Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Chạy trời không khỏi mùa xuân

Chạy trời không khỏi mùa xuân

- Đỗ Kh. — published 27/03/2011 20:09, cập nhật lần cuối 29/03/2011 01:23
... ngay tại Syria cằn cỗi này, không đợi mà mùa xuân cũng đã tới




Chạy trời không khỏi mùa xuân



Đỗ Kh.


Bouthaina Shabaan vén lại sợi tóc phía sau tai. Chuyên gia về Thi ca thời kỳ lãng mạn phân khoa Anh ngữ tại Đại học Damascus này làm tôi nhớ đến một câu viết của Curzio Malaparte, đại khái là mùa hè, các thiếu nữ dùng khăn lụa Hermès để bọc lại bìa một tập Keats, ở đâu đó bên Ý, chẳng hiểu có phải bên bờ hồ Como. Nhưng GSTS Shabaan không có khăn choàng đầu, cho dù là Hermès, bà để tóc trần rất là thế tục, thơ Keats bà bọc bằng gì tôi không biết, đây cũng chẳng là Ý mà là Syria và bà đang họp báo. Giờ không phải là mùa hè mà là mùa xuân, “Mùa xuân Ả rạp”.

bando

Sau một tuần biến loạn tại thị trấn biên giới Daraa khiến 37 người thiệt mạng (theo chính quyền) hay 55 (theo Amnesty International), chính quyền Syria chính thức lên tiếng ngày 23.3.2011. Chẳng phải tổng thống hay thủ tướng, chẳng phải bộ trưởng nội an hay bộ trưởng thông tin. Chẳng phải tham mưu trưởng quân lực, vì ở nước này quân đội không phải là chuyện giỡn, chẳng phải lãnh đạo của đảng Baath cầm quyền hay tôn giáo, vì ở đây đảng hay là đạo cũng chẳng phải chuyện đùa. Phát ngôn viên được chính quyền chỉ định về việc này là cố vấn đặc biệt của tổng thống về thông tin và quan hệ báo chí nước ngoài, bà “Thi ca thời kỳ lãng mạn tại Anh quốc” đã nói đến.


Tôi không nghĩ là nông dân hạn hán hay thanh niên thất nghiệp ở Daraa có muốn rõ hơn về khác biệt giữa Alexander Pope và John Keats, giữa Gô-tích và Lãng mạn mấy trăm năm trước. Không cần ngược giòng thời gian lâu như thế và họ có lẽ chỉ cần trở về đến Mậu Thân của thế kỷ 20 (tức là 1968) là lúc đảng Baath lên tuyệt đối cầm quyền, nếu không kể giai đoạn bấp bênh chính biến từ lúc nhà Ngô vừa sụp đổ (tức là 1963). 43 năm liên tục này, 30 năm lãnh đạo là mãnh sư miền sa mạc Hafez al Assad và sau khi ông qua đời năm 2000 cho đến nay là ‘cậu sư’ Bashar, con thứ của ông và là người được coi là tổng thống bất đắc dĩ, tổng thống cải cách thầm lặng và tổng thống đổi mới rụt rè, 11 năm qua cầm quyền dưới sự giám sát của các chú bác.


Bác sĩ Bashar đang thực tập chuyên khoa tại Anh quốc vào năm 1994 thì bị một tai nạn giao thông triệu về nước và tống ngay vào trường võ bị quân đội. Anh hai Basil al Assad, một thiếu tá chỉ huy lực luợng phòng vệ Phủ tổng thống và Đông cung thái tử, vừa qua đời khi phóng xe quá tốc một đêm sương mù dày bao phủ con đường đến trường bay. Tài xế để cho cậu tự tay cầm lái và lúc đó đang ngồi ở băng ghế sau thì chỉ bị thương nhẹ. Sau khi xuất viện, nghe đâu là ông tài được mang ra xử bắn hơi bị nặng. Cậu út Maher lên thay Basil cầm lực lượng Phủ tổng thống thì một là ít tuổi, hai lại tính khí bất thường. Năm 1999, cãi cọ trong gia đình, cậu bắn đổ ruột và tí chết mất ông anh rể nên có lẽ thiếu sự điềm đạm để lên ngôi báu. Mở dấu ngoặc để kể thêm về tình sử 1001 vương thì cô chị trước đây có một chàng sĩ quan tán tỉnh. Chàng này không vừa mắt của… anh hai Basil (tức tay lái vô địch) nên bị anh bắt bỏ tù. Sau khi Basil qua đời thì hoàn cảnh thuận tiện hơn, một đêm thanh vắng và trái tim không ngủ yên cô Bushra bỏ nhà ra đi theo tiếng gọi của chàng kia. Vua cha sau đó vời hai vợ chồng này vào cung để tha lỗi nhưng có lẽ cậu út vẫn còn hậm hực nên mới có chuyện súng bị cướp cò. Dù sao thì bạn đọc cũng nên lau nước mắt, vì câu chuyện có hậu. Dưới trào của đương kim Bashar tức là hiện nay thì ông anh rể này được nâng đỡ, làm giám đốc Quân báo nắm Tổng cục 2 và ngang hàng với Nguyễn Chí Vịnh. Phần cậu Maher ưa táy máy cò súng thì giờ này Sư 4 của quân đội do cậu cầm đầu đang vây thị trấn Daraa khó bảo. Bố tao chưa chết mà anh rể tao tao còn bắn đổ ruột nữa là, nói gì chúng bay hãy liệu hồn!


Đó là chuyện hậu cung nhưng trước ống kính truyền hình, và truyền thông ngoại quốc (vì truyền thông quốc gia thì khỏi kể đến), là bà Shabaan cho biết tổng thống chia buồn với các tang quyến. Chính bà chứng kiến ông ra lệnh nghiêm khắc là không được dùng đạn thật để giết người ngay cả khi tính mạng của lực lượng an ninh bị đe dọa! Ông còn cho biết, sẽ xem xét lại việc thu hồi Thiết quân luật (được áp dụng từ 48 năm nay khiến hai, ba thế hệ chiến sĩ công an mệt mỏi), mở rộng chính trường và xã hội, đáp ứng các đòi hỏi của quần chúng. Đòi hỏi đầu tiên là tỉnh trưởng của khu vực Daraa bị cách chức nhưng đòi hỏi thứ nhì là cách chức giám đốc công an tỉnh thì không thấy được đề cập. Anh giám đốc này là một anh mang họ Makhlouf, tức là bà con phía bên ngoại của tổng thống hay biết đâu chỉ trùng với nhũ danh của mẫu thân ông mà được làm lãnh đạo công an. Nhưng bà Shabaan cho thấy chính quyền không ngoan cố, nhận là có chết người (tuy không nhiều như báo chí nước ngoài phao lên), có sai lầm và thành thực khai báo, hứa hẹn sẽ khẩn trương sửa đổi. Điều đáng ghi nhận là những dấu hiệu tích cực chưa hề thấy trước đây tại Syria này lại là trong một cuộc họp báo dành cho truyền thông và truyền thông nước ngoài bởi một bà cố vấn chứ không phải là phát biểu của tổng thống hay một quan chức hữu trách của chính quyền trực tiếp đến với quần chúng trong nước. Tại sao những nhân nhượng động trời này, tại một nước mà nhắc đến từ mukhabarat (mật vụ) người dân phải đóng cửa phòng ngủ lại và giả vờ âu yếm thầm thì vào tai của đối tượng, tại sao những hứa hẹn sửa đổi này tự thân tổng thống lại không dõng dạc nhìn thẳng vào ống kính truyền hình mặc dù ai cũng biết là tính ông nhút nhát? Nói cách khác, chính quyền chỉ quan tâm đến dư luận nước ngoài và đưa ra một bộ mặt khả ái, quen thuộc với truyền thông quốc tế chứ có khi trong nước chẳng mấy ai biết bà là ai trừ khi quan tâm đến Wordsworth hay là Shelley. Đây lại là một sai lầm, vì dư luận nước ngoài hay truyền thông quốc tế không có xuống đường tại Syria, không có hô khẩu hiệu phản đối trên những đường phố và không có nổi lửa đốt trụ sở nhà nước.


Quả như rằng, sáng đến thứ sáu 25.3, số quần chúng biểu tình gia tăng và lan ra nhiều nơi, nếu chưa thể nói là lan rộng. Các chiến sĩ công an và quân đội cũng nhân thế mà thiếu kỉ luật, bất tuân lệnh nghiêm ngặt của tổng thống mà vẫn dùng đạn thật để sát hại thêm đâu đó 15 người! Tại Daraa bọn nông dân thất học (và mất mùa) lật tượng của tổng thống cha Hafez, chiếm lại đền hồi và trung tâm thành phố. Tại Damascus, may mà quần chúng của đảng Baath cũng xuống đường để ủng hộ chính phủ nên âm mưu của phản loạn bất thành, đôi bên chỉ có xô xát. Anh biểu tình chống đối thì tôi cũng biểu tình ủng hộ được, sách lược này đã và đang được áp dụng tại khắp nơi như Ai cập, Yemen, Lybia, Bahrain, Jordan với hiệu quả không rõ mấy khiến ta có thể nói là nơi nào có quần chúng rầm rộ biểu tình ủng hộ chính quyền, giơ cao ảnh lãnh tụ đang cầm quyền là nơi đó họ nguy đến đít rồi! Qua ngày thứ 7, phản đối vẫn tiếp tục và trên youtube, những đoạn fim mới “không rõ xuất xứ và không được kiểm chứng”, nói kiểu các thông tấn thế giới, tiếng hô chống đối “Salmya! Salmya!” (hoà bình/phản đối bất bạo động) đã có nơi được thay bằng phẫn uất của “Harbya! Harbya!” (vũ lực/chiến tranh). Bà Shabaan lại xuất hiện, giải thích đây là nước ngoài xâm nhập để xui dục và dấy loạn hay cướp bộ cướp biển có súng ống nên an ninh phải tiêu diệt chứ nào có phải người dân. Nhưng giờ, nếu quần chúng tiến thì chính quyền lùi, 260 tù nhân chính trị thuộc thành phần tôn giáo và ly khai thiểu số Kurd vừa được thả.


Nửa thế kỉ tuyệt đối cầm quyền của đảng Baath khiến không ai rõ là thành phần chống đối tại Syria từ đâu ra và thuộc tổ chức nào. Các chống đối trước đây, có tổ chức hẳn hòi và lực luợng là thành phần Huynh đệ Hồi giáo của hệ Sunni có mặt ở nhiều quốc gia Ả rạp. Lực lượng này từng mưu hại tổng thống Hafez (1980) và nổi dậy tại thành phố Hama năm 1982. Chính quyền Hafez lúc đó đã bao vây thành phố, dùng địa pháo, phi pháo san bằng làm từ 15 000 đến 30 000 hay 40 000 người thiệt mạng, dẹp tắt luôn vì chết hết thì là tắt chứ là gì. Tổ chức này không được Tây phương ưa chuộng, cũng như không có “căn cứ” tức là cầm quyền ở tại một nước Ả rạp nào. Tuy nhiên, vì có quần chúng và có thực lực nên họ vẫn được dùng khi cần thiết để chính quyền này thọc gậy chính quyền kia. Thành phần thứ hai giới hạn hơn nhưng cũng khó thu phục được bởi bất cứ chính quyền nào là thành phần thiểu số sắc tộc Kurd, một sắc tộc gốc Tây Á và có mặt tại nhiều quốc gia trong vùng, tại Iraq cũng như Iran, Turkey. Tại Bắc Iraq (tức là phía Nam của biên giới Syria) hiện nay khu vực Kurd tự trị đến mức hầu như là một quốc gia riêng.


Thành phần chống đối có thể điểm mặt được sau cùng là thành phần người Syria ở nước ngoài. Bà Shabaan trước đây từng là bộ trưởng người Syria ở nước ngoài, và theo bộ này thì con số lên đến 18 triệu (so với 22 triệu trong nước). Không hiểu bao nhiêu lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, cô dâu Singapore hay lao nô đâu đó nhưng ở Hoa Kỳ đã có 1 triệu, Trung Nam Mỹ hay Âu, Phi cũng rất nhiều. Đây là thành phần vượt biên từ thời Đế chế Ottoman hay bảo hộ Pháp, khiến bán rong tại các phố hay các làng Columbia chẳng hạn được gọi là “turco” hay cửa hàng tạp hoá “syrien” ở Gabon. Số này đã hội nhập từ lâu và chẳng còn gì quyến luyến cố hương, thí dụ như sáng lập CT Apple Steve Jobs (gốc tỉnh Homs) hay cựu tổng thống Argentina Carlos Menem (gốc tỉnh Yabrud).


Thành phần chính trị đáng kể và còn quyến luyến, quyến luyến lắm, là thành phần chính khách lưu vong. Một ông Rifaat được nghe đâu Saudi và nhóm nào Hoa Kỳ ủng hộ, đang nắm đài truyền hình thông tin Arab News Network ở London. Ông là anh em cột chèo với vua Saudi Abdallah (chẳng biết bà nào trong số 12 vương hậu) ; nhưng trước hết, ông là chú ruột của tổng thống Bashar và từng là phó tổng thống của Hafez. Tất nhiên, ông đúng ra mới là người kế nghiệp chứ và tay chân trong nước của ông hẳn vẫn còn vài, từ cái ngày ông có cả một lực luợng riêng ngoài quân đội đến 55 000 lính, gọi là lực lượng Bảo vệ, tên tục là Pink Panther vì mặc đồ ngụy trang beo đốm sắc hồng. Rifaat này chính là đồ tể thành Hama năm 1982 ! Dân chủ không kém Rifaat al Assad là Abdel Halim Khaddam, cũng một cựu tổng thống của Hafez trước đây và hiện hoạt động từ Paris, nhấp nháy tham vọng trở thành một Ahmad Chalabi của Iraqi National Congress được Mỹ đưa về ngay sau khi Saddam sụp đổ ! Hay là biết đâu, tìm ra được ngay trong nước một nhân sĩ nào đó để thay thế Bashar sau khi ông đã bị đường phố mời ra đi, kiểu một thượng tướng như Mustafa Tlass chẳng hạn, người đã từng cho biết “(diễn viên Ý) Gina Lollobrigida có viết cho tôi một cái thư tâm sự là trên đời nàng chỉ thật tình yêu có một mình tôi” ! Ông này thì không nhút nhát chút nào, đáng làm tổng thống lắm, phát biểu thế mà không sợ các nàng Sophia Loren, Claudia Cardinale, Virna Lisi và Elsa Martinelli v.v. nổi cơn ghen ?


Danh sách các chiến sĩ cung đình chống độc tài này còn dài nhưng hẳn là người dân Syria xuống đường không phải là vì các lãnh tụ mới nhắc đến. Không hiểu phản ứng sắp tới của tổng thống âm thầm Bashar như thế nào, liệu ông có nhân dịp này mà mạnh dạn hơn hất cẳng các cha chú hay vì gặp chống đối của quần chúng mà nghiêng luôn về phía bảo thủ cựu trào. Khổ cho ông nhỉ. Nhưng ngay tại Syria cằn cỗi này, không đợi mà mùa xuân cũng đã tới.

Đỗ Kh.




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss