Cô Vi : Nước chảy ngược, càng chảy ngược
Cô Vi :
Nước chảy ngược,
càng chảy ngược
Ai cũng chờ đợi tác động nặng nề của
đại dịch Cô Vi lên nền kinh tế thế giới, lên thu nhập và tài sản của các
tầng lớp xã hội trên toàn cầu. Có lẽ ít ai ngạc nhiên khi Ngân hàng Thế
giới (WB) cho biết, từ nay đến cuối năm 2021, sẽ có thêm 150 triệu
người lâm vào cảnh “ nghèo cùng cực ” – thu nhập dưới 1,90 USD/ngày (Le
Monde,
7.10.2020). Lần đầu tiên từ một phần tư thế kỷ, 9,1-9,4 % dân số thế
giới sẽ lâm vào cảnh “ cực nghèo ”. Riêng ở Pháp, một số ước tính cho
biết dịch Cô Vi, số người sống dưới “ mức nghèo ” tăng lên khoảng 400
000 người, so với mức 9,3 triệu người (năm 2019) – như vậy số người
nghèo ở Pháp hiện nay xấp xỉ 10 triệu (14 % dân số).
Điều có thể làm không ít người nhạc nhiên là : trong khi đó, những người rất giàu, càng giàu thêm. Đây không phải là lời tố điêu của những người khuynh tả, mà là kết quả điều tra của UBS, ngân hàng lớn nhất của Thuỵ Sĩ, chuyên quản lý những tài sản lớn của toàn thế giới : từ tháng tư đến tháng bảy 2020, tài sản của các nhà tỉ phú đã đạt con số kỉ lục 10.200 tỉ USD, tăng gần 25 % trong vòng đợt đầu của đại dịch Cô Vi (xem nhật báo tài chính Les Echos, 7.10.20). Vẫn theo UBS, con số nhà tỉ phú đã tăng từ 2.158 người (năm 2017) lên 2.189 người (năm 2020). Riêng ở Việt Nam, theo Forbes, số tỉ phú từ 4 người (đầu năm 2020) đã lên 6 người (tháng 10.2020). Người đứng đầu, ông Phạm Nhật Vượng (chủ nhân tập đoàn VinGroup) tài sản lên tới 6,6 tỉ USD, tăng gần 1 tỉ trong vòng sáu tháng (Tuổi Trẻ, 27.10.2020).
Trong xu thế chung ấy, nước Pháp giữ một vị trí nổi bật : theo báo cáo thường niên UBS, tài sản của các nhà tỉ phú Pháp đã nhân lên gấp 5 lần (+439 %) trong thập niên vừa qua. Đây là độ tăng trưởng cao thứ nhì thế giới, chỉ thua Trung Quốc (+1 146 %), vượt xa các nước phương Tây khác : Canada (+238 %), Đức (+175 %), Hoa Kỳ (+170 %), Vương quốc Anh (+168 %)...
Trên 10 thị trường lớn, tài sản của các nhà tỉ phú đã nổ bùng trong mười năm qua (2009-2020)
NGUỒN : UBS, theo Clotilde MATHIEU
Cú “ đại nhảy vọt ” của hơn hai ngàn tỉ phú trong vòng mấy tháng đại dịch xuất phát, theo các nhà phân tích, từ hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất : chính quyền các nước phát triển cao đã tuôn ra nhiều nghìn tỉ đôla và euro dưới dạng miễn thuế và tín dụng lãi suất 0% vào các thị trường tài chính, khi đại dịch côvi tràn sang các nước phương Tây hồi tháng 2.2020, làm các thị trường chứng khoán tụt dù 40%. Thay vì tập trung trợ cấp đầu tư vào các lĩnh vực công ích như gìn giữ công ăn việc làm, đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường, họ ưu tiên cứu vãn các thị trường chứng khoán. Nhờ đó, các đại gia toàn cầu (0,1 % dân số thế giới) đã nhanh chóng thoát nguy và một số đã làm giàu hẳn lên, chủ yếu nhờ cổ phần. Nguyên nhân thứ nhì – báo cáo UBS, cũng dễ hiểu, nhấn mạnh tới điều này – là sự thắng lớn của các ngành công nghệ tiên tiến (các công ti trong nhóm GAFAM : Google, Amazon, Facebook, Apple, Microsoft) và, tất nhiên, công nghiệp dược phẩm. Nhân vật nổi trội là Elon Musk, ông chủ công ti Tesla (xe hơi điện, vệ tinh), mà tài sản đã nhân lên gấp bốn lần trong vài ba tháng. UBS ca ngợi Musk như một nhà doanh nghiệp "cách mạng", đi theo hướng phát triển sáng tạo và bền vững. Một sự nâng bi hơi bị lố bịch khi người ta biết rằng trong một thời gian dài, ông chủ Tesla đã từ chối mọi biện pháp vệ sinh mà nhân viên xí nghiệp của ông ở California yêu cầu. Và sản xuất những chiếc xe limousine chạy điện tiêu thụ rất nhiều năng lượng hoá thạch và ngốn rất nhiều đất hiếm, nghĩa là "thành tích cacbon" của Tesla cũng ngang tầm với tài sản của ông chủ (xem báo cáo UBS, và bài viết của Clotilde Mathieu, trong Humanité Dimanche, 15-21.10.2020).
Tóm lại, đại dịch Cô Vi 2020 càng làm nghiêm trọng hơn xu hướng kinh tế - xã hội bắt đầu từ cuộc “ cách mạng bảo thủ ” của cặp Reagan-Thatcher thập niên 1980 : người giàu ngày càng giàu, người nghèo ngày càng nghèo. Để biện minh cho những ưu quyền dành cho các nhà tư bản tài phiệt, và những chính sách siết chặt, thậm chí huỷ bỏ “ nhà nước ban phát ” (mà họ gọi là “ xã hội chủ nghĩa ”, là “ cộng sản ”), các nhà kinh tế “ tân-liberal ” đưa ra lí thuyết “ nước chảy từ trên xuống dưới ” (ruissellement), ý nói, người giàu có thêm của cải, tiêu xài hoang phí đến đâu cũng không hết, ắt sẽ đầu tư, kinh tế sẽ phát triển, mọi tầng lớp xã hội sẽ hưởng “ ơn mưa móc ”. Hơn ba mươi năm sau, thuyết này mất thiêng, tổng thống Macron sáng tạo ra một cụm từ mới để biện minh cho việc huỷ bỏ thuế tài sản (ISF) và giảm thuế tư bản : “ les premiers de cordée ” (những người đi đầu trong đoàn leo núi). Người đi đầu được nâng đỡ leo cao, sẽ kéo theo cả đoàn lên tận đỉnh núi. Cụ thể, người ta biện minh việc bỏ thuế tài sản, thay bằng thuế bất động sản, như vậy khuyến khích người giàu đầu tư, phát triển. Ba năm sau, thực tế đã chứng minh, như lời tiên đoán của nhà kinh tế Thomas Piketty, sự làm giàu này không phải do tạo ra thêm của cải mới, mà là kết quả của những chiêu trò “ tối ưu hoá thuế má ” (nôm na là trốn thuế, lách luật). Trả lời câu hỏi, việc huỷ bỏ ISF có tác động ra sao tới việc đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một cơ quan trực thuộc Phủ thủ tướng Pháp kín đáo sơ kết : “ cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào biểu hiện được tác động ngắn hạn và trung hạn tới sự đầu tư của các doanh nghiệp ” (x. Bruno Odent).
Có thể tiên đoán, không sợ sai, rằng mùa thu này, trong các cuộc biểu tình đấu tranh xã hội (nếu không bị cấm vì Cô Vi), khẩu hiệu “ premiers de cordée ” sẽ được đổi một chữ cái, d thành v : “ premiers de corvée ” trong cửa miệng của những người đi hàng đầu trong lao động khổ sai (corvée).
Kiến Văn
Các thao tác trên Tài liệu