Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Cừu và Hổ

Cừu và Hổ

- Trần Bình — published 08/02/2010 00:00, cập nhật lần cuối 08/02/2010 00:28
Phản ứng mạnh mẽ của Indonesia biểu lộ nỗi lo sợ phải đối đầu với Trung Quốc (TQ) qua hiệp ước tự do mậu dịch vừa ký kết giữa Asean và TQ khiến ta liên tưởng đến hình ảnh con cừu non đang run rảy trước móng vuốt sói dữ trong câu chuyên ngụ ngôn của La Fontaine.

Cừu non, Hổ dữ?


Trần Bình


Phản ứng mạnh mẽ của Indonesia biểu lộ nỗi lo sợ phải đối đầu với Trung Quốc (TQ) qua hiệp ước tự do mậu dịch vừa ký kết giữa Asean và TQ khiến ta liên tưởng đến hình ảnh con cừu non đang run rảy trước móng vuốt sói dữ trong câu chuyên ngụ ngôn của La Fontaine. Hổ tuy không phải là sói, song cùng là loài thú dữ. Vả lại, TQ thường được gọi là Hổ, mà năm nay lại là năm con Cọp. Vậy nên cái tựa đề "Cừu non, Hổ dữ?" xem ra cũng rất hợp với âm hưởng số báo Xuân đặc biệt của Diễn Đàn.

Thỏa hiệp thương mại vừa đạt được với khối Asean cuối năm qua là một chỉ dấu quan trọng khác cho thấy ảnh hưởng của TQ tiếp tục mở rộng trong địa bàn Châu Á và trên thế giới.  

Là một hiệp ước thương mại lớn thứ ba xét mặt giá trị kinh tế, chỉ đứng sau hai hiệp ước thương mại của khối liên hiệp Châu Âu và Bắc Mỹ, vậy tầm quan trọng, ý nghĩa sự ra đời của hiệp ước, và ảnh hưởng của nó đối với 10 nước Asean và TQ như thế nào? Mời bạn hãy cùng chúng tôi lượt đìểm các phân tích hầu có thể nắm bắt những vấn đề mấu chốt xoay quanh hiệp ước mậu dịch quan trọng này.                        


1. Những Điều khoản Chính:


Hiệp ước mậu dịch xoá bỏ quan thuế cho 7000 loại hàng hóa, hay khoảng 90% các mặt hàng. Trong giai đoạn đầu, mức thuế mới áp dụng từ tháng 1/2010 cho 6 nước giàu nhất của ASEAN: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, và Philippines. Các nước kém phát triển hơn, Việt Nam, Cambodia, Lào và Miến Điện được phép trì hoãn việc áp dụng mức thuế mới cho đến năm 2015.

Một đìều khoản không kém quan trọng khác là mỗi nước sẽ được phép duy trì mức quan thuế trên một số mặt hàng dễ tổn thương (sensitive items), với tổng giá trị của các mặt hàng này không được quá 10% tổng giá trị nhập khẩu. Danh sách các hàng dễ tổn thương sẽ cắt giảm dần cho đến năm 2020.          


2. Xu thế và Động lực:


Trên tờ Times số ngày 7/9/2009, Michael Schuman luận bàn về xu thế của sự hình thành khu vực mậu dịch Châu Á qua bài báo "Pháo đài Á Châu: Phải chăng một khu vực mậu dịch hùng mạnh đang hình thành?". Tác giả cho rằng giữa lúc các quốc gia trên thế giới đang thu mình bảo hộ mậu dịch, kể cả Hoa kỳ qua chiến dịch "Hãy mua hàng nước Mỹ", thì Châu Á lại đang mở rộng cửa thị trường khu vực. Số hiệp ước tự do mậu dịch (Free Trade Agreement - FTA) tăng từ con số 3 năm 2000, tăng lên 56, tính đến tháng 9/2009. Mười chín trong số 56 FTA này được ký kết giữa các nước Châu Á (số còn lại giữa các nước Châu Á và các nước bên ngoài).

Một trong những động lực chính thúc đẩy sự gia tăng nhảy vọt về số hiệp ước tự do mậu dịch, hạ thấp quan thuế ở khu vực Châu Á, được Michael phân tích: "nỗi lo sợ sức tiêu thụ của Hoa kỳ sẽ tiếp tục suy giảm khiến các nhà làm chính sách tìm tới các thị trường TQ, Ấn Độ và các nước trong khu vực".  Trong những thập niên gần đây, nền kinh tế Châu Á phát triển nhanh hơn những khu vực khác, vị thế kinh tế và chính trị của châu lục này ngày càng quan trọng. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tỷ phần giao thương giữa các nước trong khu vực Châu Á (trên tổng số kim ngạch mậu dịch) gia tăng từ 37% năm 1980, lên 57% vào năm 2008. Cuộc khủng hoảng kinh tế đẩy Châu Á phải dựa vào chính mình nhiều hơn, giảm phụ thuộc và các cường quốc phương Tây, như Tổng thống Philippines, Gloria Macapagal Arroyo, gần đây đã phát biểu: "Trước đây, Châu Á sản xuất cho Hoa Kỳ và Châu Âu. Ngày nay, Châu Á sản xuất cho Châu Á" (1).      
Trong bối cảnh của nền kinh tế Châu Á phát triển và mở cửa, vị thế kinh tế của TQ ngày càng lớn mạnh, và sức cầu từ thị trường truyền thống Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật tiếp tục suy yếu, thì sự hình thành của Hiệp ước mậu dịch giữa Asean và TQ là một logic dễ hiểu. Động lực và mục đích tham gia hiệp ước của Asean đã được ông Surin Pitsuwan, tổng thư ký của hiệp hội xác định: "Sự phát triển và gia tăng đầu tư ra nước ngoài của TQ sẽ tiếp nguồn sinh lực cho Asean và đa dạng hóa thị trường trong hoàn cảnh mức phát triển của các đối tác truyền thống đang giảm dần." (2)



3. Asean và Trung Quốc:  


Mối quan hệ đan xen giữa Asean và TQ trong quy trình sản xuất được toàn cầu hóa của các công ty đa quốc gia là một đặc điểm quan trọng. Mối quan hệ này được John Roberts mô tả trong bài bình luận "Trung Quốc và Asean hình thành khối tự do mậu dịch" số ngày 12/1/2010 trên diễn đàn WSWS.org: "các nước Asean cung cấp nguyên liệu, cơ phận cho trung tâm sản xuất tại TQ, và thành phẩm cung cấp cho thị trường chính yếu Hoa Kỳ, Châu Âu, và Nhật" (3). Theo số liệu của ADB, 60% hàng hóa do Asean-TQ sản xuất được tiêu thụ bởi thị trường của các nước tây phương.

Mối quan hệ dây chuyền của quy trình sản xuất này được hình thành một phần do vị trí địa lý cận kề của các nước Asean và TQ. Mặt khác, trong những năm gần đây, nhiều công ty đa quốc gia tại TQ thực hiện chủ trương gọi là "China cộng 1", bằng cách chuyển bớt đầu tư rẻ ra các nước láng giềng để giảm bớt rủi ro do tình trạng tập trung đầu tư quá độ vào TQ, và đồng thời khai thác các thị trường lao động rẻ hơn, vì phí tổn lao động tại TQ tăng dần.     

Tầm quan trọng của TQ đối với nền kinh tế ASEAN được John Roberts đánh giá: "giao thương với TQ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phục hồi các nền kinh tề Asean kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á năm 1997-98". Giá trị mậu dịch giữa Asean va TQ tăng 12 lần trong giai đoạn từ 1995 (19.5 tỷ USD) - 2008 (231 tỷ), với con số đầu tư hai chiều đáng kể, 60 tỷ USD.


4. Cừu và Hổ?


Mặc dù hiệp ước đã có những điều khoản nhằm hỗ trợ các nước yếu kém trong tiến trình thực hiện, như biện pháp cho phép được lưu lại mức quan thuế trên một số mặt hàng dễ tổn thương, song nhiều doanh nghiệp của ASEAN đã tỏ ra rất lo ngại phải cạnh tranh với hàng hóa TQ. Indonesia va Philippines là hai nước kém phát triển nhất trong số sáu quốc gia áp dụng hiệp ước ở giai đoạn 1, và cũng là hai nước phản ứng mạnh mẽ nhất. Chỉ vài tuần lễ sau khi hiệp ước hiệu lực, Indonesia đã chính thức yêu cầu hiệp hội Asean đình chỉ thi hành hiệp ước cho đến năm 2011. Yêu cầu này phải được tất cả các nước ký kết hiệp ước đồng ý, là điều khó có thể xảy ra.

Những số liệu và phân tích sau đây cho thấy rõ hơn tương quan lực lượng giữa Asean và TQ, những thách thức đối với ASEAN, đặc biệt những nước kém phát triển, và lý do vì sao Indonesia đã phản ứng mạnh sau khi đã ký hiệp ước:

Asean-TQ

Mậu dịch ASEAN-TQ

  • Thị trường tiêu thụ của TQ đang đứng thứ 5 trên thế giới. Song tiềm năng tiêu thụ của thị trường TQ 1.3 tỷ dân là yếu tố hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và sản xuất. Đối với TQ, hiệp ước sẽ mở rộng thị trường 584 triệu dân cư ASEAN.    

  • Với GDP lớn gấp ba lần tất cả 10 nước ASEAN gộp lại, TQ là tiềm năng hứa hẹn cho thị trường tiêu thụ. Song, sức mạnh kinh tế này cũng chính là một thách đố đối với ASEAN (4).

  • Trong khi nông sản và nguyên liệu là sản phẩm xuất khẩu chính của ASEAN qua TQ, thì phần lớn hàng hóa các nước này nhập từ TQ là sản phẩm công nghiệp có giá trị cao hơn, khiến cán cân mậu dịch bất lợi cho ASEAN (5).

  • Giao thương giữa ASEAN và TQ tăng sáu lần từ năm 2000 đến 2008, đạt 193 tỷ USD. Đồng thời, mức thâm hụt cán cân mậu dịch của ASEAN cũng tăng 5 lần, lên 21.6 tỷ USD. Con số thâm hụt 11% và xu hướng gia tăng thể hiện ưu thế mậu dịch của TQ đối với ASEAN. 

  • Mức thâm hụt mậu dịch đối với TQ của mỗi hội viên ASEAN rất khác nhau biểu hiện năng lực cạnh tranh của từng quốc gia trong khối ASEAN. Trong khi thâm hụt của Singapore, Malaysia và Thái Lan rất nhỏ, thì mức thâm hụt của Việt Nam lên đến 11.2 tỷ USD, và Indonesia 7.16 tỷ USD. Riêng Indonesia, mức thâm hụt tăng vọt rất đáng lo ngại, từ 1.29 tỷ USD năm 2007, lên 7.16 tỷ năm 2008. 

  • Về tỷ giá hối đoái, Daniel Ten Kate, trên tờ Businessweek, số ngày 31/12/2009 phân tích về lợi thế TQ đang nắm giữ: "Trong khi tỷ giá đồng Yuan đối với USD hầu như không thay đổi trong năm 2009, thì đồng rupiah của Indonesia tăng 15.5 %, đồng baht Thái Lan tăng 4.2 % và đồng Peso Philippine tăng 2.3 %" (6). Với trị giá đồng Yuan thấp hơn thực giá, hàng hóa được rẻ hơn, và do đó TQ có ưu thế cạnh tranh xuất khẩu, đặc biệt đối với Indonesia, do tỷ giá đồng rupiah tăng mạnh.

  • "Nhiều khu vực sản xuất của Indonesia đang gặp khó khăn trong cuộc cạnh tranh với các mặt hàng rẻ tiền, như quần áo, đồ chơi, điện tử, không những chỉ đến từ nguồn nhập cảng mà còn qua con đường buôn lậu" (7). Việt Nam cũng đang gặp phải tình trạng tương tự với nạn hàng lậu rẻ tiền của TQ.
    Trên tờ Newyork Times, số ngày 31/12/2009, qua bài bình luận "Khu vực mậu dịch tự do Châu Á vực lên niềm hy vọng, nỗi lo sợ Trung Quốc", Liz Gooch đã phân tích rằng các nước có mặt hàng chủ lực là hàng hóa giá rẻ như Việt Nam sẽ chịu áp lực nặng nề hơn trong cuộc cạnh tranh với hàng rẻ tiền của TQ (8).

  • Với mức quan thuế mới, nguyên, nhiên liệu sẽ nhập cảng nhiều hơn vào TQ, hiện là mặt hàng TQ rất cần. Rodolfo C. Severino, nguyên tổng thư ký của ASEAN nhận định: "Malaysia đang xuất khẩu dầu thực vật, cao su, gas thiên nhiên sẽ nằm trong số các nước được hưởng lợi nhờ vào mức quan thuế mới" (9).

  • Nông phẩm, là mặt hàng xuất khẩu có thể có lợi cho ASEAN. Ông Song Long, trưởng ban nghiên cứu về giao thương của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị tại Bắc Kinh cho rằng "Thái Lan, Malaysia and Việt Nam sẽ xuất khẩu nhiều nông sản đến TQ hơn, và điều này sẽ gây thiệt hại cho nông dân tại các tỉnh phía nam TQ, như Guangxi và Yunnan" (10).

  • Ngành dệt, may mặc và thép tại Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Cambodia sẽ là những địa hạt bị ảnh hưởng nặng nhất, theo phân tích của một số nhà quan sát. Tuy nhiên, ông Sothirak, bộ trưởng công nghiệp Cambodia tin rằng "Tự do mậu dịch sẽ thúc đẩy TQ mở rộng đầu tư ngành may mặc trên đất nước ông, nhờ chi phí lao động và giá thành hạ" (11).

  • Gia tăng đầu tư đến từ TQ cũng là những lợi ích mà các nước ASEAN hy vọng sẽ có được nhờ vào hiệp ước. Song đối với một số nước láng giềng của TQ, đó cũng là một mối lo. Người bình luận trên tờ Asia Time, số ngày 7 tháng 1/2010, đã nêu lên mối lo ngại của Việt Nam khi TQ đầu tư khai thác quặng Bauxite và việc TQ hoạch định sẽ thiết lập hành lang đường bộ và đường xe lửa chạy dài từ Nanning TQ, xuyên qua Việt Nam đến Singapore (12).


5. Cuộc đọ sức tại Thái Bình Dương


Giao thương với TQ tăng dần là xu thế tất yếu vì TQ đang ở trên ngưỡng cửa vượt qua Nhật trở thành cường quốc kinh tế số hai thế giới, và vượt qua Đức đang dẫn đầu ngành xuất khẩu. Tuy nhiên, các nước ASEAN cũng rất muốn Hoa Kỳ trụ vững tại địa bàn Châu Á, "không phải chỉ vì thị trường tiêu thụ khổng lồ, mà còn là đối trọng kinh tế và chính trị đối với TQ". Ngay trước chuyến viếng thăm Châu Á của tổng thống Hoa kỳ tháng 11 năm 2009, trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Hoa Kỳ, ông Lý Quang Diệu đã khuyến cáo: "Thế kỷ 21 sẽ là cuộc đọ sức dành ưu thế tại Thái Bình Dương, khu vực đang phát triển mạnh. Nếu không giữ chân được trên địa bàn này, thì bạn không thể là cường quốc lãnh đạo thế giới" (13).

Ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương vững như đồng từ nhiều thập niên qua, đang bị xói mòn bởi sự trỗi dậy của TQ. Trên trận tuyến ASEAN, Hoa kỳ đang phải lùi một bước. Năm 2008, giao thương giữa ASEAN và TQ đã vượt Hoa Kỳ, chiếm vị trí thứ ba, sau Nhật và EU. Trong giai đoạn 2000-2008, tỷ phần giao thương của ASEAN và TQ tăng từ 4% lên 11.3%, trong khi đó, tỷ phần của Hoa Kỳ giảm từ 15% xuống 10.6%. Trong cùng thời gian, thâm hụt mậu dịch ASEAN với TQ tăng 5 lần lên 21.6 tỷ UAD, thì thặng dư mậu dịch của ASEAN với Hoa Kỳ giảm 12% xuống còn 21.2 tỷ USD.

Về hiệp ước thương mại, ASEAN đã có FTA với TQ, Nhật, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc và Tân Tây Lan. Song, ASEAN vẫn chưa có FTA với Hoa Kỳ.

Gần đây, Hoa Kỳ đã có nỗ lực củng cố thế đứng tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, qua các động thái như ký hiệp ước nguyên tử với Ấn Độ, hiện đại hóa lực lượng không quân và hải quân tại đảo Guam, và lần đầu tiên vị tổng thống Hoa Kỳ đã đến tham dự hội nghị hàng năm của hiệp hội ASEAN diễn ra tại Singapore tháng 11/2009.  


***


Với mức độ hội nhập của nền kinh tế thế giới ngày càng cao, vị thế kinh tế TQ ngày càng lớn mạnh, và những biến động theo chiều hướng suy thoái của nền kinh tế thế giới trong những năm gần đây, xu thế của sự gia tăng giao thương với TQ là bước phát triển tất yếu, thể hiện qua con số về mậu dịch giữa các nước ASEAN và TQ tăng gấp sáu lần trong thập niên qua. Ngày nay, các quốc gia đang phát triển không thể trông cậy vào cánh cửa bảo vệ mậu dịch, trì hoãn các cải cách cần thiết, và đặt hy vọng vào phép màu kinh tế. John Roberts trên diễn đàn WSWS.org nhận định rằng "Đối với hầu hết các công ty vững mạnh của ASEAN, không có sự lựa chọn nào khác hơn là chào đón cuộc giao thương với TQ. Tờ Jakarta Post tường thuật thái độ của đa số giới lãnh đạo ưu tú của Indonesia đã gạt bỏ trước những lo âu về sự thiệt hại do hiệp ước mang đến, tuyên bố rằng, Indonesia đã đến lúc phải đối mặt, bắt đầu tái cơ cấu nền kinh tế" (14).

Hơn thế nữa, mặc dù hiệp ước tự do mậu dịch ASEAN-TQ đã bắt đầu có hiệu lực, song các nhà nghiên cứu cho rằng phải mất hàng thập niên mới có thể phát huy hết hiệu quả của nó. Quá trình thực thi hiệp ước sẽ diễn ra một cách tiệm tiến, không những vì một số điều khoản cho phép các nước kém phát triển từng bước áp dụng, mà còn vì cần phải tháo gỡ dần các rào cản mậu dịch phi quan thuế không kém phần quan trọng, từ các thủ tục quan thuế rườm rà, đến những đòi hỏi về nhãn hiệu, thành phần sản phẩm, và các vụ kiện phá giá. Do đó, những nước kém phát triển, trong đó có Việt Nam, sẽ có thờì gian để cải cách và thích ứng.

Một luận điểm quan trọng khác của GS Robert Sutter, đại học Georgetown Hoa Kỳ, được trích dẫn trong bài bình luận "Hé mở cánh cửa giao thương" trên tờ The Economists số ngày 7/1/2010, nhấn mạnh đến tính đa dạng của nền giao thương ASEAN. Ngoài TQ, ASEAN còn có mối giao thương quan trọng với các nước Nhật, EU, Hoa Kỳ, Nam Hàn, Ấn Độ và Úc (15).

Bằng cách tiếp tục duy trì nền mậu dịch đa phương với các đối tác quan trọng không những sẽ giúp cho ASEAN tiếp cận được các thị trường lớn và các nền công nghệ tân tiến, mà còn có thể khắc chế được khả năng khống chế kinh tế của con hổ Trung quốc đang vươn mình lớn mạnh.


Trần Bình

tháng 1/2010

   

     


(1) Fortress Asia: Is a Powerful New Trade Bloc Forming? Times

(2) Indonesia Wants China Pact Revised The Wall Street Journal

(3) China and ASEAN create free trade bloc WSWS.org - WSWS

(4) WSWS

(5) The Wall Street Journal

(6) China-Asean Trade Pact Takes Hold, Spares Popcorn, Toilet Paper - Businessweek

(7) The Wall Street Journal

(8) Asia Free-Trade Zone Raises Hopes, and Some Fears About China - NYT

(9) NYT

(10) NTY

(11) NYT

(12) WSWS

(13) WSWS

(14) WSWS

(15) The China-ASEAN free-trade agreement The Economists

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss