Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Cuộc khủng hoảng "áo vàng" ở Pháp

Cuộc khủng hoảng "áo vàng" ở Pháp

- Hoà Vân — published 14/12/2018 22:15, cập nhật lần cuối 14/12/2018 22:54

Phát biểu của tổng thống Emmanuel Macron


Cuộc khủng hoảng "áo vàng" ở Pháp


Hoà Vân



Cuối cùng thì tổng thống Pháp "Jupiter" Emmanuel Macron cũng đã phải xuống nước, dịu giọng và đưa ra một số biện pháp đáp ứng phần nào đòi hỏi của những "người khoác áo vàng", hầu mong gỡ được phần nào bế tắc của chính trị Pháp trong cuộc khủng hoảng lớn kéo dài từ hơn 4 tuần trước.

Cụ thể, trong bài diễn văn dài 13 phút trên đài truyền hình tối ngày 10/12/2018, sau khi đã nhấn mạnh không thể chấp nhận các hành vi bạo lực trong mấy tuần qua, ông Macron đã công nhận nó bắt đầu từ một sự phẫn nộ chính đáng "mà nhiều người trong chúng ta chia sẻ", của những người mà cuộc sống đã khó khăn nay phải đứng trước những khoản tăng giá dự trù sẽ áp dụng từ đầu năm tới. Ông cũng nhắc lại nhưng không nêu rõ tên của khoản tăng đầu tiên (tăng thuế xăng) đã khởi đầu cho đợt phản kháng (1), mà (trước sức ép của phong trào phản kháng), thủ tướng đã "bãi bỏ cùng với tất cả những tăng giá đã được trù tính cho đầu năm tới".

Ông cũng đã điểm qua những thành phần dân chúng phải hàng ngày vật lộn với cuộc sống khó khăn tới mức nổi giận khi nghe tin tăng giá, "một sự giận dữ thật ra sâu sắc hơn, mà tôi cảm thấy chính đáng trong nhiều khía cạnh", (...) "một trạng thái tuyệt vọng không phải hôm qua mới có nhưng một cách hèn nhát chúng ta đã làm quen với nó, và nói cho cùng, mọi chuyện xảy ra như họ đã bị bỏ quên, bị xoá đi". (...).

"(Cái cảm giác bất ổn về nhiều mặt trong xã hội Pháp) đến từ rất xa, nhưng vấn đề là ở đây bây giờ.". Tổng thống Pháp đã thừa nhận "phần trách nhiệm của mình" vì đã không mang lại được lời giải đáp nhanh chóng, mạnh mẽ (từ khi ông lên cầm quyền, một năm rưỡi nay), thừa nhận "đôi khi đã tạo ra cảm tưởng mình có những ưu tiên khác (với quan tâm hàng ngày của người dân)", hoặc "đã có những phát biểu làm tổn thương người nghe"..., trước khi liệt kê lại những cải tổ mà ông mong muốn khi ra ứng cử tổng thống năm trước, "chính vì đã linh cảm thấy cuộc khủng hoảng này".

Và để đáp ứng "tình trạng khẩn cấp về kinh tế và xã hội" hiện nay, xây dựng "một nước Pháp nơi người dân có thể sống một cách xứng đáng với lao động của mình", ông đưa ra những quyết định có thể tóm tắt như sau :

- Mỗi người lao động lĩnh lương tối thiểu (tiếng Pháp : "smic", viết tắt của salaire minimum interprofessionnel de croissance), sẽ được lĩnh thêm 100€/tháng kể từ tháng 1.2019 "mà người chủ không phải tốn thêm một xu nào".

- Những giờ làm thêm sẽ không bị đánh thuế kể từ năm 2019, và cũng không phải đóng bảo hiểm xã hội mở rộng ("contribution sociale généralisée", quen được viết tắt là CSG) - khoản phí bắt buộc bao gồm phí bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.

- Đối với những người có lương hưu thấp hơn 2000€/tháng. bãi bỏ trong năm 2019 việc tăng CSG mà họ đã chịu trong năm nay. Ông Macron cũng thừa nhận, việc tăng này là quá mạnh và không công bằng đối với họ.

- Miễn thuế và bảo hiểm xã hội cho các khoản tiền thưởng cuối năm ở các doanh nghiệp.(2)

Cuối cùng, để trả lời một đòi hỏi thường xuyên được nêu ra từ đầu nhiệm kỳ tổng thống, đặc biệt là trong những cuộc tranh luận mấy tuần qua, ông Macron khẳng định sẽ không trở lại quyết định bãi bỏ thuế tài sản lớn (ISF). “Tôi biết trong khung cảnh hôm nay một số người muốn tôi trở lại quyết định cải tổ thuế này, nhưng trong gần 40 năm mà nó đã tồn tại, cuộc sống của chúng ta có tốt hơn không? Những người giàu có bỏ đi và đất nước ta suy yếu đi.”. "Thuế này đã được bãi bỏ đối với những người đầu tư vào kinh tế nước ta và do đó giúp tạo ra công ăn việc làm", ông nói tiếp. "Trở lại tình trạng cũ sẽ làm suy yếu thêm đất nước, trong khi mà chúng ta đang tái tạo ra công ăn việc làm ở mọi ngành kinh tế".

Lập luận không phải không có cơ sở, tuy nhiều nhà kinh tế cho rằng nó không đủ thuyết phục và chỉ tăng cường hình ảnh "tổng thống của người giàu" của ông.

Nhưng đó vẫn là một tranh cãi về lý thuyết kinh tế, có trước và sẽ còn tồn tại sau cuộc khủng hoảng. Vấn đề hôm nay là, liệu bài diễn văn cần thiết nhưng khá chậm trễ này có đủ để giảm bớt căng thẳng của những cuộc biểu tình "áo vàng" mỗi cuối tuần từ 5 tuần nay(3), và dẫn đến những đối thoại bình tĩnh hơn, đi sâu hơn vào những cải tổ cần thiết cho xã hội, kinh tế Pháp ?

Người ta có thể thấy rằng những nhượng bộ nêu trên (đối với các đòi hỏi về đời sống hàng ngày của tầng lớp dân chúng có khó khăn nhất) được đi kèm với sự khẳng định nét lớn của đường lối kinh tế, thuế khoá mà ông đeo đuổi, (tuy đã được minh bạch từ trong những tranh luận tiền tuyển cử nhưng không ngừng bị tố cáo là thiên vị người giàu, bất công với người nghèo).

Mặt khác, một trong những yêu sách chính của "áo vàng", sự cải thiện hoạt động của nền dân chủ Pháp, đặc biệt là sự thiết lập một cuộc trưng cầu dân ý khi có yêu cầu của dân chúng ("référendum d'initiative citoyenne"), viết tắt: RIC, rõ ràng là chưa được ông Macron đáp ứng trong bài phát biểu này.

Điều chắc chắn là khó lòng có và không nên chờ đợi một lời kêu gọi ngưng biểu tình từ phía những "thủ lĩnh" áo vàng , (một nhóm xã hội tự phát, xem chú thích dưới đây), dù một biến cố mới xảy ra đặt vấn đề an ninh lên hàng đầu : một tên khủng bố đã nổ súng vào đám đông bên cạnh "chợ Noel" ở thành phố Strasbourg chiều hôm 11/12, làm 4 người chết và hơn 10 người bị thương. Nhưng liệu họ có huy động được như mấy tuần trước, và tiếp đó nữa ? Câu trả lời cực đoan của một lĩnh tụ áo vàng đầu tiên là "sẽ làm tới cùng" có sẽ được số đông "áo vàng" ủng hộ và đi theo?

Hồi V của cuộc phản kháng, ngày mai 15/12, sẽ cho biết khuynh hướng của những diễn biến tiếp theo. 

Dù sao thì cuộc phản kháng lớn nhất của xã hội Pháp từ nhiều năm nay, có thể nói không ngoa là từ "tháng năm 1968", chắc chắn sẽ để lại, như tháng 5.1968, dấu vết sâu đậm trong một xã hội có nền văn hoá và kinh tế cao nhưng vẫn có rất nhiều điểm cần cải tổ, đặc biệt là trong quan hệ giữa người dân và nhà cầm quyền, dù họ đã được bầu lên một cách dân chủ thực sự chăng nữa.   


Hoà Vân

14/12/2018


Chú thích.


(1) Sự tăng thuế này, cộng với việc giá dầu tăng, được chính phủ biện minh là cần thiết trong chương trình "chuyển tiếp môi trường", nhằm hạn chế và tiến tới thay toàn bộ xe chạy dầu diesel bằng xe chạy bằng xăng và điện (hiện nay, xe thuần điện chưa nhiều, nhưng xe hỗn hợp "hybride" xăng- điện đã khá phổ biến). Tuy nhiên, chính Nicolas Hulot, cựu bộ trưởng môi trường đã từ chức hồi cuối hè năm nay cũng đã trách chính phủ là biện pháp tăng giá này được đưa ra mà không kèm theo các biện pháp xã hội hỗ trợ những thành phần dân chúng bị ảnh hưởng nhiều nhất: những người mà nơi ở (đặc biệt là nông thôn) và nghề nghiệp buộc phải dùng xe hơi hàng ngày, và thường là xe chạy dầu do chính sách hỗ trợ diesel từ mấy thập niên vừa qua. 

Không phải ngẫu nhiên mà ông Eric Drouet, người khởi xướng ra chiến dịch áo vàng là một tài xế xe tải. Người thứ hai, bà Priscillia Ludosky, người đưa ra một kiến nghị đòi giảm giá xăng bán lẻ, là một chủ doanh nghiệp bán hàng trên mạng, cả hai sống ở ngoại ô xa (hơn 50 km) của Paris. Có thể nói, việc tăng giá xăng đụng chạm tới sự sống còn của gia đình họ. Tất nhiên, đây chỉ là một giọt nước làm tràn ly, vì cái cảm giác bất ổn (mà Macron nói tới trong diễn văn của mình), tuy kéo dài từ lâu nhưng đã được nhân lên nhiều lần từ đầu nhiệm kỳ tổng thống này, do những chính sách "thuần kinh tế" (bãi bỏ thuế ISF "nhằm kéo những người có tiền đầu tư trở lại vào kinh tế Pháp", nhưng được người dân cảm nhận như thiên vị nhà giàu - không chỉ là cảm nhận, mà họ thấy rõ qua hầu bao của họ !) và những phát biểu kênh kiệu mà chính Macron đã phải thừa nhận trong bài diễn văn này.

(2) Một dự luật ngân sách sẽ được chính phủ thảo luận ngày 19/12 trước khi trình Quốc hội, khi đó người ta mới biết cụ thể các biện pháp này sẽ được triển khai ra sao. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng chính phủ Pháp sẽ phải vượt qua tỉ lệ thiếu hụt ngân sách 3% mà các nước trong Liên hiệp châu Âu cam kết.

(3) Cuộc phản kháng bắt đầu trên mạng Facebook từ đầu tháng 10, và sau nhiều cuộc thảo luận, tranh cãi giữa những người phản kháng, những lĩnh tụ tự phát (từ nhiều nơi trên nước Pháp chứ không chỉ là từ vùng Paris) thống nhất kêu gọi mọi người xuống đường, ngăn chặn lưu thông ở một số giao điểm của các trục đường lớn, đồng thời biểu tình ở các thành phố, vào ngày thứ bảy 17/11/2018, trong đó mục tiêu chính là đại lộ Champs Elysées ở Paris. Trong những cuộc biểu tình và chặn đường này, những người biểu tình mặc chiếc áo phản quang màu vàng chanh (tên chính thức là "áo khoác an toàn" - gilet de sécurité, tiêu chuẩn chính là được nhìn thấy rõ kể cả khi trời tối, còn màu thì không được qui định) mà, từ năm 2008, tất cả các xe hơi, xe mô-tô chạy trên nước Pháp phải có, và khi xe có sự cố phải ngừng giữa đường thì người tài xế phải mặc vào trước khi ra khỏi xe (để các xe qua lại dễ nhìn thấy họ, không gây thêm tai nạn). Đây là lý do khiến phong trào phản kháng và những người phản kháng này được gọi là "áo vàng".

Cuộc biểu tình ngày 17/11 diễn ra tương đối yên lành (một người biểu tình bị chết vì tai nạn do một tài xế dẫn con đi nhà thương, mất bình tĩnh khi bị chặn nên gây ra, vài người khác bị thương do đụng độ, xô xát giữa người biểu tình và người đi đường bị chặn). Tuy nhiên, chính phủ chỉ "ghi nhận" sự giận dữ của những người phản kháng, nhưng sẽ vẫn "giữ vững hướng đi đã vạch ra". Tuyên bố tiêu cực đó của thủ tướng Edouard Philippe ngày thứ hai 19/11 không làm dịu phẫn nộ của các áo vàng. và cuộc phản kháng tiếp tục cuối tuần sau, thứ bảy 24/11, với các khẩu hiệu ngày càng căng thẳng đối với chính quyền và đối với cá nhân ông Macron. Chính trong cuộc xuống đường lần thứ hai này (những người biểu tình gọi là "Acte II", "Hồi II", như trong một vở kịch) mà một số nhóm cực hữu và cực tả đã gây ra bạo loạn ở nhiều nơi, đốt xe, đập phá các cửa hàng, ném đá vào cảnh sát..., mà hình ảnh đã được truyền khắp thế giới. Hồi III, ngày 1/12 và hồi IV, thứ bảy 8/12, mặc dù chính phủ đã tăng cường các biện pháp an ninh, bạo loạn vẫn xảy ra ở nhiều thành phố, buộc chính phủ phải nhượng bộ trước nhiều yêu sách của "áo vàng" và tổng thống Macron phải lên đài "trần tình" như nói trên.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss