Con mèo
CON MÈO
Cao Huy Thuần
Trong mùa tranh cử tổng thống ở Mỹ cách đây hơn hai năm, tôi có đọc được một câu của ông Trump do tờ Washington Post (7-10-2016) đăng lại từ một cuộc phỏng vấn đã được một nhà báo thực hiện vào năm 2005. Lúc đó, ông Trump đã là một tay đại tỷ phú địa ốc, nhưng chắc chưa mơ màng gì đến cái ghế tổng thống. Vì vậy, ông đâu có cần giữ gìn miệng lưỡi gì về cái chuyện ấy, chuyện bí mật riêng tư mà người ta thường để trong bụng. Ông thì khác, bụng nghĩ gì, miệng cứ phát ngôn, trung thực. Không chừng ông còn khoái bô bô tuôn ra và bây giờ lại càng khoái được ghi vào sử sách nguyên văn câu nói bất hủ :
« You know I'm automatically attracted to beautiful. I just start kissing them. It's like a magnet. Just kiss. I don't even wait. And when you're a star, they let you do ít. You can do any thing. Grab them by the p**sy. You can do any thing ».
Với vốn liếng tiếng Anh giả cầy của tôi, tôi thừa sức dịch : « Chắc ông biết, đàn bà đẹp hấp dẫn tôi tự nhiên như một cái máy. Bắt đầu, tôi hôn. Như một cục nam châm. Chỉ hôn. Chả cần chờ đợi gì tuốt. Khi mình đã là siêu sao, họ để mặc mình hôn hít. Mình muốn làm gì thì làm. Túm lấy cái... » Cái gì mà "tha hồ mình muốn làm gì thì làm" ?
Đến đó thì tôi khựng lại, tra tự điển làm gì có chữ p**sy ? Chắc phải là một chữ tục. Chữ tục, người thanh không nói. Nói, sợ bẩn miệng. Viết, sợ bẩn giấy. Nên phải mặc áo quần cho chữ bằng hai cái dấu **. Biết là chữ tục, thế là đủ, tìm hiểu thêm làm gì, chắc là nhân dân Mỹ không bầu cho người ấy đâu. Người Mỹ, như tôi thường học, có gốc văn hóa puritan. Mà puritan, theo định nghĩa, là người chủ trương phải siêng năng làm việc, phải luôn luôn tự kiểm soát mình, đừng tìm thú vui nhục dục vì đó là sai quấy và không cần thiết. Vậy thì ai mà bầu cho người nói tục ?
Ấy thế mà cả thiên hạ đều chưng hửng : người ấy thành tổng thống của nước Mỹ ! Tôi lắng nghe mọi lời giải thích về kết quả ngược ngạo đó, và để ý đến lời giải thích này : người ấy đáp ứng đúng điệu cái tính đực, cái tính thích người hùng nằm âm ỉ đâu đó trong ẩn ức của một số cử tri thuộc phái mày râu mà cũng có thể thuộc cả khách má hồng. Cho nên tôi lật đật tìm hiểu hai cái dấu ngôi sao kia che đậy chữ gì. À, chữ pussy ! Pussy là con mèo... và, và tôi bật cười thấy mình đồng lõa với ông Trump, con mèo là... cái ấy.
Tôi nghĩ ngay đến Hồ Xuân Hương của ta. Giá như Hồ Xuân Hương sống lại và hỏi tôi pussy là gì để bà làm thơ, tôi sẽ trả lời sao đây ? Là "Quả mít" ? Là "Bánh trôi nước" ? Nhưng "quả mít" thì đúng là quân tử đừng mân mó nó, chứ con mèo, vuốt ve nó thì nhựa nào ra tay ? Còn "bánh trôi nước", con mèo đâu có hình thù gì của "thân em thì trắng phận em tròn" ? Tôi phải dịch chữ ấy sao đây để bà vừa thấy có con mèo, vừa thấy cái du côn du kề trong câu nói ? Chịu thôi. Đành tàm tạm thế này : « Túm lấy cái meo meo của nó. Rồi tha hồ, muốn làm gì thì làm ».
Tưởng đùa thi văn chốc lát thôi, ai ngờ meo meo hiên ngang đi vào chính trị. Tôi mới đọc một bài hay trong báo Le Monde, Pussy entre en politique (12-1-2019), biết thêm được vài chi tiết lý thú. Cùng một ngày với câu danh ngôn đăng trên Washington Post, nữ nghệ sĩ Kelly Oxford, người Canada, sống tại Los Angeles, phóng lên tweet hàng chữ sau đây : « Một lão già trên xe buýt túm cái meo meo của tôi rồi cười. Tôi 12 tuổi ». Bà kêu gọi phụ nữ kể lên công khai những sách nhiễu tính dục mà họ là nạn nhân. Chỉ trong vài ngày bà nhận được hơn một triệu chứng từ. Nhiều hội đoàn tranh đấu cho quyền phụ nữ tung lên mạng #PussyGrabsBack lời kêu gọi cử tri phụ nữ bỏ phiếu lại chống Trump. Kết quả : 54 % chọn Hillary Clinton, 42 % Donald Trump. Vẻ vang, meo meo nhảy tót vào chính trị thế giới.
Những chuyện xảy ra sau đó, có ai quên ? Ngay sau ngày Trump tuyên thệ nhiệm chức, 21-1-2017, ba triệu phụ nữ biểu tình trong khắp các thành phố Mỹ, hàng chục ngàn các bà các cô đội một chiếc mũ màu hồng vừa được thiết kế, với hai tai mèo vểnh lên trời, khai sinh với Nam Tào Bắc Đẩu một cái tên vừa xuất hiện dưới trần gian : pussy hat. Mũ meo meo. Hai nhà thiết kế mũ, Jayna Zweiman và Krista Suh, cắt nghĩa cái tên đó trên internet : « Tên ấy được chọn để phản đối những lời lẽ lỗ mãng của Donald Trump về cái tự do túm lấy các bộ phận sinh dục của phụ nữ và để giải tục cái chữ "meo meo" ». Nghĩa là Hồ Xuân Hương của ta chả cần kiêng khem gì nữa, cứ gọi cái đó là cái đó, và vất cái đó vào mặt... vào mặt của ai đáng vất vào.
Meo meo được vất vào mặt của... một lần nữa đúng một năm sau, ngày 20-1-2018, trong trận thủy triều biểu tình của phụ nữ lần thứ hai, mũ hồng và tai mèo đông gấp bội. « Pussy Power ! », meo meo phất phới trên khẩu hiệu. Quyền lực thuộc về Meo Meo ! Khiếp hơn nữa, « Meo Meo của tôi cắn ! » Pussy vượt biên tràn qua Pháp, tất nhiên trở thành "chatte". "Chatte" phất phới trên biểu ngữ trong trận biểu tình ngày 24-11-2018 của phụ nữ chống lại mọi bạo lực về tính dục. « Không được động đến cái meo meo của tôi » ; « Meo meo của tôi là trận mạc ». Ai tranh đấu cho môi trường ? Cũng là meo meo : « Quả địa cầu là meo meo của tôi, hãy bảo vệ vùng ướt ». Ngày 20-12-2018, mạng quyền phụ nữ CheekMagazine bầu "chatte" là chữ biểu trưng của năm 2018. Cái pussy vất vào mặt một người, cái chatte vất vào mặt của những thằng đực có máu Weinstein trong số một nửa nhân loại. Nhưng cũng phải cám ơn cơn động đất Weinstein. Nhờ có ông như thế mới có các siêu sao điện ảnh thượng thặng như thế, người đẹp như thế, hoa hậu như thế, tố cáo ông bạo lực tính dục chi tiết thế nào, nhờ thế mà phong trào #MeToo, phóng ra vào tháng 10-2017, làm bật lên hàng trăm tiếng nói lâu nay câm nín của nạn nhân phụ nữ khắp nơi. Meo meo trở thành biểu tượng của nữ quyền. Trong một nước mà Thượng Đế đã bị triết lý tuyên bố là đã chết, meo meo không phải chỉ là bất khả xâm phạm mà còn là thiêng liêng vì có "linh hồn".
Nói rộng ra thêm, e tôi sẽ động đến các tín ngưỡng thờ linga. Xin hạn chế vào chuyện con mèo và trong lĩnh vực chính trị của nước Mỹ, đúng hơn là trong lĩnh vực văn hóa chính trị, nhiều văn hóa hơn là chính trị, bởi vì tôi nói chuyện về một nước mà văn hóa vốn được dùng và được xem như là sức mạnh mềm thu hút thế giới.
"Pussy" ở Mỹ và "bánh trôi nước" ở quê hương tôi khác nhau một điểm mà ai cũng biết : một bên thì ý tục lời tục, một bên thì ý tục lời thanh. Tinh tế của văn hóa là ở chỗ đó. Tôi biết : lắm khi văng tục là cần thiết. Văng tục ở nơi này là thô bỉ, văng tục ở nơi khác lại là thông minh, thăng hoa cái tục. Ở đây, con mèo được thăng hoa ! Thế nhưng, nếu tục tĩu trở thành khí giới chính trị, nếu ngôn ngữ chửi bới, mạ lỵ, du côn, chợ búa trợ lực cho cái ý muốn làm khơi dậy cái ghét, cái thù, cái si mê, cái cuồng tín nơi một phe để củng cố phe mình, chống lại đối phương như ai cũng thấy nơi ông Trump thì, coi chừng, văn hóa Mỹ đang lăn tuột xuống hố bùn.
Nó lăn từ khi tục tĩu đi vào tranh cử. Khó mà tưởng tượng, thật khó mà tưởng tượng có ngày ngôn ngữ hạ cấp này bốp chát nhau để thành điểm nóng trong một cuộc tranh cử tổng thống ở một nước văn minh. Xin kể bối cảnh. Ở Việt Nam ta hình như không thấy, nhưng ở Mỹ có một nguồn tin tướng số rất phổ biến về mối tương quan mật thiết giữa bàn tay và bàn chân với... cái ấy. Ngón tay dài là dấu hiệu tỷ lệ thuận bên ngoài của nam nhi nào dài. Hãnh diện. Ngón tay ngắn cũng là tỷ lệ thuận với bên trong. Nhưng mặc cảm. Bàn chân to cũng là tỷ lệ thuận về phía nữ nhi, nhưng thay vì hãnh diện thì lại mặc cảm, mắc cỡ, khi phải đưa chân ra để mua giày, thử dép. Trong cuộc tranh cử 2016 giữa đảng Cộng Hòa với nhau để bầu ra ứng cử viên tổng thống, thượng nghị sĩ Marco Rubio kể lại một kỷ niệm hồi trẻ. Ông có một đứa bạn chế diễu ông là « Rubio tý hon ». Nguyên văn : « Tôi công nhận nó cao hơn tôi, khoảng 6,2, vì vậy tôi không hiểu tại sao bàn tay của nó chỉ lớn bằng bàn tay của người cao 5,2. Quý vị hiểu người ta nói gì rồi về các bàn tay nhỏ: đừng tin gì nơi chủ nhân của các bàn tay ấy ».
Như vớ được mỏ vàng, ứng cử viên Trump xòe bàn tay năm ngón ra trước cử tri, đắc thắng : « Đây này, nhìn vào hai bàn tay cho rõ, hai bàn tay này mà nhỏ hả ? Rubio muốn nói hai bàn tay của tôi, ám chỉ rằng nếu nó nhỏ, cái gì khác cũng nhỏ. Tôi bảo đảm với quý vị rằng đâu có vấn đề ấy. Tôi bảo đảm ».
Tưởng ông bảo đảm nước Mỹ sẽ lớn, sẽ cương, chứ bảo đảm cái mục ấy trong một cuộc tranh cử tổng thống, thật chưa từng nghe. Văn hóa tranh luận đã tụt xuống dưới cái lưng quần. Cho nên, cũng dưới cái lưng quần, có kẻ đáp lễ lại ông trong chiến trận giữa tweet với tweet, thoắt sent thoắt delete. Chép ngay nguyên văn kẻo mất : « I will only watch Trump's "speech" tonight if he's hooked up to a machine that shocks his balls every time he lies ». Tôi phải dịch sao đây ? « Tối nay tôi sẽ chỉ xem Trump nói trên đài nếu ông ta được gắn vào một cái máy mà mỗi lần ông ta nói láo là hai hòn bi của ông bị sốc » ?
Và tôi phải dịch sao đây cho lột ra được cái chợ búa nơi các chữ chửi thề quá lạm phát trên miệng ông Trump : fucker, fucking... ? Đọc tờ báo Guardian trên mạng kể lại chuyện chuẩn bị tiền nong phải chi ra cho giai đoạn chuyển tiếp một khi đắc cử, tôi đếm ba lần, ba lần ông Trump văng mạng ra chữ "fuck" trong một buổi làm việc với hai cố vấn (Steve Bannon và Chris Christie). Lần thứ ba, khi một cố vấn chỉ cho ông hiểu phải thận trọng, vì luật pháp quy định rất chặt chẽ trong việc này, ông văng tục : « Fuck the law, I don't give a fuck about the law. I want my fucking money ». Tôi phải dịch sao đây ? Không dịch cũng không được, vì ông lại văng cái chữ ấy trước mặt bà Pelosi, theo Wall Street Journal (5-1-2019), trong buổi làm việc ngắn ngủi để mặc cả giải pháp cho cái shutdown đang gây khủng hoảng trầm trọng cho nước Mỹ. Ông fuck với người ta, người ta fuck lại ông. Chẳng hạn bà dân biểu Rachida Tlaib, người phụ nữ gốc Palestine đầu tiên vừa được bầu vào Hạ Viện. Trước đám đông hồ hởi phấn khởi, bà ứng khẩu : «Dân chúng thương bạn và bạn đã thắng. Khi con trai bạn nhìn bạn, nói : « Má ơi, má đã thắng, Bullies thua », bạn nói : « Đúng, họ đã thua. Bởi vì chúng ta sắp sửa đi đến đấy, và chúng ta sắp sửa truất phế... ». Chà, dịch cái chữ cuối sao đây : « ... and we're going to impeach the motherfucker » ?
Hồi nhỏ, chơi bài tới với lũ con gái, con trai chúng tôi rất khoái, nhưng con gái thì hơi ngượng khi bị cười là bốc đúng con bài có hình thù kỳ quái và một cái tên cũng kỳ quái nhưng tượng thanh : con "nọc đượng". Ngượng cũng đúng thôi, vì nọc đượng là... cái ấy của lũ con trai chúng tôi. Chẳng lẽ tôi phải dịch : « ... và chúng ta sắp truất phế cái lão nọc đượng » ? Chứ dịch thế nào để đối xứng với chữ pussy của tác giả ấy ? Một bên xổ cái (meo meo) ra thì một bên phải con (nọc đượng) lại chứ !
Thật tình, tôi chỉ muốn làm dịch giả. Dịch thế nào để phản ánh cho được không khí ô nhiễm đang chợ búa hóa tranh luận chính trị hiện nay ở Mỹ. Nhưng tại sao dân chủ ở Mỹ lại tha hóa đến thế ? Tôi nhường câu trả lời cho Chris Cillizza của đài CNN, phát đi ngày 30-10-2018. Khi ông Trump ra tranh cử tổng thống, một trong những trọng điểm mà ông lăng-xê để thu hút cử tri là tấn công vào political correctness – nói cho phải đạo trong chính trị. « Chúng ta phải chấn chỉnh lại đất nước chúng ta, chúng ta phải làm cho đất nước chúng ta vĩ đại trở lại, và chúng ta cần nghị lực và nhiệt tình. Thế mà cái thứ phải đạo chính trị ấy, chính nó, chính nó tuyệt đối, đang giết đất nước chúng ta ». Ông Trump điểm mặt thủ phạm : chính bọn liberals, chính bọn elites, chính bọn thượng lưu trí thức phe tả ấy đã đưa chúng ta vào tình trạng mà chẳng ai dám nói ra miệng điều gì mình nghĩ trong đầu, sợ bị mang tiếng là thiếu khoan dung, là chưa giác ngộ.
Ông rót mật vào tai ai ? Dân da trắng đang cảm thấy xã hội và văn hóa trong đó họ đã được nuôi dưỡng thay đổi quá nhanh, quá xa lạ. Quyền của phụ nữ, quyền của người da màu, quyền của người đồng giới luyến ái, quyền của thiểu số được giữ ngôn ngữ riêng... bao nhiêu vấn đề của thời đại mới nổi cộm lên trong xã hội, nhất là trong các đại học, trên đó ai có luận bàn gì cũng phải tự bắt buộc phải uốn lưỡi cho phải đạo thời thế, nếu không thì bị bọn liberals huýt còi thổi xuống. Tình hình ấy là có, ông Trump không nói sai. Có điều là ông đẩy vấn đề đi quá xa khiến cái lưỡi trong tranh luận được thả giàn nhảy rào, nhảy những cái rào lịch sự, đạo đức, đã bị hạ xuống quá thấp. Hậu quả đầu tiên là ngôn ngữ thù ghét lâu nay bị mặc áo quần văn minh, bây giờ cởi phăng cả trên lẫn dưới, cái bất khoan dung được ông Trump tháo củi sổ lồng. Từ trên miệng và trên mạng, đả đảo bọn Do Thái nhảy qua hành động : 11 người Do Thái bị giết trong nhà thờ ở Pittsburgh. Chưa kể đe dọa, phá phách tăng lên gấp bội. Bình đẳng da đen ? Diễu hành « da trắng thượng đẳng » rần rộ diễn ra ở Charlottesville, đưa đến cái chết của một người da đen. Thủ lãnh David Duke của Ku Klux Khan tuyên bố huỵch toẹt : « Chúng tôi cương quyết đưa đất nước chúng tôi trở lại như trước. Chúng tôi sẽ hoàn thành lời hứa của Donald Trump, đó là điều chúng tôi tin. Đó là điều tại sao chúng tôi đã bầu cho Donald Trump, bởi vì ông nói ông sẽ đem đất nước chúng ta trở lại như trước ».
Từ đó, thứ ngôn ngữ hạ cấp, lỗ mãng, thù ghét trở thành hồi còi thúc trận để quy tụ, bành trướng khối cử tri cơ sở đã đưa ông Trump lên tổng thống một lần và có thể cả lần thứ hai. Nguy hiểm cho chính nền dân chủ Mỹ khi phe Dân Chủ muốn theo gót ông Trump, chả lẽ nó thối mà mình cứ thơm ? Bà Hillary Clinton cảnh cáo trên CNN với Christiane Amanpour : « Bà không thể lễ độ với cái đảng chính trị muốn phá hủy những gì bà bảo vệ, những gì bà quan tâm. Vì vậy, tôi tin, nếu chúng tôi may mắn lấy lại được đa số trong Hạ Viện hoặc cả Thượng Viện, lúc ấy lễ độ có thể được lập lại. Nhưng cho đến lúc đó, việc duy nhất mà phe Cộng Hòa dường như thừa nhận và kính phục là sức mạnh ». Ông Trump đã thành công trong việc chia rẽ phe Dân Chủ, giữa người chủ trương trở về lễ độ trong mùa tranh cử 2020 và những người cho rằng muốn thắng Trump thì phải duy nhất sủa to hơn Trump. Làm tôi lại nhớ văn chương nước tôi.
Nước tôi có ông Cao Bá Quát để lại một giai thoại khá tếu. Có lần hai ông quan to cãi nhau to tiếng, vua Tự Đức bảo Cao Bá Quát làm tờ trình thuật lại tự sự. Ông Quát trình lên một bài thơ ngắn mà đoạn cuối là : « Bên này "chó", bên kia "chó" / Hai bên đều "chó" cả / Thần thấy thế nguy thần tẩu ». Trong chiến trận giữa "cẩu" với "cẩu" như thế ở Mỹ hiện nay, ai thấy thế nguy, ai co dò chạy mất ? Chính nền dân chủ. Dân chủ đặt nền móng trên tranh luận ôn hòa, có lập luận, có lý trí. Một khi bạo lực đã đi vào ngôn ngữ, một khi phe này và phe kia không còn biết tôn trọng lẫn nhau, nền móng rạn nứt. Đe dọa không chỉ hạn chế ở Mỹ : khắp Âu châu, cùng một thứ vi trùng bất khoa dung. « The West is now rudderless », tờ New York Times (17-1-2019) cảnh báo : « Tây phương bây giờ đã mất bánh lái... Vắng biệt tâm trí và ý chí, chúng ta đang trôi dạt vào một giai đoạn tự từ chối văn minh ». Bài báo than thở : « Trong 30 năm qua, chúng ta giáo dục về tầm quan trọng của phán đoán, của tính thiện, của sự tôn trọng chính thể qua con người của tổng thống... », vậy mà bây giờ thế nào ? Bây giờ ta có một ông tổng thống như hề, "clownish behavior". Ông Trump là người mở hũ mắm. Nói theo văn vẻ Tây phương là mở nắp Pandora : lâu la, quỷ sứ, dân cuồng, dân say, dân populisme... được bật lò xo, tung lên tác quái không chỉ ở Mỹ. Và ai đã vô tình hay hữu ý giúp ông ? Báo chí, truyền thông, media. New York Times (11-1-2019) than phiền cái xu hướng chụp giựt những thông tin, hình ảnh sốt dẻo, hấp dẫn, cụp lạc lan tràn trên giấy báo và trên màn ảnh, đánh mất chiều sâu, bối cảnh, viễn tượng của sự kiện. « Khi ta đưa tin như là các pha diễn xuất trên sân khấu, Trump là siêu sao... Trước mắt cử tri của Trump, ông ta đầy sức mạnh, và đó là cốt lõi trong huyền thoại người hùng mà ông nắm giữ ». Mạnh như sư tử. Hùng như sư tử đực. Độc giả và khán giả luôn luôn đói cái mới, cái lạ, cái kích thích. Càng ào ào chỉa mũi dùi vào cái láo, cái xấc, cái con đực trong ông, lượng độc giả, khán giả càng đông, Trump càng mạnh. Đừng tưởng báo chí là kẻ thù của ông như ông nói. Trong bụng, ông chẳng ghét báo chí đâu. Chẳng ghét chút nào : ông lợi dụng báo chí đấy, ta vô tình đẩy ông lên mà không biết. Bài báo có những câu phản tỉnh đáng rùng mình : « Câu chuyện thật về Trump, không phải là cái vô đạo đức, cái chửi bới của ông ta. Đó là sự tiếp nhận đồng lõa của người Mỹ chúng ta. Phần đông cử tri cho ông là bất lương, là vô liêm sỉ, thế nhưng phần lớn trong họ vẫn bỏ phiếu cho ông như thường ». Câu ngắn này còn đáng rùng mình hơn : « Các nước dân chủ chẳng bầu lên được những người lãnh đạo xứng tầm ». Họ bầu ai trong nước dân chủ Mỹ ? « Họ chỉ nhận được những nhà lãnh đạo nào đã thành công sau khi vượt qua những hàng chướng ngại trong môi trường mà báo chí đã tạo ra ». Té ngửa : hóa ra chính nước Mỹ, chính dân chủ Mỹ tạo ra Donald Trump !
Đâu phải chỉ là chuyện con mèo ! Đó chỉ là chuyện khởi đầu từ năm cũ, cái mốc đầu, cái mở màn của một sân khấu văn hóa tweet, báo trước cả một chuỗi chính sách đưa nước Mỹ thụt lùi vào con đường cá nhân độc đoán, mỵ dân, phân biệt giai cấp, chủng tộc, chia rẽ xã hội làm hai để trị, bất chấp sự thật, lương tâm, kể ra không hết ở đây, chỉ nào và nào. Nào láo toét lật lọng, nào coi rẻ môi trường, nào cắt thuế cho nhà giàu, nào đi đêm với Nga... bây giờ lại còn thêm những "nào" mới toanh, phản ánh những phẫn nộ, những cái đấm ngực tức tối của dư luận tiến bộ : nào ngu dốt, nào vô kiến thức, thậm chí gọi thẳng thừng ông tổng thống là « tên trẻ con nổi chướng », kể cả « tên bán nước », vì tiết lộ bí mật an ninh với Nga, vì cái thòng lọng impeachment cứ treo lơ lửng hàng ngày. Thế mà cái tên ấy cứ hiên ngang đi đến nhiệm kỳ thứ hai, chưa ai cản nổi, vì đảng Dân Chủ chia rẽ chẳng tìm được ai để làm ngôi sao bắc đẩu, và đảng Cộng Hòa lụn bại thì chỉ biết nhắm mắt làm ngơ. Nước Mỹ mà tôi kính phục, nền dân chủ Mỹ mà tôi đã học cùng với thế kỷ khai sáng ở châu Âu, nước Mỹ mà tôi còn giữ trong tim bao nhiêu kỷ niệm thân yêu về những campus đại học trong đó tôi đã được sống, nước Mỹ, ôi nước Mỹ, nước Mỹ của tôi bây giờ tha hóa đến vậy sao ?
Cao Huy Thuần
Các thao tác trên Tài liệu