong toàn liên bang.
Ngày 22.9.2024 vừa qua có một cuộc bầu cử tại một tiểu bang phía đông nước Đức, Brandenburg. Kết quả bầu cử tại tiểu bang nhỏ bé này cho thấy một sự chuyển biến to lớn trong cấu trúc chính trị nước Đức. Nói chính xác hơn, ba tuần trước đó, ngày 1.9.2024 đã có hai cuộc bầu cử tiểu bang tại Thüringen và Sachsen. Nếu tổng kết các cuộc bầu cử của ba tiểu bang phía đông này mà dân cư cộng lại chỉ hơn 8,5 triệu, một con số nhỏ so với 83 triệu dân Đức, ta không khỏi bất ngờ khi biết rằng các cuộc bầu cử đó đánh dấu một sự thay đổi quyết định trong cơ cấu các đảng phái chính trị tại Đức. Đây có lẽ là sự chuyển biến lớn nhất về chính trị kể từ ngày nước Đức thống nhất năm 1990.
Sahra Wagenknecht, bà là ai ?
Đầu năm 2024 một đảng chính trị tuyên bố thành lập, lấy tên là „liên minh Sahra Wagenknecht“ (BSW). Người phụ nữ sinh năm 1969 tại Đông Đức, bố là người gốc Iran, xa cha mẹ từ nhỏ, lớn lên với ông bà ngoại. Bà sớm suy tư về triết học, khoa học xã hội và viết một luận án về kinh tế. Người phụ nữ trẻ sớm đi vào chính trị, chủ trương thiên tả, nặng tính nguyên tắc. Bà từng bị lên án là cực đoan cánh tả, bị xem là thuộc „mô hình Stalin“. Về sau bà kết hôn với Oskar Lafontaine, một cựu lãnh đạo của đảng „Dân chủ xã hội“ (SPD) và hẳn có nhiều chuyển biến tư tưởng sau đó. Wagenknecht tự nhận mình là „Linkskonservativ“ (bảo thủ cánh tả), về xã hội là tả nhưng về văn hóa là hữu. Thực tế là khái niệm „tả hữu“ ngày nay không rạch ròi như xưa. Theo tuần báo Der Spiegel số 37/2024, Wagenknecht có một chút tương đồng với Jean-Luc Melenchon trong tính chất quyết liệt của mình và cả hai đều ghét Mỹ. „Tả“ của Wagenknecht lẫn của Melenchon không còn có tính quốc tế mà có tính quốc gia.
Tháng 1.2024 đảng „Liên minh Sahra Wagenknecht“ BSW ra đời, tuyên bố sẽ tham dự ba cuộc bầu cử trong năm 2024. „Liên minh BSW được thành lập để đại diện cho một tầng lớp và thay đổi nền chính trị của Đức, không phải cho vài năm mà cho vài chục năm“, bà tuyên bố như thế. Nhiều người mỉm cười miệt thị. Là người của cánh tả, lập một đảng phái tại một nước Đức đã thanh toán xong nạn cộng sản, lấy chính tên mình để đặt cho đảng, liệu người phụ nữ Đông Đức này sẽ thành công ?
Bà thành công vang dội. Ba tuần qua, từ ngày 1.9 người ta ngỡ ngàng và không biết nói sao về hiện tượng này. Từ con số không, BSW chiếm 15,8% số phiếu tại Thüringen; 11,8% tại Sachsen; 13,5% tại Brandenburg. Ra đời chưa đầy 12 tháng, một đảng chính trị chiếm lĩnh hai chữ số phần trăm trong một cuộc bầu cử. Đây là điều chưa hề có tiền lệ tại Đức.
Der Spiegel, nhật báo uy tín tại Đức, không cần đợi cuộc bầu cử hôm 22.9 đã chạy tít „Die Systemsprengerin“ (người phá vỡ hệ thống) để nói về Wagenknecht (xem hình). Hình bìa cho thấy một phụ nữ tự tin và tươi cười cầm trên tay một khối thuốc nổ. Đọc thêm bài này ta sẽ thấy điều quan trọng hơn cả „khối thuốc nổ“. Bài này viết: từ nay, tại Đức, „không có người phụ nữ này thì không được“. Cuộc bầu cử mới nhất ngày 22.9 xác định lại sự thực này. Độc giả sẽ tự hỏi, cái gì không được, tại sao không được?
AfD, anh là ai?
AfD là tên viết tắt của đảng „Alternative für Deutschland“ (Giải pháp khác cho nước Đức). Được thành lập năm 2013, AfD nghe ra rất hiền lành khiêm tốn, nhưng thực chất là một đảng cực hữu, theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đảng này chủ trương thẳng thừng „nước Đức của người Đức“, chứa đựng rất nhiều nhân tố của Đức quốc xã ngày xưa. Các thành viên của họ sử dụng ngôn từ, bài ca và cả cách chào theo kiểu phát xít. Đảng này bị các định chế chính trị chính thức lên án cực hữu, là nơi mà cảnh sát phải thường xuyên khám xét vì chứa đựng tài liệu và sinh hoạt cấm kỵ của Đức quốc xã.
Thế nhưng, lịch sử dường muốn như lặp lại tại Đức. Trong ba cuộc bầu cử nói trên, AfD chiếm ưu thế tuyệt đối, „với một huy chương vàng và hai huy chương bạc“, như cách nói của Tino Chupalla, chủ tịch đương thời. Tại Thüringen họ chiếm 32,8%, Sachsen 30,6%, Brandenburg 29,2%. Và đáng lo ngại nhất, các cuộc thăm dò cho thấy, trên toàn liên bang AfD sẽ chiếm khoảng 20% phiếu bầu.
Dĩ nhiên câu hỏi cấp bách đặt ra là nhờ đâu mà AfD thắng lợi vẻ vang đến thế và tại sao lại là trong các tiểu bang Đông Đức cũ. Bài này sẽ không đi vào chi tiết của vấn đề này, chỉ nhấn mạnh rằng khẩu hiệu của AfD là triệt để chống người nhập cư và đó là chủ trương vô cùng ăn khách hiện nay tại Đức. Mặt khác điều quan trọng là tất cả các đảng phái lớn nhỏ còn lại tại Đức không ai chịu liên hiệp với AfD để thành lập chính phủ. AfD thực chất không phải là một đảng phái tuân thủ các qui tắc dân chủ mà ngược lại chính họ muốn chà đạp thể chế dân chủ. Ngày 1.9.2024 vừa qua, khi nghe công bố kết quả bầu cử thành công của AfD, nhiều người Đức đã nghĩ đến ngày 1.9.1939, đó là ngày Đức tấn công Ba Lan, mở màn cho cuộc thế chiến thứ hai. AfD liên hệ với hình ảnh của Đức quốc xã đến như thế.
Dịch hạch hay dịch tả, anh lựa cái nào ?
Nếu độc giả kiên nhẫn đọc đến đây chắc đã hiểu tại sao người ta cần đến người phụ nữ cánh tả Wagenknecht. Điều „không được phép xảy ra“ là AfD lên nắm chính quyền vì thực tế họ là kẻ thù của các định chế dân chủ. Do đó mọi khả năng liên hiệp để chống AfD phải được đưa lên bàn đàm phán. Khổ thay, cùng lúc với thế đi lên của BSW và AfD thì các đảng truyền thống của Đức bắt đầu mất phiếu nặng nề. Trong cuộc bầu cử mới nhất tại Brandenburg, đảng Xanh (Grün) và Dân chủ Tự Do (FDP) không đạt nổi ngưỡng 5% để có đại biểu. Tổng số ba đảng trong liên minh cầm quyền tại liên bang Đức hiện nay là Dân chủ Xã hội (SPD), Xanh và Dân chủ Tự Do mất phiếu chưa từng thấy. Trong cả ba tiểu bang vừa diễn ra bầu cử, tất cả đều cần sự có mặt của đảng BSW mới có được một đa số vững vàng trong quốc hội, không cho AfD vào chính quyền.
Nhưng Wagenknecht không phải là một vị phụ nữ dễ tính. Và chủ trương chính trị của bà không thể dễ tiêu. Ngay từ ngày đầu thành lập, Wagenknecht đã chủ trương „hòa bình cho Ukraine“, được hiểu là phải hoàn hoãn và thương lượng với Nga, chống lại việc lắp đặt vũ khí của Mỹ tại Đức. Dù các cuộc bầu cử tiểu bang có tính cách địa phương, không can dự đến các vấn đề ngoại giao và chính sách của liên bang, Wagenknecht nêu điều kiện muốn liên hiệp với BSW, các đảng khác phải chấp nhận chủ trương chính trị đó như điều tiên quyết. Đối với một nước Đức luôn trung thành với Nato và Mỹ thì đây là điều bất khả. Vị phụ nữ Đông Đức này đang làm đau đầu các ông lớn chính trị lão luyện phía tây, nhất là đảng Dân chủ thiên chúa giáo (CDU/CSU). Họ đã vô cùng khó chịu với các phiếu bầu của cử tri Đông Đức, nay còn khó chịu hơn nữa với một vị phụ nữ lớn lên từ DDR. Nhiều người nhớ đến bà Merkel, cũng là một phụ nữ Đông Đức, một bà 16 năm đã „thống trị“ các nam nhi CDU phía Tây, đã búng ngón tay loại bỏ Friedrich Merz, người vừa trở lại sân khấu chính trị sau khi bà Merkel ra đi.
Thế nhưng làm sao bây giờ? Nếu muốn chặn AfD thì phải liên hiệp với BSW, phải ăn „trái đắng“ của Wagenknecht đưa ra. Người Đức có câu, ta phải chọn „kleineres Übel“, tức là giữa hai cái xấu phải chịu cái ít xấu hơn. Có kẻ nói hàm hồ hơn, họ tự thấy mình phải chọn „dịch tả hay dịch hạch.“
Chuyện đâu còn có đó
Hiện nay trong tất cả ba tiểu bang vừa bầu cử các nhà chính trị đang ráo riết vận động thành lập chính phủ. Liệu họ sẽ ngồi chung bàn được với nhau để lập ra một cơ chế lãnh đạo ổn định thì ta không rõ. Nếu không liên hiệp được thì các tiểu bang sẽ chịu chấp nhận một loại chính phủ thiểu số, điều mà nước Đức xưa nay không bao giờ ưa chuộng. Nhưng điều chắc chắn là nước Đức đang đi vào một cấu trúc mới của các đảng chính trị. Rõ nét nhất là cấu trúc vừa được bầu tại Brandenburg, trong đó chỉ còn 4 đảng có đại diện trong quốc hội. Đó là CDU, SPD, BSW và AfD. Hai đảng đầu tiên là hai đảng „truyền thống“ (etabliert), hai đảng sau là hai đảng „cực đoan“ (extrem) nếu ta muốn dùng từ của báo chí Đức. Và tại Brandeburg hai đảng CDU và SPD liên hiệp với nhau vẫn không đủ túc số, còn SPD và BSW thì chiếm được đa số. Phải chăng đó sẽ là giải pháp? Thời gian thương lượng sẽ kéo dài vài tháng nữa cho đến các chính quyền mới được khai sinh. Từ nay đến đó hẳn ta còn chứng kiến rất nhiều điều thú vị.
Thế nhưng quan trọng hơn là cuộc bầu cử liên bang Đức sẽ được xảy ra đúng một năm nữa, ngày 28.9.2025. Các cuộc thăm dò cho thấy đảng CDU/CSU sẽ về nhất với số phiếu gần 35%, AfD sẽ chiếm 19%. Nhưng những con số này có lẽ đã lạc hậu so với kết quả bầu phiếu ngày 22.9 vừa qua. Kể từ ngày này nền chính trị dường như sẽ qua một bước phát triển mới. Bà Wagenknecht sẽ bắt đầu „thi triển“ thế lực của mình. SPD sẽ học kinh nghiệm thành công vừa qua. Và nhất là liệu liên minh chính phủ „Đèn giao thông“ hiện nay có còn tồn tại cho đến năm sau.
Các diễn biến đầy kịch tính nhưng cũng vô cùng logic tại Đức cho thấy một lần nữa, một nền chính trị không bao giờ đứng yên. Xã hội luôn luôn luôn chứa đầy sóng ngầm và bất ngờ. Lịch sử nước Đức với quá khứ phát xít và sự chia cắt Đông-Tây hàm chứa rất nhiều ẩn số. Một điều thú vị khác là Đông Đức sản sinh nhiều phụ nữ kỳ lạ.
Điều làm ta có thể yên tâm là AfD có lẽ sẽ không bao giờ chiếm quá ¼ cử tri và Wagenknecht là một phụ nữ thông minh, rõ là bà biết mình muốn và làm điều gì.
Nguyễn Tường Bách
23.9.2024
Các thao tác trên Tài liệu