Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Dmitri Mouratov: « Nước Nga đã đánh mất tương lai, nhiều người nghĩ thế »

Dmitri Mouratov: « Nước Nga đã đánh mất tương lai, nhiều người nghĩ thế »

- Madeleine von Holzen và Serge Michel/Đỗ Tuyết Khanh dịch — published 06/05/2022 00:14, cập nhật lần cuối 06/05/2022 00:14

Nhà báo Nga Dmitri Mouratov (Giải Nobel hoà bình 2021) :



« Nước Nga đã đánh mất tương lai,
nhiều người nghĩ thế »



Madeleine von Holzen và Serge Michel

(Đỗ Tuyết Khanh dịch)


Dimitri  Mouratov, giải Nobel hoà bình năm 2021


Ngày 3 tháng 5 được Liên Hiệp Quốc công bố là Ngày Tự do Báo chí thế giới (World Press Freedom Day) để khẳng định tầm quan trọng của tự do báo chí và hàng năm nhắc nhở các chính quyền phải tôn trọng những cam kết về quyền tự do ngôn luận ghi rõ trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Đây cũng là dịp để lên tiếng hỗ trợ những truyền thông phải đương đầu với những biện pháp bạo lực cấm cản hay giới hạn tự do báo chí, và để tưởng niệm những nhà báo đã thiệt mạng trong nghiệp vụ.

Các sự kiện đánh dấu Ngày Tự do Báo chí thế giới tổ chức năm nay ở Genève (Thuỵ Sĩ) có sự hiện diện đặc biệt của hai nhà báo nổi tiếng Maria Ressa (Phi Luật Tân) và Dmitri Muratov (Nga) cùng đoạt giải Nobel hoà bình năm 2021. Nhân dịp này, nhận lời mời của nhật báo Thuỵ sĩ Le Temps, ông Dmitri Muratov,  tổng biên tập nhật báo đối lập Novaïa Gazeta, đã có buổi trao đổi với toà soạn, và thổ lộ sự quan ngại trước một cuộc chiến không thấy hồi kết.



Le Temps:  Trong 20 năm có sáu nhà báo của Novaïa Gazeta đã bị sát hại. Có lúc nào ông ngạc nhiên thấy mình còn sống ?


Dmitri Mouratov: Vợ tôi ngạc nhiên, tôi thì không. Có hai câu hỏi không nên trả lời : tại sao người ta chưa giết mình và mình có sợ không. Vì các câu hỏi ấy gắn liền với sự an toàn phải được đảm bảo cho các cộng tác viên của tôi.


Còn vụ hành hung gần đây trên xe lửa cũng miễn bàn ?


Cái này thì bàn được ! Các bạn muốn xem hình không ? (cười) Tất cả mấy cô ở toà soạn bảo tôi đừng cạo đi cái bộ râu đỏ ấy. Chuyện xảy ra trên chuyến xe lửa Moscou-Samara, ba phút trước khi tàu  chạy. Có người bước vào cầm một bình sơn đỏ sặc mùi axeton. Hắn tạt sơn lên tôi và lên cả khoang của toa tàu số 2. Bực nhất là cái áo New York Rangers mới toanh của tôi thế là tiêu tùng. Tôi đuổi theo hắn. Tôi khai báo với mấy người công an ở đó. Đáng để ý nhất là chứng từ của cô kiểm soát viên toa tàu.  Theo cô, tên này tới bảo cô là hắn muốn ngồi cùng với hành khách ghế số 14. Như thế có nghĩa là hắn truy cập được cơ sở dữ liệu kín của công ty hoả xa Nga RJD. Tức là hắn dính dáng tới sở đặc vụ. Cả ba tuần sau vẫn không có cuộc điều tra nào. Vidéo của công an có ghi hình hắn, tôi cũng quay được hắn trên điện thoại của tôi. Hắn bị bắt rồi được thả, không mở điều tra.

Chỉ trong một đêm nhóm tra cứu của Novaïa Gazeta đã nhận diện được tên này, hắn là ai, từ đâu đến. Hắn thuộc về tổ chức các cựu nhân viên lực lượng đặc biệt. Gần đây hắn đã ba lần đổi tên họ. Ở toà thị chính Moscou, cũng như các chỉ huy trưởng lực lượng đặc biệt và các nghị sĩ, ai cũng bảo tôi là sẽ có điều tra, nhưng cho tới hôm nay chẳng có gì cả. Tôi chỉ có thể nói lời biết ơn với các bác sĩ, những bác sĩ mắt giỏi ở Samara và ở Moscou. Tôi bị bỏng mí mắt và viêm màng kết. Phải đeo kính đen. Tôi nghĩ thầm, kính đen và râu đỏ, trông cũng oách đấy chứ.


Ông đã ngừng xuất bản Novaïa Gazeta ngày 27 tháng 3. Không còn cách nào khác sao? Ông đã cầm cự được suốt bao nhiêu năm mà bây giờ khuất phục sau hai lần bị cảnh cáo, trước khi công an ập vào toà soạn ?


Sau cảnh cáo thứ nhì là mất giấy phép hành nghề, mất trang mạng, sẽ bị xoá. Mà trên trang ấy là toàn bộ các tài liệu lưu trữ của chúng tôi, tất cả những phóng sự đã thực hiện được trong 34 ngày đầu của chiến tranh. Chúng tôi biết là sẽ cùng số phận với những truyền thông khác, các cộng tác viên có thể bị truy tố hình sự. Toà soạn chúng tôi đã lấy quyết định duy nhất có thể có. Bảo vệ các cộng tác viên là một trong những trách nhiệm của tôi. Trước đó chúng tôi đã bị phạt nặng từ 10 đến 12 lần, và một chị cộng tác viên bị gán tội là « tay sai ngoại bang ».


Tình hình tài chính của Novaïa Gazeta có khó khăn gì không ?


Trên trang mạng của tờ báo có một chỗ dành cho bạn đọc muốn ghi tên hỗ trợ tài chính cho báo. Tháng ba, trước khi báo đình bản, độc giả đã gửi tặng 17 triệu rúp [khoảng 230 000 quan Thuỵ Sĩ] qua cách này. Chưa có cuộc vận động góp vốn nào đã huy động được nhiều tiền như thế. Độc giả yêu mến tờ báo lắm, có lẽ không phải lúc nào chúng tôi cũng xứng đáng, nhưng chúng tôi cũng yêu độc giả lắm. Thường xuyên trao đổi với họ. Tôi đọc thư họ 24 tiếng trên 24. Thư độc giả, từ Kaliningrad  đến Vladivostok, dán kín tường toà soạn. Đúng là hình ảnh của chúng tôi trong mắt họ tốt đẹp hơn thực tế nhiều. Nhưng chúng tôi cũng không đến nỗi tệ (cười) !

Khi cụm từ « chiến tranh » bị cấm không được dùng, tôi đề nghị đóng cửa báo. Không thể gọi chiến tranh là một « chiến dịch đặc biệt ». Nhưng chúng tôi có hỏi ý kiến độc giả. Trong vòng 24 tiếng, 10 000 người đã biểu quyết và 96% viết : « Hỏi vô duyên quá, chúng tôi có khờ đâu. Cứ gọi cái cuộc chiến này là « chiến dịch đặc biệt » đi và tiếp tục thông tin cho chúng tôi nhờ ! » Thế là chúng tôi vẫn ra báo, được 34 ngày. Đó là yêu cầu của độc giả, một đòi hỏi rất chính đáng. Chúng ta tin tưởng nhau. Ngày hôm nay tiền ủng hộ có giảm nhưng một tờ báo không còn xuất bản vẫn nhận được gần 120 000 euros mỗi tháng. Không còn quảng cáo, không còn báo giấy nhưng thiên hạ vẫn hi vọng tờ báo sẽ trở lại. Họ đã tin ở chúng tôi từ nhiều năm và họ tiếp tục đầu tư cho tương lai họ - và tương lai chúng tôi.


Ông nghĩ cái gì sẽ xảy ra, ngày 9 tháng 5 (1) ?


Ngày 9 tháng 5 sẽ chẳng xảy ra gì cả. Chiến tranh sẽ còn kéo dài lâu. Không có gì sẽ chấm dứt ngày 9 tháng 5. Có lẽ Vladimir Poutine sẽ tuyên bố tái lập lá cờ đỏ. Hay hắn sẽ cho thử một ma thuật hạt nhân nào đó.


Không khí ở Moscou thế nào ?


Chiến tranh đã cắt đứt mọi trao đổi giữa mọi người, chia rẽ gia đình, bạn bè. Có thể thấy trên Facebook : những trường hợp đoạn tuyệt, không còn gặp nhau. Một nỗi cô đơn lớn, kèm theo cảm giác bất lực, trong khi đó giới trẻ tiếp tục bị đàn áp. Đã có 17 100 người bị bắt.


Ông phẫn nộ …


Nước Nga trước đây tuyệt vời! Có cả một tương lai trước mắt, nhưng bây giờ đã đánh mất, nhiều người nghĩ thế. Chiến tranh đã khơi dậy lại những gì tồi tệ nhất ở con người. Nhưng ít ra ở Moscou đa số dân chúng chống chiến tranh.


Sao ông biết ?


Yếu tố xã hội. Giới trẻ, sinh viên, người có học, đại đa số chống chiến tranh. Vì nó tước đi tương lai của họ. Trong khi đó, những người lớn tuổi, khi nghe nói đến phát-xít hay nazi thì nghĩ : « À,  lại trở lại Thế chiến thứ nhì đây. » Vấn đề là ai là người xem truyền hình? Những người đã vay tiền để mua màn hình phẳng ngồi xem 24 tiếng trên 24. Và trên truyền hình, từ sáng đến tối, chỉ toàn là tuyên truyền. Một phòng thí nghiệm khổng lồ với hơn 100 triệu dân.


Ông đã quen quân đội Nga khi là phóng viên chiến trường ở Tchétchénie những năm 1994, 1995. So với những gì ông thấy hôm nay ở Ukraine, có thay đổi nhiều không?


Có thay đổi. Ở Tchétchénie binh lính là những người trẻ 18, 19 tuổi đi quân dịch. Thiết bị bảo hộ của họ nặng hơn 20 kí và vũ khí cũ kỹ. Họ không có kinh nghiệm giao tranh trong thành phố. Tôi nhớ khi lữ đoàn thiết giáp Maïakovski tiến vào Grozny, bản đồ thành phố trong tay họ là những gì kiếm được ở các sạp báo. Người Tchétchène, với kinh nghiệm đã có ở Afghanistan, làm nổ  chiếc xe tăng đi đầu và chiếc đi cuối, rồi giết tất cả những binh lính ở giữa. Tôi đã thấy những người lính ấy.

Trong 25 năm qua, nhờ nguồn tài trợ khổng lồ, quân đội đã được tái vũ trang. Đa số là những quân nhân chuyên nghiệp có hợp đồng. Một số lớn sĩ quan và hầu hết đội ngũ không quân đã tham chiến ở Syrie. Họ có nhiều kinh nghiệm hơn. Đây là một quân đội khác, mạnh hơn nhiều. Phải khâm phục người Ukraine đang chống trả một địch thủ rất dũng mãnh, chứ không phải các tiểu đoàn chịu đủ mọi thiếu thốn hồi chiến tranh đầu tiên ở Tchétchénie.


Vậy mà kết quả chẳng có gì xuất sắc


Tôi không phải là chuyên gia quân sự và vẫn không ai hiểu Poutine muốn gì với cái chiến dịch đặc biệt này, mục đích hắn là gì. Có lẽ bất cứ kết quả nào cũng sẽ được coi là chiến thắng và giải thích sau đó rằng đấy chính là kế hoạch. Song điều rõ ràng là thông tin đưa lên điện Kremlin từ quân đội và lực lượng đặc biệt – theo đó một nửa Ukraine rất háo hức chờ đón quân đội Nga – đã không được minh xác. Phía quân đội nói « chỉ cần hai ba tuần » nhưng đã sắp 70 ngày. Và chưa thấy ngày chấm dứt. Sẽ không có chiến thắng nào cho ngày 9 tháng 5, mà cũng không cách nào bịa ra được. Cứ tưởng là xe tăng sẽ còn án ngữ thêm ít lâu ở ngưỡng cửa Kiev, tới lúc có hoa hồng mọc lên giữa bánh xích của chúng. Nhưng chiến tranh vẫn tiếp tục, chưa lên cả cao điểm và vẫn không ai biết cuộc chiến này sẽ  dùng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật hay không.


Theo ông trách nhiệm cuộc chiến này thuộc về ai ?


Nước Nga đã tấn công Ukraine. Trách nhiệm thuộc về người chỉ huy trưởng quân lực, tức là tổng thống Poutine. Trách nhiệm trực tiếp. Tất nhiên đã có nhiều điều xảy ra trước đây. Chẳng hạn các hiệp ước Minsk đã không được tuân thủ, cả hai bên đã lâm vào bế tắc. Từ mô hình Normandie, rồi nghị định thư Minsk, đến công thức Steinmeier, tất cả những phương án long trọng ấy đều đã đi vào bế tắc. Nhưng ngừng đàm phán không thể là lý do cho phép đi tấn công một nước láng giềng.


Chiến tranh nào cũng dễ xui khiến cái nhìn thiên lệch về các sự kiện … Trong cuộc chiến này, có yếu tố nào mà chúng tôi ở châu Âu đây không nhận thấy ?


Câu hỏi rất chí lí. Điều tôi muốn nêu lên là  có lẽ đây là lần đầu có một cuộc chiến với kỹ thuật số. Ở Tchétchénie, chụp ảnh phải có phim, các máy quay Betacam của truyền hình rất nặng nề. Ngày nay ai cũng có điện thoại thông minh. Chúng ta thấy hết. Thấy trận đánh, thấy nạn nhân, thấy khai quật những tử thi. Thấy Boutcha, Marioupol, Donetsk. Thấy bắn nhau, bên này và bên kia. Chúng ta thấy cảnh ngày lễ Phục sinh ở Odessa, tên lửa rơi vào căn nhà  và giết một đứa bé 3 tháng tuổi. Cộng thêm các hình ảnh vệ tinh chúng ta có thể đối chiếu thực tế chiến tranh với mọi tuyên truyền. Đấy là những công cụ rất hữu ích. Không làm giảm cái thảm kịch nhưng cho nó hiện ra nguyên hình.


Nhưng người ta vẫn không biết ai bắn tên lửa?


Những chuyên viên nghiên cứu dữ liệu, kể cả ở Novaïa Gazeta, dùng các thuật toán. Cho mỗi sự kiện họ có thể định vị địa lý, xác định thời gian chính xác đến từng giây, tìm được năm bẩy nguồn để xác minh, hay không. Chúng ta cũng biết ai kiểm soát khu vực nào, lúc nào. Thế hệ nhà báo ngày nay làm việc như thế,  họ dùng các thuật toán. Ngày nay không thể chỉ cần biết ý kiến của ông này bà kia là đủ. Trước khi tờ báo đóng cửa, chúng tôi từ chối đăng một số tin vì không thể kiểm chứng một trăm phần trăm, để tránh bị chi phối bởi bất cứ tuyên truyền  nào. Đây không phải là chiến tranh thông tin mà là một cuộc chiến tranh có sự tham gia của đội quân thông tin.


Khi bộ máy tuyên truyền Nga bảo rằng người Ukraine tự phá huỷ nhà cửa của mình, giết chết chính đồng bào của mình, ông không tin ?


Vấn đề không phải là tin hay không tin. Khi có tin là tên lửa đích xác bắn ra từ đâu và đến đúng chỗ nào, ai kiểm soát khu vực nào, vấn đề là kiểm chứng thông tin ấy. Còn tuyên truyền có qui luật của nó, vào thế kỷ trước, một cơ quan Anh [bộ phận chiến tranh tâm lý hoạt động bí mật trong Thế chiến thứ nhì – chú thích của toà soạn] đã đề ra những nguyên tắc sau đây : địch thủ dùng vũ khí bị cấm, chúng ta thì không bao giờ ; chúng ta có thể lỡ bắn nhầm, bọn họ thì bao giờ cũng với chủ ý ; chúng ta chiến đấu theo quy tắc còn bọn  họ dùng dân chúng như bia đỡ đạn. Tất cả vẫn thế, chỉ có điều là ngày nay chúng ta có thể kiểm chứng.


Tây phương có thể làm gì để giúp tái lập hoà bình ?


Hơn 13 triệu người dân Ukraine đã bỏ nhà ra đi, một nửa ở lại trong nước, một nửa để tị nạn ở châu Âu. Tôi hiểu sự xáo trộn điều này gây ra, ở Berlin, ở Varsovie, ở Genève, bắt đầu có mỏi mệt. Đang sống yên lành bỗng có cả đám người đến. Người dân châu Âu, nhất là ở Đông Âu, đã biểu lộ một tinh thần đoàn kết vĩ đại. Sự đoàn kết ấy phải được duy trì, đấy là điều quan trọng nhất. Bao giờ cũng phải biết là có một người kém may mắn hơn mình.

Bản thân tôi, và tờ Novaïa Gazeta, cũng muốn tham gia. Trước Ngày quốc tế tị nạn, ngày 20 tháng 6, chúng tôi sẽ tổ chức bán đấu giá huy chương giải Nobel của tôi với giá cao. Bắt đầu là thế. Quan trọng nhất là gây được tiếng vang để có những người khác sẽ đem đến bán những đồ vật họ rất quí.


Tây phương có đúng không khi trang bị vũ khí cho Ukraine ?


Tôi không phải là chiến lược gia. Tôi biết ông Zelensky đã nói chuyện với các lãnh đạo Tây phương và tranh thủ được hậu thuẫn của họ. Quyết định thuộc về quốc hội và nhân dân các nước ấy để không bỏ rơi Ukraine trước một đối thủ to lớn hơn, hùng hậu hơn. Nhưng sẽ có hậu quả. Có thể chí mạng nếu tin vào các tuyên bố của Poutine và Lavrov, vì không thể loại trừ khả năng vũ khí hạt nhân được dùng đến.


Theo ông Tây phương có cách nào khác để thúc đẩy hoà bình ?


Tôi nhận xét là một số chính trị gia Tây phương đã cố gắng tác động lên Poutine. Như Emmanuel Macron, Frank-Walter Steinmeier, Antonio Guterres hay Đức Giáo hoàng. Bạn thân của Poutine đã nói chuyện với hắn, như Gerhard Schröder, Silvio Berlusconi, những người hắn gọi là bạn thân, là đối tác. Tuy nhiên chiến dịch vẫn không ngưng. Các trận đánh vẫn tiếp tục ở Ukraine. Tất cả đều vô tác dụng. Còn có thể làm gì hơn ? Tôi để các bạn trả lời ! Người ta có thể hoặc nói chuyện với nhau hoặc đánh nhau. Giải pháp thứ ba là gì ? Phần tôi lúc nào cũng thiên về đối thoại. Tôi sẽ đối thoại ở đây, Genève. Thành phố này đồng nghĩa với thương thuyết. Hãy nhớ lại cuộc gặp gỡ Reagan-Gorbatchev. Hồi kết của chiến tranh lạnh đã được quyết định ở Genève. Các bên đã đi được đến thoả thuận và thế giới đã thở phào. Nói nôm na, thiên hạ đã được ra khỏi hầm trú ẩn bom nguyên tử. Nhưng hiện nay vẫn không có kết quả nào. Vladimir Poutine có trong đầu hắn bản đồ thế giới của riêng hắn. Và hắn nhất định tin là hắn đúng.


Tây phương có cách nào để không cô lập hoàn toàn nước Nga ?


(Thở dài). Bây giờ chúng ta nói đến các biện pháp trừng phạt. Có nhiều điều tôi không hiểu. Tại sao người Nga không còn sử dụng được thẻ tín dụng ? Hàng trăm ngàn người Nga ở nước ngoài không có phương tiện sinh sống. Họ đâu có quyết định chiến tranh. Có cái gì là trách nhiệm tập thể không? Một dân tộc có thể là một thủ phạm tập thể ? Dân chúng Mỹ có chịu trách nhiệm những gì Trump làm ? Tất cả những người dân Iraq có chịu tội cho những hành vi của Saddam Hussein? Người dân Venezuela cho Maduro ? Người dân Syrie cho Bachar el-Assad? Ở Nga, ngay cả điện Kremlin cũng công nhận 25% dân Nga chống chiến tranh, tức là gần 30 triệu người.

Tôi không nói đến tất cả các thuốc men, chỉ nhắc đến tuỷ sống, chỉ có thể dùng trong vòng 12 tiếng cho một đứa trẻ bị ung thư. Nhưng không còn một máy bay nào có thể bay dưới 12 tiếng từ Đức đến một phòng giải phẫu ở Nga. Tôi muốn được đọc một bài nghiên cứu sâu rộng về tác động của các biện pháp trừng phạt lên chính quyền và lên người dân thường. Cuộc chiến này là quyết định của một người duy nhất, không phải do một dân tộc. Và người này, Vladimir Poutine, đã được sự ủng hộ của chính Tây phương, đã cung cấp hắn vũ khí và tiền bạc qua nhập khẩu khí đốt. Sau 2014, một số nước Tây phương đã lách qua các biện pháp trừng phạt để bán cho Nga 346 triệu euros vũ khí. Vậy Tây phương nhìn chung cũng phạm tội.


Nhưng người Nga đã nhiều lần bầu cho Poutine…


Vâng, đúng thế. Ngược lại với Alexandre Loukachenko [ở Biélorussie], Poutine được ủng hộ. Quả vậy. Người Nga đã bầu đi bầu lại cho Poutine. Và 77% dân chúng đã thông qua sửa đổi hiến pháp biến nước Nga thành một vương quốc trong hệ thống xô-viết. Buồn thay, thực tế là vậy. Cùng lúc, ở châu Âu và ở Mỹ, có nhiều người rất hài lòng với Poutine. Hắn giao khí đốt đúng ngày giờ, giao dầu hoả lúc nào cũng đúng thời hạn, hắn trả nợ sòng phẳng. Hắn cho phép Mỹ dùng sân bay Nga để can thiệp ở Afghanistan, hắn xuất khẩu titan và đất hiếm, cả làng vui vẻ ! Đã bao lần các nhà lãnh đạo Tây phương ghé toà soạn chúng tôi phát biểu về nhân quyền rồi sau đó chạy sang [điện Kremlin] ký giao kèo ? Các bạn biết không, khi ai nói với Poutine về các giá trị của Tây phương, hắn ôm bụng cười. Hắn tin vào buôn bán, hắn không tin vào giá trị. Hãy nhìn kỹ mà xem ! Poutine đã mua được 16 người trong những nhân vật chính trị đình đám nhất của châu Âu. Họ vào hội đồng quản trị các công ti của Nhà nước hay gần gũi với Nhà nước. Bộ trưởng, thủ tướng, dân biểu. Tại sao Poutine mua họ ? Hắn bảo cả đám : « Cút đi. Mấy vị chỉ ôm mấy cái giá trị ấy cho đến khi nhận 1 triệu của tôi. » Tôi có thể cho các bạn tên tuổi của cả đám này, ở Phần Lan, ở Áo, ở Đức. Và có cần nhắc đến ông công tố viên Thuỵ Sĩ Michael Lauber không: Ai là người đã đưa ông ta đi săn bắn ở Kamtchatka đấy? Tuy thế tôi có nói đến trách nhiệm tập thể nào của dân chúng Thuỵ Sĩ đâu. Chính cái vô đạo lý ấy, cái realpolitik,  cái tâm lý hoàn toàn không tin tưởng vào Tây phương đã là cơ sở cho quyết định cá nhân của Poutine khởi chiến.


Phải chăng chỉ có thua đậm ở Ukraine mới có thể bắt Poutine dừng lại? Ông có mong Nga sẽ bại trận ở Ukraine ?


Tôi không biết thế nào là thua trận hay thắng trận trong cuộc chiến này. Là khi nước Nga sẽ chiếm Donbass và bỏ tất cả phần còn lại ? Hay là sẽ chiếm toàn miền Nam đến tận Odessa ? Đối với Ukraine chiến thắng có phải là mất Donbass nhưng giữ được Kiev và Lviv ? Tôi không tin dân chúng Ukraine sẽ xem đó là chiến thắng. Ở Nga, dân chúng, bị chính quyền tẩy não, sẽ không thấy sát nhập hai khu vực bị phá huỷ tan hoang vào nước Nga là chiến thắng. Chiến thắng ở chỗ nào ?


Vậy điều kiện để chấm dứt chiến tranh là gì?


Tôi không biết. Thương thuyết với Poutine đã không đi đến đâu. Anh chính trị gia nào lên nắm quyền ở châu Âu cũng nghĩ là người tiền nhiệm mình dốt nát vì đã không tìm được cách nói với Poutine để có thể hiểu nhau, và mình sẽ làm được việc ấy. Có điều là cái bàn giữa Poutine và các lãnh đạo châu Âu chỉ có ngày càng dài hơn. Thương thuyết đã không đi đến đâu và chiến tranh sẽ không đi đến đâu. Quyết định tối thiểu có thể là ngừng bắn ngay  lập tức, mở ra các hành lang cứu trợ, trao đổi tù binh và di cốt. Có thể đóng băng sự xung đột và chỉ có thế. Nhưng liệu các bên có muốn thế không ? Đâu là chiến thắng có thể nói đến ?


Trong diễn từ nhận giải Nobel ở Oslo, ông nhắc đến những nhà báo rời khỏi Nga. Hôm ấy là ngày 10 tháng 12 (2). Từ đó, hàng trăm phóng viên đã ra đi. Ông có lo nước Nga sẽ không còn nhà báo ?


Tôi tin chắc là việc tiêu diệt các truyền thông độc lập là điều kiện cơ bản của cuộc chiến này. Vì chỉ còn lại bộ máy tuyên truyền để tường thuật những gì xảy ra. Ngày 10 tháng 12 vẫn còn có đài truyền hình Dojd, đài phát thanh Echo de Moscou, Novaïa Gazeta với 27 triệu độc giả, vẫn còn có Taiga Info tại Novossibirsk, Snak ở  Oural,  đài 7/7 ở vùng Komi miền Bắc, TV2 ở Tomsk, Holod, Proekt, v.v. Tôi không thể kể hết tên các truyền thông này, nhưng có hàng trăm như thế. Một khi không còn những truyền thông có quan điểm trái chiều, mới có cơ hội để tuyên chiến. Tôi đồng ý với câu nói của anh chàng Mouratov ngày 10 tháng 12 là các phương tiện truyền thông là liều thuốc trị độc tài. Tôi chỉ có thể đồng ý với anh ta (cười) !


Ông có tiếng là khiêm tốn. Ông bảo giải Nobel lẽ ra phải trao cho những phóng viên Novaïa Gazeta đã bị thủ tiêu, hay trao cho Alexeï Navalny. Navalny, thật không ? Ông nghĩ anh ta là tương lai nước Nga ?


Các bạn muốn ép tôi nói tương lai nước Nga đang nằm trong nhà tù ? Phải hiểu sao đây (cười) ? Navalny được hết sức đông đảo giới trẻ ủng hộ, anh đặc biệt dũng cảm trong mọi hành xử. Song, nếu nhắc đến anh cho tương lai, có nghĩa là sẽ có bầu cử ở Nga? Nếu vậy thì vâng, có thể có một liên minh dân chủ, với những người như Navalny, ra tranh cử. Nhưng ai bảo là sẽ có bầu cử tự do ? Các nhà chính trị học nghĩ mình rất thông minh. Họ nói nếu giới tinh hoa nắm quyền bị  phân tán, mọi thứ đều có thể xảy ra… nhưng giới tinh hoa vẫn còn đó ! Và cái giới này sát cánh quanh Poutine, đâu có thể làm gì khác ? Ngày trước có giai thoại xô-viết này. Trong một tàu ngầm, lặn dưới nước, ông thuyền trưởng điểm danh. « Petrov ? – Có mặt. – Siderov ? – Có mặt.- Ivanov ? Im lặng. – Ivanov ? Im lặng. – Ivanov, tôi biết anh ở đây, anh ở trong tầu ngầm không trốn đi đâu được ! » Có thể mô tả như thế cung cách của giới tinh hoa Nga. Họ chẳng đi đâu được. Chúng ta đang đi về chế độ quân chủ, với triều đại không bao giờ chấm dứt của một người duy nhất. Vậy thì nói đến bầu cử kiểu gì đây?


Làm sao tận dụng cái thế ông có được với giải Nobel ?


Tôi sẽ không làm chính trị và sẽ không nhảy múa trên sân khấu Bolchoï. Cái tôi có thể làm là tổ chức buổi bán đấu giá. Chúng tôi sẽ bán cái huy chương và làm việc với Unicef để giúp tất cả những người tị nạn, ở châu Âu, ở Ukraine và trên đất Nga. Sẽ phải thành lập một quỹ tương trợ các truyền thông lưu vong, để họ có thể tiếp tục hoạt động. Tôi muốn dấn thân cho việc ấy.


Nhưng ông sẽ trở lại Nga ?


Vấn đề không phải là tôi muốn ở đâu mà là tôi phải ở đâu. Ở Moscou hãy còn một phần lớn toà soạn. Toà soạn ấy đã bầu cho tôi. Như vậy có nghĩa là gì ? Những người đã bầu cho tôi ở lại đó còn tôi đứng chụp selfies trước Đài phun nước của Genève cao 147 mét ? Ấy, xin lỗi, 140 mét. Là nhà báo lúc nào cũng phải chính xác.


Madeleine von Holzen và Serge Michel

Đỗ Tuyết Khanh (bản tiếng Việt)



Nguồn : https://www.letemps.ch/monde/dmitri-mouratov-russie-avait-un-avenir-beaucoup-pensent-nen-plus (bài dành cho người mua dài hạn báo Le Temps)

Chú thích :

(1) Ngày 9 tháng 5 là một ngày quốc lễ ở Nga, mệnh danh là Ngày Chiến thắng, kỷ niệm chiến thắng hoàn toàn của các nước Đồng minh chống phát-xít trong Thế chiến thứ nhì. Những lễ hội kỷ niệm ngày này thường được tổ chức trọng thể ở Nga với diễu hành, duyệt binh và cũng là dịp phô trương sức mạnh quân sự và quyền lực chính trị. Vì thế trong bối cảnh chiến tranh Ukraine hiện nay, có nhiều câu hỏi về diễn tiến của ngày này năm nay.

(2) Ngày 10 tháng 12 là ngày ông Dmitri Muratov đọc diễn từ nhận giải Nobel hoà bình ở Oslo (Na Uy).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss