Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Đằng sau cơn động đất Áo Vàng

Đằng sau cơn động đất Áo Vàng

- Phan Huy Đường — published 12/11/2018 12:45, cập nhật lần cuối 21/03/2019 12:32

Đằng sau cơn động đất Áo Vàng


Phan Huy Đường



"Phong trào" Áo Vàng đáng được coi là một cơn động đất chính trị ở Pháp. Nó biểu hiện sự phẫn nộ to lớn của đông đảo những tầng lớp nhân dân nghèo khó trong xã hội Pháp ngày nay, kể cả nhiều lớp người được sắp xếp vào "những giai cấp trung lưu" (les classes moyennes), tức là đại đa số bàn dân PhuLăngXa. Cuộc khủng hoảng dai dẳng nhất trong 60 năm qua, từ ngày thể chế CộngHòa-5 được De Gaulle thành lập (1958). Nó được sự hưởng ứng hay thông cảm bền bỉ của đông đảo dư luận (60-80%).

Có thể nó sẽ khiến nhiều người thay đổi cách tiếp cận và suy luận về tình hình nước Pháp ngày nay.

*

Thông tin được dùng trong phần sau, rút từ, 2019-01-20 :

https://fr.wikipedia.org/wiki/Mouvement_des_Gilets_jaunes_en_France


Mục lục


1. Quá trình "tự hiện thực"

1.1 Bắt đầu tự phát
1.2 Quá trình chiếm bùng binh ngăn cản giao thông
1.3 Quá trình nội dung đấu tranh biến chuyển
1.4 Quá trình hưởng ứng hay thông cảm của dư luận

2. Vài tính chất đặc thù

2.1 Nằm ngoài thể chế
2.2 Hoàn toàn không có viễn tượng tương lai
2.3 Thành phần ô hợp
2.4 Rất ít người thất nghiệp
2.5 Vắng mặt lộ liễu
2.6 đặc biệt căm ghét chính giới, Media
2.7 Nói chung, quyết liệt nhưng ôn hòa
2.8 Tổng kết của tôi

3. Bối cảnh lịch sử, thời gian lịch sử và thời gian người

3.1 Thời gian LịchSử KháchQuan
3.2 Thời gian người
3.3 LịchSử qua nhãn quan của 1 con người trong
       thời gian người

4. Macron bước vào một bãi mìn nổ chậm mà không hay

4.1 Một bãi tha ma chính trị + một bãi mìn nổ chậm

4.2 Bãi mìn nổ chậm

4.2.1 Tình hình kinh tế PhuLăngXa năm 2017
4.2.2 NgânSáchNhàNước Pháp (2017)
4.2.3 Sách lược kinh tế của ông Macron

4.3 Toàn bộ quyền lực trong tay cá nhân

4.4 Cai trị bằng mệnh lệnh (gouverner par décrets)

4.5 Tự mình đốt ngòi nổ

4.6 Toàn thắng, ngạo mạn, khinh người

4.7 Ngòi pháo bất ngờ

5. Bế tắc tư tưởng

6. Một quá trình vừa đặc thù PhuLăngXa vừa phổ cập

7. Một viễn tượng khác cho loài người ?




1. Quá trình "tự hiện thực"


1.1 Bắt đầu tự phát


10/2018, dựa vào Internet, đặc biệt các mạng lưới xã hội (réseaux sociaux), để vận động quần chúng, 3 hiện tượng tiêu biểu :

Éric Drouet, Facebook, kêu gọi biểu tình chống tăng thuế xăng ngày 17/11/2018.

Priscillia Ludosky kêu gọi kiến nghị giảm giá xăng, diesel cho xe hơi. Hơn 1 triệu chữ ký.

Jacline Mouraud, FaceBook, gửi video chất vấn tổng thống Emmanuel Macron (2 tuần = 5,5 triệu người coi !), tố cáo tăng giá xăng, diesel và nạn cắm cả "rừng" radars săn bắt người lái xe để phạt. Đặc biệt, bà hỏi đi hỏi lại : tiền của chúng tôi đã đi đâu, nước Pháp đang đi về đâu và tự trả lời : chắc chắn không đi về nơi ông hứa hẹn. V.v.

3 người không thất nghiệp, không thuộc thành phần 10% người nghèo nhất Pháp, dường như hưởng một cuộc sống "bình thường", tuy eo hẹp.


1.2 Quá trình chiếm bùng binh ngăn cản giao thông


Hình thái đấu tranh mới lạ này diễn ra ở những bùng binh của những trục giao thông chung quanh các thành phố, rải rác khắp nước Pháp. Đồng thời biểu tình lớn nhỏ trong các thành phố lớn và trung bình, trên toàn nước Pháp. Mỗi thứ bẩy, được gọi là Acte (HànhĐộng) 1, 2, … 10. Số người tham gia, theo Bộ Nội Vụ :

table - 1

Có khả năng là nhiều hơn : các cuộc "biểu tình" rải rác khắp nước Pháp, từ những nhóm nhỏ một vài chục người đến những tập hợp ở thành phố lớn, có thể lên tới hơn 10.000 người (Toulouse, 19/01/2019), ai đếm xuể được ? CộngHòa-5 PhuLăngXa chưa từng biết tới một cuộc đấu tranh dai dẳng trên toàn bộ lãnh thổ ở mức đó.


1.3 Quá trình nội dung đấu tranh biến chuyển


Đòi hỏi chung nhất của cuộc "biểu tình" đầu tiên là : chấm dứt tăng thuế xăng và diesel, thậm chí giảm giá chúng. CộngHòa-5 Pháp chưa hề có một cuộc khủng hoảng xã hội vì nội dung "tủn mủn" như thế. Không khác gì những khủng hoảng xã hội trong nhiều nước nghèo ngày nay, quần chúng xuống đường phản đối cơm áo, xăng dầu tăng giá đến mức không kham nổi !

Đòi hỏi trên mau chóng lan ra nhiều đòi hỏi khác trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, chưa kể vài lĩnh vực quan trọng khác :

"Elle s'élargit rapidement à d’autres revendications fiscales et sociales (hausse du pouvoir d'achat des classes moyennes et populaires, maintien des services publics, taxation du kérosène et des fiouls maritimes, rétablissement de l'ISF…), ainsi que politiques (amélioration de la démocratie représentative, notamment par le référendum d'initiative citoyenne, démission du président de la République, Emmanuel Macron…)"

Tóm lại :

Tăng khả năng mua (pouvoir d'achat) của những "giai cấp trung lưu" và bình dân.

Duy trì những dịch vụ xã hội (services publics). Điều này ám chỉ những cơ quan nhà nước đảm bảo một cuộc dân sinh bình thường tại những nơi xa cách đô thị lớn : trường học, nhà thương, bưu điện, ngân hàng, tòa án, quận cảnh sát, sở thuế, phương tiện giao thông công cộng, e tutti quanti, không kê khai hết được.

Đánh thuế dầu lửa dùng cho máy bay (phương tiện di chuyển của kẻ giàu có) và hàng hải (ngoài phương tiện vận tải cho công nghiệp, còn là phương tiện du hí của những tầng lớp giàu có (yatch, croisières), tới nay được miễn thuế.

Cải thiện thể chế DânChủĐạiDiện (démocratie représentative).

Thành lập cơ chế công dân có quyền triệu tập TrưngCầuDânÝ (référendum d'initiative citoyenne)

Giải tán QuốcHội, thay đổi luật bầu cử cơ bản : TỷLệ hay ĐaSố (proportionnelle ou majoritaire1), cũng có nghĩa là thay đổi thể chế chính trị.

e tutti quanti…

Và, cuối cùng : tổng thống Macron phải từ chức. Phải chăng đó là biểu tượng cho kết luận mà vài người Áo Vàng đã rút ra từ nghiệm sinh của mình. Áo đã mục, không thể khâu vá từng mẩu mà lành được, phải thay đổi toàn bộ hệ thống.

Một quá trình chuyển biến đầy ý nghĩa ! Chỉ nội 2 tháng, đi từ một đòi hỏi nhỏ nhoi = chống tăng thuế xăng, diesel tới cải tổ thể chế !


1.4 Quá trình hưởng ứng hay thông cảm của dư luận

= đại khái 60-80%

(xin bấm nút phải con chuột trên hình để đọc rõ hơn)

Tab-2

Mặc dù chính quyền báo động một cách khá rùng rợn về tính chất bạo liệt, phá hoại, khả năng "nội chiến", e tutti quanti, và đàn áp mãnh liệt2, chưa bao giờ bàn dân PhuLăngXa đã từng bền bỉ ủng hộ một cuộc "nổi loạn" kéo dài như thế.


2. Vài tính chất đặc thù


2.1 Nằm ngoài thể chế


Bộc phát, không có đại diện, không có lãnh đạo, phi chính trị, phi đảng phái, phi công đoàn, phi tổ chức dù là TổChứcPhiChínhPhủ… Nghĩa là phi tất cả những cột trụ của một ThểChếDânChủPhápQuyền, nhất là ThểChếDânChủ quái đản kiểu CộngHòa-5 PhuLăngXa.


2.2 Hoàn toàn không có viễn tượng tương lai,


tổ chức một xã hội mới và những đường lối cụ thể để từng bước xây dựng nó.

Nói theo kiểu văn chương hay văn học : đây là một cuộc "nổi loạn", không là một cuộc "cách mạng".


2.3 Thành phần ô hợp


Không thể nhét vào khung suy luận giai cấp kinh điển nào, đủ thứ tầng lớp, người có công ăn việc làm, đủ ngành nghề, nhiều trình độ tuy ở mức thấp, ở khắp nơi trên nước Pháp. Đa số không có thẻ đảng, thẻ công đoàn, chưa từng tham gia một tổ chức XãHộiCôngDân, chưa từng xuống đường biểu tình…


2.4 Rất ít người thất nghiệp


Họ đã bị gạt và đã tự gạt mình ra khỏi vành đai xã hội, không còn chút hy vọng "hồi sinh" trong tư cách công dân ?


2.5 Vắng mặt lộ liễu


Các "giai cấp" theo nghĩa kinh điển, chính giới, lãnh đạo đảng phái, công đoàn, các ONG, trí giả, trí thức, những thành phần ưu tú khác của xã hội.

Cũng không trách được họ : dù có thiện cảm, họ mà chen vào, có nhiều khả năng bị đuổi ra, những Áo Vàng rất sợ bị lợi dụng, không cho phép ai đại diện chính mình, kể cả những người cùng mình đấu tranh. Họ đã bị lợi dụng quá nhiều lần, đã im hơi lặng tiếng quá lâu, họ muốn có tiếng nói của chính họ.


2.6 Đặc biệt căm ghét chính giới, Media


Và, cuối cùng, căm hận Macron, đòi Macron từ chức, đòi cải thiện hay thay đổi "thế chế chính trị".


2.7 Nói chung, quyết liệt nhưng ôn hòa


Tuy sau khi giải tán, ở một số thành phố lớn, có hành động phá phách bị đàn áp bạo liệt. Như biết bao cuộc biểu tình trong các thành phố.

*

Muốn kể cho hết những tính đặc thù của cuộc "nổi loạn" này, phải ghi tên làm luận án tiến sĩ môn chính trị học. Ô hô ai tai, già quá rồi, không nên "phí phạm" thời gian còn được sống. Nói cho đúng, làm không nổi. Hè hè.


2.8 Tổng kết của tôi


Phong trào Áo Vàng không có tính chất cách mạng. Nó cũng chưa thành một cuộc "nổi loạn". Nó biểu hiện khao khát đơn giản này : được phép sống đàng hoàng, tử tế, có nhân cách, bằng lao động của chính mình, tránh bị đào thải ra khỏi vành đai của xã hội.

Thế thôi mà không thấy lối thoát. Vì thế, những lời tuyên bố ngạo mạn, khinh miệt của các chính khách đang cầm quyền đối với họ, từ ông Macron tới Benjamin Griveaux (phát ngôn viên của Chính Phủ) qua bộ trưởng bộ nội vụ Castaner, và các vị khác trong chính giới và media, mỗi lần như đổ dầu vào lửa.

Đúng là khủng hoảng toàn diện, vẫn ở mức thấp thôi, của một PhươngThứcSảnXuất : kinh tế, xã hội, chính trị, thể chế, ÝThứcHệ.

*

Để hiểu rõ những gì bàn sau đây, xin mời đọc :

2012-12-23 :

http://amvc.fr/PHD/LangThangChuNghia/LienMienKhungHoang.htm

(Liên miên khủng hoảng và bế tắc tư tưởng)

*

2016-09-30 : http://amvc.fr/PHD/LangThangChuNghia/FrancoisHollandeLeGrandFossoyeur.htm

(François Hollande, kẻ đào mồ vĩ đại)

*

2017-11-13 :

http://amvc.fr/PHD/LangThangChuNghia/2017-PhuLangXa-MatRoHoa.htm

(một "thời đại chính trị mới" hay bước đầu khủng hoảng thể chế ?)


3. Bối cảnh lịch sử, thời gian lịch sử và thời gian người


3.1 Thời gian LịchSử KháchQuan


Thời gian lịch sử ở đây là thời gian vận động của những PhươngThứcSảnXuất (modes de production, Marx), thời gian vật lý. Với con người :

Có lúc nó nhanh đến chóng mặt. Những sự kiện lịch sử liên miên bùng nổ, phát triển, biến dạng, nhanh tới mức ta không kịp nhớ, không kịp phân tích, tổng kết, suy luận, không có khả năng hiểu. Đến lúc chúng lắng dịu, ổn định, chuyện đã rồi, ta đã là nạn nhân của LịchSử, đời ta đã biến thành ĐịnhMệnh. Hè hè.

Bình thường nó tàn nhẫn chậm. Đơn vị đo lường của nó là hàng trăm, hàng chục, hàng thế kỷ. Mà con người, can đảm tới mấy, cũng chỉ có khả năng đau suốt trăm năm thôi. Cuộc bể dâu, nếu xảy ra trong đời ta, ta cũng chỉ thấy được một mẩu nhỏ nhoi. Phải là thi sĩ Ziao Chỉ lai Tàu thuở xa xưa mới có khả năng tưởng tượng câu hỏi này :

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Không biết sau 300 năm nữa
Ở đời còn người khóc Tố Như ?

Đời nay, hầu hết triết gia, học giả, trí giả, có thể thoải mái khẳng định câu trả lời, riêng với mình : Không. Cứ vào Google thì biết. Thế là biết điều. Lịch sử phát triển càng nhanh, càng tàn nhẫn với càng nhiều người.

Tuy vậy, câu hỏi của Tố Như vẫn ý nghĩa : nó là câu hỏi của một con người đối với cả loài người cho tới ngày tận thế. Thời gian của người khác hẳn thời gian LịchSử KháchQuan : nó mang một phần ký ức lịch sử đã nhào nặn ra ta hôm nay. Trong phần đó có tiếng Việt, HánViệt, có Tố Như.


Với PhươngThứcSảnXuất TưBản, thời gian LịchSử vận động nhanh hơn bao giờ hết. Kiến thức khoa học và kỹ thuật phát triển và được áp dụng nhanh chưa từng thấy vào sản xuất, kinh doanh và quản lý. Trong khoảng 2-3 thế kỷ thôi, đã có chí ít mấy cuộc "cách mạng KhoaHọc-KỹThuật" : cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hóa, tự động hóa, tin học hóa, e tutti quanti. Bộ mặt của trái đất và cuộc sống thường ngày của con người thay đổi theo, nhanh tới mức người ta không còn biết và hiểu mình đang sống trong thế giới nào ? vì sao phải như vậy ? Hôm nay, nếu ta quay về nhà tìm Hà Nội, ta ắt hiểu : quê hương ta đã tiêu vong từ lâu rồi.


3.2 Thời gian người


Thời gian của người ở đây là thời gian vận động của một đời người trong dòng chảy của LịchSử. Nó là thời gian sống có ký ức và có văn hóa của LịchSử xuyên qua một kiếp người. Nó rất quái đản. Nói chung không quá trăm năm.

Bước đầu nó dài khủng khiếp, tùy hoàn cảnh nó có thể là thiên đường của tuổi thơ hay ác mộng của kiếp bần cùng, hoặc cả hai. Từ lúc sơ sinh, trong đầu không có một ngôn từ để suy nghĩ cho tới lúc vào đời kiếm ăn, thường gọi là lúc trưởng thành. Đó là quá trình nên người Ziao Chỉ, PhuLăngXa, đa văn hóa, dada gì đó…

Nhưng, bắt đầu bước vào "đời sống xã hội", đi làm nuôi thân, gia đình, con cái, có lúc thời gian vừa dài vừa ngắn khủng khiếp. Có lúc ngày kéo ngày, đêm đeo đêm, cúi mặt cong lưng bước từng bước mà tương lai không chỉ cứ mù mịt, còn có vẻ mỗi năm mỗi tăm tối, không lối thoát. Có lúc, hôm trước hôm sau, thế giới dường như phát điên, đời ta có thể lộn tùng phèo, không sao hiểu nổi. Lúc đó, có thể người đời nay lại nhớ và khóc Tố Như.


3.3 LịchSử qua nhãn quan của 1 con người trong thời gian người


Đối với Pháp, để bớt mù mờ, không cần lùi quá xa.

1945-1981

Nước Pháp mới ra khỏi chiến tranh thế giới 2, kiệt quệ.

Bên ngoài, được sự giúp đỡ kinh tế và bảo vệ quân sự của Mỹ (Plan Marshall, OTAN), nhưng chịu sự uy hiếp của Liên-Xô và sự chống đối của phong trào giải phóng dân tộc.

Bên trong, chính trường Pháp chịu áp lực nặng nề của ĐảngCộngSản Pháp, các Đảng phái và công đoàn PheTả đủ loại ý thức hệ, xã hội chủ nghĩa, thiên chúa giáo, e tutti quanti, nói chung đều chịu ảnh hưởng của ý thức hệ mácxít kiểu này kiểu nọ.

Cơ bản, trong suốt 36 năm ấy, quyền lực chính trị nằm trong tay PheHữu và bắt đầu từ 1958, trong tay đảng của De Gaulle, người đã thành lập thể chế CộngHòa-5 của PhuLăngXa.

Những năm 1945-1975 được gọi là 30 Glorieuses, 30 Năm Vinh Quang. Xứng đáng : một giai đoạn phát triển rực rỡ của PhươngThứcSảnXuất TưBản tại Pháp. Chính khách tư bản đã lèo lái tài tình, không những chỉ khôi phục được mức độ sản xuất của thời tiền chiến như ngài Samuelson từng tiên đoán, mà còn… vượt rất xa. Đồng thời họ đã nâng cao mức sống của đại đa số bàn dân, khiến mấy thế hệ người tin tưởng vào tương lai : con cái họ sẽ có cuộc sống khá hơn họ.

Ngoài thành tích kinh tế xã hội đó, có thể ghi nhận 2 thành tích khác : thoát ra khỏi thời đại thực dân cũ, bước vào thời đại thực dân kiểu mới, vẫn còn hoành hành ở nhiều thuộc địa cũ của Pháp, được gọi là Francafrique, và điều tiết được cuộc khủng hoảng tháng 5-1968 trong hướng tốt, tạo ra nhiều nét mặt tiến bộ của xã hội Pháp hôm nay.

Cũng nên đừng quên : NhàNước Pháp giữ một vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển đó, không phải chị "kinh tế thị trường tự do cạnh tranh" e tutti quanti.

1981-1983

Bước ngoặt trong chính trường Pháp : lần đầu tiên từ khi thành lập CộngHòa-5, PheTả nắm chính quyền tại Pháp, chính phủ có 4 vị của ĐảngCộngSản Pháp. Trong ChínhPhủ và QuốcHội có không ít người chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa mácxít. Cả chính giới Tây U hốt hoảng. Họ mau chóng yên tâm.

Sau 2 năm thử "thay đổi cuộc đời", "changer la vie", Mitterrand và Đảng Xã Hội chịu thua và trở cờ.

1983-2012

Từ 1983 trở đi, PheHữu và PheTả thay nhau cầm quyền.

Đối chọi nhau kịch liệt về mặt… ngôn từ và ÝThứcHệ trong những chuyện liên quan tới phong tục, tập quán, văn hóa, e tutti quanti. Tốt thôi.

Thống nhất với nhau trong lĩnh vực cơ bản nhất của sự vận động của PhươngThứcSảnXuất TưBản, thể hiện cụ thể qua đường lối kinh tế, xã hội, luật lệ thuế má đủ loại và luật lao động. Đó là đường lối quản trị nước được thủ tướng Raymond Barre khẳng định trên TV, ngay từ 22-09-1976 : "La France vit au-dessus de ses moyens.", "Nước Pháp [có mức]sống cao hơn khả năng của nó".3 Thế thì phải cạo bớt. Cạo ai để vỗ béo ai. Khỏi bàn.

Đối với PheHữu, chẳng có gì mới lạ.

Đối với chính khách PheTả, đặc biệt là chính khách cầm quyền hay đang đeo đuổi chính quyền thì khác hẳn. Họ đoạt chính quyền nhờ những lý tưởng, niềm tin, khát khao của các phong trào xã hội chủ nghĩa đặc thù Pháp hình thành trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đợt sóng cuối cùng của trào lưu tư tưởng đó đã nâng ông Mitterrand vào thế giới quyền lực quốc gia. Một khi họ chấp nhận PhươngThứcSảnXuất TưBản dưới sự thống trị của TưBảnTàiChính, để giữ quyền lực, họ phải nói một đằng, làm một nẻo. Thế thôi. Họ âm thầm biến chất từ ChủNghĩaXãHội (Socialisme) truyền thống PhuLăngXa qua ChủNghĩaXãHộiDânChủ (Social Démocratie) kiểu Bắc Âu, Đức, Anh, rồi chủ nghĩa xã hội tự do (social libéral) hiện nay ở Châu Âu.

2012-2017

Quá trình ăn gian nói dối trên chấm dứt năm 2014 khi tổng thống XãHội Pháp Hollande công khai tuyên bố ông theo chủ nghĩa XãHộiDânChủ và đào mồ chôn ĐảngXãHội Pháp (PS) nửa người nửa ngợm nửa đười ươi, đã tím ngắt từ lâu rồi. Đúng lúc XãHộiDânChủ hay hóa thân của nó, chủ nghĩa xã hội tự do (social libéral, Tony Blair (Anh), Gerard Schröder (Đức), e tutti quanti), ở khắp Châu Âu bước vào đà suy thoái ! Vở bi hài kịch kéo dài 40 năm qua hạ màn :

– ĐảngXãHội (PS) Pháp, cột trụ của PheTả, nát vụn.

– ĐảngCộngSản Pháp đã tiêu vong từ lâu.

Quan trọng hơn cả : chẳng mấy ai tín nhiệm những đảng phái, chính khách tự khoác trên mình cái áo tả khuynh nữa.

Song song, bên kia bờ vực thẳm, vì đủ thứ lý do, cũng chẳng còn mấy ai tín nhiệm những đảng phái, chính khách tự khoác trên mình cái áo hữu khuynh truyền thống nữa.

Cuối cùng, hầu hết các tổ chức của XãHộiCôngDân (media, công đoàn, ONG, e tutti quanti), ngoài những thành viên của chúng, cũng chẳng còn mấy ai tín nhiệm. Riêng media còn bị căm ghét (phải chăng vì hầu hết thuộc quyền tư hữu của các ông chủ TưBản ?)

PheTảPheHữu, đã thay nhau cầm quyền trong suốt CộngHòa-5, trong mọi lĩnh vực, đều chẳng còn uy tín gì đối với đại bộ phận bàn dân.


4. Macron bước vào một bãi mìn nổ chậm mà không hay


4.1 Một bãi tha ma chính trị + một bãi mìn nổ chậm


Cuộc bầu cử tổng thống và QuốcHội PhuLăngXa năm 2017 tiến hành trong bối cảnh lịch sử đó : ThểChếDânChủ PhápQuyền kiểu CộngHòa-5 PhuLăngXa đã biến thành một bãi tha ma chính trị.

Ông Macron lên nắm chính quyền trong bối cảnh LịchSử đó.

Điều ấy có lẽ ông thấy rõ và có thể khiến ông hài lòng : không còn đối thủ đáng kể.

Nhưng có điều ông không thấy : chính trường PhuLăngXa còn là một bãi mìn nổ chậm, đặc biệt trong lãnh vực KinhTếXãHội và tâm lý của bàn dân. Điều này, nằm mơ trong lồng kính của ông, ông cũng không ý thức được : hành động, thái độ, lời nói xúc phạm lòng tự trọng của bàn dân PhuLăngXa cấp thấp của ông cho thấy. Sự ngạc nhiên, lúng túng, loay hoay bất nhất, bế tắc trong suy nghĩ và hành động khi cuộc "nổi loạn" Áo Vàng bùng nổ và kéo dài, càng cho thấy rõ. Hơn 4 tháng sau khi ông nhượng bộ không ít (khoảng 10 tỷ €), hôm nay, 2019-02-26, cuộc "nổi loạn" ấy, tuy giảm nhưng không dứt. Chẳng ai, kể cả ông biết phải làm gì để giải quyết nó tận gốc.


4.2 Bãi mìn nổ chậm


Bãi mìn nổ chậm này là hậu quả của cuộc "khủng hoảng" kinh tế liên miên từ 40 năm qua.

Đại khái thế này.

Từ 1945 tới nay :

– kinh tế PhuLăngXa tăng trưởng đều đều. Trong 30 năm Vinh Quang, tăng trưởng với tỷ lệ khá cao. Sau đó quay chung quang trục : 1–2% .

Từ thập niên 1970 tới nay :

– nợ nần của NhàNước PhuLăngXa đối với TưBảnTàiChính cũng phát triển đều đều. Bây giờ nợ = 99% PIB (tổng sản phẩm quốc nội).

– tỷ lệ cổ tức trên PIB thường lớn hơn tỷ lệ tăng trưởng PIB.

– tỷ lệ lời của các CôngTy cũng vậy.

Nghĩa là : tăng trưởng tới đâu vỗ béo TưBảnTàiChính tới đó và có thể hơn thế. Không nghĩa là : cải thiện cuộc sống của NgườiLàmCông.

– tỷ lệ chia chác GiáTrịThặngDư giữa TưBản và LaoĐộng ngày càng có lợi cho TưBản. Đây là "quy luật" cơ bản của PhươngThứcSảnXuất TưBản. Cứ đọc Piketty thì thấy. Khi tỷ lệ chia chác ấy cho phép bàn dân lao động sống thoải mái hơn hay bằng thời 30 năm Vinh Quang của ChủNghĩaTưBản ở PhuLăngXa, miễn bàn. Khi ngược lại ? Tình hình ngày nay.

Đến năm 2017, khi Macron lên nắm chính quyền, tình hình KinhTếXãHội ở PhuLăngXa đại khái thế này :


2017

PIB

NhàNước

Xã hội

Phần TưBản

Phần lao động

 

2291

1058

1233

595.54

760.76

% PIB

100

46.2

53.82

25.99

33.21

Bảng-4.2

Đơn vị đo lường = G€

PIB, NhàNước, Xã hội : số liệu chính thức INSEE.

Phần Tư Bản, Phần lao động = tính từ báo cáo OCDE :

https://www.oecd.org/fr/els/emp/EMO%202012%20Fra%20_Chapitre%203.pdf

Bình luận Bảng-4.2

a/ PIB = 2291 G€.

b/ NhàNước PhuLăngXa nợ TưBảnTàiChính = 99% PIB

c/ Trên PIB, NhàNước PhuLăngXa chén = 46.2 %  = thuế đủ kiểu từ trung ương đến địa phương của NhàNước PhuLăngXa, gọi là Prélèvements obligataires, thuộc loại vô địch tại Châu Âu theo tài liệu sau :

https://fr.wikipedia.org/wiki/Pr%C3%A9l%C3%A8vements_obligatoires

d/ Phần LaoĐộng

Trong 40 năm qua, khuynh hướng chung là giảm. Không nhất thiết có nghĩa là mức sống của bàn dân lao động xuống cấp, thí dụ thời 30 Năm Vinh Quang. Nhưng ngày nay, có nghĩa ấy. Dễ hiểu.

e/ Phần TưBản

Đây là món tiền chị TưBảnChứcNăng xử lý. Như thế nào ? Để tăng lương mình, chí ít trong những CôngTy lớn quyết định kinh tế PhuLăngXa như các CôngTy CAC 40 chẳng hạn.

Tiền lời của CôngTy, trên "nguyên tắc" phải dùng để :

– Tái sản xuất = khấu hao thiết bị để tiếp tục sản xuất như cũ.

– Tăng gia sản xuất = đầu tư để sản xuất hữu hiệu hơn, chất lượng hơn, tranh giành thị trường.

– Duy trì hay tăng cổ tức cho chủ tư hữu đích thực của CôngTy, TưBảnTàiChính. Có thể tới mức này : CôngTy lỗ vốn, nhưng chủ cổ phiếu vẫn lĩnh lời !

https://www.lemonde.fr/economie/article/2018/05/14/profits-du-cac-40-la-priorite-aux-actionnaires-de-plus-en-plus-contestee_5298422_3234.html

Riêng với TưBản-CAC40 : tiền cổ tức cho chủ TưBản của 40 hãng TưBản tiêu biểu cho PhuLăngXa, một nửa là TưBản ngoại quốc, mấy năm qua = khoảng 50 G€ !

4.2.1 Tình hình kinh tế PhuLăngXa năm 2017,

(NgânSách của ChínhPhủ)

Sau 40 năm vận dụng cùng một chính sách kinh tế, bãi mìn nổ chậm đại khái thế này, 2017 :

– PIB = 2291 G€

– Nợ TưBảnTàiChính = 99% PIB

– Mỗi năm phải trả nợ = vốn + lãi = hơn 300 G€

trong đó, trả lãi = khoảng 40-45 G€

Đương nhiên, ChínhPhủ PhuLăngXa không có khả năng trả, phải đi vay TưBảnTàiChính để trả nợ TưBảnTàiChính ! Tùy vay nhiều ít với tỷ lệ lời nào, món nợ của NhàNước PhuLăngXa đối với TưBảnTàiChính tăng hay giảm. Khuynh hướng chung, càng ngày càng tăng :

https ://fr.wikipedia.org/wiki/Dette_publique_de_la_France :

dothi

NgânSáchChínhPhủ không nêu món nợ này, chỉ nêu số tiền dùng để trả lãi = 42.67 G€.

https://fr.wikipedia.org/wiki/Dette_publique_de_la_France#Service_et_charge_de_la_dette :

tab5


4.2.2 NgânSáchNhàNước Pháp (2017)
,

phần Thu, khoanh trong những mục trực tiếp liên quan tới những vấn đề ở đây :

TàiLiệu-A :

https://www.performance-publique.budget.gouv.fr/sites/performance_publique/files/files/documents/ressources_documentaires/documentation_budgetaire/chiffres_cles/Chiffres_cles_budget_Etat_2017.pdf

TàiLiệu-B :

https://www.insee.fr/fr/statistiques/2381408#tableau-Donnes

TàiLiệu-C :

https://fr.wikipedia.org/wiki/Taxe_int%C3%A9rieure_de_consommation_sur_les_produits_%C3%A9nerg%C3%A9tiques


RECETTE -THU : EN MILLIONS € - TRIỆU €


% / Thu

RECETTES FISCALES (BUDGET GÉNÉRAL)



Impôt sur le revenu (produit net)

- thuế lợi tức của công dân

73 352

19.15

Impôt sur les sociétés (produit net)

- thuế công ty

29 127

7.60

Contribution sociale généralisée (CSG)

- Đóng góp cho xã hội

99 400

25.94

Taxe intérieure de consommation sur les produits énergétiques

- Thuế sản phẩm năng lượng (*)

17 200

4.49

Taxe sur la valeur ajoutée (produit net)

- Thuế trên GiáTrịThặngDư

149 266

38.96

Taxe sur le tabac

- Thuế trên thuốc lá

12 300

3.21

RECETTES NON FISCALES (BUDGET GÉNÉRAL)

0

0.00

Amendes, sanctions, pénalités et fiais de poursuites

- Phạt, đặc biệt liên quan tới chuyện dùng xe hơi

2 491

0.65

Total

383 136

100.00


(*) Riêng với Thuế sản phẩm năng lượng, TICPE, những tài liệu TàiLiệu-A, TàiLiệu-B, TàiLiệu-C không đồng nhất :

TàiLiệu-A = 10 584 triệu €

TàiLiệu-B = 29 600 triệu €

TàiLiệu-C = 30 500 triệu € (17 200 triệu đưa vào NgânSáchNhàNước, budget)

Có thể có mấy lý do :

a- đằng sau cùng cụm từ, theo thời điểm, có nội dung khác nhau, tùy mỗi chính phủ nhét gì vào đó. Trước kia, cơ bản là đánh thuế trên xăng dầu dùng để chạy xe và sưởi nhà. Năm 2012, ông Hollande đưa thêm vào đó thuế đào thải CO2 để bảo vệ môi trường, còn gọi là taxe carbone.

b- thuế này được phân phối nhiều nơi : NgânSáchNhàNước chỉ nhận một phần.

c- TàiLiệu-A chỉ là dự án cho NgânSáchNhàNước được QuốcHội thông qua, không là thực tế. Tôi không dùng.

d- TàiLiệu-B đáng tin cậy hơn : nó nằm trong một chuỗi theo dõi thuế má của Pháp từ 1995 đến 2017. Nhưng nó không nói rõ số tiền đó là toàn bộ thuế thu được hay là phần của NgânSáchNhàNước. Tôi không dùng.

e- TàiLiệu-C, tuy là của Wikipedia, dựa vào tài liệu chính thức của NhàNước khi lập dự án luật tài chính cho năm 2019, ghi rõ tổng số thuế thu năm 2017 là 30 500 triệu €. Phần đưa vào NgânSáchNhàNước là 17 200 triệu. Tôi dùng số này.

4.2.3 Sách lược kinh tế của ông Macron

Ông Macron chủ trương gì để mở đường cho PhuLăngXa vươn lên ?

Chẳng có gì mới cả. Vũ Như Cẫn. Cơ bản vẫn là đường lối kinh tế của ông Hollande và các vị tổng thống, thủ tướng trước ông. Chính ông Macron đã làm phó tổng thư ký văn phòng tổng thống Hollande, rồi bộ trưởng bộ KinhTế, CôngNghiệp và "Numérique" (thời đại kỹ thuật số). Ông tiếp tục con đường kinh tế mòn trong hoàn cảnh chính trị mới, muốn thực hiện nó nhanh hơn, quyết liệt hơn. Thế thôi.

Nội dung cơ bản thế này :

a- Bớt thuế cho thành phần giàu nhất trong xã hội.

Biện minh : họ sẽ mang tiền của của họ về Pháp, đầu tư phát triển sản xuất của PhuLăngXa, tạo công ăn việc làm.

b- bớt thuế và "GánhNặngXãHội" (charges sociales) cho các CôngTy. Biện minh : họ sẽ lời hơn, mạnh lên, phát triển đầu tư, tạo công ăn việc làm.

c- Bàn dân có công ăn việc làm, sức mua của họ tăng. Cầu tăng thì Cung sẽ đuổi theo, TưBảnTàiChính cũng như các CôngTy sẽ thi đua đầu tư ở PhuLăngXa, phát triển sản xuất kiếm lời, tạo thêm công ăn việc làm.

Món nộm sứa trên, bàn dân PhuLăngXa đã nghe nát óc mấy chục năm rồi. Lại đã chứng kiến biết bao chính khách Tả và Hữu hô hào và thực hiện. Kết quả ? Tỷ lệ người thất nghiệp vẫn xoay quanh trục 10% người ở tuổi lao động. Đời sống bàn dân càng ngày càng khó khăn, lận đận, chỉ nghĩ tới chuyện phải đổ xăng để đi làm cũng rùng mình.

Lấy tiền đâu ra để thực hiện chính sách kinh tế ấy ?

Để bù đắp những lỗ hổng trong NgânSáchNhàNước, cơ bản chỉ có 3 cách :

giảm chi : cắt xén được gì thì cắt. Cơ bản cắt xén những bảo hiểm xã hội, những trợ cấp, những DịchVụNhàNước (service public), v.v. Những gì đã khiến nước Pháp được coi như État-Providence, NhàNước-PhướcThiện.

đi vay TưBảnTàiChính, tăng nợ cho con cháu, thâm hụt ngân sách, vi phạm luật chơi của CộngĐồngChâuÂu. Điều này, ông Macron không muốn tí nào, trừ phi… hè hè.

tăng thuế và …phạt.

a- Thuế lợi tức : năm 2017, hơn 50% hộ gia đình PhuLăngXa được miễn thuế lợi tức vì không có khả năng đóng. Chỉ còn cách tăng thuế đối với thành phần có mức thu nhập cao hơn, tức là "các giai cấp trung lưu", phần trên. Thành phần thu nhập thấp của giới người này, chính là thành phần đang ngày đêm lo ngay ngáy bị hạ cấp !

b- Thuế CôngTy, đương nhiên không thể tăng mà phải hạ.

c- Thuế trên GiáTrịThặngDư, còn gọi là thuế tiêu thụ. Mỗi lần bàn dân mua bất cứ gì đều phải đóng thuế TVA. Đó là thuế chính của NhàNước PhuLăngXa = hơn nửa toàn bộ thuế của NhàNước đối với bàn dân. Nó đã quá cao. Tăng nó có thể khiến bàn dân "nổi loạn".

Chỉ còn lại 3 loại thuế có thể tăng :

d- Thuế sản phẩm năng lượng, đại loại thuế xăng, diesel, dầu lửa, khí đốt, e tutti quanti.

Đó là nhu yếu phẩm, không thể không mua. Từ lâu rồi, chúng được người Pháp gọi là "con bò sữa" (vache à lait) cho NhàNước PhuLăngXa vắt.

e- Thuế trên thuốc lá. Không phải chuyện đùa. Nó lớn hơn nửa thuế CôngTy ! Vấn đề phức tạp, tranh cãi cạn đời không xong. Có thể ghi nhớ : nó chỉ liên quan tới 30%-25% người Pháp, người càng thấp trong xã hội hút thuốc lá càng nhiều, đám trẻ dưới 30 tuổi hút nhiều hơn đám già. Chống nạn hút thuốc lá được dư luận ủng hộ nhiệt liệt. Từ khi Macron lên nắm quyền, ông đã tăng giá thuốc lá 8 lần. Hè hè.

f- Phạt, đặc biệt liên quan tới chuyện dùng xe hơi. Không nhỏ tí nào. Không bàn nữa, cứ để Macron giải quyết.


4.3 Toàn bộ quyền lực trong tay cá nhân


Ông Macron nắm trọn quyền lực NhàNước trong tay : toàn bộ ChínhPhủ và dân biểu LRM trong QuốcHộiHạViện đều từ tay ông nặn ra, không phụ thuộc một đảng phái hay tổ chức chính trị hoặc XãHộiCôngDân nào. Ông không có đối thủ đáng kể và không cần đồng minh.

Từ 50 năm nay, ông là Tổng thống PhuLăngXa đầu tiên không sợ thiếu niềm tin của "những thị trường". Món đó, ông có thừa : "những thị trường" và công đoàn chủ Medef đều hoan nghênh sách lược kinh tế của ông, không có một lời phê phán. Từ khi ông nắm chính quyền, Media và các chuyên gia kinh tế không còn nêu đề tài đầu lưỡi này trong chính trường PhuLăngXa nữa.

Chính vì thế tôi đã từng nhận xét : bản thân ông không có thực lực chính trị. Ông chưa hề lăn lội quần chúng để tranh cử. Ông chưa hề xây dựng cho mình một tư tưởng chính trị làm nền tảng cho một phe cánh trong một tổ chức. Sự nghiệp của ông luẩn quẩn chung quanh những con người nắm quyền lực tài chính hay quyền lực chính trị. Khi gặp khó khăn, ông chỉ có thể tin cậy và dựa dẫm vào một số ít người đã theo ông trong một hành trình không quá 2-3 năm : vài chục ! Những người khác mà ông lôi cuốn từ PheTả, PheHữu, phe đứng giữa, quan chức NhàNước, XãHộiCôngDân, có mấy ai sẽ trung thành với ông tới cùng ?

https://www.liberation.fr/politiques/2018/10/05/sept-ministres-demissionnaires-en-500-jours-y-a-t-il-un-record-sous-macron_1683199

Ngay trong tháng đầu nhiệm kỳ Macron, 4 bộ trưởng từ chức vì lem nhem tiền bạc :

– 3 vị lãnh đạo Đảng Modem, liên minh với Macron trong bầu cử 2017 :

François Bayrou, ministre d'État, garde des Sceaux, ministre de la Justice, bộ trưởng NhàNước, bộ trưởng bộ Luật Pháp và bộ Công Lý.

Sylvie Goulard, ministre des Armées, bộ trưởng Bộ Quốc Phòng.

Marielle de Sarnez, ministre chargée des Affaires européennes, bộ trưởng phụ trách những vấn đề Châu Âu.

Có lẽ Macron bớt thấy vướng chân… Trong 2 cuộc bầu cử 2017, ông François Bayrou đã từng gay gắt cà khịa với Macron và ép Macron nhượng bộ. Phải chia quyền lực, dù khiêm tốn, cũng có lúc mất thú vị.

– một vị thuộc vòng thân tín của Macron :

Richard Ferrand, ministre de la Cohésion des territoires, bộ trưởng Bộ gắn kết các lãnh thổ. Cũng vì lem nhem tiền bạc.

Ông này được chuyển qua làm chủ tịch khối dân biểu QuốcHội của Macron, LRM.

Năm 2018, nội trong 2 tháng, lại có 3 vị bộ trưởng từ chức trong đó có 2 vị nặng cân bỏ đi :

– Nicolas Hulot, ministre d'État, ministre de la Transition écologique et solidaire, bộ trưởng NhàNước, bộ trưởng Bộ Môi Trường Sinh Thái. Vị này tiêu biểu cho XãHộiCôngDân và bỏ đi một cách đặc biệt : tuyên bố trên đài Phát thanh France Inter, không cho tổng thống biết trước !

Để thay thế ông Hulot, Macron lôi François de Rugy, président de l'Assemblée nationale, chủ tịch QuốcHội, và để thay thế François de Rugy, Macron lôi… Richard Ferrand. Để thay thế Richard Ferrand, Macron dùng Gilles Legendre. Richard Ferrand và Gilles Legendre đều không có hậu thuẫn chính trị trong xã hội.

– Gérard Collomb, ministre d'État, ministre de l'Intérieur, bộ trưởng NhàNước, bộ trưởng Bộ NộiVụ. Ông Collomb tiêu biểu cho đám lãnh đạo trong ĐảngXãHội (Parti Socialiste, PS) đã hùa theo Macron ngay từ đầu. Ông Collomb cũng tuyên bố ý định từ chức trên báo L'express mà không báo trước tổng thống. Rồi ông đệ đơn từ chức, bị Macron từ chối, Collomb tiếp tục dùng Media ép Macron phải nhận lời.

Macron lấn cấn khá lâu trong việc tìm người thay thế Collomb. Trong thời gian tìm người đáng tin cậy, thủ tướng Philippe kiêm luôn chức bộ trưởng bộ nội vụ. Báo Marianne mô tả tình hình như sau :

https://www.marianne.net/politique/qui-pour-remplacer-gerard-collomb-le-gros-casse-tete-de-macron

Gérard Collomb le disait d'ailleurs lui-même, le 6 septembre, lors du fameux déjeuner de presse au cours duquel il a éreinté Macron : « Nous ne sommes pas nombreux à pouvoir encore lui parler. Ceux qui parlent franchement à Macron sont ceux qui étaient là dès le début : Ferrand, Castaner, Griveaux et moi… » Or, Richard Ferrand vient de prendre la présidence de l’Assemblée nationale, Benjamin Griveaux est en campagne à peine cachée pour la mairie de Paris. Reste Christophe Castaner, qui s'imagine bien dans le costume mais pourrait difficilement le cumuler avec celui de patron du parti présidentiel.

Chính Gérard Collomb từng nói, trong bữa ăn trưa lừng danh cùng với báo chí, khi ông gò lưng Macron : "Chẳng còn mấy ai có thể nói chuyện với Macron. Những người dám nói thẳng thừng với Macron là những người có mặt ngay từ ban đầu : Ferrand, Castaner, Griveaux và tôi… »" Nhưng Ferrand vừa nhậm chức chủ tịch QuốcHội, Benjamin Griveaux lộ liễu nhắm ghế thị trưởng Paris. Chỉ còn lại Castaner, ông ấy chắc rất muốn khoác bộ áo này, nhưng khó có thể đồng thời làm chủ tịch của Đảng của tổng thống.

Toàn là chuyện hậu cung của quyền lực.

Xử lý quốc gia đại sự, quanh đi quẩn lại chưa tới 10 người.

– Bà Laura Flessel, ministre des Sports, bộ trưởng bộ thể thao, dường như vì lem nhem thuế má.

Có thể kể thêm những sự kiện sau :

– Scandale Benalla, cho tới nay vẫn chưa giải quyết.

– Một đám người trong văn phòng tổng thống bỏ đi, bị đào thải hay đi lo chuyện khác, cho cá nhân hay cho phong trào :

https://www.lejdd.fr/Politique/avec-le-depart-de-sylvain-fort-la-garde-rapprochee-demmanuel-macron-se-disloque-3831878

– Sự phân hóa của nhóm dân biểu Macron, thậm chí phản kháng ra mặt của một số người.

Đủ thấy "lực lượng chính trị" của Macron không tương xứng với quyền lực trong tay ông.


4.4 Cai trị bằng mệnh lệnh (gouverner par décrets)


Macron không chỉ có toàn bộ quyền lực chính trị trong tay. Ông còn có chính nghĩa : danh chánh ngôn thuận. Trong chương trình tranh cử tổng thống, ông nói rõ ông sẽ làm gì, như thế nào.

Như thế nào

Ông sẽ dùng mệnh lệnh (décrets) để cải cách, không mất thời giờ bàn tán trong QuốcHội, điều đình với các công đoàn, e tutti quanti. Ông biết nước Pháp cần gì và tin tưởng ông sẽ thực hiện được mà. Và ông làm như vậy trong 18 tháng đầu cầm quyền.

Làm gì

Có thể đông đảo bàn dân PhuLăngXa không hiểu rõ lắm những chủ trương kinh tế xã hội của ông sẽ đưa họ tới tình trạng nào.

Đằng sau những khẩu hiệu của Macron, có một mớ lý thuyết mơ hồ, một rừng khái niệm và luật đan chéo nhau trong lĩnh vực kinh tế, thuế má, lao động mà chuyên gia chưa chắc hiểu rõ.

Điều chắc chắn, trong Vòng-1 của cuộc tranh cử tổng thống, ông nhận được 18.19% phiếu của CửTri.

Trong Vòng-2, của cuộc tranh cử tổng thống, ông nhận được 43.63% phiếu của CửTri và thắng cử. Lý do :

– 16 187 090 CửTri không tham dự bầu bán. Kỷ lục trong CộngHòa-5.

– Trong số còn lại, tất cả những ai chống xu hướng cực hữu của Đảng của bà Le Pen, dồn phiếu cho ông. Một truyền thống trong chính trường PhuLăngXa.

Với kiểu trình bày kết quả bầu cử ở PhuLăngXa, đa số thiên hạ có lẽ chỉ còn nhớ : Macron thắng với tỷ lệ 66 %. Rất có thể ông tin con số đó biểu hiện một sự thật.


4.5 Tự mình đốt ngòi nổ


Sau khi toàn thắng trong bầu cử tổng thống và bầu cử QuốcHội, Macron-Jupiter phóng tay cải cách nước Pháp. Những mệnh lệnh đầu tiên của Macro rất tiêu biểu :


4.5.1 Giảm chi

Xén 5 € trong tiền trợ cấp thuê nhà cho những ai được hưởng quyền ấy.

5 € = giá một ly bia trong Paris. Nhưng đối với bàn dân nghèo, là giá một bữa cơm gia đình. Đối với sinh viên nghèo, có thể là giá 2-3 ngày ăn.


4.5.2 Dẹp thuế đối với những người giàu có nhất

http://piketty.blog.lemonde.fr/2017/10/10/isf-une-faute-historique/

(Impôt de Solidarité sur la Fortune) thay bằng thuế trên bất động sản (Impôt sur la Fortune Immobiliaire).

Cơ bản là dẹp thuế đối với những di sản (patrimoine) dưới hình thái tài chính. Phải là "người rất giàu" (Hollande) mới có nhiều di sản loại này. Cũng là thứ di sản đẻ ra nhiều lãi nhất


4.5.3 Bớt thuế thuộc "loại cổ tức" cho những người giàu nhất

https://blogs.mediapart.fr/bernard-drouere/blog/091218/la-reforme-de-la-fiscalite-sur-les-revenus-du-capital-flat-tax-est-elle-utile

Prélèvement Forfaitaire Unique (PFU) appelé communément « Flat Tax » = 30%.

"loại cổ tức" ám chỉ những món tiền lời do tiền đẻ ra, tức là một hình thái của TưBảnTàiChính, thí dụ : cổ tức đích thực của chủ cổ phiếu, tiền gửi quỹ tiết kiệm, tiền gửi các hãng bảo hiểm sinh mạng (assurance vie), v.v.


4.5.4 Dẹp QuỹPhúcLợiXãHội

Đây là một cột trụ của cái gọi là NhàNướcPhướcThiện :

https://amvc.fr/PHD/LangThangChuNghia/LienMienKhungHoang.htm

Cơ bản, đó là một món tiền khổng lồ không nằm dưới quyền quản lý của NhàNước TưBản. Đương nhiên, nó là một phần của GiáTrịThặngDư được tạo ra trong một năm tại những CôngTy Pháp, đưa vào 2 quỹ bảo hiểm chính, dưới danh nghĩa đóng góp xã hội của chủ và đóng góp của NgườiLàmCông : QuỹBảoHiểmBệnh, QuỹBảoHiểmThấtNghiệp. Khi người làm công mắc bệnh hay thất nghiệp, 2 quỹ ấy cấp cho nó một số tiền để sống trong một khoảng thời gian. Nguyên tắc quản lý là : mỗi năm giới chủ và giới làm công điều đình chính sách thu-chi. Nếu đạt đồng thuận, NhàNước bảo lãnh. Nếu không, NhàNước quyết định. Thế nào đi nữa, NhàNước không có quyền đụng tới món tiền ấy.

https://la-bas.org/la-bas-magazine/entretiens/Macron-enterre-la-Secu-dans-l-indifference-generale

Mục đích của Macron, cũng là ước mơ 40 năm của chính khách PheHữu, là dẹp càng nhanh càng tốt.

Biện minh : bớt GánhNặngXãHội này cho giới chủ, tăng lương cho giới làm công, vì chẳng ai phải đóng góp nữa !

Vừa lên cầm quyền, Macro liền bắt đầu làm thịt QuỹBảoHiểmBệnh (Assurance Maladie).

Đương nhiên, phải kiếm tiền bù lắp lỗ hổng. Bèn tăng thuế CSG 1.7 %.

Nghệ thuật lãnh đạo KinhTếXãHội có lúc đơn giản thế thôi : cấu chỗ này bù lỗ cho kia, cuối cùng "phe ta" thắng.

Tư tưởng kinh tế vĩ đại này và phương pháp thực hiện nó do thủ tướng ĐảngXãHội Michel Rocard phát minh năm 1991 ! Từ đó các chính khách Tả-Hữu đã không ngừng khai thác nó. Năm 1995, thủ tướng PheHữu Alain Juppé nhại theo và tạo thuế CRDS cũng để "đóng góp trả nợ cho quỹ bảo hiểm xã hội", cho tới nay vẫn thực thi.

Thuế CSG này có một đặc điểm : nghèo hay giàu, bất cứ ai lãnh được bất cứ bao nhiêu tiền đều phải đóng thuế.

Hậu quả : những người đã về hưu, không còn phải đóng góp vào 2 quỹ xã hội trên, đột nhiên phải nai lưng ra gánh với lương hưu trí của mình. Tất nhiên những thành phần thu hoạch dưới 2000 € / tháng được miễn. Thế là phản đối, biểu tình, nhưng chẳng ăn thua gì.

Đó là chuyện nhỏ. Chuyện chính : QuỹPhúcLợiXãHội biến thành một tiết mục trong NgânSáchNhàNước, mỗi năm do chính phủ chủ trương, QuốcHội thông qua. Có trời mới biết được các chính khách sẽ trực tiếp hay gián tiếp xử lý nó như thế nào mỗi năm ? Điều chắc chắn, giới lao động không còn tiếng nói quyết định về vấn đề này nữa.


4.5.5 Cải cách luật lao động

Có lẽ không cần phải bàn. Chỉ là bước tiếp của luật mệnh danh El Khomri, tên bà bộ trưởng bộ LaoĐộng thời Hollande. Dường như nội dung luật đó do Macron và thủ tướng Valls chủ trì.4

Luật El Khomri làm bùng nổ sự chia rẽ trong ĐảngXãHội, đặc biệt trong nhóm dân biểu tại QuốcHội, khiến Hollande phải dùng thủ tục mệnh lệnh để áp đặt nó.

e tutti quanti


4.6 Toàn thắng, ngạo mạn, khinh người


18 tháng liền, Macron dùng mệnh lệnh cải tổ PhuLăngXa, nhanh chóng, yên ả.

Cũng có phản kháng từ các đảng phái, công đoàn, đoàn thể và những tổ chức khác của XãHộiCôngDân. Chẳng ăn thua gì. Trong bãi tha ma chính trị, Macron không có đối thủ đáng kể. Ông dễ dàng toàn thắng, tỏ ra ngạo mạn, thỉnh thoảng có lời phát biểu, kể cả từ ngoại quốc, xúc phạm lòng tự trọng của những tầng lớp bình dân.


4.7 Ngòi pháo bất ngờ


Ngòi pháo khiến hành trình Macron chựng lại rất bất ngờ, là món ăn quen bữa đối với bàn dân PhuLăngXa : mỗi năm 2 lần NhàNước tăng thuế xăng dầu, tháng 1 và tháng 7. Xưa nay, chẳng bao giờ thành chuyện lớn. Bỗng nhiên nó làm tình thế nổ tung.

Do ai và vì sao :

https://www.diendan.org/the-gioi/ao-vang-nhung-bung-binh-noi-gian

Nói chung "những giai cấp trung lưu", cột trụ của thể chế, được tất cả chính khách PheTả và PheHữu đeo đuổi trong những cuộc bầu cử, đã và đang tiếp tục ngộp thở.

https://fr.wikipedia.org/wiki/In%C3%A9galit%C3%A9s_de_revenu_en_France :


Thành phần 10% người Pháp

Thu nhập tối thiểu - tối đa trong năm

Thu nhập trung bình trong năm

Déciles (10% des français)

Limites des tranches (déciles) en euros par an

Revenu moyen dans la tranche en euros par an

D1 (premier décile)

<10 012

7 698 (A)

D2

10 012 et 12 403

11253

D3

12 403 et 14 363

13391

D4

14 363 et 16 201

15297

D5

16 201 et 18 165

17132

D6

18 165 et 20 316

19220

D7

20 316 et 22 969

21565

D8

22 969 et 26 624

24698

D9

26 624 et 33 896

29768

D10

>33 896

50 778 (B)

Rapport D9/D1 et Rapport B/A

3.39

6.6


Đây là thu nhập cá nhân. Một hộ gia đình có thể có 2 nguồn thu nhập : vợ chồng đều đi làm.

Ta biết rằng :

– hơn một nửa hộ gia đình PhuLăngXa được miễn thuế vì không có khả năng đóng. Những hộ gia đình ấy, đại khái, nằm trong lớp người D1-D8  = 80% người Pháp.

– vào Google xem, các CôngTy săn đón những người vay tiền mua nhà quảng cáo : nếu bạn thu nhập trên 3000€/tháng (36000€/năm), hãy đầu tư mua nhà cho thuê để được miễn thuế.

Nghĩa là : đối với khoảng 70-80% bàn dân PhuLăngXa, giấc mơ cố hữu, đi làm, siết bụng, dành dụm để mua một căn hộ che mưa che nắng lúc về già đã tuột khỏi tầm tay hoặc (nếu đã vay tiền mua) đang trở thành ngộp thở. Tiền kiếm được chỉ đủ để thanh toán cuộc sống hàng ngày :

https://www.lemonde.fr/les-decodeurs/article/2018/11/14/que-reste-t-il-apres-avoir-paye-les-factures-le-pouvoir-d-achat-mine-par-les-depenses-contraintes_5383539_4355770.html

Trong cuộc sống ấy, có những thứ chi bắt buộc, không sao tránh : các loại thuế của NhàNước từ trung ương cho tới địa phương, tiền thuê nhà, trả nợ, bảo hiểm, điện, nước, khí đốt, điện thoại, Internet, e tutti quanti.

Số tiền còn lại, thanh toán chi phí di chuyển, trang bị cho đời sống hàng ngày, nghỉ ngơi, quần áo và… ăn.

Đối với 10% người nghèo nhất ở Pháp  = 180€/tháng  = 6€/ngày. Đối với những thành phần bình dân và ở những cấp thấp của "các giai cấp trung lưu" cũng chẳng khá hơn bao nhiêu.

Khi Macron cạo 5€ tiền trợ cấp nhà ở, có lẽ ông không hình dung nổi nó có ý nghĩa nào đối với bàn dân PhuLăngXa.


5. Bế tắc tư tưởng


4 tuần lễ liền, mỗi thứ bảy, phong trào Áo Vàng chặn giao thông ở các bùng binh, biểu tình trong các thành phố lớn và trung bình. Thủ tướng, các bộ trưởng, dân biểu LRM lấn cấn, bối rối, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, không biết giải quyết thế nào. Nói chung, chỉ biết nhượng bộ hờ tranh thủ thời gian, mong phong trào tự nó giảm, nhất là vào lúc mùa đông với những ngày lễ Giáng Sinh và đầu năm mới. Macron thì lặng thinh. Đến ngày 18-12-2018, ông mới lên tiếng. Giỏi. Xứng đáng là con chim đầu đàn của cái chính phủ KhôngTả KhôngHữu và VừaTả VừaHữu này. Đại khái, ông đưa ra mấy biện Pháp sau.

1/ Nhượng bộ 10 tỷ € cho bàn dân tiêu xài

Nhìn theo lối kế toán của các chính khách và chuyên gia kinh tế, đúng là một số tiền lớn. NgânSáchNhàNước đang quẩn tiền không biết cạo ở đâu ra, mà buông một lúc 10 tỷ €, quả là táo bạo !

Chưa chắc đủ để giải quyết vấn đề của hàng chục triệu người. Và giải quyết trong bao lâu ? Có người phản ứng : chỉ là những hạt vụn, trước mắt có thể đỡ ngộp, nhưng tương lai ? sẽ lại Vũ Như Cẫn ?

2/ Kêu gọi các CôngTy thưởng tiền NgườiLàmCông

Có lẽ Macron cũng ý thức : nhượng bộ như thế chưa ăn thua gì nên ông mới ra lời kêu gọi ấy. Ông cầm quyền một NhàNước, cường quốc kinh tế thứ 7 trên thế giới, cần tiền để phục vụ dân sinh, thì cứ đánh thuế nơi nào có tiền, sao lại buông lời cầu cứu, ăn xin tư nhân ? Thế mà chuyện không tưởng tượng được đã xảy ra. Lãnh đạo các CôngTy lớn ở PhuLăngXa đua nhau hưởng ứng, tăng lương, trao tiền thưởng cuối năm. Những món tiền còn lớn hơn nhiều món tiền Macron bán bố cho bàn dân. Cũng dễ hiểu : họ làm chuyện ấy cho một số ít nhân viên lương thấp nhất của họ. So với những món tiền mà Macron đã tặng họ, chẳng ăn thua gì. Chí ít cũng có thể khuyến khích những NgườiLàmCông của họ đứng ngoài cuộc khủng hoảng.

3/ Phát động cuộc ThảoLuậnQuốcGiaVĩĐại, Grand Débat National trong 2 tháng, từ 15/02/2019 đến giữa tháng 3/2019. Giỏi ! Đây mới là sách lược chính trị. Những người Áo Vàng thấy mình đã hay đang bị đào thải ra khỏi cộng đồng xã hội, không có tiếng nói, chẳng ai quan tâm. Macron bảo họ : đừng biểu tình, chặn giao thông, phá radars phạt xe nữa, vào đây, cùng cả nước thảo luận, e tutti quanti.

Phải chi Macron bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng sáng kiến này. Chắc chắn ông sẽ bớt bị phiền hà. Chí ít cũng ý thức được chính trị không chỉ khoanh trong vài con số trừu tượng của NgânSáchNhàNước và những mánh khóe "com" trên Media của chính khách, tránh được những lời nói xúc phạm lòng tự trọng của bàn dân túng thiếu.

Bây giờ có thể là quá chậm :

– xuyên qua gần 4 tháng đấu tranh, ý thức chính trị của bàn dân đã thay đổi, không còn quanh quẩn trong chuyện giá xăng dầu, tràn lan qua đủ thứ lĩnh vực của đời sống quốc gia.

– nhiều người đã oán ghét Macron.

– phong trào Áo Vàng không có đại diện. Trong bãi tha ma chính trị này, Macron đối thoại với ai ? Với các đảng phái đối lập ? Thế thì khác gì đối thoại với nhau trong giới chính khách đã mất hết uy tín ! Với các công đoàn ? Từ lâu rồi, họ chỉ biết lo cho quyền lợi của những đoàn viên của họ : công đoàn PhuLăngXa chỉ thu hút được 10-11 % NgườiLàmCông.

Macron và chính phủ cũng không thể đối thoại trực diện với đích thân những người Áo Vàng. Đòi hỏi của họ quá cụ thể, quá cấp bách và… không nhất thời. Làm sao giải quyết được ?

Cuối cùng, ThảoLuậnQuốcGiaVĩĐại được tổ chức như sau :

– Nội dung : giới hạn trong 4 đề tài mung lung do chính phủ quyết định.

– Tổ chức : cơ bản là các thị trưởng thị xã.

– Tham gia : những người được mời… Thế thôi.

Nó sẽ dẫn tới đâu, giải quyết được gì ? Hạ hồi phân giải.

Trong khi đó, các bộ trưởng chính phủ vẫn loay hoay chung quanh vấn đề : cạo tiền ở đâu cho NgânSáchNhàNước :

https://www.lemonde.fr/les-decodeurs/article/2019/02/25/grand-debat-ces-ballons-d-essais-lances-par-des-ministres-et-aussitot-ecartes-par-macron_5428097_4355770.html

Chẳng có ý gì mới. Cho thấy chính khách KhôngTảKhôngHữu và VừaTảVừaHữu của "thế giới mới" chẳng hơn gì chính khách TảCầmQuyền và HữuCầmQuyền truyền thống của "thế giới cũ". Dễ hiểu : họ là sản phẩm nguyên chất của "thế giới cũ", chỉ lanh lợi thời cơ hơn người khác để vươn lên quyền lực. Tức cười. Bộ trưởng gợi ý, thủ tướng hay tổng thống liền gạt phăng. Không gạt đi, e lại đổ dầu vào lửa và châm thêm ngòi nổ ! Nếu đây là những quả bóng thăm dò dư luận, quý vị đã mau chóng tự trả lời.


6. Một quá trình vừa đặc thù PhuLăngXa vừa phổ cập


Từ ngoài nhìn vào, nước Pháp vẫn như thường, yên ả, chẳng có gì khủng khiếp.

Nhưng 4 tháng qua, những triệu chứng của một cơn khủng hoảng toàn diện đã quá rõ ràng : số bàn dân ngộp thở ngày càng tăng, càng ngộp, mà chẳng ai thấy lối ra.

Trong bãi tha ma chính trị mới này, những mối liên kết xã hội truyền thống đã và ngày càng rã rời. Sinh ra một đám lúc nhúc người riêng lẻ, cô đơn, lạc lõng, bất lực, không khác lắm đám quần chúng từng làm nôi cho sự hình thành của 2 chế độ toàn trị ở đầu thế kỷ 20 mà Hannah Arendt đã mô tả, tuy chưa đói rách, bần cùng, nhục nhã như thuở ấy.

Cũng như xưa, tình hình đó vỗ béo những đảng phái và phong trao chủ trương ChủNghĩaDânTộc, ChủNghĩaQuốcGia, ChủNghĩaYêuNước hẹp hòi, bài ngoại, kỳ thị chủng tộc.

Ở Pháp như vậy, ở khắp Châu Âu, Mỹ, Nhật và một phần lớn thế giới, đều vậy. Có thể đây là khuynh hướng phát triển của thế giới trong vài thập niên tới.

Sẽ chẳng giải quyết được gì. Chỉ có thể gây thêm đau khổ cho một số người di dân, gây chiến tranh và đàn áp đẫm máu trên chính trường quốc tế. Không tài nào giải quyết một mâu thuẫn cơ bản của thời đại này : quyền lợi của TưBảnTàiChính phi quốc gia, phi dân tộc mâu thuẫn với quyền lợi của các quốc gia, các dân tộc, mà TưBảnTàiChính thống trị các quốc gia, các dân tộc về mặt kinh tế, thống trị tư tưởng của chính khách, kinh tế gia trong các nước.

TưBảnTàiChính là chủ nợ lớn nhất của tất cả các quốc gia. Là chủ sở hữu đích thực của tất cả các CôngTy lớn nhất, ít nhất là ở Tây Âu. Là chủ nợ của các CôngTy lớn nhất ở các nước khi chúng vay tiền của ngân hàng hay trên thị trường tài chính để hoạt động. TưBảnTàiChính chỉ "biết" một điều thôi :

Tiền → Tiền + Tiền', Tiền' > 0

càng nhiều càng tốt. Tất cả còn lại đều là chuyện phiếm, không liên quan tới nó.


7. Một viễn tượng khác cho loài người ?


Từ "nổi loạn" ôn hòa đòi quyền sống đàng hoàng, tử tế, có nhân cách, bằng lao động của mình, có thể tiến tới phong trào quần chúng có tổ chức rồi xây dựng đảng hay tổ chức chính trị kiểu mới mở đường tương lai được chăng ?

Tôi không tin lắm.

Phong trào Áo Vàng có những nhược điểm cơ bản :

– thiếu một ÝThứcHệ hoàn chỉnh, rõ ràng, mạch lạc, hiểu được, đại khái đáng tin.

– không có khả năng đưa ra một cương lĩnh chính trị vạch rõ những chặng đường cụ thể cho phép vượt qua sự thống trị của TưBảnTàiChính trên các quốc gia, các dân tộc, dẫn tới một hình thái xã hội khác.

– chưa thu hút được đa số giới trung lưu cấp trên.

– thiếu trí thức tham gia.

Họ có tham gia, có lẽ cũng chẳng biết nói gì như thế nào cho ai nghe. Họ đã xa rời quần chúng bình dân từ khá lâu, họ phát biểu, chưa chắc người ta hiểu họ nói gì. Có lúc, tôi, dường như cũng là trí thức, cũng không hiểu nổi. Amen.

Thú thực, với tôi, trí thức PhuLăngXa ngày nay có thể mang lại cho bàn dân nhiều cách nhìn xác đáng, giá trị, trong nhiều lĩnh vực : khoa học chính xác, xã hội học, tâm lý học, văn học, nghệ thuật, giải trí, e tutti quanti. Nhưng trong vấn đề cơ bản nhất, quyết định tất cả, vấn đề KinhTế-ChínhTrị, thì không. Đại bộ phận họ đã được nhào nặn với những kiến thức, niềm tin, khái niệm và phương pháp suy luận đã từng nhào nặn ra tầng lớp nắm quyền lực kinh tế ngày nay tại các nước Tây Âu và các tổ chức quốc tế, tầng lớp đã tạo ra cuộc khủng hoảng ngày nay. Những người khác không có tiếng nói trên media.

Đơn vị đo lường của quá trình vận động của LịchSử, xưa kia là thế kỷ, thậm chí chục hay trăm thế kỷ. Đầu thế kỷ 21, coi bộ nó co lại. Thế nào đi nữa, không thể là năm, chí ít cũng là một vài chục năm. Đời người vẫn có thể đau suốt trăm năm.

Ôi, phải chi ta biết làm thơ.

Phan Huy Đường

2019-03-02


1 https://www.diendan.org/the-gioi/2017-phulangxa-mat-ro-hoa

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Giai phẩm Xuân 2019, thời sự
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss