Chính trường Đức, 2025
Chính trường Đức, 2025
Nguyễn Tường Bách
Ngày 23.2.2025, nước Đức vừa có một cuộc bầu cử liên bang để thành lập Quốc hội mới. Là một nền dân chủ đại nghị, Quốc hội mới sẽ cho liên minh đảng phái chiếm đa số trong quốc hội giữ vai trò lãnh đạo hành pháp. Người đứng đầu liên minh đó sẽ trở thành Bundeskanzler (Thủ Tướng). Theo kết quả tạm thời, Thủ Tướng mới của Đức sẽ là Friedrich Merz, 69 tuổi, nhân vật lãnh đạo của đảng Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU). CDU/CSU là chính đảng quan trọng nhất của Đức, có truyền thông Cơ đốc giáo, được xem là hữu phái bảo thủ. CSU là chi nhánh của đảng này và chỉ hoạt động tại Nam Đức, vùng Bavaria
Cấu trúc đảng phái thay đổi
Tỉ lệ 83 % tham gia bầu cử của tổng số gần 60 triệu cử tri, đó là một con số cao chưa từng thấy kể từ ngày nước Đức thống nhất. Con số này nói lên một thực trạng: nước Đức đang nằm trong một cuộc chuyển mình, một cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế. Nhưng chính sự khủng hoảng đó – xuất phát từ sự phân hóa xã hội – lại vận động người dân tham gia bỏ phiếu đông đảo, nhất là lớp trẻ đi bầu lần đầu.
Các tỉ lệ bầu cử sau đây cho thấy sự phân hóa chính trị của Đức. Đảng CDU/CSU của tân Thủ Tướng chiếm 28,5 %. Đảng này sẽ liên minh với đảng Dân chủ Xã hội (SPD), chiếm 16,4 % để cùng nhau đạt một đa số mỏng manh trong quốc hội với 328 trên 630 đại biểu. Trong quá khứ của nước Đức, khi CDU/CSU và SPD đã hợp tác với nhau thì đó là một „Đại liên minh“ (Große Koalition), họ thường chiếm trên 60% số phiếu và con số áp đảo đó thực ra cũng chẳng hay cho một nền dân chủ cần một đối lập mạnh mẽ.
Tinh hình 2025 cho thấy, hai đảng lớn và truyền thống này chỉ cùng nhau chiếm được 45% số phiếu, trong đó chính đảng đề cử Thủ Tướng chỉ chiếm 28,5 %, đó là điểm mới của nội bộ nước Đức. Điều này nói lên, cấu trúc đảng phái của Đức đang trở thành manh mún. Tinh chất manh mún cũng thể hiện qua thực tế là hai đảng BSW và FDP chỉ hụt sít sao ngưỡng 5 % – ngưỡng tối thiểu để được cử đại biểu trong Quốc Hội. Qua đó ta thấy tiếng nói của 10 % cử tri bầu cho hai đảng này bị phớt lờ.
„ Giải pháp khác “ là giải pháp gì ?
Nhưng một yếu tố hệ trọng hơn xuất hiện, đó là sự xuất hiện và lớn mạnh chưa từng thấy của thành phần dân túy cực hữu, được đại diện bởi đảng „Giải pháp khác cho nước Đức“ (AfD – Alternative für Deutschland).
Trong cuộc bầu cử 2025, AfD nhân đôi số phiếu. Năm 2021 họ chiếm 10,4 %, năm 2025 con số đó đã vọt lên 20,8 %. Hiện tượng dân túy cực hữu là nhân tố lớn nhất trong cuộc bầu cử vừa qua, đó là điều mà ai cũng phải thừa nhận. Luận đề quanh chuyện „ di dân “ do họ đưa ra là trung tâm của mọi cuộc thảo luận. Nước Đức, quốc gia chiếm vị trí số một tại châu Âu mà trong các cuộc tranh cử không mấy ai nói đến việc suy thoái kinh tế, phát triển công nghệ, chiến tranh Ukraine, biến đổi khí hậu, thái độ với Mỹ… Các đảng phái đua nhau tìm cách lấy lòng dân chúng bằng cách hăng say đề nghị các biện pháp chống người nhập cư, đuổi họ về nước, đóng cửa biên giới, xới lại và phê phán quá khứ dễ dãi cho người tị nạn của bà Merkel... Như thêm dầu vào lửa, thỉnh thoảng lại xảy ra đâu đó các vụ án mạng, đâm dao, cán xe… do vài người Hồi giáo cực đoan gây ra. Báo chí chỉ nói đến những người nhập cư „ chuyên nghề “ dối trá và bạo lực, gian lận tiền bạc, sẵn sàng phạm pháp, quấy rối phụ nữ... Họ quên một thực tế khác là chính nước Đức đang cần dân nhập cư để lấp vào chỗ trống của sự thiếu hụt chuyên viên trong mọi ngành xã hội. Người Syria bị nhìn với cặp mắt nghi ngờ trên đường phố, nhưng có mấy ai biết có đến 5800 bác sĩ người Syria đang làm việc trong các bệnh viện. „ Người ta tranh cử trên lưng của chúng tôi “, đó là tâm trạng chung của người nhập cư.
Dân chủ thoái trào
„ Giải pháp khác “ của AfD chỉ là gây sự sợ hãi. Trong tủ kính của họ không có sản phẩm nào được trưng bày, chỉ treo hình ông ngáo ộp. Nhưng con người, nhất là con người sống quá lâu trong một xã hội hòa bình và thịnh vượng thì hay sợ và hướng đến sự an toàn bản thân. Thế nên cao trào dân túy cực hữu dĩ nhiên không phải là hiện tượng riêng lẻ tại Đức. Ở Áo, Ý, Pháp, Hà Lan…, phe cực hữu – dù có nhiều mức độ và màu sắc khác nhau – cũng đang chiếm ảnh hưởng trên mọi chính trường và cũng đang liên kết với nhau trên bình diện châu Âu.
Kể từ lúc Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng, chỉ sau một tháng cầm quyền, chủ trương cực hữu đang „ phát huy “ cao độ, trở thành thủ lãnh tất cả các đường lối cực hữu toàn thế giới, nhất là tại châu Âu. Cùng với điều trên, tại Mỹ, các định chế dân chủ bị cố tình triệt phá, các giá trị nền tảng bị chà đạp. Tất cả những điều mà mới cách đây vài tháng người ta cho là vô lý, nay đã thành sự thực hằng ngày và nguy hiểm hơn, đang thuyết phục nhiều người dân xứ khác, kể cả dân Đức.
AfD là đồng minh tự nhiên của Trump. Ông đã „ khuyên “ dân Đức nên bầu cho „ giải pháp “này và không ít người nghe theo. Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance, nhà tài phiệt Elon Musk thân hành đến Đức, không ngần ngại công khai hô hào quảng cáo cho đảng cực hữu này. Do đó con số 20,8 % của AfD đã được dự đoán trước trong các cuộc thăm dò. Thậm chí không ít người tính trước là AfD lẽ ra còn có thể lên đến 25 %. Với chính quyền mới của Mỹ, AfD có một đồng minh mạnh mẽ và thân cận. Chủ trương của họ hầu như đồng nhất : chống người nước ngoài, chống các định chế dân chủ, chống cộng đồng châu Âu và thân Nga.
Đó là chính trường nước Đức của 2025. Một mặt các chính đảng truyền thống và tôn trọng dân chủ như CDU/CSU, SPD và Xanh (Grün) trở nên manh mún, đánh mất lòng tin trong dân chúng. Mặt khác làn sóng cực hữu đã lan đến Đức, chiếm huy chương bạc của vòng bầu cử và và sẵn có „ bè bạn quốc tế “ tích cực chống lưng. Liệu họ sẽ giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc bầu cử bốn năm tới đây, đó là một câu hỏi nghiêm túc của nhiều nhà quan sát.
Ông Merz, làm sao đây ?
Một ngày sau bầu cử, hầu như ta có thể nghe rõ tiếng thở phào của cả nước Đức. Từ vài tháng qua, sau khi nội các „ Đèn giao thông “ với ba đảng SPD, Xanh và Dân chủ Tự do (FDP) sụp đổ và cuộc bầu cử được tổ chức sớm hơn dự định, dân chúng tại Đức chỉ quanh quẩn nghe từ „ Migration “ (nhập cư). Tất cả, kể cả các tu sĩ Cơ Đốc, đã quá ngán ngẩm với lời hô „ đóng cửa biên giới “. Các vị tu sĩ đó nhỏ nhẹ nhắc lại rằng ngày xưa, chính Chúa Jesus cũng là một người „ tị nạn “.
Với ngày 23.2.2025, những ngày rối loạn đó đã qua trong một nước Đức đang rêm mình. Thế nhưng may thay, nói như người Đức, họ đã „ die Kurve kriegen “ (lấy lại thăng bằng sau khi chao đảo). Tỉ lệ bầu cử cho thấy CDU/CSU sẽ có một liên minh vững vàng với SPD. Đó là hai đảng dân chủ truyền thống của Đức, hai đảng đang nắm hành pháp ở hầu hết các chính phủ tiểu bang. Hai đảng này tuy đấu tranh nhau kịch liệt trong cuộc tranh cử nhưng cả hai biết rõ mình phải làm gì trong thời gian tới cho nước Đức. Cả hai đều chia sẻ các giá trị dân chủ, giá trị của Cộng đồng chung châu Âu, một thái độ gần như nhất trí đối với chính quyền mới của Mỹ và cuộc chiến Ukraine. Không phải như tại Áo, cả hai đảng này đều loại bỏ sự liên minh hợp tác với mọi phong trào dân túy cực hữu. Và Tân Thủ Tướng Merz ? Ông thuộc cánh hữu truyền thống của CDU, từng thăng trầm nhiều trong nền chính trị Đức, có liên hệ tốt với giới tài chánh quốc tế, xem ra biết cách nói chuyện với Trump hơn bất cứ người tiền nhiệm nào. Trong tình hình này của nước Đức, Merz có lẽ là sự lựa chọn ít sai nhất.
Hai nhiệm vụ lớn nhất của Merz là sớm xây dựng một liên minh hài hòa của hai đảng vừa trực diện đấu tranh quyết liệt. Thứ hai, khôn khéo đối phó với chính quyền Trump, để vừa giữ Mỹ tiếp tục là đồng minh của Đức và châu Âu, vừa không để Mỹ tiếp sức cho các phong trào cực hữu.
Báo chí chạy tít, Merz đang là người „ quan trọng nhất châu Âu “. Có thể đúng phần nào nếu ta nhớ rằng, Đức có nền kinh tế lớn nhất khu vực và cũng đang suy thoái. Đức là nước đứng thứ hai sau Mỹ hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến ba năm qua về tài chánh và vũ khí. Đức là nước lớn của NATO gần với Nga nhất về mặt địa lý, sau đó mới đến Anh và Pháp.
Đó là những vấn đề mà nhân vật „ quan trọng nhất châu Âu “ và đồng sự phải trả lời. Nhưng việc đầu tiên trong những tuần tới là các nhà dân chủ phải ngồi lại, phải hàn gắn những sứt mẻ, đổ vỡ gây ra trong một cuộc tranh cử đầy cảm tính vừa qua. Có thể bóng ma AfD làm người ta phải ngồi sát lại với nhau hơn chăng ?
24.2.25
Nguyễn Tường Bách
Các thao tác trên Tài liệu